Suối nguồn
Giới thiệu tác giả
Ayn Rand (tên sinh Alisa Zinov’yevna Rosenbaum; tiếng Nga: Зиновьевна Розенбаум; 2 tháng 2 năm 1905 – 6 tháng 3 năm 1982) là một nhà tiểu thuyết và lý luận quốc tịch Mỹ sinh tại Nga. Bà nổi tiếng vì đã phát triển học thuyết Chủ nghĩa khách quan và vì đã viết một số tác phẩm như We the Living (Chúng ta thực thể sống), The Fountainhead (Suối nguồn), Atlas Shrugged (Người khổng lồ nghiêng vai), For the new Intellectual (Vì giới tri thức mới) và tiểu thuyết ngắn Anthem. Là người gây ảnh hưởng rộng lớn tới nước Mỹ hậu chiến tranh thế giới thứ 2, các tác phẩm của Rand đã tạo nên sự mến mộ nhiệt thành cũng như phê phán nghiêm khắc.
Tác phẩm của Rand nhấn mạnh các quan niệm tư tưởng về hiện thực khách quan, lý trí, chủ nghĩa vị kỷ, và chủ nghĩa tư bản tự do, trong khi tấn công những gì mà bà coi là không hợp lý và phi đạo đức của lòng vị tha, chủ nghĩa tập thể (collectivism) và chủ nghĩa cộng sản (communism). Bà tin rằng con người phải chọn cho mình các giá trị và hành động theo lý trí; và rằng cá nhân có quyền để tồn tại vì lợi ích của chính bản thân mình, không hy sinh bản thân cho người khác hoặc nguời khác vì mình; và rằng không ai có quyền chiếm đoạt những gì thuộc về người khác bằng bạo lực hay lừa dối, hoặc áp đặt tiêu chuẩn đạo đức của mình lên người khác bằng bạo lực. Tính chất lý luận của Rand được mô tả là chủ nghĩa tiểu chính phủ (minarchism) và theo chủ nghĩa tự do (liberianism), mặc dù bà không bao giờ sử dụng thuật ngữ minarchism và ghê tởm chủ nghĩa tự do.
Mục tiêu rõ rệt của tiểu thuyết của Rand là miêu tả anh hùng của mình được lý tưởng hoá, một người có những khả năng và sự độc lập mâu thuân với xã hội, nhưng luôn bền gan quyết chí đạt được mục đích của mình.
SUỐI NGUỒN (The Fountainhead)
* Đã bán được hơn 6 triệu bản trong hơn 60 năm qua kể từ khi xuất bản lần đầu
(1943).
* Được dịch ra nhiều thứ tiếng và vẫn liên tục được tái bản hàng năm.
* Một tiểu thuyết kinh điển cần đọc.
“Một tiểu thuyết tràn đầy sức sống và sự thú vị… mạnh mẽ, kịch tính, mãnh liệt và rành mạch từ đầu đến cuối… một tác phẩm tuyệt vời đáng để đọc.”
– Saturday Review of Literature
“Tôi có thể ca ngợi tiểu thuyết này ở nhiều khía cạnh… sự kiện hấp dẫn… những nhân vật đầy màu sắc… táo bạo… thông minh phi thường.”
– New York Herald Tribune
“Bạn không thể đọc tác phẩm tuyệt vời này mà không liên tưởng đến một số tư tưởng cơ bản của thời đại chúng ta… Bạn sẽ nghĩ đến The Magic Moutain và The Master Builder khi bạn nghĩ đến The Fountainhead (Suối nguồn).”
– New York Times
Một thiết kế mạnh mẽ về con người
Ayn Rand (1905-1982) nói về những lý do cơ bản khiến tác phẩm này liên tục tái bản hằng năm (đến nay là 60 năm): “Nó tái khẳng định tinh thần của tuổi trẻ, nó tuyên bố về chiến thắng của con người, nó chỉ ra người ta có thể làm được những gì”. Và Ayn Rand đã đúng. Cuốn tiểu thuyết của bà có thể làm cho những ai quen bị cuốn đi trong tâm lý bầy đàn phải giật mình, buộc phải tự hỏi về chính kiến của mình, giá trị riêng có và sự tự tin tối thiểu của mình.
