Ông Già Khốttabít

CHƯƠNG 47 – ÔNG KHỐTTABÍT BIẾN MẤT RỒI LẠI TRỞ VỀ



Các cậu hãy chúc ta mau thành công! – Ông Khốttabít kêu lên rồi biến thành một con cá và lặn ngay xuống nước…
Nước ở đây trong veo chứ không đục ngầu như ở cửa sông Nin, cho nên có thể trông thấy rõ ông già vẫy vây lia lịa, lao nhanh ra khơi.
Trong khi chờ đợi ông Khốttabít trở về, hai cậu bạn của chúng ta đã xuống biển tắm cả chục lần, đã hụp lặn chán chê, đã nằm phơi nắng nhiều tới mức đừ cả người và cuối cùng, đã cảm thấy đói ghê gớm và bắt đầu lo lắng. Ông Khốttabít đi lâu một cách đáng ngờ, mặc dù ông hứa chỉ đi không quá một tiếng. Mặt trời đã lặn từ lâu, sau khi nó chiếu lên đường chân trời và lên mặt biển êm đềm những màu sắc tuyệt vời. Xa xa đã nhấp nháy hàng nghìn ánh đèn của thành phố… Vẫn chẳng thấy ông già trở về!
– Chẳng lẽ ông ấy lại bị lạc? – Giênia cau có nói.
– Ông ấy không thể bị lạc được đâu? – Vônca đáp. – Những người già như ông ấy thì chẳng bị lạc đâu, người anh em ạ.
– Có thể ông già bị cá mập nuốt cũng nên.
– Ở vùng này chẳng có cá mập đâu mà sợ! – Vônca gạt đi, mặc dù nó không dám tin chắc vào câu nói của mình.
– Mình muốn ăn một cái gì đó… – Giênia thú thật.
Vừa lúc đó, có một chiếc thuyền ghé vào bờ ở gần đấy. Ba người đánh cá từ trên thuyền trèo xuống. Một ngươì lấy những cành khô nhóm thành một đống lửa, hai ngươi còn lại chọn vài con cá nhỏ xíu, làm sạch rồi bỏ vào nồi nước.
– Ta lại xin họ cho một cái gì đó để bỏ vào bụng đi! – Giênia đề nghị. – Họ là người lao động cánh mình cả thôi.
Vônca đồng ý.
– Xin chào các xinho! – Giênia nói với những người đánh cá và lễ phép cúi chào.
– Lạ thật, ở cái nước Ý nghèo khổ của chúng ta, sao mà đẻ ra lắm trẻ bụi đời như vậy nhỉ! – Một người đánh cá tóc bạc, gầy nhom, nói với giọng bị cảm lạnh. – Giôvanni, cho chúng ăn một cái gì đó đi.
– Bánh mì thì vừa đủ, hành thì chẳng thiếu, còn muối thì nhiều quá nữa là đằng khác! – Anh thanh niên 19 tuổi, vạm vỡ, tóc xoăn, vui vẻ đáp. – Các cậu bé, mời các cậu ngồi xuống đây! Món cháo cá ngon nhất trong tất cả các món cháo cá mà người ta đã từng nấu ở Ghêrôna và vùng xung quanh sắp được rồi đấy.
Vônca và Giênia tưởng như chưa bao giờ được nếm một món ăn ngon hơn thế. Có thể vì anh Giôvanni vui tính quả là một người đầu bếp có tài bẩm sinh, cũng có thể vì hai cậu bé đã đói mềm. Chúng ăn ngon lành, chốc chốc lại tắc lưỡi thích thú, làm cho ba người đánh cá cứ nhìn chúng mà tủm tỉm cười. Giôvanni vươn vai nói:
– Các cậu muốn chén nữa thì cứ tự nấu đi. Cái khoa nấu nướng này cũng chẳng rắc rối lắm đâu. Còn chúng tôi thì phải nằm nghỉ một chút. Nhưng đừng có lấy cá lớn đấy nhé. Cá lớn, sáng mai còn đưa đi bán để lấy tiền đóng thuế cho xinho bộ trưởng tài chánh. Các cậu hẳn là đã nghe nói về xinho này rồi: ông ấy bao giờ cũng lo làm sao cho trong ví chúng tôi không có tiền thừa, nếu không thì xinho bộ trưởng chiến tranh moi đâu ra tiền mà mua vũ khí của Mỹ…
Giênia lập tức lúi húi bên đống lửa, còn Vônca thì xắn quần, lội bì bõm tới chiếc thuyền đầy cá.
