Mải mê với công việc, Jonathan Knowles không hay biết thời gian trôi qua. Ông cũng chẳng hay biết về sự chộn rộn quanh hồ Maushop. Ông chỉ ghi nhận rằng hôm nay xem chừng xe cộ qua lại trước nhà ông nhiều hơn. Nhưng, vì làm việc trong một căn phòng ở cuối nhà nên tiếng động chỉ lọt rất ít đến tai ông.
Qua cú sốc đầu tiên phát hiện ra rằng người vợ của Ray Eldredge chính là bà Nancy Harmon lừng danh, Jonathan đã uống một ly cà phê và tiếp tục ngồi vào bàn giấy. Ông quyết định duy trì kế hoạch của ông, nghĩa là nghiên cứu vụ án Harmon đúng như đã định. Ông nghĩ rằng, nếu sau này thấy việc nghiên cứu về trường hợp phạm tội của một thiếu phụ mà ông quen biết sẽ là điều không mấy tế nhị, thì ông sẽ đơn giản hủy bỏ toàn bộ cái chương này của cuốn sách.
Nghĩ đến đó, ông bắt đầu chăm chú đọc một bài được đăng trên một nhật báo ở Cape. Sau khi nêu ra một loạt những chi tiết thiếu trung thực nhằm làm cho người đọc phải rùng mình khiếp sợ, bài báo đề cập đến quá khứ của Nancy Harmon, người vợ trẻ của một giáo sư đại học… hai con… một ngôi nhà trong khuôn viên đại học. Một đời sống đáng mơ ước cho đến cái ngày mà giáo sư Harmon đã nhờ một sinh viên đến nhà ông để sửa cái nồi hơi đun bằng dầu mazut. Chàng sinh viên này vốn điển trai, ăn nói có duyên và giỏi tán tỉnh phụ nữ. Vì thế Nancy, mới hai mươi lăm tuổi, đã phải lòng chàng.
Jonathan đọc những đoạn trích dẫn các lời khai nhân chứng đăng trên báo. Chàng sinh viên – Rob Legler – đã giải thích về sự gặp gỡ giữa chàng ta và Nancy như sau: “Lúc đó, tôi đang ở trong văn phòng của giáo sư Harmon thì vợ ông gọi điện cho biết cái nồi hơi bị hỏng. Vì chuyên trị các thứ máy móc hỏng hóc nên tôi đã tình nguyện giúp ông. Ông ấy không mấy nhiệt tình khi chấp nhận sự giúp đỡ của tôi, nhưng vì không liên lạc được với cơ sở thường đến bảo trì cho ngôi nhà của ông và vì phải sửa chữa ngay hệ thống sưởi, nên ông không còn một lựa chọn nào khác”.
Ông biện lý hỏi:
– Giáo sư Harmon có căn dặn anh điều gì trước khi đến nhà ông?
– Vâng, ông ấy cho biết vợ ông không được khỏe vì thế tôi không nên làm phiền bà. Ông dặn tôi, nếu cần một cái gì đó hoặc thắc mắc gì thì hãy gọi điện cho ông.
– Anh có tuân theo lời dặn của giáo sư Harmon?
– Thưa ngài biện lý, tôi đã tuân theo nhưng có điều là bà vợ của ông cứ lẽo đẽo theo tôi như một con chó con.
Và, lời khai sau đây của gã sinh viên đã gây nhiều tổn hại cho thanh danh của Nancy. Trước câu hỏi: “Giữa anh và bà Nancy đã có quan hệ về mặt thể lý?” thì gã ta trả lời ngay:
– Thưa ngài, có ạ.
– Chuyện đó xảy ra thế nào?
– Lúc đó, tôi đang chỉ cho bà Nancy xem nơi lắp đặt ổ ngắt điện của nồi hơi và giải thích rằng hỏng hóc đã xảy ra tại đây.
