Những Bố Già Châu Á
4. HỌ ĐÃ TRỞ THÀNH BỐ GIÀ NHƯ THẾ NÀO, # 3: CẤU TRÚC CỦA TỔ CHỨC NHỮNG “NÔ LỆ TRƯỞNG” VÀ NHỮNG “CON CHÓ TÂY THEO ĐUÔI ÔNG CHỦ”
Khi một người nói với bạn rằng ông ta giàu lên nhờ chăm chỉ, bạn nên hỏi ông ta: “Sự chăm chỉ của ai?”
DON MARQUIS
Một bố già làm việc chăm chỉ như thế nào? Đây là câu hỏi thật hấp dẫn. Ý kiến thường được chấp nhận là họ làm việc nhiều giờ mà nhiều người khác không thể làm được. Đổng Kiến Hoa, con trai đại gia vận tải biển, người đã trở thành đặc khu trưởng Hồng Kông đầu tiên và thường công khai nhắc đến những phương kế trong cuộc chạy đua của mình, cuối cùng cũng tuyên bố rằng, sự giảm sút về sức khỏe do phải liên tục làm việc 1618 giờ mỗi ngày đã bắt buộc ông phải từ bỏ vị trí cao nhất trong chính quyền Hồng Kông. Các đại gia, từ Bao Ngọc Cương cho đến Lý Gia Thành đều được cho là những người luôn thức dậy trước bình minh và coi khinh khái niệm “ngày lễ”.
Không nghi ngờ rằng, các bố già thường làm việc vào những giờ này. Nhưng bản chất một ngày làm việc của họ không phải là của một giám đốc điều hành bình thường. Như một cán bộ tài chính làm việc cho một đại gia Singapore, và cựu Giám đốc điều hành của doanh nghiệp gia đình Indonesia, đã phản ánh: “Họ làm việc chăm chỉ ư? Họ chỉ làm việc cho mối quan hệ của họ…” Đây là một điểm phân biệt quan trọng. Xét theo mô hình quản lý kiểu phương Tây, các bố già thường được coi như là Tổng giám đốc điều hành. Nhưng trong thực tế, hoạt động của họ giống như những người Chủ tịch luôn luôn quá bận rộn: lập chiến lược, tìm kiếm các thương vụ, đàn đúm với đối tác, nhưng cuối cùng để cho những người khác thực hiện cụ thể những gì họ đã đề ra. Một môi trường hoạt động trong đó các mối quan hệ, sự ủng hộ chính trị và giấy
phép là quan trọng hơn nhiều so với hiệu quả vốn có và sức cạnh tranh toàn cầu của một doanh nghiệp, làm cho điều này trở nên bình thường. Các bố già, và nhân viên hỗ trợ gần gũi của họ, dành nhiều thời gian để đảm bảo các bức ảnh của các đại gia chụp chung với các chính trị gia đang nổi được trưng bày tại văn phòng của họ (và ảnh của các chính trị gia hết thời thì được gỡ xuống), tổ chức các cuộc chơi gôn, bố trí nhà ở, du thuyền và khách sạn cho những người cần được ưu ái, giải quyết vấn đề những đứa con ương ngạnh của các chính trị gia và gửi quà tặng đi khắp thế giới.
Trò chơi gôn là thành phần cơ bản của cái hỗn hợp kinh doanh xã hội này. Hầu như không có ngoại lệ, các bố già đều chơi trò chơi này. Ví dụ, ở Hồng Kông, các đại gia đầu bảng như Lý Gia Thành, Robert Quách, anh em nhà Quách, Lý Triệu Cơ, Trịnh Dụ Đồng đều là những gôn thủ có thâm niên và một số trong bọn họ có sân riêng (bên kia biên giới, ở Trung Quốc đại lục) để mời khách đến chơi. Những nhà độc tài châu Á cũng là những người mê đánh gôn như điếu đổ. Suharto chơi hàng tuần, trong khi Marcos tuyên bố có thể sẵn sàng thách đấu với bất kỳ nhà lãnh đạo nào trên thế giới (vệ sĩ của ông ta bị kỷ luật vì đã lấy chân đá một cú đánh có tính chất cầu may và rất tồi của ông ta ra khỏi phần sân bãi gồ ghề; những người cùng chơi nói ông ta không bao giờ ăn gian). Chơi gôn, hơn bất kỳ hoạt động nào khác, là chất bôi trơn xã hội của các doanh nghiệp lớn ở châu Á. Do đó, sân gôn là một phần của công việc. Cũng tương tự như là tham dự đám cưới và đám tang của các đối tác kinh doanh và các chính trị gia như người Hồng Kông gọi là “làm những việc đỏ và trắng”: đỏ là màu của một đám cưới Trung Quốc, trắng là màu của đám tang. Cũng như là kinh doanh cả trong khi ăn uống; các bố già hiếm khi ăn ở nhà. Và cũng như là các cuộc tiệc tùng và thù tiếp bất tận.
