Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời

Chương 15 Part 1



Tôi về đến Tokyo vào lúc bốn giờ chiều. Tôi đã đợi ở Hakone cho đến trưa trong niềm hy vọng mơ hồ được thấy Shimamoto-san trở lại. Vì thật nặng nề nếu phải ngồi không mà chờ đợi, tôi đã lau chùi bếp để giết thời gian, rồi sắp xếp gọn gàng lại tất cả quần áo trong nhà. Sự im lặng thật nghẹt thở; chỉ có tiếng chim hót hoặc tiếng xe chạy qua thỉnh thoảng vẳng đến khuấy động, không tự nhiên và không ăn nhập vào nhau. Tôi đợi xảy ra một điều gì đó. Cần phải xảy ra một điều gì đó. Mọi chuyện không thể kết thúc như vậy được.
Tuy nhiên, không có gì xảy ra. Shimamoto-san không thuộc loại người thích xem xét lại một quyết định, thay đổi sau một lúc. Nếu nàng gọi điện cho tôi- điều này thì tôi biết là không thể có – thì sẽ là đến câu lạc bộ jazz. ở lại Hakone lâu hơn không có chút ý nghĩa nào hết.
Suốt dọc đường về, tôi phải tự buộc mình chú mục vào đường đi. Nhiều lần, tôi vượt qua đèn đỏ, đi quá chỗ rẽ, nhầm đường. khi cuối cùng đỗ được xe vào bãi đỗ của quán, tôi đến thẳng đến một cabin điện thoại gọi điện về nhà. Tôi thông báo với Yukiko là tôi đã về, nhưng phải làm việc ngay. Cô không bình luận gì về điều đó, nhưng nói với giọng khá ráo hoảnh rằng đã muộn rồi và cô lo lắng vì không thấy tôi về vào buổi sáng như đã hứa.
– Lẽ ra anh phải gọi điện chứ, cô nói.
– Không có chuyện gì đâu, em không cần phải lo lắng, tôi trả lời, trong lòng tự hỏi không biết giọng của mình như thế nào. Anh không có thời gian đảo qua nhà, anh phải đến văn phòng kiểm tra sổ sách rồi đến quan.
Tôi đến văn phòng, và ngồi đó không làm gì cả cho đến khi bóng tối buông xuống. tôi nghĩ đến những sự việc ngày hôm qua. Tôi đã ngủ thiếp đi, nhưng hẳn là Shimamoto-san không hề chợp mắt. Nàng đã dậy và rời khỏi nahf vào trước lúc bình minh. Nhưng nàng làm thế nào để về được Tokyo? Ngôi nhà khá xa đường cái, không hề dễ đàng để đi từ vùng đồi Hakone ra đến đường cái và tìm được một chiếc taxi hoặc xe bus vào sáng sớm như vậy. Hơn thế nữa, nàng lại đi giày cao hót.
Điều gì đã thúc đẩy nàng chạy trốn như thế? Tôi đã nghĩ đi nghĩ lại về điều đó suốt trên đường về. Tôi đã nói với nàng là tôi chấp nhận toàn bộ con người nàng, nàng cũng đã khẳng định điều tương tự. Chúng tôi đã làm tình với nhau không chút e ngại ngượng ngùng. Thế mà nàng bỏ tôi lại, nàng bỏ đi một mình, không một lời giải thích. Thậm chí nàng còn cầm cái đĩa nhạc đã tặng tôi đi theo. Tôi cố sức tìm vài giả thuyết về ý nghĩa các hành động đó của nàng. Hẳn là phải có một ý nghĩa, một lý do cho tất cả những điều đó. Shimamoto-san không phải là người hành động theo một bản năng bất chợt. Tôi không sao xem xét được vấn đề một cách kỹ càng. Sợi chỉ nối những suy nghĩ của tôi bị cắt đức, không một tiếng động. Một cơn đau nửa đầu quay trở lại, âm ỉ, mỗi khi tôi cố sức suy nghĩ. Tôi nhận ra rằng mình đã kiệt sức. Tôi từ chối suy nghĩ, tôi nhớ đi nhớ lại tất cả những sự kiện của ngày hôm trước, như một cuốn băng video quay lại không ngừng. Tôi nghĩ đến cơ thể Shimamoto-san. Cơ thể không quần áo nằm gần lò sưởi. Cổ nàng, ngực nàng, hông nàng, đám lông kín, âm hộ, lưng, eo, chân của nàng. Tất cả những hình ảnh đó quá gần gũi, quá rõ nét. Đôi lúc, tôi thấy chugns còn gần gũi, còn rõ nét hơn thực tế ở xung quanh tôi.
