Sống Đẳng Cấp

2. XÁC ĐỊNH TẦM NHÌN



 

Châu báu cho chuyến hành trình: CHÚ Ý, KẾ HOẠCH, HÀNH ĐỘNG VÀ TRÁCH NHIỆM

Cách để bạn có thể tìm ra “cái gì” trong cuộc sống của mình là tự đánh giá cá tính mình và cá tính của những người xung quanh mình rồi tự nhận thức về bản thân xem mình đang ở đâu và đang phải đương đầu với những gì. Chỉ khi thực sự hiểu điều gì đang xảy ra và chịu trách nhiệm về nó, bạn mới có thể bắt đầu hành động để đổi thay.

Bạn phải có trách nhiệm với bất kì lĩnh vực nào trong cuộc sống của mình, vì bạn sẽ không thể thực hiện những gì mà mình thấy không có trách nhiệm với nó. Có thể sẽ đáng sợ nếu phải đặt áp lực của mọi lĩnh vực trong cuộc sống lên vai mình, nhưng bù lại nó sẽ cho bạn quyền lực lớn. Khi bạn cảm thấy hoàn toàn bị thuyết phục rằng bạn có thể có được những thay đổi như mình mong muốn, bạn sẽ cứ tự nhiên tiến về phía những kết quả xán lạn.

Bạn là nhà thiết kế và là kiến trúc sư của chính tương lai mình. Kể cả có chuyện gì xảy ra chăng nữa cũng không có bất kì một giới hạn nào cho những gì bạn có thể trải nghiệm trong tương lai.

Bạn có thể ngồi vào bàn ngay bây giờ và nghĩ về “cái gì”. Đừng đợi đến sinh nhật, năm mới, hay một sự kiện trong tương lai nào khác, hãy bắt đầu xác định tầm nhìn. Bây giờ là lúc bắt đầu đổi thay.

Bước đầu tiên là Chú ý, nghĩa là bạn phải làm sáng tỏ tất cả mọi vấn đề. Việc này đòi hỏi bạn phải chú ý đến những ý nghĩ cũng như những phản ứng của mình trước các sự việc. Thường thì chúng ta hay phản ứng tức thì trước mỗi sự việc mà không sử dụng đến tâm trí – không thực sự suy nghĩ khi đưa ra những phản ứng đó. Những lúc ấy, chúng ta như đang ở trong chế độ “lái tự động”. Bây giờ là lúc tắt chế độ đó đi và xem những suy nghĩ của bạn đang ở đâu và nó đang ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào.

Một khi bạn đã chú ý đến những suy nghĩ của mình và hiểu ảnh hưởng của những suy nghĩ đó, bạn phải chấp nhận “cái gì”. Bạn phải chống lại cảm giác bị xâm lấn, thèm khát quá nhiều hoặc phải tự đánh giá hành động của mình. Thái độ chấp nhận đem đến trạng thái thư giãn khi bạn nắm được nó cũng như giúp bạn tiến lên phía trước.

Bước tiếp theo là lập ra kế hoạch. Nếu bạn lái xe từ San Francisco đến New York, bạn có lập ra kế hoạch không? Hãy nghĩ về vị thuyền trưởng, nếu ông ấy không lập ra hải trình và đo đạc trước chuyến đi, cả đoàn sẽ hoàn toàn mất phương hướng và trôi dạt giữa đại dương mênh mông vô tận. Người thuyền trưởng phải luôn luôn chú ý đến tốc độ gió và hướng gió, đến chân vịt dưới nước và luôn sẵn sàng tạo ra những thay đổi trong chuyến hành trình. Một khi bạn đã chú ý suy nghĩ về những gì mình muốn trong cuộc sống, chúng sẽ bắt đầu gửi những thông điệp mạnh mẽ đòi hỏi bạn phải thay đổi. Và khi bạn đã chấp nhận thực trạng về bản thân, mặc dù có thể nó không làm bạn hài lòng, hãy sẵn sàng hình dung kế hoạch cho những mục tiêu tương lai.

Một điểm mấu chốt khác nữa là hành động đi đôi với trách nhiệm. Bạn phải nghĩ về những gì cần phải làm để đạt được mục tiêu. Bạn cần phải gạt cái gì sang một bên? Bạn phải hy sinh những gì? Nếu phải hy sinh thì chuyện gì sẽ xảy ra? Bạn không thể dành chỗ trọn vẹn để thực hiện mục tiêu nếu bạn không gạt sang một số thói quen hoặc suy nghĩ khác. Nên nhớ rằng sẽ chỉ cần gián đoạn trong một thời gian ngắn thôi là khoảng thời gian đó đã đủ để bạn nắm được mục tiêu trong tay mình. Bạn có năng lực bổ sung vào hoặc xóa bỏ những hành động cụ thể trong cuộc sống của mình và việc thay đổi đó hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Bạn là người hiểu rõ bản thân mình và vì vậy bạn sẽ biết phải làm thế nào để đầu tư thời gian cho mình. Ai là người đủ tiêu chuẩn giúp bạn không làm lãng phí thời gian và đặt ra những ưu tiên cho mình? Chính là bạn!

Những bài học và công cụ mà bạn nhận được suốt những bài học tiếp theo sau đây của chuyến hành trình được thiết kế dành riêng để chỉ dẫn bạn dấn thân vào quá trình đổi thay và trách nhiệm. Trong những phần trước, bạn đã hiểu được cơ chế hoạt động của tâm trí mình. Bây giờ, hãy vạch ra con đường tới thành công!

 

Ngày thứ 11: Tìm ra “cái gì”

“Bắt đầu ngày mới bằng lòng biết ơn”

Trong cuốn vở ghi bài tập Cuộc sống đẳng cấp của bạn, hãy viết…

10 điều mà bạn cảm thấy biết ơn ngày hôm nay…

Khi bạn bắt đầu hoạch định cho chuyến hành trình sống đẳng cấp của mình, hãy nghĩ về những con người, những hoàn cảnh hay những sự kiện đã góp phần làm nên bức tranh cuộc sống của bạn ngày hôm nay. Bây giờ, hãy hình dung rằng cuộc sống của bạn từ trước đến nay được trình bày bằng một con đường. Tôi dám chắc rằng con đường đó sẽ không thể thẳng mà nó sẽ có rất nhiều đoạn quanh co, nhiều đoạn ngắt quãng, hoặc thậm chí là chệch hướng hoàn toàn, đúng không? Chắc chắn là thế rồi! Những sự đổi hướng không trù tính trước thường dẫn đến những bất ngờ tuyệt vời, đó là những món quà đối với cuộc sống của bạn. Hãy biết ơn chúng nhưng cũng nhớ rằng bạn là thuyền trưởng và bạn có quyền quyết định có nên đổi hướng hay không. Đừng làm một con thuyền mất định hướng, trôi dạt về vô định. Hãy hình dung rõ:

 

 

Bài học sống đẳng cấp
CÁI GÌ?

Để lập ra bản danh sách LÀ, LÀM và CÓ bạn phải tiếp tục nghĩ về những thứ thực sự quan trọng với mình – không phải với tôi hay với bất cứ ai khác và không phải những thứ bạn lờ mờ cho là quan trọng. Đó phải là những thứ thực sự quan trọng.

Để có thể hình dung về nơi bạn đang đến, bạn phải tự đánh giá mình ở thời điểm hiện tại đã. Việc này phải được làm công tâm, không phải với thái độ tiêu cực. Đây là một góc nhìn trung thực nhất cho biết bạn như thế nào trong cuộc sống, không phải là những gì bạn nghĩ về mình trong những giấc mơ hay những trải nghiệm tiêu cực. Nó là việc tạo ra một cuộc sống mới. Để làm như vậy, bạn phải dựa vào tình trạng của bạn hiện tại.

Hãy nghĩ cuộc sống như một chuyến hành trình tuyệt vời. Nếu bạn quyết định thực hiện chuyến đi bằng ô tô nhưng không biết nó ở đâu trước đó, bạn sẽ không thể biết cách thực hiện chuyến hành trình. Chúng ta đều khác nhau và đều có xuất phát điểm khác nhau. Nhưng điều đó không có nghĩa là xuất phát điểm của bạn tốt hơn hay tệ hơn những người khác. Nó chỉ khác thôi. Nó như một chấm trên bản đồ chỉ địa điểm bạn đang ở đâu hay biển báo “Bạn đang ở đây” của bản đồ một khu mua sắm.

Nếu tất cả chúng ta đều ở một địa điểm cùng một lúc, chẳng phải sẽ rất đông đúc hay sao? Hãy xem xuất phát điểm của bạn ở đâu dựa hoàn toàn vào lí trí chứ không thêm thắt vào đó cảm xúc hay sự tiếc nuối. Khi bạn nghĩ về cuộc sống hiện tại của mình, đâu là những ý nghĩ đầu tiên lóe lên trong đầu bạn?

Tôi đã được biết về Heather ở Texas. Cô ấy đã là thư kí trưởng trong 15 năm. Cô luôn cảm thấy như mình bị gò bó trong một vòng xoáy nhạt nhẽo và buồn tẻ. Heather là một cô gái rất xinh đẹp, thông minh hay pha trò và thực sự rất truyền thống. Ở vẻ bề ngoài, cô dường như đang có một cuộc sống tuyệt vời. Cô nói:

Tôi cảm thấy như mình ở trong bộ phim Groundhog day mà ngày hôm sau giống hệt như ngày hôm trước. Không có gì thực sự là phiền toái cả, chỉ là tôi phát ngấy công việc của mình thôi. Ngày nào tôi cũng đến một địa điểm, cũng nói chuyện với những người mà tôi gặp mỗi ngày, cũng giải quyết những vấn đề cũ. Bạn biết đấy, khi tôi 30 tuổi tôi nghĩ rằng cuộc đời mình là hoàn hảo. Tất cả bạn bè của tôi đều có gia đình và những đứa trẻ lũn cũn theo sau, còn tôi vẫn tự do làm những gì mình thích. Nhưng giờ tôi nhìn lại, và tự hỏi mình đã làm được những gì? Tôi thấy như cuộc đời đang bỏ rơi mình và mình như đang rơi tự do trong khoảng không vô vọng.

Heather đang bắt đầu tự kiểm điểm cuộc sống của mình. Đây là bước đầu tiên để cô chọn những thứ khác và và viết lại bản đồ của mình đến với Cuộc sống đẳng cấp. Việc này có nghĩa là bạn chỉ cần hiểu rõ về cuộc sống của mình là cuộc đua đã có thể bắt đầu, phải vậy không? Không! Nó chỉ có nghĩa rằng bạn đã tìm được một chú tuấn mã và vào được vạch xuất phát của cuộc đua, việc mà rất nhiều người khác không thể làm được.

Bây giờ khi bạn đã đến được đây là lúc bạn phải dừng lại việc sống trong quá khứ và tự kiểm điểm bản thân mình về kết quả của những cuộc đua trước đây. Sau khi đã làm như vậy, hãy bước ra khỏi quá khứ! Hôm nay là ngày để bắt đầu lại từ đầu”

 

Hành động

Thực hiện bài tập này, hãy gạt cảm xúc của bạn sang một bên và trả lời những câu hỏi “Cái gì” sau đây một cách công tâm nhất. Hãy viết ra cả những điều tốt đẹp và những điều cần phải thay đổi, những thứ đầu tiên đến với bạn. Hãy nhớ không được xếp loại chúng xấu hay tốt.