Vì vậy, một ngày của bố già hạng trung rất dài nhưng mang tính giao tiếp xã hội. Vào một ngày điển hình trong cuộc đời của Lý Gia Thành, đại gia giàu nhất châu Á, Lý sẽ được đánh thức trước 6 giờ sáng và từ căn nhà trên đồi Deep Water Bay Road ở bờ nam đảo Hồng Kông đi xuống sân gôn chín lỗ bên cạnh bờ vịnh vào đúng giờ uống trà buổi sáng, 7 giờ. Ông có thể chơi với một hoặc vài tỉ phú khác, họ cũng có nhà ở gần Câu lạc bộ gôn Hồng Kông, cùng với một trong những người điều hành cấp cao
của mình, hoặc với một đối tác kinh doanh mới mà ông muốn thăm dò. Lý đến văn phòng vào lúc 10 giờ sáng. Kể từ khi hoàn thành tòa nhà 70 tầng Trung tâm Cheung Kong án ngữ phía đông của khu kinh doanh ở trung tâm, văn phòng này ngự trên đỉnh một tòa tháp lắp kính và mạ cờrôm màu vàng, với một bể bơi có mái che. Công việc đầu tiên của Lý là kiểm tra xem báo chí có tin gì liên quan đến ông ta hay công ty của ông ta không. Ông nói được tiếng Anh, nhưng thích đọc tiếng Trung Quốc, do đó các phần có liên quan của các báo bằng tiếng Anh được dịch sẵn trước khi ông đến văn phòng. Lý cũng rất quan tâm đến những phóng sự nói về các công ty của mình. Những người làm Lý giận dữ chắc chắn sẽ nhận được một cuộc gọi từ một trong các trợ lý thân cận của Lý hoặc một lá thư từ luật sư của ông. Như đã đề cập trước đây, Lý thường xuyên ra lệnh cho các công ty của ông cắt quảng cáo trên các báo chí đã làm cho ông bực mình. Khi có báo chí, giấy tờ, thư từ trong tay, Lý có thể nhấc điện thoại và nói chuyện với, hoặc cho gọi một hoặc nhiều nhà quản lý cấp cao đến. Hệ thống điện thoại báo cho họ rằng đó là Sếp Lớn đang gọi. Lúc 11 giờ 30, Lý đã sẵn sàng để đi massage. Sau đó, ông dành một chút thời gian để tiếp tục các công việc hành chính đến trước bữa ăn trưa, lúc 13 giờ, chắc chắn cũng là một dạng làm việc. Sau khi ăn trưa, Lý làm việc tại văn phòng một vài giờ nữa trước khi về nhà lúc 4 giờ chiều. Lúc 5 giờ, có thể ông đi massage lần nữa, và sau đó, có lẽ, chơi bài với các đối tác kinh doanh lúc 6 giờ 30. Cuối cùng, một bữa ăn tối để làm việc trước khi nghỉ ngơi lúc 10 giờ tối, và chu kỳ mới lại bắt đầu.
Vì mọi thứ đều có thể tính là làm việc, Lý và các bố già khác có thể làm việc đến 16 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, nhiệm vụ điều khiển doanh nghiệp thực tế được gán cho những người quản lý, để các đại gia có thời gian đàm phán các thương vụ, chơi gôn hay ăn trưa. Có rất nhiều người quản lý như vậy, và trong hầu hết các doanh nghiệp của các đại gia, có thể dễ dàng nhận ra những người thường được gọi là “nô lệ trưởng”
– hay người “đầu tắt mặt tối”. Đây là người đầu tiên được gọi khi bố già muốn làm một cái gì đó. Trong trường hợp của Lý, đó là Canning Hoắc, một Giám đốc điều hành mập mạp với mái tóc muối tiêu luôn bù xù, đôi khi ở trước đám đông, đang đưa cho Lý một chiếc điện thoại di động bằng cả hai tay một cử chỉ thường dùng để lấy lòng của người châu Á, thường sử dụng khi đưa danh thiếp. Hoắc đảm nhận tất cả các
nhiệm vụ lớn nhỏ. Một mặt, ông ta theo dõi khoản tiền đầu tư hơn 20 tỉ đôla trong doanh nghiệp điện thoại di động thế hệ thứ ba. Mặt khác, có thể là gọi điện la mắng những nhà phân tích chứng khoán đã thực hiện một lời chào bán công ty của Lý không tốt. Paul Mackenzie, một nhà phân tích làm việc một thời gian dài ở Brokerage CLSA, người đã bị Hoắc “điều trị”, rất ngạc nhiên là Hoắc có thể tìm được thời gian để làm việc này. “Bạn sẽ nghĩ Canning Hoắc nên làm những việc khác thì tốt hơn,” ông ta nói. Tuy nhiên, công việc của những “nô lệ trưởng” là làm theo những ý thích bất chợt của ông chủ và hành động với tư cách là người thừa hành của ông ta. Canning Hoắc đặc biệt thiên về dọa nạt. Một người ở Hồng Kông nhớ lại khi nghe Hoắc nói về một hợp đồng kinh doanh trong bữa ăn trưa, trước khi người của Lý nói về đối thủ: “Họ sẽ phải hợp tác trong vụ này, nếu không, chúng tôi sẽ đè bẹp họ.” Thực ra là người đó muốn nói, “giống như một cảnh trong phim Bố già”.