Cuối cùng tôi không chịu đựng nổi những ảo ảnh gào thét của sự thật đang vây bủa lấy tôi trong cái văn phòng nhỏ xíu này nữa. tôi đi ra khỏi tòa nhà, đi lang thang vô định. Rồi tôi đến quán bar, vào phòng vệ sinh cạo râu. Thậm chí từ sáng đến giờ tôi còn chưa rửa mặt. Và tôi vẫn mặc chiếc áo parka của ngày hôm qua. Các nhân viên không có nhận xét gì, nhưng thỉnh thoảng lại liếc nhìn tôi đầy tò mò. Tôi không muốn về nhà thay quần áo. Nếu gặp Yukiko, có khả năng tôi sẽ kể hết mọi chuyện cho cô: rằng tôi yêu Shimamoto-san, rằng tôi đã ngủ với nàng, rằng tôi đã suýt nữa bỏ tất cả vì nàng, cả gia đình tôi, các con tôi, công việc của tôi, tất cả.
Liệu tôi có phải thú nhận với Yukiko về những chuyện xảy ra không? Tôi không thể làm như thế được. tôi không đủ sức phán xét điều gì là nên hay không. Thậm chí tôi còn không hiểu nổi điều gì đã xảy đến với tôi. Cho nên tôi không về nhà. Tôi đến quán bar, và chờ đợi Shimamoto-san. Tôi biết rất rõ rằng không có chút cơ may nào để nàng đến, nhưng tôi không thể làm gì khác ngoài chờ đợi. Tôi ngồi ở quầy bar, và chờ đợi trong vô vọng cho đến giờ đóng cửa. Tôi nói chuyện một chút, như thường lệ, với mấy khách quen. Nhưng tôi không nghe thấy một lời nào mà họ nói với tôi. Tôi gật đầu, ngắn gọn đồng ý với tất cả, trong đầu vẫn nghĩ đến cơ thể Shimamoto-san. Tôi còn nhớ âm hộ nàng đã đón nhận tôi mềm mại như thế nào, cách nàng gọi tên tôi vào lúc đó. Và, mỗi lần điện thoại đổ chuông, tim tôi lại nảy lên trong lồng ngực.
Ngay cả khi quán đã đóng cửa và mọi người đã ra về, tôi vẫn ngồi lại ở quầy bar và tiếp tục uống. Mặc cho số lượng rượu uống vào người, tôi vẫn không sao say nổi. Ngược lại, tâm trí tôi mỗi lúc một sáng rõ hơn. Đồng hồ chỉ hai giờ sáng. Tôi về nhà, gặp Yukiko vẫn thức đợi. Lẽ ra phải đi nằm, tôi lại ngồi ở bàn bếp trước một chai whisky; Yukiko đến chỗ tôi cùng với một cái cốc và uống với tôi.
– Bật nhạc đi, cô nói.
– Tôi bật cái băng đầu tiên tìm thấy, bật nó thật nhỏ để không đánh thức bọn trẻ. Sau đó, chúng tôi im lựng uống một lúc, mỗi người ngồi ở một góc bàn bếp.
– Anh yêu một người phụ nữ khác phải không? Yokiko chăm chú nhìn tôi, hỏi.
Tôi gật đầu. “Hẳn là Yukiko đã phải nhắc đi nhắc lại câu nói đó trước khi thốt ra lời”, tôi tự nhủ. Những từ đó có một trọng lượng và đường viền rất rõ nét. Tôi cảm thấy điều đó trong giọng nói của cô.
