Sói thảo nguyên

Tiếp



Thật quái lạ, sao con người ta lại có thể nuốt trôi đủ mọi thứ như thế nhỉ! Tôi đọc một tờ báo dễ đến mười phút, để cho tư tưởng của một kẻ vô trách nhiệm nào đấy thâm nhập vào tôi qua thị giác; hắn nhai nát lời người khác và nhồi nước bọt vào đó, rồi nhả ra chứ chưa kịp tiêu hóa. Đến phiên tôi ngấu nghiến hấp thụ lại, cả một cột báo dài. Rồi tôi chén một khoanh lớn gan xẻo từ bụng một con bê. Thật lạ lùng! Ngon nhất là rượu Alsace. Tôi vốn không chuộng rượu vang mạnh, những thứ đặc biệt lôi cuốn và hương vị độc đáo, nhất là vào bữa ăn hằng ngày. Thường tôi thích những loại vang thuần túy địa phương, nhẹ, không mang nhãn hiệu gì đặc biệt, có thể uống được nhiều; chúng thật ngon và mang hương vị của đồng quê, đất đai, bầu trời và cây cỏ quanh vùng. Một ly Alsace và một khúc bánh mì ngon, thế là tuyệt nhất trong mọi bữa ăn. Bấy giờ tôi đã xơi hết phần gan rồi, một sự thú vị đặc biệt vì tôi hiếm khi ăn thịt, trước mặt là một ly thứ hai. Đó cũng là một điều kỳ quái, vì đâu đấy trong những thung lũng xanh mơn mởn có những con người khỏe mạnh hiền lành trồng nho, ép thành rượu vang, để rồi đây đó trên thế giới, thật xa, đôi ba thị dân thất vọng và dăm con sói thảo nguyên nản chí có thể lặng lẽ uống, tìm chút can đảm và nhiệt tình từ những ly rượu của mình.

Quái lạ hay chăng, tôi chẳng quan tâm! Chủ yếu là nó ngon, có tác dụng, gây hứng thú. Nghĩ tới những lời nhai lại của bài báo tôi bật cười khuây khỏa và sực nhớ ra điệu nhạc nhẹ nhàng thanh thoát được những chiếc sáo và kèn gỗ trình tấu mà tôi đã quên khuấy; nó trào dâng trong tôi như một bong bóng xà phòng bé tẹo, sáng ngời, óng ánh, phản chiếu dưới dạng thu nhỏ toàn thế giới muôn màu, rồi nhẹ nhàng vỡ. Nếu điệu nhạc ngắn ngủi tuyệt vời nọ có thể âm thầm bám rễ trong tâm hồn tôi và một ngày kia những bông hoa diễm kiều của nó lại bừng nở với muôn sắc màu duyên dáng thì có thể nào tôi hoàn toàn vô vọng được chăng? Dù tôi chỉ là một con thú lạc đường không hiểu được thế giới chung quanh thì cuộc sống khinh suất của tôi vẫn có ý nghĩa, có gì đó trong tôi đã lên tiếng trả lời, đã như chiếc máy thu nhận những lời kêu gọi từ những thế giới cao xa vòi vọi; đầu óc tôi chất chứa muôn nghìn hình ảnh:

