Sống Đời Đáng Sống

Chương 6 HỄ TRANH BIỆN VỚI NHAU THÌ KHÔN NGU GÌ CŨNG “CÁ MÈ MỘT LỨA”



                                                         ~oOo~

Có một hôm, tôi đang đi ngang trường Đại học Columbia thì gặp một cặp trai gái trẻ. Tôi đoán họ là vợ chồng. Tôi sắp vượt họ thì nghe thiếu nữ nói: “Phải rồi”, người đàn ông đáp: “Không phải đâu, em à…”. Vì không có công việc gì, tôi tò mò theo họ xem câu chuyện ra sao. Đi được ít bước nữa thiếu nữ nói tiếp: “Không bao giờ anh nghe em cả”. Người kia quay lại bảo: “Anh chán nghe em rồi”. Rồi thiếu nữ phàn nàn rằng mẹ nàng đã bảo trước nàng rằng tính chàng bướng bỉnh, y như tính của ông thân chàng vậy.

Sau cùng tôi được biết nguyên do cuộc lời qua tiếng lại đó chẳng có gì quan trọng cả: Người thì bảo rằng ga đường hầm ở đường 72 là một ga xép, xe điện tới đó ngừng, người thì bảo rằng nó là một ga trên đường xe tốc hành. Cả hai đều có lý vì ga đó vừa ở trên đường xe tốc hành, vừa là một ga xép. Như vậy mà gây với nhau thì thật vô lý quá. Đừng bao giờ cãi nhau về những sự kiện. Dù bạn nói gì thì nói, sự kiện nó vẫn còn đó. Người ta cãi nhau chỉ vì không biết rõ sự kiện. Cứ đợi tới lúc trông thấy sự kiện rồi thì sẽ biết ai phải ai lầm.

Ngày lễ Giáng sinh năm 1870 cô Mary bưng một con gà quay đặt lên bàn, đúng lúc đó một con sáo đậu lên thành cửa sổ. Cô nói: “Anh Pat, có một con sáo đẹp đậu trên cửa sổ kìa”. Nhưng đúng lúc nàng đặt con gà lên bàn thì con sáo bay mất và một con chim họa mi đã thế chỗ. Pat cau mặt nói: “Họa mi chứ đâu phải sáo”. Mary quay lại nhìn thì con họa mi đã bay đi rồi, đáp: “Lúc nãy con sáo đậu ở đó”. Pat lạnh lùng nhìn nàng, nói giọng hơi gắt: “Nó là con họa mi”. Mary nổi nóng: “Tôi biết nhận một con sáo mà”. Tỏ vẻ khinh khỉnh, Pat nói: “Đồ đàn bà, chẳng biết gì cả lại còn nói càn”. Thế là hai người gây lộn với nhau.

Ngày lễ Giáng Sinh năm sau, Mary lại bưng một con gà quay, vừa đi vừa khấn: “Phước đức quá, nhờ Trời năm nay không có con sáo nữa”. Pat nghe thấy, hỏi: “Em muốn nói con họa mi năm ngoái đậu ở cửa sổ này ư?” Hai vợ chồng lại gây lộn với nhau nữa. Và cứ như thế suốt hai chục năm.

Ít khi chúng ta ở trong trường hợp đó, nhưng chung quanh chúng ta chuyện như vậy xảy ra bất thường. Vậy bạn nên nhớ câu này: Nếu là một sự kiện thì tìm nó ra, nếu là một ý kiến thi diễn nó ra một cách khiêm tốn.

