Ba gọi cho Mattia tối thứ Tư, khoảng giữa tám giờ và tám giờ mười lăm. Trong suốt chín năm họ ít khi gặp nhau và lần gặp gần đây nhất cũng đã lâu lắm rồi, nhưng trong căn hộ hai phòng của Mattia điện thoại không bao giờ đổ chuông mà không có người nhấc máy. Giữa những khoảng ngắt quãng không lời chỉ nổi lên sự im lặng từ cả hai phía. Chẳng bao giờ thấy tivi hay đài bật. Chẳng bao giờ thấy khách khứa lách cách dao dĩa trên đĩa ăn.
Mattia có thể tưởng tượng cảnh mẹ nghe cuộc nói chuyện điện thoại từ ghế sofa với khuôn mặt chẳng hề thay đổi biểu hiện và hai tay đặt trên thành ghế, giống như khi anh và Michela học cấp một và bà ngồi lắng nghe chúng đọc thuộc lòng các bài thơ. Mattia lúc nào cũng thuộc hết trong khi Michela thì im thít, chẳng thể nhớ bất cứ điều gì.
Mỗi thứ Tư sau khi gác máy Mattia lại tự hỏi không biết tấm ga màu hoa cam phủ ghế bành có còn không hay ba mẹ anh đã thay nó rồi, từ hồi ở nhà nó đã bươm ra một chút. Anh tự hỏi ba mẹ có già đi không. Chắc chắn họ phải già hơn rồi, anh có thể nhận thấy điều đó từ giọng nói chậm chạp và nặng nề hơn của ba. Anh có thể nhận thấy điều đó từ hơi thở của ông phát ra trong điện thoại ngày thêm khó nhọc.
Mẹ anh chỉ họa hoằn mới trực tiếp nghe máy và lúc nào cũng là những câu hỏi khuôn mẫu giống nhau. Trời lạnh không, con ăn tối chưa, lớp học thế nào. Ban đầu Mattia giải thích cho bà ở đây mọi người ăn lúc bảy giờ. Giờ anh chỉ nói vâng thôi.
“Alô?”
Chẳng có lí do gì để anh nói tiếng Anh. Chỉ có trên dưới mười người biết số điện thoại nhà và chẳng đời nào có ai trong số họ gọi cho anh vào giờ này.
“Ba đây.”
Sự chậm trễ của câu trả lời là không đáng kể. Đáng lẽ Mattia phải cầm theo một chiếc đồng hồ bấm giờ để do sự chậm trễ đó và có thể tính xem tín hiệu lệch bao nhiêu so với đường thẳng hơn một ngàn ki lô mét giữa anh và ba, nhưng lần nào Mattia cũng quên.
“Chào ba. Ba khỏe không?”
“Ừ. Còn con?”
“Ổn cả… Mẹ…?”
“Mẹ ở đây.”
Quãng im lặng đầu tiên luôn bắt đầu sau lúc ấy, giống như hớp không khí sau cơn nghẹn thở đầu tiên.
Mattia miết ngón tay trỏ dọc theo vết trầy xước dài khoảng một gang tay từ giữa cái bàn gỗ tròn sáng màu. Anh thậm chí còn chẳng nhớ chính mình hay những người thuê nhà trước đó đã làm xước nó. Ngay dưới mặt bàn được đánh véc là kẽ nứt mà anh có xọc móng tay vào cũng không thấy đau. Mỗi thứ Tư anh lại xọc cho kẽ nứt ấy sâu thêm được một phần mấy mi li mét, nhưng hết cả đời chắc chắn cũng không đủ để tay anh thọc xuyên được sang phía bên kia.
“Thế con đã ngắm bình minh lên chưa?” Ba hỏi.
Mattia mỉm cười. Đó là một chuyện đùa giữa họ, có lẽ là chuyện đùa duy nhất. Khoảng một năm trước đây Pietro đã đọc được trên một tờ báo nào đó viết bình minh trên biển Bắc là một trải nghiệm không thể bỏ qua và buổi tối hôm ấy ông đọc mẩu báo cho Mattia nghe qua điện thoại. Chắc chắn con phải tới đó, nhớ đấy. Từ hôm ấy thỉnh thoảng ông lại hỏi thế nào con đã ngắm bình minh lên chưa? Mattia lúc nào cũng trả lời chưa. Chuông đồng hồ báo thức luôn kêu lúc tám giờ mười bảy phút và con đường ngắn nhất tới trường không đi qua biển.
“Chưa, chưa có bình minh”, anh trả lời.
“Ừ, dù gì nó cũng chẳng thể biến đi đâu được.” Pietro đáp.
Họ lại lặng yên, lưỡng lự vài giây nữa, áp ống nghe vào tai. Cả hai hít thở một chút cái thân tình còn tồn tại giữa họ cứ giảm dần đi theo hàng trăm ki lô mét dây cáp đồng trục, cái thân tình từng được nuôi dưỡng bởi một điều gì đó họ không rõ tên và có lẽ, nếu nghĩ đến cùng, cũng chẳng còn tồn tại nữa.
“Thế nhé con”, cuối cùng Pietro nói.
