Sói thảo nguyên
Tiếp
Quãng thời gian trước buổi khiêu vũ hóa trang, khoảng ba tuần, thật là tuyệt vời. Đối với tôi, Maria dường như là người tình thật sự đầu tiên tôi từng có. Tôi luôn đòi hỏi ở những người đàn bà mình yêu một chút đầu óc và học vấn, mà không nhận thấy rằng ngay cả người phụ nữ trí thức nhất và tương đối có học nhất tôi từng yêu chẳng bao giờ đáp lại được cái Logos – thần ngôn – trong tôi, mà luôn ngược lại; tôi mang những vấn đề và suy tư của mình đến với những người đàn bà và dường như tôi không thể yêu lâu hơn một giờ người con gái nào chưa hề đọc qua một quyển sách, không hề biết đọc sách là gì và không phân biệt nổi Tschaikovsky với Beethoven. Maria thất học. Nàng không cần những thứ vòng vo, những thế giới thay thế này; mọi vấn đề của nàng đều nảy sinh trực tiếp từ các giác quan. Nghệ thuật và nhiệm vụ của nàng là cố tạo thật nhiều lạc thú nhục thể và tình yêu với những giác quan được phú thác, với vóc dáng đặc biệt, màu sắc, mái tóc, giọng nói, làn da, tính khí; nghệ thuật và nhiệm vụ của nàng là tìm kiếm và khơi dậy từ người tình câu trả lời, sự cảm nhận cùng sự đáp ứng sôi nổi, hoan lạc bằng mọi khả năng, mọi đường cong và từng biến đổi trên thân thể nàng. Ngay ở lần khiêu vũ đầu tiên đầy nhút nhát với nàng tôi đã cảm thấy điều ấy, đã đánh hơi thấy cái mùi hương của thứ nhục cảm tài tình, tuyệt vời, cực kỳ tinh tế và đã mê mệt vì nó. Đương nhiên cũng không phải ngẫu nhiên mà Hermine, con người rành hết mọi sự ấy, lại đưa Maria đến với tôi. Nàng thơm ngát tựa hoa hồng và hừng hực chẳng khác mùa hè.
Tôi không diễm phúc được làm người tình độc nhất của Maria hoặc được nàng ưu ái, mà chỉ là một trong nhiều người thôi. Nàng thường không có thì giờ cho tôi, đôi khi chỉ được một giờ lúc xế trưa, còn trọn đêm thì thật họa hoằn. Nàng không chịu nhận tiền của tôi, chắc chắn vì Hermine đã nhúng tay vào. Nhưng nàng sẵn lòng nhận quà, nên khi tôi tặng nàng chẳng hạn một cái ví da nho nhỏ màu đỏ bóng, tôi có thể nhét vào đấy vài ba đồng vàng. Nhân tiện nói thêm, vì cái ví này mà tôi đã bị nàng cười giễu khôn xiết! Nó đẹp thật đấy, nhưng là thứ hàng bán ế, hết mốt từ đời nào rồi. Tôi đã học được nhiều từ Maria trong những lĩnh vực mà cho đến lúc ấy tôi hiểu biết chẳng bao nhiêu, không khác chuyện tôi ít rành rẽ về bất cứ thứ ngôn ngữ nào của người Eskimo. Trước hết tôi học được rằng những đồ chơi nho nhỏ ấy, những món hàng xa xỉ theo thời ấy không chỉ là những thứ vặt vãnh được các nhà chế tạo và kinh doanh tham tiền sáng chế ra, ngược lại có lý do thích đáng; chúng đẹp, thiên hình vạn trạng, đúng là một thế giới nho nhỏ – hay một thế giới lớn thì đúng hơn – của những vật mà tất cả chỉ có mục đích duy nhất là phục vụ tình yêu, làm tinh tế các giác quan, làm hồi sinh cái thế giới đã chết chung quanh, ban cho nó một cách thần kỳ những dụng cụ mới cần cho tình yêu: từ son phấn và nước hoa đến giày nhảy, từ chiếc nhẫn đến hộp thuốc lá, từ khóa thắt lưng đến xắc tay. Xắc tay không đơn thuần là xắc tay, ví tiền không phải là ví tiền, hoa không phải hoa, quạt không phải là quạt, mà tất cả đều là những vật chất diễn cảm tình yêu, ma thuật, sự quyến rũ, là kẻ đưa tin, người buôn lậu, khí giới, tiếng hô xung trận.
