Sống Đời Đáng Sống

Chương 3 LÀM SAO SỐNG MỘT ĐỜI SỐNG PHONG PHÚ HƠN?



                                                          ~oOo~

Năm 1935, tôi đi thăm nhà tu của giáo phái Luyện tâm (trappist) ở trên Melleray, xứ Ái Nhĩ Lan. Tôi muốn thí nghiệm đời sống tu hành khắc khổ nhất, ở một thời gian với những người không bao giờ nói, chỉ làm việc và tụng kinh suốt ngày, lại thường nhịn đói, và luôn luôn ngủ trên ván.[4]

Tôi quyết định leo ngọn núi đó để tới tu viện. Khi leo được nửa đường, tới một chỗ quẹo, một ông già thấy tôi, tươi cười, chào tôi bằng câu hát này: “Thánh mẫu hôm nay phù hộ cho cháu”. Từ đó, tôi thấy đường núi hình như dễ leo hơn và cảm thông được tinh thần của những người đã làm cho ngọn núi khô khan này thành một thánh đường – tinh thần của những người chịu cái khắc khổ về phần mình muốn phân phát tình yêu cho khắp thế giới.

Trước khi rời tu viện, tôi đọc học được bí quyết của sức mạnh tinh thần đó. Những tu sĩ đó đã tập được tinh thần vị tha, tinh thần độc nhất có thể làm cho con người vui vẻ, bình tĩnh.

Thế nào là có tinh thần vị tha? Là hiểu rằng đời sống xã hội cần thiết cho đời sống cá nhân. Tứ hải giai huynh đệ, lời đó đã có từ xưa. Chúng ta có thể nói thêm rằng: “Chúng ta với những người khác là một”; vì cái chân lý của đời sống mới là: Không có người khác, người khác chỉ là một bản thể bao trùm lấy ta thôi. Chúng ta sống với người khác và ở trong người khác. Người khác không cách biệt hẳn ta mà là một phần tử của ta. Không có họ thì chúng ta chết. Có họ thì chúng ta sống phong phú lên.

John Donne nói: “Không ai là một cái cù lao; ai cũng là một phần của lục địa; một phần của toàn thể; một người nào đó chết cũng làm cho tôi giảm đi vì tôi ở trong nhân loại; cho nên đừng bao giờ hỏi: Chuông báo ai chết đó? Nó báo ta chết đấy”.

Tinh thần vị tha làm cho đời bạn hóa đầy đủ. Càng tập được nó thì tinh thần của bạn càng già giặn, vì có tinh thần già giặn là nhận được rằng cái lợi của mình, nằm trong cái lợi của người.

Khó mà tập được tinh thần đó vì cái bản ngã của ta thường cho thấy người khác chỉ cản trở ta thôi, cho nên mới gọi họ là “đối phương”, là “địch thủ”, là “kẻ thù”. Chúng ta biến người khác thành “đối tượng” để khỏi phải coi họ là người, và rồi có thể tàn nhẫn với họ được.

Tên cướp nào cũng cho xã hội là kẻ thù. Các bậc danh tướng đều nghĩ rằng quân đội mình diệt cái xấu xa, cái tàn bạo, chứ không phải diệt những sinh vật là con người.

Mới rồi, tôi nghe lời của người lính trẻ này mà chua xót: “Không bao giờ tôi quên được cảnh này: Chúng tôi tảo thanh một châu thành và núp để bắn. Lệnh trên ban xuống: ”Hễ thấy cái gì động đậy là bắn“. Thình lình tôi thấy một cái bóng chạy ngang qua một nhà lầu cao, cánh tay kẹp một cái gì. Tôi bắn một phát trúng. Tôi vừa ra khỏi chỗ núp thì thấy một em gái mười tuổi chạy lại cái bóng đó và siết chặt vào lòng. Tôi tiến lại gần, em gái hoảng hốt ngó tôi, la: ”Chú đã giết ba tôi. Chú đã giết ba tôi“. Tôi hoang mang, lảo đảo. Như thằng điên, tôi đưa cho em một miếng kẹo. Em tỏ vẻ khinh bỉ tôi và tiếp tục la: ”Chú giết ba tôi. Chú giết ba tôi“. Bây giờ đây tôi còn thấy em hôn cái xác của cha em, trên cánh tay ông còn kẹp một ổ bánh mì dính máu”.

