Quán Gò Đi Lên
Chương 3
Lâm sung sướng một thì con Lan và thằng Cải sung sướng mười.
Con Lan đã thôi sợ nhầm Quảng Nam thành Quảng Bình. Còn Cải cũng thôi lộn miền Trung ra miền Bắc.
Tụi nó đi đứng đã hiên ngang hơn, đối đáp cũng dõng dạc hơn.
Cháu có biết Đo Đo ở đâu không? Nghe khách hỏi, Cải toét miệng cười:
Dạ ở Quán Gò đi lên đó chú!
Con Lan làm tàng hơn. Nó nhướn lông mày:
– Ủa, Đo Đo mà chú không biết hả? Ở chỗ Quán Gò đi lên đó!
Nghe cái giọng của nó, cứ tưởng nó là người làng Đo Đo thứ thiệt, ít nhất cũng tám đời. Nhưng con Lan chỉ ra oai được một hai lần. Lần thứ ba, nó gặp một ông khách cắc cớ:
– Vậy chớ Quán Gò ở đâu hả cháu?
Tới đây thì con Lan bí rị. Nó không chờ đợi một câu hỏi vặn như vậy, bèn chớp chớp cặp lông mi dài, lỏn lẻn:
– Quán Gò hả? Quán Gò… ở Đo Đo đi xuống chớ đâu!
Biết con Lan ranh mãnh nhưng khách không giận, chỉ phì cười.
Cười xong, khách gật gù, giọng thân tình:
Tụi mi là người Nam, không biết Đo Đo ở đâu cũng phải. Ngay ở Quảng Nam cũng có người biết người không. Cái làng đó nhỏ xíu hà.
Khách nhịp tay lên bàn:
Miễn sao tụi mi cố nấu nướng cho ngon, đừng làm mất mặt dân xứ Quảng là tốt rồi!
Con Lan “dạ” một tiếng, định đi vô. Nhưng nó vừa dợm bước, khách đã gọi giật:
Khoan đã! Còn một chuyện nữa. Con Lan nơm nớp quay lại:
Chuyện gì hở chú?
Khách khoa tay một vòng.
Quán này chuyên bán các món ăn xứ Quảng mà từ trên xuống dưới từ ngoài vô trong không có lấy một người Quảng kể cũng kỳ. Mi nói chủ mi ráng kiếm vài đứa Quảng Nam nghe.
Con Lan khoe:
Dạ, chồng của cô con là người Quảng đó chú.
Chồng của cô mi thì kệ chồng của cô mi! – Khách hừ mũi – Tao góp ý là góp ý cho cái quán chứ đâu có góp ý chuyện chồng con của cô mi!
Thấy khách bực mình, con Lan thè lưỡi một cái rồi co giò vọt mất.
Cô Thanh nghe con Lan méc lại, mỉm cười:
Ổng nói đúng đó. Để cô điện thoại ra ngoài Quảng kêu con Gái nhỏ vô. Con Lan tò mò:
Gái nhỏ là ai vậy cô?
Cháu cô. Nó kêu cô bằng mợ.
Con Gái nhỏ ở Kế Xuyên, em con Gái lớn. Con Gái lớn đã có chồng, không bỏ nhà đi được nên cô Thanh mới rủ con Gái nhỏ.
Con Gái nhỏ bốc điện thoại, nghe mợ nó kêu vô Sài Gòn phụ buôn bán thì mừng quýnh, xung phong đi liền. Nó chưa kịp hỏi han kỹ lưỡng đã vội buông cái ống nghe xuống, láu táu quay sang mẹ nó “Để con vô trong nớ phụ cho cậu mợ”, lý do chính đáng đến mức mẹ nó chỉ còn biết gật đầu.
Con Gái nhỏ thiệt ra đâu có rảnh. Nó đang đứng coi một tiệm uốn tóc nho nhỏ. Nhưng nó bỏ tuốt. Nó đóng cửa tiệm, đón xe đò dông thẳng vô Sài Gòn, hai mươi tiếng đồng hồ sau đã có mặt tại quán Đo Đo.
Vô thành phố lớn bán nhà hàng dù sao cũng hơn là làm chủ cái tiệm uốn tóc xập xệ ở ngoài quê. Ngồi trên xe, con Gái nhỏ háo hức nghĩ. Và nó thấy bụng dạ nôn nao dễ sợ.
Nhưng khi tới nơi thì nỗi háo hức của nó xẹp lép. Quán Đo Đo không phải là nhà hàng bề thế, nguy nga như nó xem trên ti-vi. Lại chẳng sang trọng, đẹp đẽ như các cửa hiệu, thời trang hay mỹ phẩm nó xem quảng cáo trên báo. Đó chỉ là một quán ăn bình thường. Mà bán quán ăn thì cực lắm, con Gái nhỏ nhắm bộ chịu không thấu.