Sau khi lấy vài con cá nhỏ, Vônca đã định quay lên bờ, tình cờ nó đưa mắt về phía đống lưới xếp bên cột buồm. Một con cá lẻ loi đang giẫy giụa trong đống lưới, lúc thì nó nằm lặng, lúc thì lấy hết sức để tiếp tục những cố gắng tự giải thoát mà không có kết quả.
“Con này thích hợp với món cháo cá đây!”, Vônca nghĩ thầm và gỡ con cá ra khỏi mắt lưới. Nhưng lúc ở trong tay Vônca, con cá nhỏ giẫy giụa mạnh đến nỗi Vônca bỗng thấy thương hại nó quá, bèn ném nó ra ngoài thuyền.
Con cá rơi tõm xuống mặt nước xanh sẫm của cái vịnh nhờ và biến thành… ông già Khốttabít mặt tươi như hoa.
– Hỡi cậu con trai hảo tâm của Aliôsa, cầu cho ngày sinh của cậu được may mắn đời đời! – Ông già xúc động nói trong khi ông vẫn đứng dưới nước ngập đến thắt lưng. – Cậu lại cứu sống ta một lần nữa. Chỉ vài khoảnh khắc nữa thôi là ta bị chết ngạt trong cái đống lưới mà ta đã sơ ý rơi vào trong khi ta đi tìm chú em bất hạnh của ta.
– Ông Khốttabít thân yêu, ông còn sống được là cừ lắm rồi! – Vônca sung sướng nói. – Cháu và Giênia lo cho ông quá chừng!
– Còn ta thì bị giày vò bởi cái ý nghĩ là cậu, vị cứu tinh hai lần của ta, và cậu bạn Giênia không có ta sẽ bị đói và bị bơ vơ nơi đất khách quê người.
– Chúng cháu chẳng bị đói đâu, ông ơi! Những người đánh cá ở đây đã cho chúng cháu chén căng bụng rồi.
– Cầu cho những người tốt bụng đó được may mắn đời đời! – Ông Khốttabít nhiệt tình nói. – Họ có giàu không?
– Theo cháu thì họ nghèo lắm, ông ạ.
– Vậy thì ông cháu ta hãy đi mau. Ta sẽ đền ơn nhũng người đánh cá thật xứng đáng.
– Cháu nghĩ là chưa nên làm như vậy. – Vônca suy nghĩ một lát rồi nói. – Ông thử đặt mình vào địa vị họ xem: đang đêm, bỗng nhiên một ông già nào đó ướt lướt thướt từ dưới nước đi lên…… Không, chưa nên làm như vậy.
– Cậu nói đúng như mọi bận vẫn thường nói đúng! – Ông Khốttabít đồng ý. – Cậu cứ lên bờ trước đi, còn ta sẽ đến với họ sau.
Một lúc sau, tiếng vó ngựa lóc cóc tới gần đã đánh thúc ba người đánh cá đang thiu thiu ngủ. Chẳng mấy chốc, một ky sĩ lạ thường đã dừng lại bên đống lửa tàn.
Đó là một ông già mặc bộ quần áo tây rẻ tiền bằng vải thô và đội mũ cói cứng. Bộ râu oai vệ của ông phất phơ theo gió để lộ ra chiếc áo sơ mi thêu Ucraina. Ông già đi đôi hài cầu kỳ màu hồng nhạt có thêu những đường chỉ bằng vàng và bạc, mũi giày vểnh lên một cách kỳ quặc. Chân ông đặt trên cái bàn đạp bằng vàng, nạm kim cương và ngọc bích. Cái yên mà ông ngồi lộng lẫy đến độ chỉ riêng nó thôi cũng đã là cả một cơ nghiệp rồi. Dưới cái yên đó là con ngựa đẹp không thể tả. Hai tay ông già xách hai chiếc vali da lớn.
– Tôi có thể gặp những người đánh cá hào hiệp đã từng rộng lòng cho hai cậu thiếu niên đói khát, bơ vơ ăn uống, nghỉ ngơi được không? – Ông Khốttabít nói với Giôvanni đang bước tới gặp ông.
Không đợi trả lời, ông già xuống ngựa, đặt hai chiếc vali xuống bãi cát, rồi thở phào nhẹ nhõm.