– Và anh thật sự yêu cô ấy, đó không phải là một cuộc tình thoáng qua, phải không?
– Đúng thế. Đó không phải là một cuộc tình thoáng qua. Nhưng hơi khác với những gì em nghĩ.
– Anh biết em nghĩ gì à? Anh tin là thực sự biết em nghĩ gì à?
Tôi không trả lời. tôi không thể nói được gì. Yukiko cũng im lặng trở lại. Chỉ có âm nhạc tiếp tục. Vivaldi hoặc Telemann, cái gì đó tương tự. Tôi không sao nhớ được chính xác giai điệu.
– Em-chắc-chắn-là-anh-không-biết-những-gì-em-nghĩ, cuối cùng Yokiko cũng nói tiếp, phát âm tách bạch từng từ như cô vẫn thường làm khi giải thích điều gì đó với các con.
Mắt cô không rời khỏi tôi, nhưng khi chắc chắn là tôi sẽ không nói gì, cô cầm lấy cái cốc và uống một ngụm whisky. Rồi cô chầm chậm lắc đầu.
– Anh cũng biết là em không hề ngu ngốc. Em sống với anh, em ngủ với anh. Em đã hiểu ra điều đó được một thời gian, rằng anh có một người phụ nữ khác.
Tôi nhìn cô không nói gì.
– Em không trách gì anh hết. Khi người ta bắt đầu yêu một người, thì là như thế đấy, không thể làm gì cả. Người ta yêu người mà người ta yêu. Em không đủ cho anh, chỉ vậy thôi. Em có thể hiểu được điều đó, theo cách của em. Cho đến giờ mọi chuyện giữa chúng ta đều rất tốt đẹp, anh lúc nào cũng đối xử tốt với em. Em rất hạnh phúc với anh. Và em nghĩ rằng, ngay cả bây giờ vẫn vậy, anh vẫn còn yêu em. Nhưng em không đủ cho anh. Em biết điều đó, theo một nghĩa nào đó. Em biết là một ngày nào đó sẽ có một chuyện tương tự xảy ra. Chính vì thế mà em không trách anh đã yêu một người khác. Thậm chí nói thật em còn không thấy giận dữ. Thật là lạ, điều đó còn không làm em tức tối. Chỉ rất nặng nề để chịu đựng thôi. Vô cùng nặng nề, Em đã từng nghĩ là sẽ rất khó để trải qua khi nào điều đó xảy đến, nhưng nó vẫn vượt quá sự tưởng tượng của em.
– Anh rất tiếc, tất cả là lỗi của anh, tôi nói.
– Anh không cần phải xin lỗi. Nếu anh muốn bỏ em, anh có thể làm thé. Không cần nói gì.
– Anh có muốn chúng mình bỏ nhau không?
– Anh không biết. em có muốn nghe những lời giải thích của anh không?
– Giải thích? Về người phụ nữ đó?
– Phải.
Yokiko lắc đầu.
– Em không muốn nghe gì về người phụ nữ đó. Anh đừng làm cho hoàn cảnh của em trở nên nặng nề hơn nữa. Em không thèm quan tâm đến kiểu quan hệ mà anh có với cô ta, những gì hai người đã làm với nhau. Điều quan trọng với em là anh có ý định bỏ em hay không. Em không muốn gì hết, nhà và tiền đều không. Nếu anh muốn có lũ trẻ, em cũng sẽ để chúng cho anh nuôi. Thật đấy, em hết sức nghiêm túc. Thế nên, nếu anh muốn bỏ em, chỉ cần nói với em: “anh bỏ em”. Đó là tất cả những gì quan trọng với em. Anh có muốn chúng ta bỏ nhau không?
– Anh không biết, tôi nhắc lại.
– Anh không biết là anh muốn bỏ em hay không à?
– Không, anh không biết liệu có khả năng trả lời em hay không.
– Khi nào thì anh sẽ biết?
Tôi lắc đầu.
