Sói thảo nguyên

Tiếp



Nàng lau kính cho tôi; lúc ấy tôi mới nhìn rõ nàng, khuôn mặt xanh xao, cương nghị, đôi môi tô đỏ chót, đôi mắt xám nhạt, vầng trán láng nhẵn, tươi mát, một lọn tóc ngắn và căng phía trước tai. Nàng gọi vang, chăm sóc tôi với vẻ hiền lành, pha chút giễu cợt; trong lúc cụng ly nàng ngó xuống đôi giày của tôi.

“Chúa ơi, anh từ đâu đến vậy? Trông cứ như thể anh đã cuốc bộ từ Paris tới đây. Chẳng ai đến một buổi khiêu vũ với bộ dạng như thế này cả.”

Tôi ừ hử, khẽ cười, còn cứ để nàng nói. Tôi thấy nàng rất khả ái và điều ấy khiến tôi thật sự ngạc nhiên, vì xưa nay tôi toàn tránh xa những thiếu nữ kiểu này, nghi kỵ nữa là khác. Nàng đã cư xử với tôi đúng theo cái cách tốt nhất cho tôi trong lúc này – ôi, từ đó nàng luôn như thế đối với tôi, vào bất cứ lúc nào. Nàng chăm chút tôi như tôi cần, nàng giễu cợt tôi như tôi cần. Nàng gọi một ổ bánh mì kẹp, bảo tôi ăn. Nàng rót rượu cho tôi, bảo tôi uống, nhưng đừng quá nhanh. Rồi nàng khen tôi biết vâng lời.

“Anh ngoan lắm,” nàng khích lệ tôi, “anh không làm khó dễ ai. Em đánh cuộc là đã lâu rồi anh mới lại phải nghe lời ai đấy, đúng không?”

“Đúng. Cô thắng cuộc. Sao cô biết được nhỉ?”

“Có gì khó đâu. Nghe lời cũng như ăn uống thôi – ai thiếu thốn nó lâu, sẽ thấy chẳng có gì hơn được nó. Anh sẵn lòng nghe lời em, đúng không?”

“Rất sẵn lòng. Cô biết hết.”

“Anh làm nó thành dễ dàng cho em mà. Anh bạn ạ, có thể em còn nói cho anh được cái gì đang chờ anh ở nhà và cái gì làm anh sợ đến thế nữa cơ. Nhưng chính anh biết mà, mình chẳng cần nói về điều đó nữa, nhé? Vớ vẩn! Hoặc là một người treo cổ, ừ thì y treo cổ, y có lý do của y. Hoặc y vẫn sống, lúc ấy y chỉ phải quan tâm đến cuộc sống thôi. Chẳng có gì đơn giản hơn.”

“Ôi chao,” tôi kêu lên, “phải chi nó đơn giản như thế! Còn tôi, có Chúa biết là tôi đã quan tâm đầy đủ đến cuộc đời, mà chẳng ăn thua gì. Treo cổ có thể là chuyện khó, tôi không rõ. Nhưng sống khó hơn gấp bội! Chúa ơi, khó biết mấy!”

“Dào, anh sẽ thấy nó dễ như bỡn. Mình đã làm được bước đầu rồi, anh đã lau kính, đã ăn, đã uống. Bây giờ mình đi, chải quần với giày của anh một chút, cần đấy. Rồi anh sẽ nhảy với em một bản Shimmy.”

“Cô thấy đấy,” tôi hăm hở kêu lên, “tôi nói đúng! Không gì khiến tôi lấy làm tiếc hơn là không thực hiện mệnh lệnh của cô. Nhưng mệnh lệnh này tôi không thể thi hành được. Tôi không nhảy được Shimmy; Valse không, Polka cũng không, tất cả đều không, dù chúng tên gì đi nữa, tôi chưa từng học nhảy trong đời mà. Bây giờ cô thấy rằng không phải tất cả đều đơn giản như cô tưởng chứ?”

