Sống Đời Đáng Sống

PHẦN THỨ BA: ĐỜI SỐNG CHỈ HUY: Chương 1 Bí quyết chỉ huy



                                                           ~oOo~

Trong cuộc cách mạng Pháp, người ta thấy một sĩ quan hăm hở chạy theo bọn lính đào ngũ của mình. Khi đem ra xử tội thì đáp:

— Nhưng tôi phải theo họ chứ. Tôi chỉ huy họ mà.

Viện sĩ quan đó đã tìm được bí quyết chỉ huy. Ông ta biết rằng muốn chỉ huy người khác thì phải động lòng với họ. Phải theo đường lối của họ, phải theo mục đích của họ. Ta không thể cho họ một động cơ nào tùy ý ta, ta có thể tìm một động cơ thúc đẩy họ rồi để cho tự ý họ lựa. Muốn chỉ huy, ta không nên như mặt trời mà phải như mặt trăng. Ta không thể ở trên cao chiếu xuống người dưới, ta phải phản chiếu họ.

Tháng 8 năm 1887, ở trường Võ bị West Point, đại tướng John M. Schofield đã đọc bài diễn văn có giá trị về văn chương. Nhờ kinh nghiệm chỉ huy trong đời, ông chỉ cho các trung úy trẻ tuổi cái bí quyết gây được lòng quý mến và trung thành của quân đội. Bài học đó có thể là bài học chung cho mọi người. Ông nói:

“Muốn làm cho binh sĩ trở thành những người đáng tin cậy trên chiến địa thì không nên dùng chính sách nghiêm khắc, bạo ngược mà đối đãi với họ. Chính sách đó không đoàn kết mà chỉ làm tiêu tan quân đội thôi. Có cách chỉ huy gây được ở người dưới lòng hăng hái muốn tuân lệnh ta; lại có cách chỉ gây lòng bất bình và muốn trái lệnh. Mà cách trên hay cách dưới đều do tinh thần của người chỉ huy cả. Người nào cảm thấy người khác cũng có quyền được kính trọng thì thế nào cũng được người khác kính trọng lại, còn kẻ nào khinh bỉ người khác thì thế nào cũng bị người khác oán ghét.”

Tâm lý căn bản đó đã ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ sinh viên trường Võ bị West Point. Tướng Dwight Eisenhower, vị tướng đã theo đúng tinh thần ấy và áp dụng nó để tạo thành một đạo quân lớn nhất từ xưa đến nay, đã kể cho ta nghe hay ảnh hưởng đó ra sao. Ông nói: “Lời của tướng Schofield có nhiều ý nghĩa đối với bất cứ người nào đã phụng sự trong quân đội Hoa Kỳ. Những lời đó diễn tả tinh thần căn bản của những người chỉ huy quân đội một nước tự do. Năm 1911, hồi tôi còn là một sinh viên, những lời đó đã được khắc trên một bảng đồng treo ở cửa trại Lao quân do thám để cho sinh viên ngày nào đi qua cũng trông thấy mà ghi nhớ. Những vị chỉ huy có danh tiếng đều là những người sống theo qui tắc đó”.

Cuốn sách huấn luyện Sĩ quan Hoa Kỳ có câu này: “Chú ý trước hết tới binh sĩ”. Nếu tập được tinh thần đó thì người ta sẽ theo mình. Nếu không mình phải đi tìm người để theo.

Chính tinh thần chỉ huy đã đào được kinh Panama. Người ta cho việc tạo kỳ quan thứ tám của Thế giới đó là một việc cơ hồ không thực hiện nổi. Đã nhiều lần thử đào nhưng đều thất bại. Nhưng đại tá George Geothals lại nói rằng ông không thể thất bại được. Ông bảo:

“Trong việc đào kinh Panama, tôi chú ý nhất tới người chứ không phải tới máy móc. Nếu ta khéo điều khiển người thì cái kinh tự nó thành.” Và ông chú ý đến người một cách tận tâm lạ lùng. Bất kỳ ai muốn lại hỏi ông điều gì, ông cũng tiếp, và câu: “Lại nói với Đại tá” thành một câu tục ngữ ở Panama. Ông Geothals thấy rằng một người chỉ huy mà đóng cửa không tiếp người giúp việc thì là tự giam mình trong phòng. Suốt thời kỳ đào kinh, công việc khó khăn và nguy hiểm như vậy nhưng ông luôn luôn nghĩ tới người dưới. Họ đặt một bài ca về ông như vầy:

“Đi kiếm Đại tá Geothals, lại nói với Đại tá Geothals 
Đó là cách hay hơn cả, hiệu quả hơn cả. 
Viết cho ông một bức thư, hơn nữa. 
Xin ông tiếp chuyện một lát trong ngày chủ nhật.”