– Được rồi, Yokiko thở dài, anh cứ suy nghĩ đi. Em sẽ đợi, đừng lo. Cứ suy nghĩ đi trước khi quyết định.
Kể từ đêm đó, tôi ngủ trên sofa phòng khách. Có lúc lũ trẻ dâh vào buổi đêm; lần đầu tiên thấy tôi ở đó, chúng hỏi tôi đang làm gì. Tôi giải thích thời gian gần đây tôi ngáy to nên thôi thích ngủ ở đây để không đánh thức mẹ chúng. Đôi khi, một trong hai đứa chui vào dưới chăn ngủ với tôi. Tôi ôm nó vào lòng. Cũng có lúc tôi nghe tiếng Yokiko khóc trong phòng ngủ.
Trong khoảng hai tuần, tôi sống trong những kỷ niệm. Tôi trôi nổi bất tận trong những gì đã trảu qua với Shimamoto-san trong cái đêm đầu tiên và duy nhất với nhau, cố sức tìm thấy ở đó một đấu vết quan trognj, một thông điệp nào đó. Tôi thấy lại Shimamoto-san trong vòng tay tôi. Tô nghĩ đến bàn tay của nàng luồn xuống dưới cái jupe trắng. Tôi nhơ sbaif hát cảu Nat King Cole, ánh sáng của lò sưởi. Tôi nhớ từng lời nàng nói.
“Vừa nãy em đã nói rồi, em không biết đến những biện pháp nửa vời, Shimamoto-san nói với tôi trong trí nhớ. Ở em không có trung gian nào cả: em khôgn hề biết nơi nào là chỗ đúng đắn…
– Anh đã quyết định rồi. Trong khi em vắng mặt, anh đã suy nghĩ rất kỹ về tất cả những cái đó. Và anh đã quyết định rồi, từ sâu thẳm trái tim anh.”
Tôi nhớ cái nhìn chăm chú của nàng trong khi tôi lái xe. Tôi cảm thấy cái nhìn đó, đắm chìm một điều gì đó dữ dội, giờ đây vẫn còn ghì sâu lên má tôi. Tôi cảm thấy rõ ràng rằng đó còn hơn là một cái nhìn, nó giống như dấu hiệu của cái chết bay lơ lửng xung quanh nàng ở trong thế giới đó. Khi ấy, nàng đã thật sự muốn chết. Nàng đã đến tận Hakone cùng tôi để chết cùng tôi ở đó.
“Và cả em nữa, rất có thể, em sẽ chấp nhận toàn bộ con người anh. Toàn bộ, anh có hiểu không? Anh có hiểu như thế nghĩa là gì không?”
Khi nói điều đó, nàng đang đòi hỏi cả cuộc đời tôi. Giờ đây thì tôi hiểu hoàn toàn. Cứ như thể tôi đã đi đến một kết luận cuối cùng về hai chúng tôi, còn nàng thì có kết luận riêng của mình. Tại sao mình không hiểu được điều đó sớm hơn? Nàng hẳn là đã thực sự có ý định đánh mạnh tay vào vôlăng để chúng tôi cùng chết trên đường về, trên đường cao tốc, sau đêm tình ái Hakone. Chết cùng với tôi là điều duy nhất có thể. Hẳn là nàng không có lựa chọn nào khác. Nhưng điều gì đó đã ngăn cản nàng thực hiện sự định của mình. Nàng đã giấu kín tất cả vào sâu thẳm con người mình, rồi biến mất.
Điều gì trong cuộc đời nàng đã khiến nàng không còn lựa chọn nào khác ngoại lựa chọn đó? Tôi tự hỏi không ngừng. Nàng đã bị dồn vào cuối ngõ cụt nào? Lý do nào, bằng cách nào, vì mục đích gì, cái gì và nhất là ai đã đẩy nàng đến chỗ đó? Tại sao cái chết lại là giải pháp duy nhất cho tình trạng đó? Tôi dã nghĩ đến điều này không biết bao nhiêu lần. Tôi tính đến mọi yếu tố mà tôi biết. Tôi đặt ra đủ mọi giả thuyết có thể và trí tưởng tượng tôi cho phép. Mà không đi đến được điều gì. Nàng đã biến mất, mang theo mình bí mật. Không “có lẽ” và không “một khoảng thời gian” nào: hoàn toàn, im lặng. Ý nghĩ đó làm tôi không sao chịu nổi. Cuối cùng, nàng đã từ chối chia sẻ bí mật của mình với tôi. Mặc cho sự hòa hợp hoàn hảo mà cơ thể chúng tôi đã có được với nhau.
