Dĩ nhiên là ông Khốttabít đã hành động thiếu thận trọng khi cho địa chỉ của Vônca để Cục Tham quan Trung ương viết thư trả lời. Việc Vônca gặp bác đưa thư ở cầu thang chỉ là hoàn toàn tình cờ thôi. Nếu không có cuộc gặp gỡ may mắn ấy thì sẽ ra sao? Lúc bấy giờ, bức thư của Cụ Tham quan Trung ương sẽ rơi vào tay bố mẹ Vônca và bố mẹ sẽ bắt đầu gạn hỏi, thế là sẽ đẻ ra đủ thứ chuyện rắc rối mà mới chỉ nghĩ đến thôi đã thấy ớn rồi.
Vônca chẳng mấy khi nhận được thư gửi đích danh mình. Cả đời, hình như nó chỉ nhận có ba, bốn bức thư gì đó. Vì vậy lúc Vônca được bác đưa thư cho biết là có một bức thư đề tên nó, Vônca rất lấy làm ngạc nhiên. Sau khi thấy trên phong bì con dấu của Cục Tham quan Trung ương, nó ngớ cả người. Vônca xem kỹ cả hai mặt phong bì, thậm chí chẳng hiểu sao còn đưa lên mũi ngửi nữa, nhưng nó chỉ cảm thấy mùi ngòn ngọt của gôm Arập. Sau đó, bằng hai bàn tay run run, nó bóc phong bì ra và đọc đi đọc lại mấy lần mà chẳng hiểu gì cả bức thư trả lời ngắn gọn nhưng lịch sự của ông Ivan Ivanứt:
“Ngài G. Ápđurắcman vô cùng kính mến!
Chúng tôi rất lấy làm tiếc là Ngài đã gửi thư yêu cầu khá muộn. Tất cá các chỗ trên tàu “Lađôga” đều đã bán hết.
Xin gửi lời chào tới các ông hoàng và các giáo chủ của Ngài.
Trưởng phòng tham quan đường xa
I. ĐÔMÔXÊĐỐP”
“Chẳng lẽ ông già đã chạy vạy để người ta nhận mình và Giênia lên tàu “Lađôga”?”, Vônca cuối cùng đã đoán ra và cảm thấy xúc động, “Một ông già tuyệt vời làm sao! Chỉ không hiểu đồng chí Đômôxêđốp chuyển lời chào đến các ông hoàng và các giáo chủ nào. Tuy nhiên, ta sẽ biết ngay bây giờ thôi”.
– Ông Khốttabít ơi, ông Khốttabít! – Vônca gọi khi nó đã ra tới sông – Cháu muốn hỏi ông cái này một chút!
Ông già đang thiu thiu ngủ dưới bóng mát của cây sồi cành lá lòa xòa, nghe thấy tiếng gọi của Vônca, liền giật mình nhỏm ngay dậy và chạy lập cập theo kiểu người già về phía Vônca.
– Ta ở đây, hỡi cậu thủ môn của tâm hồn ta! – Ông Khốttabít vừa nói vừa thở hổn hển. – Ta đang chờ đợi các lệnh của cậu.
– Ông hãy nhận đi: ông đã viết thư cho Cục Tham quan Trung ương phải không?
– Phải, ta đã viết. Ta muốn dành cho cậu một món quà bất ngờ. – Ông Khốttabít ngượng nghịu. – Mà sao, chẳng lẽ đã có thư trả lời rồi?
– Dĩ nhiên là đã có! Thư đây! – Vônca đáp và chìa bức thư cho ông già.
Ông Khốttabít giật tờ giấy trên tay Vônca, đọc chậm từng chữ bức thư trả lời khéo léo của ông Ivan, mặt lập tức đỏ bừng, người run rẩy, hai mắt đỏ ngầu, rồi ông già nổi khùng giật mạnh cổ áo thêu ở chiếc sơmi Ucraina của mình..
– Xin cậu thứ lỗi cho ta! – Ông nói khàn khàn. – Xin cậu thứ lỗi cho ta! Ta phải xa cậu trong vài phút để đi trừng phạt một cách đích đáng cái tên Đômôxêđốp đáng khinh ấy. Ồ, ta biết là ta sẽ làm gì hắn. Ta sẽ giết hắn! Mà không, ta sẽ không giết hắn, bởi vì hắn chẳng đáng được hưởng cái hình phạt nhân từ ấy. Tốt hơn hết là ta sẽ biến hắn thành một cái giẻ bẩn để mọi ngươi chùi giày lắm bùn trước khi vào nhà trong những ngày tối trời mùa thu. Mà không! Không, trừng phạt hắn về cái tội dám láo xược từ chối như vậy thì còn quá nhẹ…
Nói rồi, ông già lao vút lên không. Nhưng Vônca đã hét lên:
– Quay lại! Quay lại ngay!
Ông già nghe lời quay trở lại, tức tối cau đôi lông mày rậm bạc trắng.
