Suối nguồn
XV.
Đây là sự sợ hãi. Đây là cái mà người ta cảm thấy trong các cơn ác mộng – Peter Keating nghĩ; chỉ có điều người ta luôn choàng dậy vào lúc sự sợ hãi trở nên quá sức chịu đựng; còn anh, anh không thể thức dậy, cũng không thể chịu đựng điều này lâu hơn nữa.
Nó đã lớn dần, nhiều ngày, nhiều tuần, và bây giờ nó đã tóm được anh: nỗi sợ không thể tả nổi và đầy tính xác thịt rằng anh sẽ thất bại. Anh sẽ thua trong cuộc thi, anh chắc chắn mình sẽ thua, và sự chắc chắn càng lúc càng tăng khi mỗi ngày chờ đợi qua đi. Anh không thể làm việc được, anh giật mình mỗi khi nói chuyện với người khác, anh đã không ngủ nhiều đêm rồi.
Anh bước về phía căn nhà của Lucius Heyer. Anh cố gắng không chú ý đến khuôn mặt của những người đi ngang qua, nhưng anh buộc phải chú ý; anh đã luôn nhìn mọi người; và mọi người nhìn lại anh, như họ vẫn luôn làm. Anh muốn quát vào mặt họ, anh bảo họ hãy quay đi, hãy để cho anh được một mình. Họ đang nhìn mình chằm chằm – anh nghĩ vậy – bởi mình sẽ thất bại và họ biết rõ điều này.
Keating đang đến nhà Heyer để tự cứu mình khỏi thảm họa sắp tới theo cái cách mà anh thấy là duy nhất còn lại cho anh. Nếu anh thua trong cuộc thi đó – và anh biết rõ là mình sẽ thua – Francon sẽ sốc và vỡ mộng. Sau đó, nếu như Heyer chết – và ông ta có thể chết bất cứ lúc nào – Francon sẽ do dự – do hậu quả cay đắng của việc bị bẽ mặt trước công chúng – trong việc chấp nhận Keating làm người đồng sự. Và nếu như Francon do dự thì trò chơi đã thất bại. Có rất nhiều người đang chờ đợi cơ hội này: Bennett, người mà anh đã không thể đuổi cổ khỏi văn phòng; Claude Stengel, người đang tiến rất nhanh trong công việc kinh doanh độc lập của anh ta, và đã tiếp cận Francon với lời đề nghị mua lại vị trí của Heyer. Keating thì chẳng có gì trong tay, ngoại trừ niềm tin không lấy gì làm chắc chắn của Francon đối với anh. Một khi một đồng sự khác thay thế Heyer thì tương lai của Keating sẽ chấm hết. Anh đã đến quá gần và đã để lỡ mất. Điều đó sẽ không bao giờ được tha thứ.
Qua những đêm không ngủ, một quyết định đã hiện lên thật rõ ràng và cứng rắn trong đầu Keating: anh phải kết thúc vấn đề ngay lập tức; anh phải tận dụng những hy vọng hão huyền của Francon trước khi tên người thắng cuộc được thông báo; anh phải đẩy Heyer ra khỏi công ty và chiếm vị trí của ông ta. Anh chỉ còn vài ngày nữa thôi.
Anh nhớ những câu chuyện tào lao của Francon về tính cách của Heyer. Anh xem xét những tài liệu trong văn phòng của Heyer và tìm thấy cái anh muốn tìm thấy. Đó là một lá thư từ một chủ thầu, viết cách đây mười lăm năm; nó nói rằng nhà thầu gửi kèm một tấm séc 25.000 đô la cho ông Heyer.
Keating tra lại hồ sơ lưu trữ về tòa nhà đó; có vẻ như công trình này đã tốn kém nhiều hơn mức cần thiết. Đó cũng chính là năm Heyer bắt đầu việc sưu tập đồ gốm.
