Đẩy cửa văn phòng giao dịch bất động sản, Ray cảm thấy mình không sao xua đuổi được cái bồn chồn lo sợ đang dằn vặt chàng tựa một cơn nhức răng không thể xác định. Tại sao thế này? Phải chăng đó chỉ đơn giản là vì chàng đã nhắc đến ngày sinh nhật của Nancy và có nguy cơ làm cho dĩ vãng bừng dậy. Thật ra, Nancy vẫn giữ một thái độ bình thản, chàng đã quá am hiểu nàng để có thể nhận ra những lúc căng thẳng ở nàng, khi nàng nhớ đến cái phần đời đó của nàng.
Chỉ cần trông thấy một bé trai và một bé gái tóc nâu cùng lớp tuổi với những đứa con mà nàng đã mất, hoặc một sự tranh luận về xác đứa bé gái tìm thấy ở Cohasset vào năm ngoái, và thế là nàng suy sụp ngay. Nhưng sáng nay Nancy trông vẫn khỏe khoắn và điều mà chàng cảm thấy đó là chuyện khác – một linh cảm không tốt.
– Nào, có chuyện gì thế anh?
Ray ngước mắt, sững sờ. Dorothy vẫn ngồi ở chỗ cũ và dĩ nhiên trên khuôn mặt duyên dáng đó là mái tóc muối tiêu của một phụ nữ đã đứng tuổi.
Dorothy là khách hàng đầu tiên của Ray khi chàng mở văn phòng dịch vụ này. Lúc đó, vì cô thư ký mà chàng tuyển dụng không đến làm việc nên Dorothy đã ngỏ ý giúp chàng ít hôm. Và kể từ ngày đó, bà Dorothy đã làm việc với Ray.
Dorothy nói:
– Anh có biết là anh đã lắc đầu trông rất bi đát không?
Ray mỉm cười tiu ngỉu. Dorothy nói tiếp:
– À, tôi đã tập hợp mọi thứ giấy tờ liên quan đến ngôi nhà Tháp Canh. Anh tính lúc nào sẽ đưa người khách ấy đến xem nhà?
– Khoảng hai giờ chiều – Ray nói rồi nghiêng mình về phía Dorothy – Chị kiếm đâu ra những bản vẽ này?
– Ở thư viện. Đừng quên rằng ngôi nhà đó được xây từ năm 1690. Nếu biết đầu tư, người ta có thể biến nó thành một nhà hàng khá lý tưởng. Hơn nữa, nó có cái nhìn bao quát vịnh, không đâu sánh được.
– Theo tôi biết thì ông bà Kragopoulos đã khai thác thành công nhiều nhà hàng và họ sẵn sàng trả giá cao cho những điểm lý tưởng.
– Ồ những người Hy Lạp thì luôn đứng đầu trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng. – Dorothy nói và xếp tập hồ sơ lại.
– Nếu như vậy thì mọi người dân Anh đều đồng tính luyến ái, những người Đức thì không biết khôi hài, và người Puerto Rico thì chẳng làm nên trò trống gì… Ôi, tôi rất sợ những cái mũ!
Ray lấy từ túi áo ra cái tẩu thuốc và vội vã đưa lên miệng.
Dorothy sững sờ nhìn Ray:
– Anh nói sao? Tôi không chụp mũ ai cả và sở dĩ tôi nói về người Hy Lạp là để chia sẻ quan điểm của anh.
Dorothy quay đi và xếp hồ sơ vào kệ. Ray bước vào văn phòng của anh, khép cửa lại.
Chàng đã mang lại sự ưu phiền cho bà Dorothy. Thật là ngu ngốc và vô lý. Chẳng hiểu điều gì đã xảy đến cho chàng thế này? Dorothy là người dễ mến, ít định kiến và công minh nhất mà chàng từng gặp. Thật là tệ khi đã nói với Dorothy những lời lẽ như thế. Ray thở dài và lấy thuốc lá nhồi vào tẩu. Chàng hút thuốc và suy nghĩ miên man trong khoảng mười lăm phút rồi gọi Dorothy qua hệ thống nội đàm.
– Vâng? – Dorothy nói bằng giọng không vui.
– Mấy cô nhân viên đã đến rồi chứ?
– Vâng, đến rồi.
– Đã có cà phê chưa?
– Vâng, có rồi.
– Chị làm ơn mang vào văn phòng tôi hai tách cà phê – một cho chị và một cho tôi. Bảo mấy cô nhân viên là hãy trực và trả lời điện thoại trong vòng mười lăm phút.
– Vâng. – Dorothy đáp và gác máy.