Những đoàn thiên thần của Giotto[3] từ một vòm nhỏ màu thiên thanh của ngôi giáo đường ở thành phố Padua, đi cạnh họ là Hamlet và Ophelia[4] đầu đội vòng hoa, những biểu tượng tuyệt vời của mọi nỗi buồn và ngộ nhận trên thế gian, nhà lái khí cầu Gianozzo đang thổi tù và trong chiếc khí cầu cháy phừng phừng, Attila Schmelze[5] cầm chiếc mũ mới trong tay, còn Borobudur[6] tung hê lên trời những hình thù chạm khắc trùng trùng điệp điệp của nó. Cho dù mọi hình dáng xinh đẹp này sống trong cả nghìn trái tim khác thì vẫn còn cả vạn hình ảnh và giai điệu nữa không ai biết, ngoài tấm lòng tôi, chỉ mắt tôi thấy và tai tôi nghe được. Bức tường nhà thương cũ kỹ màu xanh xám, loang lổ, hư hao vì mưa nắng với những vệt nứt và vết phong hóa khiến ta có thể hình dung ra cả nghìn bức bích họa – ai đáp lại lời nó, ai mở rộng lòng chào đón nó, ai yêu quý nó, ai cảm nhận sức quyến rũ nơi những màu sắc đang âm thầm giãy chết của nó? Những quyển sách cổ với những tiểu họa màu sáng dịu của các tu sĩ và của các thi sĩ Đức trước đây hai trăm hoặc một trăm năm nay bị dân tộc họ lãng quên, toàn những quyển đã cũ sờn và thâm xì, những bản in hoặc viết tay của các nhạc sĩ ngày trước, những tờ giấy bền chắc, ố vàng ghi nốt nhạc cùng những giấc mơ bằng thanh âm đã bị đông cứng của họ – ai nghe những tiếng nói thông minh, tinh quái và khát khao của họ; trái tim ai chở đầy những trí tuệ và sức lôi cuốn của họ xuyên qua một thời đại khác, xa lạ với họ? Ai còn nhớ đến cây bách nhỏ bé, dẻo dai tận đỉnh núi phía trên Gubbio[7], gãy toác vì đá lở mà vẫn bám chặt vào sự sống và trong cảnh quẫn bách đã nhú lên một ngọn mới lơ thơ? Ai công tâm với bà nội trợ ở tầng một và cây bách tán sạch bong của bà? Đêm khuya, ai đọc những chữ như mây khói của làn sương mù la đà trên dòng sông Rhin? Chính là Sói Thảo Nguyên. Và ai đã tìm trên đống hoang tàn của đời mình cái ý nghĩa xốn xang, chịu đựng điều tưởng chừng phi lý, sống kiếp dường như điên rồ và ai đã âm thầm hy vọng được mặc khải và gần với Chúa trong sự hỗn loạn ghê gớm cuối cùng?

[3] Giotto di Bondone (1266-1337): họa sĩ Ý.

[4] Hamlet và Ophelia: những nhân vật trong vở kịch Hamlet của Shakespeare.

[5] Gianozzo và Attila Schmelze: hai nhân vật chính trong hai quyển tiểu thuyết của nhà văn Đức Jean Paul (1763-1825).

[6] Borobudur: ở Java, Indonesia, nơi có đại đền Phật giáo nổi tiếng thế giới, xây dựng vào năm 800 theo kiến trúc Ấn Độ.

[7] Gubbio: một thành phố ở Trung Ý.

Tôi úp tay lên cái ly để bà chủ quán khỏi rót thêm rồi đứng dậy. Tôi không cần rượu nữa. Cái vệt bằng vàng đã lóe lên rồi, tôi đã hồi tường tới vĩnh cữu, tới Mozart[8], tới những vì sao. Tôi lại có thể thở hít được một giờ, có thể sống, được phép tồn tại, không phải chịu dằn vặt nữa, không phải sợ hãi hay hổ thẹn nữa.

[8] Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791): nhạc sĩ thiên tài Áo.

