Sói thảo nguyên

Lời Bạt viết năm 1942 cho Sói Thảo Nguyên[1]



[1] Nachwort zum Steppenwolf (Volker Michels, Materialien zu Hermann Hesses “Der Steppenwolf” – Tư liệu về Sói Thảo Nguyên của Hermann Hesse – Suhrkamp Verlag, Frankfurt a.M., 1972) – Mọi chú thích trong sách đều là của người dịch – LCC.

Người ta có thể hiểu và hiểu nhầm thơ văn theo nhiều cách. Trong phần lớn các trường hợp, tác giả không phải là cơ quan có chức năng quyết định bạn đọc hiểu được tới đâu trong tác phẩm, rồi sau đó bắt đầu sự hiểu nhầm. Nhiều tác giả được bạn đọc thấy tác phẩm của họ rành mạch hơn là chính họ. Dẫu sao, trong hoàn cảnh nào đó những hiểu nhầm vẫn có thể bổ ích.

Vả chăng, theo tôi thấy thì dường như Sói Thảo Nguyên bị hiểu nhầm ghê gớm hơn bất kỳ tác phẩm nào khác trong các trước tác của tôi và thường là ở chính những bạn đọc tán thành, thậm chí nồng nhiệt hoan nghênh, chứ không phải ở những kẻ bài bác, những kẻ đã nhận định về quyển sách này theo kiểu khiến tôi phải kinh dị. Nguyên nhân thường đưa đến những trường hợp ấy phần vì, nhưng chỉ phần nào thôi, quyển sách này do một người năm mươi tuổi viết ra và nói về những vấn đề của chính lứa tuổi đó, nhưng nó lại rất thường rơi vào tay các bạn đọc quá trẻ.

Nhưng tôi cũng thường thấy trong số các bạn đọc cùng lứa tuổi với tôi những người tuy có ấn tượng về quyển sách này, song lạ lùng sao họ chỉ thấu hiểu được một nửa nội dung của nó. Những bạn đọc ấy, dường như là vậy, đã tìm lại được chính mình trong Sói Thảo Nguyên, đã đồng nhất với hắn, đã cùng đau khổ những nỗi đau và cùng mơ những giấc mơ của hắn mà quên bẵng rằng quyển sách này cũng biết và nói về chuyện khác hơn là về Harry Haller cùng những khó khăn của hắn, rằng có một thế giới thứ hai cao cả hơn, bất diệt, vượt lên trên Sói Thảo Nguyên cùng cuộc đời đầy rẫy vấn đề của hắn, rằng tập Luận thuyết cùng hết thảy những đoạn bàn về tinh thần, nghệ thuật và “những người bất tử” trong quyển sách đã đối nghịch với cái thế giới đau khổ của Sói Thảo Nguyên bằng một thế giới của niềm tin tích cực, vui tươi, vượt khỏi phạm vi cá nhân và phi thời gian, rằng quyển sách tuy kể về những đau khổ và cùng quẫn nhưng hoàn toàn không phải là sách của một kẻ tuyệt vọng, mà của một người tin tưởng.

Tất nhiên tôi không thể và không muốn quy định độc giả phải hiểu cuốn tiểu thuyết của tôi theo cách nào. Mong mỗi người rút ra được từ nó những điều tương ứng và lợi lạc với mình! Nhưng tôi sẽ thích thú nếu nhiều người trong số đó nhận ra được rằng câu chuyện của Sói Thảo Nguyên tuy diễn tả một thứ bệnh và sự khủng hoảng, song không phải thứ bệnh đưa tới cái chết, không phải một sự diệt vong, mà ngược lại: Một sự chữa lành.

Hermann Hesse.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.