“Nô lệ trưởng” là những người phải làm việc tối tăm mặt mũi. Họ được trả thù lao rất cao Canning Hoắc có thể là Giám đốc điều hành có mức lương cao nhất ở ngoài nước Mỹ, ông ta kiếm được khoảng 15 triệu đôla mỗi năm nhưng họ chẳng phải làm gì hơn là phục vụ và tuân lệnh ông chủ của mình, hàng ngày. Hoắc hiếm khi được ngủ đến 2 giờ sáng vì phải có mặt ở văn phòng trước khi Lý đến. “Nô lệ trưởng” của Lý Triệu Cơ, đối thủ xếp sau Lý Gia Thành về sự giàu có ở Hồng Kông, là Colin Lam, Phó Chủ tịch của Henderson Land. Lam sở hữu, theo tiêu chuẩn Hồng Kông, một ngôi nhà nguy nga ở khu vực Vịnh Repulse. Tuy nhiên, ông ta hầu như không bao giờ sống ở đó vì phần lớn đều ngủ qua đêm trong một căn hộ ông ta mua ở đường Tháng Năm tại bờ khác của Hồng Kông. Lý do là để luôn ở gần ông chủ, người có thể cho gọi ông ta vào bất cứ lúc nào. Thật vậy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe vì phải làm việc quá nhiều là mối nguy hiểm chung của mọi “nô lệ trưởng”. Tay sai đắc lực của đại gia người Malaysia Ananda Krishnan là Ralph Marshall, người gốc Ấn, vẫn cứ phải làm việc mặc dù đã có một ca phẫu thuật tim lớn trong những năm gần đây. Một chủ ngân hàng đầu tư, người quen Krishnan mô tả sự cư xử của Marshall như là “một kẻ bắt nạt hàng loạt”. Như là một ví dụ điển hình, người này nhớ lại có lần Krishnan ở châu Âu quyết định gọi điện cho Marshall, ngay cả khi có những vấn đề tầm thường nhất. Khi được nhắc nhở rằng ở Kuala Lumpur đang là 3 giờ sáng, Krishnan trả lời rằng điều
này là không quan trọng và vẫn cứ gọi cho người phụ tá đang ngủ say. Marshall cũng tự kể với tác giả, “Tôi chỉ là một thằng nhóc chạy loong toong trong văn phòng”, ông ta nửa đùa nửa thật. “Nô lệ trưởng” của Robert Quách là Richard Lưu, người thường phải nuốt nước mắt vì sự căng thẳng của công việc, bị bỏ rơi đến chết tại Sân bay quốc tế Kuala Lumpur vào ngày Tết âm lịch năm 2002. Cái chết của Lưu buộc Quách buộc phải tự mình quản lý công việc hàng ngày.
Những người có quan hệ chặt chẽ với các nhân vật “nô lệ trưởng” nói rằng không chỉ là tiền lương, mà cảm giác quyền lực và được gần gũi với các bố già thúc đẩy họ làm việc. Cảm xúc về quyền lực lớn hơn rất nhiều trong một doanh nghiệp đa quốc gia không bao giờ bị ảnh hưởng bởi tình cảm con người, đặc biệt là từ khi vị trí của các đại gia có sự ràng buộc trực tiếp hơn với sự tiếp cận đến các đặc ân về chính trị của họ. Tuy vậy, cuối cùng, địa vị của những “nô lệ trưởng” cũng chỉ là một ảo ảnh. Anh ta có thể được quyền chọn cổ phiếu nhưng quyền kiểm soát doanh nghiệp sẽ không bao giờ được trao cho anh ta; mà nó sẽ qua đi khi đến thời các thế hệ sau của gia đình các đại gia. Với ý nghĩa này, anh ta phải chịu đựng những ý thích bất chợt của một ông chủ hay đổi ý nhưng chẳng để làm gì cả.
NGƯỜI NƯỚC NGOÀI CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
Với định nghĩa như trên, các “nô lệ trưởng” thường là người châu Á. Anh ta thường là người có cùng chủng tộc với đại gia, có thể nói cùng thứ tiếng và tương tác hoàn toàn đầy đủ với gia đình đại gia. Nhưng trong đội ngũ quản lý của một đại gia thời hiện đại, lại có một nhân vật tương phản hoàn toàn. Đây là người thuộc chủng tộc nước ngoài, thường là người châu Âu hoặc người Mỹ. Thường thì có một sự cân bằng về lịch sử nào đó trong việc sử dụng những người như vậy. Trong thời thuộc địa, các ngân hàng và các nhà buôn phương Tây thường dựa vào các nhà tư sản mại bản làm trung gian cho việc kinh doanh với cư dân địa phương. Đó là một vị trí có lợi rất nhiều, tàng chứa những khả năng cho việc đút lót, hối lộ cũng như những khoản hoa hồng hợp pháp. Một ông chú của Stanley Hà, Robert Hà Đông, là nhà tư sản mại bản lớn nhất trong số đó (đối với các công ty Jardine, Matheson) và là người Trung Quốc
đầu tiên được phép sống ở Hồng Kông. Ông ngoại của David Lý là một tư sản mại bản hợp tác với công ty Swire.
Một bố già đương đại chẳng phụ thuộc vào những người nước ngoài như những nhà thực dân đã phụ thuộc vào nhà tư sản mại bản ông ta là một người theo chủ nghĩa quốc tế, thường học ở nước ngoài và nói được tiếng Anh thế cho nên những người nước ngoài vẫn là một thành phần quan trọng đóng góp vào những thành công lớn của các doanh nghiệp ở Đông Nam Á. Ông ta có thể cần một số chuyên gia, năng lực kỹ thuật hoặc cần khắc phục các vấn đề chính trị mà các doanh nghiệp gia đình thường gặp phải.
