Những Bố Già Châu Á

Phần I. NHỮNG BỐ GIÀ CỦA MỘT THỜI ĐÃ QUA 1. BỐI CẢNH



“Con người bị mắc vào cái bẫy của lịch sử, còn lịch sử lại mắc vào cái bẫy của con người.”

JAMES BALDWIN, Ghi chép của một người con luôn gắn bó với quê hương (1955)

Bối cảnh kinh tế đương đại của Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore và Hồng Kông được định hình bởi sự tương tác giữa hai thế lực lịch sử: sự di trú và chủ nghĩa thực dân. Sự di trú xảy ra trước. Rất lâu trước khi những nhà thực dân châu Âu đến Đông Nam Á, thì người Ả Rập, người Ấn Độ và người Trung Quốc đã định cư ở vùng này. Những người Trung Quốc tuy đến sau, dồn về từ một nơi được coi là nền kinh tế lớn nhất thế giới cho đến tận thế kỷ XIX, nhưng lại chiếm số lượng nhiều nhất.

Đoạn đầu của câu chuyện dài về những người di cư này được ghi chép hết sức sơ sài. Điều mà chúng ta biết là, cập bến vào những quốc gia phong kiến nhỏ yếu và chắp vá (nơi Thái Lan là quốc gia thống nhất duy nhất có địa giới tương đương như ngày nay), những người mới đến tham gia vào những lĩnh vực làm ăn không mấy quen thuộc. Ở Thái Lan, nơi những ghi chép về lịch sử đầy đủ hơn các nơi khác trong khu vực, những người nhập cư được thuê làm những công việc do triều đình phê chuẩn ít nhất là từ thế kỷ XVI. Người Ba Tư và người Trung Quốc (người Trung Quốc đổ dồn về do sự hợp tác buôn bán quốc tế chủ yếu của Thái Lan) bán những hàng hóa thương mại độc quyền và vận hành các trang trại địa tô, phải trả một khoản tô tức cố định đã thỏa thuận cho các gia đình hoàng gia có quyền ở địa phương. Cho đến cuối thế kỷ XVIII, sử chép rằng người Trung Quốc đã làm việc cho triều đình Thái Lan với tư cách là những người quản gia và kế toán. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, có lẽ là đa số người Ba Tư, Ảrập và những người đến từ tiểu lục địa Ấn Độ được chọn làm quản gia nhiều hơn. Thị tộc Bunnag, vẫn còn nổi bật trong giới công chức dân sự và giới chính

trị Thái Lan, vốn là những người Ba Tư theo đạo Hồi nhập cư từ cuối thế kỷ XVIII, điều hành toàn bộ vùng Bangkok rộng lớn. Ưu thế của người Trung Quốc với những hàng hóa thương mại độc quyền được triều đình phê chuẩn ở Thái Lan trở nên áp đảo vào thế kỷ XIX. Trên đảo Java, ngày nay là Indonesia, có bằng chứng cho thấy những doanh nhân Trung Quốc đã tham gia sắp đặt việc quản lý độc quyền và hành chính cùng với tầng lớp quý tộc Java trước khi người châu Âu đến đây vào thế kỷ XVI.

Trong giai đoạn đầu hình thành nhà nước ở Đông Nam Á, một mẫu hình không bao giờ biến mất đã được phát triển: sự phân biệt chủng tộc trong những người lao động, trong đó người địa phương là những doanh nhân chính trị tập trung vào việc duy trì quyền lực chính trị để chống lại những địch thủ người bản xứ, và về sau, trong quan hệ đối tác với những nhà thực dân Âu, Mỹ và những người từ nước ngoài đến rồi trở thành doanh nhân kinh tế, và như một hệ quả, thành những doanh nhân quan liêu. Tất nhiên là, quyền lực chính trị chiến thắng tất cả những quyền lực khác, và như vậy sự sắp đặt có một ý nghĩa hoàn hảo đối với tầng lớp quý tộc người bản xứ.

Những người nhập cư biết rằng địa vị của họ được chấp nhận bởi xu hướng tiếp biến văn hóa – một quá trình điều chỉnh về văn hóa. Tầng lớp quý tộc Đông Nam Á đã không trở thành những bản sao giống hệt của những người nhập cư làm thuê cho họ; thay vào đó, những người nhập cư phải tiếp biến văn hóa. Điều đó đã xảy ra đối với người Trung Quốc cũng như người Ba Tư, dù những người Trung Quốc nổi tiếng là có một bản sắc văn hóa không phục tùng. Ví dụ, lịch sử cận đại Thái Lan là câu chuyện kể về những người Trung Quốc thành công ở Thái đã nhanh chóng đổi sang quốc tịch Thái. Các vua Thái Lan khuyến khích điều này, phong tước quý tộc cho những địa chủ và viên chức có tiền của người gốc Hoa. Đến tuổi trưởng thành, tất cả người Trung Quốc đều bị buộc phải chọn giữa quốc tịch Thái hay quốc tịch Trung Quốc; nếu họ chọn quốc tịch Thái, họ sẽ cắt bỏ những bím tóc đuôi sam Mãn Châu của mình. Đại đa số các gia đình làm như vậy ở thế hệ thứ hai hoặc thứ ba. Mục tiêu của họ là trở thành nhóm người tinh hoa; sẵn sàng cắt bớt một chút béo bở trong lợi nhuận thương mại to lớn để tránh không bị một rủi ro nào, trong khi những thương gia Trung Quốc chưa được đồng hóa sẽ có thể chịu mọi thứ rủi ro, trong đó có việc phải

trở về đất mẹ. Thật ngạc nhiên đến khó tin là, với quyền lựa chọn đó, người nhập cư Trung Quốc thường thích làm chính trị gia hơn là làm doanh nhân kinh tế. Điều tương tự cũng xảy ra ở Java, nơi những người Trung Quốc thành đạt tìm cách kết hôn với giới quý tộc Java.

Sự chú ý của các sử gia về ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc trên khắp châu Á thật là hoài phí. Việc di trú đến Đông Nam Á – của người Trung Quốc, Ba Tư, người Ả– rập và Ấn Độ thật sự làm sáng tỏ một bài học khác: việc di trú vào những xã hội hiện hữu thường không nói lên nhiều về xuất khẩu văn hóa mà gần như nói nhiều về việc đa số người di trú mong muốn và sẵn lòng trở thành người địa phương. Hơn nữa, sự tiếp biến văn hóa nhanh nhất xuất hiện ở những người đầy tham vọng, dám nghĩ dám làm, những người đã nhận thức được rằng sự tiến bộ kinh tế là tất cả nhưng không thể đạt được nếu không hội nhập với nhóm người tinh hoa ở địa phương. Đây là một bài học mà những bố già đầu tiên sớm học được, và cũng chẳng khó khăn gì khi làm theo, bởi Đông Nam Á là một mảnh đất khoan dung và đầy lòng nhân ái, với dân cư thưa thớt, ít có cạnh tranh về tài nguyên. Đơn giản là, trong kỷ nguyên nông nghiệp, Đông Nam Á được Chúa Trời ban tặng một thiên nhiên trù phú, đặc biệt là so với Trung Quốc và Ấn Độ.

THOÁT KHỎI GÁNH NẶNG

Sự du nhập của những nhà thực dân châu Âu, xảy ra từ thế kỷ XVI nhưng không hung hăng bành trướng cho đến thế kỷ XIX, đã củng cố và sắp xếp lại những xu hướng đã trở nên hiển nhiên. Sự củng cố xảy ra vì chủ nghĩa thực dân ở các nước này không được ủng hộ bằng việc bố trí lại nhân sự quá lớn. Do đó, những nhà thực dân tìm cách cai trị thông qua các nhóm tinh hoa hiện thời, cả hai nhóm tinh hoa chính trị lẫn kinh tế. Sự bố trí lại xảy ra vì chính quyền thuộc địa tạo ra mối quan hệ ba bên, nơi trước đó chỉ có mối quan hệ hai bên đơn giản hơn. Người châu Âu bây giờ đại diện cho quyền lực tối thượng và các lãnh tụ chính trị và kinh tế cần có mối quan hệ với họ cũng như với nhau. Điều này gây ra những hiệu ứng sâu sắc. Với những người di cư đầy tham vọng, nó có nghĩa là họ bắt đầu tiếp biến văn hóa châu Âu vì người

châu Âu đại diện cho quyền thống trị. Tầng lớp tinh hoa chính trị địa phương, theo cách nào đó, cũng chuyển sang các tiêu chuẩn văn hóa châu Âu, khi mối quan hệ ưu việt hơn về văn hóa đối với người nhập cư đáng chú ý nhất là người Trung Quốc – bị đảo lộn. Thái Lan là một ngoại lệ vì chưa chính thức bị chiếm làm thuộc địa. Ở đó, quá trình người Trung Quốc chuyển sang quốc tịch Thái Lan vẫn diễn ra nhanh chóng cho đến đầu thế kỷ XX, khi có sự tăng nhanh về tốc độ nhập cư (do những sự cố chính trị và kinh tế ở Trung Quốc và tính sẵn sàng của các dịch vụ vận chuyển hành khách mới), phụ nữ Trung Quốc đến nhiều hơn, và một làn sóng của chủ nghĩa dân tộc Thái tạm thời làm cho quá trình đồng hóa bị ngắt quãng.

Đó là trường hợp người Hà Lan ở Java, và sau này ở Indonesia, những người không ngừng tập hợp lại dựa trên sự phân chia giữa hoạt động chính trị và kinh tế. Việc kiểm soát khối dân số lớn được thực hiện thông qua tầng lớp quý tộc priyayi ở địa phương, những người tiếp tục cai quản các tỉnh và huyện, với một số nhỏ “cư dân” thực dân Hà Lan làm nền tảng. Các vị trí kinh tế chủ chốt chuyển sang tay người Trung Quốc. Họ là những nông dân tạo ra lợi tức bởi tất cả các loại thuế và hàng hóa thương mại độc quyền, từ phí về sát sinh động vật tới quyền vận hành những khu chợ đã được cấp phép. Trang trại có lợi tức lớn nhất là trang trại chế biến và buôn bán thuốc phiện. Nó trở thành chỗ dựa chính cho thu nhập của chính phủ trong mỗi lãnh thổ mà chúng ta quan tâm, và điều này đặc biệt quan trọng ở Indonesia vì những người bản xứ cũng là những khách hàng lớn; mặt khác, hút thuốc phiện là sự giải trí của phần lớn người Trung Quốc.

Cũng gắn chặt với vai trò kinh tế của người Trung Quốc, người Hà Lan đề cao một nhóm nhỏ những người lãnh đạo cộng đồng người Trung Quốc hùng mạnh (việc nhập cư từ Trung Quốc tăng đáng kể vào thế kỷ XVII), những người trung thành với họ. Những người này trở thành bố già, đại gia đầu tiên của khu vực Đông Nam Á. Người Hà Lan dựng lại một truyền thống do người Bồ Đào Nha khởi xướng – dấu ấn quyền lực châu Âu đầu tiên ở Đông Nam Á – là phong cho người đứng đầu cộng đồng người Trung Quốc tước hiệu đại úy quân đội. Việc này được mở rộng thành một hệ thống sĩ quan hoàn chỉnh bao gồm những thiếu tá, đại úy, thiếu úy một sự phân cấp thứ bậc

tồn tại bền bỉ suốt hai thế kỷ. Những sĩ quan người Trung Quốc giữ một cuốn sổ thống kê dân số người Trung Quốc, đánh thuế và thu tiền phạt những người Trung Quốc, được cấp phép, và những ý kiến của họ rất quan trọng trong những phiên tòa. Họ là những người đầy quyền lực, và đồng thời, thường nắm giữ những trang trại có lợi tức lớn và làm việc như những người môi giới cho người Hà Lan. Hơn nữa, người Trung Quốc bình thường bị bắt buộc sống ở các khu vực được chỉ định của những thành phố đã được phê chuẩn và chỉ được đi lại nếu được cho phép. Những quy định này không áp dụng với nhóm tinh hoa người Trung Quốc và những người làm thuê trong các trang trại có lợi tức của họ. Những cabang atas, hay “nhánh cao nhất”, khi nhóm tinh hoa người Trung Quốc đã được thừa nhận, nắm quyền vận hành đất nước trong khi những người đồng bào – cũng là những đối thủ cạnh tranh tiềm năng của họ về lý thuyết, bị giam hãm trong những khu ổ chuột chốn thị thành. Những điều luật hạn chế đi lại thường bị lờ đi, nhưng những sĩ quan có nhiều quyền lực hơn, kể cả quyền hợp pháp, có thể làm cho cuộc sống của bất cứ ai dám qua mặt họ trở nên vô cùng khó chịu.

Xã hội Trung Quốc tiếp tục quá trình tiếp biến văn hóa ở Indonesia, với các thế hệ kế tiếp những người nhập cư đang mất đi sự thành thạo với ngôn ngữ Trung Hoa của họ và trở nên quen thuộc với những phong tục địa phương. Nhưng khi người Hà Lan mở rộng quyền lực sang khu vực quần đảo, thì càng khuyến khích những người nhập cư đầy tham vọng tìm kiếm việc làm trong những gia đình của vua chúa Java hoặc kết hôn với tầng lớp quý tộc priyayi. Mặt khác, xã hội châu Âu da trắng dung thứ các cuộc hôn nhân hỗn hợp, khác chủng tộc và sự đồng hóa đối với nhóm người Hà Lan. Không giống như ở Thái Lan, nơi sự hội nhập đầy đủ với tầng lớp tinh hoa cầm quyền là có thể, những gì xảy ra ở đây là một bản sắc “ngôi nhà giữa đường” đã được tạo nên. Vào khoảng thế kỷ XIX, người Trung Quốc nói tiếng Mã Lai (ngôn ngữ dùng để buôn bán ở bản xứ), tuân theo một nền văn hóa gồm cả yếu tố miền nam Trung Hoa lẫn yếu tố Java, trong khi hướng tới thực dân Hà Lan vì muốn có được đặc ân và sự tiến bộ, để gia nhập một nhóm lớn gọi là peranakan. Những peranakan hàng đầu, những người lãnh đạo xã hội Trung Hoa làm việc với người Hà Lan như những sĩ quan để giữ cho cư dân Trung Quốc trong khuôn phép; họ đấu thầu được các trang trại có

lợi tức; và họ làm việc với các priyayi ở địa phương để bảo vệ những trang trại của họ, thường bị bọn buôn lậu − đặc biệt là buôn lậu thuốc phiện, quấy phá. Những doanh nhân thành đạt nhất phải là người có nguồn gốc Trung Quốc, ít nhất họ phải hòa nhập về văn hóa với những cư dân Hà Lan, với tầng lớp quý tộc priyayi và sự hòa trộn huyết thống mang tính tiến hóa.

Một tình trạng tương tự như vậy cũng diễn ra ở Philippines, nơi người Tây Ban Nha đã đến sau khi vượt Thái Bình Dương, ngang qua các thuộc địa của họ ở Mỹ La tinh, vào cuối thế kỷ XVI. Không giống những nhà thực dân Anh và Hà Lan những người đại diện cho hàng hóa thương mại độc quyền và Công ty Đông Ấn thuộc Anh sứ mệnh của thực dân Tây Ban Nha là một sứ mệnh tôn giáo và chính trị không hề úp mở. Nó tìm cách làm cho những người Philippines cải trang theo Đạo Thiên chúa. Về phương diện này, người Trung Quốc, những người đã buôn bán ở khu vực Manila khi người Tây Ban Nha đến, cảm thấy rất khó chịu. Người Tây Ban Nha cần người Trung Quốc để cung ứng cho binh lính của họ và buôn bán những hàng hóa xa xỉ của Trung Quốc; còn người Trung Quốc lúc đầu đã kháng cự lại những người theo Đạo Thiên chúa. Tiếp theo đó, có sự cách biệt thật phiền toái, được đánh dấu bởi hàng loạt cuộc tàn sát đẫm máu trong suốt thế kỷ XVII. Đồng thời, người Tây Ban Nha ban thưởng cho những người Trung Quốc cải theo Đạo Thiên chúa và những người đã kết hôn với phụ nữ địa phương bằng mức thuế thấp hơn, quyền tự do đi lại và khả năng gia nhập nhóm tinh hoa chính trị của địa phương. Một quá trình tiếp biến văn hóa bắt đầu, vào năm 1800 ước tính đã có 120.000 người Trung Quốc lai thổ dân – tiếng Indonesia gọi là peranakan – so với 7.000 người Trung Quốc thuần chủng và 4.000 người da trắng ở Philippines; chiếm khoảng 5% dân số. Sự kiểm soát chặt chẽ về số lượng người Trung Quốc thuần chủng được phép cư trú tiếp tục khuyến khích việc phát triển xã hội người lai thổ dân.

Những người lai thổ dân thống trị việc buôn bán quốc tế tại quần đảo này và ngày càng tiến sâu vào việc chiếm giữ đất đai. Người Tây Ban Nha luôn luôn lo sợ rằng họ sẽ lãnh đạo những người Indonesia bản xứ nổi loạn, nhưng trên thực tế, người lai Trung Quốc ít nhất là gắn liền với phiên bản Philippines của văn hóa Tây Ban Nha với

tư cách là người Indonesia đã được đô thị hóa, từ bỏ phần lớn sự quyến luyến với văn hóa Trung Hoa. Ở Indonesia cũng như Malaysia, họ có những kiểu quần áo của riêng mình và những phong tục phản ánh một nền văn hóa pha trộn.

KỶ NGUYÊN CỦA SỰ DI TRÚ HÀNG LOẠT

Từ giữa thế kỷ XIX, hình mẫu của sự di cư số lượng nhỏ và số người Trung Quốc thường trú đã đồng hóa sâu sắc bắt đầu thay đổi. Có hai nguyên nhân. Trước hết, số lượng người nhập cư tăng theo cấp số nhân. Và thứ hai, mục tiêu của các thế lực thực dân cầm quyền vừa thay đổi lại vừa được mở rộng.

Công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự bùng nổ di trú. Những con tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên đưa vào sử dụng từ những năm 1840, được sử dụng rộng rãi để chuyên chở hành khách ở châu Á vào những năm 1860. Cái gọi là Cuộc chiến tranh thuốc phiện 18391842 và 18561860 thúc đẩy việc mở ra các hải cảng lớn ven biển Trung Quốc, đặc biệt là những trung tâm di trú truyền thống của miền nam, và những trung tâm này nhanh chóng được kết nối với nhau bằng tuyến tàu chạy bằng hơi nước tới các hải cảng lớn của Đông Nam Á. Nhiều cuộc di trú được xác định bằng điểm đến của tuyến tàu chạy bằng hơi nước của địa phương. Ví dụ, việc mở một dịch vụ từ Hải Khẩu của tỉnh đảo Hải Nam tới Bangkok là lý do chính giải thích rằng nhiều người có tổ tông gốc Hải Nam đang sống ở Thái Lan. Những ước lượng chính xác nhất cho biết vào khoảng năm 1850 có nửa triệu người gốc Hoa, lai và không lai, sống trên những lãnh thổ mà chúng ta đang khảo sát. Họ tập trung nhiều nhất ở Thái Lan và Indonesia, cùng với Hồng Kông, Singapore và Malaysia (chưa sáp nhập chính thức vào đế quốc Anh). Trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất, có 34 triệu người gốc Hoa trong khu vực, phần lớn thuộc thế hệ thứ nhất. Có một danh sách ngày càng dài các lý do làm cho người ta rời khỏi Trung Quốc. Đất nước này chịu sức ép lớn về dân số từ thế kỷ XVIII. Những cuộc bạo loạn xảy ra với tần số ngày càng tăng, tạo ra những xung đột lớn giữa thế kỷ XIX: các cuộc bạo loạn của người Hồi giáo ở miền tây nam và tây bắc Trung Quốc, các cuộc khởi nghĩa Niệp Quân và Thái Bình Thiên Quốc ở những tỉnh thuộc trung nguyên. Cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc được một người tin rằng

ông ta chính là em trai của Đức Chúa Giêxu và một người cấp phó tự xưng là Thần Ma lãnh đạo đã gây ra rắc rối lớn nhất; nó đã lấy đi sinh mạng của hàng chục triệu người trong những thập niên 1850 và 1860.