Khi tôi bước ra khỏi quán, con đường đã trở nên vắng lặng, gió lạnh hắt những hạt mưa phùn lay phay quanh những ngọn đèn đường nghe xào xạc và ánh lên như thủy tinh. Bây giờ đi đâu? Nếu giờ đây có được một chiếc đũa thần, hẳn tôi sẽ làm hiện ra một sảnh đường nho nhỏ xinh xinh, kiểu của vua Louis XVI, để nghe dăm nhạc sĩ tài hoa trình diễn vài ba tác phẩm của Händel và Mozart. Tôi đang hứng thú và sẽ nhấm nháp thứ âm nhạc mát rượi và quý phái ấy như thần thánh thưởng thức rượu tiên. Chao ơi, giá lúc này tôi có được một người bạn, một người bạn đang trầm tư bên ánh nến trong một căn gác xép nào đấy, với chiếc vĩ cầm để bên cạnh! Tôi sẽ lẻn vào trong cõi đêm yên ắng của anh, sẽ leo êm như ru lên cầu thang uốn khúc, khiến anh ngạc nhiên; rồi chúng tôi sẽ trò chuyện và nghe nhạc, ăn mừng dăm ba giờ khuya khoắt siêu phàm! Trước kia, trong những năm qua, tôi thường được hưởng hạnh phúc này, nhưng theo thời gian nó cũng đã dần xa và rời hẳn khỏi tôi; giữa ngày ấy và bây giờ đã bao năm khô héo.

Tôi ngần ngừ đi về nhà, kéo cao cổ áo, thọc gậy trên mặt đường lát đá ướt át. Dù chậm bước đến đâu thì tôi cũng vẫn sẽ lại phải ngồi quá sớm trong căn gác xép, trong quê hương bé nhỏ giả tạo mà tôi không hề yêu thương song cũng không thể thiếu, vì cái thời tôi có thể lang thang ngoài trời suốt một đêm đông mưa gió đã qua rồi. Lạy Chúa, tôi không muốn lòng mình chiều nay đang phơi phới bị gió mưa, bệnh thống phong hay cây bách tán làm mất vui và dẫu không có được dàn nhạc thính phòng và không tìm được một người bạn cô đơn với chiếc vĩ cầm, giai điệu thanh nhã nọ vẫn vang trong lòng tôi và tôi có thể ngân nga khe khẽ trong lúc thở hít đúng nhịp, tựa hồ nó được trình diễn cho chính tôi. Tôi vừa đi vừa ngẫm nghĩ. Đúng vậy, không có nhạc thính phòng lẫn bạn bè thì đã sao và đúng là ngớ ngẩn khi mỏi mòn, nhưng bất lực, ngóng tìm sự ấm cúng. Cô đơn chính là độc lập! Tôi đã từng ao ước và đạt được điều này trong bao năm ròng. Nó lạnh lẽo, đúng thế, những cũng trầm lặng, trầm lặng tuyệt vời và mênh mông như bầu không gian yên ắng, giá lạnh, nơi các tinh tú chuyển dịch.

Tôi đi ngang qua một vũ trường; tiếng nhạc Jazz dữ dội hắt vào tôi, nóng bỏng và sống sượng như làn hơi bốc lên từ thịt sống. Tôi dừng lại một lúc; dù ghê tởm loại nhạc này đến đâu, nó vẫn âm thầm quyến rũ tôi. Tôi ghét cay ghét đắng nhạc Jazz, nhưng vẫn thích nó gấp chục lần mọi thứ âm nhạc hàn lâm ngày nay; tính cuồng nhiệt sống sượng của nó chạm tới tận bản năng sâu thẳm trong tôi, toát ra một dục tính hồn nhiên và chân thật.