Cuối thế kỷ XIX, các đại gia như Hoàng Trọng Hàm của Indonesia đã thuê các kỹ sư châu Âu để giúp họ trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị. Nhưng trong thời kỳ sau độc lập, nhu cầu của các bố già ngày càng trở nên phức tạp. Bỗng nhiên, họ là những người liên minh với giới làm chính trị, giữ giấy phép độc quyền và ở một vị trí có thể mua hết hoặc chiếm hết những lợi ích thương mại của các nhà thực dân cũ. Khi quyền lực của họ đã tăng lên, họ cần biết về thị trường toàn cầu và nguồn vốn đầu tư toàn cầu. Trong bối cảnh đó, một sân khấu đã được dựng nên cho sự trỗi dậy của cái được gọi là gweilo running dog (gweilo, từ Quảng Đông có nghĩa là “người ma”, là một uyển ngữ thông dụng trong khu vực để chỉ một người nước ngoài; từ running dog xuất phát từ tiếng Quan thoại zou gou, ngụ ý là một người nô lệ theo hầu ông chủ). Một số “chú chó” của các bố già chẳng mang lại điều gì hơn là khả năng quản lý chuyên môn; những “chú chó” khác, thường là những nhân vật chẳng hay ho gì đã và đang sẵn sàng tham gia vào tất cả các loại hoạt động theo cách thức không chính đáng. Rodney Ward, người đứng đầu dày dạn kinh nghiệm của ngân hàng đầu tư UBS của Thụy Sĩ tại châu Á, gợi ý rằng, đối với doanh nghiệp kinh doanh vô nguyên tắc trong thời sau độc lập: “Các chú chó Tây theo đuôi ông chủ” không chỉ vì hám tiền mà làm việc, bởi họ còn thường được làm nhiều điều mà họ muốn.”
Một trong những người sớm nhất như thế là Charles Letts, một tên cướp biển người Anh đã từng chiến đấu bên cạnh một nhóm người cộng sản trong cuộc nội chiến Tây
Ban Nha, và sau này với những người cộng sản Thái Lan trong Thế chiến thứ hai. Là một người nói tiếng Thái, ông ta đã bị quân Nhật bắt giam. Sau chiến tranh, ông ta đã làm việc cho công ty Jardine, Matheson đóng trụ sở tại Singapore và Malaysia. Nhưng trong kỷ nguyên độc lập, Letts đã ngày càng thấy thất vọng rằng hãng buôn của Anh, và gia đình “đại ban” Keswick vẫn không điều chỉnh theo môi trường kinh doanh mới; ông đã đề nghị đưa các ngôi sao đang nổi của các doanh nghiệp địa phương lên sân khấu kinh doanh nhưng nhanh chóng bị cự tuyệt. Letts kết làm bạn bè với các đại gia Đông Nam Á đang nổi lên như Robert Quách và Quách Lệnh Minh. Trong những năm 1960, ông trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên thực hiện việc buôn bán vượt qua cái giới hạn ghê gớm về chủng tộc. Ông đã cùng hợp tác với Lý Lợi Thành, con trai của một người gốc Hoa rất thành công trong việc khai thác mỏ thiếc ở Malaysia, sau đó chuyển sang kinh doanh đồn điền. Sau khi Malaysia độc lập vào năm 1957, công ty của Anh đã bắt đầu bán hết các cơ sở sản xuất nông nghiệp. Việc này được xúc tiến rất nhanh chóng bởi sự xuất hiện của Chính sách kinh tế mới (NEP) năm 1970. Mặc dù được thiết kế để mở rộng các lợi ích kinh tế của người gốc Mã Lai, trong thực tế, NEP nhắm thẳng đến việc chống lại các lợi ích thương mại của các thế lực thực dân trước đó. Letts và Lý Lợi Thành có một quan hệ đối tác hiệu quả, với Lý là xác định các doanh nghiệp và đất đai ông ta muốn có được, và Letts đã đến London để đàm phán về vụ này. Lý Lợi Thành đã trở thành chủ đồn điền tư nhân lớn nhất Malaysia, tập trung vào cao su, và sau này, vào dầu cọ. Letts, không đáng ngạc nhiên, trở thành một nhân vật bị nghi ngờ trong số những cơ sở kinh doanh nước ngoài. Bây giờ, ở tuổi hơn 80, ông vẫn còn đi đến văn phòng ở Singapore của mình, và mỗi ngày vẫn phục vụ trong ban lãnh đạo của doanh nghiệp tư nhân mà gia đình nhà Lý đang nắm giữ.
Theo trật tự của các đế chế sau đó, cũng hoàn toàn tự nhiên là các bố già Đông Nam
Á tiền bối sẽ tìm nhân tài nước ngoài để sử dụng. Một số cố vấn và nhân sự chủ chốt mà Robert Quách đã thu nạp bao gồm Jacob Ballas, một người Iraq theo đạo Do Thái, người đã trở thành Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Singapore; Paul Bush, một kế toán cấp cao người Anh đã từng làm việc cho Coopers và Lybrand (nay là Pricewaterhouse Coopers) tại Malaysia, và Piet Yap, một người Trung Quốc đã phương Tây hóa, từng
làm việc cho các công ty kinh doanh lớn của Hà Lan ở xứ Indonesia thuộc địa và trở thành một quản lý chủ chốt cho các lợi ích đang lên rất nhanh của Quách tại đất nước này. Giới hạn duy nhất với cái lợi có thể thu được từ việc thuê những tài năng đa sắc tộc là khả năng các đại gia đặt sự tin tưởng vào người nước ngoài đó như thế nào. Trong hầu hết các trường hợp, điều này chứng tỏ một sự gượng gạo. Rất tự nhiên, các doanh nghiệp gia đình thường làm cho người nước ngoài, đặc biệt là “những chú chó Tây” nghi ngờ về sự tin cậy đối với họ. Trên tất cả, một đại gia hạng trung có rất nhiều bí mật cần giữ. Nhưng một bố già, hơn tất cả những người khác, nhận ra rằng một gweilo trả lương hậu hĩnh cũng có thể đáng tin cậy như một người châu Á. Đó là đại gia Lý Gia Thành, chủ nhân tối cao của các gweilo. Theo Simon Murray, người đã điều hành công ty Hutchison cho Lý trong một thập kỷ: “Ông Lý là người hoàn toàn không phân biệt chủng tộc. Ông nhìn vào con người và thấy được giá trị”.