Khi những con tàu chạy bằng hơi nước đưa họ ra khỏi nơi mà một sử gia gọi là “một môi trường theo thuyết Mantuýt triệt để”, những người Trung Quốc ở miền nam nhận thấy điểm đến Đông Nam Á với dân cư thưa thớt và tương đối thanh bình có sức lôi cuốn nhất: giá trị ngày công lao động lớn gấp nhiều lần ở quê hương. Vào giữa thế kỷ XIX, Thái Lan chỉ có 5 triệu dân, Malaysia có 2 triệu rưỡi và Indonesia có 23 triệu (Java là một nơi tương đối đông dân ở Đông Nam Á), bằng khoảng một phần mười dân số ngày nay. Những người di trú may mắn hơn được những người họ hàng hoặc bà con thân tộc đã định cư ở nước ngoài giúp đỡ, cả về tài chính lẫn công ăn việc làm.

Ngọn triều dâng của những người lao động nhập cư xảy ra trùng với bình minh của cái gọi là “chủ nghĩa đế quốc cấp cao” từ giữa thế kỷ XIX, và sự bùng nổ các mặt hàng đòi hỏi nhiều lao động có sức khoẻ và dẻo dai tiếp tục xảy ra vào thế kỷ XX. Từ những năm 1830, những hàng hóa độc quyền thương mại của Anh và Hà Lan bị hủy bỏ và các quốc gia châu Âu nắm quyền quản lý thuộc địa ở Đông Nam Á. Một hiệp ước giữa Hà Lan và Anh năm 1824 phân chia những khu vực riêng về lợi ích báo trước một chiến dịch: người Hà Lan sẽ kiểm soát toàn bộ quần đảo Indonesia, và sau này là sự hiện diện của người Anh ở bán đảo Malaysia. Việc trực tiếp kiểm soát thuộc địa đôi khi là điều kiện quyết định cho sự phát triển những đồn điền mới rộng lớn hoặc những hầm mỏ – như ở bán đảo Malaya, nơi những hầm mỏ nhỏ của người Trung Quốc đã được thiết lập xảy ra sau sự kiện này. Ở một mức độ nào đó, có sự thúc đẩy mâu thuẫn chính trị ở châu Âu – một mặt để mở rộng các giới hạn của chính quyền thực dân, mặt khác để bãi bỏ nhiều lĩnh vực thương mại và đầu tư quốc tế. Trong một kỷ nguyên được mô tả bằng những ghi chép của Ricardo và Adam David Smith, cả Singapore (1819) lẫn Hồng Kông (1842) đều được thiết lập với tư cách là những hải cảng tự do không có sự hạn chế hoặc đánh thuế thương mại. (Những thứ thu được ở thuộc địa này cũng phản ánh lòng ham muốn kiểm soát các hòn đảo chiến lược của đế

quốc Anh.) Một Thống đốc Hồng Kông đã thuyết phục người Thái Lan bãi bỏ các quy định về buôn bán bằng Hiệp ước Bowring vào năm 1855. Thậm chí những người Philippines lai Tây Ban Nha cũng chuyển sang hướng này, chấm dứt sự độc quyền thương mại của những tổng đốc cấp tỉnh vào năm 1844 và mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài. Vì cách mạng công nghiệp đã bỏ qua Tây Ban Nha nên nền thương mại bị các công ty Mỹ và Anh thống trị, với cờ hiệu nhỏ hơn một chút để nhắc nhở những nhà buôn rằng họ đang ở trên đất Tây Ban Nha.

Vào nửa cuối thế kỷ XIX, những quan điểm về sự bùng nổ do toàn cầu hóa, ở một vài khía cạnh nào đó, đã báo trước một điều sẽ bắt đầu trong những năm 1890. Động lực thúc đẩy nhu cầu là thế giới thiếu hàng hóa nông nghiệp và khoáng sản hoặc đang được chôn giấu dưới lòng đất Đông Nam Á, hoặc có thể được gieo trồng ở đó; những vùng đất rộng lớn luôn sẵn có để thành lập các đồn điền. Sự hỗ trợ của công nghệ cùng với việc mở cửa kênh đào Xuyê năm 1869 và đồng thời, việc phát triển những con tàu chạy bằng hơi nước đã cho phép vận chuyển quanh năm khối lượng hàng hóa lớn với chi phí thấp. Các thiết bị toàn bộ dư thừa và rẻ nhờ có nguồn lao động nhập khẩu là người Ấn Độ và Trung Quốc.

Thật công bằng khi nói rằng phần lớn người Ấn Độ được nhập khẩu để làm việc trong các trang trại ở những thuộc địa của Anh và những phần đất của Indonesia, một số lao động chân tay phục vụ trong những dự án công trình công cộng và làm người hầu của các công chức thực dân; một nhóm tinh hoa nho nhỏ gồm những doanh nhân Ấn Độ bao gồm người Parsees, Sindhis và Chettiar – trải rộng khắp khu vực. Những người nhập cư Trung Quốc thống trị lĩnh vực khai mỏ, nhưng cũng tản rộng sang lĩnh vực bán buôn, bán lẻ ngày nay gọi là các dịch vụ hậu cần nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác. Điều này phản ánh một thực tế là người Trung Quốc bậc trung được tự do hơn trong việc lựa chọn quyết định nhập cư. Phần lớn những người di cư Ấn Độ, trong khoảng thời gian giữa năm 1850 và Chiến tranh Thế giới thứ nhất, được ký giao kèo làm lao động nông nghiệp, có nghĩa rằng họ ký hợp đồng để làm việc ở các đồn điền, được chở tới những đồn điền đó và sống tập trung trong những lán trại, sau một thời gian – nếu họ sống sót thường được gửi trả về Ấn Độ. Người miền Nam Trung Quốc

sử dụng các hệ thống tín phiếu, có nghĩa là những người di trú bị ràng buộc vào chủ sử dụng lao động cho đến khi họ đã trả hết chi phí di trú của họ, cả vốn lẫn lãi, nhưng sau này họ được ở lại Đông Nam Á và hòa nhập vào những cộng đồng người Trung Quốc ở hải ngoại đã được thành lập, chủ yếu là ở khu vực thành thị và bám rễ đã hàng thế kỷ. Một báo cáo của Liên hiệp quốc về sự di trú được xuất bản năm 2004 đã làm một việc dũng cảm là cố gắng tập hợp những ghi chép có tính lịch sử của người Ấn Độ và kết luận rằng, có khoảng 30 triệu người Ấn Độ đã đi đến các vùng đất trên khắp thế giới từ năm 1834 cho đến năm 1937, nhưng 24 triệu người đã trở về. Chúng ta không biết tỉ lệ người Trung Quốc trở về vì Trung Quốc không có những ghi chép tầm quốc gia có thể so sánh với những gì người Anh và người Ấn Độ còn giữ được, nhưng chắc chắn là tỉ lệ này thấp hơn nhiều.

Sau đây là một luận điểm quan trọng. Có rất nhiều người Ấn Độ ở khắp khu vực Đông Nam Á thuộc địa nhưng họ không đóng vai trò quan trọng đối với các nền kinh tế địa phương trong một thời gian dài, bởi vì hầu hết họ không ở lại đủ lâu để có thể hòa nhập vào xã hội. Gần giống như người Trung Quốc, họ cũng là một nhóm người bị chà đạp nhưng bất hạnh hơn. Những arkatia hay những nhà tuyển dụng Ấn Độ người tổ chức đem nhân công xuất khẩu ra nước ngoài rất chú trọng đến các nhóm thiểu số ở dưới cùng của nấc thang đẳng cấp (không có khái niệm tương đương về xã hội học ở Trung Quốc), giống như người Tamils đến từ phía nam hoặc những người thuộc các bộ lạc sống ở vùng đồi núi đông bắc. Những người này làm hài lòng các ông chủ đồn điền và chính quyền thực dân vì – không giống như người Trung Quốc thường tự cao tự đại hơn – họ chẳng hề gây ra một rắc rối nào. Ngài Frederic Weld, giám đốc Cơ quan định cư từ năm 1880 đến năm 1887, khi bàn giao công việc đã có một nhận xét về số lượng ngày càng gia tăng những người Ấn Độ được nhập khẩu vào khu vực này như sau: “Những người Ấn Độ là một chủng tộc yêu hòa bình và dễ cai trị.” Có lẽ ông ta không nhận thức được rằng, ông ta đã nói về một nhóm người Ấn Độ không mấy tiêu biểu. Nông sản ban đầu đã lôi kéo người châu Âu tới Đông Nam

Á là những đồ gia vị, được sử dụng chủ yếu để ướp thịt trong thời kỳ trước khi có công nghệ làm lạnh nhân tạo. Nhưng trong thế kỷ XIX, đã xuất hiện thêm nhiều giống cây trồng khác có thể thu được tiền mặt, trong số đó mía đường ở Philippines và Thái

Lan là quan trọng nhất. Sau đó đến thiếc, đầu tiên được những người Trung Quốc khai thác ở Indonesia nhưng sau này được phát hiện với trữ lượng nhiều hơn ở Malaysia và miền nam Thái Lan. Vào thời điểm chuyển giao thế kỷ có cao su, và trong sản xuất cao su thì lao động người Ấn Độ vượt trội hơn nhiều, và đó là đầu vào cho buổi bình minh của xe ô tô và nhiều sản phẩm tiêu dùng khác. Cũng đã có sự bùng nổ các mặt hàng tiêu dùng trong khu vực và các tiến bộ về công nghệ tiếp tục làm tăng thêm quy mô thương mại. Ví dụ, trong khai mỏ, công nghệ mới đã giúp chuyển đổi hoạt động từ những công việc về cơ bản phải làm bằng tay với xà beng và cuốc chim sang công việc cơ khí quy mô lớn cùng các máy đào vét.

THAY ĐỔI, THAY ĐỔI, VÀ THAY ĐỔI

Từ quan điểm về những bố già Đông Nam Á, cuối thế kỷ XIX là một thời kỳ có cả những rủi ro lớn cũng như những cơ hội lớn. Những tầng lớp tinh hoa truyền thống, bao gồm người Thái gốc Trung Quốc đã được đồng hóa, những peranakan của Indonesia, baba của Malaysia và mestizo của Philippines bị thách thức bởi sự đổ xô về của lớp lớp các làn sóng những người nhập cư đói rách, những người không phải luôn luôn dễ kiểm soát. Đồng thời, vào những năm 1880 khi nhà nước Thái và các chế độ thuộc địa trở nên mạnh hơn, không còn cần những nông dân lao động tự do, những người nắm giữ hàng hóa độc quyền thương mại cũng dần dần từ bỏ việc thuê mướn nhân công. Tuy nhiên, chiếc bánh kinh tế đang trở nên lớn hơn. Và sự chia chác tay ba giữa chính quyền thuộc địa, nhóm tinh hoa chính trị bản xứ và nhóm tinh hoa kinh tế của những người gốc Hoa hiện đang áp đảo, tiếp tục mang lại lợi ích cho các đại gia, những có thể làm việc hiệu quả nhất với những mối quan hệ bên ngoài của mình trong khi vẫn duy trì được quyền lực bên trong cộng đồng những người nhập cư đang phát triển rất nhanh. (Lao động Ấn Độ thường do nhập khẩu trực tiếp những chủ đồn điền từ thuộc địa và do đó giúp sản sinh ra các bố già người Ấn Độ.) Một cái nhìn về những đặc trưng nổi bật của các đại gia xuất sắc vào thời điểm chuyển giao thế kỷ sẽ soi sáng vấn đề này.

Hoàng Trọng Hàm là người giàu nhất Indonesia. Đặt trụ sở tại Semarang ở trung Java,

quê hương của những người nông dân trồng cây thuốc phiện, những peranakan thống trị quần đảo này vào thế kỷ XIX, Hoàng là con trai của một thương gia đã thích nghi, được phong là Thiếu tá của người Trung Quốc ở Semarang. Tuy nhiên, người con trai có khả năng nhân số tài sản đáng kể mà cha mình đã có lên gấp bội bằng việc mở rộng một cơ sở truyền thống ra phạm vi thế giới. Vào những năm 1880, khi nông dân làm thuê bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, ông ta đã thắng thầu và được nhận những địa tô chịu thuế quan trọng. Ông ta không nói được tiếng Hà Lan, nhưng hiểu thứ ngôn ngữ của các thủ tục thực dân tốt hơn những người châu Âu khác. Một người con gái của ông đã kể lại trong hồi ký của mình rằng: “Tôi thường đứng trên hiên rộng của tòa lâu đài nhà chúng tôi, đợi chiếc xe ngựa của cha đang chạy bon bon trong thung lũng ở bên dưới… Lúc nó lướt qua cánh cổng vào nhà, một người hầu Mã Lai từ đâu đó đã xuất hiện, tay bưng chiếc khay bạc đựng một chiếc khăn ấm tẩm nước hoa Cologne. Cha tôi, thật đẹp trong phục trang chiếc quần dài trắng tinh và chiếc áo vét cũng màu trắng may rất khéo theo kiểu phương Tây, lau tay và mặt với chiếc khăn ướp nước hoa đó trước khi ông bước xuống xe ngựa và tiến lại phía tôi. Thật giống như một màn múa balê.” Hoàng thường tiếp đãi hào phóng và tặng quà những quan chức thực dân. Giống như cha ông, ông là Thiếu tá của người Trung Quốc ở địa phương, sống trong một tòa nhà lớn ở khu Châu Âu của thành phố; ông nói tiếng Java và Mã Lai tốt hơn bất kỳ phương ngữ nào của Trung Quốc.

Trong kinh doanh, Hoàng đi theo một chiến lược đa dạng hóa đã trở thành tiêu chuẩn của những đại gia Đông Nam Á thời đó. Ông có được nguồn tiền bạc từ các trang trại có lợi tức, đặc biệt là thuốc phiện, và dùng nó để cấp vốn mở rộng rất nhiều hoạt động khác. Ông là người nổi bật nhất ngành mía đường, phát triển những đồn điền và xây dựng nhà máy chế biến. Các nhà máy này sử dụng máy móc nhập khẩu từ châu Âu và do người Hà Lan bảo trì. Ông cũng thuê những kế toán và quản lý người Hà Lan cho những vị trí then chốt. Ông mở rộng sang vận tải biển và mở một ngân hàng

ở Semarang. Vào thời gian Chiến tranh Thế giới thứ nhất, ông chuyển tới Singapore, và qua đời ở đó năm 1924. Ông là một doanh nhân địa phương có những công ty có thể cạnh tranh về quy mô với những công ty lớn của người Hà Lan.

Một nhân vật thích nghi tốt hơn nữa là Lục Hữu, được coi là người Trung Quốc giàu nhất trên bán đảo Mã Lai hồi đầu thế kỷ XX. Ông đã sớm xây dựng doanh nhiệp cung ứng thực phẩm và vũ khí cho các toán thổ phỉ khai mỏ người Trung Quốc mà Hội Tam Hoàng làm đại diện. Khi người Anh chính thức nắm quyền kiểm soát Malaya từ năm 1874, ông đã phát triển một đế quốc khai thác mỏ thiếc lộ thiên dưới danh nghĩa canh tác trang trại chịu thuế của nhà nước. Mỏ này thuê hàng nghìn lao động người Trung Quốc, những người mà ông cũng cung ứng thuốc phiện, rượu và những cơ sở đánh bạc. Lục Hữu hợp tác gần gũi với những tổ chức bí mật người Trung Quốc để nhập khẩu và quản lý những công nhân của mình; ông cũng là một thành viên của Hội Tam Hoàng Nghĩa Hưng hùng mạnh. Công sứ người Anh ở các bang có hầm mỏ lớn dựa vào ông ta để vừa kiểm soát dân Trung Quốc nhập cư vừa để thu một phần lớn cho ngân sách. Đến lượt mình, Lục Hữu cố gắng đặt các đối tác thực dân của ông vào thế bị động. Ông hành xử theo những tập quán của người Anh, kết bạn với người đứng đầu bốn bang trong Liên bang Malaysia là Frank Swettenham, và là một trong những người đỡ đầu chính cho một trường học bằng tiếng Anh cho con cái tầng lớp tinh hoa ở Kuala Lumpur, trường Victoria. Ông làm ăn với những công ty Anh và Xcốtlen, cũng như với đại gia người Ấn Độ đến từ Tamil là Thamboosamy Pillay. Quyền lực đàm phán của ông ta với chính quyền thực dân là rất lớn. Ví dụ, khi giá thiếc giảm vào năm 1896, chính quyền bang Selangor thực hiện một hành động chưa có tiền lệ là giảm phí cố định mà ông ta phải trả cho các trang trại trồng thuốc phiện vì cho rằng chúng rất quan trọng đối với việc kinh doanh của bang. Năm 1898, ông được cấp một số trang trại có đóng thuế ở vùng Benteng của bang Pahang với mức thuế chỉ tồn tại trên danh nghĩa, và giảm bớt thuế khai thác, như một sự khuyến khích để mở mang vùng này. Ngoài khai mỏ, Lục Hữu còn đầu tư vào bất động sản, những đồn điền cao su và nhiều lĩnh vực khác; ông ta được phong tặng tước hiệu hiệp sĩ Anh. Những chiến lược kết hợp hoạt động trang trại có đóng thuế lợi tức với khai mỏ và liên doanh đồn điền là điểm chung của những đại gia trong toàn khu vực. Rõ ràng nhất là, nó giảm bớt chi phí nhân công vốn đã rẻ mạt.

Trương Bật Sĩ có mối quan tâm đối với việc trồng thuốc phiện, bán rượu khắp vùng và các trang trại trồng thuốc lá trên cả hai bờ của eo biển Malacca, ở Sumatra, Malaya

và Singapore, và kết hợp những thứ này vào một đế chế rộng lớn tập trung vào những đồn điền. Dòng họ Hứa xây dựng một doanh nghiệp kết hợp khai mỏ thiếc và làm trang trại có đóng thuế lợi tức trải rộng từ Penang đến phía tây nam Thái Lan, và sau đó đa dạng hóa đầu tư. Ở Singapore, những gia đình này thống trị việc canh tác hạt tiêu và cây nho lấy nhựa (được sử dụng trong thuộc da và nhuộm), và là những người chủ lớn nhất ở đó hồi cuối thế kỷ XIX, nắm giữ các trang trại có đóng thuế lợi tức – trồng thuốc phiện là chủ yếu và đóng góp một nửa ngân sách hàng năm của chính phủ. Ở nơi nào có trang trại nộp thuế lợi tức – ngụ ý có sự ủy quyền của chính quyền bang – đều có hội Tam hoàng. Nhưng đây không phải là mối quan tâm lớn của chính phủ thực dân, từ lâu đã nhận ra rằng chấp nhận sự hiện diện những tổ chức bí mật là cách dễ nhất để quản lý việc nhập cư của người Trung Quốc. Như một quan sát viên đã ghi chép ngày 17 tháng 2 năm 1899: “Chính phủ không có phương tiện thông tin trực tiếp với người Trung Quốc tầng lớp thấp, và do đó công việc này do những tổ chức bí mật thực hiện.”