Đôi môi đỏ chót của người con gái xinh xắn mỉm nụ cười, nàng lắc lắc cái đầu cương nghị, mái tóc cắt như con trai. Nhìn nàng, tôi ngỡ nàng giống Rosa Kreisler, người con gái đầu tiên tôi phải lòng thời là một chú bé, nhưng Rosa da hơi nâu, tóc sẫm. Không, tôi không biết cô gái xa lạ này gợi nhớ đến ai, chỉ biết đó là một người thời tôi rất trẻ, thời thơ ấu.

“Khoan đã,” nàng kêu lên, “khoan đã! Vậy là anh không biết nhảy à? Hoàn toàn không? Cả điệu Onestep cũng không luôn? Chúa ơi, thế mà anh dám cả quyết rằng đã cố gắng biết mấy cho cuộc đời! Anh chỉ bịa. Bồ tèo ơi, ở tuổi này anh đừng nên thế nữa nhé. Thật đấy, làm sao anh dám nói đã nỗ lực sống, khi ngay chỉ một chuyện nhảy thôi anh cũng không muốn?”

“Nhưng nếu tôi không thể nhảy thì sao! Tôi chưa từng học bao giờ.”

Nàng cười.

“Nhưng đọc và viết thì anh có học, nhỉ? Làm tính và có lẽ cả tiếng Latin, tiếng Pháp và đủ thứ linh tinh? Em đánh cuộc anh đã ngồi mười đến mười hai năm trong nhà trường, biết đâu đã theo học cả đại học nữa và thậm chí có bằng tiến sĩ và biết cả tiếng Hán hoặc Tây Ban Nha cũng nên. Đúng không? Đấy. Nhưng chút thời gian và tiền bạc cho vài ba giờ học khiêu vũ thì anh không có nổi! Chà!”

“Tại bố mẹ tôi,” tôi chống chế, “các cụ cho tôi học tiếng Latin, tiếng Hy Lạp và đủ mọi thứ. Nhưng không cho tôi học nhảy; ở gia đình tôi nó không được ưa chuộng, chính bố mẹ tôi cũng không khiêu vũ bao giờ.”

Nàng lạnh lùng nhìn tôi, đầy miệt thị, và một lần nữa trên gương mặt nàng phảng phất nét gì gợi tôi nhớ tới thời thanh xuân của mình.

“Ra thế, lỗi là do bố mẹ anh! Thế anh có hỏi các cụ xem hôm nay anh được phép đến quán Đại Bàng Đen không? Có không? Anh bảo các cụ mất lâu rồi à? Thôi được! Nếu thời niên thiếu anh không muốn học nhảy vì vâng lời bố mẹ – em không phản đối! Tuy em không tin hồi đó anh là một đứa trẻ gương mẫu. Nhưng rồi sau đó – sau đó anh đã làm những gì suốt bao nhiêu năm ấy?”

“Chậc,” tôi thú nhận, “chính tôi cũng không còn nhớ nữa. Tôi đã nghiên cứu, chơi nhạc, đọc sách, viết lách, đi du lịch…”

“Quan niệm của anh về cuộc đời mới quái lạ làm sao! Nghĩa là anh đã luôn làm những việc khó khăn và phức tạp, còn những chuyện đơn giản anh hoàn toàn không học à? Không có thì giờ à? Không hứng thú à? Em không phản đối, đội ơn Chúa, em không phải là mẹ anh. Nhưng rồi anh làm như thể đã nếm trải hết cuộc đời, rồi bảo rằng chẳng tìm thấy gì cả; không, như thế không được!”

“Đừng trách móc tôi mà!” Tôi năn nỉ. “Tôi dư biết mình điên mà.”

“Thôi đi, đừng than thở nữa! Anh hoàn toàn không điên, thưa giáo sư, theo em thấy thì anh thậm chí còn điên quá ít! Em thấy anh thông minh theo một kiểu ngu xuẩn, hệt như một giáo sư. Này, ăn thêm một ổ bánh mì nữa đi! Rồi hẵng kể tiếp.”