Có những thứ gì…

… trong lĩnh vực Phát triển cá nhân của cuộc đời mình?

… trong lĩnh vực Sức khỏe của cuộc đời mình?

… trong lĩnh vực Những mối quan hệ của cuộc đời mình?

… trong lĩnh vực Tài chính của cuộc đời mình?

… trong lĩnh vực Nghề nghiệp/Học hành của cuộc đời mình?

… trong lĩnh vực Tâm linh của cuộc đời mình?

… trong lĩnh vực Giải trí của cuộc đời mình?

… trong lĩnh vực Cộng đồng của cuộc đời mình.

 

Phản chiếu mỗi ngày

Bây giờ, trước khi đi ngủ, hãy kiểm lại danh sách biết ơn và nhìn lại những thành tựu và kiến thức mình đạt được trong ngày, và hình dung bạn đang ở đẳng cấp mới. Ngày mai là một ngày mới, tràn ngập cơ hội mới. Khi bạn chìm vào giấc ngủ tối nay, hãy mường tượng hình ảnh về một ngày mai tuyệt vời.

 

Ngày thứ 12: Nhìn nhận lại quá trình

“Bắt đầu ngày mới bằng lòng biết ơn”

Trong cuốn vở ghi bài tập Cuộc sống đẳng cấp, hãy viết…

10 điều tôi cảm thấy biết ơn ngày hôm nay…

Hành động có giá trị cao hơn lời nói, vậy nên hãy tin vào những gì mình nhìn thấy và quên đi những gì mình nghe thấy

(Khuyết Danh)

 

Bài học sống đẳng cấp
MÌNH ĐÃ ĐẾN ĐÂY BẰNG CÁCH NÀO?

Tôi thường nói chuyện với những người luôn lập danh sách “Có những gì” của họ và tự hỏi: “Mình đã đến đây bằng cách nào nhỉ”. Chúng ta đều bắt đầu cuộc sống trưởng thành của mình với những dự định trong đầu khi mình 30,40,50 hoặc 60 tuổi. Rồi chúng ta đến tuổi đó và nghĩ: “Mình nghĩ nó phải khác cơ. Nó không giống mình tưởng tượng”. Nhiều lúc việc này tốt ở chỗ chúng ta đã đạt được nhiều hơn mơ ước của mình nhưng nhiều lúc khác nó lại tiêu cực. Và ta cảm thấy mình như một con chuột bạch chạy trên chiếc bánh xe vô vọng, miệt mài chạy đua với cuộc sống bộn bề lo toan.

Một người bạn của tôi gặp Janine trong một buổi hội đàm. Câu đầu tiên cô ấy nói là: “Tôi không biết làm thế nào thoát ra khỏi cuộc sống giống như của mẹ tôi cả! Tôi đã cố gắng học hành, đỗ tú tài, kết hôn và sinh con. Nhưng bây giờ, 15 năm sau, tôi cảm thấy như mình chỉ là một người hầu, người nội trợ, người đến sau. Ngày trước tôi từng có ý nghĩ tiêu cực về cuộc sống của mẹ mình vì thấy bà suốt ngày chỉ lúi húi trong bếp. Bây giờ tôi cảm thấy như mình đang sống chính đời sống đó”

Sao việc này lại xảy ra? Bạn cần nhận ra rằng cuộc sống của mình hiện nay đang bị ảnh hưởng từ người khác, cũng như những trải nghiệm và lựa chọn của bạn trong quá khứ. Khi còn là một đứa trẻ, bạn được ảnh hưởng từ thầy cô giáo, bạn bè và những người thân khác như ông bà, cha mẹ, hay những nơi bạn thường lui tới như nhà thờ, câu lạc bộ, trường học. Một trong những cuốn sách hay mà tôi từng được đọc khi nuôi dạy con cái mình có tên là “Children are Wet Cement (Tạm dịch: Trẻ em là xi măng lỏng) của Anne Ortlund. Hình ảnh so sánh trẻ em với xi măng lỏng cho thấy trẻ em có thể ghi dấu ấn dễ dàng và sâu đậm tới mức độ nào.

Những người thân thuộc cũng như những người xung quanh, địa điểm sống và những trải nghiệm trong cuộc sống của bản thân mỗi người đã tạo nên con người chúng ta ngày hôm nay. Không ai sống một cuộc sống hoàn toàn tách biệt khỏi những ảnh hưởng này. Bây giờ là thời điểm để xem xét những ảnh hưởng đó và điều chỉnh cho phù hợp.

Jim Rohn cho rằng mỗi người chúng ta là tổng hợp của 5 người mà ta thường hay chơi cùng nhất. Khi chúng ta dồn sự tập trung vào những người đó thì những quan sát, thái độ cũng như ý kiến của người đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chúng ta. Ông khuyên chúng ta nên suy nghĩ về những ảnh hưởng của người khác tới mình qua những khía cạnh sau:

  1. Hủy kết bạn: Đây là việc khó khăn nhất, nhưng nhiều lúc lại cần thiết nhất. Bằng việc tự quyết định những gì mình muốn trong cuộc đời, bạn sẽ có thể làm sáng tỏ những ảnh hưởng của người khác đến bạn. Nếu cứ giao du với người đó thì những ước mơ, hoài bão và mục tiêu của bạn có chịu ảnh hưởng từ người đó không? Trong hầu hết trường hợp hủy kết bạn thì câu trả lời sẽ là một từ “không” quyết đoán. Nhưng đây cũng là thời điểm bạn phải xem điều gì là quan trọng nhất: giao du với người này hay tiếp tục cuộc hành trình đến đẳng cấp mới.
  2. Hạn chế giao du: Tiêu chí này dành cho những người mà bạn có thể dành ra cho họ 5 phút hoặc thậm chí là 5 tiếng, nhưng chắc chắn không phải là năm ngày và CÀNG không phải là 5 tuần! Khi bạn nghĩ về thời gian như một sự đầu tư, đây là tiêu chí mà bạn phải “cân nhắc” lại khoản đầu tư của mình.
  3. Mở rộng giao du: Đây là phần đáng mơ ước đối với bạn. Trên cơ sở những phương diện nào đó trong cuộc đời mà bạn cần củng cố, hãy tìm những người có thể hỗ trợ bạn hay là minh chứng cho thành công của bạn ở phương diện đó. Thành công rất đơn giản, chỉ cần có mục tiêu là bạn có thể đạt tới đẳng cấp tiếp theo. Những người mẫu mực có thể giúp bạn tìm ra mục tiêu này. Hãy ở bên những người thành công trong một số lĩnh vực nào đó của cuộc sống và học hỏi từ họ. Hãy tìm hiểu về lối sống và cách họ phân bố thời gian để học hỏi. Hãy thử đến những câu lạc bộ, tổ chức, hay nhóm mà họ hay lui tới để tìm tòi. Khi thực hiện những việc đó, bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy mình đang tiến đến đẳng cấp mình mong muốn.
 

Hành động

Hãy phân loại những ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.

Hãy liệt kê những người mà bạn:

  1. Phải hủy kết bạn (từ chối giao du)
  2. Hạn chế giao du (dành ít thời gian)
  3. Mở rộng giao du (đầu tư nhiều thời gian hơn)

Hãy nhìn vào danh sách mở rộng giao du của bạn và đưa ra một vài cách để bạn có thể tận hưởng thành công từ việc giao du với những người này.

 

Phản chiếu mỗi ngày

Bây giờ, trước khi đi ngủ, hãy kiểm lại danh sách biết ơn và nhìn lại những thành tựu và kiến thức mình đạt được trong ngày và hình dung bạn đang ở đẳng cấp mới. Ngày mai là một ngày mới, tràn ngập cơ hội mới. Khi bạn chìm vào giấc ngủ tối nay, hãy mường tượng hình ảnh về một ngày mai tuyệt vời.

 

Ngày thứ 13: Chấp nhận “cái gì”

“Bắt đầu ngày mới bằng lòng biết ơn”

Trong cuốn vở ghi bài tập Cuộc sống đẳng cấp, hãy viết…

10 điều tôi cảm thấy biết ơn ngày hôm nay…

Trong cuốn truyện tranh The Family Circus, có một nhân vật nhỏ có tên là Không Phải Tôi – nhân vật này suốt ngày tìm cách chạy thoát khỏi những vụ gây rối do những đứa trẻ trong gia đình gây ra. Không Phải Tôi trở thành biểu tượng trong câu nói cửa miệng của một đứa trẻ có tội khi bị người lớn mắng: “Ai làm việc này?” – “Không Phải Con!”

Khi thực hiện chuyến hành trình ngày hôm nay, hãy nghĩ về vai trò của “Không phải tôi” và người bạn “Không phải lỗi của tôi” trong cuộc đời bạn.

Không phải lỗi của tôi nếu tôi không có một công việc tốt, không phải lỗi của tôi nếu tôi không hạnh phúc, không phải lỗi của tôi nếu tôi có một cuộc sống không được như mong đợi… Câu hỏi là: nếu không phải bạn, thì là ai?

 

Bài học sống đẳng cấp
CHẤP NHẬN “CÁI GÌ”

Một khi bạn đã tìm ra “cái gì” trong cuộc sống, hãy xem lại danh sách đó và chịu trách nhiệm đối với mỗi điều bạn ghi trong danh sách. Thế nghĩa là bạn không đổ lỗi cho người khác, không than thân trách phận và không phủ nhận những điều đó. Bạn đã tạo lập cuộc sống của mình dựa trên những sự lựa chọn. Tất cả những người đã ảnh hưởng đến bạn đều không bắt bạn phải chọn lựa những gì mình đã chọn đến thời điểm này. Tất cả những lựa chọn đó đều là của bạn. Đối với tất cả chúng ta, một số được coi là đúng đắn còn một số được coi là những “bài học cuộc sống”. Dù sao thì bạn cũng đã chọn lựa rồi.

Như tôi đã phân tích ở trên, tất nhiên có những tình huống ngoài tầm kiểm soát của bạn, điều này đúng, nhưng bạn vẫn có thể chọn lựa cách giải quyết cho những tình huống này. Với một sự việc nào đó, 10% ngoài tầm kiểm soát của bạn, còn 90% là cách xử lý của bạn đối với sự việc đó.

Kể cả bạn có lâm vào tình huống nào đi nữa, vẫn có những lựa chọn mà chỉ có bạn mới có thể thực thi. Nếu bạn bắt đầu bằng câu: “Nhưng tôi không thể”, nghĩa là bạn đang chọn lựa từ chối trách nhiệm với cuộc sống của mình. Bạn chỉ có thể tiến xa hơn nếu bạn có thể chấp nhận trách nhiệm đó.

Thật là lạ khi đôi lúc chúng ta không hề hay biết mình đã đổ lỗi cho người khác như thế nào. Bây giờ là lúc nhìn lại những gì mình đang làm, những gì đang diễn ra hiện tại như hệ quả của những chọn lựa trước đây và quyết định hành động để sửa chữa chúng. Hãy tìm hiểu và chấp nhận thực tại, vì bạn tạo ra nó. Hôm nay là ngày để tuyên bố: “Phải hành động thôi!”