Ở Philippines, người vĩ đại nhất trong số các cabecillas (nghĩa đen là “những thủ lĩnh”) là Don Carlos Palanca Trần Thiên Sơn. Ông ta là người môi giới nhân công, người điều phối độc quyền chủ yếu về thuốc phiện và là người thu thuế những hoạt động thương mại nói chung, từ hàng dệt may cho đến mía đường, từ gạo tới bất động sản. Là người nhập cư gốc Phúc Kiến, Trung Quốc, có họ hàng đã định cư ở Manila, ông ta học tiếng Tây Ban Nha, chuyển theo Đạo Thiên Chúa và tìm được một ông thầy thực dân có thế lực là Đại tá Carlos Palanca y Gutierrez đỡ đầu, và sau này trở thành con nuôi ông ta. Đồng thời, ông ta đã cẩn thận viết thư cho chính quyền nhà Thanh ở Trung Quốc, trong đó tôn vai trò của mình lên là người lãnh đạo cộng đồng người Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng ở Philippines. Như nhiều người cùng thời, ông ta mua một tước quan Trung Quốc và mặc quan phục trong những dịp trang trọng. Trần Thiên Sơn là công cụ đắc lực trong việc thúc ép nhà Thanh mở một lãnh sự quán ở Manila, đặt trong tòa nhà Thị trưởng Sangleyes (khi lãnh đạo người Trung Quốc này chính thức được người Tây Ban Nha phong tước hiệu). Trần đôi khi giữ vị trí này và đôi khi chỉ đơn thuần là dùng nó để gây ảnh hưởng. Và Tòa án Sangleyes đã nhiều lần buộc tội Trần là thao túng thị trường. Ông ta và con trai đều là những nhân

viên lãnh sự quán.

Trần chết năm 1901, khi đã rất giàu có. Ông ta đã thiết lập được một trạng thái cân bằng xã hội học thật hoàn hảo giữa người Trung Quốc nhập cư và những cộng đồng người Tây Ban Nha thực dân, nhận những tước hiệu danh dự của cả hai nhà nước. Như nhà sử học Philippines, Andrew Wilson đã nhận xét: “Trải nghiệm của người Trung Quốc cuối thế kỷ XIX chứng tỏ rằng, thế lực kinh tế và xã hội chỉ đến với những người đồng thời kiểm soát được những người công nhận sự tồn tại của người Trung Quốc ở xứ Philippines thuộc địa và có quan hệ tốt đẹp nhất với họ cũng như có những mối liên kết về thể chế với nhóm người nước ngoài có uy quyền.”

Không phải ai cũng ngưỡng mộ khả năng hoàn thành những tiêu chí này. Nhà văn và người theo chủ nghĩa dân tộc của Philippines, José Rizal, người có dòng máu lai Trung Quốc, gần như chắc chắn sử dụng Trần Thiên Sơn là nguyên mẫu cho nhân vật Quiroga, một người Trung Quốc dối trá và khúm núm trong tiểu thuyết Cướp biển (El Filibusterismo) của ông (1891). Đó là bản chất lai tạo về nhân cách của Quiroga mà Rizal thấy rất đáng chê trách – nói như tác giả, được biểu thị qua “sự lẫn lộn thảm hại” của những kiểu cách ứng xử màu mè trong nhà anh ta. Tuy thế, những khu vườn trang trí theo kiểu Trung Quốc, những cây cột Hy Lạp, đồ vật bằng sắt Xcốtlen, sàn nhà lát đá cẩm thạch Italia được những bố già Đông Nam Á rất ưa chuộng cũng phản ánh sứ mạng của họ; công việc của họ là cố gắng trở thành tất cả đối với mọi người. Trong quá trình đó, những điều mang tính hiếu kỳ mà họ sản sinh ra không đơn thuần chỉ là kiến trúc. Những người như Hoàng Trọng Hàm, hoặc những đối tác chủ chốt của chính phủ thuộc địa Anh ở Hồng Kông như Khai Hà Khải, được nhiều người và những kẻ thực dân coi là lãnh tụ trong cộng đồng của họ, nhưng họ chẳng nói sõi một thứ phương ngữ Trung Quốc nào. Họ thực sự bị mắc kẹt trong chốn lao tù văn hóa.

ĐỊNH HÌNH BỞI HOÀN CẢNH

Phác họa ngắn gọn về những bố già của thời điểm chuyển giao thế kỷ này cho thấy phạm vi những hoạt động của họ được định hình bởi môi trường trong đó họ hoạt động. Họ tìm kiếm những trang trại đóng thuế lợi tức vì đó là cách dễ nhất để kiếm

được nhiều tiền. Những lợi nhuận béo bở nhất thu được vào giữa thế kỷ XIX, những người Trung Quốc làm trang trại biết rõ về giá trị của những hàng hóa độc quyền của họ hơn chính những nhà nước đã giao độc quyền đó cho họ. Vì nhà nước dần dần trở nên mạnh hơn và nắm thông thông tin tốt hơn, những gói thầu đầy thủ đoạn, quyền thanh toán chậm và những thứ tương tự trở nên khó hơn. Việc canh tác trang trại có thuế lợi tức được kết hợp rất tự nhiên với việc tuyển mộ những lao động Trung Quốc nhập cư đang tràn vào Đông Nam Á từ giữa thế kỷ XIX, và họ cũng là những người tiêu dùng chính trong những nông trại đầy rẫy thói hư tật xấu. Việc quản lý lao động bị buộc chặt vào việc lãnh đạo cộng đồng những người nhập cư có tiếng nói khác nhau và đang tranh nhau kiếm việc làm. Có chỗ dựa là Hội Tam Hoàng biết nói nhiều phương ngữ khác nhau, các đại gia có thể tạo ra một doanh nghiệp lạ lùng, vòng vo mà trong đó gần như tất cả tiền bạc đều vào tay ông ta: vận hành các trang trại đầy thói hư tật xấu, thuê những người nhập cư cho các doanh nghiệp cần nhiều lao động như khai mỏ và đồn điền, thường ở những vùng sâu vùng xa, và sau đó bán cho người lao động những sản phẩm và dịch vụ không lành mạnh hoặc bất cứ thứ gì mà họ yêu cầu, để bòn rút hầu hết thu nhập của họ. Trên tất cả những thứ đó, bố già chỉ cung cấp một thứ duy nhất là căn cước chính trị cho những người di cư ở quê hương mới của họ ông ta đại diện cho quyền lợi của cộng đồng trước những người nắm giữ quyền lực chính trị tối cao.

Nhưng chính quyền thực dân (và tình hình kinh tế quốc tế trong buổi bình minh của toàn cầu hóa) đã định hình nên một thế giới của các bố già đang khát khao nắm được quyền lực bằng nhiều cách hơn là chỉ làm một ông chủ trang trại và bóc lột những đồng bào của họ. Thời kỳ này thiết lập nên một cơ cấu kinh tế ở Đông Nam Á sẽ được chứng minh là rất khó thay đổi. Những chính quyền thực dân không có kế hoạch lâu dài cho khu vực, nhưng lại thiết lập cơ cấu thương mại thuận lợi nhất cho họ. Điều này có nghĩa là nhập khẩu vào chính quốc các mặt hàng tiêu dùng và xuất khẩu sang Đông Nam Á những hàng hóa sản xuất công nghiệp đã hoàn chỉnh để chi trả, ít nhất một phần, cho những mặt hàng tiêu dùng đó. Trong quá trình này, sự bùng nổ hàng tiêu dùng xảy ra cùng với việc hợp lý hóa các sản phẩm đầu ra. Thái Lan là một nền kinh tế lúa gạo cùng với một vài mỏ thiếc ở miền nam, Malaya khai thác thiếc và cao

su, Philippines sản xuất đường và dừa, Java trồng mía đường và cà phê, và Sumatra ở miền tây Indonesia trồng thuốc lá và cao su. Hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng và máy móc được nhập khẩu từ châu Âu và Hoa Kỳ trong quá trình này được hỗ trợ bằng cách hạ thuế nhập khẩu. Tình trạng này thậm chí được lặp lại ở Thái Lan không phải thuộc địa, áp dụng mức thuế nhập khẩu thấp nhất là 3% đối với hàng hóa sản xuất công nghiệp cho đến tận năm 1926. Khi Hoa Kỳ nắm quyền kiểm soát ở Philippines vào năm 1898, Washington kết hợp thuế nhập khẩu thấp với hạn ngạch xuất khẩu có bảo lãnh cho mặt hàng đường mía của Philippines, tiếp tục chú trọng hơn đến việc ưu tiên đối với xuất khẩu những mặt hàng tiêu dùng cơ bản và nhập khẩu những mặt hàng sản xuất công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn vào Đông Nam Á.

Không bao giờ nên bỏ qua ảnh hưởng của tất cả những điều này. Hầu như không có sự khuyến khích đầu tư vào sản xuất công nghiệp ở Đông Nam Á. Những nhà thực dân thích bán hàng hóa sản xuất ở thị trường chính quốc của họ trong khi những doanh nhân địa phương chẳng hứng thú tranh đua với hàng nhập khẩu được miễn thuế hoặc chịu thuế rất thấp. Ngược lại, giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng làm cho việc vận hành các đồn điền và hầm mỏ, cũng như các doanh nghiệp dịch vụ có liên quan, trở nên hấp dẫn. Các doanh nghiệp Trung Quốc và châu Á khác vẫn cứ tập trung vào kinh tế dựa trên buôn bán vì họ là những “thương gia bẩm sinh”, và vì sản xuất công nghiệp có nhiều rủi ro hơn và khó làm hơn. Trong quá trình Chiến tranh Thế giới thứ hai, câu chuyện kinh tế vĩ mô của Đông Nam Á là sự mở rộng thương mại – bằng chứng là thời kỳ bùng nổ của Singapore, tăng trưởng thương mại trung bình từ 67 triệu đôla mỗi năm vào năm 18711873 lên tới 431 triệu đôla vào những năm 19001902, nhưng không có một bước nhảy vọt nào về sản xuất công nghiệp. James Ingram, sử gia kinh tế, đã mô tả tình hình ở Thái Lan vô cùng súc tích:

Chúng ta đã thấy nhiều thay đổi trong nền kinh tế của Thái Lan hàng trăm năm qua [18501950], nhưng không có nhiều “tiến bộ” với ý nghĩa có sự tăng thu nhập bình quân trên đầu người, và không có nhiều “phát triển” với ý nghĩa sử dụng nhiều vốn liên quan đến lao động và các kỹ thuật mới. Những thay đổi chủ yếu là việc sử dụng tiền bạc trải rộng, sự chuyên môn hóa và sự trao đổi tăng chủ yếu nhờ vào thị trường

thế giới, và nạn phân biệt chủng tộc trong những người lao động cũng gia tăng. Dân số tăng nhanh chủ yếu được thu hút vào trồng trọt lúa gạo… Với đa số các vùng, thay đổi kinh tế xảy ra để đáp ứng sự kích thích từ bên ngoài. Thái Lan là một thực thể bị động, đang thích nghi với những thay đổi và ảnh hưởng xuất phát từ kinh tế thế giới. Có ít sáng kiến bắt nguồn từ nội tại, và hầu hết phản ứng để thích nghi với ảnh hưởng từ bên ngoài đã xảy ra theo cách truyền thống.

Những đại gia chỉ là những người đồng hành với tình trạng này, là người hỗ trợ trong một trò chơi mà trong đó họ không có chút ảnh hưởng gì đối với luật chơi. Họ kiếm lợi với tư cách là những cá nhân, nhưng về tổng thể, những cái họ được chẳng là gì so với những cái mà các công ty lớn của châu Âu kiếm được. Vì những công nghệ mới cần đầu tư vốn vào doanh nghiệp nhiều hơn, nên đầu thế kỷ XX, những đại gia cũng phải chịu áp lực vì lợi thế truyền thống của công nghệ mới là tạo ra sản lượng lớn, chi phí cho lao động nhập cư thấp. Khai thác thiếc, lĩnh vực mà Lục Hữu đã làm ăn phát đạt, là một ví dụ điển hình. Ông ta thành lập một đội quân hơn một vạn công nhân, cung ứng cho họ mọi thứ, từ chỗ ở tạm cho đến thực phẩm và thuốc phiện. Nhưng việc phát minh ra máy đào vét chạy bằng hơi nước, cùng với tình trạng cạn kiệt của những mỏ lộ thiên dễ khai thác, đã thay đổi bản chất của doanh nghiệp từ thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX. Vào năm 1920, ở bán đảo Malaysia có 20 máy đào vét có thể làm việc tới chiều sâu khoảng 20 mét, và năm 1930 đã có hơn 100 máy. Những nhóm khai mỏ người Trung Quốc khai thác lộ thiên trước đây không thể cạnh tranh. Đa số không có nguồn vốn đầu tư cần thiết để mua sắm trang thiết bị và thậm chí những người có thể, như Lục Hữu, cũng đã mất đi lợi thế so sánh của họ nếu phải từ bỏ mô hình lao động cường độ cao.

Tầm quan trọng việc tiếp cận nguồn vốn lớn của các doanh nghiệp hồi đầu thế kỷ XX trở thành hiển nhiên trong khắp khu vực. Những doanh nhân Trung Quốc đã cạnh tranh có hiệu quả khi sản xuất nông nghiệp dựa trên một quy mô tương đối nhỏ và sự đầu tư tương đối khiêm tốn. Nhưng khi những đồn điền có lãi nhất được nhân lên về quy mô, khai mỏ được cơ khí hóa và những con tàu hiện đại tăng lên cả về kích thước lẫn sự phức tạp kỹ thuật, một rào cản mới về vốn đầu vào tăng lên. Nói chung, những

người sẽ là đại gia châu Á đã bị đẩy lùi bởi những đối thủ châu Âu của họ hồi đầu thế kỷ XX và Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ví dụ, ở Thái Lan, những công ty châu Âu đến thâu tóm các lâm trường gỗ và nhà máy xay xát, nơi trước kia người Miến Điện và Trung Quốc đã từng thống trị với hoạt động quy mô nhỏ; nắm giữ ngành công nghiệp luyện thiếc với những nhà máy lớn trở thành tiêu chuẩn khuôn mẫu; và thâu tóm ngành vận tải biển ở nơi mà những chiếc thuyền buồm của Thái Lan và Trung Quốc đã một thời thống trị. Lĩnh vực duy nhất mà người Trung Quốc còn có thể kiểm soát là những trang trại có đóng thuế lợi tức, nhưng vào cuối thế kỷ XIX cũng phải chuyển sang các dự án thương mại mới, chủ yếu là do các thiết bị cần vốn đầu tư tương đối rẻ và người tiêu dùng chủ yếu của các sản phẩm này là cư dân Trung Quốc sống ở Malaya, Singapore và Hồng Kông.

Những ngân hàng do người Châu Âu nắm quyền dẫn đầu là Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải, Ngân hàng Hoàng gia Ấn Độ, Australia và Trung Quốc – hầu như kìm hãm tất cả hoạt động của họ đối với tài chính thương mại. Các công ty lớn của Mỹ và châu Âu cũng nâng vốn đầu tư của họ ở chính quốc. Các ngân hàng thuộc địa cũng có một cuộc chạy đua hiệu quả khi đến giao dịch với đa số người châu Á. Một tỉ phú đã tám mươi tuổi nhớ lại thời kỳ trước độc lập: “Đối với một doanh nhân Trung Quốc, được diện kiến các ông chủ ngân hàng người Anh cũng ghê gớm như được diện kiến Chúa Trời.” Những người theo đạo Chettiar và Sikh của Ấn Độ nhanh chóng làm nghề cho vay nặng lãi ở trong vùng. Họ thiết lập một đường dây tín dụng cho cư dân địa phương, nhưng áp đặt một lãi suất cao hơn rất nhiều so với người châu Âu. Một số ngân hàng Trung Quốc phát triển vào hai thập niên đầu của thế kỷ XX, nhưng chúng cũng bị bó buộc môi trường hoạt động. Không có một ngân hàng trung ương để cho vay trực tiếp. Khi các ngân hàng thương mại được thả lỏng tạm thời, có một thực tại là đa số các nước Đông Nam Á lại điều hành các ủy ban tiền tệ để tiếp tục cho vay hạn chế. Hậu quả của hệ thống này – vẫn tồn tại ở một số quốc gia trên thế giới cho đến ngày nay – là trực tiếp trói buộc đồng nội tệ vào sự cung ứng cho trao đổi ngoại tệ. Khi lượng trao đổi ngoại tệ từ những mặt hàng xuất khẩu suy giảm, thì sự cung ứng nội tệ cũng giảm. Với giá cả cả mặt hàng tiêu dùng thay đổi nhanh, và các nước Đông Nam Á phụ thuộc nặng nề vào chỉ một hoặc hai loại hàng xuất khẩu, nguồn cung ứng

tiền cũng thay đổi tương đương. Cơ số tiền tệ ở Malaya giảm một nửa vào đầu những năm 1920, phần lớn vì giá cao su giảm. Do sự dao động lên xuống như vậy, những ngân hàng địa phương giữ khoảng một nửa số tiền gửi để chuyển thành tiền mặt, thay vì cho vay. Các ngân hàng quốc tế không gặp phải những vấn đề đó. Và, bất chấp sự thận trọng của họ, đa số các ngân hàng Trung Quốc ở Malaya và Philippines sụp đổ vì tình trạng đình đốn đó và vì cuộc khủng hoảng hàng hóa những năm 1930.

Trước khi có tình trạng đình đốn đó, kinh tế Đông Nam Á đã bùng nổ một cách lẻ tẻ trong suốt 40 năm. Đây là nguồn lực dồi dào cho những người sẽ trở thành bố già, nhưng nó không thể ngụy trang được một sự thật là, một số khía cạnh của môi trường hoạt động đang bắt đầu chống lại họ. Sự căng thẳng về vốn của các doanh nghiệp lớn xảy ra cùng với sự xuống dốc của các trang trại phải đóng thuế lợi tức mà theo truyền thống đã cung cấp luồng tiền mặt, đưa những người đàn ông mạnh mẽ này trở lại phạm vi của những doanh nghiệp thương mại bình thường. Vào những năm 1920, thời của những nông trại đã kết thúc. Đồng thời, việc chính quyền thực dân miễn cho các “thủ lĩnh” của họ không phải thực hiện một số nghĩa vụ, tự động xác nhận đại gia là người đứng đầu cộng đồng của ông ta. Ví dụ, ở Malaya, ông trùm thủ lĩnh cuối cùng được bổ nhiệm vào thập niên đầu của thế kỷ XX, và người cuối cùng từ chức ở thập niên thứ ba. Ở một mức độ lớn, thể chế “thủ lĩnh” này được thay thế bởi sự phát triển phòng thương mại Trung Quốc ở địa phương mà những nhân vật chủ chốt của nó đều là những doanh nhân hùng mạnh nhất. Nhưng thời kỳ khi nắm chắc trong tay một danh xưng thiếu tá hoặc đại úy Trung Quốc, và do đó được nhà cầm quyền thừa nhận là “người được uỷ quyền” đã qua đi.