Khi bạn thấy rằng mình coi người khác không phải như một con người thì bạn đã mất một phần cái nhân đạo của bạn rồi.

Tinh thần vị tha là phương thuốc trị bệnh vô nhân đạo. Mấy năm trước, một buổi sáng mùa hè, trời oi bức, tôi đi từ phòng trong khách sạn ra eo biển để tắm. Khi qua sân, tôi thấy ba tôi đang đào đất để trồng một cây nhỏ, mồ hôi ra nhễ nhại. Tôi tự hỏi: “Sao mà đày đọa tấm thân như vậy? Ra biển tắm có khoẻ hơn không?” Rồi tôi hỏi người: “Ba khó nhọc làm gì vậy? Sao không đi tắm mát? Sang năm chúng mình đâu có ra đây nữa?”.

Người ngừng tay, ngó tôi một cách kỳ dị, không biết rằng người phật ý hay thất vọng. Sau cùng người đáp: “Thì có người khác ra đây”.

Tôi đi ra bờ biển, nhưng không thấy ham bơi nữa, trở lại hỏi ba tôi:

— Ba trồng loại cây gì vậy?

Người do dự một chút đáp:

— Một loại cây trăm năm.

Tôi hỏi lại:

— Một cây trăm năm! Ba muốn nói một trăm năm nữa mới trổ bông?

— Nhưng sao ba chịu khó trồng nó trong lúc nóng nực như vầy?

Người mỉm cười:

— Tại ba tự hứa phải trồng nó sáng hôm nay. Năm ngoái ba thấy ở vườn Bách thảo Beonx một cây như vậy trổ hoa. Ba nghĩ đến người ba chục năm trước đã trồng nó để bây giờ ba được hưởng và tự nhủ một ngày nào đây ba phải trồng một cây cho người tới sau được hưởng. Hôm nay ba làm công việc đó.

Giúp cho người khác là một điều vui, vì như vậy là ta dự một phần nào vào sự phối hợp của vũ trụ.

Tinh thần vị tha cần thiết cho một đời sống đầy đủ trong xã hội. Trước hết nó là cơ sở cho sự phát triển của ta; nó hướng dẫn ta, vạch cho ta một kế hoạch, cho ta thấy sự liên lạc giữa ta và người khác.

Lại thêm, nó là cơ sở cho sự giao thiệp với người khác. Một phần lớn hạnh phúc của ta là do ta có khéo cư xử với người khác hay không. Chúng ta cần họ mến chúng ta, kính ta, cần họ tán thành ta, ý kiến của ta, cần họ giúp đỡ và hợp tác với ta.

Sau cùng nó là cơ sở cho sự chỉ huy. Ta lớn lên, có trách nhiệm về hạnh phúc của kẻ khác, không nhiều thì ít. Chúng ta sẽ có năng lực, quyền hành, phải được hướng dẫn, hoặc làm gương cho một số người.

Càng cao niên ta càng có ảnh hưởng, càng phải chỉ huy. Vậy, nếu thiếu tinh thần vị tha thì về cả ba phương diện kể trên, đời của chúng ta sẽ thiếu cơ sở để phát triển và chúng ta không được sung sướng.

TÓM LẠI

Tới đây là hết phần thứ nhất. Phần đó chỉ cho bạn thấy rằng bạn có thể sống một đời sống mới. Rằng bạn có nhiều khả năng mà mới thực hiện được ít. Rằng bạn có thể đạt được ý muốn của mình.

Bạn lại thấy có thể gây được năng lực trong đó con người bạn. Phải khéo dùng năng lực đó. Nó cũng như là tình yêu. Phải phân phát nó thì nó mới phát triển được, và lúc đó người khác mới quý bạn. Vì bạn với họ chỉ là một.

• Nếu bạn muốn sống phong phú thì làm như vầy:

1. Luyện tinh thần vị tha.

2. Sống đầy đủ bằng cách cùng sống với người.

3. Kết tình nhân đạo với mọi người.

4. Coi mọi người như anh em của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.