 

Hành động

Ba việc mà bạn thường đổ lỗi cho người khác là gì? Hãy dành một vài phút để nghĩ về việc bạn đã đổ lỗi cho những ai, như thế nào và hiện tại bạn còn đổ lỗi cho ai không. Viết chúng ra một tờ giấy. Khi suy ngẫm về chúng có thể bạn thấy rất khó khăn và có cảm giác xấu hổ nữa. Nhưng hãy nhớ rằng ở giai đoạn này của chuyến hành trình, bạn đừng nên chia sẻ danh sách này cho bất kì ai cả. Nó là của bạn và chỉ bạn thôi. Việc thấu hiểu bản thân mình giúp bạn tiến về phía trước, giúp bạn thể hiện được hết bản thân mình. Hãy nhớ, BẢN THÂN MÌNH chứ không phải ai khác cả!

 

Phản chiếu mỗi ngày

Bây giờ, trước khi đi ngủ, hãy kiểm lại danh sách biết ơn và nhìn lại những thành tựu và kiến thức mình đạt được trong ngày, và hình dung bạn đang ở đẳng cấp mới. Ngày mai là một ngày mới, tràn ngập cơ hội mới. Khi bạn chìm vào giấc ngủ tối nay, hãy mường tượng hình ảnh về một ngày mai tuyệt vời.

 

Ngày thứ 14: Nhận ra rằng bạn xứng đáng có một cuộc sống tuyệt vời

“Bắt đầu ngày mới bằng lòng biết ơn”

Trong cuốn vở ghi bài tập Cuộc sống đẳng cấp của bạn, hãy viết…

10 điều tôi cảm thấy biết ơn nhất ngày hôm nay…

Hãy nghĩ ra 10 điều bạn cảm thấy biết ơn bản thân mình nhất.

 

Bài học sống đẳng cấp
BẠN XỨNG ĐÁNG CÓ MỘT CUỘC SỐNG TUYỆT VỜI

Tôi đã nói rằng, “cái gì” là thứ không phải để đem ra đánh giá, mà là để chấp nhận, không đổ lỗi, phàn nàn, hay suy nghĩ sai lệch cho ai và về ai. Đúng vậy, mọi người đều xứng đáng được hưởng cuộc sống tuyệt vời, mặc dù chúng ta không được coi đó là một thứ quyền lợi phải có. Chúng ta phải phấn đấu để đạt được nó bằng cách chuyển từ “cái gì” sang “cái có thể là gì”.

Khi còn trẻ, tôi đã đưa ra một quyết định mà nhiều năm sau tôi nhận thấy đó là một sai lầm nghiêm trọng. Tôi từng cảm thấy, những thành viên trong gia đình và bạn bè có những ý nghĩ tiêu cực về mình, về những lựa chọn sai lầm của mình. Đến bây giờ, khi nhìn lại, tôi nhận ra, những lựa chọn đó một phần làm nên con người tôi hôm nay. Khi xảy ra một điều gì đó tiêu cực, tôi lại như nghe được tiếng nói rõ ràng từ trong tâm khảm câu hỏi: “Mình đã thực sự trông chờ điều gì”. Dường như để vượt lên bản thân mình hiện tại và mơ ước về một cuộc sống mới là quá cao ngoài tầm với. Và đến bây giờ tôi cũng hiểu ra, để đạt được cuộc sống mà mình hằng mơ ước – một cuộc sống tuyệt diệu – tôi cần phải tin rằng tôi xứng đáng có được nó, và nó là hoàn toàn có thể.

Liên tục trong suốt nhiều năm ròng, tôi luôn hành hạ bản thân mình về những nỗi buồn quá khứ (thứ “tiếng nói nội tâm” tiêu cực đáng ghét). Và nhiều người cũng có tâm trạng giống tôi. Họ nghĩ rằng mọi người nghĩ về họ một cách tiêu cực (với bất kì lý do gì, đầu óc họ luôn buộc họ phải tin là như vậy), và họ tự ti khi nghĩ về mình. Nếu bạn đánh giá mình thấp, bạn sẽ chỉ “lảng vảng” ở quanh nơi mình đang sống. Còn nếu kì vọng của bạn cao, và bạn biết làm bạn với những “tiếng nói nội tâm” tích cực để cố gắng vươn xa hơn nữa, cuộc sống đẳng cấp sẽ đến với bạn trước cả khi bạn nhận ra.

 

Hành động

Cách chúng ta nhìn nhận về bản thân mình là một phần của hình ảnh mà chúng ta mường tượng về bản thân. Hình ảnh này được hình thành trong suốt cuộc đời và ăn sâu vào tâm khảm ta. Hình ảnh này ảnh hưởng đến cách chúng ta tương tác với người xung quanh. Có lúc, việc nhìn nhận bản thân một cách tổng thể và không thiên kiến là rất khó khăn. Tuy nhiên nhiều lúc, việc nhìn nhận những hành vi đang lặp đi lặp lại mỗi ngày sẽ giúp bạn phát hiện ra những vấn đề và giải quyết chúng.

Những điều tiêu cực mà bạn hay tự vấn bản thân mình là gì? Hãy lập ra một danh sách những “tiếng nói nội tâm” tiêu cực, sau đó hãy viết ra những tiếng nói nội tâm TÍCH CỰC mà bạn muốn thay thế vào. Chúng sẽ giúp bạn tiến về phía trước.

 

Phản chiếu mỗi ngày

Bây giờ, trước khi đi ngủ, hãy kiểm lại danh sách biết ơn và nhìn lại những thành tựu và kiến thức mình đạt được trong ngày, và hình dung bạn đang ở đẳng cấp mới. Hãy tận hưởng cảm giác tiến lên phía trước bằng việc thay đổi, tu sửa và làm mới cuộc sống của mình. Ngày mai là một ngày mới, tràn ngập cơ hội mới. Khi bạn chìm vào giấc ngủ tối nay, hãy mường tượng hình ảnh về một ngày mai tuyệt vời.

 

Ngày thứ 15: Biết mình biết ta

“Bắt đầu ngày mới bằng lòng biết ơn”

Trong cuốn vở ghi bài tập Cuộc sống đẳng cấp của bạn, hãy viết…

10 điều tôi cảm thấy biết ơn ngày hôm nay…

Chúng ta biết mình đang ở đâu, nhưng không biết mình có thể đạt được tới đâu

(William Shakespeare)

 

Bài học sống đẳng cấp
BIẾT MÌNH BIẾT TA

Bất kì ai chưa biết tự đánh giá cuộc sống của mình đều hiểu rằng làm điều đó rất khó. Bạn đã bao giờ nhìn vào chuỗi hành vi của mình và ngạc nhiên khi thấy nó cứ lặp đi lặp lại, bạn sẽ hiểu cảm giác này. Nếu kết quả của một việc cứ lặp đi lặp lại thì ta phải tìm đến tận cùng chân tướng sự việc đó. Chẳng hạn, bạn đã bị vỡ nợ và tự nhủ với bản thân mình là sẽ không bao giờ lâm vào tình trạng đó nữa, nhưng rốt cục bạn lại gặp phải trường hợp tương tự, ngập đầu trong nợ nần chỉ vài tháng sau. Tôi cũng đã trò chuyện với một số người luôn gặp trắc trở trong những mối quan hệ. Rất nhiều người than phiền với tôi: “Giống như việc tôi cứ hẹn hò hết lần này đến hết lần khác với cùng một người. Tôi luôn nghĩ rằng lần sau sẽ khác, nhưng cuối cùng cũng vậy thôi”.

Một phần rất quan trọng để đạt tới đẳng cấp mới trong cuộc sống là hiểu chính bản thân mình và người xung quanh một cách tường tận. Bạn càng hiểu được bạn là ai và tại sao lại đưa ra những lựa chọn thực tại thì bạn có thể xác định được lúc nào, ở đâu và làm thế nào để có thể thay đổi hành vi của mình theo một hướng tích cực hơn.

 

Kiểu mẫu hành vi

Kiểu mẫu hành vi đóng vai trò như một dấu hiệu để chỉ ra điểm mạnh và điểm yếu của bạn (“những hạn chế” theo cách gọi của tôi). Chúng được chia thành bốn tiêu chí: có tầm ảnh hưởng, chủ chốt, ổn định và sắc sảo. Việc nghiên cứu những kiểu mẫu thói quen này có từ thời Hippocrates (nhà vật lý học nổi tiếng vào năm 400 trước công nguyên). Từ lúc đó, người ta đã sử dụng những tiêu chí này để khám chữa bệnh về hành vi. Hiện nay, chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng bốn tiêu chí này.

Một cách đánh giá hành vi phổ biến tôi thường áp dụng cho những lớp học và khóa tập huấn kinh doanh của mình là DISC − điểm mấu chốt của con người (gọi tắt là DISC). Phương pháp này tập trung vào bốn tiêu chí trên và tạo lập một nền móng giúp phát triển khả năng giao tiếp và năng suất làm việc. Hệ thống DISC cũng giúp đánh giá khả năng làm việc nhóm của bạn và đánh giá những giá trị thật cũng như những suy nghĩ nội tâm thúc đẩy bạn. Nếu bạn chưa bao giờ tham gia bài đánh giá trên, nó sẽ là điểm khởi đầu để đánh giá tính cách của bạn.

Bài đánh giá này sẽ phân loại bạn dựa trên bốn tiêu chí: có tầm ảnh hưởng, chủ chốt, ổn định, và sắc sảo. Và bạn xem mình sẽ phù hợp với những tiêu chí nào nhất. Vì mỗi người sẽ có nhiều kiểu tính cách khác nhau chứ không phải chỉ một kiểu nên bạn có thể xem mình là tổng hòa của những kiểu tính cách nào nhất và chúng sẽ đem lại lợi ích cho bạn như thế nào.

 

Hành vi bộc lộ qua 4 kiểu tính cách

 

Chủ chốt/ Thẳng thắn

Những người thuộc kiểu tính cách chủ chốt là những người “của công việc”. Họ luôn quan tâm đến nhiệm vụ được giao và rất hoạt bát. Ưu điểm của những người có kiểu tính cách này là họ độc lập, cứng rắn và thẳng thắn. Họ là những người can đảm, bận rộn và rất sung sức. Về mặt nhược điểm, có thể họ đòi hỏi từ người khác quá nhiều và thường chỉ chú trọng đến mục tiêu của bản thân hơn là của người khác. Những người này có thể trở nên khá chuyên quyền và độc đoán, tùy theo cách nhìn của bạn. Họ chắc chắn sẽ hoàn thành công việc, nhưng nhiều lúc họ chà đạp lên người khác để làm được điều đó. Nhiều CEO, doanh nhân và vận động viên chuyên nghiệp sở hữu tính cách này.

 

Có tầm ảnh hưởng/ Lạc quan

Cụm từ “có tầm ảnh hưởng” có vẻ hơi trừu tượng, nhưng kiểu tư duy này thường hướng bạn đến với sự “sáng tạo” và “hoạt ngôn”. Những người có kiểu tư duy này thường dễ giao du và có rất nhiều bạn. Họ tập trung vào con người hơn là nhiệm vụ đề ra. Họ rất lạc quan và hướng tới tương lai. Sự thực là, những người này rất thú vị! Tuy vậy, họ không có kĩ năng kiểm soát thời gian. Và nếu một trong những người bạn hoặc họ hàng của bạn có kiểu tính cách này, bạn sẽ thường xuyên thấy họ đến trễ − ngay cả trong đám cưới của chính mình! Rất nhiều họa sĩ, người tiếp thị hay nhân viên bán hàng có kiểu tính cách này.