Trong một số trường hợp, đã xuất hiện dấu hiệu của sự chuyển tiếp sang một dạng ít phụ thuộc vào bên ngoài hơn của các doanh nghiệp do những đại gia thầu khoán nắm giữ trong thập niên cuối cùng trước kỷ nguyên độc lập. Hai trường hợp điển hình xuất hiện ở Singapore là Hồ Văn Hổ và Trần Gia Canh. Những người này, lần lượt sinh năm 1882 và 1874, đã xây dựng nên những doanh nghiệp lớn không phải bằng công việc môi giới cho các thương gia hoặc làm chủ trang trại. Có lẽ, gây ấn tượng mạnh hơn, họ đi vào buôn bán các hàng hóa tiêu dùng hơn là chỉ tham gia buôn bán các

nguyên liệu thô và hàng hóa bán thành phẩm. Sản phẩm có dấu hiệu đặc trưng của Hồ Văn Hổ là “dầu cao con hổ”, một loại thuốc mỡ chữa bách bệnh và xoa bóp chỗ đau vẫn còn được bán rộng rãi. Đế chế của Hồ đã phát triển một loạt thuốc chữa bệnh được phép bán mà không cần bác sĩ kê đơn như thuốc chữa đau đầu, say sóng, đau họng và chữa chứng táo bón. Ông ta mở rộng hoạt động bán buôn và bán lẻ ở Hồng Kông, Trung quốc đại lục, Java, Sumatra và Thái Lan. Từ thuốc men, Hồ Văn Hổ mở rộng sang xuất bản báo chí ở khắp khu vực, đa số là báo chí tiếng Trung.

Trần Gia Canh cũng bắt đầu với các đồn điền, nhưng không giống các nhà sản xuất châu Á khác thích nghi với môi trường thuộc địa với tư cách là những nhà cung cấp các mặt hàng bán thành phẩm hoặc nguyên liệu thô, ông ta quyết định sản xuất cao su do chính mình trồng. Trần có các nhà máy sản xuất lốp xe, giày và đồ chơi bằng cao su và mở các đại lý bán lẻ những sản phẩm đó. Tuy nhiên, quyết định của ông ta khi tiếp nhận những nhà sản xuất châu Âu, Nhật và Mỹ mà không có sự bảo vệ thuế quan, góp phần làm suy giảm lợi ích kinh doanh chính của mình trong tình trạng trì trệ. Ông đã có những nỗ lực dũng cảm để chống lại hệ thống này, nhưng đều thất bại.

CHỦ NGHĨA DÂN TỘC VÀ GIAI CẤP: KHÚC DẠO ĐẦU

Trần là một đại gia doanh nhân Trung Quốc ở nước ngoài có tính hiếu kỳ khác thường, và duy tâm về mặt chính trị. Những cuộc viếng thăm Trung Quốc thời trước năm 1949 đã thuyết phục ông hỗ trợ những người cộng sản theo Mao Trạch Đông, và năm 1950, ông rời bỏ Singapore để sống nốt quãng đời còn lại ở nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, và mất năm 1961. Đây không phải là một khuôn mẫu trong những cộng đồng người châu Á gốc Trung Quốc, nơi thành công tột đỉnh thường liên kết với khả năng khẳng định với chính quyền địa phương như một phương tiện để đạt được mục đích. Lập trường quan điểm của Trần Gia Canh là một sự kiện gần như độc đáo được khuyến khích bởi một kỷ nguyên mà những doanh nhân không còn chịu ơn thực dân ban phát giấy phép và những trang trại có đóng thuế lợi tức, khi chủ nghĩa dân tộc đang thực sự trỗi dậy ở khắp khu vực. Tuy nhiên, theo quan điểm của người Trung Quốc ở hải ngoại thì chủ nghĩa dân tộc là một con dao hai lưỡi. Sự trỗi dậy của nó ở

các nước Đông Nam Á có thể chỉ tập trung sự chú ý vào vai trò kinh tế của người Trung Quốc. Sự tăng trưởng hiện thời của ý thức giai cấp tiếp tục soi sáng thêm sự thống trị của tầng lớp tinh hoa trong kinh doanh và chính trị. Không điều gì trong những năm 1930 báo trước rõ ràng cho các đại gia. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy những cấu trúc quyền lực truyền thống sẽ giữ cho những thách thức của chủ nghĩa dân túy chính trị vẫn còn nguyên vẹn. Trường hợp này đã xảy ra ở Thái Lan trước Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, chứ không chỉ riêng nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng, đã thúc đẩy cuộc đảo chính không đổ máu ở Thái Lan xảy ra vào tháng 6 năm 1932, thay thế chế độ quân chủ lập hiến bằng chế độ quân chủ chuyên chế. Đảng Nhân dân nắm chính quyền với chương trình nghị sự đã được công khai tuyên bố để bảo vệ quyền lợi của những người dân thường. Chương trình này có một màu sắc chủng tộc rất đậm. “Kinh tế Thái cho người Thái” trở thành câu khẩu hiệu trong các cuộc chạy đua chính trị những năm 1930. Thực tế, chủ nghĩa dân tộc của Thái Lan là chất men say của một thời. Nhà vua Rama VI, người cai trị vương quốc từ năm 1910 đến 1925, đã nhiều lần được nêu làm ví dụ cho thuyết chủng tộc đã có thời phổ biến ở châu Âu. Tác phẩm của William Shakespeare Người lái buôn thành Venice được dịch sang tiếng Thái và một luận văn nói về người Trung Quốc ở châu Á với nhan đề Những người Do Thái của phương Đông (1914) đã được phổ biến. Tuy nhiên, những điều đã trở thành hiển nhiên, với tư cách là những biện pháp hạn chế đã được thực hiện để chống lại người Trung Quốc, là nhóm tinh hoa gốc Trung Quốc đang ở vị trí có thể thích nghi.

Sự di cư hàng loạt bị thắt chặt lại sau năm 1932 bằng việc tăng chi phí đăng ký nhập cư và hạn chế thời hạn cư trú. Sau tình trạng đình đốn trên toàn thế giới, các chính sách này vừa giảm bớt việc nhập cư và xúc tiến việc trở về Trung Quốc của nhiều lao động tạm trú. Tầng lớp tinh hoa gốc Trung Quốc phải đương đầu với một chương trình quốc hữu hóa mạnh mẽ trong những doanh nghiệp mà họ đang thống trị, bao gồm sản xuất muối, thuốc lá và gạo. Tuy nhiên, khi sự thay đổi chính trị đã kết thúc uy thế kinh tế của các gia đình canh tác trang trại có đóng thuế lợi tức, nó không làm

xói mòn uy thế kinh tế của cộng đồng các doanh nghiệp Trung Quốc rộng lớn. Những gia đình mới đột phá để từ những thương gia Trung Quốc trở thành những đối tác tích cực của chính phủ trong việc quản lý những doanh nghiệp “nhà nước” mới. Những quan chức quan liêu người Thái không định làm nhơ bẩn thêm bàn tay của họ với thương mại. Chính phủ thuê và mua những nhà máy, xí nghiệp do người Trung Quốc sở hữu trong nhiều ngành, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đó vẫn do người Trung Quốc quản lý, trong khi sự tập trung vào hàng hóa độc quyền do nhà nước dẫn dắt thường đẩy giá cả và lợi nhuận lên cao. “Kinh tế Thái cho người Thái” không có nghĩa là công bằng xã hội tăng lên; nó chỉ là sự điều chỉnh lại cách đối xử giữa những người thuộc các tầng lớp tinh hoa. Như những ghi chép của sử gia kinh tế Suehiro Akira: “Dù chủ ý ban đầu như thế nào đi nữa, cụm từ “những người Thái” không phải dùng để chỉ nhân dân nói chung cũng như nông dân Thái Lan, mà nó có nghĩa là các quan chức nhà nước hoặc một nhóm chính trị gia cụ thể.” Suehiro đã tiến hành một khảo sát thấu đáo những công ty bị quốc hữu hóa trong thời kỳ này và cho thấy hầu hết các cổ đông và giám đốc người Thái trở thành đảng viên của Đảng Nhân dân, hoặc những người thuộc phe họ, trong khi những đối tác của họ luôn luôn là các gia đình đại gia người Trung Quốc. Ông kết luận: “Ở cấp độ những người lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc, một số nhóm có thể khéo léo chuyển đổi quyền kiểm soát của nhà nước thành một công cụ để mở rộng những doanh nghiệp của họ… Trong sự trao đổi để cung cấp những kỹ năng quản lý và vốn, những người lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc có được sự an toàn cũng như sự bảo trợ chính trị.”

Những đại gia đã từng là những người thu lợi tức từ những người lao động tự do cho triều đình Thái Lan, bây giờ trở thành những đối tác liên doanh của chính quyền quan liêu Thái Lan. Điều đó đặt ra hình mẫu cho chế độ độc tài quân sự ở kỷ nguyên sau chiến tranh, vận hành từ 1947 đến 1973. Tuy nhiên, dưới sự quản lý của quân đội, quy mô sự tham gia của nhà nước vào kinh tế ở dạng những doanh nghiệp kéo theo bè phái quân đội và cảnh sát khác nhau và mức độ hợp tác với giới lãnh đạo doanh nghiệp gốc Trung Quốc trở nên lớn hơn so với dưới thời chính phủ dân sự trước 1947. Chính quyền quân sự không phải là những nhà quản lý lợi nhuận của họ được lấy từ cổ phần và các chức giám đốc – nhưng sức mạnh chính trị cho phép họ xác lập các

điều kiện cho hoạt động kinh doanh. Ví dụ như, với những mặt hàng tiêu dùng chủ yếu, từ thuốc lá đến thịt lợn, những mặt hàng độc quyền phân phối được quy định, có nghĩa là những cartel của người Trung Quốc có thể tự kiểm soát việc định giá. Vào những năm 1950, những lĩnh vực mở rộng chính của chính quyền quân sự và Trung Quốc là ngân hàng và bảo hiểm, phía chính quyền quân sự cung cấp dịch vụ bảo vệ và phía Trung Quốc hưởng lợi từ việc thoát ra khỏi sự cạnh tranh với nước ngoài, tiếp cận nguồn vốn nhà nước và đảm bảo vai trò cung cấp tài chính cho các công trình công cộng. Quy tắc cơ bản của trò chơi, như Suehiro ghi chép, rất đơn giản: “Không có nhà tư bản Trung Quốc hàng đầu nào có thể sống sót hoặc mở rộng doanh nghiệp của họ mà không cần liên minh với tầng lớp tinh hoa cầm quyền ở Thái Lan.” Đây là một cái giá nhỏ phải trả nếu nó cũng có nghĩa – như ở những nước khác – là một khả năng giữ cho những công ty Mỹ và châu Âu không xâm nhập được vào thị trường.

ĐẦU TIÊN LÀ MỘT CUỘC CHIẾN TRANH DỄ CHỊU

Tuy vậy, trước khi những ông tướng Thái Lan lên cầm quyền, Chiến tranh Thế giới thứ hai, tác nhân lớn nhất của sự thay đổi về chính trị trên phạm vi toàn cầu vào thế kỷ XX đã xảy ra. Đông Nam Á cũng không phải là một ngoại lệ. Chiến tranh đã đến cùng với cuộc xâm lược của các đội quân Nhật Bản vào khu vực tháng 12 năm 1941, có nghĩa là trò chơi đế chế doanh nghiệp đã kết thúc. Mặc dù người Nhật bị đánh bại sau ba năm rưỡi, nhưng có quá nhiều thay đổi vào thời gian này. Một mặt, sự vắng mặt của những nhà quản lý người Anh, Hà Lan và Mỹ tạo ra sự thúc đẩy lớn cho nền chính trị dân tộc chủ nghĩa; mặt khác, tình hình trên đã tạo ra mảnh đất phì nhiêu cho những doanh nhân tháo vát. Một thế hệ mới của các đại gia đã sớm tạo nên vận mệnh của mình từ những cơ hội buôn lậu và hoạt động đầu cơ tích trữ bởi có xung đột và những hậu quả của nó. Những hoạt động này tập trung vào Singapore và Hồng Kông, hai hải cảng then chốt.

Như một trong những người giàu nhất châu Á đương đại nhớ lại: “Đó là một thời gian rất tồi tệ.” Mặc dù không kể chi tiết về các hoạt động buôn lậu của gia đình ông ta trong thời gian có chiến tranh, ông ta nhấn mạnh rằng một thương vụ cung cấp hoa

quả và rau xanh cho 80.000 tù nhân người Nhật sau khi chiến tranh chấm dứt là một cơ hội lớn. Buôn lậu, buôn bán trong chiến tranh, việc mua bán thiết bị quân sự dư thừa và các hợp đồng tái thiết sau chiến tranh với những khoản tiền lót tay kếch xù đã sớm tạo nên nhiều bố già ngày nay. Một trong số rất ít người đã từng nói công khai về thời gian này là Stanley Hà, vua sòng bạc tại Macao. Câu chuyện của ông ta cung cấp thông tin bổ ích về những khả năng đổi màu như những con tắc kè hoa của tầng lớp các bố già.

Khi người Nhật xâm chiếm Hồng Kông, bác của Stanley là Robert Hà Đông, đại gia tư sản mại bản hàng đầu một thời đã chuồn tới Macao trung lập theo một lời mách nước ngầm của viên lãnh sự người Nhật, người đã nhận ra rằng sự chiếm đóng cần có sự hợp tác của các bố già. Stanley Hà, mới mười tám tuổi đầu, được hồ sơ của người Anh ở Hồng Kông ghi chép là một nhân viên tổng đài điện thoại. Khi chế độ thực dân sụp đổ, anh ta vứt bỏ bộ đồng phục và lên một con thuyền chạy sang Macao (trước khi anh ta rời đi, quân đội Nhật ở Hồng Kông chặn anh ta lại bởi vẻ bề ngoài lai Âu Á của anh ta; nhưng nhờ có khả năng tiếng Trung Quốc trôi chảy nên anh ta đã không bị bắt làm tù nhân chiến tranh). Ở Macao, lúc bấy giờ là trung tâm buôn lậu khu vực Hồng Kông Trung Quốc, bác Robert giúp anh ta có việc làm. Chẳng mấy chốc, Stanley kiếm được một vị trí thú vị hơn ở Macao, được thành lập như một liên doanh ba bên giữa người Nhật, bố già Pedro Lobo và một nhóm doanh nhân Trung Quốc.

Lobo, yếu nhân của doanh nghiệp này, đã làm cho phẩm chất tắc kè hoa của Stanley Hà lộ rõ. Về mặt chủng tộc, anh ta là người Trung Quốc Bồ Đào Nha Hà Lan Mã Lai. Sinh ra ở Đông Timor thuộc Bồ Đào Nha, được nuôi dạy trong một trường dòng của Đạo Thiên chúa, và rồi trở thành đại diện kinh tế nhiều quyền hành của Hợp tác xã Macao, và là một đại gia hàng đầu, có hạm đội phi thuyền và một âu thuyền riêng, cùng với những đối tác người Trung Quốc buôn bán vàng để kiếm lời. Stanley Hà ở trong một bè nhóm tuyệt vời và học được rất nhiều điều. Hợp tác xã Macao cung cấp những tàu kéo, xà lan và các dịch vụ vận tải khác cho quân đội Nhật ở Quảng Châu, và chở về gạo, vải vóc, bất kỳ thứ gì đáp ứng nhu cầu của cư dân Macao đang bùng nổ (cũng như của cư dân Hồng Kông và những nơi khác, những người đang đưa hàng

hóa buôn lậu ra khỏi Macao).

Vì đã nắm được nhiều đầu mối, Stanley Hà bắt đầu buôn bán với người Nhật để kiếm lợi riêng cho mình. Anh ta kiếm được đủ tiền để mở một nhà máy dầu hỏa nhỏ, nó trở thành một cái môn bài để kiếm tiền sau khi người Mỹ ném bom đường ống xăng dầu của Macao tại vùng biển ngoài cảng. Stanley có được vỏ bọc chính trị vì anh ta dạy tiếng Anh cho Đại tá Sawa, thủ trưởng cơ quan mật vụ Nhật (Kempeitai) đóng tại địa phương, và có quyền lực chính trị thật sự ở Macao. Họ tuyên bố anh ta chỉ một lần nhờ Sawa can thiệp, khi người chỉ huy hải quân Nhật ở địa phương cố gắng lẩn tránh việc cấp phát gạo mà ông ta nợ, để đổi lấy một số máy móc. Thế là Stanley có gạo. Có nhiều thời điểm khủng khiếp trong các chuyến buôn lậu của Stanley, và các cuộc hành trình buôn bán ngược sông Ngọc và nhiều sông nhánh khác của nó kể cả một lần bị cướp biển tấn công nhưng Stanley vẫn sống sót và phát đạt. Theo những người quen biết Stanley kể lại, anh ta buôn bán đủ thứ, từ vàng cho đến máy bay. Vào cuối chiến tranh, phái viên của Đảng dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc cố gắng buộc tội Stanley là cộng tác viên của Nhật, nhưng Stanley phủ nhận. Ủy viên cảnh sát Macao tin vào trường hợp của anh ta và bắt những phái viên của Đảng dân tộc chủ nghĩa vào tù thay. Stanley Hà vẫn tiếp bước trên con đường trở nên cực kỳ giàu có. Ông ta đã vui vẻ kể cho nhà sử học Philip Snow vào năm 1995: “Tôi đã kiếm được rất nhiều tiền từ cuộc chiến tranh này.”

Một điều vĩ đại của chiến tranh, theo quan điểm của các doanh nhân, là nó không bao giờ thật sự chấm dứt. Có một thời kỳ hỗn loạn, tồi tệ của chính quyền quân sự của phe đồng minh sau khi cuộc chiến tranh Thái Bình Dương chính thức khép lại; và sau đó, vào năm 1950, cuộc xung đột ở Triều Tiên bắt đầu. Năm 1951, Liên hiệp quốc áp đặt lệnh cấm vận thương mại đối với Trung Quốc vì cấu kết với Bắc Triều Tiên, tạo ra một nền công nghiệp buôn lậu khổng lồ tập trung cả ở Macao và Hồng Kông. Stanley Hà tiến hành các phi vụ buôn lậu, vận chuyển tôn lá, lốp cao su, và một số lượng lớn vadơlin vào Trung Quốc. Đối tác tương lai của ông ta ở Macao, người giữ độc quyền về đánh bạc, là Henry Hoắc, trở thành người chinh phục những phê chuẩn, đại gia trên quy mô lớn, vận chuyển một số lượng lớn các sản phẩm dầu mỏ, thuốc tây, và – mặc

dù ông ta luôn không thừa nhận – cả vũ khí nữa. Điều tra viên của Tạp chí Thời đại hồi tháng 8 năm 1951 phát hiện “những tàu chở hàng trên sông Châu tuần trước chất đầy những đường ray thép, kẽm tấm, nhựa đường, cao su Indonesia, bông Pakistan, xe tải Mỹ, ống thép”. Tại Macao, bơm dầu tại âu thuyền vận hành suốt ngày đêm, hàng trăm công nhân âu thuyền Hồng Kông được thuê để đáp ứng yêu cầu này, và “những tiệm hút thuốc phiện có điều hòa không khí đang phát đạt”.

Ngoài Stanley Hà và Henry Hoắc, có tin đồn liên quan đến việc buôn lậu của một số gia đình doanh nghiệp lớn ở Hồng Kông cũng như ở Singapore – chính quyền địa phương không bao giờ có một vụ khởi tố lớn nào. Chính phủ Hồng Kông bị Washingon la lối vì không hành động, và bị chính phủ Anh tại London chỉ trích, nhưng họ tuyên bố rằng tình trạng này vượt quá tầm kiểm soát của họ. Suy cho cùng, kinh doanh là thế, Hồng Kông và Singapore là như vậy, mặc dù một hoặc hai người tham gia buôn lậu bị lương tâm cắn rứt. John Cheung, đối tác người Trung Quốc của người thao túng thị trường chứng khoán một cách vô đạo đức và ông chủ của WheelockMarden là George Marden ở Hồng Kông được cho là đã bán nhiều loại dược phẩm đáng ngờ trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai và Chiến tranh Triều Tiên. Ông ta đã sống trong sợ hãi suốt cuộc đời của mình. Simon Murray, cựu giám đốc điều hành của tập đoàn Hutchison tại Hồng Kông, nói rằng mình đã tới một cuộc họp ở quê John Cheung và chứng kiến ông sống trong một căn phòng không cửa sổ với cái giường đặt ngang cửa ra vào.