HOÀN TOÀN LÀ MỘT CÁI CŨI
Lý bắt đầu tạo dựng liên minh quan trọng với người Anh trong thập niên 1970. Năm 1979, sau khi nắm quyền kiểm soát công ty Hutchison của Anh trước đây, ông đã tuyển dụng các cán bộ quản lý cấp cao người châu Âu và Bắc Mỹ cho bộ máy của mình. Bao Ngọc Cương, tiền bối của Lý với tư cách là đại gia nổi trội nhất Hồng Kông, đã có cái mà Murray gọi là “những gweilo vô hình”, nhưng Lý đã đưa sự quốc tế hóa lên một cấp độ mới. Trong khi ông tự điều hành doanh nghiệp bất động sản ban đầu của mình là Cheung Kong, “Hutchison đã được điều hành bởi các gweilo, qua đó, Hutchison là một đất nước của các gweilo”“, Murray nói. Các gweilo là sự kết hợp của sự tâng bốc, sự tham lam và tính chuyên nghiệp nhưng tất cả bọn họ đều hữu ích.
Một trong những mối quan hệ sớm nhất và lâu dài nhất của Lý là mối quan hệ với Philip Tose, một người đàn ông có cái tên đồng nghĩa với sự sụp đổ của tập đoàn Peregrine, cho đến năm 1998 vẫn là ngân hàng đầu tư và môi giới lớn nhất châu Á nằm ngoài Nhật Bản. Nó đã sụp đổ với khoảng 4 tỉ đôla nợ nần, và Tose đã bị cấm giữ các chức giám đốc tại Hồng Kông trong bốn năm vì các thất bại về quản trị đóng góp vào sự sụp đổ của Peregrine. Ông ta đến Hồng Kông năm 1972, được cha là một nhà
môi giới chứng khoán gửi đi để thoát khỏi cảnh phải thuê người Anh với giá đắt đỏ và để địa phương hóa đội ngũ nhân viên của Vickers da Costa, khi đó là một trong những công ty môi giới lớn nhất thuộc sở hữu của Anh. Vào thời điểm ngành công nghiệp môi giới địa phương ở giai đoạn trứng nước, ông đã viết những điều mà ông gọi là báo cáo đầu tiên về một công ty Trung Quốc ở Hồng Kông với cái nhìn của một chuyên gia môi giới quốc tế. Doanh nghiệp được xem xét là Cheung Kong của Lý Gia Thành. Sau đó, Tose đã nói với những nhân viên của Peregrine rằng, trước khi công bố, ông đã gửi một bản sao của báo cáo đến Cheung Kong. Khi một người bợ đỡ Lý gọi điện thoại để chỉ ra một lỗi nhỏ, Tose đã in lại toàn bộ bản báo cáo. Đó là sự khởi đầu của mối quan hệ làm việc ba thập kỷ dài với Lý, người mà Tose đã công khai gọi là “một người bạn rất thân thiết”. Khi Tose thành lập Peregrine năm 1988, Lý là một trong những nhà đầu tư của ông ta.
Về môi giới chứng khoán, Tose đóng vai trò là người đầu cơ cuồng nhiệt của Hồng Kông và châu Á. Nổi bật trên lĩnh vực xã hội, ông là một người say mê các đại gia. Đầu những năm 1980, ông đã tán dương đế chế kinh doanh dựa trên gian lận của George Trần, xuất bản một bài đánh giá thẳng thắn về tập đoàn Carrian của mình vào tháng 11 năm 1981, và khẳng định một khuyến nghị mua mới của Vickers ngay trước khi Carrian rơi vào vụ bê bối tham nhũng lớn nhất trong lịch sử các công ty tại Hồng Kông.
Có những lập luận thường xuyên rằng mối quan hệ của Tose với các đại gia gần gũi hơn so với những gì đã biết. Năm 1982, Tòa án xét xử các vụ giao dịch có nội gián đầu tiên của Hồng Kông tiết lộ rằng Tose hướng dẫn các khách hàng của mình mua càng nhiều cổ phần của Hutchison càng tốt trong vòng 24 giờ trước khi Lý Gia Thành thông báo tiếp quản công ty này; một phần cổ phiếu đã chạy vào tài khoản cá nhân của gia đình Tose. Ông ta đã phủ nhận việc giao dịch dựa trên thông tin nội gián, và được hỗ trợ bởi lời chứng của Lý nên được miễn tội. Đầu năm 1991, cựu chuyên gia phân tích của Peregrine, trong một báo cáo nghiên cứu, nói rằng Tose đã can thiệp để ngăn chặn khuyến nghị “bán” được Hutchison đưa ra. “Philip Tose đã xuống phòng nghiên cứu và tự viết lại nó,” một cựu nhân viên nói. Không có cáo buộc rằng sự thay
đổi trong báo cáo đó có liên quan đến một thương vụ của ngân hàng đầu tư, nhưng nó ngụ ý đó là cách làm việc của Tose. Ông ta đã từ chối thảo luận về vụ việc này.
