Lần này, ông Khốttabít đã nói đúng. ông hứa sau hai, ba tiếng đồng hồ sẽ quay trở về và quả thật, lúc 9 giờ kém 15 phút, ông đã ngoi lên khỏi mặt nướcc, mặt tươi như hoa.
Ông già đang sung sướng. Ông chạy nhanh lên bờ, hai tay nâng cao trên đầu một cái bình gì đó bằng kim loại, rất lớn dài bằng nửa người, phủ đầy rong biển. Ông gào tướng:
– Ta đã tìm được chú ấy rồi, hỡi các cậu bạn của ta! Ta đã tìm thấy cái bình, nơi chú em bất hạnh của ta là Ôma Iuxúp con trai của Khốttáp đã bị giam cầm bao nhiêu thế kỷ nay – cầu cho mặt trời luôn luôn chiếu sáng trên đầu chú ấy! Ta sục sạo khắp đáy biển và đã bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng. Nhưng tới chỗ “Những cây cột của Hécquyn” (1), ta nhận thấy cái bình thần này ở dưới một vực sâu thăm thẳm.
– Ông còn chờ gì nữa? Mở ra mau ông ơi! – Giênia, người đầu tiên chạy đến bên ông Khốttabít đang sướng mê, liền kêu lên với vẻ hăng say.
– Ta không dám mở cái bình này, bởi vì nó đã bị đóng dấu ấn của vua Xalômông. Hãy để cho người đã giải thoát ta là cậu Vônca con trai của Aliôsa cứu luôn cả chú em chịu nhiều đau khổ của ta thoát khỏi cảnh giam cầm. Nó đây rồi, cái bình mà trong biết bao đêm không ngủ, ta đã ước ao tìm thấy nó! – Ông Khốttabít vừa nói tiếp, vừa lắc cái vật mà ông vừa tìm được. – Hãy cầm lấy nó, hỡi cậu Vônca, hãy mở ra để cho ta và cho chú em Ôma của ta được hưởng sung sướng!
Áp sát tai vào thành bình, ông già thích thú cười ha hả:
– A ha, các cậu bạn của ta ơi! Từ bên trong bình, chú Ôma đang báo hiệu cho ta đấy.
Giênia không phải không ghen tị khi thấy ông già trao cái bình cho cu cậu Vônca đang hả hê ra mặt. Nói cho đúng hơn, ông già đã đặt cái bình trước mặt Vônca, ở trên bãi cát bởi vì cái bình này rất nặng.
– Ông Khốttabít ơi, trước kia ông bảo rằng ông Ôma bị nhốt trong một cái bình đồng, sao đây lại là bình sắt nhỉ? Nhưng mà thôi… Cái dấu ấn nằm ở đâu? A, nó đây rồi? – Vônca vừa xem xung quanh cái bình, vừa nói.
Bỗng nó tái mét mặt và hét váng lên:
– Nằm xuống!… Giêma, nằm xuống!… Ông Khốttabít, quẳng lại xuống biển cái bình này ngay lập tức và ông cũng nằm xuống!
– Cậu điên mất rồi! – Ông Khốttabít phát cáu – Biết bao nhiêu năm ta ước ao được gặp chú Ôma, bây giờ tìm được chú ấy rồi, ta lại phải trao chú ấy cho sóng biển ư?
– Ông hãy quăng cái bình này cho thật xa!… Ở trong ấy không có ông Ôma của ông đâu… Hãy quăng mau lên, không sẽ chết hết cả nút bây giờ! – Vônca năn nỉ và bởi và ông già vẫn còn chần chừ, nó liền gào lên với vẻ tuyệt vọng: – Tôi ra lệnh cho ông? ông có nghe không?!
Nhún vai thắc mắc, ông Khốttabít nâng cái bình nặng trĩu lên, lấy đà rồi quẳng nó ra cách bờ tới 200 mét.
Quẳng xong, ông già chưa kịp quay mặt lại về phía Vônca đang đứng cạnh ông thì ở chỗ cái bình vừa rơi xuống đã phát ra một tiếng nổ khủng khiếp, và một cột nước lớn vọt lên cao trên mặt vịnh phẳng lặng rồi trút xuống ào ào. Hàng nghìn con cá nhỏ bị choáng và bị chết nổi ngửa bụng trên mặt nước.
Nghe tiếng nổ, những người ở gần đó đã đổ xô ra bờ biển.
– Chuồn khỏi đây, mau! – Vônca ra lệnh.
Ba người bạn của chúng ta vội vã trèo lên đường cái và đi về thành phố.
Ông Khốttabít đi sau cùng, chốc chốc lại ngoái cổ nhìn, mặt mũi ỉu xìu xìu. Ông vẫn ngờ rằng ông đã vâng lệnh Vônca một cách vô ích…
– Cậu đã đọc được gì trên cái vật ấy? – Giênia hỏi khi nó đuổi kịp Vônca đã đi trước khá xa.
– “Made in USA”(2), mình đã đọc được như vậy đó!
– Thế có nghĩa cái vật ấy là một quả bom Mỹ?
– Thủy lôi chứ không phải bom. – Vônca sửa lại cách dùng chữ của của Giênia. – Cần phải hiểu điều đó. Một quả thủy lôi đấy!
Ông Khốttabít thở dài buồn bã.
—
(1) Tên cũ của eo biển Gibranta ngăn cách châu Âu và châu Phi nối liền Địa Trung Hải với Đại Tây Dương. Sở dĩ có tên gọi này là vì theo truyện thần thoại Hy Lạp, dũng sĩ Hécquyn trên đường đi lập kỳ công thứ 10 trong số 12 kỳ công phi thường của mình đã đến đại dương mênh mông nhưng lại gặp phải quả núi khổng lồ bít kín lấy biển. Hécquyn bèn dùng sức lực ghê gớm của mình xẻ núi, thông suốt biển bên trong và bên ngoài, bên phía Đông và bên phía Tây. Trong khi xẻ núi, Hécquyn khuân đá xếp sang hai bên đá chồng lên nhau như hai câu cột khổng lồ – N.D
(2) Tiếng Anh: “Chế tạo ở Mỹ” – N.D.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.