Ở Singapore, tấm màn bí mật xung quanh việc buôn lậu thời chiến tranh được vén cao hơn. Đảo quốc này, trung tâm hậu cần của một vùng bị chia tách từ thế kỷ XIX thành những đơn vị kinh tế chuyên về các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp khác nhau cũng có nhiều tiềm năng cho việc buôn bán trái phép như Hồng Kông và Macao. Có vô số lợi lộc cho những người có thể lén lút chuyển gạo dư thừa từ Thái Lan sang Malaya đang thiếu đói hay mang hàng công nghiệp ra khỏi Indonesia. Một người tâm phúc của nhóm các đại gia địa phương, bản tính trầm lặng, đã 80 tuổi, không nhiệt tình khi bàn về chủ đề này, nhưng có lưu ý rằng đài kỷ niệm hình tháp ở phía trông ra biển của Singapore được các doanh nhân dựng lên để tưởng nhớ những người Trung

Quốc bị người Nhật giết hại “phần lớn được chi trả bằng tiền của những người buôn lậu”. Một trong những người bạn của gia đình họ Quách, người hiện có hai đứa con sinh đôi Quách Lệnh Minh và Quách Lệnh Xán, đều là tỉ phú, nói rằng tộc trưởng thời chiến tranh Kwek Hong Png “không bao giờ thật sự phủ nhận” rằng nhiều tài sản của ông ta có được bắt nguồn từ buôn lậu cao su Indonesia và buôn bán với người Nhật. Trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên, rất nhiều cao su tìm được đường tới Trung Quốc, như những ghi chép của báo Thời đại năm 1951.

Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, ở Indonesia nó biến đổi thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chống lại Hà Lan, những người đang cố gắng tái kiểm soát thuộc địa của họ. Điều này chỉ tạo thêm nhiều cơ hội cho những người buôn lậu tại Singapore. Nhiều vũ khí được sử dụng bởi các lực lượng Indonesia đến từ bán đảo Mã Lai, nơi đã có một nguồn cung cấp vũ khí dư thừa của Anh và Nhật. Đó là những thương gia Trung Quốc, thường hoạt động giữa Singapore và Sumatra, những người nắm giữ việc vận chuyển vũ khí, thuốc men và thực phẩm. Báo cáo của Chính phủ Hà Lan đương thời cho thấy giá cả trao đổi hàng hóa cho việc buôn lậu vũ khí đã được xác định cẩn thận: Ví dụ, một tấn cao su cho ba mươi băng đạn, hai tấn cho một súng trường. Việc buôn bán này mang lại siêu lợi nhuận, và những con tàu do các doanh nghiệp lớn sở hữu đã tham gia tích cực. Một con tàu lớn thuộc công ty con của Lee Rubber, do con rể của Trần Gia Canh là Lý Quang Tiền kiểm soát, được chính quyền Hà Lan bắt quả tang đang nhập khẩu hàng hóa quân sự không gây hại cho con người tới Indonesia vào tháng 8 năm 1946. Trương Minh Thiên, một người Malaysia mới nổi lên là một bố già trong khu vực, chết sớm do cuộc sống ăn chơi quá độ, trước đây kiếm được rất nhiều tiền vì là kẻ buôn lậu cao su lớn nhất ở Indonesia. Ko Teck Kin, người cuối những năm 1950 đã trở thành Chủ tịch Phòng thương mại Trung Quốc ở Singapore cũng vậy. Sau khi nội chiến chấm dứt, Mohamad “Bob” Hassan là đối tác của một đại tá sư đoàn trưởng đóng ở Semarang tên là Suharto trong một phi vụ buôn lậu mía đường rất lớn, thách thức chính quyền trung ương. Suharto, người đã tham gia buôn bán thuốc phiện trong thời gian nội chiến, may mắn không bị thải hồi.

Tuy vậy, buôn lậu không phải là cách duy nhất để kiếm tiền thời có xung đột. Ở các

thuộc địa Anh, chiến tranh kết thúc đã mang lại cho chính quyền quân sự Anh, đã rất mệt mỏi, và đôi khi cả những sĩ quan tham lam có ít hoặc không có kinh nghiệm kinh doanh, các hợp đồng mua sắm hoặc xây dựng béo bở. Sự nhượng bộ kinh doanh để nuôi 80.000 tù nhân chiến tranh, được đề cập ở phần trước, đã được hai sĩ quan của khối Thịnh vượng chung quyết định trong vài giờ đồng hồ. Vào thời gian chính quyền quân sự Anh ở những lãnh thổ khác nhau bị giải tán, hoặc một số trường hợp sau này, việc bán đấu giá các thiết bị quân sự và dân sự dư thừa cũng giúp các đại gia mới nổi thu được bạc triệu. Trước khi trở thành một người hùng buôn lậu, Henry Hoắc là người hưởng lợi đầu tiên của những cuộc bán đấu giá ở Hồng Kông.

Ở Hồng Kông lưu truyền giai thoại rằng Fok sinh ra trên một chiếc thuyền tam bản và không được học hành tử tế. Trên thực tế, anh ta đã thi đỗ và được học bổng của Trường cao đẳng Hoàng gia dành cho tầng lớp tinh hoa của Hồng Kông nằm trên đường Bonham, ở đó anh ta học tiếng Anh, vì thế có khả năng đọc các nhật báo về bán đấu giá. Các cuộc đấu giá rẻ sau chiến tranh là công việc kinh doanh nghiêm túc đầu tiên của anh ta. Ở Malaysia, đại gia sòng bạc đầy quyền lực Lâm Ngô Đồng thừa nhận trong tiểu sử chính thức của ông ta rằng, ông ta trở nên tinh thông trong việc sắp đặt các cuộc bỏ thầu cho bán đấu giá sau chiến tranh bằng cách làm việc với các nhóm bạn bè. Ông ta gặp may ngay lần đầu tiên trong thương vụ bán máy ủi đất, cần cẩu, và các thiết bị tương tự, hoặc sử dụng nó để trang bị cho công ty xây dựng của mình.

Đó là một người có học, lắm tiền nhiều của và cũng là một người theo chủ nghĩa thế giới, người kiếm được lợi nhuận nhanh nhất nhờ chiến tranh. Ở Hồng Kông, những thành viên của tầng lớp tinh hoa Trung Quốc ở địa phương đã gặp may bởi mua hết “những đồng tiền giấy ép buộc” đôla Hồng Kông do những chủ ngân hàng địa phương phát hành dưới sự chỉ đạo của Nhật trước khi người Anh nắm lại chính quyền. Tiền giấy được mua với giá chỉ bằng một phần nhỏ của mệnh giá ghi trên tờ tiền, với mong đợi khi chính quyền thực dân trở lại, sẽ có cơ đội để thuyết phục họ tôn vinh đồng tiền này với tư cách là phương tiện để phục hồi “sự ổn định của nền kinh tế”. Vào năm 1946, việc này bị đưa ra tòa án. Ngân hàng Hồng Kông đã mua 119 triệu đôla

Hồng Kông với đúng mệnh giá ghi trên tờ tiền. Một trong những người hưởng lợi đầu tiên là Siknin Châu, một bác sĩ phẫu thuật kiêm doanh nhân đã được đào tạo ở Viên và Luân Đôn, là con trai của Shouson Châu người Trung Quốc đầu tiên ở Hồng Kông được bầu vào Ủy ban Hành pháp Hồng Kông.

Ngoài những lợi nhuận ngắn hạn mà nó sản sinh, Chiến tranh Thế giới thứ hai báo trước một sự thay đổi mạnh mẽ trong bối cảnh kinh doanh ở Đông Nam Á, vì có sự đổi chỗ về lợi ích của người Mỹ và người châu Âu trong thời kỳ mở rộng. Cho đến cuối cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương tháng Tám 1945, những doanh nhân nước ngoài nếu không chết trong cuộc chiến thì cũng bị quản thúc hoặc bắt buộc lưu vong, nhưng những người trở lại làm việc ở Đông Nam Á thường không bị như vậy cho đến khi đình chiến. Trong khi đó những doanh nhân châu Á, tiêu biểu là người gốc Hoa được chính phủ thuộc địa chấp nhận họ với vai trò trung gian giữa những nền kinh tế trồng trọt ở địa phương và kinh doanh theo kiểu làm ăn lớn phương Tây, được trao tặng những cơ hội để thay đổi địa vị của họ. Ví dụ, ở Thái Lan, 14 ngân hàng và 25 công ty bảo hiểm được thiết lập giữa những năm 1943 và 1952, hầu hết do những doanh nhân gốc Trung Quốc quản lý và được che đậy bằng cách bầu những quan chức cao cấp Thái Lan làm chủ tịch hoặc ủy viên hội đồng quản trị. Sử gia Suehiro Akira người Nhật đã nhận xét: “Khi người châu Âu trở lại Thái Lan, họ nhận ra rằng những ngành nghề chính, đặc biệt trong những lĩnh vực tài chính và thương mại, mà trước đây họ kiểm soát thì bây giờ người Trung Quốc hoặc Ấn Độ đang thống trị.” Sự chuyển tiếp này không sâu sắc lắm ở mỗi nước, nhưng chiến tranh đã cải tổ trật tự kinh tế một cách sâu sắc chưa từng thấy.

Do chiến tranh thế giới và xung đột ở Triều Tiên, Đông Nam Á sa lầy vào cuộc Chiến tranh Lạnh – một cuộc đấu tranh chống cộng do Mỹ cầm đầu. Điều này gây ra sự phân nhánh quan trọng và sâu sắc hơn về lãnh thổ, bởi vì nó tạo ra một dòng tiền của Mỹ chảy vào khu vực. Sau độc lập, ở Philippines có hai căn cứ quân sự chính – hải quân đóng ở vịnh Subic và không quân đóng ở Clark và hàng tỉ đôla tiền viện trợ được rót vào khu vực này, phần lớn được chế độ Marcos hưởng lợi. Ở Thái Lan, tài trợ của Mỹ cho quân đội được sự dụng để hậu thuẫn cho cái được gọi là một nhà nước

“tiền đồn” chống cộng, ủng hộ chế độ quân sự những năm 1950 và 1960. Tất cả các quốc gia ủng hộ Mỹ trong khu vực đều được hưởng lợi, và các nhà chính trị và doanh nhân ở địa phương được họ bảo trợ. Một ví dụ cực đoan ở Thái Lan liên quan đến Phao Sriyanonda. Ông ta trở thành phó Tổng giám đốc cảnh sát sau cuộc đảo chính quân sự năm 1947, rồi Tổng giám đốc vào năm 1951. Phao sử dụng các máy móc quân sự do CIA cung cấp để thiết lập lực lượng cảnh sát với những đơn vị không quân, hải quân và xe bọc thép trong những năm 1950, và trở thành một nghiệp đoàn buôn lậu thuốc phiện lớn nhất ở nước này, trong khi Thái Lan trở thành trung tâm buôn bán heroin toàn cầu. Khách hàng cỡ đại gia chủ chốt của Phao và người bố vợ đầy quyền lực của ông ta là Marshal Phin Choonhavan là Chin Sophonpanich, người đã dựng nên Ngân hàng Bangkok, tổ chức tài chính ngoài Hồng Kông lớn nhất ở Đông Nam Á, và là nhà tài phiệt của nhiều bố già sau chiến tranh, như chúng ta sẽ thấy.

CHỦ NGHĨA DÂN TỘC VÀ GIAI CẤP: SỰ KIỆN KHÔNG CÓ HỒI KẾT

Nếu Thái Lan những năm 1930 gợi ý rằng những người dân thường không phải là những người hưởng lợi chính của sự thay đổi chính trị và sự chấm dứt chủ nghĩa thực dân, thì những nước còn lại trong vùng đã chứng minh điều đó sau chiến tranh. Chiến tranh là một chất xúc tác mạnh mẽ cho ý thức giác ngộ chủ nghĩa dân tộc và giai cấp khắp khu vực Đông Nam Á. Nó cũng chấm dứt cùng với sự trỗi dậy của những ý tưởng mới về việc chính phủ có thể can thiệp vào kinh tế để sản sinh ra kết quả đáp ứng những mong đợi phổ biến về công bằng xã hội và dân tộc. Và trên danh nghĩa, đây là một kỷ nguyên đầy kích động. Những năm 1950 chứng kiến phong trào cộng sản mạnh mẽ ở các nước dân chủ mới trong khu vực Ủy ban tình trạng khẩn cấp Malaya, một cuộc bạo loạn chính trị có vũ trang, bắt đầu vào năm 1948. Sukarno, lãnh tụ sau độc lập đầu tiên của Indonesia được đảng cộng sản ở nước này ve vãn. Tư tưởng chống Trung Quốc khiến những người lãnh đạo chính trị bản xứ nhận thấy rằng những động thái lập pháp chống lại sự thống trị kinh tế của người gốc Hoa là phổ biến. Tuy nhiên, bất chấp tất cả, kinh nghiệm của Thái Lan trước chiến tranh đã cho thấy quan hệ làm ăn truyền thống giữa các nhóm tinh hoa chính trị và kinh tế khác

nhau – những người đã vượt qua ranh giới chủng tộc – là vô cùng bền vững; và nó đã được chứng minh ở đâu đó trong khu vực.

Những thử nghiệm với chế độ dân chủ ở Philippines, Malaysia và Indonesia và trước đó ở Thái Lan – đã thất bại khi xem xét toàn bộ cấu trúc xã hội truyền thống. Ở những quốc gia hậu thuộc địa, những nhà thực dân đã không còn, nhưng những nhóm tinh hoa chính trị người bản xứ mới vẫn cai trị với cách thức tương tự, mặc dù có những lúc sự phân biệt sắc tộc và quốc gia đã dẫn tới bạo lực. Cần phải xem xét sơ lược những thách thức chính trị phổ biến liên quan đến các nước khác nhau ra sao mới hiểu được các nhà làm kinh tế các đại gia đã tồn tại như thế nào.

CÔNG ƯỚC BALIMBING

Philippines đã có sự khởi đầu sai lầm với chủ nghĩa dân tộc từ lâu, trước cuộc đảo chính ở Thái Lan năm 1932, và chuyển sang nền quân chủ lập hiến. Đã có một cuộc nổi dậy mang tính cách mạng chống lại người Tây Ban Nha vào năm 1896. Nhưng quân phiến loạn đã không đoàn kết và hành động của họ có khuynh hướng phân quyền nó có vẻ như chia tách đất nước ra, rồi lại nhập vào như những bang độc lập. Trong sự kiện này, cuộc nổi dậy được loại bỏ bởi một cuộc chiến tranh năm 1898 giữa Hoa Kỳ và Tây Ban Nha với Cuba, đã đặt Philippines vào tay Mỹ. Washington quyết định giữ quần đảo này. Trước hết, áp dụng phương cách đối xử tốt với những nhà cách mạng ở địa phương, sau đó mở một chiến dịch trong vòng hai năm để đàn áp họ; một số quân nhóm quân phiến loạn quan trọng được mua chuộc bằng tiền mặt và do đó, công nhận chế độ mới. Vì nước Mỹ không trải qua thời thuộc địa, cách thực tế duy nhất để điều hành Philippines là hợp tác với những người môi giới của chính quyền hiện hành. Do đó, nhóm tinh hoa ở Manila và trong khu vực không chỉ quay lại kinh doanh mà họ còn là một vũ đài trung tâm. Người Mỹ mang đến một yếu tố của chủ nghĩa duy tâm chính trị, nhưng nó được ứng dụng không đủ một hệ thống chính trị Mỹ pha tạp được ghép vào Philippines để tạo ra một chính phủ trung ương ốm yếu, trong khi những kẻ chuyên quyền về đất đai thống trị quốc hội mới, kiểm soát các cuộc bầu cử cần thiết ở địa phương họ ngay cả khi quyền bầu cử được mở rộng. Trong

khi ở Thái Lan hoặc Indonesia, các nhóm tinh hoa chính trị kiểm soát bộ máy quan liêu và cấu kết với phần lớn doanh nhân gốc Trung Quốc để chia sẻ những thương vụ cho thuê kinh tế, thì hệ thống được phát triển ở Philippines tỏ ra có đủ cơ sở để giám sát quốc hội, khống chế chính quyền trung ương. Tính cách sắc tộc của bọn đầu sỏ chính trị có đất đai – phần lớn là người Tây Ban Nha và lai Trung Quốc – là hậu quả hiển nhiên không nhỏ. Tất cả bọn họ đang chơi cùng một trò chơi. Theo Paul Hutchcroft, tác giả cuốn Chủ nghĩa tư bản chiến lợi phẩm (Booty Capitalism 1998), giảng viên chính về chủ đề nhóm huynh đệ của các đại gia khống chế nhà nước Philippines, rất khó phân biệt được những ai có tổ tông là người Trung Quốc và những ai không phải gốc Trung Quốc. Vấn đề ở Philippines là liệu bạn có phải là một bố già hay là một thành viên của masa nhóm đa số hay không.

Mô hình cho những cái gì phải đến sẽ đến được thiết lập vào năm 1916 với sự thành lập Ngân hàng quốc gia Philippines (PNB). Việc này xảy ra đúng lúc chính quyền thực dân Mỹ ban cho người Philippines quyền kiểm soát cả hai nghị viện của quốc hội. PNB trở thành “kho bạc cá nhân của bọn đầu sỏ chính trị”, cho những gia đình làm nông nghiệp vay vốn. Chính phủ được yêu cầu nộp tất cả những khoản tiền đặt cọc của mình vào những ngân hàng có thể phát hành tiền tệ. Chỉ 5 năm sau, PNB đã có cơn khủng hoảng lớn đầu tiên của nó, vào thời gian mà ngân hàng đã hoang phí toàn bộ cơ số vốn của nó, một nửa số tiền gửi của chính phủ, và làm xói mòn hệ thống tiền tệ quốc gia. Đồng thời, bọn đầu sỏ chính trị đang được nuôi dưỡng bằng nguồn tín dụng ổn định từ PNB, được hỗ trợ bởi chính sách kinh tế của Mỹ, cung cấp một hạn ngạch xuất khẩu có bảo lãnh và bảo hộ thuế quan đối với mặt hàng đường và cũng hỗ trợ ngành công nghiệp dừa. Xuất khẩu đường tăng bảy lần trong thời kỳ có luật thuế quan PayneAldrich của Mỹ từ năm 1909 đến giữa những năm 1930, chiếm khoảng một nửa tổng luợng hàng hóa xuất khẩu. Đó là một kịch bản được đảm bảo để sinh ra những đại gia giành được thế độc quyền, những người có thể bán các sản phẩm nông nghiệp không mang tính cạnh tranh toàn cầu vào thị trường Mỹ trong khi thao túng một hệ thống chính trị chỉ dân chủ bề ngoài. Họ được tài trợ những khoản vay khổng lồ, và kiểm soát quốc hội để ngăn ngừa hai điều có thể hủy hoại lợi ích của họ là cải cách ruộng đất và tăng thuế. Vấn đề duy nhất đối với nhóm tinh hoa, như nhiều nhà

bình luận đã lưu ý, là phải kêu gọi độc lập cho Philippines để có sự tín nhiệm tối thiểu trong bầu cử; trong thực tế, các bố già thời Mỹ thấy khiếp sợ những hàm ý kinh tế của độc lập. Những nỗ lực lớn được thực hiện để có được một hiệp ước thương mại song phương giữ gìn khả năng tiếp cận hạn ngạch vào thị trường Mỹ trước khi có độc lập vào tháng Bảy năm 1946.