Đầu năm 1996, thị trường chứng khoán Hồng Kông đầy rẫy những tin đồn về có sự điều khiển thị trường khi Peregrine đưa ra một cuộc gọi bán Hutchison. Giá cổ phiếu giảm xuống khoảng 13% và Lý Gia Thành bước vào để mua thêm nhiều cổ phần cho chính mình. Might Peregrine đã giúp Lý có được cổ phần với giá rẻ chăng? Cho đến khi Peregrine nổ tung vào năm 1998, Ủy ban hàng hóa và chứng khoán nổi tiếng là không can thiệp của Hồng Kông đã phải lên tiếng vài lời về công ty này. Peregrine đã bị khiển trách một lần vào năm 1993 vì đã gửi lệnh giao dịch cho các công ty môi giới theo cách thức khác, làm cho thị trường chứng khoán giao dịch sôi động một cách giả tạo so với thực tế.
Kết cục của Peregrine cũng giống như kết cục của bất kỳ nhà điều khiển thị trường giá lên trắng trợn nào. Công ty này không thể sống sót qua một thời kỳ suy thoái về kinh tế. Khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra vào cuối năm 1997, Peregrine bị “lây nhiễm” bởi ba phần tư vốn của nó chỉ được hai công ty bệnh hoạn ở Indonesia vay một công ty taxi ở Jakarta là Steady Safe đã liên kết với gia đình Suharto, và công ty Bột giấy & Giấy châu Á, một doanh nghiệp của bố già Eka Tjipta Widjaya, và là con nợ quá hạn lớn nhất Đông Nam Á. Số tiền đã không trở lại, Peregrine không thể thực hiện được các nghĩa vụ của mình, và do đó gục ngã trong tháng 1 năm 1998. Lý Gia Thành đã không mở hầu bao để cứu Peregrine, nhưng ông đã tỏ rõ lòng trung thành với thương hiệu của mình là một thủ lĩnh đáng tin cậy. Mặc dù người ta đã công khai tất cả các tiêu cực xung quanh sự sụp đổ của Peregrine và tòa án cấm Tose không được điều hành một doanh nghiệp nào, Lý vẫn đưa ông ta vào biên chế của mình với tư cách là cố vấn cho Hutchison. Tại tầng cao nhất của toà nhà Hutchison ở trung tâm Hồng Kông, ông ta vẫn còn lưu giữ các bức ảnh về hiện thân đầy nghị lực của mình như là một vận động viên đua xe Công thức 3 của thập niên 1960. Một tai nạn làm ông ta phải nằm bệnh viện bốn tháng đã kết thúc sự nghiệp đó. Christopher Wood, chiến lược gia về chứng khoán nổi tiếng châu Á, người bắt đầu sự nghiệp là một nhà phân tích tại Peregrine, đã nhận xét về cuộc đời của Tose: “Ông ta không biết đi đường nào
khi đến những lối rẽ.”
Một gweilo khác cũng được Lý Gia Thành tuyển mộ sớm là Alan JohnsonHill, người đã làm việc cho ông với tư cách “trợ lý thứ nhất” vào cuối thập niên 1970. JohnsonHill là cựu giám đốc điều hành tại Công ty chứng khoán Slater Walker của Jim Slater, đã từng tham dự một cuộc chơi giành giật đầy hào hứng ở châu Á đầu thập niên 1970, bao gồm Haw Par, một doanh nghiệp được thành lập bởi đại gia người Singapore là Hồ Văn Hổ. Slater Walker là một công ty đầu tư mạnh mẽ khác đã phá sản, liên quan đến một cuộc điều tra của chính phủ Singapore. Nhiều nghi vấn được tập trung vào công ty chứng khoán Spydar, mà cổ đông của nó là các lãnh đạo cấp cao của Haw Par (trong số đó có Alan JohnsonHill), được thành lập để buôn bán song song với Haw Par và các thương vụ khác, vì lợi ích cá nhân của họ. Một người quản lý của Haw Par là Richard Tarling, bị kết án tù tại Singapore vào tháng 11 năm 1979. JohnsonHill là một trong những người không bị liên lụy. Tuy nhiên, nghi ngờ về sự lạm quyền trong chứng khoán đã không ngoại trừ ông ta. Làm việc cho Lý Gia Thành, ông cũng đã được Tòa án kinh doanh có nội gián đầu tiên của Hồng Kông gọi là người mua cổ phần của Hutchison 170.000 cổ phiếu ngay trước khi đại gia này công bố cổ phần kiểm soát công ty. JohnsonHill nói rằng ông ta đã quyết định mua vài giờ trước khi Lý nói với ông về thương vụ này. Ông đã cung cấp lời khai cho tòa án bằng văn bản, nhưng tại tòa án, ông đã không nói gì để kiểm tra chéo. Sau khi tòa án quyết định ông không có quyền gì để trả lời nữa, JohnsonHill đã trở lại châu Âu, và đã mua một vườn nho ở Pháp.