Tôi đứng hỉnh mũi đánh hơi thứ âm nhạc chói tai này, cáu kỉnh và thèm thuồng đoán trước bầu không khí trong những căn phòng ấy. Một nửa điệu nhạc, cái phần du dương, thì lâm ly, ngọt xớt, ủy mị đến chảy nước, nửa kia hoang dại, bất thường và mãnh liệt, tuy vậy cả hai nửa lại hợp với nhau thật hồn nhiên, hòa thành một tổng thể. Đó là thứ âm nhạc suy đồi; thời các hoàng đế La Mã cuối cùng hẳn cũng có thứ âm nhạc tương tự. Tất nhiên so với Bach, với Mozart và âm nhạc đích thực, nó chỉ là thứ nhăng cuội – nhưng tất cả nghệ thuật của chúng ta, tư tưởng của chúng ta, văn hóa giả tạo của chúng ta đều như thế cả, nếu so sánh với nền văn hóa chân chính. Và thứ âm nhạc này có ưu điểm là rất chân thành kiểu người da đen, đáng mến, vui tươi hồn nhiên chứ không giả trá. Đối với người Âu chúng ta, thứ âm nhạc này mang nét gì đấy của người da đen và người Mỹ, mạnh bạo nhưng hồn nhiên và tươi mát tựa trẻ thơ đang lớn. Châu Âu sẽ thành như vậy chăng? Nó đang dần như thế rồi chăng? Chúng ta, những kẻ am tường và hâm mộ Châu Âu thuở trước, nền âm nhạc đích thực thuở trước, thơ ca đích thực thuở trước, chẳng lẽ chúng ta chỉ là một nhúm thiểu số ngu xuẩn gàn dở mắc bệnh loạn thần kinh phức tạp, mai đây sẽ bị lãng quên và nhạo báng? Phải chăng đó là thứ mà chúng ta gọi là “văn hóa”, trí tuệ, tinh thần và coi là đẹp, là thiêng liêng; phải chăng đó chỉ là một bóng ma đã chết từ lâu mà chỉ dăm kẻ ngớ ngẩn chúng ta vẫn còn coi là đích thực? Phải chăng nó không hề đích thực và sống động? Phải chăng những gì lũ ngớ ngẩn chúng ta ra công suy nghĩ, tìm tòi vốn luôn chỉ là một bóng ma?

Khu phố cổ tiếp nhận tôi, ngôi giáo đường nhỏ bé đứng tàn lụi và hư ảo trong khung cảnh màu xám. Đột nhiên tôi nhớ lại câu chuyện hồi chiều với cái cửa chóp nhọn bí ẩn, với tấm biển bí ẩn phía trên, với những chữ chiếu sáng nhảy múa giễu cợt. Hàng chữ ấy viết gì nhỉ? “Không phải ai muốn vào xem cũng được.” Và: “Chỉ dành cho những người điên”. Để thẩm tra, tôi nhìn qua bức tường cổ, thầm mong màn ảo thuật nọ tái diễn với hàng chữ mời mọc tôi, một gã điên, và cánh cổng để tôi vào. Có thể điều tôi ước mơ đang ở trong đó, có thể trong đó đang trình diễn thứ âm nhạc của tôi?

Bức tường đá bình thản nhìn tôi; nó đen sẫm bóng chiều, khép kín, chìm đắm trong mơ. Chẳng thấy đâu một cái cổng, chẳng thấy đâu vòng chóp nhọn, chỉ bức tường tối đen, im lìm, không một kẽ hở. Tôi mỉm cười tiếp tục bước đi, thân mật gật đầu chào bức tường. “Ngủ ngon, tường nhé, ta không đánh thức mi đâu. Sẽ đến lúc người ta giật sập mi hoặc dán lên mi những bảng hiệu tham lam của họ, nhưng tạm thời mi vẫn còn đó, mi vẫn đẹp, vẫn im ắng và ta ưa thích mi.”

Chợt tôi giật bắn người vì từ một ngõ đen ngòm có một người, một kẻ trở về nhà muộn màng và lẻ loi với bước chân mệt mỏi, nhô ra quan sát nách tôi; y đội mũ lưỡi trai, khoác áo choàng xanh, vác một thanh gỗ gắn bích chương, trước bụng quàng dây đai mang một chiếc hòm con để mở, giống những người bán hàng rong ở các chợ phiên. Y mệt mỏi bước qua trước mặt tôi, chẳng ngoái nhìn, bằng không tôi đã chào và mời y một điếu thuốc. Tôi cố thử đọc cái cờ hiệu của y, tấm bích chương đó gắn trên thanh gỗ, dưới ánh sáng ngọn đèn đường cạnh đấy, nhưng tấm bích chương cứ chao qua đảo lại nên tôi chẳng đọc được gì. Tôi liền gọi và yêu cầu y cho tôi xem. Y dừng bước, giữ thanh gỗ cho thẳng hơn, lúc ấy tôi có thể đọc được những chữ chao đảo nhảy múa:

Giải trí hỗn loạn buổi tối!