Ray đứng dậy, mở cửa cho bà Dorothy vào rồi khép cửa lại. Chàng nói:
– Thôi chúng ta hòa hoãn nhé. Tôi rất tiếc đã nói năng bừa bãi. Đầu óc tôi hơi rối.
– Vâng tôi hiểu. Nhưng chuyện gì đã xảy đến với anh?
– Chị hãy ngồi xuống đi. – Ray nói và chỉ cái ghế bọc da đặt gần bàn giấy của chàng.
Rồi cầm lấy tách cà phê, chàng bước đến bên cửa sổ, nhìn cảnh vật đang chìm trong màu xám xịt, buồn bã. Chàng nói:
– Tôi mời chị chiều nay đến nhà dùng cơm. Chị chấp nhận chứ? Hôm nay là sinh nhật của Nancy.
Không nghe Dorothy trả lời, chàng quay lại:
– Phải chăng đã có nhầm lẫn?
Dorothy là người duy nhất ở Cape biết về quá khứ của Nancy. Nancy đã tâm sự với Dorothy về dĩ vãng của nàng và cũng hỏi ý kiến của Dorothy trước khi nhận lời cầu hôn của Ray.
Bằng một giọng và ánh mắt nghĩ ngợi, Dorothy nói:
– Anh Ray à, tôi thật sự không hiểu. Anh có ý gì khi tổ chức sinh nhật?
– Nghĩa là tôi không thể tiếp tục sống mà cứ tảng lờ ngày sinh nhật của Nancy? Ngoài ra, tôi còn hướng đến một mục tiêu hơn thế nữa, đó là Nancy phải đoạn tuyệt với quá khứ của nàng, chấm dứt sự trốn tránh.
– Liệu Nancy có thể đoạn tuyệt với quá khứ? Liệu Nancy có thể thôi trốn tránh một khi đang có một bản án treo lơ lửng trên đầu?
– Đúng vậy! Nhà tôi đang bị đe dọa. Dorothy à, hẳn chị biết rằng nhân chứng trong vụ án của Nancy đã biệt tăm từ sáu năm nay. Chỉ có Trời mới biết hiện nay hắn đang ở đâu, nếu hắn còn sống. Rất có thể từ một nơi nào đó ngoài nước Mỹ, hắn âm thầm trở về dưới một hộ chiếu giả. Đừng quên rằng hắn là một kẻ đào tẩu và nếu bị bắt, hắn sẽ lãnh một bản án khá nặng.
Dorothy gật đầu:
– Rất có thể là như vậy.
– Đúng chứ. Bây giờ, chúng ta hãy nói tiếp. Chị hãy thành thật cho tôi biết người dân ở đây và cả những cô nhân viên ở văn phòng này, đã nghĩ gì về Nancy?
– Mọi người đều thấy Nancy rất xinh đẹp… rất dễ mến… Họ ngưỡng mộ cách ăn mặc của Nancy… nhưng thấy nàng có vẻ quá khép kín.
– Cám ơn chị đã cho tôi biết những điều đó. Tôi từng nghe thiên hạ có những lời lẽ không đúng về nhà tôi. Có người đã cho rằng nàng quá cao sang, đài các đối với người dân ở đây. Ở Câu Lạc Bộ, tôi thường xuyên phải bối rối khi bị hỏi tại sao tôi chỉ đăng ký có tên tôi thôi và không dẫn theo người vợ kiều diễm. Hồi tuần qua, cô hiệu trưởng của Michael đã gọi điện mời Nancy tham gia vào một ủy ban của trường. Dĩ nhiên là nhà tôi đã từ chối. Vào tháng trước, tôi đã thuyết phục được Nancy tham dự buổi tiệc chiêu đãi các nhà kinh doanh và môi giới địa ốc, và thế là khi chụp ảnh lưu niệm, Nancy đã đi vội vào toilet để tránh mặt.
– Nancy sợ bị phát hiện.
– Tôi hiểu. Nhưng theo tôi thì chuyện đó đã bị quên lãng theo thời gian. Và ngay cả nếu ai đó có nói với nàng: Cô trông giống như người phụ nữ đã bị cáo buộc tại một phiên tòa ở California… Đến đây, hẳn chị đã hiểu tôi muốn nói gì rồi chứ? Đối với hầu hết thì chuyện đó xem chừng chẳng quan trọng. Chỉ trông giống, thế thôi. Ở đời, việc người này trông giống người nọ là chuyện thường xảy ra. Và nếu một ngày nào đó Nancy có bị ra tòa trở lại, tôi mong nàng sẽ cảm thấy yên ổn giữa những người dân vùng này. Tôi mong họ sẽ xem nàng như một người đồng hương và nâng đỡ nàng, vì sau khi trắng án, nàng sẽ sống tại thị trấn này.