 

Ổn định/ Nhiệt tình

Kiểu người này thường “giấu mình” và âm thầm làm bệ đỡ vững chãi cho người khác. Họ thích sống trong yên bình, ngăn nắp và tìm kiếm các giải pháp. Họ là những bờ vai vững chắc để có thể dựa vào và bày tỏ tâm tình. Họ có ít bạn bè, nhưng những mối quan hệ của họ bền chặt. Mặt khác, kiểu người này hay ngại ngùng và khó chấp nhận sự đổi thay. Người có kiểu tính cách này thường là những người tư vấn, làm công việc chăm sóc sức khỏe, làm quản lý hoặc những công việc hỗ trợ khác.

 

Sắc sảo/ Đúng đắn

Kiểu người này theo trường phái hoàn thiện. Họ là những người tư duy sắc sảo và luôn tìm ra chân lý trong mọi tình huống. Những người thuộc kiểu này có tính kỉ luật và tuân thủ nguyên tắc sát sao. Họ sống rất kín đáo, ít bạn bè thân tín. Đôi lúc, kiểu tính cách này được coi là lạnh lùng và sắc lẹm. Bởi họ không phô diễn cảm xúc của mình như những người khác và rất khép mình, không chia sẻ chuyện riêng tư của mình với người khác.

Từ bốn tiêu chí trên, chúng ta có thể tóm lược tổng quan như sau:

 

Có thể bạn đang nghĩ: Ồ, thì sao chứ, một bảng biểu khai sinh từ 400 năm trước công nguyên thì có dính dáng gì đến những thay đổi hành vi của mình và cách mình tương tác với người khác? Có thể không dính dáng trực tiếp đến bạn nhưng nó lại hỗ trợ bạn trong việc xác định cách sống của mình cũng như của những người xung quanh. Chúng ta thường kết thân với những người có thể giúp chúng ta cân bằng bản thân mình. Nếu bạn là một người thuộc kiểu tính cách Chủ chốt hoặc Có tầm ảnh hưởng, bạn thường sẽ có một người bạn đời hoặc một người bạn thân có kiểu tính cách trái ngược. Việc này giúp bạn cân bằng nhưng cũng dễ xảy ra mâu thuẫn hơn.

Tôi có một người khách hàng tên là Marta. Cô ấy có tính cách của kiểu người Chủ chốt. Cô có thể làm gần như tất cả mọi dự án từ “A đến Z” trơn tru và hiệu quả. Người đồng nghiệp của cô ấy, Susan, thì khá là khác biệt.

Susan là một người rất sáng tạo và cô làm cho Marta đôi lúc phát điên lên vì quá lộn xộn và không bao giờ đi họp đúng giờ! Nhưng mối quan hệ của họ vẫn tốt đẹp. Tôi hỏi Marta làm thế nào mà mối quan hệ của họ lại giữ được như vậy.

Nhiều năm trước đây, tôi có một người đồng nghiệp phụ trách một công việc khác và mối quan hệ giữa chúng tôi bất thành. Cô ấy có tính cách giống hệt Susan và nó làm tôi phát điên.

Tôi cứ hi vọng người đồng nghiệp của mình sẽ thay đổi để yêu quý tôi hơn, nhưng cô ấy không thể chịu được áp lực và những vấn đề nảy sinh trong công việc.

Sau khi mối quan hệ đó rạn nứt, tôi nhận ra rằng mình đã bỏ lỡ việc vận dụng trí sáng tạo tuyệt vời và năng lượng tích cực của người bạn gái ấy trong công việc. Tôi phải chịu trách nhiệm về việc tại sao mình không thể hợp tác với kiểu tính cách đó. Và rồi, tôi đã biết cách chọn lọc những điểm tốt và quên đi những điểm xấu từ tính cách của người bạn gái của mình.

Khi bắt đầu công việc hiện tại, tôi cần một người có tư duy lạc quan và trí sáng tạo bay bổng. Người đồng nghiệp mới của tôi, Susan, có được những phẩm chất đáng quý này nhưng cùng lúc đó cũng làm tôi tức điên lên vì cô ấy thường đến muộn 15 phút trong mỗi công việc.

Tính sáng tạo mà Susan vận dụng trong việc kinh doanh của chúng tôi là vô cùng cần thiết. Tôi luôn chú trọng gìn giữ tình đồng nghiệp giữa tôi và cô ấy. Với DISC, chúng ta đã biết làm thế nào để giao tiếp tốt hơn nhằm đạt được kết quả mong muốn.

Góc nhìn chân thực của Marta cho thấy lợi ích rất lớn của việc học cách làm việc với những người có tính cách khác nhau và chú trọng vào những ưu điểm của họ để cân bằng những nhược điểm.

Việc này có thể giúp bạn gắn kết những mối quan hệ thêm bền chặt. Bạn có thể cải thiện cuộc sống của mình hoàn toàn nhờ vào một vài mẹo nhỏ giúp kết thân với những kiểu tính cách khác chứ không phải chống lại chúng.

 

Một vài mẹo nhỏ

Với kiểu người Chủ chốt/ Thẳng thắn

Nếu bạn đang kết thân với một người có kiểu tính cách chủ chốt (và bạn có một kiểu tính cách khác), thay vì trở nên lúng túng và bối rối, hãy cố gắng tìm hiểu xem điều gì là động lực của họ và xuất phát điểm của họ là gì. Chẳng hạn, trong cuộc trò chuyện, hãy đề cập thẳng vào những vấn đề chủ đạo và đừng bàn đến những người liên quan đến vấn đề đó. Nói chuyện về người khác trước mặt người thuộc kiểu người này có thể làm cho họ nghĩ rằng bạn quá “sến” và mối quan hệ sẽ khó thành công. Hãy nhớ, những người có tính cách này là những người “liệt kê”. Họ muốn sự thật, không thích vòng vo và muốn tìm hiểu cách bạn có thể giúp họ đạt được những gì họ mong muốn mà gặp ít trở ngại nhất. Họ muốn thành công, họ muốn chiếm lĩnh, vậy hãy cho họ thấy làm thế nào bạn có thể giúp được họ.

 

Với kiểu người Có tầm ảnh hưởng/ Lạc quan

Những người có tầm ảnh hưởng quan tâm đến yếu tố con người nhiều hơn. Họ không thích nói thẳng sự thật mà phải tán gẫu chút đã. Họ cần được khuyến khích và động viên để có thể hoàn thành nhiệm vụ. Kiểu người này muốn hoàn thành mục tiêu trước mắt hơn là quan tâm đến bức tranh toàn cảnh. Họ cần bạn lắng nghe, nhưng sự kiên nhẫn của bạn sẽ được đền đáp. Hãy biết trước rằng họ không ngăn nắp gọn gàng, và đừng đặt kì vọng vào điều này, như cách Marta ứng xử với cô đồng nghiệp đầu tiên. Với sự tận tình, hãy tiếp cận kiểu tính cách này, chấp nhận cũng như thấu hiểu những gì phù hợp với nó.

 

Kiểu người Ổn định/ Nhiệt tình

Những người ổn định có thể rất cứng đầu trước sự thay đổi. Trước bất kì tình huống nào yêu cầu kiểu người này phải thay đổi hành vi hoặc suy nghĩ, họ đều tiếp cận một cách rất thận trọng. Họ cần người khác chú ý đến mình và không mong muốn những mối quan hệ chớp nhoáng. Họ không muốn bị thúc giục hoặc đùn đẩy làm một việc gì đó ngay lập tức. Sự kiên nhẫn là cần thiết để họ có thể thấm nhuần tư tưởng đổi thay trước khi chúng thực sự diễn ra. Đó cũng là cách tốt nhất giúp họ có được những ý tưởng mới. Những người này đối xử tốt với người biết trân trọng những tài năng và thành quả của họ.

 

Kiểu người Sắc sảo/ Đúng đắn

Những người sắc sảo thường không thích sự bất ngờ! Thế giới của họ là thế giới của những thói quen và họ thường không thích những tình huống nằm ngoài dự tính. Khi muốn kết thân với kiểu người này, bạn phải trình bày những hiểu biết thực tế và hãy chuẩn bị tinh thần là họ sẽ không chấp nhận một điều gì đó mà không có luận cứ rõ ràng. Nếu bạn xung đột với họ, hãy thẳng thắn và tập trung vào việc phân tích những thông tin thay vì biểu lộ cảm xúc. Với kiểu người này, bạn cần phải cứng rắn, có tính thuyết phục và kiên nhẫn.

Nếu bạn cần giúp đỡ trong việc kết thân với mỗi kiểu hành vi trên hay muốn làm bài đánh giá hãy liên hệ với chúng tôi qua đường link: [email protected] và chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn. Mấu chốt ở đây là bạn phải tìm ra những cách để học hỏi nhiều hơn về bản thân mình.

Một khi bạn đã hiểu cặn kẽ về kiểu tính cách cũng như thói quen của mình, bạn có thể bắt đầu tạo ra những thay đổi về hành vi cũng như cách ứng xử và giao tiếp với người khác. Đây là bước tiếp theo trong tiến trình đến với Cuộc sống đẳng cấp cũng như một bước ngoặt nhằm giúp bạn có được những trải nghiệm tổng thể tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Kiến thức này cũng giúp bạn dễ dàng hơn trong việc chấp nhận người khác cùng những ưu, nhược điểm trong tính cách của họ, cùng lúc đó cũng dễ dàng chấp nhận chính bản thân bạn hơn!

 

Hành động

Để hiểu bản thân mình hơn, bạn phải làm rõ những điểm mạnh cũng như những gì mình còn đang gặp khó khăn. Tôi thường hay khuyên khách hàng của mình nên tăng cường khai thác những thế mạnh và kiểm soát những điểm yếu của mình. Một số người làm công tác tập huấn phát triển bản thân nói rằng bạn chỉ cần tập trung vào điểm mạnh thôi vì nghĩ nhiều về những điểm yếu sẽ làm bạn lún sâu hơn vào chúng và dần dà những ưu điểm sẽ bị thui chột. Điều này chỉ đúng một phần. Điều tôi muốn nói đến ở đây là việc nhận ra vấn đề nằm ở đâu và tập trung vào những giải pháp để giải quyết vấn đề đó và cải thiện cuộc sống. Bạn không nên quá lún sâu vào vấn đề, chỉ tập trung vào giải pháp thôi. Tuy nhiên, bạn sẽ không bao giờ tìm ra giải pháp nếu bạn không nhận ra căn nguyên của vấn đề.

Hãy dành thời gian viết ra ba điểm mạnh nhất và ba điểm yếu nhất của bạn. Bạn sẽ làm gì để phát triển những điểm mạnh và kiểm soát những điểm yếu đó?

 

Phản chiếu mỗi ngày

Bây giờ, trước khi đi ngủ, hãy kiểm lại danh sách biết ơn và nhìn lại những thành tựu và kiến thức mình đạt được trong ngày và hình dung bạn về đẳng cấp mới. Ngày mai là một ngày mới, tràn ngập cơ hội mới. Khi bạn chìm vào giấc ngủ tối nay, hãy mường tượng hình ảnh về một ngày mai tuyệt vời.