Hí viện ma thuật!

Không phải ai muốn vào xe…

“Tôi đang tìm ông đây,” tôi thích thú kêu lên. “Buổi giải trí ban tối của ông như thế nào? Ở đâu? Bao giờ?”

Y đã lại bước đi rồi.

“Không phải ai muốn vào xem cũng được,” y thờ ơ nói, giọng ngái ngủ và đi tiếp. Y chán rồi, muốn về nhà.

“Khoan đã,” tôi chạy theo gọi. “Ông bán những gì thế? Tôi muốn mua chút ít”.

Không dừng lại, người đàn ông ấy máy móc thò tay vào hòm, rút ra một tập sách mỏng, chìa cho tôi. Tôi chụp ngay lấy, cất đi. Trong lúc tôi cởi cúc áo măng tô tìm tiền, y đã ngoặt vào một cái cổng bên đường, rồi đóng lại và biến mất. Mới đầu tôi nghe tiếng chân y nặng nề trên mặt đường đá, rồi trên một cầu thang gỗ, rồi không nghe gì nữa. Đột nhiên tôi thấy cũng quá mệt và cảm tưởng đã khuya lắm rồi, về là vừa. Tôi bước rảo hơn, chẳng mấy chốc đã vượt qua những con hẻm vùng ngoại ô đang say ngủ, về tới nhà. Nhà tôi nằm giữa khu thành lũy, nơi các công chức và những người hưu trí cấp thấp ngụ trong những ngôi nhà thuê nho nhỏ sạch sẽ, phía trước có bãi cỏ và khóm thường xuân. Qua khỏi đám thường xuân, bãi cỏ và bụi thông nhỏ tôi về tới của nhà, mò lỗ khóa, tìm nút bật đèn, lách qua tấm cửa kính, đi qua những cái tủ bóng lộn và những chậu cây, mở cửa phòng mình, chốn giả làm quê hương bé nhỏ của tôi, nơi chiếc ghế bành và lò sưởi có nghiên mực và hộp vẽ, có Novalis và Dostoyevsky chờ đợi tôi, hệt như bà mẹ hay người vợ, lũ con, các cô người làm, chó, mèo chờ đợi những con người khác, những con người đích thực, khi họ về nhà.

Khi cởi chiếc áo măng tô ướt át, tôi chợt thấy lại tập sách nhỏ kia, liền rút ra. Đó là loại sách mỏng, in lem nhem trên giấy xấu bán ở các chợ phiên, giống như tập “Tử vi cho người sinh ra trong tháng Giêng” hay “Làm cách nào trẻ lại hai mươi tuổi trong tám ngày?”

Nhưng khi đã ngồi yên trong ghế bành và đeo kính, tôi sửng sốt đọc và đột nhiên cảm giác về một số phận đang xảy đến qua nhan đề trên bìa tập sách chợ phiên ấy: Luận thuyết về Sói Thảo Nguyên. Dành riêng cho những người điên.

Và đây là nội dung của nó mà tôi đã đọc liền một mạch, mỗi lúc một hồi hộp thêm:

LUẬN THUYẾT VỀ SÓI THẢO NGUYÊN

Dành riêng cho những người điên

Thuở ấy có một tay tên là Harry, biệt danh Sói Thảo Nguyên. Hắn đi hai chân, hắn mặc áo quần, hắn là người, nhưng thật ra hắn đích thị là một con sói thảo nguyên. Hắn học được nhiều thứ mà những người có đầu óc đều có thể học được và hắn là một kẻ khá thông minh. Nhưng cái hắn không học được là: hài lòng về mình và cuộc đời mình. Điều ấy hắn không học được, hắn là một kẻ bất đắc chí. Sở dĩ như thế có lẽ vì lúc nào trong thâm tâm hắn cũng biết (hoặc tưởng là biết) rằng thật ra hắn không phải là người, mà là một con sói từ thảo nguyên. Các nhà thông thái cứ việc tranh cãi xem hắn có thật là sói hay không; biết đâu đã có lần, trước cả khi hắn chào đời cũng nên, hắn được phù phép biến từ sói thành người, hoặc giả hắn sinh ra là người, nhưng lại được phú cho hồn một con sói thảo nguyên và bị nó chế ngự hoặc giả điều hắn tin rằng hắn thật ra là sói chỉ do trí tưởng tượng hoặc một thứ bệnh của hắn mà thôi. Chẳng hạn có thể thời thơ dại con người này rất hiếu động, bất kham và vô kỷ luật; những người dạy dỗ hắn đã tìm cách diệt trừ tính dã thú trong con người hắn và chính vì thế đã tạo cho hắn ấn tượng và niềm tin rằng thật ra hắn là một dã thú, chỉ khoác một lớp vỏ mỏng tanh của giáo dục và nhân tính thôi. Nếu muốn, người ta có thể nói tràng giang đại hải và tiêu khiển về điều này, thậm chí viết thành sách; nhưng chẳng ích gì cho Sói Thảo Nguyên, vì hắn chẳng mảy may quan tâm đến chuyện con sói nhập vào hắn là do bùa chú hoặc roi vọt, hay đó chỉ là tưởng tượng của tâm hồn hắn. Người khác, thậm chí ngay cả hắn nữa, muốn nghĩ gì về điều ấy, hắn cũng mặc kệ, vì sự nghĩ ngợi đó không trục nổi con sói ra khỏi hắn được.

Vậy là Sói Thảo Nguyên có hai bản chất, một người và một sói; đó là số kiếp của hắn, và có thể số phận này chẳng phải đặc biệt và hiếm hoi gì lắm. Người ta đã từng thấy bao kẻ mang trong mình nhiều tính chất của chó hoặc chồn, của cá hoặc rắn nhưng không vì thế mà họ gặp phải khó khăn gì ghê gớm. Ở những kẻ đó người và chồn, người và cá đúng là sống cạnh nhau, không bên nào làm khổ bên nào, thậm chí còn tương trợ lẫn nhau; lắm kẻ tiến xa và đáng ganh tị nhờ được sức chồn hoặc khỉ đem lại cho họ phúc lộc nhiều hơn sức người trong họ. Điều này ai cũng biết. Nhưng ở Harry lại khác, người và sói trong hắn không tiến song đôi hoặc giúp đỡ nhau, mà thường trực là kẻ tử thù của nhau, phần này sống chỉ để làm khổ phần kia, và khi hai phần trong cùng một dòng máu và một tâm hồn coi nhau như kẻ tử thù thì đó là một cuộc sống khốn khổ. Thế đấy, ai cũng có số phận riêng và chẳng số phận nào nhẹ nhàng cả.

Về phần Sói Thảo Nguyên của chúng ta thì lúc hắn cảm thấy mình sống giống sói, lúc lại giống người, như ở mọi sinh vật lai tạp; nhưng khi hắn là sói thì phần người trong hắn thường xuyên nằm rình rập, nhóm ngó, bình phẩm và phán xét – còn những lúc hắn là người thì phần sói cũng làm y như thế. Chẳng hạn khi Harry là người, có một ý tưởng hay ho, một cảm xúc tinh tế cao quý hoặc có một hành vi gọi là thiện, con sói trong hắn liền nhe nanh, ra sức chế nhạo, chỉ cho hắn thấy rằng tất cả cái vở kịch cao quý kia, nực cười sao, lại rất thích hợp với một con thú thảo nguyên, một con sói; nó biết rất rõ trong thâm tâm điều gì khiến nó hài lòng, đó là đơn độc rong ruổi qua thảo nguyên, thỉnh thoảng uống máu tươi hoặc chạy theo một con sói cái – và, dưới nhãn quan của con sói, mọi hàng động của con người đều kỳ cục, vụng về, ngu xuẩn và kiêu căng phát sợ. Cũng y như vậy khi Harry cảm thấy mình là sói, khi hắn đe dọa người khác, khi hắn thù ghét và coi mọi người cùng cung cách xử thế cũng như tập quan suy đồi, giả trá của họ là kẻ tử thù; lúc ấy phần người trong hắn sẽ rình rập, theo dõi con sói, gọi nó là đồ súc vật, đồ dã thú, khiến nó chán chường, hết cả hứng thú trong bản tính sói chất phác, lành mạnh và hoang dã của nó.

