Tuy vậy mọi người đã nhanh chóng thấy rõ rằng giữa tàu “Lađôga” và nhà nghỉ vẫn có sự khác nhau rất đáng kể.
Quả thật, nếu không tính đến chuyện động đất ở Crum, những người đã nhiều lần ở trong các nhà nghỉ đều chẳng nhớ có trong hợp nào mà họ lại bị văng từ trên giường xuống đất giữa lúc đang ngủ ngon lành.
Ấy thế mà trên tàu “Lađôga”, lúc các khách tham quan vẫn chưa kịp ngủ hẳn, con tàu bỗng giật mạnh, làm cho nhiều người bị rơi từ trên giường xuống sàn tàu, cứ như những trái chín rơi từ trên cây xuống đất vậy. Đúng lúc đó, tiếng máy chạy đều đều liền im bặt. Trong bầu không khí yên tĩnh trên tàu, vang lên tiếng đập cửa ầm ầm, tiếng chân hành khách chạy huỳnh huỵch khỏi các buồng để xem đã xảy ra chuyện gì. Từ trên boong vọng xuống những tiếng hô lớn của đội thủy thủ.
Vônca bị ngã từ giường trên xuống, nhưng chẳng lấy gì làm đau cho lắm. Nó lập tức bật dậy và lấy tay xoa vài chỗ bị bầm.
Đang ngái ngủ nên không hiểu chuyện gì đã xảy ra, Vôlca nghĩ rằng nó bị ngã là do mình thiếu thận trọng, nên cu cậu lại toan leo lên giường nằm. Nhưng tiếng ồn ào lo lắng từ hành lang vọng vào làm cho Vônca tin rằng nó bị ngã một nguyên nhân còn nghiêm trọng hơn là nó tưởng rất nhiều.
“Chẳng lẽ tàu chúng ta lại va phải đá ngầm?”, Vônca nghĩ bụng và vội vàng mặc quần dài. Ngay tức khắc, nó nhận thấy rằng cái ý nghĩ đó chẳng những không làm cho nó lo sợ, mà thậm chí lại còn đem lại cho nó một cảm giác háo hức, thích thú đến kỳ lạ.
“Tuyệt thật!”, Vônca vừa nghĩ vừa cuống cuồng thắt dây giày, “Thế là mình lại rơi đúng vào một cuộc phiêu lưu thực sự! Hay quá! Trong vòng cả ngàn kilômét xung quanh không hề có bóng dáng một con tàu nào cả. Còn trên tàu chúng ta thì có lẽ đài vô tuyến điện cũng không làm việc!”
Trong khoảnh khắc, một cảnh tượng vô cùng hấp dẫn đã được vẽ lên trước mắt Vônca: con tàu bị nạn, số nước ngọt và lương thực dự trữ cạn dần, nhưng tất cả các khách tham quan và đội thủy thủ tàu “Lađôga” vẫn xử sự một cách dũng cảm và bình tĩnh, xứng đáng là những người Xôviết. Mà người xử sự cừ hơn cả dĩ nhiên là nó – Vônca Côxtưncốp. Ôi, Viađimia Côxtưncốp biết nhìn thẳng vào hiểm nguy! Lúc nào nó cũng vui vẻ, lúc nào ngoài mặt nó cũng tỏ ra không lo lắng gì cả để khích lệ những người buồn nản. Và khi thuyền trưởng Xtêpan Timôphêêvích lâm bệnh vì làm việc căng thẳng quá sức và ăn uống thiếu thốn, nó, Vônca, liền nắm quyền lãnh đạo cuộc thám hiểm trong hai bàn tay rắn rỏi của mình.
– Nguyên nhân nào đã phá mất giấc ngủ rất cần thiết đối với cái cơ thể chưa được cứng cáp của cậu? – Ông Khốttabít vừa thức dậy, đã cắt ngang những mơ ước dễ chịu của Vônca.
– Thưa ông, cháu sẽ biết ngay bây giờ. Nhưng ông chớ có lo đấy? – Vônca khích lệ ông già và chạy lên boong.
Hai chục khách tham quan chưa mặc xong quần áo đang túm tụm ở boong thượng, bên cạnh buồng thuyền trưởng.