Nàng gọi cho tôi một ổ bánh mì nữa, rắc ít muối, phết một chút mù tạt, tự cắt cho mình một miếng nhỏ rồi bảo tôi ăn. Tôi ăn. Tôi sẵn sàng làm hết mọi điều nàng ra lệnh, mọi điều, trừ khiêu vũ. Thật thích thú vô cùng được vâng lời người nào đấy, được ngồi cạnh người nào đấy, được người ấy vặn hỏi, ra lệnh, mắng mỏ. Giá vài giờ trước đây ông giáo sư và bà vợ cũng làm như thế này, hẳn tôi đã đỡ phải chịu khối chuyện. Nhưng không, như thế lại hóa may, bằng ngược lại tôi sẽ hụt mất nhiều thứ!

“Anh tên gì mới được chứ?” Đột nhiên nàng hỏi.

“Harry.”

“Harry à? Tên của con nít! Mà anh cũng đúng là một chú nhóc, Harry ạ, dù mái tóc đã hoa râm đôi chút. Anh là một chú nhóc nên anh cần có người chăm sóc cho anh chút ít. Em không nói gì về khiêu vũ nữa. Nhưng xem anh chải tóc kìa! Anh không có vợ, không có cục cưng à?”

“Tôi không còn vợ nữa, chúng tôi đã ly dị. Tôi có cục cưng chứ, nhưng nàng không ở đây, thỉnh thoảng tôi mới gặp nàng, chúng tôi không hợp nhau lắm.”

Nàng khẽ huýt sáo qua kẽ răng.

“Xem chừng anh là một người rất khó tính, nên không ai ở với anh được. Nhưng bây giờ hãy cho em biết: tối hôm nay đã xảy ra chuyện gì đặc biệt, đến nỗi anh chạy quanh như hóa rồ vậy? Phá sản à? Thua bạc à?”

Thật khó trả lời.

“Thế này nhé,” tôi nói, “đúng ra chỉ là một chuyện nhỏ nhặt thôi. Tôi được mời tới nhà một ông giáo sư – chứ bản thân tôi chẳng phải giáo sư, giáo siếc gì – lẽ ra tôi không nên đến, tôi không còn quen ngồi tán gẫu với người khác, tôi đã quên cái đó rồi. Tôi vào đấy sẵn với cảm giác sẽ có chuyện không hay – khi treo mũ, tôi đã nghĩ ngay có lẽ tôi sẽ lại sớm cần tới nó. Vâng, trong nhà ông giáo sư này, trên bàn có một tấm hình, một bức hình ngớ ngẩn khiến tôi bực mình…”

“Hình gì? Sao anh lại bực mình?” Nàng ngắt lời tôi.

“À, đó là một bức tranh vẽ Goethe, cô biết chứ, nhà thơ Goethe ấy. Người trong tranh không giống như người thật – tất nhiên không ai biết được chính xác, vì cụ đã mất đã cả trăm năm rồi. Nhưng một họa sĩ tân thời nào đấy đã chăm chút Goethe thành ra giống như hắn đã hình dung về cụ, và bức hình này làm tôi bực mình và kinh tởm – tôi không biết cô có hiểu không?”

“Em hiểu rất rõ, cứ yên trí. Anh kể tiếp đi!”

“Trước đó tôi đã bất đồng với ông giáo sư; như hầu hết các giáo sư, ông ta là một người rất yêu nước và trong thời chiến tranh đã thật thà tiếp tay dối gạt nhân dân[24] – họ thành thật tin, tất nhiên. Còn tôi là một kẻ chống chiến tranh. Nhưng điều này không quan trọng.” Tôi kể tiếp. “Lẽ ra tôi không cần nhìn bức tranh đó…”

[24] Vì thế, năm 1931 – hai năm trước khi Hitler nắm quyền ở Đức, tám năm trước khi nổ ra Thế chiến II – Hesse đã rút tên khỏi Viện Hàn lâm Nghệ thuật Phổ, với lý do: “Tôi có cảm tưởng khi cuộc chiến tranh sắp tới nổ ra, Viện Hàn lâm này sẽ cống hiến cả một đám đông cho số 90 hoặc 100 nhân vật nổi tiếng được Nhà nước giao trọng trách dối gạt nhân dân về mọi vấn đề cốt tử như vào năm 1914.”