– Ông ghê gớm thật! – Vônca trách móc ông Khốttabít vì nó rất lo cho ông trưởng phòng tham quan đường xa. – Ông điên rồi hay sao? Chẳng lẽ ông ấy lại có lỗi trong việc không còn chỗ nữa. Con tàu ấy có phải làm bằng cao su đâu?… Nhân tiện xin hỏi, trong thư trả lời, đồng chí Đômôxêđốp nói đến các ông hoàng và các giáo chủ nào vậy?
– Nói đến cậu đấy, hỡi cậu Vônca con trai của Aliôsa, nói đến cậu và cậu bạn của chúng ta là Giênia con trai của Côlia, cầu cho Đức Ala kéo dài tuổi thọ của hai cậu! Ta đã viết cho cái lão trưởng phòng tồi tệ nhất trong tất cả các trưởng phòng ấy biết rằng sự nổi tiếng của các cậu thì chẳng thành vấn đề, bởi vì cho dù các hành khách trên tàu “Lađôga” có nổi tiếng mấy đi chăng nữa thì ta vẫn có thể làm cho các cậu, hai người bạn thân thiết của ta, còn nổi tiếng hơn cả họ. Ta đã viết cho cái lão Đômôxêđốp ngu đần ấy – cầu cho Đức Ala đừng ngó ngàng đến hắn; – rằng hắn đã có thể coi hai cậu là các giáo chủ, các ông vua hoặc các ông hoàng.
Mặc dù không khí căng thẳng, Vônca vẫn không thể nhịn được cười. Nó cười ha hả và cười to đến mức mấy con quạ rất đạo mạo đậu trên cành cây gần đó phải kêu quàng quạc rồi bay đi chỗ khác.
– Ái chà chà! Thế có nghĩa cháu là một ông hoàng? – Vônca cười vỡ bụng.
– Xin thú thật là ta không hiểu tại sao cậu lại cười! – Ông Khốttabít trả lời với vẻ bực mình. – Nhưng nếu nói cho đúng ra thì ta đã nhắm cái chức ông hoàng cho cậu Giênia. Còn cậu thì ta thấy xứng với cái chức xuntan (l).
– Ối, cháu cười vỡ bụng mất thôi! Trời ơi, cháu cười vỡ bụng mất thôi! Thế có nghĩa Gienca là ông hoàng, còn cháu là xuntan? Không, lạ thật, sao ông lại có thể mù tịt về chính trị đến thế nhỉ? – Vônca cuối cùng thôi cười và lấy làm hoảng sợ. – Hiểu những người nổi tiếng là ông hoàng và ông vua thì thật là hết chỗ nói!
– Than ôi, hình như cậu điên mất rồi! – Ông Khốttabít lo lắng nhìn người bạn trẻ tuổi đang nói chuyện với mình. – Theo như chỗ ta hiểu thi cậu cho rằng ngay cả xuntan cũng chưa được nổi tiếng cho lắm. Vậy thì theo cậu, ai là người nổi tiếng nào? Cậu hãy nêu cho ta, dù chi là một cái tên thôi.
– Thiếu gì người! Đồng chí Chútkích, hay là đồng chí Lunin hay là đồng chí Côgiêdúp, hay là nữ đồng chí Pasa Anghêlina…
– Ông Chútkích ấy của cậu là ai vậy? Một xuntan chăng?
– Còn cao hơn thế nữa, ông ơi! Đồng chí Chútkích là một trong số những công nhân xuất sắc nhất nước của ngành công nghiệp dệt dạ.
– Còn ông Lunin?
– Đồng chí Lunin là công nhân lái xe lửa xuất sắc nhất.
– Còn ông Côgiêđúp?
– Đó là một trong những phi công xuất sắc nhất.
– Còn bà Pasa Anghêlina là vợ của ông nào mà cậu cho là nổi tiếng hơn cả các giáo chủ và các ông vua?
– Cô ấy nổi tiếng là do chính cô ấy, chứ không phải do chồng. Cô ấy là một người lái máy kéo lừng danh!
– Này, cậu có biết không, hỡi cậu Vônca quý báu, ta đã già lắm rồi nên không thể cho phép cậu chế giễu ta như vậy được. Cậu muốn thuyết phục ta rằng một gã dệt dạ hay một gã lái tàu tầm thường mà lại nổi tiếng hơn cả vua ư?
– Thứ nhất, đồng chí Chútkích không phải là một người dệt dạ bình thường, mà là một người cải tiến sản xuất nổi tiếng của cả ngành công nghiệp dệt, còn đồng chí Lunin là một công nhân lái xe lửa lừng danh. Thứ hai, ngay cả một người lao động bình thường nhất ở nước chúng cháu cũng được kính trọng hơn cả một ông vua lừng danh nhất. Ông không tin à? Đây, ông hãy đọc tờ báo này mà xem.