Lần đó, con Gái nhỏ lưu lại thành phố trước sau tổng cộng bảy ngày, hai ngày ngồi ở quán phụ với mợ, năm ngày đi chơi lông nhông, chụp hình chụp hiếc ở Đầm Sen, Sở Thú, Suối Tiên. Cà nhỏng đúng một tuần, coi như đi du lịch, nó đòi về.
Trước khi về, nó nói:
Mợ đừng lo! Con về ngoài quê sẽ tìm cho mợ một đứa giỏi hơn con gấp mười lần.
Tưởng con Gái nhỏ nói cho qua, không ngờ ba ngày sau, nó gửi con Cúc theo xe đò vô.
Hôm con Cúc đi xe ôm lù lù tới quán, xách giỏ lầm lì bước vô, mọi người tưởng nó câm. Ai hỏi gì, nó cũng trả lời bằng cách lắc đầu hoặc gật đầu.
Chỉ khi cô Thanh hỏi, nó mới chịu mở miệng.
Đối đáp vài câu, cô Thanh thốt nhiên nhìn sững nó:
Con là người Quảng thiệt hả?
Dạ thiệt.
Giọng cô Thanh chưa hết nghi ngờ:
Ngoài đó, con ở đâu?
Dạ con ở Kế Xuyên, kế nhà con Gái nhỏ. Sợ cô Thanh không tin, con Cúc “khai” thêm:
Con kêu ba nó bằng cậu đó cô.
Cô Thanh nhíu mày:
– Vậy sao cô nghe giọng con lạ quá. Không ra giọng Quảng lắm.
Con Cúc nghe cô Thanh nói vậy, mặt mày bất giác đỏ lựng. Nó đảo mắt nhìn quanh, thấy tụi thắng Cải, thằng Lâm, con Lan, con Kim đứng bu bốn phía, cả con Lệ trong bếp cũng ngừng chặt thịt ngóc cổ ngó ra, và cả bọn đang thô lố mắt nhìn nó như nhìn một con vật gì kỳ quái, nó càng lúng túng.
Nó đưa tay quẹt mũi, đầu cúi gằm:
– Tại… tại…
Con Cúc nói cả buổi chỉ được mấy tiếng “tại, tại”. Tụi thằng Lâm, con Lan ngứa miệng quá sức nhưng có cô Thanh ngồi đó, không đứa nào dám hó hé.
Cô Thanh cũng sốt ruột không kém gì tụi nó. Cô cố giữ giọng dịu dàng:
– Con muốn gì cứ nói, đừng ngại!
Quạt máy treo hai bên tường quay vù vù, mát rượi nhưng trên trán con Cúc lúc này mồ hôi rịn ra hột nào hột nấy bằng hột đậu.
Mồ hôi chảy ròng ròng xuống cổ khiến con Cúc có cảm tưởng thằn lằn đang chun vô áo. Nó nhột nhạt quá chừng nhưng không dám đưa tay lau, chỉ ngúc ngoắc đầu cho đỡ ngứa:
– Tại… tại…
Trong một thoáng cô Thanh nghĩ: Hay con nhỏ này bị câm? Nếu không chắc nó mắc tật cà lăm.
Cô đứng lên, giọng đã hết kiên nhẫn:
Nếu con không muốn nói thì thôi. Cô phải đi làm công chuyện đây!
Con nói mà cô! – Con Cúc cuống quít – Để con nói!
Cô Thanh ngồi xuống:
Con nói đi! Con Cúc lí nhí:
Tại trước khi con đi, con Gái nhỏ bắt con sửa giọng. Nó nói “ở trong nớ, người ta nói giọng khác ngoài mình, nghe văn minh lắm. Mi cứ trọ trẹ cái giọng nhà quê, người ta không hiểu đâu”…
Con Cúc mới nói tới đó, thằng Cải và con Lan đã ôm bụng cười bò. Con Kim ý tứ hơn, quay mặt đi chỗ khác lấy tay bụm miệng. Thằng Lâm ý tứ hơn nữa, chạy tuốt ra ngoài hè, ngồi bệt xuống đất cười ngặt nghẽo.
Còn cô Thanh thì dở cười dở mếu:
Trời đất, con Gái nhỏ ở không ở còn bầy đặt xúi bậy. Ai khiến nó làm khôn kia chớ!
Cô nhìn con Cúc, chắt lưỡi:
Cô cần là cần cái đứa nói giọng Quảng Nam cho ra cái quán Quảng Nam. Chớ mấy đứa nói giọng Sài Gòn ở trong này thiếu chi, mắc mớ gì cô phải kêu tụi bay vô!