Muốn tránh những cuộc tranh biện vô ích thì phải yêu sự kiện, và chịu khó đợi cho tới khi tìm được nó. Trong một cuộc tuần du, Tổng thống Roosevelt soạn một bài diễn văn. Khi ngồi xe lửa về Washington, ông bảo ông William D. Hassett, thư ký ở Tòa Bạch Ốc, rằng ông phải lật lại Thánh kinh tra xem người nào đã tới Jericho mà lọt vào một ổ ăn cắp. Tổng thống thích bài học của người Pharisee xấu bụng không giúp đỡ kẻ bị nạn. Ông Hassett bảo kẻ ích kỷ đó không phải là người Pharisee mà là người Levite. Tổng thống cương quyết giữ ý kiến của mình. Ông Hassett nói lảng qua chuyện khác, đợi đến sáng hôm sau về Washington, lấy một cuốn Thánh kinh ra đưa Tổng thống coi.

Ông Hassett đã tránh tranh biện về một sự kiện. Thái độ ông rất phải. Nếu bạn có lý thì chịu khó đợi tìm ra được sự kiện để chứng thực quan niệm của bạn. Còn nếu bạn lầm, thì thái độ yên lặng có lợi cho bạn là khỏi gân cổ ra cãi bướng để tỏ rõ cái khối ngu của mình. Vậy trong cả hai trường hợp, ban chỉ có lợi. Và một cách rất dễ để tránh tranh biện là: Đừng bao giờ lý luận suông về một sự kiện.

Ông John Patterson, trước kia làm chủ tịch công ty National Cash Register, điều khiển công ty bằng bàn tay sắt. Có một lần ông đuổi hết các nhân viên trong phòng kế toán phí tổn; ông bắt họ ôm sổ sách theo ông vào xưởng súp-de rồi liệng tất cả sổ sách vô lò lửa. Ông cho rằng tính phí tổng mà tính tới từng xu một là điên khùng.

Ông đuổi nhân viên một cách đột nhiên đến nỗi thỉnh thoảng nghĩ lại cũng giật mình, thấy công ty của ông như một kim tự tháp bằng cát bốn bề cứ tuột lần lần xuống một cách đều đều. Có người chỉ nhận được một hàng chữ giản dị này: “Ông John Brown: Ông bị đuổi khỏi hãng.”

Ông khó tính thế đấy. Vậy mà một người đã biết cách làm cho ông phải theo ý mình. Người đó biết rằng ông Patterson mặc dầu tính tình kỳ cục như vậy, nhưng có tinh thần lý luận rất đúng.

Người đó là Charles F. Kettering, sau này làm Phó chủ tịch công ty General Motors. Ông Kettering rất giỏi về nghệ thuật hiểu người; ông không phí thì giờ về những hành động lạ lùng của ông Patterson mà chỉ chú ý tới tinh thần lý luận của chủ.

Một lần ông Patterson bảo ông:

— Này, ông Kettering này, cái máy mới này có vẻ đẹp đấy. Bao giờ thì những hình vẽ này biến thành khí cụ đấy? Bao giờ thì chúng ta có thể bước vào giai đoạn sản xuất?

Ông Kettering đáp:

— Thưa ông, tôi không nói chắc được, nhưng tôi đoán khoảng một năm nữa.

— Không được. Hiện nay phòng ông có bao nhiêu người?

— Có mười người làm máy mẫu và sáu họa công.

— Tôi sẽ lưu tâm tới việc đó. Tôi sẽ cho ông một cái phòng rộng bằng hai phòng này, cho thêm mười người thợ máy và sáu họa công nữa.

— Như vậy có lợi gì không ạ?

— Hứ, sự thật thì – ông Patterson mà thốt những tiếng đó là thế nào một tai nạn cũng sắp xảy ra trong công ty – sự thật thì ông có mười người để đào một cái hầm trong một thời gian, nếu tăng số người lên gấp đôi thì thời gian sẽ rút đi một nửa phải không?

Mắt ông Patterson nheo lại, còn cặp mắt đen và thành thực của ông Kettering thì sáng ngời lên sau cặp kiếng. Nhưng ông Kettering không nói gì cả. Im lặng hoàn toàn.

Ông Patterson nói tiếp:

— Ông muốn nói rằng số người tăng lên gấp đôi thì ông không làm được gấp đôi công việc, phải không vậy?