Mối liên hệ của Haw Par vẫn được tiếp tục với việc tuyển mộ George Magnus của Lý Gia Thành. George Magnus là một nhà quản lý người Anh được thuê để điều hành Haw Par tại Singapore sau khi chính phủ bắt đầu cuộc điều tra về nó. Haw Par đã mua 20% cổ phần tại Cheung Kong của Lý Gia Thành với tư cách đầu tư, một cổ phần làm cho công ty của Lý là một mục tiêu tiếp quản nếu rơi vào những bàn tay khác. Một vài tuần sau khi Magnus từ chức giám đốc điều hành của Haw Par vào năm 1978, người ta đã công bố là Cheung Kong đã được bán cho Lý. Sau đó, Magnus xuất hiện trở lại là một Giám đốc điều hành của Cheung Kong, tiếp đó trở thành Phó Chủ tịch, cũng như
Giám đốc những công ty khác của Lý. Ông làm việc với Lý hơn 25 năm trước khi nghỉ hưu tại một hòn đảo ở Vancouver, và vẫn còn là một Giám đốc không điều hành của Cheung Kong. Năm 1986, Lý, Magnus và các giám đốc của Cheung Kong bị phát hiện là “tham gia vào việc kinh doanh nhờ tin tức nội gián” tại Tòa án xét xử việc kinh doanh nội gián thứ hai của Hồng Kông. Các bản kết tội liên quan đến kinh doanh cổ phiếu tại International City Holdings, một công ty của Lý, chỉ là một hình phạt tượng trưng, vì giao dịch có nội gián đã không được coi là vi phạm ở Hồng Kông cho đến sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Năm 1984, Lý thuê Simon Murray, một cựu quản lý của Jardine, Matheson, người đã từng thành lập doanh nghiệp thương mại riêng của mình, làm Giám đốc điều hành của Hutchison. Murray, cũng được ưa thích và tôn trọng trong giới kinh doanh tại Hồng Kông, được một số nhà quan sát xem như một ví dụ về việc sử dụng gweilo khác. Lý Gia Thành gần đây đã buộc ban quản trị của Hutchison chi trả một khoản cổ tức đặc biệt trị giá 256 đôla, một công việc khó khăn nhất đối với công ty Cheung Kong của Lý, đang cực kỳ túng quẫn vì vụ đổ vỡ bất động sản hồi đầu thập niên 1980. Việc thanh toán vẫn cứ xảy ra bất lời từ chối công khai từ một Giám đốc điều hành cũ của Lý tại Hutchison, rằng công ty không phải là một nhà phân phối tiền mặt. Đó cũng là thời gian Lý đang bị nghi ngờ về giao dịch có nội gián với International City Holdings. Trong bối cảnh này, Murray đã mang lại sự tín nhiệm rất cần thiết khi tuyên bố rằng lãi suất của các cổ đông thiểu số tại Hutchison sẽ được bảo vệ. Ông ta tiếp tục điều hành công ty cho đến năm 1993, khi một số quan điểm khác biệt về tất cả mọi thứ, từ chiến lược đến quan điểm chính trị về tương lai của Hồng Kông – làm cho ông phải ra đi. Lý, thật đúng nguyên mẫu, cẩn thận đảm bảo sự chia tay với Murray là một sự xuống dốc nhẹ nhàng. Ông ta giữ Murray lại ban quản trị của Hutchison và Cheung Kong, và hậu thuẫn cho Murray thành lập công ty kinh doanh chứng khoán của riêng ông ta. Theo mạch tương tự, Hutchison của Lý đã thanh toán gần 3 triệu đôla vào năm 1984 một khoản tiền đáng kể trong những ngày ấy cho ba giám đốc điều hành cấp cao, những người bị đẩy ra rìa khi chia cổ tức đặc biệt. Họ không được vui với cách cư xử của Li, nhưng ra đi một cách nhẹ nhàng.
Khi công việc kinh doanh của Lý mở rộng, có nhiều người nước ngoài được ông ta đưa vào làm việc trong các lĩnh vực chuyên môn hẹp. Hiện nay, hai người Anh đang điều hành hải cảng và các doanh nghiệp bán lẻ cho ông ta. Một người Canada giữ vai trò chủ chốt Giám đốc tài chính tại Hutchison. Dù các gweilo làm gì, Lý sử dụng họ không giống như những đại gia khác. Ông là hiện thân cao nhất của một bố già luôn vận động và ủng hộ chủ nghĩa quốc tế. Tiếng Anh tự học của ông không phải hoàn toàn lưu loát, nhưng nó đủ để giao tiếp với những gweilo của ông. Lý chưa bao giờ sử dụng tiếng Anh tại cuộc họp cổ đông hoặc vào những dịp hiếm hoi khi đám nhà báo quây quanh ông. Vào những thời điểm đó, bản sắc của ông thực sự là người Quảng Đông (dù cái giọng Thiều Châu của ông thật khác biệt). Báo chí địa phương tại Hồng Kông đề cao ông như một danh nhân suốt ba thập kỷ hiệp sĩ Lý, hoặc “siêu nhân” Lý, vì đã tiếp nhận và đánh bại các doanh nghiệp lớn của thực dân. Lý thường dành thời gian tiếp các nhà báo người Quảng Đông mà ông ưa thích. Các nhà báo nói tiếng Anh và các tiếng nước ngoài khác biểu lộ sự ít sùng kính hơn đối với ông nên hiếm khi ông đồng ý tiếp. Ngược lại, các báo này thường nhận được những bức thư đe dọa từ các luật sư của ông. Ba tháng trước khi Lý là một trong những người đầu tiên được gọi là những người kinh doanh dựa vào thông tin nội gián ở Hồng Kông hồi tháng Ba 1986, ông đã được bồi thường thiệt hại khi bị South China Morning Post đưa tin rằng, đúng là ông đã làm như thế.