“Có những điều chỉ có thể tiến về phía trước, không thể quay ngược lại đằng sau. Hajime ạ”, hẳn là nàng sẽ nói như thế.
Đêm đến, trên ghế sofa, tôi tưởng như nghe thấy giọng nàng đang nói câu đó. Tôi nghe rất rõ nàng đánh vần từng từ một.
“Sẽ tuyệt vời biết bao nếu chúng ta có thể bỏ đi như anh nói và bắt đầu lại từ con số không! Thật không may là em không thể chạy trốn được khỏi đây. Không thể. Không thể về mặt vật lý.”
Shimamoto-san đột nhiên biến thành cô gái mười sáu tuổi, đứng trong một khu vườn, mỉm cười ngượng ngập trước những cây hoa hướng dương.
“Lẽ ra em không nên gặp lại anh. Em đã biết điều đó ngay từ đầu. Lẽ ra em nên để mọi chuyện nguyên xi như thế. Dĩ nhiên, em đã không ngăn nổi mình. Em chỉ muốn nhìn thấy anh và sau đó đi khỏi ngay lập tức. Nhưng, tất nhiên, khi đã nhìn thấy anh, em lại không sao quyết định đi khỏi được nữa. Em là như thế, anh cũng biết mà Hajime. Em không có ý định làm vậy đâu, nhưng lúc nào em cũng làm hỏng mọi chuyện.”
Tôi chắc chắn sẽ không bao giờ còn gặp nàng nữa. Nàng chỉ còn tồn tại trong ký ức tôi. Nàng đã biến mất khỏi cuộc đời tôi. Nàng đã từng ở đó, và giờ đây đã tan biến. Không có giải pháp nửa vời nào hết. Không có trung gian, không có điểm giữa, không có chút thỏa hiệp nào. Phía Nam biên giới, có một “có thể”. Nhưng ở phía Tây mặt trời thì không.
Tôi đọc báo mỗi ngày, tìm kiếm một bài báo viết về vụ tự tử của phụ nữ trong vùng Hakone. Nhưng tôi không tìm được gì hết. Ngày nào cũng có hàng đống người tự tử, nhưng chưa bao giờ, theo chỗ tôi biết, có một người phụ nữ ba mươi bảy tuổi có nụ cười quyến rũ. Nàng đã biến mất khỏi cuộc đời tôi, chỉ khỏi cuộc đời tôi mà thôi.
Nhìn bên ngoài, không có gì thay đổi hết. Sáng nào tôi cũng chở hai con đi học, chiều đến đón chúng về. Tôi hát với chúng trong xe. Thỉnh thoảng, tôi gặp cô gái trẻ đi xe Mercedes trước cổng trường mẫu giáo, và chúng tôi nói chuyện với nhau một lúc lâu. Điều đó cho phép tôi quên đi những lo lắng trong một lúc. Vẫn như mọi khi, chúng tôi chỉ nói đến các cửa hiệu hoặc quán ăn đang là mốt. Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi thoải mái trao đổi những thông tin mới nhất về các cửa hàng bán đồ ăn tự nhiên và khu phố Aoyama.
Trong nhiều công việc, tôi tiếp tục hoàn thành các nghĩa vụ, không một lần sơ sảy. Tôi đến câu lạc bộ nhạc jazz mỗi tối, trò chuyện với các khách quen, lắng nghe những ý kiến và phàn nàn của nhân viên, tặng quà cho những ngươi phục vụ khi đến sinh nhật họ. Tôi mời rượu các nhạc công đến chơi ở chỗ chúng tôi, nếm cocktail. Kiểm tra xem đàn piano lên dây đúng chưa, chú ý để những người khách say rượu không làm phiền ai. Ngay khi có một vấn đề, tôi tìm cách giải quyết ngay, tìm ra một giải pháp. Cách quản lý công việc của tôi không thể tốt hơn được nữa, gần như là quá tốt.