Với lợi lộc của mối quan hệ với Mỹ được gìn giữ cho đến năm 1974 dựa trên cái sau này trở thành luật thuế quan LaurelLangley, và thêm rất nhiều đôla có được từ các vụ viện trợ tái thiết sau chiến tranh và đóng căn cứ quân sự, chính phủ Phippines tuyên bố rằng họ đã rũ bỏ được gông xiềng thuộc địa. Truyền thống bầu cử của việc chia chác những điều kiện cần thiết của quyền lực, hoặc ở dạng chỉ định chính trị của tất cả quan chức nhà nước hoặc sự giải ngân ngân sách cho những công trình công cộng cứ lớn dần, lớn dần. Ý thức hệ chính trị là một trách nhiệm pháp lý trong một hệ thống nơi những chính khách nhảy tới nhảy lui giữa hai phe phái chính để tìm kiếm những điều khoản có lợi nhất. Người Philippines gọi những nghị sĩ của họ là balimbing, một loại quả hình sao nhìn theo chiều nào cũng thấy gống nhau. Thật chẳng đáng ngạc nhiên, quỹ đạo chính trị là một cái đó dẫn tới kleptocracy – những quan chức kẻ cướp của Ferdinand Marcos vào những năm 1960. Dựa theo đường hướng này, có những thời khắc chủ nghĩa sôvanh nước lớn bên trong các chính trị gia nổi tiếng được đẩy lên cao, rõ ràng nhất là Đạo luật quốc hữu hóa thương mại bán lẻ năm 1954. Nó tìm cách bắt buộc những người Trung Quốc không nhập quốc tịch rời khỏi các cửa hiệu truyền thống của họ nhưng không có con đường nào tạo ra một cuộc tấn công vào cấu trúc siêu tinh hoa của xã hội. Các bố già Trung Quốc và lai Trung Quốc cùng sẻ chia may rủi với những bố già khác, chứ không chia sẻ với loại người Trung Quốc chỉ có các cửa hiệu nhỏ.

MỘT CUỘC MẶC CẢ THUẦN TÚY

Hành trình đi đến độc lập của Malaysia năm 1957 sản sinh ra một hiệp ước giữa các tầng lớp tinh hoa chính trị và tinh hoa kinh tế, bộc lộ đầy đủ một thứ thường được gọi là “sự mặc cả”. Lớp tinh hoa chính trị Mã Lai truyền thống, dựa trên cơ sở xã hội quý

tộc, đối mặt với một vấn đề tương tự của các đại gia chính khách Philippines theo chủ nghĩa dân tộc đang dâng lên mạnh mẽ: cần hỗ trợ sự nghiệp giành độc lập mà không phải trả giá về kinh tế. Ngay khi chủ nghĩa thực dân Mỹ ủng hộ vị trí của tầng lớp có đất đai ở Philippine, sự hiện diện của Anh đảm bảo cho địa vị của tầng lớp tinh hoa Mã Lai trong một tình trạng mà, vào những năm 1950, những người Mã Lai trở thành một đa số trơ trọi do sự di cư hàng loạt từ Trung Quốc và Ấn Độ. Với sự du nhập của nền dân chủ, đảng của giai cấp cầm quyền ở Malaysia Tổ chức Quốc gia Thống nhất Malaysia (UMNO) cần một sự thích ứng chính trị với nhóm tinh hoa kinh tế người Trung Quốc để bảo đảm cho lợi ích của mọi người. Những biện pháp để đi tới kết cục này là Hiệp hội Malay – Trung Quốc (MCA), một chính đảng được thành lập vào năm 1949 và được các doanh nhân Trung Quốc hàng đầu tài trợ. Những người này là Lưu Bá Quần và H. S. Lý, một chủ mỏ thiếc lớn, và Trần Trinh Lộc và con trai ông ta là Trần Tu Tín, những thành viên của một triều đại người Mã Lai gốc Trung Quốc ở Malacca với nguồn lợi lớn từ cao su. Trần Tu Tín sau này trở thành một bộ trưởng tài chính quan trọng. MCA và UMNO thành lập Liên minh, một cỗ xe vận động bầu cử hướng về độc lập vận hành bởi sự đồng thuận không thành văn của các tầng lớp tinh hoa vì sự thống trị của chế độ quan liêu Mã Lai và không có sự tấn công của nhà nước vào vị trí của người Trung Quốc trong kinh doanh. Edmund Terence Gomez, học giả hàng đầu về mối quan hệ nhà nước và doanh nghiệp ở Malaysia, đã mô tả đặc điểm của sự sắp đặt này là “sự thống trị của tầng lớp được ngụy trang bằng chủ nghĩa dân túy dân tộc”. Trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên vào năm 1955, Liên minh đã loại bỏ 51 trong số 52 ghế nghị sĩ.

Trong chính phủ sau độc lập, những người lãnh đạo MCA chiếm giữ các vị trí kinh tế chủ chốt trong các bộ tài chính, thương mại và công nghiệp, và những doanh nhân Trung Quốc được ban phát các giấy phép thành lập ngân hàng và xí nghiệp sản xuất có bảo hộ thuế quan. Những người lãnh đạo UMNO nắm giữ quyền lực tối thượng, và do đó nắm giữ những khả năng vô hạn để làm giàu. Các tầng lớp tinh hoa rất mãn nguyện. Tuy nhiên, suốt những năm 1960, sự không bình đẳng tăng thêm trong mỗi nhóm chủng tộc ở Malaysia, và đặc biệt là nhóm người Mã Lai. Có nhiều dự án nhằm thiết lập những cơ quan tin cậy và một ngân hàng chính sách để hỗ trợ người Mã Lai

bản xứ, nhưng chẳng có gì đủ chắc chắn để tránh được cuộc xung đột sắc tộc ở Kuala Lumpur vào tháng 5 năm 1969.

Phản ứng với vụ bạo lực này là một lời nhắc nhở ảm đạm đối với cộng đồng người Trung Quốc không có một quyền lực chính trị thực sự nào. Năm 1971, chính phủ ban hành Chính sách Kinh tế mới (NEP) với nhiều mục đích – phân chia giá trị tài sản chung, việc làm ở thành thị, tuyển sinh đại học – được thiết kế để nâng cao vị thế của người gốc Mã Lai. Trong khi tầng lớp trung lưu người Trung Quốc và con cái họ chịu ảnh hưởng lớn các điều khoản của chính sách này –bị loại khỏi các cơ hội việc làm và giáo dục – việc tăng tỉ trọng giá trị tài sản chung trong các doanh nghiệp của người bản xứ chủ yếu đạt được là do các doanh nghiệp nước ngoài (chủ yếu là doanh nghiệp Anh) sử dụng tiền bán dầu mỏ (những đồng đôla dầu mỏ) họ có được vào những năm 1970 để mua lại toàn bộ cổ phiếu của nhà nước. Không có sự rạn nứt nào về cấu trúc kinh tế ở tầng lớp tinh hoa. Sau thời hạn hai mươi năm đương đầu với chính sách kinh tế mới, hết hiệu lực vào năm 1990, tỉ trọng tài sản chung trong doanh nghiệp của người Mã Lai ở Malaysia đã tăng từ gần như không có gì tới khoảng một phần năm, nhưng tỉ trọng tài sản chung của người Trung Quốc chỉ tăng gấp đôi, từ một phần năm lên hai phần năm.

Việc này phản ánh một sự thật là nhóm huynh đệ của các đại gia đang làm tốt hơn bao giờ hết. Chính sách kinh tế mới đã không chấm dứt được sự câu kết giữa các nhóm tinh hoa chính trị và nhóm tinh hoa kinh tế khác nhau về thành phần dân tộc.

CHỦ NGHĨA XÃ HỘI XA HOA CỦA SUKARNO

Sau độc lập Indonesia là nước cảnh báo rõ ràng nhất về việc phá bỏ cấu trúc kinh tế và xã hội truyền thống. Sukarno, Tổng thống đầu tiên của nước này, xuất thân từ một gia đình có đặc quyền, nhưng ông ta cũng là một người dân tộc chủ nghĩa ưa bạo động và tự coi mình là một nhà cách mạng. Sự ủng hộ mà ông ta dành cho Partai Komunis Indonesia (PKI – Đảng cộng sản Indonesia), một đảng được nhiều người ở Indonesia ủng hộ, ít nhất một phần được thúc đẩy bởi sự ao ước giải thoát đất nước khỏi những truyền thống phong kiến của nó. Nhưng cuối cùng, Sukarno chỉ sống một

cuộc sống xa hoa trong dinh tổng thống mà chẳng làm được điều gì. Cấu trúc và định kiến chống thương mại của văn hóa Java vẫn còn nguyên vẹn. Đã có một thời kỳ dài phái dân túy ngược đãi dân nhập cư Trung Quốc, bị cho là cướp đi quyền lợi cơ bản của dân bản xứ, nhưng điều này không gây ra một thay đổi cơ bản nào trong xã hội. Cái gọi là Chương trình Benteng, từ 1950 đến 1957, điều chỉnh lại trao đổi ngoại tệ và cấp phép nhập khẩu đối với các thương gia bản xứ để hỗ trợ họ phát triển, nhưng chỉ làm nạn tham nhũng thêm điên cuồng. Điều này tạo nên một hình mẫu không phải cho việc tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp bản xứ mà cho một nền văn hóa tiền lót tay và trang sức bằng chính trị. Những cố gắng để kiềm chế vai trò kinh tế của người gốc Hoa lên đến cực điểm vào năm 1958 thể hiện qua việc cấm ngoại kiều (khoảng một nửa cư dân Trung Quốc không có quyền công dân) không được tham gia vào hoạt động bán lẻ ở các vùng nông thôn. Một số vùng ở nông thôn cấm ngoại kiều cư trú. Ở Philippines và các nơi khác trong khu vực, có rất ít người Trung Quốc né tránh được sức mạnh của cơn cuồng nộ về dân tộc. Ở Indonesia, sự đàn áp như thế cũng xảy ra năm 1960, ước tính có 130.000 người chấp nhận đề nghị hồi hương tự do của nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Kỷ nguyên Sukarno thật sự khó chịu đối với gần như tất cả người gốc Hoa thậm chí tài sản của Hoàng Trọng Hàm còn bị nhà nước tịch thu. Nhưng không có gì xảy ra ở cấp độ cấu trúc để ngăn ngừa một sự đảo ngược nhanh tới hình thái lịch sử khi Sukarno bị đẩy ra ngoài chính trường vào những năm 1960. Thực tế hoàn toàn ngược lại. Năm 1957, Sukarno lợi dụng cuộc tranh luận về lãnh thổ Irian Jaya (Tây New Guinea) – mà người Hà Lan bám chặt cho đến năm 1963 – để bắt đầu quốc hữu hóa các doanh nghiệp Hà Lan, và sau này, quốc hữu hóa các doanh nghiệp nước ngoài khác, ông ta đang mở ra không gian kinh tế mà những sau đó doanh nhân gốc Trung Quốc sẽ di chuyển vào. Chỉ riêng năm nhà buôn người Hà Lan lớn nhất đã chiếm giữ 60% hoạt động ngoại thương. Tính tổng số, khoảng 800 doanh nghiệp nước ngoài rơi vào tay nhà nước sau năm 1958, và chính phủ cũng như quân đội không thể điều hành chúng có hiệu quả. Trải qua những năm đầu thập niên 1960, điều kiện kinh tế trở nên xấu đi với tốc độ kinh hoàng trong khi lạm phát nổi lên. Giai đoạn này thiết lập hoàn hảo một hoạt động cứu trợ liên quan đến việc quay lại sự phân công lao động truyền thống

giữa kinh tế và chính trị.

Đó là những gì xảy ra sau cuộc đảo chính sớm năm 1965 thừa nhận Đại tá Suharto bắt đầu nổi lên nắm giữ quyền lực và thay thế Sukarno làm tổng thống vào năm 1967. Suharto là loại người “bình thường” của tầng lớp quý tộc Java nhỏ nhen và thiển cận, bằng lòng với những truyền thống được tôn kính trong văn hóa địa phương và cam kết, trên hết là duy trì sự hài hoà – như vẫn thường nói là đưa các mối quan hệ xã hội vào khuôn phép. Ông ta phục vụ trong quân đội dưới thời Hà Lan và Nhật, và đã học được cách giữ gìn sự ổn định bằng sức mạnh. Nói tóm lại, không giống Sukarno, Suharto là một người bảo thủ bẩm sinh, thuộc tầng lớp sĩ quan quân đội – nơi nhiều quý tộc priyayi của Java bị tổn thương sau khi giành được nền độc lập – cũng giống như ông ta. Suharto cũng là một sĩ quan hậu cần đã quen làm ăn với các thương gia Trung Quốc. Khi đang lãnh đạo sư doàn Diponegoro đóng ở Semarang, vào những năm 1950, ông ta câu kết với Mohamad “Bob” Hasan và những người khác để làm cho việc buôn bán những mặt hàng nhu yếu phẩm, như đường chẳng hạn, trở thành độc quyền của quân đội, và do đó thêm tiền vào ngân quỹ chính thức của ông ta. Suharto cũng từng buôn lậu, vì thế sau đó bị một đại tá quân đội là H. Nasution tố cáo. Ông ta tránh được tòa án quân sự vào năm 1959 do được một sĩ quan cao cấp là Đại tướng Gatot Subroto, người cũng tình cờ là cha nuôi của Bob Hasan, giúp đỡ. Với quyền lực tối thượng trong tay, vào những năm 1960, Suharto có thể phân phát nhỏ giọt những nhượng bộ kinh doanh theo cách quen thuộc của ông ta tới những người làm được việc và những người không tạo ra một thách thức chính trị nào đối với uy quyền của mình.

Những người này thường là người từ Trung Quốc di cư đến cách đây không lâu. Rõ nhất là Lâm Thiệu Lương, một thương gia hẹp hòi thiển cận đến Java vào năm 1938, người mà Suharto cũng có quan hệ buôn bán vào những năm 1950. Trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ hai và Chiến tranh chống Hà Lan, Lâm đã sớm kiếm được một số tiền, cùng với em trai cung ứng cho quân đội cộng hòa, và do đó quen biết các sĩ quan chủ chốt ở Java, trong đó có Suharto. Vào năm 1968, ông ta được cho phép độc quyền kiểm soát một nửa trong việc nhập khẩu cây đinh hương, thành phần chủ

yếu trong thuốc lá điếu Kretek của Indonesia. Năm 1969, sự nhượng bộ kinh doanh đó trở thành độc quyền toàn phần về nhập khẩu, xay xát và phân phối bột, và vào những năm 1970 gần như độc quyền về sản xuất ximăng. Ông ta cũng tận hưởng sự bảo hộ trong buôn bán cao su, đường và cà phê. Trở lại mối quan hệ quấn quít giữa quyền lực chính trị và các thương gia Trung Quốc – yếu tố làm nên đặc điểm của thế kỷ XIX. Như Edwin Soeryadjaya, con trai cả của William Soeryadjaya, một trong số những đại gia giàu nhất Indonesia dưới thời Suharto đã mô tả: “Khi Suharto nắm quyền, ông ta muốn làm vua. Do đó, ông ta đã làm chính xác những gì mà người Hà Lan đã làm.”

Người Indonesia đã sáng tạo ra thuật ngữ cukong để mô tả một doanh nhân chịu ơn về chính trị để có thành công về thương mại, và anh ta phải cắt lại cho những chính khách và sĩ quan quân đội một phần lợi nhuận. Philippines vào những năm 1960 đã sản sinh ra thành ngữ “nhà tư bản chí thân”. Ở Malaysia, những doanh nghiệp do người gốc Mã Lai đứng tên nhưng do người Trung Quốc làm chủ được gọi là hoạt động “Ali Baba”, trong đó Ali là tiếng Mã Lai và Baba là tiếng Trung Quốc. Fred Riggs, một giảng viên ở Thái Lan, đúc kết ra một câu “nhà tư bản sống bên lề xã hội”

– một nhóm nhỏ người Ấn Độ không nên đụng chạm tới để chỉ những doanh nhân bị xã hội ruồng bỏ trong giao tiếp chính trị nhưng được khoan dung với điều kiện là họ chỉ được chú tâm vào hoạt động kinh doanh của mình. Chỉ có sự sắp đặt lại đời sống chính trị từ dưới lên mới có thể thay đổi hình mẫu hoạt động này, và những điều như thế mới không xảy ra. Khắp Đông Nam Á, với các thế lực phổ biến của chủ nghĩa dân tộc và giai cấp được hàm chứa và bị cản trở trong những cấu trúc xã hội cũ, liệu các chính phủ có được bầu cử một cách dân chủ hay không?

KINH TẾ HỌC HỆ TƯ TƯỞNG THỜI ĐẠI

Liên quan đến chính sách lớn, một ảnh hưởng trí tuệ toàn cầu đang hiện hành trong khu vực ở kỷ nguyên độc lập là, những nhà kinh tế học thường nghiêng về lập kế hoạch và kiểm soát nhiều hơn. Đây chỉ là một đề nghị đối với những cấu trúc doanh nghiệp ở địa phương của các bố già. Mỗi kỷ nguyên có hệ tư tưởng thời đại về kinh tế

của nó, đó là “tinh thần” của nó. Đầu kỷ nguyên hiện đại ở châu Âu, từ năm 1500 đến 1800, tính hám lợi là nhân tố kinh tế căn bản không cần tranh cãi. Vào thế kỷ XIX, có sự trỗi dậy của các học thuyết tự do thương mại. Khoảng năm 1930, do hậu quả của sự đình đốn kinh tế toàn cầu, Chiến tranh thế giới thứ nhất và tư tưởng chủ nghĩa xã hội, việc lập kế hoạch và kiểm soát chiếm ưu thế lớn. Thời kỳ của các nhà kinh tế học theo chủ nghĩa can thiệp bắt đầu dưới sự quản lý của thực dân và tiếp tục đi qua thời kỳ đầu của kỷ nguyên độc lập, với mục tiêu là chuyển từ sự thiên vị đế quốc sang sự phát triển trong nước khi những chính phủ do người địa phương cầm quyền.

Vào giữa thế kỷ XX, mỗi nền kinh tế Đông Nam Á mà chúng ta đang bàn đến đều cố gắng thực hiện cái gọi là công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu (ISI). Công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu là sự đối phó hợp lý với sự kết thúc của chủ nghĩa thực dân. Những người tán thành quan điểm này đã chỉ ra rằng, chính quyền thuộc địa đã cấu trúc những nền kinh tế mà họ kiểm soát để cung cấp hàng hóa bán thành phẩm và mua về các hàng hóa sản xuất công nghiệp rõ ràng nhất là chính sách thuế quan và điều này làm những nhà sản xuất châu Á thất vọng. Kết quả là có sự phụ thuộc kinh tế, trong đó các nước Đông Nam Á bị mắc kẹt vào các hoạt động có giá trị gia tăng thấp trong nông nghiệp và khai mỏ, bị ép buộc phải xuất khẩu bán thành phẩm và nguyên liệu thô sang những nước công nghiệp tiên tiến để nhập khẩu các hàng hóa sản xuất công nghiệp tương đối đắt của họ. Cách duy nhất để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn, như đã được tranh luận, là tăng thuế nhập khẩu, trợ giá tín dụng công nghiệp và quản lý vi mô đối với sự cung cấp ngoại tệ nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước phát triển.