Maria yêu ai thật sự, tôi thường ngẫm nghĩ về điều này. Tôi nghĩ nàng yêu gã Pablo trẻ tuổi chơi saxophone hơn cả, với đôi mắt đen mơ màng xa vắng và đôi bàn tay dài, xanh xao, quý phái, u sầu. Tôi cứ nghĩ rằng tay Pablo này lừ đừ, không hứng thú và thụ động trong chuyện yêu đương, nhưng Maria cả quyết rằng tuy phải mất thì giờ mới làm y hào hứng được, nhưng sau đó y sẽ hăm hở, dữ dội, đàn ông và đòi hỏi hơn bất kỳ một võ sĩ hay kỵ sĩ nào. Và thế là tôi biết được điều bí ẩn về người này người nọ, của tay nhạc công chơi Jazz, của người diễn viên, của một số đàn bà, của những cô gái và những người đàn ông trong môi trường của chúng tôi, biết đủ thứ chuyện bí mật, thấy được những mối liên kết và thù địch ngấm ngầm bên trong, dần dà tôi (kẻ vốn dĩ hoàn toàn xa lạ không chút liên quan với thế giới này) được tin cậy và được coi như người trong cuộc. Cả về Hermine tôi cũng biết được khối điều. Đặc biệt lúc này tôi thường hay gặp Pablo, người mà Maria mê đắm. Thỉnh thoảng nàng cũng cần đến những thứ thuốc bí mật của y; nàng luôn không quên cung cấp cho tôi những lạc thú này và Pablo luôn sốt sắng hết lòng phục vụ tôi. Một lần y chẳng quanh co nói thẳng với tôi: “Ông bất hạnh quá lắm, thế là không tốt, không nên thế. Tôi thật ái ngại. Ông hãy hút thử một sái thuốc phiện loại nhẹ đi.” Nhận xét của tôi về con người vui vẻ, khôn ngoan, trẻ con nhưng khôn dò này thay đổi liên tục; chúng tôi trở thành bạn bè và không hiếm dịp tôi đã nhận chút ít những thứ thuốc của anh ta. Anh ta có vẻ thích thú thấy tôi mê đắm Maria. Một lần anh ta thết “tiệc” trong phòng riêng, trên gác xép một khách sạn ở ngoại ô. Phòng chỉ có một chiếc ghế, Maria và tôi phải ngồi trên giường. Anh mời chúng tôi một thứ rượu mùi tuyệt vời, đầy bí mật, pha trộn từ ba chai con. Rồi khi tôi trở nên quá mức hào hứng, anh ta long lanh ánh mắt đề nghị chúng tôi vui chơi một cuộc tình trác táng tay ba. Tôi cộc cằn từ chối vì không thể làm những chuyện như thế được, tuy nhiên tôi cũng đã liếc nhìn Maria xem thái độ nàng ra sao; tuy nàng tán thành ngay sự thoái thác của tôi, song tôi vẫn thấy đôi mắt nàng le lói và hiểu rằng nàng tiếc rẻ. Pablo thất vọng trước lời từ khước của tôi, nhưng không thấy bị xúc phạm. “Tiếc quá,” anh ta nói, “Harry đắn đo quá nhiều về đạo đức. Đành vậy. Giá được thì sẽ vui đấy, rất vui! Nhưng tôi có thứ thay thế.” Mỗi chúng tôi được hút vài hơi thuốc phiện rồi ngồi bất động, mở mắt, cả ba chúng tôi được sống cảnh tượng mà anh ta đã khêu gợi, trong lúc Maria run rẩy vì mê ly. Sau đó, khi tôi cảm thấy người hơi nôn nao, Pablo liền đặt tôi nằm lên giường, cho uống vài giọt thuốc và khi tôi nhắm mắt trong vài phút, tôi cảm thấy phớt trên mỗi mí mắt mình một cái hôn, nhẹ như hơi thở. Tôi đón nhận nó như thể đó là của Maria. Nhưng tôi biết rõ đó là của anh ta.