Tất cả diễn ra một cách hoàn hảo. Chỉ có điều, tôi không còn say mê như trước với hai câu lạc bộ nhạc jazz nữa. Tôi không nghĩ những người xung quanh nhận ra điều đó, vì thái độ của tôi hoàn toàn không thay đổi. Thậm chí tôi còn hòa nhã với mọi người hơn trước, tôi đáng mến, lúc nào cũng sẵn sàng chuyện trò. Nhưng tôi thì tôi biết, khi đưa mắt nhìn quanh phòng, không gì còn giống như trước nữa cả: tôi thấy khung cảnh thật buồn chán, tối tăm. Đó không còn là khu vườn tưởng tượng của tôi ngày xưa, với những màu sắc tươi sáng, những khía cạnh tinh tế. Đó chỉ còn là một quán bar ầm ĩ có thể tìm thấy ở khắp nơi. Tất cả đều giả tạo, hời hợt, thảm hại. Đó chỉ còn là một bài trí sân khấu, được dựng lên với mục đích được che giấu khéo léo là móc túi lấy tiền của những kẻ say rượu. Tất cả những ảo tưởng xưa kia từng tràn ngập tâm trí tôi đã tan biến như một làn khói. Bởi vì tôi biết rằng Shimamoto-san sẽ không bao giờ còn trở lại trong khung cảnh này nữa. Sẽ không bao giờ còn được thấy nàng ngồi ở một cái ghế cạnh quầy bar, và mỉm cười gọi một ly cocktail.
Cả ở nhà cũng vậy, tôi tìm lại được cuộc sống quen thuộc. Tôi ăn tối với cả nhà, đưa các con đi dạo Chủ nhật, dẫn chúng đến vườn bách thú. Yukiko và tôi, ít nhất bề ngoài, có cùng mối quan hệ như trước. Chúng tôi vẫn trò chuyện nhiều, chúng tôi là những người bạn đường từ lâu, sống dưới cùng một mái nhà. Một vài điều không bao giờ được nói ra, một vài sự thật không bao giờ được phát biểu. Nhưng không có chút căng thẳng nào ngự trị giữa chúng tôi. Chỉ đơn giản là chúng tôi không bao giờ chạm vào nhau. Đêm đến, chúng tôi ngủ riêng: tôi tiếp tục ngủ trên ghế sofa, và Yukiko trong phòng ngủ. Hẳn đó là thay đổi duy nhất có thể nhìn thấy trong cuộc sống của chúng tôi.
Có lúc tôi tự hỏi không biết tất cả những điều này có phải là một vở hài kịch hay không. Liệu có phải là chúng tôi đang hài lòng với việc đóng những vai diễn dành cho mình? Liệu có phải là chúng tôi đã đánh mất một điều gì đó cốt yếu? Liệu có phải là kể từ nay ngày nào chúng tôi cũng sẽ chỉ sống như những cái máy giản đơn? Ý nghĩ đó đè nặng lên tôi. Yukiko hẳn là phải đau khổ sâu sắc vì cái cuộc sống trống rỗng và hời hợt này. Thế nhưng, tôi vẫn chưa cảm thấy có thể trả lời câu hỏi của cô. Dĩ nhiên, tôi không muốn bỏ cô, cái đó thì tôi có thể chắc. Nhưng tôi không có quyền gì để nói điều đó với cô. Tôi đã từng rất sẵn sàng bỏ cô, cả cô và bọn trẻ. Shimamoto-san đã biến mất và sẽ không quay lại, nhưng tôi không thể vì thế mà tiếp tục cuộc sống cũ như thể không có gì xảy ra. Không thể đơn giản như thế được. Sẽ không thể đơn giản như thế được. Mặt khác, tâm trí tôi vẫn còn hình ảnh Shimamoto-san ám ảnh. Hình ảnh của nàng quá rõ nét, quá thực, để mà tôi có thể xua đi. Chỉ cần tôi nhắm mắt lại là nhìn thấy cơ thể nàng hiện ra trong từng chi tiết nhỏ nhất. Tôi vẫn còn cảm thấy trên những ngón tay mình tiếp xúc của da thịt nàng, giọng nói của nàng vẫn vang vọng trong tai tôi. Làm sao tôi có thể ôm Yukiko trong tay khi vẫn chịu đựng sự ám ảnh đó?
