Sống Đời Đáng Sống
Chương 2 TÁM CÁCH ĐỂ LUYỆN TRÍ CHO ĐƯỢC MINH MẪN
~oOo~
Năng lực của ta mạnh hay không phần lớn là nhờ trí óc. Mỗi ngày qua là trí óc của ta hoặc sắc bén lên hoặc nhụt đi. Charles Darwin viết trong cuốn Tự truyện: “Nếu tôi được sống lại cuộc đời của tôi thì tôi sẽ theo cái luận ít nhất cùng một lần một tuần, đọc ít bài thơ và nghe vài bản nhạc; vì những bộ phận trong óc tôi, nếu được thường dùng như vậy thì có thể không đến nỗi suy mòn như ngày nay”.
Bà con cũng nói: “Óc của ta có thể thành ra đầy cỏ hay đầy lúa; cho nên mỗi mùa phải nhổ cái kia đi mà tưới bón cái này”.
Muốn luyện trí óc, có một cách là bắt nó làm việc, nghĩa là suy nghĩ. Suy nghĩ là một công việc giản dị và vui thú. Thú hơn là trò chơi, mà tiện lợi là mùa nào làm cũng được.
Ông Eliot Hiệu trưởng trường Đại học Harvard đã chỉ cho ta thuật suy nghĩ. Ông bảo chỉ có bốn giai đoạn: “Giai đoạn thứ nhất: Nhận xét đúng đắn; giai đoạn thứ nhì: Ghi chép kỹ lưỡng; giai đoạn thứ ba: So sánh, gom góp lại rồi kết luận cho đúng; giai đoạn thứ tư: Phô diễn kết quả của ba công việc trên”.
Ông Alexander Graham Bell rút lại còn ba giai đoạn: “Nhận xét. Nhớ. So sánh!” Bất kỳ làm công việc gì, tìm thủ phạm trong một truyện trinh thám, phân tích một công việc làm ăn hay nghiên cứu, tìm tòi về bom nguyên tử, bạn cũng phải theo những giai đoạn đó.
Nhưng biết những giai đoạn đó cũng không ích gì nếu không đem ra tập tành. Muốn nhận xét, nhớ và so sánh, trí óc ta phải minh mẫn.
Dưới đây là tám cách luyện tập để bồi bổ trí óc cho nó được minh mẫn. Bạn bắt đầu tập ngay từ hôm nay đi. Chỉ trong một tuần, bạn sẽ thấy đời sống của bạn thay đổi. Trí óc bạn bắt đầu minh mẫn lên. Ngũ quan bén nhạy hơn. Phán đoán của bạn sáng suốt hơn.
• Cách thứ nhất: KÍCH THÍCH NGŨ QUAN
Không có cái gì vô trí óc ta mà không qua ngũ quan. Vậy phải luyện tập ngũ quan. Một đêm nào đó, bạn leo lên một chỗ thật cao rồi nhắm mắt lại, để cho thanh âm của thành phố rót vào tai bạn, và ráng phân biệt những cái ở chung quanh bạn mà không cần ngó.
Một lần khác, rờ hết thảy những vật trong phòng rồi ghi chép lại cảm giác. Kim loại, quần áo, gỗ, rờ tới khác nhau ra sao? Nhắm mắt lại ngửi bông mà ráng đoán được tên mỗi loại. Có thể nếm mà phân biệt được khoảng trăm món ăn không?
Nhớ rằng một bản hòa tấu đối với người không luyện tai để nghe chỉ là một mớ âm thanh hỗn độn mà người biết nghe thì rất thú, vì họ phân biệt được âm thanh mỗi nhạc cụ, hiểu được tiết điệu. Vậy phải dùng ngũ quan mỗi khi gặp cơ hội.
• Cách thứ nhì: SUY NGHĨ ĐỂ SÁNG TẠO.
Tập tinh thần thí nghiệm. Đừng thỏa mãn về cách thức làm việc của mọi người. Tìm nguyên nhân tại sao người ta lại làm như vậy. Xét xem có cách nào hay hơn không.
Ông G. Z. Medalie làm luật sư, làm thẩm phán dạy các sinh viên luật. Ông thành công rực rỡ vì biết chỉ cho họ cách suy nghĩ, còn các trường luật chỉ dạy cho họ các quy tắc.
• Cách thứ ba: TỔ CHỨC TƯ TƯỞNG CỦA BẠN.
Có khi nào bạn tìm thấy giải pháp về một vấn đề thì đã quá trễ rồi không? Nếu có thì tại sự hiểu biết của bạn không được tổ chức.