Anh tìm thấy Heyer một mình trong phòng đọc sách. Đó là một căn phòng nhỏ, mờ tối, không khí trong phòng nặng nề, như thể chưa bị động đến cả năm trời. Những ván lót màu gụ, những tấm thảm thêu, những đồ gỗ vô giá được giữ cực kỳ sạch sẽ, nhưng căn phòng, theo cách nào đó, lại có mùi của sự bần cùng và mục nát. Có một cây đèn đơn lẻ đang cháy được đặt trên chiếc bàn nhỏ nằm trong góc, và năm cái tách gốm cổ tinh tế, quý giá trên mặt bàn. Heyer ngồi còng người, ngắm nghía những cái tách trong ánh sáng mờ mờ với một sự thích thú mơ hồ, không chủ đích. Ông hơi rùng mình đôi chút khi người hầu già cho Keating vào, và ông hấp háy mắt hơi bối rối, nhưng vẫn mời anh ngồi.
Khi nghe thấy những âm thanh đầu tiên trong giọng nói của chính mình, Keating biết rằng anh đã mất đi nỗi sợ hãi đeo đuổi anh trên suốt quãng đường qua các con phố – giọng nói của anh lạnh lùng và đều đều. Tim Davis, anh nghĩ, Claude Stengel, và giờ thì chỉ còn một kẻ nữa phải loại bỏ.
Anh giải thích điều anh muốn; anh trải lên không khí bất động của căn phòng một bài diễn văn ngắn, chính xác, hoàn chỉnh – như một viên đá quý với những cái gờ được cắt sạch sẽ.
“Và vì thế, trừ khi ông thông báo cho Francon về việc ông nghỉ hưu vào sáng mai,” anh kết luận, hai ngón tay kẹp một góc của lá thư, “cái này sẽ được gửi cho A.G.A.”
Anh chờ đợi. Heyer ngồi im, với đôi mắt phồng lên xanh xao trống rỗng và miệng há ra thành một hình tròn hoàn hảo. Keating rùng mình và tự hỏi không hiểu có phải anh đang nói chuyện với một người mất trí.
Rồi miệng Heyer chuyển động và cái lưỡi hồng nhợt nhạt của ông lộ ra, khẽ chạm vào hàm răng dưới.
“Nhưng tôi không muốn nghỉ hưu.” Ông nói đơn giản, không dối trá, trong một tiếng kêu nóng nảy khe khẽ.
“Ông sẽ phải nghỉ hưu.”
“Tôi không muốn. Tôi sẽ không làm thế. Tôi là một kiến trúc sư nổi tiếng. Tôi luôn là một kiến trúc sư nổi tiếng. Tôi mong mọi người sẽ thôi không làm phiền tôi. Họ đều muốn tôi nghỉ hưu. Tôi sẽ nói cho cậu một điều bí mật.” Ông ngả người về phía trước và thì thầm một cách ranh mãnh: “Cậu có thể không biết điều này nhưng tôi biết, hắn ta không thể lừa được tôi đâu. Guy muốn tôi nghỉ hưu. Hắn nghĩ rằng hắn khôn hơn tôi nhưng tôi có thể nhìn thấu tâm địa của hắn. Đó là một vố hay cho Guy.” Ông ta khẽ cười rúc rích.
“Tôi không nghĩ là ông đã hiểu tôi. Ông có hiểu cái này không?” Keating đẩy lá thư vào những ngón tay khép hờ của Heyer.
Anh quan sát tờ giấy mỏng manh rung lên khi Heyer cầm nó. Rồi nó rơi xuống bàn và bàn tay trái của Heyer, với những ngón tay bị tê liệt, thọc mạnh vào đó một cách mù quáng, không chủ đích, giống như một cái móc. Ông nói, hít sâu:
“Anh không thể gửi cái này đến cho A.G.A. Họ sẽ tịch thu giấy phép hành nghề của tôi mất.”
“Chắc chắn rồi,” Keating nói, “họ sẽ làm thế.”
“Và chuyện này sẽ lên báo”
“Trên tất cả các báo”
“Cậu không thể làm như thế được.”
“Tôi sẽ làm như thế, trừ khi ông nghỉ hưu.”
Hai vai của Heyer ngả khuất dưới mép bàn. Đầu ông vẫn còn ở bên trên, rụt rè, như thể ông cũng đã sẵn sàng giấu nó khỏi tầm nhìn.
“Cậu sẽ không làm thế. Xin cậu đừng làm thế,” Heyer lẩm bẩm một hơi dài, không ngắt quãng. “Cậu là một chàng trai tốt, cậu là một chàng trai tốt, cậu sẽ không làm như vậy phải không?”