“Vâng.”
“Cố gắng giữ gìn.”
“Okay. Chào mẹ cho con.”
Họ gác máy.
Với Mattia thế là hết ngày. Anh đi qua bàn, lơ đãng nhìn đống giấy tờ kẹp ghim để một phía, cộng với đống việc mang từ văn phòng về. Anh vẫn còn giậm chân tại điểm đó. Dù chứng minh xuất phát từ bất cứ điểm nào thì cả hai, anh và Alberto, trước sau gì cũng sẽ mắc lại. Anh cảm thấy phía sau vật cản sau cùng đó có một giải pháp, rằng vượt qua được nó rồi tới đích cuối sẽ dễ dàng hơn, giống như nhắm chặt mắt lại mà lăn mình xuống từ trên đỉnh thảm cỏ dốc vậy.
Mattia quá mệt mỏi để tiếp tục công việc. Anh vào bếp, mở vòi lấy nước vào nồi, đặt lên bếp và bật lửa. Bao lâu rồi anh đã sống một mình như thế, sự cô đơn hẳn sẽ khiến một người bình thường phát điên lên trong vòng một tháng.
Mattia ngồi trên ghế gấp bằng nhựa, nhưng không buông thả hoàn toàn. Anh ngước nhìn lên ngọn đèn treo giữa trần nhà. Nó bị cháy bóng một tháng ngay sau khi Mattia chuyển đến và anh chẳng bao giờ thay nó cả. Anh ăn trong ánh đèn hắt từ phòng khác sang.
Nếu tối đó anh rời khỏi căn hộ và không quay về nữa thì sẽ chẳng có ai tìm được dấu hiệu cho thấy anh đã từng sống ở đây, ngoại trừ đống giấy khó hiểu chất trên bàn. Mattia không mang đến cái gì của riêng mình. Anh vẫn giữ nguyên các thứ đồ gỗ vô hồn bằng gỗ sồi hoa sáng màu, tấm thảm đã ngả vàng treo trên tường từ khi ngôi nhà này được xây lên.
Anh đứng dậy, đổ nước vào tách và thả một gói trà vào trong, nhìn nước ngả sang màu sẫm. Lửa vẫn còn hồng và trong vùng tối mờ nó có màu xanh đậm. Anh vặn nhỏ lửa cho tới khi nó hầu như tắt hẳn và tiếng reo yếu dần. Anh hơ tay trên bếp. Hơi nóng tạo một sức ép nhẹ trên lòng bàn tay bị tàn phá. Mattia chậm chạp hạ dần, hạ dần bàn tay, và lòng bàn tay anh bao trùm lên ngọn lửa.
Giờ anh vẫn còn nhớ, sau hàng trăm hàng ngàn ngày trôi qua giống hệt như nhau tại trường đại học và những bữa trưa cũng lặp lại như vậy trong nhà ăn nằm ở một tòa nhà nằm ở một tòa nhà nằm tận trong cùng khu học xá của trường. Nhớ lần đầu tiên tới đây, anh chỉ bắt chước làm theo động tác của các sinh viên khác. Anh xếp hàng dần dần tới dãy khay gỗ mềm đựng đĩa ăn. Anh cho khăn ăn, dao dĩa và một chiếc cốc lên đó. Rồi tới trước một chị phục vụ đồ ăn, anh chỉ bừa một trong ba khay nhôm, chẳng để ý coi trong đó có gì nữa. chị nấu bếp hỏi gì đó bằng tiếng địa phương hoặc tiếng Anh, nhưng Mattia chẳng hiểu. Anh lại chỉ lại khay thức ăn và chị ta nhắc lại câu hỏi. Mattia lắc đầu nói I don’t understand bằng giọng cứng ngắc ngượng ngập. Chị ta ngước mắt lên trời tay hoa hoa cái đĩa vẫn còn trống trơn. She’s asking if you want a sauce, một thanh niên đứng cạnh Mattia nói. Anh quay sang ngơ ngác nói Tôi… I don’t… Cậu người Ý à? Anh ta hỏi. Ừ. Chị ta hỏi cậu có muốn lấy nước xốt không. Mattia lắc đầu, vẫn lúng túng. Anh ta quay sang chị phục vụ nói là không nước xốt. Chị ta mỉm cười và cuối cùng cũng xúc đầy vào đĩa cho Mattia và đặt lên bệ. Anh ta cũng chọn món đó và trước khi đặt đĩa vào khay của mình anh ta đưa nó lên ngử, rồi khịt mũi kêu kinh thế.
Cậu mới tới hả? Anh ta hỏi Mattia sau đó một chút, mắt vẫn nhìn món xúp đặt trong đĩa. Mattia nói ừ và anh ta nhíu mày gật đầu như thể họ đang nói chuyện gì nghiêm túc lắm. Trả tiền xong Mattia vẫn đứng chôn chân trước quầy thanh toán, tay giữ chặt khay thức ăn. Mắt anh tìm một bàn trống cuối phòng, nơi có thể xoay lưng lại tất cả và không phải cảm thấy quá nhiều cặp mắt đang hướng về mình trong khi ngồi ăn lẻ loi. Anh vừa bước một bước về phía đó thì cậu thanh niên lúc nãy bước ngang qua nói lại chỗ kia đi.