– Nhưng giáo sư Harmon đã dặn là anh không được quấy rầy bà Nancy với những câu hỏi hoặc giải thích này nọ?
– Bà ấy cứ nàng nặc đòi tôi phải chỉ dẫn, bảo rằng bà muốn biết để có thể tự xoay trở. Tôi đã giải thích cho bà về nguyên tắc vận hành của nồi hơi. Bà đã nghiên người về phía tôi để mở cầu dao điện… và lúc đó tôi thầm nghĩ, sao ta bỏ phí cơ hội?… Thế là tôi ra tay.
– Bà Harmon đã phản ứng ra sao?
– Có thể nói là bà ta không có vẻ gì là phiền lòng.
– Yêu cầu anh giải thích rõ về điều đã xảy ra.
– Thật ra, chẳng có gì là quá đáng. Tôi đã kéo bà ấy về phía tôi và ôm hôn bà. Một phút sau, bà miễn cưỡng né người sang một bên.
– Chuyện gì đã xảy ra sau đó?
– Tôi đã nói, thật là thú vị.
– Bà Harmon đã trả lời sao?
– Bà đã nhìn tôi và nói… như thể không phải nói với tôi… bà đã nói, “Tôi phải rời khỏi chốn này”. Lúc đó, tôi nghĩ rằng tốt hơn tôi nên tránh những chuyện rắc rối. Nghĩa là, tôi cần phải nghiêm túc, nếu không tôi sẽ bị tống cổ khỏi đại học và phải nhập ngũ. Chính vì lý đó đó mà tôi phải đeo đuổi chuyện học hành. Tôi đã nói: “Thưa bà Harmon…” Rồi ngay sau đó, tôi quyết định chỉ đơn giản gọi là Nancy, thế thôi… “Này Nancy, chớ nên quan trọng hóa vấn đề. Chúng ta sẽ tìm cách để gặp nhau. Cô không thể bỏ nhà mà đi… còn có các con của cô nữa”.
– Nghe như thế, bà Harmon đã phản ứng ra sao?
– Quả là lạ lùng. Ngay lúc đó, đứa bé trai… Peter… đã xuống nhà để tìm mẹ. Peter là một đứa bé ít nói – không hề hé môi. Bà Harmon hoảng sợ, nói nhanh: “Tụi nhỏ”. Rồi. thật kỳ lạ, bà ta đã bật cười và nói tiếp: “Rồi chúng sẽ chết ngạt thôi”.
– Này anh Legler, anh vừa nói ra một câu rất quan trọng. Anh có chắc là đã lặp lại đúng những gì bà Harmon nói?
– Hoàn toàn đúng, thưa ngài biện lý. Lúc đó, tôi bỗng rợn người. Chính vì vậy mà tôi không thể quên.
– Hôm đó là ngày nào, anh còn nhớ?
– Đó là ngày 13 tháng mười một. Sở dĩ tôi không quên là vì giáo sư Harmon đã dứt khoát trả tiền thù lao cho tôi. Ông đã trao tôi một ngân phiếu.
– Ngày 13 tháng mười một… bốn ngày sau đó, hai đứa bé đã mất tích khi ngồi trong xe của mẹ chúng và cuối cùng, người ta tìm thấy xác chúng dạt vào vịnh San Francisco, đầu bị trùm trong những bao plastic – chết ngạt.
– Đúng vậy.
Trong nỗ lực nhằm làm giảm đi tác dụng của lời khai của Rob Legler, luật sư biện hộ cho Nancy đã hỏi:
– Sau đó, bà Harmon có còn ở bên anh?
– Không. Bà ấy đã lên lầu trên với các con.
– Như vậy, chỉ có anh là người duy nhất để khẳng định rằng bà ấy đã thích thú khi được anh hôn?
– Tôi không phải là người dễ lầm lẫn trước phụ nữ.