Ngày thứ 16: Nhìn nhận bản thân một cách đa chiều

“Bắt đầu ngày mới bằng lòng biết ơn”

Trong cuốn vở ghi bài tập Cuộc sống đẳng cấp của bạn, hãy viết…

10 điều bạn biết ơn ngày hôm nay…

Bạn mường tượng mình sẽ như thế nào sau 5 năm. Đó là một câu hỏi thường gặp khi xin việc. Tuy nhiên, ai trong chúng ta đã thực sự suy ngẫm về nó và tìm ra câu trả lời ở mọi khía cạnh của cuộc sống, từ công việc, các mối quan hệ đến đời sống tâm linh chưa? Hôm nay, ngày thứ 16 của cuộc hành trình, bạn sẽ có cơ hội và công cụ để mường tượng bạn đến với đẳng cấp tiếp theo trong cuộc sống.

 

Bài học sống đẳng cấp
SỐNG ĐA CHIỀU

Bạn có phải là một ngôi sao nhạc rock? Hay chỉ là một hòn đá thôi? Tôi tin rằng mỗi chúng ta đều là một hòn đá, nhưng là hòn đá đẹp nhất: kim cương! Giống như viên kim cương có nhiều mặt, cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Chúng ta có thể nhìn nhận bản thân từ nhiều hướng khác nhau bởi chúng ta ngày hôm nay được cấu thành từ vô vàn yếu tố. Để có thể trở thành viên kim cương “sáng lóa” chúng ta phải thực sự dấn thân vào mọi mặt trong cuộc sống của mình. Tất nhiên sẽ có những lúc có một số yếu tố bị lãng quên và chưa thực sự được đề cập đến. Nó thực sự chỉ bị ảnh hưởng khi bạn biết mình đang ở đâu trong cuộc đời mình. Quan trọng hơn cả là bạn phải nhận ra rằng mỗi yếu tố đó đều quan trọng để bạn thực sự sống trọn vẹn và hạnh phúc.

Trong những lớp học sống đẳng cấp của tôi, tôi dạy học viên phải tập trung vào tám yếu tố chính trong cuộc sống. Vào ngày thứ 11 của cuộc hành trình, bạn đã được tiếp xúc với những yếu tố này và bắt đầu xem xét “Điều gì” đúng đối với những yếu tố đó. Tám yếu tố bao gồm: Phát triển bản thân, Sức khỏe, Những mối quan hệ, Tài chính, Sự nghiệp/Công việc/Trường lớp, Tâm linh, Giải trí và Cộng đồng.

Khi tự xem xét lại cuộc sống của mình và tự coi mình như viên kim cương, tôi muốn bạn nhớ rằng mọi sự có thể khác đi. Nhờ đó, bạn có thể đưa cuộc sống của mình lên tới đẳng cấp khác.

Vì bạn đã hoàn thành chuỗi câu hỏi “Cái gì”, bạn có một bệ phóng để tiến về phía trước. Nên hãy tự hỏi mình, “Khi nào thì bạn có thể đạt được điều mình mong muốn và điều đó là gì”?. Hãy đặt khoảng thời gian trong vòng từ 5 đến 20 năm tới và tự hỏi mình 2 câu hỏi sau đây:

  1. “Nếu bạn cứ đi trên cùng một cung đường bạn đang đi bây giờ và làm mọi việc giống hệt bây giờ thì cuộc đời bạn sẽ ra sao trong tương lai? Không chỉ xét khía cạnh nghề nghiệp và tài chính, bạn sẽ trở thành một con người như thế nào”?
  2. “Bạn muốn đạt được tới điều gì trong 5 năm, 10 năm, 20 năm nữa”?

Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, con người chúng ta thường không dành nhiều thời gian suy ngẫm về những câu hỏi trên, nhưng Henry David Thoreau đã nói: “Trong một tiến trình dài, chúng ta chỉ có thể đạt được mục tiêu nếu đã mường tượng ra nó”. Bạn phải hoàn toàn rõ ràng về mục tiêu của mình thì mới có thể đạt được những gì mình mong muốn.

 

Hành động

Bạn muốn những yếu tố sau của cuộc sống sẽ trở nên như thế nào sau 5, 10 hay 20 năm nữa?

  1. Phát triển bản thân
  2. Sức khỏe
  3. Những mối quan hệ
  4. Tài chính
  5. Kinh doanh/ Công việc/ Trường lớp
  6. Tâm linh
  7. Giải trí
  8. Cộng đồng
 

Phản chiếu mỗi ngày

Bây giờ, trước khi đi ngủ, hãy kiểm lại danh sách biết ơn và nhìn lại những thành tựu và kiến thức mình đạt được trong ngày, và hình dung bạn đang ở đẳng cấp mới. Ngày mai là một ngày mới, tràn ngập cơ hội mới. Khi bạn chìm vào giấc ngủ tối nay, hãy mường tượng hình ảnh về một ngày mai tuyệt vời.

 

Châu báu cho chuyến hành trình
SỨC MẠNH CỦA NGÔN TỪ

Chúng ta đang chu du trên những cung đường của chuyến hành trình sống đẳng cấp mà sức mạnh đặc biệt của ngôn từ có thể thay đổi hoàn toàn suy nghĩ, định kiến và những dự định trong cuộc sống. Những bài học và bài tập tiếp theo sẽ tập trung phân tích rằng những ngôn từ bạn lựa chọn để nói về mục tiêu của mình sẽ quyết định sự thành bại của mục tiêu đó.

Ngôn từ có năng lượng vô cùng lớn. Ngôn từ có thể nâng tầm chúng ta lên và là nguồn cảm hứng bất tận, nhưng chúng cũng có thể giằng xé và làm tổn thương tâm hồn ta. Những ngôn từ và câu chữ gây đau đớn nhất là những lời chúng ta tự chỉ trích bản thân mình. Mỗi người chúng ta đều biết được những thất bại và điểm yếu của mình, nên việc tự chỉ trích bản thân mình một cách nặng nề là hoàn toàn dễ hiểu. Nhiều lúc, thứ duy nhất cản trở giữa một “bạn” hiện tại và một “bạn” lý tưởng chính là những gì bạn tự nói về bản thân mình. Không ai có thể hiểu hết tiềm năng của bạn và những gì bạn có thể đạt được, trong đó có cả chính bản thân bạn nữa. Bạn không thể biết được mình có thể đi xa tới đâu nếu mình không cố gắng, nhưng nhiều lúc những lời nói sâu cay mà bạn tự “bơm” vào đầu mình làm bạn chỉ có thể ở lại với thực tại và không thể tiến xa hơn nữa. Đừng để ngôn từ trở thành kẻ thù không đội trời chung của mình. Chúng nên là người bạn tri kỉ của bạn và cùng bạn tiến bước đến đỉnh cao chói lọi.

Bây giờ là lúc để đến với ngày tiếp theo của Cuộc sống đẳng cấp!

 

Ngày thứ 17: Tạo ra những mục tiêu thông minh và phát hiện “tại sao”

“Bắt đầu ngày mới bằng lòng biết ơn”

Trong cuốn vở ghi bài tập Cuộc sống đẳng cấp, hãy viết…

10 điều tôi cảm thấy biết ơn ngày hôm nay…

Bạn đã bao giờ nhận ra rằng, hồi còn là trẻ nhỏ, chúng ta thường tự đặt ra mục tiêu cho mình – chơi một trò chơi sau giờ học, làm hay hoàn thành một việc gì đó vào dịp sinh nhật, xây một pháo đài vào mùa hè…? Vậy thì tại sao khi ta trưởng thành hơn, từ “mục tiêu” lại trở nên đáng sợ và xa vời đến vậy? Theo quan điểm của tôi, đó là bởi vì ở một giai đoạn nào đó, chúng ta không còn thấy những việc thú vị thực sự hay ho và đáng làm nữa. Chúng ta đang tự kìm hãm bản thân mình! Trong bài học ngày hôm nay, tôi muốn bạn tự khắc cốt ghi tâm những lời này – những điều thú vị thì sẽ mãi mãi thú vị.

 

Bài học sống đẳng cấp
TẠO RA NHỮNG MỤC TIÊU THÔNG MINH VÀ TÌM CÂU HỎI “TẠI SAO” SAU CHÚNG

Khi bạn đã có tầm nhìn hướng đến tương lai trong vòng vài năm nữa cũng là lúc bạn lùi lại một chút để đặt ra những mục tiêu rõ ràng cho mỗi khía cạnh trong cuộc sống của bạn.

Đặt ra mục tiêu là một việc ai cũng biết là hữu ích nhưng ít người thực sự dành thời gian cho nó. Mặc dù số liệu đã chứng minh rằng bạn có thể đạt được mục tiêu của mình nhanh và dễ dàng hơn rất nhiều chỉ bằng việc viết chúng ra nhưng chỉ có dưới 10% dân số thế giới làm như vậy. Ghi chú: Nếu bạn là người không thích từ “mục tiêu” hoặc cụm từ “đặt ra mục tiêu”, hãy thay cụm từ ấy bằng những từ khác phù hợp với bạn hơn. Bạn có thể chọn “những thay đổi” hay “những mơ ước”. Đừng để bản thân mình bị ì trệ, không tiến thêm được trong cuộc sống chỉ vì bạn không thích một từ nào đó.

Có xe THÔNG MINH và điện thoại THÔNG MINH nhưng còn những mục tiêu chúng ta tự đặt ra cho mình – những mục tiêu có nguồn năng lượng giúp chúng ta thẳng tiến đến với đẳng cấp mới trong cuộc sống thì sao? Hôm nay, chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc viết ra ít nhất 2 mục tiêu cụ thể mà bạn muốn đạt được trong 1 năm tiếp theo. Khi đặt ra những mục tiêu, bạn hãy nhớ rằng một mục tiêu được gọi là THÔNG MINH khi thỏa mãn 5 – C: Cụ thể, Có thể đo đếm, Có thể vươn tới, Có tính thực tế và Có giới hạn thời gian.

Nếu bạn bắt đầu bằng mảng tài chính trong cuộc sống của mình, bạn cần tập trung vào một mục tiêu tài chính cụ thể. Mục tiêu đó giúp tăng cường khả năng tài chính của bạn chứ không phải chỉ “Mình cần tiền” là xong. Cho dù đây có thể là mục tiêu của bạn nhưng nó cần phải có tính cụ thể. Bạn có thể nói: “Mình sẽ gửi thêm 15.000$ vào sổ tiết kiệm đúng ngày 31 tháng 12” hoặc “Mình sẽ tìm kiếm một công việc trả lương cao hơn bắt đầu từ ngày 1 tháng 5”. Mục tiêu như thế sẽ cho bạn một chỗ dựa rất vững chắc để theo dõi xem mình tiến triển tới đâu. Mục tiêu của bạn cần đủ những tiêu chí “5-C”.

Paige và Katie, đều 16 tuổi, đều “cùng hội cùng thuyền” với nhau từ năm 2006. Tham gia vào các hoạt động thể thao một cách nhiệt tình, học hành chăm chỉ và đạt được điểm A đối với họ chưa phải là tất cả, cả hai đều chuẩn bị cho những mục tiêu lớn hơn.

Vào một buổi chiều đầy nắng năm 2008, cả hai cô gái đã bàn với nhau sẽ tốt nghiệp phổ thông sớm một năm. Lúc đầu việc đó tưởng chừng như không tưởng, nhưng chúng càng nghĩ về việc bắt đầu học đại học sớm vào mùa thu bao nhiêu, chúng càng bị ý tưởng đó thu hút bấy nhiêu. Với sự hào hứng và quyết tâm, chúng tương trợ lẫn nhau và quyết tâm cùng nhau nhận bằng tốt nghiệp vào ngày 4 tháng 6 năm 2008, sớm hơn 1 năm so với bình thường.