Vuông giấy ố vàng nằm trên bàn. Bàn tay trái vô dụng của Heyer với lấy nó, bò chậm chạp trên mép bàn. Keating vươn người về phía trước và giật lấy lá thư dưới bàn tay ông ta.
Heyer nhìn anh, đầu ông ta ngả về một bên, miệng há ra. Trông ông ta giống như thể chờ đợi Keating đánh ông, với một cái liếc nhìn bệnh hoạn, và van xin – cái liếc nhìn như muốn nói ông ta sẽ cho phép Keating đánh ông.
Heyer thì thầm: “Xin cậu, cậu sẽ không làm như vậy, phải không? Tôi cảm thấy không khỏe. Tôi chưa bao giờ làm gì hại cậu. Tôi hình như nhớ, có lần tôi đã làm cho cậu một việc gì đấy rất tốt.
Keating ngắt lời: “Cái gì? Ông đã làm được gì cho tôi?”
“Tên cậu là Peter Keating… Peter Keating… tôi nhớ mà… tôi đã làm một việc gì đó tốt cho cậu. Cậu là người mà Guy rất tin cậy. Nhưng đừng tin Guy. Tôi không tin ông ta. Nhưng tôi thích cậu. Một ngày nào đó chúng tôi sẽ cho cậu thành nhà thiết kế.”
Khuôn miệng ông vẫn há nguyên sau từ cuối cùng. Một dòng nước bọt mảnh rớt xuống từ khóe miệng ông. “Làm ơn, đừng…”
Đôi mắt Keating ánh lên sự ghê tởm; sự ghê tởm thúc đẩy anh; anh phải khiến cho mọi thứ kinh tởm hơn nữa, bởi anh không thể chịu nổi nó.
“Ông sẽ bị vạch trần” – Keating nói, những âm thanh trong giọng nói của anh rung lên hoan hỉ – “Ông sẽ bị buộc tội ăn hối lộ. Mọi người sẽ chỉ thẳng vào mặt ông. Họ sẽ in ảnh của ông trên các báo. Chủ tòa nhà đó sẽ đưa đơn kiện ông. Người ta sẽ tống ông vào tù”
Heyer không nói lời nào. Ông không nhúc nhích. Keating chợt nghe những cái tách trên bàn kêu leng keng nhè nhẹ. Anh không nhìn thấy cơ thể Heyer rung lên. Anh chỉ nghe thấy một tiếng ngân mảnh trong vắt trong cái im lặng của căn phòng, như thể những cái tách tự run lên.
“Biến đi,” – Keating lên giọng, để khỏi nghe thấy tiếng ngân kia – Biến khỏi công ty đi! Ông muốn ở lại vì cái gì chứ? Ông vô tích sự. Ông chưa bao giờ được tích sự gì”
Gương mặt vàng ệch ở mép bàn há miệng và phát ra một âm thanh ẩm ướt, ùng ục, nghe như một tiếng rên.
Keating ngồi thoải mái, người cúi về phía trước, hai đầu gối mở rộng, một cùi tay tì vào đầu gối, bàn tay thõng xuống, đung đưa lá thư.
“Tôi…” – Heyer tắc nghẹn – “Tôi…”
“Câm mồm. Ông không được nói gì cả, chỉ có hay không thôi. Nào nghĩ nhanh lên. Tôi không ở đây để tranh cãi với ông.”
Heyer thôi không run rẩy. Một cái bóng cắt chéo qua mặt ông. Keating nhìn thấy một con mắt không hề chớp, nửa cái miệng vẫn há ra, và bóng tối chảy vào qua cái lỗ đó, tràn vào khuôn mặt, như thể nó đang chết đuối.
“Trả lời đi.” Keating hét lên, đột nhiên cảm thấy sợ hãi. “Tại sao ông không trả lời tôi?”
Nửa khuôn mặt lắc lư và anh nhìn thấy cái đầu tròng trành về phía trước. Nó rớt xuống mặt bàn, và tiếp tục chúi xuống, lăn trên sàn nhà như bị cắt rời ra; hai trong số những cái tách cũng rơi theo nó, nhẹ vỡ thành nhiều mảnh trên thảm. Điều đầu tiên Keating cảm thấy là sự nhẹ nhõm khi nhìn thấy cái cơ thể cũng ngã theo cái đầu và nằm nhàu nhĩ thành một đống trên sàn, nguyên vẹn. Chẳng có tiếng động gì cả, chỉ có tiếng ngân thánh thót nghèn nghẹt của đồ gốm.