Để nâng cao tinh thần của họ, Vônca liền tạo ra một bộ mặt vui vẻ, không lo lắng và nói với vẻ dũng cảm:
– Bình tĩnh, các đồng chí, trước hết là phải bình tĩnh! Chẳng có gì mà phải hốt hoảng cả?
– Về chuyện hốt hoảng thì chú em nói đúng đấy. Đó là những lời vàng ngọc, anh chàng trẻ tuổi ạ! Vậy chú em hãy về lại buồng của mình đi và hãy bình tĩnh mà nằm ngủ… – Một khách tham quan tủm tỉm cười và trả lời Vônca. – Vả lại chúng tôi ở đây cũng đâu có hoảng sợ!
Mọi ngươi phì cười, làm ho Vônca cảm thấy lúng túng thế nào ấy. Hơn nữa, ở ngoài trời lúc ấy khá lạnh, Vônca bèn quyết định chạy xuống buồng để mặc thêm áo khoác.
– Trước hết là phải bình tĩnh! – Vônca nói với ông Khốttabít đang ngồi đợi nó ở bên dưới. – Chẳng có gì mà phải hoảng hốt cả, ông ạ. Chỉ còn hai ngày nữa, người ta sẽ phái một tàu phá băng rất mạnh tới cứu chúng ta và đưa tàu chúng ta ra khỏi chỗ mắc cạn một cách rất yên ổn. Ngay tàu chúng ta cũng có thể tự thoát khỏi chỗ mắc cạn, nhưng ông nghe thử xem: máy tàu chẳng còn kêu ầm ầm như trước nữa. Có lẽ trong máy bị hỏng cái gì đó, nhưng hỏng cái gì thì vẫn chưa ai khám phá ra. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ phải chịu đựng những sự thiếu thốn nào đó, song hy vọng rằng không một ai trong chúng ta bị bệnh và bị chết.
Vônca kiêu hãnh nghe nhưng lời từ chính mồm mình nói ra. Nó không ngờ rằng nó lại biết trấn an mọi người một cách dễ dàng và có sức thuyết phục đến thế.
– Ôi khổ thay cho ta! – Ông già bỗng cuống cả lên, vụng về đút hai bàn chân trần vào đôi hài trứ danh của mình. – Nếu các cậu chết thì ta không thể nào sống nổi đâu! Chẳng lẽ tàu chúng ta lại mắc cạn sao? Khốn khổ thân ta! Thà máy tàu cứ kêu ầm ầm lại còn hơn! Mà ta cũng tài ghê! Thay vì sử dụng sự hùng mạnh của mình vào những việc quan trọng hơn thì ta…
– Ông Khốttabít! – Vônca nghiêm nghị ngắt lời ông già – Ông hãy báo cáo ngay: ông đã bày ra trò gì ở đây?
– Chẳng có gì đặc biệt cả! Chẳng qua là vì lo cho giấc ngủ yên lành của cậu, ta đã tự ý ra lệnh cho máy tàu không được kêu ầm ầm nữa.
– Ông đã làm thật hả?! – Vônca hoảng sợ. – Bây giờ cháu mới hiểu chuyện gì đã xảy ra. Ông ra lệnh cho máy tàu không được kêu ầm ầm, mà máy tàu không kêu ầm ầm thì không thể chạy được. Vì thế, con tàu phá băng mới dừng lại bất thình lình như vậy. Ông hãy hủy ngay lập tức cái lệnh của mình, nếu không thì ông hãy coi chừng, các nồi hơi sẽ nổ tung lên đấy.
-Xin tuân lệnh! – Ông Khốttabít sợ quá, trả lời với giọng run run.
Đúng lúc đó máy tàu lại kêu ầm ầm và tàu “Ladôga” lại bắt đầu chạy như chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Còn ông thuyền trưởng, bác thợ máy và tất cả những người khác ở trên tàu đều đoán mãi không ra nguyên nhân của việc máy tàu ngầm hoạt động một cách bất thình lình, không thể nào giải thích nổi việc máy tàu hoạt động trở lại cũng rất chi là bí ẩn.
Chỉ ông già Khốttabít và Vônca mới biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng vì những lý do hoàn toàn dễ hiểu cả hai đều không hở điều đó cho ai hay. Ngay cả Giênia cũng không được biết.