Alberto Torcia đã ở đây được bốn năm rồi, với một vị trí nghiên cứu thường trực và tài trợ đặc biệt dành được từ Ủy ban châu Âu nhờ những bài viết chất lượng cao của anh ta gần đây. Anh ta cũng chạy trốn một điều gì đó, nhưng Mattia không bao giờ hỏi xem đó là chuyện gì. Sau nhiều năm cả hai vẫn chẳng rõ có thể gọi người kia là bạn hay đơn giản là đồng nghiệp, cho dù ở chung một phòng làm việc và ăn trưa cùng nhau tất cả các ngày.
Hôm đó là thứ Ba. Alberto ngồi đối diện, liếc nhìn dấu vết mới, tái xám và tròn vo trong lòng bàn tay Mattia qua ly nước đầy đang giơ lên miệng. Anh ta không hỏi gì Mattia, chỉ rướn mày nhìn ý nói mình thấy rồi. Gilardi và Montanari cùng ngồi ăn với họ, đang cười khùng khục vì điều gì đó thấy trên Internet.
Mattia uống một hơi hết cốc nước. Rồi anh hắng giọng.
“Tối qua mình nảy ra một ý tưởng cho sự đứt đoạn mà…”
“Xin cậu đấy Mattia”, Alberto ngắt lời, bỏ dĩa xuống và ngả người ra sau ghế. Các động tác của anh ta luôn quá trớn. “Tha cho mình ít nhất là trong lúc ăn chứ.”
Mattia cúi đầu. Anh đã xắt lát thịt trong đĩa ra thành từng miếng vuông vắn và giờ đang tách xếp chúng tạo một vỉ với các đường trắng cách đều nhau.
“Sao buổi tối cậu không làm gì khác?” Alberto nói nhỏ hơn, như thể không muốn cho hai người kia nghe thấy. Trong lúc nói anh ta hua hua con dao thành từng vòng nhỏ trong không khí.
Mattia chẳng nói gì, cũng chẳng nhìn anh ta. Anh đưa lên miệng một miếng thịt, chọn trong số những miếng rìa xung quanh thừa ra khỏi hình vừa xếp.
“Ví như thỉnh thoảng qua nhà bọn mình uống chút gì đó…” Alberto tiếp tục.
“Không.” Mattia trả lời khô khốc.
“Nhưng…” bạn đồng nghiệp nói.
“Cậu biết mà.”
Alberto đành thôi, chỉ nhăn trán lắc đầu. Sau bao năm gã này vẫn khăng khăng như vậy. Từ khi quen nhau đến giờ anh ta mới chỉ lôi được Mattia ra khỏi nhà trên dưới chục lần.
Anh ta quay sang xen ngang câu chuyện của hai người bên cạnh.
“Ê, thấy cô nàng kia chưa?” Alberto chỉ một cô gái ngồi cách đó hai bàn cùng một người đàn ông đã đứng tuổi. Theo như Mattia biết cô ta dạy môn địa chất. “Nếu mình chưa cưới thì Chúa mới biết mình sẽ làm gì với nàng.”
Hai người kia hơi do dự trong giây lát vì nó chẳng liên quan gì tới chuyện họ đang nói cả, nhưng họ cũng mặc và hùa theo Alberto đoán già đoán non tại sao một nàng xinh tươi như vậy mà lại ngồi cùng bàn với một lão lụ khụ thế.
Mattia thái chéo tất cả các miếng thịt vuông ra. Rồi anh ghép tất cả các tam giác lại thành một hình lớn hơn. Đĩa thịt giờ đã nguội lạnh.
Anh xiên một miếng rồi hầu như nuốt chửng luôn. Chỗ còn lại anh không động tới nữa.
Ra tới ngoài nhà ăn Alberto lừng chừng châm thuốc, để Gilardi và Montanari đi xa dần. Anh ta đợi Mattia đang đi sau họ một quãng, đầu cúi thấp, chân bước theo một vết nứt dọc lối đi, đăm chiêu nghĩ ngợi điều gì đó chẳng liên quan gì đó chẳng liên quan gì tới việc anh đang ở nơi đây.
“Cậu muốn nói gì với mình về sự gián đoạn?” Alberto hỏi.
“Không quan trọng.”
“Thôi nào, đừng có rách ruột thế.”
Mattia nhìn đồng nghiệp. Đầu điếu thuốc trên môi là thứ duy nhất có màu sắc sáng lên trong cả ngày xám xịt này, như tất cả các ngày trước đây và tất cả các ngày sau đó.
“Chúng ta không thể thoát ra được”, Mattia nói. “Giờ đây chúng ta đã tin là nó có ở đấy. Tuy nhiên có lẽ mình đã tìm ra cách để lôi ra được điều gì đó hay ho.”
Alberto lại gần hơn. Anh ta không ngắt lời Mattia cho tới khi anh giải thích xong, bởi anh ta biết Mattia kiệm lời, nhưng một khi đã nói thì rất đáng ngậm miệng mà lắng nghe.