Một tối khác anh ta còn làm tôi kinh ngạc hơn nữa. Anh ta đến phòng tôi, bảo cần hai mươi franc và xin tôi số tiền ấy. Đổi lại, anh ta đề nghị tối ấy tôi sẽ thay anh ta vui thú với Maria.
“Pablo,” tôi kinh hoàng nói, “anh không biết điều anh vừa nói rồi. Nhường người tình cho kẻ khác để lấy tiền thì đối với chúng ta đó là điều đáng phỉ nhổ nhất. Coi như tôi không nghe thấy điều anh vừa đề nghị, Pablo ạ.”
Anh ta nhìn tôi vẻ thương hại. “Ông không muốn. Được thôi, ông Harry ạ. Ông chỉ toàn tự gây khó khăn cho mình thôi. Vậy đêm nay ông không ngủ với Maria, nếu ông thích thế hơn. Dẫu sao hãy cứ đưa tôi tiền, tôi sẽ hoàn lại. Tôi rất cần.”
“Để làm gì?”
“Cho Agostino, ông biết cái cậu nho nhỏ chơi cây vĩ cầm thứ hai ấy. Cậu ta ốm đã tám ngày nay mà chẳng ai chăm sóc; cậu ta không một xu dính túi, còn tôi cũng hết nhẵn tiền rồi.”
Vì tò mò và phần nào cũng để tự trừng phạt mình, tôi cùng đi với anh ta tới thăm Agostino; anh ta mang sữa và thuốc men đến căn phòng của cậu này trên gác xép, một căn phòng thật thảm hại; anh ta giũ chăn nệm, mở cửa cho thoáng khí và quấn thật gọn gàng, điệu nghệ quanh đầu kẻ bị sốt một miếng gạc; anh ta làm rất nhẹ, dịu dàng và thành thạo không khác một nữ y tá giỏi. Cũng tối hôm ấy tôi thấy anh ta chơi nhạc trong quán Đô Thị tới tận sáng.
Tôi thường trò chuyện với Hermine rất lâu và cụ thể về Maria, về hai bàn tay, đôi vai, hông nàng, về cách nàng cười, hôn và khiêu vũ.
“Nàng đã dạy anh cách này chưa?” Có lần Hermine hỏi và diễn tả với tôi một kiểu hôn đặc biệt bằng lưỡi. Tôi yêu cầu nàng đích thân chỉ cho tôi, nhưng nàng nghiêm nghị từ chối. “Sau này hẵng hay,” nàng nói, “bây giờ em vẫn chưa là người tình của anh mà.”
Tôi hỏi do đâu Hermine biết nghệ thuật hôn cùng một số đặc điểm bí mật trong cuộc sống của Maria mà chỉ người tình của nàng mới rõ.
“Ô hay,” nàng đáp, “chúng em là bạn bè mà. Bộ anh nghĩ chúng em giữ bí mật trước nhau à? Em ngủ quá thường ở nhà nàng và chơi đùa với nàng mà. Này, thế là anh đã vớ được một cô gái đẹp sành sỏi hơn nhiều người khác đấy nhé.”
“Hermine này, anh nghĩ rằng em với Maria vẫn còn giấu nhau nhiều điều bí mật đấy. Hay em cũng đã nói với nàng hết mọi điều em biết về anh?”
“Không, đó là những chuyện khác mà có lẽ nàng sẽ không hiểu đâu. Maria đúng là tuyệt vời, anh may lắm đấy, nhưng giữa anh và em có những chuyện mà nàng chẳng có ý niệm gì. Em đã nói với nàng nhiều về anh, tất nhiên, nhiều hơn là có lẽ anh muốn lúc đó. Em phải quyến rũ nàng cho anh mà! Nhưng bạn ơi, Maria không đời nào và cũng chẳng có ai khác hiểu anh như em. Em cũng đã biết thêm đôi chút về anh từ nàng đấy nhé. Những gì Maria biết về anh thì em cũng được biết luôn. Em biết anh hầu như rất rõ, chẳng khác mình từng thường ngủ với nhau.”