— Thưa ông, cách hay nhất để trả lời câu của ông là hỏi lại ông câu này: Một con gà mái ấp một lô trứng trong ba tuần thì nở; hai con mái ấp lô trứng đó trong một tuần rưỡi có thể nở được không?

Ông Patterson phải nhận là ông Kettering có lý và để cho ông ta tiếp tục tìm tòi, chế tạo.

Nếu ta theo hai quy tắc của ông Kettering thì tránh được nhiều cuộc tranh luận. Quy tắc thứ nhất: Ông không trả lời ông Patterson khi ý kiến bất đồng. Quy tắc thứ hai: Đáng lẽ đáp lại một cách quả quyết thì ông chỉ hỏi lại một câu. Như vậy cần phải kiên nhẫn và suy nghĩ: Hai điều kiện này thường thiếu nhất trong những cuộc tranh biện.

Còn nếu bạn nhanh trí thấy ý kiến của đối phương là vô lý thì xin bạn đếm tới mười. Đếm xong rồi mà vẫn thấy ý kiến đó vô lý thì đếm đến hai mươi. Rồi suy nghĩ, tìm một câu hỏi để dẫn dắt đối phương về quan điểm của bạn. Khó ư? Tất nhiên là khó rồi, nhưng thú vị lắm.

Không phải là cuộc xung đột nào cũng có thể giải quyết được đâu. Nhưng thời gian là một yếu tố làm dịu tình hình căng thẳng. Muốn có yếu tố thời gian, một công chức ở Washington dùng một cái tủ có bốn ngăn. Vấn đề nào cũng được sắp vào ngăn thấp nhất, ngăn thứ tư. Rồi cở nửa tháng một lần ông ta sắp lại các ngăn, đem những vấn đề ở ngăn thứ tư lên ngăn thứ ba, nếu trong thời gian đó vấn đề vẫn còn quan trọng vẫn chưa giải quyết xong. Như vậy lên tới ngăn thứ nhì rồi ngăn thứ nhất. Dùng phương pháp đó, ông ta thấy thời gian giải quyết được hết thảy, trừ những vấn đề hóc búa nhất.

Phương pháp đó không thể áp dụng trong mỗi trường hợp được, nhưng có điều đúng là thời gian giúp ta nhìn thấy đúng sự quan trọng hay không của vấn đề; nó lại giúp ta nhìn thấy những giải pháp mà lúc đầu ta không nghĩ ra. Ta như được đứng trên cao mà nhìn bao quát xuống. Giờ đây có ai cảm động về những trận đánh của César hay Napoléon nữa đâu, nhưng đương thời những vị đó dân chúng xúc động đến cuồng loạn. Để cho thời gian làm cho cảm xúc của ta lắng xuống rồi ta mới suy nghĩ sáng suốt được.

Năm 279 trước Công nguyên, vua xứ Epirus là Pyrrhus thắng quân La Mã ở Ausculum. Kẻ tả hữu của ông ca ngợi thắng lợi ấy bằng những danh từ rực rỡ. Nhưng Pyrrhus nhận thấy số tử sĩ nhiều quá, nên phàn nàn rằng: “Thắng quân La Mã một lần như vậy nữa thì chúng ta sẽ hoàn toàn kiệt sức”.

Bạn nên luyện tinh thần thói quen tìm hiểu người khác đi. Gắng sức tìm ra một khu vực hiểu biết lẫn nhau, theo chính sách nhận của người mà cũng tặng lại người.

Thứ nhất là tránh được sự tranh biện – nó làm cho kẻ khôn người ngu đều “cá mè một lứa”.

• Nếu bạn muốn tránh tranh biện thì làm như vầy:

1. Đừng bao giờ lý luận về sự kiện – Kiếm nó ra.

2. Dùng câu hỏi để dẫn dắt người ta về quan điểm của mình.

3. Đợi một thời gian rồi hãy quyết định vấn đề.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.