Mặt con Cúc xanh mét như tàu lá chuối. Giọng nó nhòe nước mắt, không phải vì buồn tủi mà vì mắc cỡ với mấy đứa loi choi trong quán và vì tức con Gái nhỏ:
– Con đâu có biết. Con Gái nhỏ biểu răng thì con làm rứa…
Trong nháy mắt, con Cúc đã trở lại cái giọng thứ thiệt của nó. Nó nói đặc sệt giọng Quảng làm cô Thanh mừng rơn:
Đúng rồi đó! Đây mới đúng là cái giọng nguyên chất của mi. Giá trị lắm. Cũng như nước mắm Nam Ô vậy. Mi biết nước mắm Nam Ô không?
Dạ, biết cô! – Thấy giọng nói của mình được ví với loại nước mắm số một Quảng Nam, con Cúc hồ hởi – Nước mắm Nam Ô ngon nhứt ngoài con mà.
Cô Thanh cười:
Nhưng nước mắm Nam Ô chỉ ngon là lúc chưa pha kìa. Pha nước lạnh vô, dở ẹc liền.
Con Cúc coi vậy chớ thông minh lắm. Nghe thoáng qua, nó hiểu liền:
Dạ, từ nay con sẽ không thèm nghe lời con Gái nhỏ nữa. Con cứ nói cái giọng thiệt của con.
Khổ nỗi, lúc con Cúc pha giọng, tụi thằng Cải, con Lan cười nôn ruột bao nhiêu thì khi con Cúc trở lại cái giọng “nước mắm Nam Ô nguyên chất” của nó, tụi này lại muốn khóc thét lên bấy nhiêu.
Khách đòi mua bánh bèo đem về, con Cúc kêu con Lệ:
– Chị kiếm cho em cái bô!
Chữ “cái bao” qua cái giọng nguyên chất của con Cúc biến thành “cái bô” khiến con Lệ thừ ra mất một lúc. Rốt cuộc, tuy không hiểu con Cúc kiếm một cái bô làm chi, con Lệ vẫn vào toilét cầm cái bô đem ra:
– Nè.
Con Cúc ré lên:
Trời, lấy cái ni đựng bánh bèo cho khách răng được? Con Lệ nhíu mày:
Chớ sao mày kêu tao lấy cái bô?
Không phải cái bô ni, cái “bô” tê tề!
Con Cúc nói “cái bô”, con Lệ đã ngẩn tò te, nó nói “cái bô tê tề” thì con Lệ đã muốn xỉu lắm rồi.
– Muốn lấy cái gì thì mày chỉ đi! – Con Lệ ôm ngực – Thiệt tao khổ cho mày quá!
Con Cúc không đợi con Lệ nói đến lần thứ hai. Nó rảo quanh nhà bếp một vòng, mắt láo liên. Nhác thấy mớ bao ni-lông nhét trong cái giỏ toòng teng trên vách, nó thò tay rút một cái rẹt, mặt mày tí tởn:
Cái “bô” ni nề!
Trời đất! – Con Lệ trợn mắt kêu trời – Cái bao mà mày kêu cái “bô”, ông nội tao cũng không hiểu nữa là tao!
Con Cúc cười hí hí:
– Tại cô Thanh kêu em nói giọng “nước mắm Nam Ô nguyên chất” chớ bộ!
Cũng như Lệ, những ngày đầu mấy đứa trong quán đến dở cười dở khóc với cái giọng “nước mắm Nam Ô” của con Cúc. Có lần, đang giờ nghỉ trưa con Cúc kêu thằng Lâm đưa giùm tờ báo, thằng này liền khệ nệ vác cái ghế bố đem tới. ấy là do con Cúc nói chữ “báo” mà ra chữ “bố”. Lần khác, con Cúc khen con Lan “hăng gớm”, nhưng nó nói “hăng” thành “hen” nên con Lan tưởng con nhỏ này chê mình “ho hen” liền quay ngoắt lại, xù lông nhím lên. Bữa đó nếu không có con Lệ can gián kịp thời thì trong quán đã xảy ra chuyện lớn rồi.
Đó là nói lúc con Cúc mới vô làm. Sau một tuần, nghe con Cúc chuyện trò lốp xốp riết, tụi thằng Lâm, con Lan dần dần quen tai, không những không hiểu lầm, mà còn thấy hay hay.
Nhưng cho tới cái sự kiện sau đây thì tụi loi choi trong quán mới nể con Cúc, mới thấy nó có một vai trò quan trọng trong quán chớ không phải chơi.
Đó là hôm khách xứ Quảng vào mua ba cây tré.
Sau khi lễ phép lắng tai nghe, thằng Lâm “dạ” một tiếng rõ to rồi vào trong bếp cầm ra… ba cái chén.
Khách lắc đầu:
– Không phải chén. Lấy cho chú ba cái tré!