Lúc gặp lại Maria, tôi có cảm giác kỳ lạ và khó hiểu khi biết nàng cũng thương yêu Hermine như yêu tôi, nàng cũng vuốt ve, hôn hít, thưởng thức, xem xét chân tay, đầu tóc và da thịt Hermine hệt như nàng làm những điều ấy với tôi. Những liên hệ mới, những giao kết mới, những khả năng mới trong tình yêu và cuộc sống, gián tiếp và phức tạp, xuất hiện trước mắt tôi và tôi nghĩ đến một nghìn linh hồn đề cập trong Luận thuyết về Sói Thảo Nguyên.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, giữa lần quen biết Maria và vũ hội hóa trang, tôi gần như rất hạnh phúc, nhưng lại không hề có cảm giác đây là sự cứu rỗi, là niềm hạnh phúc đạt được rồi, mà cảm thấy rất rõ rằng tất cả chỉ là màn giáo đầu và chuẩn bị, mọi thứ cứ cuồng nhiệt xông tới, còn điều chính yếu tới sau.
Tôi học nhảy khá thành thạo rồi, nên thấy nay đã có thể tham dự buổi vũ hội mà mỗi ngày mỗi được bàn tán nhiều hơn ấy. Hermine có một điều bí mật, nàng quyết không tiết lộ với tôi rằng sẽ xuất hiện trong bộ phục trang nào. Tôi sẽ nhận ra nàng mà, nàng bảo, và nếu không thì nàng sẽ giúp tôi, nhưng tôi không được phép biết gì trước. Nàng cũng hoàn toàn chẳng tò mò về những dự tính hóa trang của tôi, còn tôi quyết định sẽ không hóa trang gì cả. Về phần Maria, khi tôi muốn mời nàng cùng đi dự, nàng bảo đã có một bạn nhảy rồi, luôn cả vé vào cửa cho buổi vũ hội nữa. Tôi hơi thất vọng, vì thấy sẽ phải đi một mình. Đó là vũ hội thanh lịch nhất của thành phố, hằng năm được Hội Nghệ sĩ tổ chức trong Sảnh đường Địa Cầu.
Những ngày này tôi ít gặp Hermine, nhưng hôm trước buổi vũ hội nàng tạt qua tôi một lúc – nàng đến để lấy chiếc vé tôi tìm giúp. Nàng hiền lành ngồi chuyện vãn với tôi; buổi trò chuyện này thật lạ lùng và đã gây cho tôi một ấn tượng sâu đậm.
“Bây giờ thì anh tươm lắm rồi,” nàng nói, “khiêu vũ thật là hợp với anh. Ai không gặp anh trong bốn tuần qua hẳn sẽ không nhận ra anh đâu.”
“Đúng vậy,” tôi công nhận, “nhiều năm rồi anh mới lại kha khá như thế này. Tất cả là nhờ em đấy, Hermine ạ.”
“Ô, thế không phải là nhờ cô nàng Maria xinh đẹp của anh à?”
“Không. Cả nàng cũng là món quà em đã tặng anh mà. Nàng thật tuyệt vời.”
“Nàng là người tình mà anh cần, Sói Thảo Nguyên ạ. Xinh đẹp, trẻ trung, tính tình dễ thương, rất mực khôn khéo trong chuyện yêu đương và không phải ngày nào cũng có được. Nếu anh không phải chia sẻ nàng với những kẻ khác, nếu đối với anh nàng không luôn chỉ là một người khách chợt đến chợt đi thì sẽ chẳng được như thế đâu.”
Đúng, tôi cũng phải công nhận điều ấy.
“Thế là anh có đủ mọi thứ anh cần rồi, phải không?”
“Không đâu, Hermine ơi, không phải thế đâu. Anh đã có được một thứ tuyệt đẹp và mê ly, một niềm vui lớn, một niềm an ủi thân thương. Anh hầu như rất hạnh phúc…”
“Đấy! Vậy anh còn muốn gì thêm?”
“Anh muốn nhiều hơn nữa. Anh không hài lòng với việc được hạnh phúc. Anh sinh ra không phải cho chuyện ấy, đó không phải là số phận của anh. Số phận của anh ngược lại.”
“Nghĩa là phải bất hạnh à? Chà, điều này anh từng có thừa rồi mà, hồi đó, khi anh không dám về nhà vì sợ con dao cạo ấy.”