Một thí dụ nữa: Đề đốc Henry Ervin Yarnell chỉ huy Hải quân Hoa Kỳ từ hồi chiến tranh Ý – Hoa Kỳ cho tới khi ông hồi hưu năm 1939. Tên ông biểu trưng tinh thần chỉ huy trong Hải quân. Danh ông vang lừng đến nỗi ông nhận được những huy chương rất quý chẳng những của Mỹ mà còn của Anh và Trung Hoa nữa. Và nhiều trường Đại học Mỹ đã tặng ông bằng danh dự.

Ông nói: “Nếu tôi đã thành công trong sự chỉ huy là nhờ các cư xử của tôi, tôi để ý đến ưu điểm và nhược điểm của mỗi người, tránh sự làm mất thể diện người ấy trước mặt người khác; tôi hoàn toàn công bằng, nghe nỗi thắc mắc, lo lắng của người dưới và luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ họ. Tôi ráng làm sao cho mỗi người hóa ra đắc lực trong sự thi hành bổn phận, và tôi ráng làm cho người ta tin rằng tôi có tư cách phụng sự mọi người trong địa vị chỉ huy của tôi.

Muốn thành công thì người chỉ huy phải là người giỏi nhất trong cơ quan của mình bất kỳ về phương diện nào, và phải được người dưới quyền mình công nhận như vậy. Phải để ý đến sự an lạc, đến hạnh phúc, sự ăn uống, nỗi lo lắng của người dưới. Phải nghe những lời tâm sự của bất cứ ai muốn nhờ giúp đỡ. Nói tóm lại, phải yêu người dưới như yêu con.

Những quy tắc dưới đây có thể làm cơ sở cho cả nghệ thuật chỉ huy:

“Thạo công việc hơn bất kỳ người nào ở dưới quyền mình.

Sẵn sàng nhận trách nhiệm.

Làm sao cho người dưới làm việc đắc lực.

Công bình và lễ độ trong việc cư xử.

Trong khi kiểm soát phải tôn trọng người dưới chứ đừng làm cho người ta sợ.”

Một đơn vị lớn nhất của Hollywood, ông Delmer L. Daves nói: “May mắn cho tôi, sau khi đậu bằng luật học, tôi quyết định lựa nghề chiếu bóng. Tôi phải bắt đầu từ vị trí thấp nhất, làm những việc lặt vặt trên phim trường và để cho mọi người sai khiến. Tôi học được điều là có nhiều cách ra lệnh, có thể giữ kỷ luật một cách vui lòng hay miễn cưỡng, và tôi tập được tinh thần nhịn nhục, dẹp lòng tự ái của mình xuống. Tôi đã phải làm việc dưới quyền của ông giám đốc theo chính sách độc tài của Đức và dưới quyền của những tay giám đốc biết tôn trọng người khác; tôi thấy sự khác nhau giữa những công ty có một mục đích là kiếm tiền với những công ty làm việc vì thấy sự hợp tác với những người sung sướng là một niềm vui. Không khi nào tôi quên bài học đó. Tôi biết sự nhã nhặn của mình ảnh hưởng lớn đến người lạ, đến người dưới và đến tất cả những người hợp tác với tôi”.

Trong đời sống với mọi người, muốn chỉ huy cũng cần tôn trọng người khác và được người ta tin cậy. Ông Herbert H. Lehman, một chính khách tài giỏi nói: “Tôi tin rằng trình độ chỉ huy của một người cao hay thấp tùy theo người đó được quần chúng tin cậy hay không. Tôi đã thấy rằng, trừ những trường hợp đặc biệt, người ta được quần chúng tin cậy là nhờ có đức thành thực, tánh vui vẻ và thích giúp đỡ người khác mà không nghĩ đến tư lợi… Tôi thấy rất ít người tỏ tài chỉ huy trong một thời gian khá lâu mà lại không hiểu tâm lý người khác”.