Như một bản vẽ tuyệt vời cho một công trình đáng tôn vinh nhất, Suối nguồn là một thiết kế tinh tế, mạnh mẽ về con người – những kẻ thứ sinh, ăn bám từ nhận thức đến cách sống, và những cá thể vĩ đại biết tư duy với một trí não độc lập, một niềm say mê chân chính của riêng mình. Con người – với các dòng chảy tư tưởng – hiện lên sống động qua một ngôn ngữ rành mạch, khúc chiết mà đầy lôi cuốn.
Việc xổ toẹt vào một xã hội nô dịch, đề cao chủ nghĩa cá nhân, lý tưởng giải phóng cá – thể – người khỏi mọi – người… của Ayn Rand trong Suối nguồn có thể gây ra nhiều cuộc tranh cãi giữa các luồng tư tưởng; nhưng trên hết, nó mang đến sự thú vị cho bất kỳ người đọc nào muốn tìm thấy ở đây một nhân sinh quan khá độc đáo về con người, cụ thể là con người – sáng – tạo. Với kiến trúc sư Howard Roak – nhân vật chính của tác phẩm, sáng tạo là nhu cầu tự nhiên nhất, là mục đích cao cả nhất. Anh chỉ có một niềm tin – tin vào chân lý của chính mình, không chấp nhận mọi sự phục tùng, phụ thuộc, không tồn tại thông qua bất kỳ ai khác.
Người đọc có thể đồng ý hay không đồng ý với tư tưởng của Rand, nhưng đọc Suối nguồn sẽ hiểu vì sao cuốn sách trên 1.000 trang này đã xoay chuyển cuộc đời của nhiều người Mỹ và được xếp vào tiểu thuyết kinh điển cần đọc.
L.TH. (theo tuoitre.com.vn)
Ayn Rand
Nhân tiện, nói về Ayn Rand thì cũng là một hiện tượng thú vị. Với nhiều người tôn sùng bà, Ayn Rand được coi là một nhà triết học, đạo đức học, nhà tư tưởng lớn. Các tác phẩm của bà, nhất là hai cuốn tiểu thuyết Atlas Shrugged và The Fountainhead luôn là các cuốn sách best-seller với các kỷ lục về doanh số bán ra. Trên trang web Amazon vào thời điểm hiện nay, 50 năm sau khi cuốn Atlas Shrugged ra đời, nó vẫn nằm trong 400 cuốn sách bán chạy. Hai cuốn tiểu thuyết với độ dày mỗi cuốn trên dưới 1000 trang này đã làm thay đổi cuộc đời của không biết bao nhiêu người Mỹ. Một trong số những người đó là Alan Greenspan, thống đốc huyền thoại của kinh tế Mỹ trong hơn hai mươi năm. Năm 1957 Greenspan đang làm công việc dự đoán kinh tế sau khi tốt nghiệp cao học kinh tế trường Đại học Columbia. Cũng như hầu hết các nhà kinh tế thời đó, Greenspan là người tin tưởng vào học thuyết Keynes – học thuyết đề cao vai trò của chính phủ trong nền kinh tế và chiếm địa vị thống trị kinh tế học cả thế giới tư bản kể từ sau thời Đại khủng hoảng (1929-33). Nhưng sau khi đọc xong cuốn sách dày hơn 1200 trang của Ayn Rand thì Greenspan trở thành một trong những người ủng hộ nhiệt thành tư tưởng của Rand. Với nhiều người, Ayn Rand được coi như nhà tư tưởng của chủ nghĩa tư bản, là người bảo vệ đanh thép cho các giá trị của chủ nghĩa cá nhân, và biện minh cho tính đạo đức của chủ nghĩa tư bản. Cùng với Ayn Rand, họ đã thoát khỏi cái mặc cảm Thiên chúa giáo đồng nghĩa giàu có với tội lỗi “Người giàu có vào được Thiên đường khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim”, cũng không phải mặc cảm với thứ luật rừng “kẻ mạnh nhất là kẻ tồn tại” mà Spencer rao giảng hồi đầu thế kỷ. Không phải ngẫu nhiên mà Rand lại có ảnh hưởng mạnh như thế, nếu như nhớ lại rằng Spencer cũng từng có ảnh hưởng tương tự ở Mỹ vào đầu thế kỷ cùng với sự phát triển của giai cấp tư sản. Địa vị của Rand chính là sự nối tiếp địa vị của Spencer trong một bối cảnh mới. Trong bài báo mới ra hôm kia trên tờ New York Times, tác giả bài báo gọi tiểu thuyết của Ayn Rand là văn học của chủ nghĩa tư bản.