“Không phải vậy đâu, Hermine ơi, chuyện này khác. Hồi đó anh rất bất hạnh, đồng ý. Nhưng đó là một bất hạnh ngớ ngẩn, vô bổ.”
“Sao thế?”
“Vì nếu không thì anh đã chẳng phải mang nỗi sợ này trước cái chết mà anh vẫn ước ao! Điều bất hạnh mà anh cần và khao khát có khác. Nó là thứ khiến anh đau khổ vì đam mê và chết trong hoan lạc. Đó mới chính là sự bất hạnh hoặc hạnh phúc anh chờ đợi.”
“Em hiểu anh. Trong chuyện này mình là anh em. Nhưng điều gì khiến anh phản đối niềm hạnh phúc đã tìm thấy với Maria lúc này? Sao anh không hài lòng?”
“Anh chẳng có gì để phản đối hạnh phúc ấy; không đâu, anh yêu quý nó, anh biết ơn nó chứ. Nó thật rực rỡ như một ngày nắng đẹp trong một mùa hè mưa tầm tã. Nhưng anh cảm thấy nó không lâu bền. Cả thứ hạnh phúc này cũng vô bổ. Nó làm anh hài lòng đấy, nhưng sự hài lòng không phải là thực phẩm cho anh. Nó khiến Sói Thảo Nguyên buồn ngủ, làm con sói no cành. Nhưng đó không phải là thứ hạnh phúc để phải chết vì nó.”
“Nghĩa là cần phải chết ư, Sói Thảo Nguyên?”
“Anh nghĩ rằng cần! Anh rất hài lòng với hạnh phúc của mình, anh còn có thể chịu đựng nổi nó lâu thêm nữa. Nhưng nếu thỉnh thoảng hạnh phúc cho anh được một giờ để anh thức tỉnh và có được khao khát, thì nỗi khát khao của anh hoàn toàn không hướng tới sự giữ gìn hạnh phúc này mãi mãi, mà hứng chịu lại đau khổ, nhưng đẹp và ít thảm hại hơn xưa. Anh thèm khát thứ đau khổ khiến anh sẵn sàng và vui lòng chết.”
Hermine dịu dàng nhìn vào mắt tôi, một cái nhìn đột nhiên rất mực buồn bã. Ôi, đôi mắt tuyệt vời và đáng sợ! Nàng chậm rãi lựa từng lời, đắn đo sắp xếp rồi mới nói thật khẽ khiến tôi phải cố gắng mới nghe được.
“Hôm nay em muốn nói với anh đôi điều, đôi điều em đã biết từ lâu, cả anh cũng biết nữa, nhưng có thể anh chưa nói với chính anh thôi. Bây giờ em nói với anh những điều em biết về em, về anh và về số phận của chúng mình. Harry ơi, anh từng là một nghệ sĩ và nhà tư tưởng, một người đầy niềm vui và niềm tin, lúc nào cũng đi tìm sự vĩ đại và vĩnh cửu, không bao giờ hài lòng với điều tầm thường và đơn giản. Nhưng cuộc đời càng thức tỉnh anh, khiến anh thấu hiểu chính mình bao nhiêu thì tình trạng cùng quẫn của anh càng lớn bấy nhiêu, anh càng chìm sâu thêm, đến tận cổ, trong đau khổ, lo âu, tuyệt vọng; mọi điều trước đây anh thấy là đẹp đẽ, thiêng liêng và anh yêu quý, tôn sùng, mọi niềm tin trước đây của anh vào con người và về sứ mạng cao cả của chúng ta đều đã không thể giúp được anh, chúng đã trở nên vô dụng và nát vụn. Niềm tin của anh không tìm được không khí để thở nữa. Và chết ngộp thì thật đau khổ. Đúng thế không, Harry? Có phải đó là số phận của anh không?”
Tôi gật lấy gật để.