Vả lại, Giênia vẫn còn ngủ khì.
Về việc này, Vônca thậm chí còn nói đùa:
– Nếu người ta tổ chức một cuộc thi quốc tế xem ai ngủ say nhất thì hẳn là Giênia sẽ giật chức quán quân thế giới về ngủ đấy.
Ông Khốttabít cười hì hì với vẻ lấy lòng, mặc dù khi ấy ông vẫn chưa hiểu thế nào là “cuộc thi”, lại còn “cuộc thi quốc tế” nữa, và thế nào là “quán quân thế giới”. Nhưng ông già tính dùng cái cười ấy để làm lành với Vônca.
Tuy nhiên, việc đó cũng chẳng giúp ông thần già tránh được cuộc nói chuyện khó chịu.
Ngồi xuống mép giường của ông Khôttabít, Vônca quả quyết nói:
– Ông biết không, chúng ta sẽ nói chuyện với nhau như một người đàn ông nói với một người đàn ông.
– Ta nghe hết sức chăm chú, hỡi cậu Vônca! – Ông Khốttabít trả lời với vẻ yêu đời có tính chất cường điệu.
– Ông không bao giờ thử tính là ông hơn cháu bao nhiêu tuổi à?
– Chẳng hiểu sao ta lại không hề nghĩ tới chuyện đó. Nhưng nếu cậu cho phép thì ta sẽ vui lòng tính ngay.
– Khỏi cần! Cháu đã tính rồi. Ông hơn cháu 3.719 tuổi, hay là tuổi ông gấp tuổi cháu vừa đúng 287 lần! Lúc mọi người thấy ba ông cháu ta trên boong tàu hoặc ở phòng chung, hẳn là ai cũng nghĩ thế này: Cái ông đáng kính, thông minh và không còn trẻ ấy lúc nào cũng chăm nom săn sóc hai cậu bé kia, hay quá nhỉ! Cháu nói có đúng không nào?… Sao ông lại im lặng như thế?
Nhưng ông Khốttabít vẫn im thin thít, cái đầu bạc của ông buồn bã cúi xuống.
– Vậy mà trong thực tế thì sao? Trong thực tế bỗng hóa ra là cháu phải chịu trách nhiệm cả về tính mạng của ông lẫn tính mạng của tất cả các hành khách, bởi vì chính cháu đã thả ông ra khỏi cái bình gốm, mà ông thì lại suýt nữa làm đắm chiếc tàu phá băng cùng với toàn bộ hành khách và đội thủy thủ. Vì tội đó, người ta có chặt đầu cháu đi thì vẫn còn là nhẹ…
– Hừ, cứ để cho kẻ nào đó thử chặt đầu một thiếu niên đáng kính như cậu mà xem! – Ông Khốttabít ngắt lời Vônca.
– Được rồi, được rồi! Ông đừng ngắt lời cháu… Cháu đã ngấy các phép lạ của ông đến tận cổ rồi! Ông là một ông thần, dĩ nhiên, và thậm chí là một ông thần rất hùng mạnh (ông Khốttabít vươn vai đứng thẳng với vẻ kiêu hãnh), nhưng về cuộc sống hiện nay và về kỹ thuật hiện đại thì ông hiểu biết chỉ hơn đứa bé mới sinh một chút xíu thôi. Ông đã hiểu chưa?
– Than ôi, ta đã hiểu.
– Bây giờ, ông cháu ta hãy thỏa thuận với nhau thế này: ông muốn làm một phép lạ nào đó thì phải hỏi ý kiến mọi người.
– Ta sẽ hỏi ý kiến cậu, hỡi cậu Vônca! Nếu cậu đi vắng hoặc chuẩn bị thi lại (Vônca cau mày) thì ta sẽ hỏi ý kiến cậu Giênia, người bạn của chúng ta.
– Ông có sẵn sàng thề không?
– Ta xin thề! – Ông già sôi nổi thốt lên và đấm mạnh vào ngực mình.
– Còn bây giờ thì đi ngủ! – Vônca ra lệnh.
– Đi ngủ, rõ! – Ông Khốttabít đã kịp bắt chước được cách nói của các thủy thủ, bèn hùng dũng trả lời.