Tiếp đến là lời khai của Nancy, sau khi đã tuyên thệ nói đúng sự thật.. Khi bị chất vấn về giai đoạn này, nàng đã nói:
– Vâng, anh ấy đã ôm hôn tôi. Vâng, tôi biết anh ta sẽ làm điều đó và tôi không phản đối.
– Có phải bà đã nói rằng các con của bà sẽ bị chết ngạt? Có đúng như thế?
– Thưa đúng.
– Bà đã nghĩ sao khi nói câu đó?
Theo bài báo thì lúc đó Nancy đăm đăm nhìn về phía trước, bằng một ánh mắt mất hồn. Rồi, nàng nói bằng giọng xa vắng: “Tôi không biết”.
Jonathan gật gù, làu hàu. Lời khai của Nancy càng làm nàng thêm nặng tội. Ông đọc tiếp bài báo và cau mày khi đến đoạn tìm thấy xác của các đứa trẻ. Xác chúng trôi dạt vào bờ cách đó tám mươi cây số, trương phình, vướng đầy rong biển. Khuôn mặt của đứa bé gái hầu như chẳng còn gì – có lẽ bị cắn nát bởi cá mập, những chiếc áo len đan tay màu đỏ với những mô típ trắng như những đốm tương phản trên hai thi thể bé bỏng, nhợt nhạt.
Đọc xong bài báo, Jonathan quay sang chồng hồ sơ dày cộm mà Kevin đã gởi cho ông. Ông bắt đầu xem những tài liệu được cắt trong báo có liên quan đến vụ mất tích của hai đứa con gia đình Harmon. Lúc đó chúng đang ngồi trong xe, khi mẹ chúng vào siêu thị. Có những bức ảnh được phóng lớn của hai đứa bé với hàng chú thích mô tả chi tiết về chiều cao, trọng lượng và quần áo chúng mặc, kèm với lời yêu cầu bất cứ ai biết tin gì về hai cháu, thì hãy gọi ngay về số đã nêu. Với đôi mắt và đầu óc từng trải, Jonathan lướt qua các tài liệu, sắp xếp và so sánh lời khai của các nhân chứng, dùng bút gạch nhẹ dưới những sự việc có tính thuyết phục, những sự việc mà ông có ý định sẽ quay trở lại đó nghiên cứu kỹ hơn. Khi đọc sang phần biên bản của phiên tòa, Jonathan hiểu ra vì sao Kevin đã gọi Nancy Harmon là mục tiêu lý tưởng để buộc tội. Thái độ của nàng chẳng mang một ý nghĩa nào. Nàng hoàn toàn bị bẫy bởi viên biện lý khi hờ hững nói lên sự vô tội của nàng, không tìm cách để tự biện hộ, không chút xúc cảm.
Jonathan thầm hỏi, “Điều gì đã trói buộc Nancy?” Người ta có cảm tưởng rằng nàng không muốn thoát khỏi tù tội. Ngay cả khi đứng trước vành móng ngựa, nàng đã quay nhìn chồng một lúc, và nói: “Ồ! Carl, anh có thể tha thứ cho em?”
Những nếp nhăn hằn sâu hơn trên vầng trán Jonathan khi ông nhớ lại, chỉ vài giờ trước đây, ông đã ngang qua nhà gia đình Eldredge, và đã liếc mắt nhìn đôi vợ chồng trẻ và các con họ đang đầm ấm trong bữa ăn sáng. Với nỗi cô đơn của ông, ông thầm mơ ước được như họ. Vậy mà giờ đây, đời họ đã tan vỡ. Họ không còn có thể sống trong một cộng đồng cư dân có đầu óc hẹp hòi như Cape, vì đi bất cứ đâu, họ sẽ bị người ta dòm ngó, chỉ chỏ. Mọi người sẽ nhận ra ngay Nancy qua bức ảnh. Jonathan còn nhớ đã từng trông thấy Nancy mặc bộ đồ vải tweed bằng hàng len chứ không phải bằng loại sợi hóa học rẻ tiền. Nancy trông thật xinh đẹp. Chiếc khăn quàng màu nâu sẫm hờ hững quấn quanh cổ nàng như muốn làm tăng thêm vẻ duyên dáng. Nancy mỉm cười với ông – một nụ cười nồng ấm, thân thiện. Nàng đang dẫn theo hai đứa con. Cả hai đều xinh xắn và lễ phép. Lúc đó, đứa bé trai đã nói: “Mẹ à, con lấy hộp ngũ cốc nhé”. Và, khi với tay lấy cái hộp, thằng bé đã làm đổ chồng đồ hộp.