“Đầu óc anh sẵn mang một hình ảnh của cuộc đời, một niềm tin, một đòi hỏi; anh từng sẵn sàng hành động, hứng chịu đau khổ và hy sinh, nhưng rồi dần dà nhận thấy rằng thế giới không đòi hỏi ở anh hành động và hy sinh cùng những điều tương tự, rằng cuộc đời không phải là một thiên anh hùng ca với những vai người hùng và những vai này nọ, mà chỉ là một căn buồng tiện nghi trưởng giả, ở đấy người ta hoàn toàn hài lòng với chuyện ăn uống, cà phê cà pháo, đan vớ, chơi bài Ta rô và nghe nhạc từ radio. Còn ai thích lối sống khác, ai mang trong người chí khí anh hùng, yêu cái đẹp, tôn sùng những thi hào hay các bậc thánh thì người ấy là một kẻ dại khờ, một kỵ sĩ kiểu Don Quichotte. Đấy. Bạn ơi, em cũng từng như thế đấy! Em vốn là một cô gái nhiều năng khiếu, được sinh ra để sống theo một tấm gương cao cả, đặt cho mình những đòi hỏi lớn lao và hoàn thành những nhiệm vụ cao quý. Em có thể chọn cho mình một định mệnh to tát, thành vợ một ông vua, thành người tình một nhà cách mạng, em gái một thiên tài, mẹ một kẻ tuẫn đạo. Nhưng cuộc đời chỉ cho em thành một cô điếm thượng lưu với khiếu thẩm mỹ tàm tạm – chỉ điều này thôi cũng đủ làm em khó khăn rồi! Hoàn cảnh em như thế đấy. Em tuyệt vọng mất một lúc và tự trách mình trong thời gian khá lâu. Cuộc đời nhất định phải luôn luôn có lý, em nghĩ thế, thành thử khi cuộc đời nhạo báng những giấc mộng đẹp của em thì bởi vì chúng vớ vẩn và sai lầm. Nhưng trách móc cũng chẳng ích gì. Và vì mắt em tinh, tai em thính và cũng bởi em hơi tò mò, nên em mới quan sát thật kỹ cái gọi là cuộc đời, quan sát những người quen biết và hàng xóm của em, năm mươi con người cùng số phận, hoặc hơn nữa, và Harry ơi, em thấy rằng những giấc mơ của em là đúng đắn, nghìn lần đúng đắn, cũng như những giấc mơ của anh vậy. Còn cuộc đời, thực tại mới nhầm lẫn. Việc một người đàn bà thuộc loại như em không tìm được chọn lựa nào khác hơn là gõ máy chữ, phục vụ một tay giỏi kiếm chác, rồi già đi thảm hại và vô nghĩa hoặc lấy một kẻ giỏi kiếm chác như thế vì tiền, hoặc thành một thứ gái điếm, điều ấy cũng đúng chẳng kém việc một người như anh, cô đơn và nhút nhát, phải tuyệt vọng chụp lấy lưỡi dao cạo. Có thể sự khốn khổ nơi em thiên về vật chất và đạo đức, còn ở anh nặng về tinh thần hơn, nhưng cũng là con đường ấy thôi. Anh cho rằng em không hiểu nổi việc anh sợ hãi điệu Foxtrott, việc anh chán ghét những quán rượu và những sàn nhảy, việc anh không ưa nhạc Jazz cùng mấy thứ vớ vẩn đó ư? Em hiểu quá đi chứ, hiểu luôn cả sự kinh tởm của anh trước chính trị, sự buồn phiền của anh về trò tào lao và bộ tịch vô trách nhiệm của các đảng phái, của báo chí, nỗi tuyệt vọng của anh về chiến tranh, về cuộc chiến vừa qua và sẽ đến, về cung cách ngày nay người ta suy nghĩ, đọc sách báo, xây dựng, soạn nhạc, cử hành lễ lạc, tiến hành giáo dục! Sói Thảo Nguyên ơi, anh có lý, có lý nghìn lần, thế nhưng anh vẫn tiêu vong. Anh đòi hỏi quá nhiều và quá ham muốn đôi với cái thế giới bình dị, thoải mái, dễ hài lòng hiện nay; nó tống anh ra, vì anh vượt trội hơn nó cả một kích cỡ. Ngày nay ai muốn sống và vui hưởng cuộc đời thì người ấy không thể giống như anh và em. Cái thế giới xinh đẹp này đây không phải là quê hương cho kẻ đòi hỏi âm nhạc thật sự thay vì tiếng ò e, hân hoan thay vì lạc thú, tâm hồn thay vì tiền bạc, lao động thật sự thay vì náo nhiệt, đam mê thật sự thay vì đùa nghịch…”
Nàng nhìn xuống sàn nhà, trầm ngâm.
