Sống Đời Đáng Sống

Chương 5 BẠN LÀ MỘT SINH VẬT DỄ CẢM THÌ NGƯỜI KHÁC CŨNG VẬY



                                                          ~oOo~

Thuyền trưởng Isaiah Sellers là người đầu tiên lái tàu chạy trên sông Mississippi năm 1811. Tính ra ông đã cho tàu chạy bốn trăm sáu chục lần dọc con sông và tổng cộng tàu chạy được non hai triệu cây số. Con sông đó rất thay đổi, chỗ bồi chỗ lở, có khi chỉ it tháng nhiều chỗ không nhận ra được nữa. Ông đã ghi chép những nhận xét thực tế và hữu ích của ông về con sông, gửi cho tờ Picayune ở New Orleans. Ai cũng nhận ông là người nhiều kinh nghiệm nhất trong nghề, đáng làm thầy tất cả những hoa tiêu trên sông.

Ông rất kiêu hãnh về nghề của mình và rất yêu nó. Về già ông cho làm một bức tượng của mình bày trong nhà. Hiện bức tượng đó dựng trên mộ ông ở nghĩa địa Bellefontaine, tại St. Louis. Tượng bằng đá hoa ghi lại hình ảnh của ông khi đứng lái tàu.

Một hoa tiêu nhỏ tuổi thấy ông kiêu hãnh như vậy, nẩy ra ý muốn chế giễu ông. Công việc đó rất dễ dàng vì những bài ông đăng báo Picayune viết quá tự nhiên, không có văn chương gì cả. Chàng ta viết bài chỉ trích đưa cho bạn bè coi, họ gởi đăng ngay ở tờ True Delta tại New Orleans. Những bài chỉ trích đó chẳng có ích lợi gì cho ai cả nhưng làm cho ông già Sellers đau xót.

Từ đó thuyền trưởng Sellers ghét thanh niên nọ cho đến chết. Và không đăng báo nữa. Chàng thanh niên đó là Mark Twain. Chuyện đó làm cho chàng hiểu rằng loài người là một sinh vật dễ cảm và không có gì đau khổ bằng lần đầu tiên bị người khác bêu xấu mình trên báo.

Nhà tâm lý học danh tiếng William Trotter nói: “Con người dễ cảm xúc về dư luận hơn là về những cái khác. Dư luận có thể làm cho ta hăng hái, đầy nghị lực, can đảm, bền bỉ, nhưng cũng dễ làm cho ta chua xót, chán nản, buông xuôi tất cả. Ta không thể nào đoán trước được hạnh phúc hay đau khổ do dư luận gây ra sẽ mạnh tới mức nào”.

Somerset Maugham viết: “Những kẻ bảo cóc cần người khác nghĩ ra sao về mình, đa số là tự dối mình. Lòng muốn được người khác khen là bản năng đâm rễ sâu nhất trong tâm não con người văn minh. Tôi không tin những kẻ bảo không thèm để ý đến dư luận. Đó là thái độ phách lối của người ngu”.

Có lẽ đặc điểm thứ nhất của con người là tính dễ cảm. Trong một lớp học của tôi, bà mẹ một em nhỏ bị mù than thở với tôi rằng bà lo lắng vì con bà cứ lạc hoài. Sau bà tìm ra được nguyên do: Khi vắng má nó thì nó gỡ bỏ dấu hiệu: “Tôi là một em nhỏ bị mù”.

Khi bạn tin rằng một người nào đó không cảm xúc thì bạn hiểu lầm người đó rồi. Giáo sư John Deway có lần bảo tôi rằng chỉ mỉm cười một cách gượng gạo cũng đủ làm cho một sinh viên năm thứ nhất lúng túng mắc cỡ, diễn thuyết chẳng ra gì cả mặc dầu bài diễn văn có thể rất hay. Thật lạ lùng, phải thành công nhiều lần rồi mới tin giá trị của mình, nhưng chỉ một lần thất bại cũng đủ cho lòng tự tin đó lung lay.