Vônca chìa cho ông Khốttabít tờ báo và ông già đã thấy rõ tận mắt: bên trên 10 tấm ảnh những người thợ nguội, kỹ sư nông học, phi công, nông trang viên, thợ dệt, giáo viên và thợ mộc có in một hàng chữ lớn: “Những người nổi tiếng của Tổ quốc chúng ta”.
Lúc bấy giờ, ông Khốttabít bèn thở dài và nói:
– Ta không bao giờ tin những lời cậu vừa nói, nếu như ta không thấy rằng những lời nói của cậu đã được xác nhận trên tờ báo mà ta rất kính trọng này. Ta van cậu, hỡi cậu Vônca, hãy giải thích cho ta rõ: tại sao ở dây, ở cái đất nước tuyệt đẹp của các cậu, mọi thứ đều không như ở các nước khác?
– Cháu xin giải thích cho ông rõ ngay bây giờ! – Vônca sẵn lòng đáp và sau khi ngồi thoải mái bên bờ sông, nó đã tự hào giải thích một hồi lâu cho ông Khốttabít hiểu về bản chất của chế độ Xôviết.
Có lẽ chẳng cần thuật lại nội dung cuộc nói chuyện kéo dài khá lâu ấy, bởi vì chắc chắn là bất cứ một bạn thiếu nhi nào đang đọc cuốn truyện này mà ở vào địa vị của Vônca cũng có thể nói với ông Khốttabít những gì mà Vônca đã nói.
– Tất cả những điều cậu vừa nói mới khôn ngoan làm sao và mới cao quý biết chừng nào! Sau khi nghe cậu nói, bất cứ người nào trung thực và có tấm lòng công minh cũng phải suy nghĩ… – Ông Khốttabít chân thành nói lúc kết thúc buổi học chính trị thường thức đầu tiên trong đời ông.
Suy nghĩ một lát, ông sôi nổi nói thêm:
– Như vậy thì ta lại càng mong muốn lo liệu cho cậu và cậu bạn của chúng ta được tham gia chuyến du ngoạn trên tàu “Lađôga”! Ta sẽ làm được việc đó! Cậu cứ tin ở ta!
– Nhưng xin ông không được làm náo động đấy nhé! – Vônca dặn trước. – Và không được lừa dối. Tức là không được gian trá. Chẳng hạn, ông không được nhận xằng cháu là một học sinh xuất sắc. Cháu chỉ có ba môn được điểm “4” mà thôi.
– Những ý muốn của cậu là một đạo luật đối với ta! – Ông Khốttabít đáp và cúi rạp xuống chào.
Ông già đã thực hiện một cách trung thực lời hứa của mình. Ông không hề động ngón tay vào một người nào trong số các nhân viên Cục Tham quan Trung ương.
Ông chỉ lo liệu như thế nào đó mà lúc cả ba nhân vật chính của chúng ta lên tàu “Lađôga”, họ được đón tiếp rất chu đáo, được dành cho một buồng riêng rất tốt và chẳng ai buồn để ý đến chuyện tại sao họ lại có quyền tham gia vào cuộc du ngoạn. Ông Khốttabít đã lo liệu như thế nào đó để không một người nào trong số những hành khách vui tính và thân ái nọ đặt ra câu hỏi trên, dù chỉ một lần.
Nhưng 20 phút trước khi khởi hành, hoàn toàn bất ngờ đối với ông thuyền trưởng, 150 thùng cam, cũng ngần ấy thùng nho ngon tuyệt, 200 thùng chà là(2) và một tấn rưỡi mứt kẹo ngon nhất của phương Đông đã được chất lên tàu.
Trên mỗi thùng đều có hàng chữ: “Biếu tất cả những người tham gia chuyến du ngoạn và tất cả những thành viên của đội thủy thủ không hề biết sợ trên tàu “Lađôga”. Một người muốn giấu tên”.
Không cần phải sáng trí lắm cũng đoán được rằng đó là những món quà của ông Khốttabít. Ông không muốn để ông và hai cậu bạn của ông tham gia vào chuyến du ngoạn trên tàu “Lađôga” mà chẳng đóng góp gì.
Và quả vậy các ban hãy hỏi bất cứ người nào đã từng tham gia chuyến du ngoạn trên tàu “Lađôga”, các bạn sẽ biết rằng cho đến nay, mọi người vẫn rất vui mừng nhớ lại “Người muốn giấu tên” ấy. Những món quà của ông đều hợp với khẩu vị của mọi người.
Thế là bây giờ, lúc bạn đọc đã biết tương đối tỉ mỉ tại sao ba người bạn của chúng ta lại có mặt trên tàu “Lađôga”, tôi có thể yên tâm kể tiếp chuyện này.
—
(1) Tức là chức quốc vương Hồi giáo – N.D.
(2) Loại cây xứ nóng thuộc họ dừa, quả to bằng quả thanh trà, dùng để ăn hoặc nấu rượu, v.v… – N.D.