“Hermine,” tôi dịu dàng kêu, “em gái ơi, em nhìn đời rõ biết bao! Thế mà em đã dạy Foxtrott cho anh đấy! Nhưng em nghĩ gì khi bảo rằng những người như chúng ta, những người thừa một kích cỡ, không thể sống ở đây? Nguyên do tại đâu? Chỉ thời đại chúng ta ngày nay mới thế? Hay đã mãi vậy rồi?”
“Em không rõ. Vì danh dự của thế giới nên em muốn cho rằng chỉ thời đại chúng ta mới thế, rằng đó chỉ là một thứ bệnh, một bất hạnh nhất thời. Trong khi các nhà lãnh đạo chuẩn bị bền bỉ và hữu hiệu cho cuộc chiến tranh sắp tới thì lũ chúng ta nhảy nhót, kiếm tiền và ăn sô cô la – trong một thời đại như thế này thì quả thật thế giới phải làm ra vẻ rất thanh đạm. Hy vọng những thời đại trước kia khấm khá hơn và rồi mai đây sẽ lại tốt đẹp hơn, giàu sang hơn, phong phú hơn, tận hưởng hơn. Nhưng chúng mình cũng chẳng khá gì hơn. Có lẽ đã luôn như thế này rồi…”
“Luôn như ngày nay à? Luôn là một thế giới cho lũ chính trị gia, bọn gian thương, đám bồi bàn và bọn ăn chơi, còn chẳng có không khí cho con người sao?”
“Chà, điều này em không biết, không ai biết cả. Vả lại, biết hay không cũng vậy thôi. Nhưng bạn ơi, bây giờ em nghĩ tới người mà anh quý mến và thỉnh thoảng vẫn kể và đọc cả thư cho em nghe, em nghĩ đến Mozart. Chuyện của ông ta như thế nào? Hồi đó ai thống trị thế giới, hớt phần béo bở nhất, giữ vai trò quyết định và được chú ý: Mozart hay những kẻ vụ lợi, Mozart hay đám người tầm thường nông cạn? Ông ta đã chết và được chôn cất như thế nào[49]? Đấy, em nghĩ, có lẽ nó đã và sẽ mãi luôn như thế. Còn cái trong trường học gọi là ‘Lịch sử thế giới’ mà ta phải thuộc lòng để nâng cao kiến thức, với những đấng anh hùng, những bậc thiên tài, những hành động và tình cảm vĩ đại – đó chỉ rặt là dối trá thôi, do mấy ông thầy nghĩ ra cho mục đích giáo dục, để lũ trẻ có chuyện làm trong những năm học đã được quy định[50]. Lũ hèn mọn và tầm thường nắm giữ thời gian và thế giới, tiền tài và quyền lực, còn những người khác, những con người đích thực, lại chẳng có gì hết – ngoài cái chết; điều này đã luôn như thế và sẽ mãi như thế.”
[49] Khi chết, thi hài Mozart bị vùi lấp trong một ngôi mộ tập thể ở Vienne.
[50] Năm 1925, Hesse viết trong “Sơ yếu lý lịch”: “Tuy trong môn học thú vị mà các thầy gọi là Lịch sử thế giới chúng tôi được dạy rằng thế giới luôn luôn được cai trị, lèo lái, thay đổi bởi những con người đặt ra luật lệ riêng của họ và đoạn tuyệt với những luật lệ kế thừa của quá khứ, rằng họ là những bậc đáng kính ngưỡng, nhưng khổ nỗi điều này cũng dối trá như hết thảy môn học nọ, vì khi có ai trong chúng tôi – thành tâm hay không – dám to gan phản kháng bất kỳ một điều cấm đoán nào, hoặc chỉ phản đối một thói quen hay một mốt ngu xuẩn, người đó sẽ chẳng được khen ngợi hay được coi là tấm gương cho chúng tôi, mà còn bị trừng phạt, nhạo báng và bị sức mạnh áp đảo hèn nhát của quý thầy đè bẹp gí.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.