Vậy mà chúng ta có xu hướng muốn chế giễu, khinh bỉ tư tưởng và hành động của người khác. Đó là cái bẫy mà những người tài khéo thường mắc phải, vì càng khéo chế giễu thì ta lại càng lầm lẫn. Óc chế giễu làm phí tài năng, gây sự xung đột và mua thù chuốc oán. Chẳng phải chỉ người bạn chế giễu mới oán bạn, ngay cả những người nghe bạn mà được dịp cười nữa cũng không ưa gì bạn vì họ ngần ngại sẽ đến phiên họ bị bạn đập, nên họ phải đề phòng.

Ông Chesterfield nói: “Những bất công của kẻ ác dễ quên hơn là lời chế giễu của một kẻ có tài trào phúng; trong trường họp trên, ta chỉ thiệt hại về tự do hoặc của cải; còn trong trường hợp dưới, lòng tự ái bị thương tổn”. Một lời trào phúng có thể gây một kẻ thù suốt đời.

Chế giễu dáng người, vẻ mặt của ai là một lỗi không thể tha thứ, vì ai cũng dễ cảm về những cái mà mình không thể thay đổi được.

Nếu ta bảo màu cà vạt của một người là không thích hợp thì người đó có thể không buồn phiền gì cả vì bắt quá chỉ thay đổi cà vạt là xong. Nhưng nếu ta chê xứ sở màu da hoặc gia đình của họ, thì ta phải coi chừng đấy. Người đó không cãi lý với ta đâu mà sẽ tấn công ta, vì những cái đó không ai có thể thay đổi được.

Phải tôn trọng địa vị và uy danh của người. Dù bạn biết rằng địa vị và uy danh đó không xứng đáng thì cũng vẫn phải tôn trọng nó; nếu không bạn sẽ làm cho người đó hết tin ở bản thân, và điều đó không ai chịu nổi; người ta sẽ họp nhau lại để tấn công bạn.

Bạn nên nhớ: Làm cho người nào thấy họ kém cỏi tức là làm cho người đó thành kẻ thù của mình.

Vì tấn công họ, họ có thể chống đỡ được; còn chế diễu họ là không cho họ phương tiện để chống đỡ, nên họ oán lắm.

Một hôm tôi đi chơi phố với đứa cháu trai bốn tuổi. Nó thấy một dải băng màu rực rỡ, lượm lên quấn vào đầu.

Tôi bảo cháu:

— Con không thích quấn cái băng đó, phải không con?

Nó vội vàng đáp:

— Có chứ, ba. Nó đẹp quá.

Nó có vẻ thích, nên tôi cũng để mặc. Tôi nghĩ đến một cái băng khác cũng giống băng đó mà tôi quấn cổ lúc đó, tức cái cà vạt của tôi.

Nhưng đi chưa hết con đường thì chúng tôi gặp hai đứa con gái. Chúng chỉ trỏ dải băng trên đầu con tôi và la: “Ngó kìa, thằng bé nhút nhát quấn băng trên đầu kìa! Y như con gái”. Rồi chúng cười rộ lên. Con tôi mắc cỡ. Tức thì nó giật mạnh dây băng, liệng xuống đất. Chưa bao giờ tôi thấy nó giận dữ như vậy. Từ đó không khi nào nó quấn băng trên đầu nữa.

Cái vật làm cho người ta chế diễu nó đó, muốn liệng đi lúc nào cũng được. Nhưng bạn thử tưởng tượng, nếu vật kia là một phần của bản thân nó mà nó giật không ra được thì ra sao? Thử tưởng tượng nếu người ta chế giễu về thân thể, về nòi giống, về tôn giáo mà tổ tiên nó đã theo từ mấy đời nay và truyền lại cho nó, thì làm sao nó liệng bỏ đi được?[13]

Ôi! Sự chế giễu, trào phúng còn bén hơn một lưỡi dao; và vết thương nó gây ra sâu biết bao!

• Nếu bạn muốn hiểu người thì làm như vầy:

1. Nhớ rằng loài người là sinh vật dễ cảm nhất.

2. Đừng bao giờ làm cho người khác cảm thấy họ kém cỏi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.