Trong The Fountainhead, có đoạn một nhân vật chính, khi còn là một cậu bé xuất thân nghèo khổ một lần có dịp may đọc được cuốn sách của Herbert Spencer. Và cuốn sách đó đã thay đổi cả cuộc đời cậu, khiến cậu quyết chí vươn lên trở thành một nhà tư bản giàu có. Nhưng dù thành đạt, nhà tư bản đó vẫn không hạnh phúc với cảm giác mình đã tự phản bội mình. Câu trả lời của Ayn Rand về lý do nỗi bất hạnh đó chính là ở sự khiếm khuyết của thuyết Darwin xã hội mà Spencer truyền bá và được giai cấp tư sản Mỹ ngưỡng mộ. Đó là việc Spencer không tạo ra được một biện minh đạo đức. Vì thế những nhà tư sản Mỹ sẽ suốt đời phải dằn vặt giữa sự mâu thuẫn trong đạo đức Thiên chúa giáo của bản thân (hay/và của xã hội) với lý luận “kẻ mạnh nhất là kẻ tồn tại”. Bằng việc biện minh đạo đức cho chủ nghĩa cá nhân, Ayn Rand đã mang lại sự thanh thản cho họ. Về mặt này, có thể nói Ayn Rand là người kế thừa Nietzsche, nhưng khác với Nietzsche bác bỏ đạo đức Thiên Chúa giáo và tự đặt ra đạo đức cá nhân với mục đích hủy diệt, Aynd Rand đồng nghĩa ý chí cá nhân với tự do, sáng tạo và chủ nghĩa tư bản. Với các tiểu thuyết của mình, Ayn Rand đã thay đổi cuộc đời của rất nhiều người Mỹ, những người như Alan Greenspan, như trước đó cuốn sách của Spencer từng thay đổi cuộc đời của nhân vật Wynand trong The Fountainhead.
Cho tới tận ngày nay, các tiểu thuyết của Ayn Rand vẫn có ảnh hưởng rất mạnh mẽ tới việc hình thành nhân cách và nhân sinh quan của nhiều người Mỹ.
Nhưng mặc dù thành công lớn như vậy về mặt ảnh hưởng, đối với giới trí thức học thuật thì Ayn Rand là con số không. Trong các khoa triết ở các trường Đại học, người ta không buồn nhắc tới bà với học thuyết Objectivism của bà. Với các giáo sư văn học và các nhà phê bình thì các tiểu thuyết của bà bị coi là nhạt, ý đồ lộ liễu và ít có giá trị về mặt văn học. Thế nhưng trong một cuộc bình chọn của độc giả Mỹ, Atlas Shrugged của Ayn Rand được bình chọn là cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất chỉ sau Kinh Thánh. Năm 1999, nhà xuất bản Modern Library mở cuộc bình chọn 100 tác phẩm văn học tiếng Anh vĩ đại nhất thế kỷ 20. Trong bình chọn của các nhà phê bình, Ulysses của James Joyce đứng vị trí đầu tiên và trong 100 cuốn đó không hề có bóng dáng cuốn sách nào của Ayn Rand (tình hình cũng tương tự với các bình chọn của giới phê bình như bình chọn của báo Times, báo The Guardian…). Nhưng trong bình chọn của độc giả thì Atlas Shrugged và The Fountainhead của Ayn Rand lại ở vị trí dẫn đầu. Đúng là có quá nhiều khác biệt giữa cuốn sách công chúng yêu thích và các nhà phê bình yêu thích. Bà còn chịu sự phê phán của nhiều người thuộc cả phái hữu và phái tả. Với phái hữu, Ayn Rand là người không tin Chúa, phủ định đạo đức Thiên chúa giáo. Với cánh tả, Ayn Rand bị phê phán vì đề cao tính ích kỷ (selfishness), chủ nghĩa cá nhân và chống đối kịch liệt chủ nghĩa xã hội hay một nhà nước có vai trò lớn.
Đánh giá về mặt giá trị văn học hay tư tưởng của tiểu thuyết Ayn Rand còn là một vấn đề gây tranh cãi. Nhưng tôi nghĩ là để có thể hiểu được người Mỹ và phần nào cái “suối nguồn” cho sự phát triển kinh tế và xã hội Mỹ trong nửa cuối thế kỷ 20, thì các tiểu thuyết của Ayn Rand là rất đáng đọc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.