Lý thuyết này rất có sức thuyết phục do nó có sự ủng hộ đáng kể của các cơ quan quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuy nhiên, trong thực tế, công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu đã sai lầm ở bước tiếp theo- ít nhất nếu được đánh giá dựa trên ý định tạo ra một nền công nghiệp nội địa có tính cạnh tranh toàn cầu. Lý do là chính sách này bị xói mòn bởi mối quan hệ truyền thống ngự trị giữa những nhóm tinh hoa chính trị và kinh tế. Một số kinh nghiệm đã được nói tới trong phần trước, vì nó liên quan rất nhiều với tiến trình sau độc lập của nền chính trị

dân tộc chủ nghĩa và sự giật lùi so với lịch sử người Trung Quốc thống trị trong những lĩnh vực kinh tế. (Tất nhiên, quan niệm sau là một điều hoang tưởng vì sự thực là các công ty lớn châu Âu và Mỹ thống trị trong thời thuộc địa.)

Ở Thái Lan, quốc hữu hóa bắt đầu vào cuối những năm 1930, nhưng công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu có liên quan chủ yếu với chế độ Field Marshal Sarit Thanarat, người lên nắm quyền bằng cuộc đảo chính năm 1957. Tại mỗi bước ngoặt, tiến trình công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu ở Thái Lan được xây dựng quanh những quý tộc trở thành nhà tư bản và một nhóm nhỏ các đối tác là những đại gia người gốc Hoa. Những đại gia này xuất thân từ bối cảnh thương mại, và điều này đã xác định cách tiếp cận của họ với sản xuất. Họ tìm kiếm những điều kiện có lợi từ những chính khách và sĩ quan quân đội, sau đó đến lượt những doanh nghiệp nước ngoài – thường là doanh nghiệp Nhật để cung ứng cho họ công nghệ và quy trình sản xuất. Những nhà sản xuất hiện hữu ở Thái Lan thường không thể tăng giá lên quá mức vì những dự án thay thế nhập khẩu của chính phủ trong các ngành mới, nơi những yêu cầu đầu tư tối thiểu hoặc năng lực sản xuất tối thiểu vượt quá khả năng của họ. Thay vì các nhà sản xuất hiện thời được hỗ trợ bởi chính sách của chính phủ để lớn mạnh và cạnh tranh trên quy mô lớn, những nhà buôn có quan hệ tốt với những người có thế lực đã độc quyền các thương vụ sản xuất được bảo hộ.

Tiêu chuẩn này dành cho một nhà nhập khẩu sản phẩm để trở thành nhà lắp ráp ở địa phương theo sự dàn xếp với nhà cung cấp nước ngoài. Một ví dụ là mặt hàng ô tô và xe máy, bảo hộ thuế quan được tăng cường cho những liên doanh sản xuất với Nissan, Toyota, Mitsubishi, Hino, Daihatsu, Isuzu và Honda, nhưng không hề có sản xuất nội địa hóa đích thực. Sự thay thế nhập khẩu sinh ra những công ty lớn, nhưng không đạt được mục tiêu là làm cho những doanh nghiệp Thái sản xuất ra các mặt hàng công nghiệp có sức cạnh tranh toàn cầu. Những năm 1970, nền công nghiệp Thái Lan là một loạt tập đoàn lớn phụ thuộc vào những đối tác nước ngoài, thành lập ở những thời điểm khác nhau, bởi các đại gia thương mại hưởng ứng chính sách thay thế nhập khẩu mới trong lắp ráp ô tô, đồ điện, sản xuất thép, kính, hóa chất và chế biến thực phẩm. Suehiro Akira, tác giả của bài phê bình về Đông Nam Á viết bằng tiếng Nhật đã nhận

xét: “Ở Nhật Bản và các nước công nghiệp hóa khác, những chuyên gia kỹ thuật và chủ nhà máy thường là những người có đóng góp quan trọng vào sự phát triển nền công nghiệp trong nước… Ở Thái Lan, không hề có sự phát triển như vậy.”

Một hình mẫu về tầng lớp tinh hoa kinh tế chộp giật những thành quả của chính sách ISI thậm chí còn rõ ràng hơn ở Philippines. Sự khác biệt của nhóm tinh hoa người địa phương đã bén rễ không chỉ ở trong kinh doanh mà họ còn là di sản của thực dân về đất nông nghiệp. Điều này tạo ra những mâu thuẫn sâu sắc. Các chủ đất có mối quan hệ với những người có thế lực tham gia vào lĩnh vực sản xuất trong những năm 1950 và 1960 tiêu biểu là lắp ráp hoàn thiện các sản phẩm của Mỹ vì phân bổ ngoại tệ, những khoản vay của nhà nước, miễn thuế và bảo hộ thuế quan có nghĩa là những lợi nhuận trời cho. Nhưng những đại gia có ruộng đất, cũng là những nhà xuất khẩu các mặt hàng nông sản và khai khoáng, bị ép buộc từ bỏ lợi nhuận xuất khẩu của họ để hỗ trợ chương trình công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu. Do đó, họ đã sớm quay sang các ngành có lợi nhuận cao khi sự tăng trưởng sản xuất ở vào khoảng 10% một năm trong những năm 1950 và sau đó quay sang chống lại nó vào đầu những năm 1960. Trong năm 1962, việc kiểm soát ngoại tệ được nâng lên và đồng peso mất giá khoảng 50%. Hậu quả là các đại gia có lợi ích trong nông nghiệp, khai mỏ, sản xuất và ngân hàng không có cam kết đặc biệt với bất kỳ chiến lược phát triển quốc gia nào – họ chỉ tìm kiếm những điều kiện có lợi. Các gia đình có đất đai tham gia vào sản xuất dưới chương trình công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu gồm có Aboitizs, Aranetas, AyalaZobels và Cojuangcos; Gokongweis và Palancas có điểm xuất phát từ khai mỏ. Nhà kinh tế học Philippines Temario Rivera viết về một cấu trúc xã hội “được thống trị bởi những gia đình có đất đai theo đuổi những lợi ích tự mâu thuẫn, làm yếu đi tính pháp lý của một chiến lược tăng trưởng và phát triển công nghiệp nhất quán”. Nói cách khác, công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu đã bị những kẻ “khả nghi bình thường” cướp đoạt.

Indonesia, như đã bàn luận ở trên, theo đuổi Chương trình Benteng dân tộc chủ nghĩa vào những năm 1950 chia phần ngoại tệ cho những thương gia bản xứ. Sử gia kinh tế Richard Robison nhận xét rằng, nó tạo ra “không phải một giai cấp tư sản thương mại

bản xứ mà là một nhóm những người môi giới giấy phép và đút lót giới chính trị”. Sự thật này tái diễn vào những năm 1970, khi bỗng nhiên nguồn tiền bán dầu khí dồi dào giữa lúc giá cả quốc tế tăng cao, chính phủ thử nghiệm công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu trong lĩnh vực sản xuất. Nhưng giấy phép và sự hỗ trợ không đến được với các nhà sản xuất cỡ vừa, mà đến với những pribumi có quan hệ với những người có thế lực, và các đại gia gốc Trung Quốc. Các nhà máy sắt thép, ximăng, ô tô, hóa chất và sản xuất phân bón được xây dựng trên cơ sở các thương gia đưa các công ty đa quốc gia vào để cung cấp công nghệ trong khi họ tập trung vào những thỏa thuận mang tính chính trị. Adam Schwartz, một chuyên gia ở Indonesia khá lâu, tác giả và nhà báo, viết về cái mê cung quan liêu đó: “Trong khi nhiều doanh nghiệp tư nhân có hậu thuẫn chính trị mạnh mẽ ra đời trong thời kỳ này, những doanh nghiệp nhỏ hơn bị vùi dập dưới đống sạt lở của cái trần nhà tín dụng và các quy định bao trùm cả sản xuất, đầu tư và phân phối, và phải chịu nhiều đau khổ.”

Và điều bất biến của khu vực là: công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu không nuôi dưỡng những nhà sản xuất địa phương nhỏ để họ lớn thành các nhà sản xuất có thể cạnh tranh toàn cầu, mà đơn giản, nó chỉ củng cố vị trí của nhóm tinh hoa dựa trên buôn bán của kỷ nguyên thuộc địa. Ở Malaysia, chính sách công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu trong sự náo động của thời kỳ trước năm 1969 cho thấy, ví dụ, Robert Quách – xuất thân từ một gia đình buôn bán đã đồng hóa liên tục tiến vào những khu vực được bảo hộ trong sản xuất đường, bột và vận tải biển thông qua quan hệ đối tác với những nhà cung cấp công nghệ Nhật. Nhiều công ty của Anh ở Malaysia được hưởng lợi từ sự bảo hộ của công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu trong khi những lợi ích của họ trên thị trường đã được những chính khách ở địa phương đảm bảo để đền ơn người Anh sớm ban cho Malaysia nền độc lập. Các thương gia Trung Quốc trong thời kỳ này có được những giấy phép quan trọng để mở ngân hàng và những hoạt động kinh doanh sòng bạc. Sau năm 1969, công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu mở đường cho quốc hữu hóa tài sản của người Anh và người nước ngoài khác sử dụng thu nhập từ dầu khí trời cho – nhiều tài sản sau này lại được tư nhân hóa, rơi vào tay nhóm tinh hoa kinh tế gồm các bố già. Ở khắp nơi trong khu vực, công nghiệp hóa tay thế nhập khẩu đã thất bại trong việc tạo ra những truyền thống của chủ nghĩa tư

bản công nghiệp để bổ sung cho chủ nghĩa tư bản thương nghiệp đã từng phát đạt trong kỷ nguyên thuộc địa. Thay vào đó, những nhà tư bản thương nghiệp thành đạt thu được lợi ích từ sản xuất trong các liên doanh hoặc bị ràng buộc về công nghệ với các nhà tư bản công nghiệp phương Tây và Nhật Bản. Hình mẫu này không bao giờ thay đổi.

VỀ HỒNG KÔNG VÀ SINGAPORE

Một trong số chủ đề thảo luận hữu ích về lịch sử kinh tế châu Á là, làm thế nào mà Hồng Kông và Singapore lại có thể thích hợp với cấu trúc kinh tế chung của Đông Nam Á như vậy; và chính sách mở cửa lại với thế giới bên ngoài của Trung Quốc sau năm 1979 nữa. Chỉ có thể hiểu đúng khu vực này nếu nhận diện được động lực đặc biệt của hai đối tượng xem xét này. Như chúng ta đã thấy, đều là sản phẩm của đế quốc Anh và đều là một hòn đảo xa bờ độc lập, nên vai trò cấu trúc của Hồng Kông và Singapore rất giống nhau. Sự thực này chỉ bị lu mờ bởi sự tự mô tả bản thân của Hồng Kông sau chiến tranh là một pháo đài của tự do thương mại (nhưng không đúng đối với nền kinh tế quốc nội của nó) và Singapore là một ví dụ điển hình về nền kinh tế trung ương tập quyền. Việc Singapore tự mô tả như một “đất nước” là do có sự nhầm lẫn về quan điểm kinh tế.

Điều quan trọng cần nói về Hồng Kông và Singapore là hai lãnh thổ này nguyên là những thành quốc -“những thành quốc hải cảng” thì đúng hơn. Từ thời đầu thuộc địa, việc buôn bán ở đó đã được miễn thuế (rất ít hoặc không khi nào bị hỏi buôn bán hàng gì) và đều là nơi tập trung tiền tệ (rất ít hoặc không khi nào bị hỏi tiền đến từ đâu). Là những thành quốc bang tương đối dễ quản lý với dân nhập cư thuần túy và có động lực thúc đẩy cao, Hồng Kông và Singapore đã thực hiện một mánh khóe kinh tế đơn giản: kinh doanh chính sự kém hiệu quả về kinh tế của các vùng nội địa của mình. Nói cách khác, một doanh nghiệp đến hai đảo quốc này vì muốn thực hiện những nhiệm vụ nhất định phần lớn là dịch vụ tốt hơn một chút so với ở các nước xung quanh. Cả hai đều là cảng nước sâu tự nhiên và được xây dựng từ lâu dựa trên lợi thế này. Vùng nội địa gần nhất của Hồng Kông là miền nam Trung Quốc, nhưng sự

hạn chế với phần lớn việc buôn bán ở đại lục trong khoảng từ năm 1949 và năm 1979 làm cho Hồng Kông chú trọng vào khu vực này hơn là buôn bán với các nước khác ở Đông Nam Á. Những vùng nội địa có ưu thế của Singapore, trái với lôgic hiển nhiên về địa lý là bán đảo Mã Lai, lại là Indonesia. Điều này không phải ngụ ý rằng Malaysia không quan trọng mà chỉ ngụ ý rằng Indonesia quan trọng hơn, bởi vì nó là một nền kinh tế lớn hơn. Thương mại của Singapore với Indonesia (tập trung vào Sumatra và Borneo) lớn hơn nhiều so với Malaysia vào cuối thế kỷ XIX và tình trạng này vẫn tiếp tục vào thế kỷ XX. Ví dụ, vào những năm 1950, gần một nửa hàng xuất khẩu của Singapore là cao su và hầu hết đều đến từ Indonesia, thường có được thông qua trao đổi hàng lấy hàng một cách bất hợp pháp. Singapore nổi trội như một hải cảng trên biển đối với cả Malaysia lẫn Indonesia trong thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, đến nỗi chính phủ Singapore không cho công bố nhiều dữ liệu thương mại của nó trong một cuộc bỏ thầu tương đối thành công để tránh sự công khai không cần thiết.

Hồng Kông và Singapore có truyền thống là những trung tâm buôn bán hàng lậu cũng như buôn bán hợp pháp của khu vực. Khi những nước xung quanh áp đặt thuế quan hoặc hạn ngạch về thương mại để tạo nguồn ngân sách cho chính phủ, Hồng Kông và Singapore đã kiếm lợi từ việc dùng mánh lới để phá vỡ những hạn chế đó. Ngay từ những năm 1860, Phòng thương mại Hồng Kông và các nhà buôn có ảnh hưởng lớn như Jardine Matheson đã biểu thị sự phẫn nộ và bất hợp tác khi ông Robert Hart người Anh và phần lớn nhân viên người Anh của ông ta tiếp tục quản lý Dịch vụ hải quan Trung Quốc và cố gắng giúp nhà nước Trung Quốc yếu kém tăng các khoản thuế cần thiết. Khi Robert Hart bắt đầu kiểm soát chặt việc buôn lậu bắt nguồn từ Hồng Kông, ông ta nhận ra rằng chính phủ Hồng Kông không sẵn lòng hợp tác.

Hồng Kông và Singapore ít nhất có tầm quan trọng về lịch sử với tư cách là những nơi giữ vốn, và vai trò này mới tăng lên trong những thập kỷ gần đây cùng với sự phát triển của những dịch vụ tài chính hiện đại. Những đại gia có gốc gác nước ngoài đã kiếm lợi từ các điều kiện kinh doanh thuận lợi ở những nước xung quanh luôn luôn tìm cách giữ vốn ở nước ngoài, vì sợ với lý do chính đáng – rằng một ngày nào đó họ

có thể là nạn nhân của những thay đổi về chính trị. Những khả năng trốn thuế và thay đổi cách định giá giữa các quyền tài phán khác nhau ở Đông Nam Á cũng sản sinh ra nguồn vốn khổng lồ cần thiết cho chốn thiên đường giữa đại dương này. Tính bảo mật của ngân hàng ở Hồng Kông và Singapore, mong muốn mở tài khoản ngân hàng ở nước ngoài của các công ty chỉ tồn tại trên hình thức và việc Hồng Kông miễn cho những công ty tư nhân các thủ tục cần thiết để lập tài khoản công, đã tạo ra nơi ẩn náu hoàn hảo, có thể tiếp cận dễ dàng. Ví dụ, trong kỷ nguyên Marcos, người ta nói rằng Hồng Kông bị thúc đẩy bởi sự phát triển máy bay tư nhân, đơn giản vì gia đình Macros và những người bạn nối khố của ông ta có thể đi đi về giữa những ngân hàng ở Hồng Kông của mình ngay trong ngày; và Imelda Marcos đã mua sắm rất nhiều ở Hồng Kông.

Vai trò ở giữa khu vực của Hồng Kông và Singapore là bất biến tuyệt đối từ khi chúng được phát hiện, và không hề có một dấu hiệu nào của sự thay đổi. Do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á, Michael Chambers, người đứng đầu cuộc nghiên cứu ở Indonesia cho Credit Lyonais Securities Asia (CLSA), ước tính dựa vào thông tin từ nguồn dữ liệu của các ngân hàng rằng khoảng 200 tỉ đôla vốn của Indonesia nằm trong các ngân hàng ở Singapore trong khi GDP của Indonesia là 350 tỉ đôla. Một số khoản tiền gửi trong những ngân hàng ở hai địa danh này là vốn ở nước ngoài hợp pháp, và một số khoản là thu nhập kiếm được một cách bất chính. Hồng Kông và Singapore cho thấy rằng một số lợi ích được tách làm đôi. Thực ra, trong những năm gần đây, khi Liên minh châu Âu cuối cùng đã gây sức ép với Ngân hàng Thụy Sĩ và các ngân hàng tư nhân khác ở châu Âu để ngăn ngừa trốn thuế và đưa ra mức thuế thu nhập cho một số người không có tư cách công dân. Singapore đã chiếm được một thị trường riêng trên toàn cầu cũng như khu vực. Đảo quốc này tăng thêm các điều khoản về bảo mật tài khoản và thay đổi luật tín thác để thu hút các loại tiền như Thụy Sĩ đã từng làm. Số lượng các ngân hàng tư nhân nước ngoài ở Singapore gần như tăng lên gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2006. Sau khi Singapore đăng cai một hội nghị của IMF hồi tháng 9 năm 2006, có một quan điểm hiếm có và rất thú vị thường thầm lặng – là một số ngân hàng đầu tư thật sự nhìn nhận đảo quốc này như thế nào. Không chịu nổi “những lời pha trò lịch sự đến buồn nôn” của hội nghị và

một bữa ăn tối với Thủ tướng Lý Hiển Long, tại đó những người ngoại quốc “xun xoe nịnh hót ông ta, cứ như ông ta là ông hoàng vậy”, nhà kinh tế học của Công ty Morgan Stanley ở châu Á, Andy Xie, đã hủy bỏ một bức thư điện tử định gửi cho các đồng nghiệp.

Trong nội dung thư Andy nói, mọi người trong cuộc họp “đang ganh đua với nhau để khen ngợi Singapore như là một thành công của toàn cầu hóa… Thật sự, thành công của Singapore phần lớn do nó là một trung tâm rửa tiền cho các doanh nhân và quan chức chính phủ tham nhũng ở Indonesia… Để duy trì nền kinh tế của mình, Singapore đang xây dựng những sòng bạc để thu hút những đồng tiền tham nhũng từ Trung Quốc.” Khi email này bị rò rỉ, một phát ngôn viên của Morgan Stanley nói rằng nội dung bức thư “chỉ nhằm mục đích khuyến khích các cuộc tranh luận trong nội bộ công ty”; và ông Xie xin từ chức.