“Lẽ ra anh không cần thật.”

“Nhưng trước hết nó khiến tôi tội nghiệp Goethe, vì tôi rất quý cụ; rồi chuyện như thế này: Tôi nghĩ, vâng, tôi nghĩ hoặc cảm thấy đại khái như sau; mình ngồi đây với những người mình coi là giống như mình, những người mà mình nghĩ là họ cũng yêu quý Goethe giống như mình và hình dung tương tự như mình về chân dung của cụ; vậy mà họ lại trưng bày một bức hình nhạt nhẽo, sai lệch, tô vẽ và cho thế là tuyệt vời chứ không nhận thấy cái hồn của Goethe. Họ thấy tấm hình là tuyệt đẹp, họ muốn thế thì tùy họ thôi – nhưng với tôi đột nhiên mọi tin tưởng vào những con người này, mọi tình bạn dành cho họ, mọi cảm giác gắn bó về quan hệ người với người chấm dứt. Nói thêm là tình bạn giữa tôi với họ không sâu đậm gì mấy. Thế là tôi liền nổi giận lẫn buồn rầu và thấy mình hoàn toàn cô đơn, không ai hiểu mình. Cô hiểu chứ?”

“Dễ hiểu thôi mà, Harry. Rồi sao nữa? Anh phang tấm hình lên đầu họ à?”

“Không, tôi làm toáng lên rồi bỏ đi; lúc ấy tôi muốn về nhà, nhưng…”

“Nhưng ở nhà sẽ chẳng có bà mẹ nào để an ủi hay mắng mỏ chú nhóc ngu ngốc. Ôi chao, Harry ơi, anh làm em tí nữa thì mủi lòng vì anh đấy, anh là một kẻ ngây ngô không giống ai.”

Tất nhiên, dường như chính tôi cũng thấy thế. Nàng đưa tôi một ly vang, bảo tôi uống. Quả thật nàng đối với tôi như một bà mẹ. Thỉnh thoảng tôi thấy trong một thoáng giây nàng đẹp và trẻ biết bao.

“Nghĩa là,” nàng nói tiếp, “cái cụ Goethe ấy đã chết cả trăm năm rồi và chàng Harry rất yêu quý cụ; chàng ta có một hình dung tuyệt vời về cụ, rằng dung mạo cụ có lẽ phải như thế này thế nọ, về chuyện ấy thì Harry có quyền chứ gì? Còn người họa sĩ, cũng mê cụ Goethe và vẽ một bức hình của cụ, lại không có quyền; ông giáo sư nọ cũng không luôn, hoàn toàn không ai có quyền, vì điều này không hợp ý Harry, chàng ta chịu không nổi, chàng ta phải chửi toáng lên và bỏ chạy! Nếu chàng ta khôn ngoan, thì chàng ta chỉ việc cười người họa sĩ và ông giáo sư thôi. Nếu chàng ta điên, chàng ta sẽ quăng cụ Goethe của họ vào mặt họ. Nhưng vì chàng ta chỉ là một chứ nhóc, chàng ta chạy về nhà và muốn treo cổ. Em hiểu câu chuyện của anh rõ lắm, Harry ạ. Thật là một câu chuyện khôi hài. Nó làm em buồn cười. Khoan, đừng uống nhanh thế. Rượu Burgund phải uống từ từ, nếu không sẽ nóng. Phải chỉ bảo anh mọi thứ thôi, chú nhóc ạ.”

Mắt nàng nhìn nghiêm khắc và khuyên răn như của một nữ gia sư sáu mươi tuổi.