Phần đông chúng ta phải nhồi vào óc nhiều quá đến nỗi nó chứa không hết. Kết quả là trong óc không có những hình ảnh rõ rệt mà là một ấn tượng mù mờ như mây khói. Như vậy cũng nguy hiểm như ra biển khơi trong lúc sương mù.
Năm 1936 một công ty chuyên chế tạo những dụng cụ để xếp đặt giấy tờ, in một miếng giấy vẽ hai hạng người: Một hạng ngăn nắp, giấy tờ cất có chỗ riêng, nên vẻ mặt hớn hở; một hạng cau có, giấy tờ vung vãi ở chung quanh.
Đừng nhồi đại mọi thứ vào trong óc bạn mà phải xếp đặt cho đâu ra đấy. Tổ chức những cảm giác của bạn đi. Đừng giữ đủ mọi thứ mà lựa chọn cái gì nên giữ hãy giữ, cái gì quan trọng thì để riêng.
Chẳng hạn có cái gì mà bạn muốn nhớ hoài thì tạo cho nó một hình ảnh, làm cho nó liên quan tới một chuyện nào đó, vì những cái gì tổng quát thường dễ quên.
Rồi đứng vào một phương diện độc nhất mà nhận xét cái đó. Tả nó ra như một người quen nghe vậy. Nếu có thể giảng cho một đứa trẻ hiểu được một điều nào thì hình ảnh của điều đó đã rõ ràng trong óc bạn rồi đấy.
Mấy năm trước, ông Louis Wiley, Giám đốc thương mại tờ Times ở Nữu Ước, mời tôi lại thăm một nhà lý tài mà ông cho là một người tài năng vào bực nhất. Khi tới khách sạn Sherry Netherland, gặp nhà lý tài đó thì cảm giác đầu tiên của tôi là ông ta rất năng động, không khí chung quanh ông ta đầy sinh khí. Ông ta hăng hái lạ thường.
Wiley muốn bỏ vốn vào một thứ rượu mới và hỏi ý kiến của nhà lý tài đó. Sau khi hỏi ông Wiley những điều cần biết rồi ghi vào một miếng giấy nhỏ, ông ta suy nghĩ một chút, rồi trả lời ông Wiley một cách rõ ràng đầy đủ chi tiết, tỏ ra rằng chẳng những biết rõ vụ làm ăn của ông Wiley mà còn biết rộng hơn nhiều nữa.
Các luật sư cũng dùng phương pháp đó: Tóm tắc những điểm chính trên một miếng giấy. Nếu bạn muốn giải quyết vấn đề gì cũng nên làm như vậy: Ghi những điểm chính rồi đặt câu hỏi: Tại sao? Tìm ra những nguyên nhân rồi sẽ thấy hướng đi, nếu cần thì tra xét thêm nữa.
• Cách thứ tư: DÙNG TRỰC GIÁC
Có khi nào bạn có cảm giác về một người hay một vấn đề nào đó mà không hiểu cảm giác đó do đâu mà ra không? Những lúc như vậy là bạn có trực giác đấy. Các nhà tâm lý học bảo rằng đàn bà có nhiều trực giác hơn đàn ông, nhưng ai cũng có trực giác.
Trực giác là năng lực thường dùng nhất. Nếu biết phát triển và điều hòa nó thì khả năng của bạn tăng lên rất nhiều. Croce, Bergson, Lossky và các nhà tâm lý học khác bảo rằng trực giác giúp chúng ta thấu sự vật, hiểu được những ý tại ngôn ngoại. Đa số vấn đề của chúng ta giải quyết được nhờ cách khéo đoán được tương quan của những sự kiện, đoán được bản chất những yếu tố mà ta không được biết.
Ông Owen D. Young, chủ tịch danh dự của ủy ban General Electric, một trong số những nhà doanh nghiệp lớn ở Mỹ có lần bảo tôi: “Tôi cho rằng muốn luyện trí thì không gì bằng luyện trực giác”. Mà muốn vậy thì phải tập. Chẳng hạn gặp một người, bạn để ý nhận nét mặt, ngôn ngữ của họ, họ lúng túng, do dự, hay sắc diện thay đổi ra sao mỗi khi xảy ra một việc gì. Như vậy quen rồi chỉ thấy bề ngoài một người khác bạn đoán ngay được trong lòng họ ra sao.
Lựa ba người bạn biết rõ nhất. Bạn có ý kiến gì về họ, phân tích ý kiến đó ra. Rồi ráng tìm xem tại sao bạn có ý kiến đó, do những việc nào đã xảy ra. Khó ư? Vâng, rất khó. Bạn sẽ thấy rằng những cảm giác sâu sắc của bạn do trực giác mà có. Lý trí chỉ chiếm một phần nhỏ thôi, tình cảm mới chiếm một phần lớn. Như vậy là bạn đã dùng trực giác đấy. Bây giờ đây, bạn ráng tăng năng lực của trực giác lên bằng cách chú ý vào những chi tiết nhỏ nhưng hiển thiện. Rồi kiểm soát xem trực giác của bạn có đích xác không.