Lý Gia Thành là một bậc thầy vĩ đại về “múa rối” mặc dù Robert Quách lão luyện hơn trong việc hòa nhập vào các nền văn hóa tinh hoa khác nhau ở khắp khu vực. Lý là một người sử dụng gweilo xuất sắc. Cho dù có được quyền miễn trừ thực hiện nghĩa vụ trong hệ thống lưu thông phân phối của chính quyền thuộc địa Hồng Kông, hay quản lý một mối quan hệ quan trọng với Ngân hàng Hồng Kông (xem chương 5), và cho dù đã tuyển dụng một “chú chó Tây” không có ý thức về luân lý hay thuê một chuyên gia kỹ thuật, Lý đã làm mà không có bất kỳ sự bứt rứt về chủng tộc nào. Đây không phải là chuẩn mực trong khu vực, nơi có lịch sử về thành kiến chủng tộc của chế độ thực dân và các ý niệm về chủ nghĩa ngoại lệ Trung Quốc tạo ra mọi kiểu rối loạn về nguồn gốc dân tộc. Như Chris Patten, Thống đốc cuối cùng của Hồng Kông, nhận xét: “Ông ta không cho phép những lợi thế được chồng chất lên để ủng hộ các
doanh nghiệp của ngoại kiều, những doanh nghiệp đã làm cho ông ta cay đắng.” Lý chỉ tập trung vào những gì, về lâu dài, làm cho ông ta là người chiến thắng. Patten cho biết thêm: “Ông ta là một trong những doanh nhân, rõ ràng là một dạng thiên tài mà tôi từng được thấy.”
NHƯNG TẠI SAO PHẢI HIỆN ĐẠI HÓA?
Kỹ năng điều khiển con người của Lý đã giúp ông, theo đa số các ước tính, trở thành bố già giàu nhất châu Á. Trong khi một số doanh nhân chẳng có gì hơn là một gweilo chỉ mang tính biểu trưng, gần như là lời nhắc nhở về chủng tộc của ông chủ (một “chú chó theo đuôi chủ” đơn độc như thế ở Hồng Kông, được một gia đình danh giá thuê là quá dủ để duy trì một số hoạt động giải trí hàng ngày), Lý đã tô điểm đế chế của mình bằng việc có một giám đốc điều hành thuê từ các doanh nghiệp quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên vai trò của sự độc quyền và cartel trong việc tạo ra tất cả sự giàu có của bố già. Ở Hồng Kông, một số ngân hàng đầu tư suy đoán rằng hai người hưởng lợi hàng đầu khác của chính sách đất đai của địa phương và cartel bất động sản Lý Triệu Cơ của công ty Henderson và gia đình Quách của công ty Tân Hồng Cơ cũng giàu có chẳng kém gì Lý nếu tính đến tất cả tài sản của họ. Không ai bàn cãi rằng không có sự khác biệt đáng kể về tài sản giữa ba người này. Nhưng điều này đã không tính đến một thực tế là Lý và Quách đã chẳng làm làm được gì nhiều với hầu hết các khoản thu nhập của họ hơn là “tái chế” chúng thành các khoản đầu tư thụ động, thường là ở nước ngoài. So với tất cả mồ hôi nước mắt của Lý Gia Thành khi cố gắng xây dựng một tập đoàn toàn cầu với một lực lượng lao động toàn cầu, thì số người vẫn tập trung vào việc “vắt sữa” một thị trường không có tự do thương mại còn rất nhiều. Nhìn chung, các bố già ít đóng góp cho khoa học về quản lý nguồn lực con người. Họ trả lương hậu hĩnh cho những “nô lệ trưởng” và những “chú chó Tây theo đuôi ông chủ” của mình, bởi vì những người như thế thường có gốc gác là những người cán bộ quản lý kinh doanh toàn cầu. Nhưng phần lớn nhân sự trong các tổ chức ngổn ngang của họ có chút gì đó như là những tấm bia đỡ đạn, với mức lương hạn chế bởi sức ép lâu dài của hoạt động nghiệp đoàn ở Đông Nam Á và nhập khẩu lao động nước ngoài rẻ hơn khi các doanh nghiệp lớn có nhu cầu (từ Indonesia đến Singapore, Trung Quốc
đại lục tới Hồng Kông). Doanh nghiệp của các bố già thường trước hết có được một phần độc quyền và sau đó cắt giảm chi phí, chứ không phải là thuê những người giỏi nhất để tạo ra những thách thức trong một thị trường tự do. So với các công ty đa quốc gia, các hệ thống quản lý của họ là tương đối ít và tương đối khó hiểu. Vấn đề dễ hiểu là ý chí của một Ông Chủ Lớn. Trái tim của mỗi doanh nghiệp của đại gia là một ban thư ký, một “nô lệ trưởng” và một đội hình các giám đốc điều hành luôn luôn căng thẳng chờ đợi những chỉ thị tiếp theo của một cá nhân, không bao giờ có thể dự đoán trước được.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.