“Ồ phải,” tôi hài lòng yêu cầu, “cô cứ chỉ bảo tôi mọi thứ đi.”

“Em nên chỉ anh cái gì đây?”

“Mọi điều cô muốn.”

“Được, em nói với anh điều này nhé. Suốt một giờ qua anh nghe em gọi anh là anh, thế mà anh luôn gọi em là cô. Luôn luôn Latin với Hy Lạp, luôn luôn cực kỳ phức tạp! Khi một cô gái gọi anh là anh mà anh không chán ghét nàng thì hãy gọi nàng là em. Đó, anh học được chút ít rồi đấy. Hai là: từ nửa giờ qua em biết anh tên Harry. Em biết, vì em hỏi anh. Còn anh không muốn biết em tên gì.”

“Có chứ, tôi rất muốn biết mà.”

“Muộn rồi, chú nhóc ơi! Khi nào mình gặp lại nhau thì anh có thể hỏi. Bữa nay em không nói nữa. Nào, bây giờ em muốn khiêu vũ.”

Nàng dợm đứng lên khiến tôi đột nhiên buồn bã. Tôi sợ nàng sẽ bỏ đi, để tôi bơ vơ, và rồi có lẽ mọi chuyện sẽ lại như cũ; nỗi sợ và kinh hoàng của tôi lại xuất hiện, tựa như cái răng tạm hết đau, thình lình nhức trở lại, rát như phải bỏng. Chúa ơi, chẳng lẽ tôi đã có thể quên chuyện gì chờ đợi mình ư? Đã có chuyện gì thay đổi chăng?

“Khoan,” tôi năn nỉ kêu lên, “cô đừng – em đừng bỏ đi! Đương nhiên em muốn nhảy bao nhiêu cũng được, nhưng đừng bỏ đi lâu quá, hãy quay trở lại, hãy quay trở lại!”

Nàng mỉm cười đứng lên. Tôi cứ nghĩ nàng cao hơn; hóa ra nàng thon thả, chứ không cao. Nàng lại khiến tôi nhớ đến người nào đấy – ai? Tôi không nhớ ra được.

“Em trở lại chứ?”

“Em sẽ trở lại, nhưng có thể phải một lúc lâu, nửa giờ hoặc cả giờ cũng nên. Em muốn nói với anh điều này: hãy nhắm mắt lại và ngủ chút ít đi; đó là cái anh đang cần đấy.”

Tôi tránh chỗ cho nàng bước qua; váy nàng chạm vào đầu gối tôi; vừa đi nàng vừa soi một chiếc gương tròn bỏ túi nhỏ xíu, nàng nhướng mày, phớt chiếc cọ thoa phấn xinh xinh lên cằm rồi khuất dạng trong gian phòng khiêu vũ. Tôi nhìn quanh: những khuôn mặt lạ, những người đàn ông đang hút thuốc, bia sánh trên mặt bàn cẩm thạch, tiếng ồn ào, la ó khắp nơi, bên cạnh là tiếng nhạc khiêu vũ. Tôi nên ngủ, nàng vừa bảo thế. Chà, bé ngoan ơi, cứ như là em biết rõ về giấc ngủ của ta vậy, nó còn nhút nhát hơn loài chồn bạch cơ! Ngủ trong cái chợ phiên như thế này, ngồi ở bàn, giữa tiếng lách cách của những cốc vại bia! Tôi nhấp rượu vang, móc túi lấy một điếu xì gà, nhìn quanh tìm diêm, nhưng thật ra tôi đâu định hút, nên đặt nó lên bàn ngay trước mặt. “Nhắm mắt lại,” nàng đã bảo tôi thế. Chúa ơi, từ đâu mà nàng có giọng nói này, trầm trầm, êm ái của một bà mẹ. Vâng lời giọng nói này là đúng, tôi từng có kinh nghiệm rồi. Tôi tuân lời nhắm mắt lại, tựa đầu vào tường, nghe hàng trăm thứ tiếng ầm ĩ chung quanh ập vào người; tôi mỉm cười trước ý tưởng ngủ ở chỗ này và quyết định đi tới cửa phòng khiêu vũ, lướt nhìn vào đấy – tôi phải thấy cô bé xinh đẹp của tôi nhảy chứ; tôi cựa quậy chân dưới gầm bàn, mãi lúc ấy tôi mới cảm thấy xiết bao mệt mỏi sau hàng giờ lang thang, nên lại ngồi ì. Và rồi tôi thiếp luôn, tuân theo mệnh lệnh của người mẹ, ngủ một cách tham lam lẫn biết ơn và tôi mơ, thật rành mạch và thú vị; lâu lắm rồi tôi mới lại mơ. Tôi mơ thế này:

Tôi ngồi chờ trong một tiền sảnh cổ kính. Mới đầu chỉ biết là mình được đăng ký diện kiến một đại nhân nào đấy, rồi sực nhớ người sắp tiếp tôi chính là ngài von Goethe. Tiếc rằng tôi tới đây không với tư cách cá nhân mà mang danh nghĩa phóng viên một tạp chí; tôi rất bực bội và không thể hiểu nổi ma quỷ nào đã đưa đẩy mình vào hoàn cảnh này. Ngoài ra tôi còn lo lắng vì một con bọ cạp, mới đây tôi còn thấy nó đang tìm cách bò lên chân tôi. Quả thật tôi đã cố đung đưa chân để gạt con vật đen trũi bò lồm ngồm đó, nhưng chẳng rõ bây giờ nó đang ở đâu và tôi không dám mò tìm.

Tôi cũng không hoàn toàn dám chắc có thật người ta cho mình gặp cụ Goethe, hay do nhầm lẫn lại khiến mình gặp Matthisson, người mà trong giấc mơ tôi cứ đinh ninh là tác giả Những bài thơ gửi Molly, vì tôi nhầm ông với Burger[25]. Nhân tiện nói thêm là tôi hết sức ao ước được gặp Molly; tôi hình dung bà là người thật tuyệt vời, dịu dàng, giỏi âm nhạc, sống về đêm. Ước chi tôi không ngồi đây vì thừa ủy nhiệm của cái ban biên tập phải gió nọ! Càng lúc càng thêm bực mình về chuyện này, tôi đâm ra giận lẫy cả Goethe, nên bỗng dưng nghi kỵ và trách móc cụ đủ thứ chuyện. Thế này chắc sẽ hứa hẹn một buổi tiếp kiến hay ho đây! Còn con bọ cạp tuy nguy hiểm và có lẽ đang trốn ngay sát người tôi, nhưng hẳn không đến nỗi nào; có thể nó, như tôi thấy, báo trước điềm vui; rất có thể nó, như tôi thấy, liên quan thế nào đấy với Molly; nó là một loại người đưa tin hay con vật vẽ trên huy hiệu của bà, một con vật biểu trưng đẹp đẽ và nguy hiểm của nữ tính và tội lỗi. Có thể nào tên nó là Vulpius[26] không nhỉ? Đúng lúc ấy một gia nhân mở tung cửa ra, tôi bật dậy bước vào.

[25] Friedrich von Matthisson (1761-1831), nhà thơ. Gottfried August Bürger (1747-1794), tác giả Những bài thơ gửi Molly.

[26] Christiane Vulpius (1765-1816), vợ của Goethe.

Cụ Goethe đang đứng đấy, nhỏ thó và thẳng đơ, trên lồng ngực mẫu mực của cụ chễm chệ một tấm huân chương to tướng hình ngôi sao. Cụ vẫn luôn còn mang vẻ đang cai trị, vẫn luôn còn tiếp kiến, vẫn luôn còn giám sát thế gian từ viện bảo tàng Weimar của cụ. Nên nhác thấy tôi, cụ đã gục gặc cái đầu như một con quạ già, trịnh trọng phán: “Chà, các cậu bạn trẻ, xem ra các cậu rất ít đồng tình với bọn ta và những nỗ lực của chúng ta, nhỉ?”