– Có chuyện gì thế ạ? – Anh chàng Giôvanni thận trọng hỏi. – Ông biết hai cậu bé đó sao?
– Tôi mà lại không biết hai cậu bạn trẻ tuổi của tôi ư! – Ông Khốttabít kêu lên rồi lần lượt ôm chầm lấy Vônca và Giênia vừa chạy đến.
Sau đó, ông nói với ba người đánh cá đang bối rối nhìn ông:
– Hỡi những người đánh cá đáng kính nhất trong tất cả những người đánh cá, các bạn hãy tin rằng tôi không biết làm sao để đền ơn các bạn về lòng mến khách và hảo tâm của các bạn.
– Ông đền ơn chúng tôi về chuyện gì? – Người đánh cá tóc bạc lấy làm ngạc nhiên. – Về bữa ăn tối hay sao? Đối với chúng tôi, nó chẳng đáng là bao đâu, xinho ạ. Xin ông cứ tin vào lời tôi.
– Tôi đang được nghe những lời nói của một bậc trượng phu thực sự không vụ lợi và vì thế lòng biết ơn của tôi lại càng thêm sâu sắc. Hãy cho tôi được đền đáp các bạn, dù chỉ là những món quà nhỏ mọn này. – Ông Khốttabít nói và đưa cả hai chiếc vali cho Giôvanni đang đứng ngây người.
– Thưa xinho kính mến, có lẽ ở đây có một sự nhầm lẫn nào đó. – Giôvanni băn khoăn đưa mắt nhìn hai ông bạn của mình rồi nói. – Đem bán hai chiếc vali này đi cũng có thể mua được ít ra là một nghìn bữa cháo cá mà chúng tôi đã cho hai cậu bé này ăn. Ông đừng nghĩ rằng bữa cháo cá ấy là một bữa ăn đặc biệt. Chúng tôi chỉ là những người nghèo thôi, ông ạ…
– Anh bạn lầm rồi đó, hỡi chàng trai không vụ lợi nhất trong tất cả những người hảo tâm! Trong hai cái rương rất tốt được gọi bằng cái tên cao siêu là “vali ” này, chứa đựng một số của cải giá trị gấp nghìn nghìn lần bữa cháo cá của các bạn. Nhưng theo tôi, số của cải này dầu sao cũng chẳng mua nổi bữa cháo cá ấy, bởi vì trên đời này chẳng có gì đắt hơn lòng mến khách không vụ lợi.
Ông già mở hai chiếc vali ra và mọi người đều thấy trong đó đầy ứ những con cá sống tuyệt đẹp, vẩy bạc vẩy vàng lóng lánh.
Ba người đánh cá vẫn chưa kịp hiểu rõ tại sao ông già lại đem cá cho dân đánh cá, thì ông già đã thành thạo đổ số cá đang giãy đành đạch trong vali xuống bãi cát. Thế rồi, ngay lập tức, ba người đánh cá liền ồ lên vì thích thú và kinh ngạc: bằng cách nào không rõ, trong cả hai vali lại có đầy cá như cũ. Ông Khốttabít lại đổ cá ra và trong hai vali lại tiếp tục có đầy những tặng vật tuyệt vời của Địa Trung Hải. Cả lần thứ ba, lần thứ tư và lần thứ năm cũng vẫn như vậy.
Thích thú với ấn tượng đã gây được, ông Khốttabít nói:
– Còn bây giờ, nếu các bạn muốn, các bạn có thể tự thử lại những đặc tính kỳ diệu của hai chiếc vali này. Từ nay, các bạn sẽ chẳng còn phải run sợ mỗi khi xấu trời và mỗi khi màn sương mù trước lúc rạng đông bao phủ con thuyền ọp ẹp của các bạn. Các bạn chẳng còn phải cầu nguyện Đức Ala cho đánh được nhiều cá nữa. Các bạn cũng sẽ chẳng cần phải khuân ra chợ những giỏ nặng đầy cá. Chỉ cần mang theo một chiếc vali như thế này là đủ và các bạn sẽ lấy từ trong đó ra cho người mua đúng số cá mà người đó cần. Tôi chỉ yêu cầu các bạn đừng có từ chối món quà nhỏ mọn này của tôi. – Ông già nói khi thấy những người đánh cá định nói gì đó. – Tôi cam đoan với các bạn rằng ở đây không hề có chuyện nhầm lẫn nào cả. Hỡi những người đánh cá, cầu cho cuộc sống của các bạn được yên lành đời đời! Xin tạm biệt các bạn! Vônca và Giênia, hãy đi theo ta.