– Nhưng, nếu có xét xử và Nancy bị kết án thì sao?
Ray nói, giọng dứt khoát:
– Tôi không nghĩ đến trường hợp đó. Nào, chiều nay chị đến dùng cơm với chúng tôi chứ?
– Vâng, rất hân hạnh – Dorothy nói – Tôi đồng ý với hầu hết những điều anh vừa nói.
– Hầu hết thôi ư?
– Vâng – Dorothy thẳng thắn nhìn Ray – Anh nên tự hỏi từ đâu đã nảy sinh cái ước muốn được sống một cuộc đời bình thường hơn. Phải chăng đó là vì Nancy hay vì những nguyên nhân nào khác?
– Chị muốn nói sao?
– Anh Ray à, theo tôi biết thì ông Thống đốc bang Massachusetts có yêu cầu anh tham gia vào sinh hoạt chính trị vì vùng Cape cần được đại điện bởi những người trẻ như anh. Ông ấy cũng hứa sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ anh. Thật khó để từ chối lời đề nghị đó. Nhưng, trong tình trạng hiện nay thì anh không thể làm gì được và anh biết rõ điều đó.
Không chờ Ray trả lời, bà Dorothy rời khỏi văn phòng. Ray uống hết ly cà phê và ngồi vào bàn giấy. Sự cáu kỉnh, bồn chồn và căng thẳng đã biến mất và chàng cảm thấy xấu hổ cho chính mình. Dĩ nhiên, Dorothy đã có lý. Chàng cố nghĩ rằng chẳng có đe dọa nào rình rập gia đình chàng, và mọi sự đều ổn cả. Đồng thời, chàng cũng cảm thấy khiếp đảm. Chàng biết rõ điều gì sẽ chờ đợi chàng khi chàng kết hôn với Nancy.
Ray nhìn sững vào mớ thư tín trên bàn, nhớ lại những lần chàng đã cáu kỉnh với Nancy, không vì một lý do nào, tựa như chuyện vừa xảy ra với bà Dorothy. Có lần Nancy đã khoe chàng bức tranh màu nước vẽ ngôi nhà của họ mà nàng vừa hoàn tất và chàng đã tỏ vẻ bực mình. Hẳn trước đây Nancy có học hội họa và nàng có đủ tài năng để mở một phòng triển lãm tranh. Vậy mà chàng đã nói nàng, “Đẹp lắm, nhưng liệu em sẽ giấu bức tranh ở đâu?”
Nancy bối rối và buồn ra mặt. Chàng đã thầm nghĩ, tại sao mình không cân nhắc lời nói! Rồi chàng năn nỉ: “Em yêu, anh rất tiếc! Chỉ vì anh cảm thấy hãnh diện vì em và anh muốn mọi người chiêm ngưỡng những bức tranh của em”.
Phải chăng đã có sự căng thẳng và cáu kỉnh đó là do chàng và Nancy quá mệt mỏi vì phải liên tục sống né tránh và giới hạn những sinh hoạt của họ?
Ray thở dài và cầm lấy những lá thư.
Đến mười giờ mười lăm, bà Dorothy đẩy mạnh cửa văn phòng và ào vào. Sắc diện của bà, vốn hồng hào, giờ bỗng tái xanh. Ray vội vã đứng dậy để bước về phía bà. Nhưng Dorothy lắc đầu, khép cửa lại và giơ cho chàng thấy tờ báo mà bà đang cầm trên tay.
Đó là tờ tuần báo Cape Cod Community News. Dorothy đã lật tờ báo ở trang có bản tin Từ Thành Đến Quận và để nó trên bàn giấy của Ray.
Họ cùng nhìn bức hình in khổ lớn trên báo và biết rằng nhân vật trong hình chính là Nancy. Ray chưa từng trông thấy bức ảnh này, trong đó Nancy nhuộm tóc đen và chải tóc ra phía sau. Dưới hình là lời chú thích: Liệu Nancy Harmon Có Được Một Sinh Nhật Tươi Vui? Một hình khác trên báo cho thấy Nancy đang rời khỏi tòa án, khuôn mặt sững sờ, tóc xõa xuống vai. Hình thứ ba chụp Nancy đang ôm hai đứa trẻ.
Bài báo bắt đầu với những hàng sau: “Hôm nay, ở một nơi nào đó, Nancy Harmon đang mừng sinh nhật thứ ba mươi hai của bà ta và kỷ niệm năm thứ bảy ngày mất của những đứa con mà bà ta bị cáo buộc đã sát hại chúng”.