Quá trình gặp gỡ giáo viên, chuyên viên hỗ trợ và thầy hiệu trưởng, cũng như tham gia những khóa học trên mạng, sắp xếp lịch hoạt động ngoại khóa, học thêm, thời gian biểu của chúng đều rất cụ thể và đảm bảo cho hai cô có thể tốt nghiệp sớm.

Việc này không dễ dàng chút nào với hai cô gái, nhưng chúng được khuyến khích tiến lên phía trước bằng lợi ích lâu dài và chấp nhận bỏ qua những hưởng thụ nhất thời để đạt được những điều cao xa hơn.

Mục tiêu của chúng được chuyển thành những mục tiêu “5 – C” (Cụ thể, có thể đo đếm, có thể vươn tới, có tính thực tế và có giới hạn thời gian) như sau:

  • Hoàn thành 4 tín chỉ cần thiết trước tháng 5 năm 2008
  • Được nhà trường chấp nhận trước khi năm học mới bắt đầu
  • Nhận bằng tốt nghiệp vào ngày 4 tháng 6 năm 2008

Mặc dù những mục tiêu này rất lớn và cao đẹp nhưng chúng được hình thành hoàn toàn dựa vào những trải nghiệm cũ cũng như năng lực của hai cô gái cùng với sự đồng thuận của mọi người. Vào ngày 4 tháng 6, tôi tự hào khi biết rằng con gái của mình Paige và cô bạn thân Kaite đã cùng tốt nghiệp phổ thông năm 17 tuổi để bắt đầu bậc học cao hơn về Y dược với Paige và Luật với Kaite.

 

Câu hỏi “tại sao”

Việc đặt ra mục tiêu thông minh, hiểu tại sao mình lại đưa ra những mục tiêu đó là rất quan trọng. Ngoài ra, bạn hãy xem xét và hỏi “tại sao” với mỗi mục tiêu của mình. Với Paige và Katie, lý do của mục tiêu mà hai cô gái đặt ra là bắt đầu học những gì mình thực sự thấy hứng thú sớm hơn, nhanh chóng để lại những năm tháng cấp 3 đơn điệu và đầy thử thách sau lưng.

Còn bạn thì sao? Tại sao việc bạn đạt được mục tiêu lại quan trọng? Trả lời được câu hỏi này sẽ giúp bạn nhớ rằng: Mỗi mục tiêu đều được gắn kết với những gì thúc đẩy bạn thực hiện mục tiêu đó và với những giá trị trong cuộc sống. Nếu câu trả lời không chắc chắn và thỏa đáng, mong muốn đạt được mục tiêu của bạn sẽ dần phai nhòa theo thời gian.

 

Hành động

Hãy xem xét lại những khía cạnh trong cuộc sống của mình (từ chương trước), và đặt ra hai mục tiêu cho mỗi khía cạnh đó. Những mục tiêu này phải phản chiếu được những gì bạn muốn đạt được trong tương lai với mỗi khía cạnh này. Khi bạn đã hoàn thành những mục tiêu đó, hãy liên tục đặt ra những câu hỏi “tại sao” cho mỗi mục tiêu. “Tại sao” chúng quan trọng với bạn và “tại sao” bạn muốn đạt được chúng? Đừng bỏ qua bước này. Đây là một bước tối quan trọng để những mục tiêu đó thực sự có chỗ đứng trong lòng bạn. Đây sẽ là Danh sách mục tiêu tối thượng của năm nay.

 

Phản chiếu mỗi ngày

Bây giờ, trước khi đi ngủ, hãy kiểm lại danh sách biết ơn và nhìn lại những thành tựu và kiến thức mình đạt được trong ngày và hình dung bạn đang ở đẳng cấp mới. Ngày mai là một ngày mới, tràn ngập cơ hội mới. Khi bạn chìm vào giấc ngủ tối nay, hãy mường tượng hình ảnh về một ngày mai tuyệt vời.

 

Ngày thứ 18: Vén màn năm câu hỏi quyền lực

“Bắt đầu ngày mới bằng lòng biết ơn”

Trong cuốn vở ghi bài tập Cuộc sống đẳng cấp của bạn, hãy viết…

10 điều tôi cảm thấy biết ơn ngày hôm nay…

Không có bất kì câu hỏi nào là ngu ngốc, và con người chỉ trở nên ngu ngốc khi dừng lại việc đặt câu hỏi.”

(Charles Proteus Steinmetz)

 

Bài học sống đẳng cấp
NĂM CÂU HỎI QUYỀN LỰC

Bạn đã dành thời gian lập ra những mục tiêu cho từng khía cạnh cuộc sống rồi, vậy là bây giờ bạn đang nắm trong tay rất nhiều mục tiêu! Tôi đã mục sở thị nhiều người chỉ ngồi trơ ra và “ngắm” danh sách mục tiêu của mình một cách ngơ ngác, vì họ không biết phải làm gì và bắt đầu từ đâu. Rõ ràng là chúng ta phải phân loại những mục tiêu cần được ưu tiên trong danh sách này. Một trong những cách hay nhất là hỏi thêm một vài câu hỏi phụ, giúp bạn làm rõ mục tiêu nào nên được ưu tiên hơn. Chúng ta sẽ trao đổi về những câu hỏi đó và bạn sẽ được trả lời trong mục hành động ngày hôm nay.

 

1. Những nhu cầu cá nhân nào, mà nếu được thỏa mãn, sẽ giúp bạn trở thành một con người hạnh phúc và tốt đẹp hơn?

Câu hỏi này xoáy vào chủ đề: Điều gì làm cho bạn hạnh phúc? Hạnh phúc có nhiều ý nghĩa khác nhau và mỗi người lại có một cách hiểu khác nhau. Thật ra, với rất nhiều người ý nghĩa của hạnh phúc liên tục thay đổi theo thời gian. Những điều làm chúng ta hạnh phúc vài năm trước nay có thể đã thay đổi. Vì đã viết ra bản danh sách mục tiêu của rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống, nên bạn sẽ có một khởi đầu tốt hơn trong việc tìm ra những gì thực sự phù hợp với định nghĩa hạnh phúc của bạn.

 

2. Việc gì mà bạn luôn muốn làm nhưng lại sợ không dám thử?

Đôi lúc, khi điền vào danh sách mục tiêu, chúng ta tự sửa các mục tiêu đó cho phù hợp với thời gian, hoàn cảnh cụ thể. Điều này nghĩa là chúng ta đã để cho nỗi sợ chiếm lĩnh những gì có thể và không thể xuất hiện trong bản danh sách. Bạn không thể để nỗi sợ chen vào lấn át những thứ bạn đã luôn muốn thử. Bạn đã bao giờ muốn học bay, đến Châu Phi, cưỡi lạc đà ở Ai Cập hay nhảy dù? Những mục tiêu đó không nhất thiết phải nguy hiểm đến tính mạng hoặc cần những kĩ năng điêu luyện, nhưng chúng đều có khả năng bị gạt ra một bên vì ta nghĩ rằng chúng hoang đường, thiển cận và vượt quá khả năng. Dù gì thì việc có thêm những mục tiêu đó vào danh sách những mục tiêu cần được ưu tiên sẽ càng làm bạn thêm hứng khởi. Mục tiêu của bạn có thể đơn giản, chẳng hạn như bạn chưa bao giờ được đi trên một chiếc du thuyền và bạn muốn thử cảm giác đó. Hãy tìm trong suy nghĩ của mình xem có những mục tiêu nào bị bạn gạt sang một bên. Hãy điền thêm chúng vào bản danh sách.

 

3. Bạn muốn làm việc gì nhất trong đời và nếu tiền không thành vấn đề thì bạn muốn làm việc gì suốt cả ngày không chán?

Đây là một việc bạn phải thật sự cảm thấy muốn và thích thú khi làm, không phải những gì bạn bị bắt làm hoặc những gì bạn tưởng là mình muốn làm. Bạn muốn làm việc gì mà bạn có thể dành hàng giờ đồng hồ cho nó? Với một số người thì đây là những việc họ rất ít khi có cơ hội làm. Nó là một sở thích và chỉ được làm trong những trường hợp đặc biệt. Hãy tìm ra những mục tiêu giúp bạn cảm thấy thoải mái và đáng được hưởng thụ nhất trong danh sách của mình.

 

4. Khi bạn đã đi đến hết cuộc đời, bạn nhìn lại mình và việc gì sẽ làm bạn cảm thấy tự hào? Bạn muốn nhớ đến nó như thế nào?

Câu hỏi này thực sự đòi hỏi bạn phải suy ngẫm ở nhiều khía cạnh. Hãy nhìn lại tám khía cạnh của cuộc sống để nhận ra việc nào có thể làm bạn cảm thấy tự hào khi quỹ thời gian của bạn đi đến hồi kết. Có thể đó là một mối liên hệ bền vững với người thân và bạn bè, dành thời gian cho đời sống tâm linh, xây dựng một cơ ngơi tài chính vững chắc xuyên quốc gia, chăm sóc sức khỏe tốt, hay đóng góp từ thiện cho bệnh viện địa phương. Kể cả điều đó là gì đi nữa, hãy nhớ điểm mấu chốt là bạn tự cảm thấy hãnh diện về bản thân mình. Đây là cuộc sống của bạn và đến khi bạn nhắm mắt xuôi tay, bạn sẽ suy nghĩ – tiếc nuối cuộc sống lãng phí hay toại nguyện về cuộc sống như ý.

 

5. Nếu bạn chỉ còn 6 tháng để sống, bạn sẽ dành thời gian để sống ở đâu? Bạn sẽ làm những gì? Bạn muốn dành thời gian đó cho ai?

Thời gian như một tên trộm táo tợn, nó sẽ cướp đi những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống nếu ta để nó lộng hành. Chúng ta có thể bỏ bê việc theo đuổi mục tiêu chỉ vì những bộn bề lo toan thường nhật của cuộc sống. Điều đó dẫn đến việc chúng ta không bao giờ đạt được ước nguyện và làm được những điều thực sự ý nghĩa. Suy nghĩ với một quỹ thời gian có hạn sẽ giúp chúng ta xác định được đâu là mấu chốt và bỏ qua những vụn vặt tầm thường.

Tôi ủng hộ nhiệt liệt việc bạn thực sự đánh dấu mốc thời gian 6 tháng trên lịch, để trước hết, nghĩ và mường tượng những gì mình sẽ làm trong 6 tháng đó. Với một số người đó sẽ là một kì nghỉ mơ ước, một số người khác muốn dành thời gian với bạn bè, làm một việc gì đó thật xuất chúng. Việc nào cũng được! Đây là danh sách của bạn và hãy viết nó ra từ tâm của mình, không bị ràng buộc hoặc gò bó.

 

Hành động

Hãy dành thời gian để trả lời những câu hỏi:

  1. Những nhu cầu cá nhân nào, mà nếu được thỏa mãn, sẽ giúp mình trở thành một con người hạnh phúc và tốt đẹp hơn?
  2. Việc gì mà mình đã luôn muốn làm nhưng sợ không dám thử?
  3. Bạn muốn làm việc gì nhất trong đời và nếu tiền không thành vấn đề thì bạn có thể làm việc gì suốt cả ngày không chán?
  4. Khi bạn đã đi đến hết cuộc đời, bạn nhìn lại mình và việc gì sẽ làm bạn cảm thấy tự hào? Bạn muốn nhớ đến nó như thế nào?
  5. Nếu bạn chỉ còn 6 tháng để sống, bạn sẽ dành thời gian để ở đâu? Bạn sẽ làm những gì? Bạn muốn dành thời gian cho ai?