Giôvanni giúp hai cậu bé trèo lên ngựa và ngồi sau lưng ông Khốttabít.
– Tạm biệt xinho! Tạm biệt các cậu bé! – Ba người đánh cá bối rối nói và đưa mắt nhìn theo những người khách lạ thật khác thường đang nhanh chóng đi xa.
Giôvanni trầm ngâm nói:
– Cho dù dây chỉ là hai chiếc vali bình thường thôi chứ không phải là vali thần thì cũng có thể bán được khối lia (1) rồi…
Piêtrô, người đánh cá nhiều tuổi nhất (chừng 60), tóc bạc phơ, mặt nhăn nheo rám nắng, hai bàn tay khô đét, nổi đầy gân, lên tiếng:
– Bây giờ, chúng ta sẽ có thể giải quyết được các công việc của mình. Chúng ta sẽ trả cho lão bộ trưởng tài chánh – cầu cho lão ta bị hóc xương cá 25 lần trong một ngày! – toàn bộ số tiền thuế mà chúng ta chưa nộp đủ. Chúng ta sẽ ráng chữa được chừng nào hay chừng nấy cái bệnh thấp khớp đáng nguyền rủa của tôi. Còn Giôvanni, chúng tôi sẽ mua cho chú một bộ quần áo, một cái mũ, một đôi giày và một chiếc áo bành tô. Dẫu sao đi nữa thì chú còn trai trẻ, lại sắp lấy vợ đến nơi, nên chú cần phải ăn mặc cho nó đàng hoàng… Nói chung, tất cả chúng ta sẽ ăn mặc bảnh một chút….. Tôi nói có đúng không, các chú?
– “Chúng ta sẽ ăn mặc bảnh một chút!”. – Giôvanni bực bội nhại lại câu nói của ông Piêtrô – Xung quanh chúng ta còn biết bao người nghèo đói, đau khổ đấy! Trước hết, phải giúp bà vợ góa của bác Giacômô đã bị chết vì đắm thuyền năm ngoái, để lại ba đứa con dại và một bà mẹ già.
– Giôvanni, chú nói đúng lắm! – Ông Piêtrô đồng ý, – Cần phải giúp bà vợ góa của Giacômô. Đó là một người bạn tốt và trung thành.
Lúc ấy, người đánh cá thứ hai liền xen vào. Năm nay, anh 30 tuổi. Tên anh là Khrixtôphorô.
– Còn Luigi thì sao? Cũng cần phải giúp đỡ bác ấy. Ông già tội nghiệp sắp chết vì lao phổi rồi.
– Đúng, – Giôvanni nói. – Còn bà Xibila Capenli nữa. Con trai bà bị ngồi tù hai năm nay vì tổ chức bãi công đấy.
– Cũng cần phải giúp ông già Guliêmô Gátgiêrô. Con trai ông ấy đã bị bọn hiến binh giết chết trong một cuộc biểu tình. Cậu ấy không chịu đưa lá cờ cho bọn hiến binh, thế là bọn chúng liền bắn chết cậu ấy ngay tại chỗ. Các chú chắc còn nhớ cậu ấy, một thợ máy rất vui tính ở nhà máy điện… – Ông Piêtrô nói thêm.
– Tuyệt thật, bây giờ chúng ta có thể giúp bao nhiêu người! – Giôvanni thích thú nói.
Thế rồi ba người đánh cá tốt bụng bàn bạc cho tới tận khuya để tính xem bây giờ còn cần giúp ai nữa, khi mà họ có trong tay hai chiếc vai kỳ diệu đến thế.
Đó là những người lao động lương thiện và hào hiệp. Không một ngươi nào trong số họ nghĩ đến chuyện lợi dụng món quà của ông Khốttabít để làm giàu, để trở thành một tay buôn cá cỡ bự, một tên tư bản.
Tôi rất lấy làm thích thú báo với các bạn đọc điều đó để các bạn cùng vui với tôi khi thấy món quà của ông Khốttabít đã được trao tận tay những con người tốt.
Tôi tin chắc rằng nếu ở địa vị ba người đánh cá ấy, không một bạn đọc nào của tôi có thể xử sự khác được.
(1) Đơn vị tiền tệ của Ý – N.D.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.