Khách nói đặc giọng Quảng, Lâm được con Cúc “tập huấn” một tuần rồi mà vẫn nghe “tré” thành chén, đứng ngơ ngác một lúc rồi lại quay vào trong đổi ba cái chén khác ngập ngừng đem ra.
Khách nhún vai:
– Cháu đem mấy cái chén này ra làm chi?
Thấy thằng Lâm đứng trơ thổ địa, con Lan xăng xái chạy lại:
Chú kêu cái gì hả chú?
Lấy cho chú ba cái tré!
Trình độ “thẩm âm” của con Lan chẳng khá hơn Lâm là bao. Nó nhìn ba cái chén trong tay Lâm rồi ngước lên nhìn khách:
– Thì ba cái chén đây nè! Hay là chú muốn đổi ba cái chén khác?
Khách lắc đầu, thở đánh thượt, nhìn vẻ mặt biết đã ngán ngẩm lắm.
Thấy khách nhỏm đít định đứng dậy, con Lệ quýnh quíu đẩy lưng con Cúc:
– Mày ra nghe xem khách nói gì! Tụi kia nó nghe không ra!
Con Cúc ở nhà quê mới chân ướt chân ráo vô thành phố, còn nhát hít. Nó chỉ lanh lợi trong chu vi cái bếp, chớ chỗ khách khứa ngồi ăn, hổm rày nó đâu dám ló mặt ra. Đối với nó, bên ngoài bức vách ngăn là một thế giới khác. Cái thế giới xô bồ đó lạ lẫm với nó quá sức.
Vì vậy khi cô Thanh phân công nó làm tiếp viên chung với thằng Lâm, nó lắc đầu quầy quậy, chỉ xin ở trong bếp làm “trợ lý” cho con Lệ, gọi nôm na là phụ bếp. Và từ ngày đó, nó chí thú ôm cứng cái bếp lò, không rời đi đâu lấy một bước.
Bữa nay cũng vậy, bị con Lệ thúc vô lưng, Cúc bám cứng cái bàn chặt thịt:
Í, em không dám ra ngoài nớ đâu! Con Lệ nạt:
Cô Thanh đi chợ, cả quán này chỉ có mình mày có thể nghe được khách nói gì, mày không ra thì ai ra?
Con Cúc biết con Lệ nói phải, nhưng lòng vẫn run. Nó ngần ngừ một thoáng rồi nắm tay Lệ:
Vậy thì chị cùng ra với em! Con Lệ cốc đầu Cúc:
Lớn tồng ngồng rồi mà y như con nít!
Con Cúc là nhân vật chính. Nhưng khi tiến ra ngoài thì nó đùn con Lệ đi trước, còn nó thập thò sau lưng.
Con Lệ ngọt ngào hỏi khách:
– Dạ thưa, chú kêu món gì ạ?
Khách đã định xô ghế đứng lên, bỗng thấy con Lệ bước tới ngoan ngoãn dạ thưa, giọng nói lại có pha đường phèn ngọt xớt, bèn bấm bụng nhắc lại yêu cầu:
– Chú kêu ba cái tré, sao nãy giờ chẳng thấy chi hết?
Thằng Lâm, con Lan thường xuyên tiếp xúc với khách còn nghe không ra, con Lệ quanh năm chôn chân trong bếp sức mấy nghe nổi. Nó đứng ngẩn, tai dỏng lên.
Ở sau lưng, con Cúc thì thầm:
– Ổng hỏi mua ba cây tré đó! – Rồi sợ con Lệ không hiểu, con Cúc nói thêm – Nem, chả, tré đó mà!
Con Lệ được mách nước, mừng rơn. Nó nói như reo, phải khó khăn lắm nó mới không nhảy tưng tưng trước mặt khách:
– Dạ, con hiểu rồi. Con hiểu rồi. Chú chờ một chút. Để con vô lấy.
Con Lệ quày quả đi vô, mắt long lanh, mặt mày rạng rỡ, nom bộ tịch chẳng khác chi học trò đi thi vừa tìm ra cách giải một bài toán khó.
Bữa đó, nhìn khách cầm ba cây tré giơ lên trước mặt với vẻ hả hê, mấy đứa trong quán thầm cảm ơn con Cúc quá xá.
Cô Thanh đi chợ về, nghe tụi nhóc thuật lại liền lôi con Cúc ra biểu dương:
Đó, con đã thấy sự lợi hại của con chưa? Con Cúc lỏn lẻn:
Lợi hại gì đâu, cô!
Tuy ngoài miệng nói vậy chớ trong bụng con Cúc khoái lắm. Rồi để phát huy “sự lợi hại” của mình hơn nữa, kể từ bữa đó Cúc siêng năng đi ra đi vô hơn. Bức vách ngăn phòng ngoài với nhà bếp đối với con Cúc bây giờ đã không còn là ranh giới cấm kị nữa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.