Dùng những câu hỏi này để xác định những mục tiêu ưu tiên của bạn.

 

Phản chiếu mỗi ngày

Bây giờ, trước khi đi ngủ, hãy kiểm lại danh sách biết ơn và nhìn lại những thành tựu và kiến thức mình đạt được trong ngày và hình dung bạn đang ở cấp mới. Ngày mai là một ngày mới, tràn ngập cơ hội mới. Khi bạn chìm vào giấc ngủ tối nay, hãy mường tượng hình ảnh về một ngày mai tuyệt vời.

 

Ngày thứ 19: Đặt ra sáu mục tiêu hàng đầu

“Bắt đầu ngày mới bằng lòng biết ơn”

Trong cuốn vở ghi bài tập Cuộc sống đẳng cấp của bạn, hãy viết…

10 điều tôi cảm thấy biết ơn ngày hôm nay…

Sống cuộc sống bận rộn, hoặc chết quách đi cho xong…

(Trích phim Hưởng thụ cuộc sống)

 

Bài học sống đẳng cấp
ĐẶT RA SÁU MỤC TIÊU HÀNG ĐẦU

Vài năm trước đây có một bộ phim do Jack Nicholson và Morgan Freeman thủ vai. Phim có tựa đề là The Bucket List (Hưởng thụ cuộc sống). Ý tưởng xuyên suốt của bộ phim là lập lên một danh sách những điều bạn muốn làm trước khi chết, và mỗi khi làm được điều gì thì gạch điều đó ra khỏi danh sách. Cả hai nhân vật chính đều mắc căn bệnh ung thư và họ dùng quỹ thời gian ngắn ngủi còn lại của cuộc đời mình để trải nghiệm những gì mình chưa thể làm trong cuộc sống. Điều thú vị là họ, giống như chúng ta, chỉ sống cuộc sống ngày qua ngày mà không thực sự định hướng được những gì là quan trọng, cho đến một ngày thần chết gõ cửa.

Lời thoại tôi thích nhất trong phim là: “Sống cuộc sống bận rộn, hoặc chết quách đi cho xong”. Đó là phương châm mà tôi muốn bạn ghi nhớ mỗi khi nhìn vào danh sách mục tiêu của mình mỗi ngày. Chúng ta có thể dành khoảng thời gian mà mình có để hưởng thụ cuộc sống trong mơ của mình, hoặc sống “hời hợt”, ngày qua ngày lãng phí thời gian vô ích. Lựa chọn này hoàn toàn nằm trong tầm tay của bạn.

Khi nhìn vào danh sách mục tiêu tối thượng của mình, có thể bạn sẽ cảm thấy nó quá viển vông và xa vời, thậm chí hoài nghi rằng mình sẽ không thể thực hiện được nó. Nhưng hãy nhớ rằng, uy lực của tâm trí là vô biên.

Tư duy → Hình ảnh → Cảm xúc → Hành động → Kết quả.

Hãy tự nhắc nhở bản thân mình rằng cách bạn suy nghĩ về những mục tiêu có thể ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thành công của những mục tiêu đó. Sự tự tin vì vậy cũng rất cần thiết.

Tự tin là một cảm giác thật thú vị. Hãy nghĩ về một việc gì đó bạn đã làm hàng trăm lần và hoàn toàn không ngại ngần khi làm lại. Đó có thể là những việc bạn phải trải qua trong một chuyến du lịch, đầu tiên là lập kế hoạch, đặt phòng khách sạn, vé máy bay, đến sân bay, qua cửa kiểm soát an ninh, lên máy bay. Đối với nhiều người đây có thể là một việc rất mệt mỏi và chán ngán, nhưng với nhiều người, khi họ đã làm những việc này hàng trăm lần rồi, họ sẽ cảm thấy hoàn toàn thoải mái và tự tin. Việc nấu nướng cho một nhóm người hoặc hát trước đám đông cũng như vậy. Dù là việc gì đi nữa, nếu bạn tiếp cận nó với sự tự tin và thoải mái, kết quả tích cực sẽ đến với bạn!

Sự tự tin giúp mọi hành động của bạn nhanh nhạy hơn. Khi bạn cảm thấy lo ngại và không thoải mái với một việc gì đó, bạn sẽ chỉ giậm chân tại chỗ mà thôi. Khi bạn vượt qua được những khó khăn bước đầu, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn rất nhiều và có đủ dũng khí để tiếp tục bước tiếp đến với mục tiêu cao cả.

 

Hành động

Bước tiếp theo bạn phải làm là chuyển từ danh sách Mục tiêu tối thượng sang danh sách Sáu mục tiêu hàng đầu. Những mục tiêu nào mà bạn thực sự muốn và biết rằng phải bắt đầu TỪ HÔM NAY thì mới có thể đạt được? Làm việc với sáu mục tiêu hàng đầu sẽ giúp bạn tập trung đến việc quản lý thời gian, năng lượng và tài chính của mình nhiều hơn – một cách rõ ràng như những tia la-de chứ không mập mờ như ánh sáng từ một chiếc đèn biển nữa. Tia la-de hội tụ năng lượng và chiếu vào một điểm. Kết quả là khi chiếu vào đồ vật, năng lượng của nó mạnh đến nỗi có thể làm tan chảy hoặc cắt một đồ vật ngay tức thì.

Ngược lại, một chiếc đèn biển (hải đăng) bao trùm trên một diện tích rộng hơn, nhưng ánh sáng nhạt nhòa và không có năng lượng tập trung. Hãy nhớ điều này khi bắt đầu thực hiện những mục tiêu của mình. Bạn càng tập trung năng lượng của mình bao nhiêu, kết quả nhận được càng lớn bấy nhiêu. Nếu chỉ dàn trải năng lượng một cách mờ nhạt thì kết quả nhận được cũng nhạt nhòa.

Bây giờ hãy tận dụng nguồn năng lượng của mình và cho biết sáu mục tiêu hàng đầu của bạn là gì?

 

Phản chiếu mỗi ngày

Bây giờ, trước khi đi ngủ, hãy kiểm lại danh sách biết ơn và nhìn lại những thành tựu và kiến thức mình đạt được trong ngày, và hình dung bạn đang ở đẳng cấp mới. Hãy tận hưởng cảm giác tiến lên phía trước bằng việc thay đổi, tu sửa và làm mới cuộc sống của mình. Ngày mai là một ngày mới, tràn ngập cơ hội mới. Khi bạn chìm vào giấc ngủ tối nay, hãy mường tượng hình ảnh về một ngày mai tuyệt vời.

 

Ngày thứ 20: Dự kiến ngày thực hiện

“Bắt đầu ngày mới bằng lòng biết ơn”

Trong cuốn vở ghi bài tập Cuộc sống đẳng cấp, hãy viết…

10 điều bạn cảm thấy biết ơn ngày hôm nay…

Theo nghĩa thông thường, khi bánh xe chà vào mặt đường nghĩa là chiếc xe đã bắt đầu chuyển bánh. Theo ý tôi, đó chính là giây phút của sự thực – giây phút mà bạn thực sự hành động

 

Bài học sống đẳng cấp
DỰ KIẾN KHI NÀO “BÁNH XE CHÀ VÀO MẶT ĐƯỜNG”

Như đã nói, bạn không thể vừa đào một viên kim cương từ dưới đất lên, mới chỉ lau qua mà có thể mong nó sạch bong, sáng bóng được. Việc cắt và rèn giũa kim cương phải mất từ vài giờ đến vài tháng để hoàn thành. Trong suốt quá trình này, viên kim cương đó đã giảm đi phân nửa trọng lượng ban đầu. Đây là một sự hi sinh thỏa đáng! Hãy nhìn vào trường hợp của Wayne Gretzky. Cựu cầu thủ khúc côn cầu này (cũng là đồng hương Canada với tôi) được coi là “cầu thủ khúc côn cầu vĩ đại nhất mọi thời đại”. Giống như bao vận động viên khác, đạo đức nghề nghiệp và sự cống hiến của anh cho việc tập luyện không thể đo đếm được. Chìa khóa cho thành công của Wayne, sự thành công mà tất cả chúng ta đều mong muốn, là việc hành động. Một trong những câu châm ngôn của Wayne đã thể hiện điều này là: “Sự trì hoãn là một trong những thứ dịch bệnh phổ biến và khủng khiếp nhất và nó bắt bạn phải trả giá bằng thành công và hạnh phúc của mình.” Hãy tặng cho chính mình món quà bằng việc hành động. Bạn sẽ cảm thấy tuyệt vời hơn và sẽ truyền được cảm xúc tích cực đó cho mọi người xung quanh mình.

Sự trì hoãn chẳng phải là bè bạn. Nó là một tên lưu manh giam hãm bạn trong một tầng hầm u tối và gieo vào đầu bạn cái ý nghĩ rằng sẽ chẳng có lối ra. Nếu bạn đang tự nhủ rằng bạn sẽ theo đuổi mục tiêu của mình sau những ngày nghỉ, sau ngày sinh nhật, hay sau bất kì sự kiện gì, bạn chỉ đang đánh lừa bản thân thôi. Một ngày không hành động là một ngày bỏ phí. Bạn sẽ không thể lấy lại được nó nữa và bạn không có cơ hội thứ hai. Thời gian cứ thế trôi đi. Vậy nên hãy bắt đầu từ ngày hôm nay và thúc đẩy tiến trình tiến đến mục tiêu. Tập trung vào mỗi mục tiêu giúp bạn có thể thực hiện những bước cần thiết, dù bước đó là gì, để đạt được mục tiêu đó.

 

Hành động

Với mỗi mục tiêu trong danh sách sáu mục tiêu hàng đầu của bạn, hãy gạch đầu dòng những bước cần thiết trong khoảng thời gian tới mà bạn cần giải quyết để đạt được mục tiêu đó. Đừng ngại viết ra, kể cả những bước nhỏ nhất trong tiến trình đến với thành công mà bạn mường tượng ra. Một khi bạn đã hiểu rõ ràng những gì mình cần phải làm, con đường phía trước hoàn toàn rộng mở chờ đón bạn.

 

Phản chiếu mỗi ngày

Bây giờ, trước khi đi ngủ, hãy kiểm lại danh sách biết ơn và nhìn lại những thành tựu và kiến thức mình đạt được trong ngày, và hình dung bạn đang ở đẳng cấp mới. Hãy tận hưởng cảm giác tiến lên phía trước bằng việc thay đổi, tu sửa và làm mới cuộc sống của mình. Ngày mai là một ngày mới, tràn ngập cơ hội mới. Khi bạn chìm vào giấc ngủ tối nay, hãy mường tượng hình ảnh về một ngày mai tuyệt vời.

 

Châu báu cho chuyến hành trình
TIẾN VỀ PHÍA TRƯỚC

Một trong những điểm thú vị trong những bài tập đặt ra mục tiêu, như bài tập mà bạn vừa thực hiện, là nó giúp đầu óc bạn luôn hướng về phía trước. Một khi tuệ giác bạn đã khai mở để bản thân theo đuổi những ước mơ, cuộc đời của bạn đã thực sự thay đổi vì cách nhìn nhận cuộc sống của bạn đã đổi thay.