Bản chất Sói Thảo Nguyên như vậy đấy, và ta có thể hình dung cuộc đời Harry chẳng thoải mái và hạnh phúc chút nào. Nhưng như thế không hàm nghĩa hắn đặc biệt bất hạnh (mặc dù tự hắn cảm thấy thế, giống như ai cũng cho rằng nỗi đau khổ mình phải hứng chịu là ghê gớm nhất). Ta không nên nói như thế về ai. Ngay cả người không mang phần sói trong mình cũng không nhất thiết hạnh phúc. Ngay cả cuộc sống bất hạnh nhất cũng có những giờ phút rạng rỡ ánh hồng và những đóa hoa hạnh phúc nở bừng giữa cát sỏi. Với Sói Thảo Nguyên cũng thế. Phần lớn cuộc đời hắn rất bất hạnh, không thể phủ nhận điều ấy, và hắn có thể làm người khác bất hạnh theo, đó là khi hắn yêu thương họ và họ yêu thương hắn. Vì hết thảy những kẻ yêu thương hắn chỉ thấy một khía cạnh của hắn thôi. Có những người yêu thương hắn là một kẻ tế nhị, thông minh và độc đáo, nên khi họ đột nhiên phát hiện phần sói trong hắn, họ liền đâm ra kinh hoàng và thất vọng. Họ phải phát hiện ra thôi, vì Harry, như mọi sinh vật khác, muốn được thương yêu trọn vẹn, nên không thể che giấu và lấp liếm phần sói của hắn, nhất là trước tình thương yêu của những kẻ hắn rất trân trọng. Nhưng cũng có những kẻ thương yêu chính cái phần sói trong hắn, cái chất tự do, hoang dã, không thể thuần hóa, nguy hiểm, mạnh bạo, nên chính họ lại cực kỳ thất vọng lẫn đau đớn khi thấy con sói hoang dại, hung ác đột nhiên cũng là một con người, cũng khao khát điều tốt và sự dịu dàng, nghe cả nhạc Mozart, cũng đọc thơ và muốn có được lý tưởng của nhân loại. Phần lớn những người này đâm ra đặc biệt thất vọng và phẫn nộ, thế là Sói Thảo Nguyên đã truyền bản tính kép và đối nghịch của chính hắn vào mọi số kiếp xa lạ mà hắn tiếp xúc.