Tôi những muốn được ở một mình lâu nhất có thể và, không biết làm gì khác, sáng nào tôi cũng đến bể bơi, rồi đến văn phòng, nơi tôi dành phần lớn thời gian nhìn lên trần nhà và mơ đến Shimamoto-san. Tôi những muốn chấm dứt việc đó bằng cách này hay cách khác. Tôi sống trong một hình thức của trống rỗng, bên cạnh Yukiko nhưng không thật sự ở đó, lần lữa mãi việc trả lời câu hỏi của cô. Điều đó không thể kéo dài mãi mãi được. Có cái gì đó không đúng đắn. Với tư cách đàn ông, với tư cách người chồng, với tư cách người cha, tôi phải nhận lấy trách nhiêm của mình. Nhưng, trên thực tế, tôi không có khả năng: ảo ảnh vẫn còn ở đó, nó buộc chặt lấy tôi. Những ngày mưa thì còn tệ hơn nữa. Bởi vì, khi trời mưa, tôi bị đắm chìm trong ảo tưởng Shimamoto-san sẽ xuất hiện vào bất cứ lúc nào. Nàng sẽ mở cửa, mang theo cùng với nàng mùi của cơn mưa. Tôi tưởng tượng ra nụ cười trên môi nàng. Khi không đồng ý với tôi, nàng nhẹ nhàng lắc đầu, nụ cười vẫn nguyên ở đó. Khi ấy từ ngữ của tôi mất đi toàn bộ sức lực và, như những giọt nước mưa đậu trên ô cửa sổ, chầm chậm trượt ra khỏi địa hạt của thực tại. Những đêm trời mưa, lúc nào tôi cũng thấy nghẹt thở. Thực tại bị bóp méo, thực tại lồng lên sợ hãi.
Khi đã mệt mỏi vì ngắm nhìn mãi những điều điên rồ, tôi đứng trước cửa sổ nhìn ra phong cảnh bên ngoài. Thỉnh thoảng, tôi thấy như thể mình bị bỏ rơi trong một sa mạc không sự sống. Đoàn đoàn lũ lũ những ảo ảnh che lấp tất cả màu sắc của thế giới xung quanh tôi, chỉ còn để lại sự trống rỗng. Tất cả mọi vật, tất cả mọi phong cảnh đều có vẻ chán ngắt và trống không như những trang trí phù du bằng giấy bồi, đầy bụi, màu của cát. Tôi nhớ lại người bạn ở trường trung học một hôm cho tôi tin tức về Izumi. Anh đã nói với tôi: “Có nhiều cách sống, và nhiều cách chết. Nhưng có quan trọng gì đâu. Điều duy nhất còn lại là sa mạc.”
Tuần sau đó, xảy ra một loạt sự kiện kỳ lạ. Sáng thứ Hai, khi đến văn phòng, không vì lý do gì đặc biệt, chỉ do một ham muốn bất chợt, tôi mở cái ngăn kéo để cái phong bì đựng một trăm nghìn yen. Từ nhiều năm nay, nó được để trong ngăn kéo bàn làm việc của tôi, khóa chặt, ngăn thứ hai từ trên xuống. Kể từ đó chưa bao giờ tôi động vào số tiền đó, nhưng đã nhiều lần, khi mở ngăn kéo để đặt vào những thứ đồ vật có giá trị khác, tôi biết chắc là cái phong bì vẫn nằm nguyên ở đó. Nhưng hôm qua, tôi nhận ra nó đã biến mất. Thật đáng ngạc nhiên, vì tôi không hề nhớ đã từng chuyển nó đi chỗ khác. Tôi không xếp nó vào chỗ khác, tôi hoàn toàn chắc chắn vào điều này. Tuy thế tôi vẫn lần lượt mở tất cả các ngăn kéo của cái bàn, xem bên trong từng cái một để có thể yên tâm được: cái phong bì không có ở đâu cả.
