Thứ ba, ngày 18
Tưởng thế, chứ thầy giáo mới chúng tôi dã khéo làm xứng ý mọi người ngay sáng hôm nay.
Giờ vào học, sau khi thầy đã ngồi vào bàn, chốc chốc lại thấy một người học trò cũ qua cửa cúi chào. Cũng có người vào bắt tay thầy và thăm hỏi một cách rất cung kính. Đủ biết học trò cũ cũng quyến luyến thầy biết dường nào và như muốn còn được ở gần thầy. Nhưng chào thì chào, bắt tay thì bắt, thầy không nhìn thẳng mắt ai, cứ lảng trông ra cửa sổ. Những dấu thân ái và biết ơn ấy tưởng đã làm cho thầy thoả ý nhưng trái lại đã khiến thầy mủi lòng.
Đến bài chính tả, thầy xuống bục, đi lại trong các hàng ghế đọc cho chúng tôi viết. Thấy một học trò mắt lấm tấm mụn đỏ, thầy ngừng đọc, lại gần tay sờ trán và hỏi : “Con làm sao?” Thừa lúc thầy quay lưng lại, một anh học trò bàn dưới leo lên ghế dun dẩy như người trượt băng. Bất đồ, thầy ngoảnh lại bắt gặp, anh chàng vội ngồi ngay xuống cúi đầu đợi phạt. Nhưng ông Perbôni sẽ đập vào vai anh học trò dại dột kia, bảo rằng : “Không được làm thế nữa”. Có thế thôi. Rồi thầy bình tĩnh về chỗ đọc nốt bài chính tả.
Khi viết xong, thầy yên lặng nhìn chúng tôi một lúc rồi ôn tồn nói :
_ Các con ơi ! Hãy nghe ta ! Chúng ta cùng nhau phải qua một năm học. Chúng ta nên hết sức làm việc để qua năm ấy cho được tốt đẹp. Phải chăm chỉ. Phải ngoan ngoãn. Ta không có gia đình. Các con là gia đình của ta. Năm ngoái, mẹ ta còn, bây giờ người đã khuất. Ta chỉ còn có một mình ta. Ngoài các con ra ở trên đời này, ta không còn có ai nữa ; ngoài sự thương yêu các con, ta không còn thương yêu ai hơn nữa. Các con ví như con ta. Ta sẽ yêu dấu các con. Đáp lại, các con phải yêu dấu ta. Ta không muốn phạt một người nào cả. Các con phải tỏ ra là những trẻ có tâm hồn. Trường ta sẽ là một gia đình, các con sẽ là mối an ủi và mối tự hào của ta. Ta không cần phải hỏi lại các con vì ta tin rằng trong lòng các con, ai ai như cũng “vâng lời”, nên ta có lời cảm ơn các con.
Thầy nói dứt lời thì người coi trường vào báo hết giờ học (1). Chúng tôi yên lặng xuống sân. Anh học trò vô lễ ban nãy rón rén lại gần thầy giáo, nói run run :
_ Thưa thầy, xin thầy tha lỗi cho con.
Thầy gật đầu, hôn trán anh và bảo :
_ Tốt lắm ! Cho con về.
Chú thích
(1): Trong các trường ở thành phố nước Italia, hết giờ học, người gác trường đến từng lớp báo hết giờ chứ không đánh trống hay kẻng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.