Giờ đây ai tưởng rằng mình biết rõ Sói Thảo Nguyên và có thể hình dung được cuộc đời tội nghiệp và đau lòng của hắn, người ấy rất nhầm, người ấy còn lâu mới biết hết. Người ấy không biết rằng chẳng quy tắc nào không có ngoại lệ và trong hoàn cảnh nhất định Chúa cưng kẻ duy nhất phạm tội hơn chín mươi chín kẻ công chính, ở Harry cũng có ngoại lệ và những may mắn tình cờ, rằng đôi khi hắn có thể thở, suy nghĩ và cảm thấy lúc như sói, lúc như người, rõ ràng chứ không lẫn lộn, đúng thế, và đôi khi, vào những giờ khắc rất hiếm hoi, phần sói và phần người sống hòa hoãn, thân ái với nhau, chứ không chỉ bên này ngủ, bên kia thức, mà tăng cường lẫn nhau, bên nọ giúp cho bên kia trở thành gấp đôi. Cũng trong cuộc đời người đàn ông này, như khắp nơi trên thế gian, dường như đôi lúc mọi thói quen, mọi việc thường nhật, mọi điều được nhìn nhận, mọi sự điều độ chỉ nhằm mục đích ngưng nghỉ ở đâu đó một đôi giây ngắn ngủi, rồi bị phá bỏ, nhường chỗ cho cái phi thường, phép lạ và ân sủng. Những giờ phút hạnh phúc ngắn ngủi, hiếm hoi này có đền bù và xoa dịu được số phận hẩm hiu của Sói Thảo Nguyên, khiến cuối cùng hạnh phúc cân bằng được khổ đau không, hay thậm chí niềm hạnh phúc ngắn ngủi nhưng mãnh liệt trong vài giờ ít ỏi ấy vượt xa sự hóa giải khổ đau, điều này hãy để cho những kẻ nhàn cư tha hồ ngẫm nghĩ. Chính Sói Thảo Nguyên cũng thường suy ngẫm về chuyện ấy, và đó là những ngày nhàn rỗi lẫn vô bổ của hắn.

Ở đây cần phải nói thêm một điều. Có khá nhiều người cùng loại như Harry, đặc biệt là các nghệ sĩ. Những người này đều mang song song trong lòng họ hai linh hồn, hai bản chất vừa thù nghịch vừa phức tạp, cả thần thánh lẫn quỷ sứ, cả dòng máu mẹ lẫn dòng máu cha, cả khả năng tiếp thu hạnh phúc lẫn khả năng tiếp nhận khổ đau, giống như Harry mang trong con người hắn phần sói và phần người vậy. Những con người có cuộc sống rất không thanh thản ấy đôi khi cảm thấy một vẻ đẹp và sự mãnh liệt khôn tả trong những khoảnh khắc hạnh phúc hiếm hoi của họ, làn bọt của khoảnh khắc hạnh phúc đôi khi phụt cao chói lọi trên đại dương đau khổ, làm xúc động và lôi cuốn người khác. Mọi công trình nghệ thuật đều đã ra đời như thế, như làn bọt hạnh phúc quý giá thoắt tan trên bể khổ; chính nhờ những công trình ấy mà một cá nhân đau khổ đã vươn lên khỏi số phận của mình được trong một giờ, đến mức hạnh phúc của người ấy rạng rỡ như một vì sao, khiến ai trông thấy cũng đều ngỡ là thứ gì vĩnh cửu và là giấc mơ hạnh phúc riêng tư của mình. Nói chung tất cả những con người này, dù việc họ làm và tác phẩm của họ mang tên gì đi nữa, đều không có đời sống thật sự, nghĩa là đời sống của họ không phải là sự hiện hữu, nó không có gì rõ rệt; họ không phải là những anh hùng hay nghệ sĩ hoặc nhà tư tưởng như kiểu những người khác là thẩm phán, thầy thuốc, thợ giày hay thầy giáo, mà cuộc đời họ là một dòng biến dịch triền miên, đau khổ và sóng gió, bất hạnh, bị giằng xé đầy đau đớn, khủng khiếp và vô nghĩa, ngay từ lúc người ta không chịu nhìn thấy ý nghĩa của nó trong chính những sự kiện, những hành động, những tư tưởng và những tác phẩm hiếm hoi rực sáng trên sự hỗn loạn của một cuộc đời như thế. Giữa những người thuộc loại này đã nảy sinh ý tưởng nguy hiểm và đáng sợ rằng biết đâu toàn thể đời người chỉ là một lầm lẫn phũ phàng, một sự sẩy thai khốc liệt và bất hạnh của bà mẹ nguyên thủy, một thử nghiệm man dại và thất bại khủng khiếp của tự nhiên. Những giữa những người ấy cũng đã nảy sinh một ý tưởng khác, rằng con người có thể không chỉ là thú vật tương đối có lý trí, mà là con của thần thánh, mang số phận bất tử.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.