Tôi cố nhớ xem lần cuối cùng mình nhìn thấy nó là khi nào. Tôi không tìm được ngày tháng chính xác nào cả. Chưa lâu lắm, nhưng cũng không mới đây lắm. Một tháng trước, có thể là hai. Hoặc thậm chí là ba, ai biết? Dù thế nào đi nữa, tôi đã nhìn thấy cái phong bì cách đây không lâu, ở trong ngăn bàn.
Sững sờ, tôi ngồi xuống một cái ghế trước bàn làm việc và lơ đãng nhìn cái ngăn kéo một lúc. Ai đó đã vào đây khi tôi vắng mặt để lấy đi cái phong bì? Điều này rất khó có thể xảy ra (ngăn kéo vẫn còn tiền và những thứ đồ vật có giá trị khác), nhưng dù sao tôi cũng không thể bỏ qua khả năng đó. Hoặc giả, tôi đã nhầm lẫn mà vứt nó đi, và không còn nhớ gì nữa? Cũng có thể lắm. Nhưng cũng có quan trọng gì, cuối cùng tôi tự nhủ. Dù thế nào đi nữa tôi cũng muốn một ngày nào đó vứt nó đi, sự cố này giúp tôi khỏi phải tự mình làm việc đó.
Khi đã chấp nhận chuyện cái phong bì biến mất, tôi bắt đầu nghi ngờ vè sự tồn tại của nó, và càng cân nhắc tôi càng nhanh chóng mất đi sự chắc chắn vào thực tế của nó. Một cảm giác thật lạ, chóng mặt, chiếm lĩnh lấy tôi. Dù cho có cố sức tự thuyết phục mình điều ngược lại, ý tưởng về sự không tồn tại của cái phong bì đó phồng lên rất nhanh chóng trong suy nghĩ của tôi, đến mức chiếm lĩnh hoàn toàn lấy nó. Cảm giác về sự vắng mặt đẩy lùi, hoàn toàn nuốt trọn cảm giác về một sự tồn tại mà tuy thế ngày xưa tôi đã từng chính mắt mình chứng kiến.
Về một số sự kiện, người ta có được bằng chứng hiện hữu rằng chúng đã từng xảy ra. Ký ức và các ấn tượng của chúng ta quá không chắc chắn, quá chung chung để có thể chỉ thông qua đó mà chứng minh được tính thực tế của các sự kiện đó. Những sự kiện mà chúng ta nghĩ là chắc chắn thực ra chắc chắn đến mức độ nào? Kể từ đâu chúng trở thành những sự kiện mà chúng cho là “thật”? Trong phần lớn các trường hợp, không thể phân biệt được. Để có thể chắc được rằng những gì chúng ta coi là thực tế đúng là thực tế, chúng ta cần đến một thực tế khác cho phéo chúng ta tương đối hóa và, bản thân nó, cũng cần một thực tế khác làm nền tảng. Và cứ như thế, cho đến khi tạo ra trong ý thức của chúng ta một chuỗi mắt xích kéo dài vô tận. Chắc chắn là không hề quá lời khi nói rằng chính trong sự giữ gìn cái chuỗi mắt xích đó mà chúng ta có thể dò được đến cảm giác về tồn tại thật của mình. Nhưng chỉ cần chuỗi mắt xích đó đứt gãy, tức khắc chúng ta sẽ lạc lối. Thực tế có thật nằm ở phía cái mắt xích bị rời ra, hay ở phía cái chuỗi cứ kéo dài mãi mãi?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.