Đi cùng với các dịch vụ ngân hàng ở Hồng Kông và Singapore là bất động sản, dịch vụ mua sắm và các trò giải trí. Những thị trường nhà cửa xa hoa ở đây luôn được điều khiển bởi những người nước ngoài – ngày nay là người Trung Quốc lục địa ở Hồng Kông; ở Singapore luôn là người Indonesia. Nơi ẩn náu Hồng Kông hoặc Singapore thật an toàn và là một nguồn đầu tư đáng tin cậy đối với các đại gia của Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines, cả thế kỷ XIX và ngày nay. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và vụ bạo loạn chống người Trung Quốc ở Indonesia, các chuyến bay sáng sớm thứ Hai và chiều thứ Sáu giữa Singapore và Jakarta trở thành một chuyến bay tốc hành vì các đại gia người Indonesia gốc Trung Quốc cứ bay qua bay lại như con thoi. Họ di chuyển gia đình từ những ngôi nhà ở Jakarta sang những ngôi nhà ở Singapore của họ. Hồng Kông và Singapore từ lâu cũng là trung tâm của những cửa hàng xa hoa và những đầu bếp tinh tế. Trong khi Hồng Kông có trò đua ngựa và gần đây là sòng bạc, thì các trò ăn chơi sa đọa diễn ra ở Macao. Mặc dù nhiều người ngạc nhiên, đó không phải là một cái gì đó liên quan đến tính liên tục của lịch sử khi chế độ độc tài ở Singapore, vào năm 2005 quyết định rằng họ sẽ cấp phép cho hai khu nghỉ dưỡng có sòng bạc khổng lồ. Singapore sau độc lập của Lý Quang Diệu và gia đình ông ta chỉ có lòng nhiệt thành đạo đức giả khi nó không can thiệp vào việc kinh

doanh ở Đảo quốc này. Do đó, có sự tương phản giữa tính bảo mật của ngân hàng và sự dung thứ từ lâu cho hoạt động mại dâm phần lớn phục vụ các doanh nhân đến thăm với khía cạnh hoàn toàn khác như các khoản tiền phạt của Singapore với lỗi như đi tiểu xong không dội nước hay không buông rèm cửa trong trạng thái không mặc quần áo. Thủ tướng Lý Hiển Long chào mừng sự hợp pháp hóa việc đánh bạc với câu hỏi mang tính hùng biện: “Nếu chúng ta không thay đổi, chúng ta sẽ ở đâu trong 20 năm tới?” Nhưng trên thực tế, những sòng bạc của Singapore chỉ là giai đoạn phát triển gần đây nhất, những giai đoạn còn lại cũng sẽ như thế.

Hồng Kông và Singapore đã được định sẵn sẽ thành công. Tất cả những gì phải làm là đạt được một mức độ hiệu quả hơn, một mức độ lôi cuốn hơn về tiền vốn so với các nước xung quanh, và thịnh vượng. Sự nhỏ bé sẽ là một đức hạnh tốt. Tuy nhiên, điều này không phải luôn luôn là hiển nhiên đối với những người lãnh đạo Singapore. Năm 1963, những người lãnh đạo quốc gia mới độc lập này bị ám ảnh bởi ý tưởng rằng nơi này không thể tự tồn tại và họ đã mang thành phố nhập vào Liên bang Malaysia, nhưng sau hai năm lại tách ra. Thủ tướng Lý Quang Diệu đã than khóc một cách công khai về điều đó. Tình tiết quan trọng này có lẽ đã cứu vớt những người từng lập luận rằng nhà chính trị ưu tú sau độc lập của Singapore không bao giờ hiểu thế nào là kinh doanh và những doanh nhân làm việc thật sự như thế nào. Nếu ông ta hiểu, thì chắc ông ta cũng thừa nhận rằng Singapore luôn luôn giàu có bởi tự thân nó. Dưới thời Lý Quang Diệu người chẳng bao giờ thích tư thương Singapore đi theo một mô hình thống kê, chính phủ nắm quyền kiểm soát công khai các công ty quan trọng nhất. Bất kỳ sự mất mát nào về hiệu quả do phương thức phát triển này đều không quan trọng, bởi vì hải cảng và những ngân hàng ở Singapore vẫn tương đối hiệu quả hơn, và an toàn hơn những ngân hàng ở Indonesia và Malaysia. Ngược lại, Hồng Kông theo đuổi một mô hình thị trường tự do – mặc dù, như sau này chúng ta sẽ thấy, những dịch vụ của nó trên thực tế luôn luôn được cartel hóa rất mạnh và có nhiều người vận hành cảng tư nhân và ngân hàng tư nhân hơn. Cuối thế kỷ XX, kết quả của những cách tiếp cận có vẻ đối lập hoàn toàn với quản lý kinh tế là GDP bình quân đầu người ở hai thành phố chênh lệch nhau chưa đến 1.000 đôla, 23.930 đôla ở Hồng Kông và 22.960 ở Singapore. Đây có phải là một bài học? Rằng, một quốc gia có cảng

nước sâu chiến lược trong một khu vực có trình độ quản lý tương đối kém, nạn tham nhũng và bất ổn định về chính trị, vẫn thịnh vượng mà rất ít nhắc đến các triết lý kinh tế chính thống.

Luôn luôn có hai loại đại gia đang cư trú ở Hồng Kông và Singapore – người nhập cư và người bản địa. Có một dòng chảy đều đặn của những bố già đã nhập cư từ các nước xung quanh. Một hàng dài những đại gia Indonesia, từ Hoàng Trọng Hàm trở đi, đã định cư với tư cách là các công dân riêng lẻ và doanh nhân của doanh nghiệp Singapore; trở ngại duy nhất đối với họ là xu hướng này làm cho chính phủ Indonesia bực bội. Cũng như thế, có một hàng dài những đại gia người Malaysia, từ Eu Tongsen cho đến Robert Quách, người đã kết thúc sự nghiệp ở Hồng Kông. Một số gia đình đại gia gốc Singapore như Hoàng Đình Phương – đã tự tách ra ở hai nơi là Singapore và Hồng Kông. Những đại gia Hồng Kông không di trú tới Singapore, do chính phủ ở đó đang cấm nhập cư vì đã quá đông đúc.

Các bố già gốc Hồng Kông và Singapore lần lượt chia ra hai nhóm nhỏ: những người đặt vốn liếng vào đất đai và những người đặt vốn liếng vào ngân hàng. Vì đất đai cực kỳ khan hiếm ở những khu vực này, từ thế kỷ XIX, trên thực tế bất động sản luôn luôn đắt đỏ theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, giá cả thay đổi nhanh và rất lớn; nếu biết đầu tư có tính toán sẽ đạt hiệu quả cao. Do đó, bất động sản là nguồn gốc của sự giàu có của đa số các đại gia.

Kinh doanh ngân hàng là trụ cột chính của các tỉ phú mặc dù ở Hồng Kông, nơi chính phủ thực dân tồn tại cho đến năm 1997, hai ngân hàng của Anh là Hong Kong and Shanghai Banking Corporation và Standard Chartered (kế nghiệp Chartered Bank của India, Australia và Trung Quốc) có thể tồn tại như những người chơi vượt trội. Ở Singapore, ngân hàng của chính phủ nhường chỗ cho ba ngân hàng tư nhân địa phương tầm cỡ. Một điều khác cần biết về sự giàu có của các bố già ở Hồng Kông là có sự kết nối về cấu trúc thứ cấp với những người giàu có nhờ buôn lậu và tổ chức đánh bạc ở bên cạnh là Macao. Cựu thuộc địa Bồ Đào Nha là một nơi thật lạ thường, đầy rẫy tham nhũng và vô cùng mê hoặc sẽ được nói tới ở những phần sau. Tuy

nhiên, để kết luận về cuộc khảo sát lịch sử của chúng ta, cần quay trở lại với thế giới kinh tế học vĩ mô.

TỪ CUỐI CÙNG TRONG CỤM TỪ VIẾT TẮT

Công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu (ISI Import Substitution Industrialisation), như chúng ta đã thấy, vừa là một phần của cái “mốt” kinh tế toàn cầu vừa là phản ứng tự nhiên sau chiến tranh đối với cách thức mà trong đó các chế độ thực dân cấu trúc nền kinh tế Đông Nam Á như một nguồn cung cấp hàng tiêu dùng và tiêu thụ hàng công nghiệp. Trong thời hạn ngắn, ISI tạo ra tốc độ tăng trưởng đáng nể trong khu vực. Nhưng tất cả những cái đó bị tầng lớp các đại gia nổi lên nhờ buôn bán thao túng một cách quá dễ dàng. Mọi nỗ lực để lập kế hoạch phát triển công nghiệp đều trở thành cơ hội kinh doanh béo bở khác cho những người có quan hệ với những người có thế lực chính trị. Thông thường, thủ tục để cho một đại gia có được giấy phép cần thiết là giới thiệu một đối tác nước ngoài sẽ cung cấp một quy trình sản xuất thường là lắp ráp trang thiết bị (đa số là linh kiện nhập khẩu), và sau đó nấp sau hàng rào thuế quan để bán những hàng hóa không thể bán được trên thị trường toàn cầu. Kết quả là lợi nhuận, chứ không phải là những tiến bộ tối thiểu trong việc xây dựng một nền sản xuất trong nước bền vững. Mức độ lạm dụng là khác nhau ở mỗi dự án, ở mỗi nước, nhưng vào cuối những năm 1960, rõ ràng là ISI không phải là một liều thuốc chữa bách bệnh cho sự phát triển kinh tế. Hơn nữa, những nơi ở Đông Bắc Á – gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đang phát triển nhanh và bền vững hơn các nước Đông Nam Á theo mô hình dựa trên sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu. Ví dụ, Hàn Quốc và Đài Loan vượt qua Philippines – đứng thứ hai chỉ sau Nhật Bản về GDP trên đầu người – về gần như tất cả các chỉ số kinh tế vào cuối những năm 1950.

Như vậy, ở Đông Nam Á, bắt đầu có sự thay đổi cụm từ viết tắt, từ ISI sang EOI (Export Oriented Industrialisation) cái mà các nhà kinh tế gọi là “công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu”. Điều này đã được Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, và đặc biệt là chính phủ Mỹ khuyến khích. Câu chuyện bắt đầu ở Singapore, nơi tiếp cận xu hướng ISI từ giữa những năm 1950, để xây dựng các nhà máy cán thép và lắp ráp ô

tô. Sự kiện này chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Những nhà lập kế hoạch của Singapore đã xoay sang hướng khác. Khoảng giữa những năm 1960, khu công nghiệp Jurong ở bờ tây đảo quốc Singapore được khai hóa từ đất đầm lầy, và chính phủ kêu gọi các nhà đầu tư định hướng xuất khẩu nước ngoài đầu tư vào khu công nghiệp đó. Thành công sớm đến với những nhà sản xuất hàng bán dẫn của Mỹ như Texas Instruments và Fairchild, và như lời mời mọc, Singapore có vai trò như một trung tâm gia công hàng điện tử ngoài nước Mỹ. Đầu những năm 1970, với những công ty đa quốc gia tiết kiệm được nhiều chi phí từ việc sử dụng lao động châu Á, và chính phủ Singapore đã làm hết sức mình để giúp đỡ họ, hầu hết việc sản xuất hàng bán dẫn ngoài chính quốc của thế giới – bao gồm các quá trình xử lý cuối cùng có giá trị gia tăng thấp hơn – được đưa vào Singapore. Năm 1973, lần đầu tiên, giá trị hàng công nghiệp xuất khẩu vượt lên những mặt hàng tiêu dùng. Qua một thời gian dài, sự đầu tư của Nhật Bản tỏ ra lớn hơn của Mỹ. Các công ty đa quốc gia từ Nhật Bản di chuyển phần lớn vốn đầu tư định hướng xuất khẩu tới Singapore, bao gồm các dự án công nghiệp nặng trong ngành sửa chữa và đóng tàu biển vào những năm 1960 và đầu những năm 1970, và một tổ hợp sản xuất hóa chất lớn được Sumitomo thiết lập. Đồng yên được đánh giá cao so với các đồng tiền chính vào những năm 1970, và điều này khích lệ các cuộc vượt biển khác. Matsushita lôi kéo những nhà sản xuất đồ dùng gia đình khác tới Singapore, bằng việc thiết lập một nhà máy sản xuất máy nén khí cho tủ lạnh đầu tiên, năm 1972.

Những gì bắt đầu ở Singapore, và sau đó mở rộng ra toàn khu vực thật ấn tượng. Các chính phủ phát tín hiệu về sự thay đổi đường lối hành động của họ bằng các pháp chế mới. Ví dụ, Philippines đã thông qua một đạo luật khuyến khích đầu tư năm 1967, và Malaysia cũng noi gương với một đạo luật cùng tên vào năm 1968. Các chính phủ cũng nhanh chóng cắt bớt quyền lợi của công nhân để làm yên lòng những nhà đầu tư nước ngoài.

Chế độ Sarit ở Thái Lan hủy bỏ những pháp chế cung cấp quyền có việc làm cho công nhân và đình chỉ các nghiệp đoàn ngay từ năm 1958. Ở Singapore, đảng Hành động vì nhân dân (PAP) của Lý Quang Diệu, nắm quyền dựa trên một liên minh với các nhóm công nhân, đã thiết lập sự kiểm soát của chính phủ đối với những nghiệp

đoàn và cố tình giảm mức lương vào những năm 1970 thông qua Hội đồng mức lương quốc gia. Bước đi của việc thực thi các chính sách đầu tư thân thiện với nước ngoài khác nhau, và các chính phủ tiếp tục bảo hộ các doanh nghiệp trong nước bằng thuế quan và các biện pháp khác, nhưng định hướng của chính sách kinh tế thay đổi về căn bản. EOI đáp ứng yêu cầu về tăng trưởng kinh tế, phát sinh ra nhiều ngoại tệ và cũng tạo ra việc làm tốt hơn rất nhiều so với ISI, hệ quả tất yếu là dân số sau chiến tranh cũng tăng lên đáng kể.

Từ những năm 1970, sự phát triển của Đông Nam Á được xác định bởi EOI. Ví dụ, ở Malaysia, tỉ trọng xuất khẩu của sản xuất tăng từ 12% vào năm 1970 lên 74% vào năm 1993. Hàng xuất khẩu tăng lên tới mức cao hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP). EOI của Đông Nam Á được dẫn dắt rất nhiều bởi những hoạt động lắp ráp sử dụng linh kiện nhập khẩu. Giai đoạn quan trọng nhất của sự bùng nổ xuất khẩu là giữa những năm 1980. Trong những năm 1970, các chính phủ ở Malaysia, Indonesia và Thái Lan có sự quan tâm đáng kể đối việc phát triển chính sách, vì giá dầu và khí đốt tăng làm cho thu nhập của họ từ những mặt hàng này tăng lên vùn vụt. Thế nhưng, sau tình trạng suy thoái vì nợ tiền nhiên liệu vào giữa những năm 1980, cần phải thu hút đầu tư nước ngoài một cách tích cực hơn. Điều này xảy ra cùng với việc các công ty đa quốc gia tập trung nhiều hơn vào những lợi ích của sản xuất ở nước ngoài dẫn tới sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu khắp khu vực trong một thập kỷ, bắt đầu từ năm 1987. EOI mang lại sự tăng trưởng và việc làm, nhưng nó không phải là một hình ảnh phản chiếu của các kinh nghiệm ở Đông Bắc Á. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, hàng xuất khẩu được các công ty bản xứ phát triển, trong khi các chính phủ ngăn chặn đầu tư nước ngoài. Sự bền vững của mô hình này là do các công ty tăng cường khả năng quản lý nghiên cứu và phát triển những sản phẩm mới, và dần dần xây dựng những thương hiệu đẳng cấp quốc tế. Công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu không đạt được những mục tiêu này ở Đông Nam Á, thay vào đó, nó lại tạo ra những hoạt động lắp ráp phải mang ơn những đối tác và những nhà cung cấp nước ngoài. Và EOI cũng không giải quyết được vấn đề này. Thay vào đó, cái mà nó làm được là cung cấp nguồn nhân công giá rẻ ở Đông Nam Á cho những công ty đa quốc gia đã đưa quá trình sản xuất gia công ra ngoài, trong khi giữ các hoạt động nghiên cứu và phát triển

ở lại các nước phát triển hơn. Người ta lập luận rằng, điều này tạo ra một hình thức phụ thuộc mới, mặc dù có thông qua các chính phủ độc lập trái ngược với cấu trúc đổi hàng tiêu dùng lấy hàng công nghiệp thời thuộc địa. Dù cho lập luận trên có xác đáng hay không thì tác động của EOI vẫn rất lớn. Vào năm 1990 ở Singapore, nơi mô hình được thực hiện trước tiên, gần như chín phần mười sản phẩm xuất khẩu trực tiếp đến từ các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng lãnh thổ này như một mặt bằng sản xuất.

Phản ứng của các doanh nghiệp trong nước đối với những công ty xuất khẩu đa quốc gia được các chính phủ chào đón vì đã sớm trở lại sau khi các doanh nghiệp nước ngoài từng lớn lên trong thời thuộc địa đã bị đuổi ra hoặc trả tiền để họ về nước, là rất đáng chú ý. Những công ty nhỏ tìm được vô số cơ hội cung cấp các bộ phận linh kiện, và dịch vụ cho những nhà đầu tư đa quốc gia. Nhưng khả năng nâng chuỗi giá trị lên còn yếu vì thiếu một quy mô làm cho họ không có đủ các nguồn lực để nghiên cứu và phát triển. Mặt khác, các đại gia, có quy mô và sự tiếp cận vốn, nhưng hiếm khi quan tâm đến lĩnh vực xuất khẩu. Lý do thật đơn giản. Xuất khẩu là một hoạt động kinh doanh mang tính cạnh tranh toàn cầu. Lựa chọn tốt nhất của các bố già là kinh doanh dựa trên sự kém hiệu quả của các nền kinh tế nội địa ở Đông Nam Á, hoặc dưới hình thức những chính khách sẵn lòng dốc cái hầu bao nhượng bộ kinh doanh mà họ đang giữ độc quyền trên cơ sở quan hệ cá nhân, hoặc qua lợi nhuận kiếm được khi các chính phủ cố gắng quản lý phát triển công nghiệp vi mô. Với các đại gia, lợi ích của EOI là quan trọng nhưng là lợi ích gián tiếp: sự tăng trưởng mà nó tạo ra nằm ở mối quan hệ mật thiết giữa hai tầng lớp tinh hoa chính trị và tinh hoa kinh tế, và làm giảm sức ép cho việc bãi bỏ những quy định trong nền kinh tế nội địa có hiệu quả. Các dự án công trình công cộng không qua đấu thầu và việc tư nhân hóa được quyết định sau những cánh cửa đóng kín, là khả thi hơn về mặt chính trị khi hàng xuất khẩu đang điều khiển nền kinh tế Đông Nam Á. Đây là bối cảnh kinh tế vĩ mô thực sự đầy tham vọng của những năm cuối thập kỷ 1980 và 1990, khi các đại gia chúc mừng lẫn nhau tại những hội nghị và trên các phương tiện truyền thông vì đã làm cho Đông Nam Á thịnh vượng, trong khi (phần lớn) nữ công nhân làm việc trong các dây chuyền lắp ráp tại các nhà máy gia công hàng xuất khẩu mới thực sự là những

người làm cho Đông Nam Á trở nên thịnh vượng. Thật không may, giống như đa số mọi người, họ biểu thị một khả năng tự phân tích rất hạn chế. Như Stephen Brown, một nhà nghiên cứu kỳ cựu của Kim Eng Securities ở Hồng Kông, viết: “Họ thành thật tin tưởng rằng: ‘Nếu tôi không phải là một thiên tài kinh doanh, thì tất cả các người đã thất nghiệp rồi.’”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.