Tập như vậy lâu thì cảm giác của bạn sẽ nhạy lắm, bạn chẳng những thấy bằng ngũ quan, mà còn thấy bằng toàn thân.
• Cách thứ năm: LUYỆN TRÍ PHÁN ĐOÁN
Mỗi buổi sáng bạn chỉ cần tập trong mười phút thôi. Sau khi đọc lướt qua số báo hằng ngày rồi, bạn đọc kỹ lấy một bài. Đọc xong, tự hỏi trọng điểm bài đó ở đâu. Gấp tờ báo lại, nhắm mắt, trả lời 5 câu hỏi này:
1 – Ta có ý kiến gì để bênh vực quan điểm đó?
2 – Ta có ý kiến gì để chống quan điểm đó?
3 – Vấn đề đó có những giải pháp nào?
4 – Vấn đề đó có lợi gì cho sự hiểu biết của ta không?
5 – Ta có thái độ của ta về vấn đề đó cách nào cho rõ ràng?
Tập như vậy được lợi là đem dùng những sự hiểu biết của ta, bắt ta nhìn cả hai mặt của một vấn đề, bắt ta phân tích rồi phân biệt, suy nghĩ minh bạch.
Mới đầu bạn sẽ thấy khó khăn; nhưng đừng thất vọng. Bạn sẽ thấy rằng sự hiểu biết của mình hẹp quá, nhưng lần lần sự hiểu biết của bạn sẽ tăng lên. Tập độ một tháng, óc bạn sẽ mẫn tiệp, hiểu biết một vấn đề rất mau rất dễ.
Phương pháp đó chẳng mới mẻ gì đâu. Hai nghìn năm trước, Aristote đã chỉ nó trong cuốn Rhetorica cho các nhà cầm quyền Hy Lạp để giúp họ suy nghĩ sáng suốt. Phương pháp đó tới nay vẫn còn công hiệu. Bạn thử nó đi.
• Cách thứ sáu: TĂNG SỐ NGÔN NGỮ LÊN
Ngôn ngữ là công cụ để biểu hiện tư tưởng. Tôi đã dạy học nhiều năm và nhận thấy rằng phần đông người ta có nhiều ý nghĩ mà chỉ vì thiếu tiếng để diễn nên phải thua kém người khác. Nếu bạn không có đủ ngôn ngữ để khéo diễn tư tưởng của bạn thì chính bạn cũng bớt tin ở những tư tưởng đó.
Đây là một phương pháp mà hàng ngàn sinh viên của tôi đã nhận là vui, và hữu hiệu: Kiếm một miếng giấy cứng, nhớ mỗi khi gặp một tiếng nào không biết rõ nghĩa thì chép lên giấy. Lúc nào rảnh, tra tự điển rồi ghi ba nghĩa chính của nó lên miếng giấy. Nhưng như vậy, nó vẫn chưa thành dụng ngữ của bạn. Nó với bạn chỉ mới là biết mặt nhau thôi. Phải dùng tiếng đó làm ba câu với ba nghĩa của nó.
Bây giờ đã thành dụng ngữ của bạn chưa? Vẫn chưa. Phải tập bò trước khi tập đi. Bỏ miếng giấy đó vào trong túi. Trong tuần lễ đó, để ra ít phút để coi lại, khi phải đợi ai chẳng hạn. Trò chuyện với ai, ráng đem dùng tiếng mới học đó.
Thử mỗi ngày học một tiếng thôi. Biết được tiếng này thì thích biết thêm được một tiếng khác liên quan ít nhiều với nó. Lâu rồi thành thói quen, muốn diễn được đầy đủ những tư tưởng của bạn bằng những tiếng chính xác, rõ ràng.
• Cách thứ bảy: ĐỌC SÁCH
Người ta bảo sách là món ăn tinh thần. Nếu trí óc đầy những tư tưởng bậy bạ thì là tại ta đọc những sách bậy bạ. Báo chí không đủ để nuôi tinh thần, phải đọc thêm những sách chứa tư tưởng cao, diễn bằng những lời đẹp.