“Hoàn toàn đúng thế ạ,” tôi đáp mà lạnh toát người trước ánh mắt thượng thư[27] của cụ. “Thưa ngài, lớp trẻ chúng tôi quả thật không đồng tình với ngài. Đối với chúng tôi thì ngài quá trịnh trọng, quá kiêu căng, làm bộ làm tịch và không mấy thẳng thắn. Có lẽ đây là điều cốt yếu: không mấy thẳng thắn.”

[27] Goethe từng là ủy viên Viện Cơ mật – như thượng thư ở nước ta thời phong kiến – ở Weimar. Đã từ lâu ở đây có một viện bảo tàng nổi tiếng mang tên nhà thơ.

Ông lão nhỏ thó ấy hơi hất cái đầu nghiêm khắc tới trước, và trong lúc cái miệng cương nghị với những nếp nhăn trông trịnh trọng của ông dãn ra thành một nụ cười tủm tỉm, sinh động tuyệt trần thì tim tôi chợt rộn lên, vì đột nhiên tôi nhớ đến bài “Hoàng hôn nghiêng xuống từ trên cao”[28] và chính con người kia, cái miệng kia đã thốt ra những vần thơ nọ. Thật ra ngay lúc ấy trong tôi mọi nghi kỵ và trách móc cụ đã tan biến sạch rồi, tôi bị cụ chế ngự hoàn toàn và không muốn gì hơn là quỳ xuống trước cụ. Nhưng tôi vẫn đứng thẳng người, nghe những lời cụ thốt ra từ cái miệng mỉm cười kia: “Chà, nghĩa là các cậu buộc ta tội không thẳng thắn? Mấy từ ấy mới ghê gớm làm sao! Cậu giải thích rõ hơn được chứ?”

[28] Tên một bài thơ của Goethe.

Tôi sẵn sàng, rất sẵn sàng.

“Thưa ngài von Goethe, như mọi nhà tư tưởng lớn khác, ngài đã thấy và cảm nhận rõ rệt về điều nghi vấn và sự tuyệt vọng của kiếp người: lộng lẫy trong chớp mắt rồi lụi tàn khốn khổ, nỗi bất lực không thể trả giá nào khác cho sự thăng hoa của cảm giác hơn là trở thành nô lệ của những sinh hoạt thường nhật, nỗi khát khao cháy bỏng về một vương quốc của tinh thần và sự không ngừng chiến đấu một mất một còn chống lại niềm say mê cũng cháy bỏng và thiêng liêng về sự hồn nhiên, chất phác đã mất của bản tính con người – nghĩa là hết thảy nỗi chơi vơi đáng sợ trong sự trống rỗng và sự không chắc chắn, mang bản án phải tàn phai, chẳng bao giờ toàn thiện, muôn đời chỉ toàn thử nghiệm và vụng về – nói gọn, toàn bộ những bế tắc, xa rời thực tế và tuyệt vọng của kiếp người. Tất cả những điều này ngài đều rõ và minh xác từ thuở nào rồi, thế nhưng ngài lại rao giảng điều ngược lại bằng cả cuộc đời mình, ngài bày tỏ niềm tin cùng sự lạc quan, ngài lừa bịp chính mình cùng người khác rằng những nỗ lực tinh thần của chúng ta bền vững và có ý nghĩa. Ngài đã gạt bỏ và trấn áp những tiếng kêu từ đáy vực, những tiếng nói của chân lý tuyệt vọng, trong chính bản thân ngài cũng như trong Kleist và Beethoven[29]. Hàng chục năm ròng ngài đã làm như thể việc tích lũy, sưu tập kiến thức, việc viết lách và gom góp thư từ, như thể cả quãng đời lúc về già của ngài ở Weimar quả là một phương cách để lưu danh thiên cổ cái khoảnh khắc mà thật ra ngài đã chỉ có thể biến nó trở thành một thứ xác ướp, để tinh thần hóa cái bản tính mà ngài đã chỉ có thể cách điệu thành một mặt nạ. Đó chính là sự không thẳng thắn mà chúng tôi thống trách ngài.”