Khi bạn tiếp tục trên chuyến hành trình đến với Cuộc sống đẳng cấp mỗi ngày, thế giới mà bạn từng biết sẽ trở nên rộng lớn hơn. Không chỉ bởi vì bạn đã vượt ra khuôn khổ thường ngày của mình, mà còn vì bạn đã nhận ra điều đó. Chúng ta đều đi trên chuyến hành trình của cuộc sống với những tấm khăn bịt mắt, chỉ mù quáng mò mẫm đường đi dưới chân mình mà không nhìn được xa lộ thênh thang trước mắt. Nhưng đến lúc này, ta hãy cho mình cơ hội được thực sự ước mơ về một cuộc sống mới, hình dung về một cách sống mới để tồn tại – đây là bí kíp hình thành cuộc sống mới. Đây mới thực là CUỘC SỐNG ĐẲNG CẤP.

Như hầu hết mọi điều trong cuộc sống, không có lối tắt nào đến với Cuộc sống đẳng cấp. Nếu bạn chỉ đọc những dòng này mà không hành động, bạn đang tự cướp đi một cơ hội khám phá chính mình.

Tôi thừa nhận rằng việc tự kiểm điểm bản thân không hề dễ dàng, đặc biệt là khi bạn không cảm thấy thoải mái với những gì mình phát hiện ra. Nhưng việc này là vô cùng cần thiết. Vậy nên nếu bạn vẫn chưa thực hiện những bài tập trong phần “Hành động”, bây giờ là lúc quay lại và thực hiện chúng. Bằng việc này, bạn sẽ thấy cuộc sống mình đổi thay.

Suy nghĩ về những dự định và mong muốn của mình trong tương lai không bao giờ là thừa. Hãy dành ra một khoảng thời gian nhất định, khoảng từ 30 phút đến 1 tiếng, để quay lại và hoàn thành mọi bài tập chưa hoàn thành. Còn nếu bạn đã làm xong tất cả thì còn gì bằng! Cuộc sống đẳng cấp đang nằm trong tầm với của bạn rồi.

 

Ngày thứ 21: Thu thập phản hồi và đánh giá

“Bắt đầu ngày mới bằng lòng biết ơn”

Trong cuốn vở ghi bài tập Cuộc sống đẳng cấp của bạn, hãy viết…

10 điều bạn cảm thấy biết ơn ngày hôm nay…

Ngày hôm nay, hãy dành thời gian suy nghĩ về những phản hồi tích cực và hữu dụng mà bạn nhận được từ người khác trong cuộc sống.

Những nhà vô địch biết rằng thành công là hoàn toàn có thể, không có thứ gì gọi là thất bại, chỉ có phản biện thôi. Họ hiểu rằng cách tốt nhất để dự đoán tương lai là tạo ra nó.

(Michael J. Gelb)

 

Bài học sống đẳng cấp
PHẢN BIỆN VÀ ĐÁNH GIÁ

Để đạt được mục tiêu, bạn phải mềm dẻo trong việc đặt ra mục tiêu đó. Như thế không có nghĩa là bạn tự cho mình cái quyền được quay lại lối sống nhạt nhẽo thường ngày. Thế nghĩa là bạn sử dụng trí tưởng tượng phong phú của mình để vượt qua thử thách và cùng lúc đó lắng nghe những phản biện và nhận xét từ người khác. Việc này sẽ giúp bạn tinh chỉnh và hoàn thiện những mục tiêu và hành động trên hành trình.

Phản biện là rất quan trọng vì kể cả khi bạn đã chuẩn bị kĩ và nghiên cứu nhiều thế nào đi nữa, vẫn có những điểm bạn chưa để ý tới. Và thật sự thì bạn cũng không thể biết mình không biết những gì. Một ngày nào đó, có thể bạn sẽ mất phương hướng, sẽ không thể tự đánh giá được hành động của bản thân mình. Những lúc đó một người bạn tốt, một thành viên trong gia đình, một đối tác kinh doanh, hay một người tư vấn tâm lý, có thể giúp bạn quay lại đúng hướng.

Việc thường xuyên đánh giá những việc mình làm giúp bạn làm mọi việc cẩn thận và đúng đắn hơn. Nhìn lại và đánh giá quá trình cũng giúp bạn tập trung hơn vào mục tiêu và tham vọng của mình. Cái vòng xoáy đánh giá này không chỉ giúp bạn biết được mình đang ở đâu mà còn biết mình phải làm những gì để đạt được thành công.

 

Hành động

Hãy kể ra năm người mà bạn có thể chia sẻ những mục tiêu của mình. Hãy cho phép họ quyền được tham gia vào quá trình cùng bạn và để họ hỗ trợ bạn trong suốt cuộc hành trình. Danh sách những “luồng hỗ trợ” trong ngày thứ 6 của bạn chắc hẳn sẽ có một vài người đủ tiêu chuẩn để giúp đỡ bạn.

Hãy suy nghĩ đến việc tự đánh giá tiến trình của mình. Hãy lập ra kế hoạch cho việc đó ngay bây giờ và chắc chắn bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Hãy đánh dấu những ngày dành ra cho việc tự đánh giá trên lịch của mình.

Trong quá trình tự đánh giá, hãy tự hỏi bản thân mình cũng như bàn luận với những người hỗ trợ mình những câu hỏi:

  • Việc gì đang tiến triển tốt?
  • Việc gì đang tiến triển theo chiều hướng không tốt?
  • Mình cần phải làm gì để đạt được kết quả tốt hơn?
 

Phản chiếu mỗi ngày

Bây giờ, trước khi đi ngủ, hãy kiểm lại danh sách biết ơn và nhìn lại những thành tựu và kiến thức mình đạt được trong ngày, và hình dung bạn đang ở đẳng cấp mới. Hãy tận hưởng cảm giác tiến lên phía trước bằng việc thay đổi, tu sửa và làm mới cuộc sống của mình. Ngày mai là một ngày mới, tràn ngập cơ hội mới. Khi bạn chìm vào giấc ngủ tối nay, hãy mường tượng hình ảnh về một ngày mai tuyệt vời.

 

Ngày thứ 22: Theo đuổi kế hoạch của mình

“Bắt đầu ngày mới bằng lòng biết ơn”

Trong cuốn vở ghi bài tập Cuộc sống đẳng cấp, hãy viết…

10 điều tôi cảm thấy biết ơn ngày hôm nay…

Chúng ta đã đến cuối phần hai của cuộc hành trình và bạn đã bắt đầu mường tượng được cung đường đến với đẳng cấp tiếp theo rồi, vậy thì bây giờ là lúc thích hợp để xem lại những danh sách biết ơn từ trước tới giờ. Bạn có thấy một sự liên kết gì giữa những danh sách biết ơn của mình không?

 

Bài học sống đẳng cấp
THEO ĐUỔI KẾ HOẠCH CỦA MÌNH

Hãy theo đuổi kế hoạch của mình và cố gắng tránh những cạm bẫy dọc đường đi. Bạn sẽ nhận thấy, khi mình đang vươn tới những mục tiêu, nâng tầm tư duy và lập kế hoạch rõ ràng, bạn còn gặp phải nhiều thử thách, khó khăn. Hãy khắc cốt ghi tâm rằng không một trở ngại nào, dù lớn hay nhỏ, có thể ngăn cản bạn tiến lên phía trước. Việc này giống như bị chệch đường trong một chuyến đi. Bạn quyết định vòng lại điểm xuất phát và tiếp tục cuộc hành trình. Đừng bao giờ dừng lại, và cũng đừng bao giờ chỉ vì một lần đi chệch đường mà hủy cả chuyến đi. Hãy tìm cách vượt qua những trở ngại đó. Hãy tập trung vào kế hoạch to lớn và mục tiêu cuối cùng.

Phát triển phải dựa trên nền tảng hiện tại. Hãy rút ra những bài học từ cuộc hành trình. Một trong những định luật chuyển động của Newton là: Một vật đang chuyển sẽ chuyển động thẳng đều mãi mãi còn một vật đứng yên sẽ đứng yên mãi mãi. Điều này cũng đúng với não bộ chúng ta. Nếu bạn cảm thấy mình tự chủ và đang đạt được tiến triển, việc tiếp tục tiến triển sẽ dễ dàng hơn. Mặc dù vậy, nếu bạn cảm thấy không kiểm soát được bản thân và đang giậm chân tại chỗ, bạn sẽ mất nhiều công sức hơn để quay lại điểm xuất phát và bắt đầu lại cuộc hành trình

 

Hành động

Hãy liệt kê ra ba điều giúp bạn “tiếp tục chuyển động”, và ba điều giúp bạn “bắt đầu chuyển động lại” nếu bạn cảm thấy bế tắc.

 

Phản chiếu mỗi ngày

Bây giờ, trước khi đi ngủ, hãy kiểm lại danh sách biết ơn và nhìn lại những thành tựu và kiến thức mình đạt được trong ngày, và hình dung bạn đang ở đẳng cấp mới. Hãy tận hưởng cảm giác tiến lên phía trước bằng việc thay đổi, tu sửa và làm mới cuộc sống của mình. Ngày mai là một ngày mới, tràn ngập cơ hội mới. Khi bạn chìm vào giấc ngủ tối nay, vào ngày thứ 22 của cuộc hành trình, hãy mường tượng hình ảnh về một ngày mai tuyệt vời.

 

Tổng kết

Chúc mừng bạn đã đạt đến dấu mốc thứ hai của cuộc hành trình! Hãy xem lại bạn đã làm được những gì trong phần này…

Bạn đã…

  • Khai phá sâu “Cái gì” trong cuộc sống hiện tại của bạn.
  • Phân loại những ảnh hưởng trong cuộc sống của mình vào ba hạng mục: Từ chối giao du, hạn chế giao du và tăng cường giao du.
  • Ghi lại những phương diện bạn vẫn còn đổ lỗi cho người khác hoặc bạn có còn đổ lỗi cho người khác không.
  • Thay tiếng nói nội tâm tiêu cực bằng tiếng nói nội tâm tích cực.
  • Biết điểm yếu và điểm mạnh của mình.
  • Hình dung ra bạn sẽ ra sao sau 5, 10, 20 năm nữa.
  • Tạo ra hai mục tiêu THÔNG MINH cho mỗi phương diện của cuộc sống. Từ đó hình thành nên Danh sách mục tiêu tối thượng.
  • Làm rõ “tại sao” sau mỗi mục tiêu.
  • Tự hỏi mình năm câu hỏi quyền lực và phân ra sáu mục tiêu hàng đầu.
  • Đặt ra tiến trình hành động rõ ràng cho mỗi mục tiêu.
  • Tiếp nhận những đánh giá và phản biện.
  • Viết ra những gì giúp bạn “tiếp tục chuyển động” và những gì khiến bạn phải “quay lại chuyển động”.

Oa! Bạn đã làm được rất nhiều việc trong khoảng thời gian ngắn! Khi nhìn vào bản danh sách, có thể bạn sẽ thấy một vài bài tập bạn chưa hoàn thành trong suốt hành trình, tôi khuyên bạn nên quay lại và hoàn thành chúng ngay bây giờ. Bạn chỉ có thể rút ra được nhiều điều từ cả quá trình này nếu bạn đầu tư nhiều công sức cho nó. Tôi hi vọng bạn đã nhận thấy những thay đổi tích cực bước đầu từ hành trình đến với đẳng cấp mới này. Hãy tự thưởng cho mình và tiếp tục nào!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.