Ông William Briggs, giáo sư danh dự của trường Đại học Columbia có lần bảo tôi rằng ông làm cho đời ông phong phú lên bằng cách rất đơn giản: Hồi mới cưới, ông bà quyết định mỗi ngày sau bữa điểm tâm, bỏ ra mười lăm phút để đọc lớn tiếng một tác phẩm cổ điển. Trong ít năm ông bà đọc được nhiều danh tác, rồi thành một thói quen, ông bà giữ tới ngày nay. Và ông nhờ vậy đã thành một nhà mô phạm xuất chúng của Mỹ.
Tại sao không theo gương ông, sống với các vĩ nhân cổ kim của thế giới, mà lại bắt mình chỉ được sống với những người của thế hệ mình? Ngay đêm nay, bạn có thể mời một nhà bác học danh tiếng nhất của loài người về nhà trò chuyện với bạn. Đơn giản lắm! Chỉ cần lựa một tác phẩm nổi danh nào đó rồi tìm hiểu tư tưởng, cảm xúc của tác giả. Mà không phải ngại rằng quý khách của bạn mệt mỏi. Bạn chẳng phải pha trà tiếp đãi, mà muốn giữ khách đến bao giờ cũng được, muốn mời khách về lúc nào cũng được. Khách luôn luôn vui vẻ, nhã nhặn, tận tâm với bạn, đem hết sở đắc ra chỉ cho bạn.
Vậy bạn nhớ mỗi ngày bỏ ra một lúc để làm cho tinh thần của bạn phong phú lên nhé? Một ngân hàng ở Manhattan mới rồi quảng cáo: “Một phần lợi tức của bạn kiếm được là của bạn đấy; để dành nó đi”. Tôi cũng muốn nói: “Một phần ngày là của bạn đấy, để dành nó vào việc đọc sách đi, hầu làm cho đời của bạn được phong phú hơn”.
• Cách thứ tám: DÙNG CÂY VIẾT CHÌ
Xin bạn chú ý vào đoạn dưới đây. Nó bày ta một thuật luyện trí trong khi đọc sách, giúp bạn hiểu mau hơn và nhớ kỹ hơn. Mới đầu, cần có kỷ luật và hơi mất thì giờ, nhưng chẳng bao lâu kết quả sẽ làm cho bạn ngạc nhiên.
Nếu bạn có cái thói đọc lướt qua, nhảy trang thì phải tập đọc chậm chậm lại. Đọc nhanh thì có khi óc chỉ đầy những cảm giác thoáng qua, rồi hết.
Lựa một bài gợi ta suy nghĩ về một vấn đề ta thích. Lựa một môn nào mà ta muốn nghiên cứu kỹ. Rồi đọc cho hết bài đó. Trong khi đọc, nhớ câu tục ngữ La tinh này: “Học mà không có cây viết thì tức là ngủ”. Cầm một cây viết chì, đọc xong mỗi đoạn là tóm tắt lại ý tưởng của tác giả. Cây viết chì là cái quan trọng nhất. Nó cho biết trí óc của bạn chăm chú vào vấn đề hay vơ vẩn ở đâu đâu. Nếu nó ngưng là trí bạn lông bông rồi đấy. Đừng chép lại đúng lời của tác giả. Cách đó là cách làm biếng, không có công hiệu gì mấy. Phải diễn tư tưởng của tác giả bằng lời văn, giọng văn của bạn.
Như vậy được ba cái lợi: Trước hết nó bắt bạn phải tìm hiểu nghĩa đoạn mà bạn đọc. Nó làm cho năng lực tinh thần của bạn hướng vào một mục tiêu và kích thích bạn.
Lại thêm lúc mà bạn kiếm đại ý trong đoạn chính là lúc bạn bắt đầu suy nghĩ. Nếu cảm giác còn mơ hồ thì bạn nhận thấy ngay, và bắt buộc phải đọc lại.
Sau cùng tóm tắt bằng lời lẽ của bạn là cách dùng trí óc đầy đủ nhất. Phải viết thành câu rõ ràng, cô đọng, gọn gàng[3].
Tóm tắt
Đọc lại tám cách luyện trí chỉ ở trên, bạn sẽ nhận thấy chúng có chung một ý này: Tập luyện. Cả tám cách đều bắt bạn làm việc. Có quen làm rồi mới khéo; ngoài ra không có cách nào khác. Nếu chỉ đọc chương này thôi thì bạn chỉ mới luyện con mắt; có thực hành được tám cách đó mới là luyện trí.
Nên nhớ rằng: Cái gì không dùng sẽ mất.
Tôi nhắc lại, tám cách đó là:
1. Kích thích ngũ quan.
2. Suy nghĩ để sáng tạo.
3. Tổ chức tư tưởng.
4. Dùng trực giác.
5. Luyện trí phán đoán.
6. Tăng số dụng ngữ.
7. Đọc sách.
8. Dùng cây viết chì.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.