[29] Heinrich von Kleist (1777-1811): nhà văn, nhà soạn kịch Đức; Beethoven (1770-1827): nhạc sĩ vĩ đại Đức.

Ngài ủy viên già nua của Viện Cơ mật đăm chiêu nhìn vào mắt tôi, miệng vẫn không ngớt mỉm cười.

Rồi cụ hỏi khiến tôi ngạc nhiên: “Nghĩa là cậu phải ghét cay ghét đắng bản Điệu sáo mê hồn của Mozart?”

Tôi chưa kịp phản bác, cụ đã nói tiếp: “Điệu sáo mê hồn diễn tả cuộc đời như một bài ca tuyệt diệu, nó tán tụng tình cảm của chúng ta, những thứ rất phù vân, như là gì đấy vĩnh cửu và thần thánh, nó không hùa theo các ông von Kleist hay Beethoven, mà thuyết giảng về sự lạc quan và niềm tin.”

“Tôi biết, tôi biết!” Tôi bực dọc kêu lên. “Có Chúa mới rõ vì sao ngài lại viện ra ngay bài Điệu sáo mê hồn mà tôi thích nhất trên đời này! Nhưng Mozart không thọ đến tám mươi hai tuổi và trong cuộc sống riêng cũng không đòi hỏi phải trường tồn, trật tự và phẩm cách như ngài! Ông ta không làm bộ làm tịch! Ông ta đã ca hát những khúc nhạc thần và sống đói nghèo, chết trẻ, bần hàn, tài năng bị ngộ nhận…”

Tôi hụt cả hơi. Cả ngàn điều muốn nói tôi đã phải gói gọn chỉ trong mươi từ, trán tôi vã mồ hôi.

Nhưng Goethe đáp lại rất thân ái: “Việc ta thọ tám mươi hai tuổi có lẽ không tha thứ được. Tuy nhiên ta ít vui thú về chuyện này hơn cậu có thể đã tưởng. Cậu nói đúng: ta luôn muốn được sống trường cửu, ta luôn sợ và chống lại cái chết. Ta tin rằng cuộc chiến đấu chống lại cái chết, lòng mong muốn sống, mong muốn một cách bướng bỉnh và vô điều kiện, chính là động lực đã khiến mọi con người xuất chúng hành động và sống. Còn việc cuối cùng con người ta vẫn phải chết thì cậu bạn trẻ ạ, ta đã chứng minh một cách cũng thuyết phục điều này với tám mươi hai tuổi đời, không khác nếu ta chết ở tuổi học trò. Ta muốn nói thêm điều này nữa, nếu có thể giúp được cho sự biện bạch của mình: bản tính ta nhiều thứ rất trẻ con, rất tò mò, ham đùa nghịch và phung phí thời gian. Thành ra ta đã phải mất khá lâu mới nghiệm ra được rằng chơi đùa thế là quá đủ.”

Goethe vừa nói vừa mỉm cười ranh mãnh, như một đứa trẻ nghịch ngợm. Ông trở nên cao lớn hơn, mất hẳn dáng dấp thẳng đơ và vẻ quyền quý gượng gạo trên gương mặt. Bầu không khí quanh chúng tôi giờ đây tràn đầy những khúc nhạc, rất nhiều bài ca của Goethe; tôi nghe rõ trong đó có bài Hoa tím của Mozart, bài Em lại phủ kín rừng rậm và thung lũng của Schubert. Giờ đây gương mặt Goethe hồng hào, trẻ trung, ông mỉm cười khi thì giống Mozart, lúc lại giống Schubert như hai anh em; ngôi sao trên ngực ông biến thành một chùm hoa đồng nội, chính giữa nở rộ một bông anh thảo vàng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.