Ông ta sẽ tức điên lên mất, Keating nghĩ khi anh nhìn xuống những cái tách. Anh bật dậy, quỳ gối xuống, gom những mảnh vỡ lại một cách vu vơ; anh nhận ra chúng đã bị vỡ đến mức không thể sửa lại được. Cùng lúc đó, anh biết anh đang nghĩ rằng nó đã đến, cơn đột quỵ thứ hai mà mọi người đã chờ đợi, và anh sẽ phải làm gì đó với nó, ngay lập tức; và rằng ổn rồi, bởi vì bây giờ Heyer sẽ phải nghỉ hưu.
Anh dịch đầu gối đến gần cơ thể Heyer. Anh băn khoăn không hiểu vì sao mình không muốn đụng vào nó. “Ông Heyer” anh gọi. Giọng anh nhẹ nhàng, gần như là kính trọng.
Anh cẩn thận nâng đầu Heyer lên. Anh để nó rơi xuống. Anh không nghe thấy tiếng nó rơi xuống. Anh nghe thấy tiếng nấc lên trong cổ họng mình. Heyer đã chết.
Anh ngồi bên cạnh cơ thể ông, hai mông đè lên hai gót chân, hai bàn tay xòe trên hai đầu gối. Anh nhìn thẳng về phía trước; ánh mắt anh dừng lại trước những nếp gấp trên tấm rèm ở bên cửa ra vào; anh băn khoăn liệu cái sắc óng ánh màu xám là bụi hay là tuyết nhung và liệu đó có phải là nhung không và treo rèm ở cạnh cửa ra vào thì mới lỗi mốt làm sao. Rồi anh thấy cơ thể mình run lên. Anh muốn nôn. Anh đứng dậy, đi ngang qua căn phòng và mở tung cửa, vì anh nhớ ra rằng còn có những người còn lại của căn hộ ở đâu đó và có một người hầu phòng trong nhà nữa. Anh gọi; anh cố gắng kêu cứu.
*
* *
Keating đến văn phòng như thường lệ. Anh trả lời những thắc mắc, anh giải thích rằng ngày hôm đó Heyer đã yêu cầu anh đến nhà ông sau bữa tối; Heyer muốn bàn bạc với anh về chuyện nghỉ hưu của ông ta. Không ai nghi ngờ câu chuyện này và Keating biết rằng cũng sẽ chẳng có ai lại nghi ngờ gì. Kết cục của Heyer đã đến đúng như mọi người đều mong đợi. Francon không cảm thấy gì khác ngoài sự nhẹ nhõm. Ông nói: “Chúng ta đều biết sớm hay muộn thì ông ta cũng sẽ thế. Tại sao lại phải hối tiếc khi ông ta đã tự miễn cho chính mình và tất cả chúng ta một sự hấp hối kéo dài?”
Cử chỉ của Keating bình tĩnh hơn nhiều so với những tuần trước. Đó là sự bình tĩnh của của một trạng thái sững sờ trống rỗng. Có một ý nghĩ cứ bám theo anh, nhẹ nhàng, không mạnh mẽ, đều đều, khi làm việc, khi ở nhà, vào ban đêm: ta là kẻ giết người… không, nhưng cũng gần như là một kẻ giết người… cũng gần như một kẻ giết người… Anh biết đó không phải là một tai nạn; anh biết anh đã trông chờ vào cơn sốc và nỗi khiếp sợ, anh đã trông chờ vào cơn đột quỵ thứ hai của Heyer, cơn đột quỵ sẽ khiến ông phải vào bệnh viện trong những ngày còn lại của cuộc đời. Nhưng liệu đó có phải là tất cả những gì anh đã hy vọng? Chẳng lẽ anh không biết cơn đột quỵ thứ hai này còn có thể có ý nghĩa gì khác? Anh có trông chờ vào điều đó không nhỉ? Anh cố nhớ lại. Anh cố gắng vắt óc đến khô kiệt. Anh chẳng cảm thấy gì. Anh mọng đợi là mình không cảm thấy gì, dù là cách này hay cách khác. Có điều, anh vẫn muốn biết. Anh không nhận thấy điều gì đang diễn ra xung quanh trong văn phòng. Anh quên mất anh chỉ còn một thời gian ngắn để hoàn thành thỏa thuận với Francon về chuyện chọn người cộng sự.