Tiếng rổn rảng làm cả siêu thị phải một phen hết hồn, kể cả ông Lowery, một người vốn khó tính, nóng nảy. Thông thường, gặp phải lúc như thế, các bà mẹ hẳn la mắng con mình. Nhưng Nancy đã bình tĩnh nói: “Thưa ông Lowery, chúng tôi rất lấy làm tiếc. Con tôi đã vô ý làm đổ. Chúng tôi sẽ sắp xếp lại”. Thái độ đó của Nancy làm Jonathan ngưỡng phục.
Rồi nàng quay sang nói với đứa con trai đang lấm lét, sợ sệt: “Đừng sợ, Mike. Chẳng phải lỗi của con. Thôi, chúng ta hãy sắp các đồ hộp vào chỗ cũ”.
Trước vẻ bực tức của Lowery, Jonathan đã liếc mắt nhìn ông ta như một lời cảnh cáo, rồi giúp Nancy một tay sắp xếp lại. Giờ đây, ông thầm nghĩ, thật không ngờ một thiếu phụ hiền lành và chăm chút như thế mà trước đó bảy năm đã ra tay sát hại hai đứa bé – con ruột của nàng.
Nhưng tình yêu vụng trộm là một động cơ mãnh liệt và dạo đó Nancy còn rất trẻ. Thái độ hờ hững khi ra trước tòa có lẽ đã phần nào phản ánh sự thú nhận tội lỗi của nàng, vì nàng không thể công khai nhìn nhận nó. Qua kinh nghiệm của một luật sư, Jonathan đã từng hiểu cái thái độ đó.
Có tiếng chuông cổng. Giật mình, Jonathan đứng dậy. Ở thành phố này, ít khi xảy ra chuyện thăm viếng đột xuất, mỗi khi đến nhà ai, người ta luôn hẹn trước và chuyện tiếp thị tại nhà là hoàn toàn nghiêm cấm.
Khi bước ra cổng, Jonathan có cảm tưởng người ông cứng nhắc như một khúc củi, vì đã ngồi quá lâu ở bàn giấy. Ông ngạc nhiên khi thấy người khách đang nhấn chuông là một nhân viên cảnh sát khá trẻ mà ông mơ hồ nhớ rằng, đã có lần gặp anh ta đi bán xổ số tombola để gây quỹ, nhưng rồi ông loại bỏ ngay cái giả thuyết đó. Dáng vẻ anh ta trông cứng nhắc, nghiêm trọng và dứt khoát. Anh nói:
– Thưa ông, tôi rất tiếc phải làm phiền ông. Chúng tôi điều tra về vụ mất tích của các cháu bé, con ông bà Eldredge.
Rồi, trước ánh mắt sửng sốt của Jonathan, anh ta lấy ra một cuốn sổ tay. Đảo mắt nhìn ngôi nhà, anh hỏi!
– Thưa, ông sống ở đây có một mình?
Không nói năng gì, Jonathan bước lên phía trước và mở cánh cửa bề thế của phòng khách, chính lúc đó ông mới hiểu ra vì sao sáng nay có sự chộn rộn, có nhiều xe cộ chạy về phía hồ và những người đang lùng sục những vùng kề cận với dáng vẻ khẩn trương.