Và bí quyết chỉ huy đó – tức khả năng biết nghĩ tới nhu cầu của con người – cũng áp dụng được trong công việc kinh doanh. Ông William A. Patterson có lần bảo tôi: “Mấy năm trước, một nhân viên của tôi bảo tôi: “Trong hãng này, có một nhân viên cần đuổi ra ngay“. Tôi đáp: ”Những người đó giúp việc công ty đã năm năm rồi. Ông ta đã đóng góp công lao làm cho công ty đáng giá một triệu đôla. Vả lại giúp việc cho công ty năm năm thì không lẽ ông ta không được lòng một người nào ư? Tôi chưa biết ông ta“. Nhân viên của tôi nói thêm: ”Tôi yêu cầu ông đồng ý với tôi để cho người đó nghỉ việc”. Tôi kêu người đó lại, ông ta giữ việc thảo giấy tờ. Mới nhìn qua tôi biết con người đó không thể làm việc quảng cáo được, chỉ làm việc thống kê là tốt, vì rất ngăn nắp cẩn thận. Tôi chuyển ông ta qua phòng thống kê. Bây giờ ông ta là một nhà chuyên môn rất giỏi biết rõ những điều kiện làm ăn về ngành hàng không dân sự. Ông ta dự tính, tiên liệu rất giỏi và công ty nào trong xứ cũng nhờ ông giúp việc. Người đã khuyên tôi nên đuổi ông ta cũng có lý vì công việc thảo thư từ, quảng cáo không hợp với khả năng của ông ta. Chính người nào lần đầu tiên giao cho ông ta công việc đó mới có lỗi.”

Ông Walter S. Gifford, chủ tịch công ty Bưu điện Hoa Kỳ nói: “Chúng ta không thể bỏ qua phương diện người trong công việc làm ăn, vì làm ăn không phải chỉ cần máy mà còn cần người nữa. Dù bạn đã tổ chức công việc của bạn một cách hoàn toàn nhất theo lý thuyết thì rồi thế nào bạn cũng phải sửa đổi lại cho nó hợp với nhân viên giúp việc bạn. Tuyệt nhiên không nên dồn ép con người vào một kế hoạch lý thuyết không hợp với nó”.

Ông Henry Ford II, chủ tịch công ty xe hơi Ford, đã lập một trung tâm nghiên cứu và sáng chế máy móc, trị giá khoản 5 chục triệu đôla. Một phần lớn trung tâm đó chuyên nghiên cứu về con người. Ông nói: “Có một khu vực rộng trong đó chúng ta mới bắt đầu tiến được vài bước khả quan là khu vực con người. Máy móc tự nó không thể sản xuất ra được, phải nhờ có người. Trong bao nhiêu lâu nay chúng ta chỉ tìm cách cải thiện máy móc, chúng ta vẫn chưa rõ cái yếu tố rất phức tạp là con người.

Vì vậy tôi đề nghị xét lại yếu tố đó. Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề giao tế giữa con người trong sản xuất kỹ nghệ, thì tôi tin chắc rằng mười năm sau, sức sản xuất sẽ tăng, phí tổn sẽ giảm nhiều hơn là trong một phần tư thế kỷ vừa qua người ta chỉ nghĩ cách phát triển máy móc. Đó là một trong nhiều vấn đề quan trọng mà chúng tôi hy vọng nghiên cứu để giải quyết trong trung tâm của chúng tôi. Chúng tôi cần biết nhiều hơn về vấn đề người trong sự sản xuất cũng như trong vấn đề tiêu thụ.”

Có người hỏi ông Charles F. Kettering, phó chủ tịch công ty General Motors thế nào là nghiên cứu, ông đáp: “Nghiên cứu gồm 10 phần trăm thí nghiệm và 90 phần trăm cư xử với người cộng sự cho được vừa lòng họ”.

Vì tới nay, lời này cũng vẫn còn đúng: “Người chăn cừu nào suy nghĩ giống đàn cừu của mình thì thành công”.

Muốn chỉ huy phải hiểu người, có thiện cảm với người. Phải coi họ như một phần của bản thân ta. Có người chỉ huy tìm cách “chịu đựng một cách vui vẻ những kẻ ngu”, nhưng những người chỉ huy khôn khéo biết rằng chỉ nhờ tinh thần hiểu người mà kẻ khôn ngoan và kẻ ngu mới có thể sống chung với nhau được.

Vậy nếu bạn muốn chỉ huy người khác thì trước hết phải suy nghĩ về họ, chuyện trò với họ, hoạt động theo quyền lợi của họ. Chân lý sẽ hiện rõ trong tư tưởng của bạn, vang lên trong lời nói của bạn, và hành động của bạn sẽ hấp dẫn người khác. Vì không ai có thể chống lại “bản thân mình ở trong một người khác”.

• Muốn chỉ huy bạn làm như vầy:

1. Chú ý tới người khác.

2. Coi lợi ích của người là lợi ích của mình.

3. Nhớ rằng: “Người chăn cừu nào suy nghĩ giống đàn cừu của mình thì thành công.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.