Một vài ngày sau cái chết của Heyer, Francon cho gọi anh lên văn phòng.
“Ngồi xuống đi, Peter,” ông nói kèm theo một nụ cười vui vẻ hơn mọi khi. “Này chàng trai, tôi có tin tốt lành cho cậu đây. Sáng nay, người ta đã đọc bản di chúc của Lucius. Cậu biết đấy, ông ta không còn con cái họ hàng gì. Chà, tôi thật sự ngạc nhiên, tôi đã không đánh giá ông ta đúng mức, tôi đoán vậy, nhưng có vẻ như thỉnh thoảng ông ta cũng có những cử chỉ nghĩa hiệp. Ông ấy đã để lại mọi thứ cho cậu… Thật là tuyệt, phải không? Giờ thì cậu không phải lo lắng về số tiền đầu tư khi chúng ta thỏa thuận về việc… Có chuyện gì vậy Peter? Peter, này chàng trai, cậu ốm à?”
Peter gục mặt xuống cánh tay đang đặt trên góc bàn. Anh không thể để Francon nhìn thấy mặt mình lúc này. Anh sắp nôn oẹ; nôn oẹ, bởi vì xuyên qua sự kinh hãi, anh bắt quả tang anh đang tự hỏi liệu Heyer đã thực sự để lại bao nhiêu…
Bản di chúc được viết cách đây năm năm; có thể trong một cơn bột phát tình cảm yêu mến với người duy nhất thể hiện sự quan tâm đến Heyer ở văn phòng; có thể đó là một hành động để chống lại Francon; bản di chúc đã được soạn và đã bị quên lãng. Di sản lên tới hai trăm ngàn đô la, cộng thêm khoản lợi tức của Heyer ở công ty và bộ sưu tập gốm của ông.
Hôm đó, Keating rời văn phòng sớm. Anh không nghe những lời chúc mừng. Anh trở về nhà, báo tin cho mẹ, để cho bà há hốc miệng kinh ngạc giữa phòng khách, còn anh khóa mình trong phòng ngủ. Trước bữa tối, anh ra ngoài mà không nói câu nào. Tối hôm đó, anh không ăn tối, nhưng tại quán rượu lậu ưa thích, anh tự chuốc rượu cho mình nhiều rượu đến mức anh càng uống càng tỉnh táo một cách điên dại. Và trong trạng thái minh mẫn cao độ – đầu anh gật trên một chiếc cốc nhưng trí não vẫn rất chắc chắn – anh tự nhủ rằng mình không có gì phải hối hận, mình đã làm cái điều mà bất kỳ ai hẳn sẽ làm như vậy; Catherine đã nói thế, anh là kẻ ích kỷ, tất cả mọi người đều ích kỷ. Ích kỷ chẳng phải điều gì tốt đẹp nhưng không chỉ có mình anh ích kỷ; anh chỉ may mắn hơn nhiều người; anh may mắn hơn, bởi anh tốt hơn nhiều người; anh cảm thấy ổn; anh hy vọng những câu hỏi vô nghĩa sẽ không quay lại với anh nữa; mọi người đều vì bản thân mình, anh lẩm bẩm và ngủ gục trên bàn.
Những câu hỏi vô nghĩa không bao giờ trở lại với anh nữa. Anh không có thời gian dành cho chúng trong những ngày sau đó. Anh đã thắng trong cuộc thi Cosmo-Slotnick.
*
* *
Peter Keating biết đó sẽ là một chiến thắng, nhưng anh không kỳ vọng nó lại lớn đến thế. Anh đã mơ đến âm thanh của những cây kèn trôm-pét; nhưng anh không trông chờ cả một dàn giao hưởng.
Nó bắt đầu bằng một cú điện thoại đơn giản, thông báo tên của những người đoạt giải. Sau đó mọi cú điện thoại trong văn phòng hòa vào, hò hét, nổ tung dưới ngón tay của người trực tổng đài – lúc đó đã hầu như không thể kiểm soát nổi đường điện thoại nữa; những cú điện thoại từ mọi tờ báo trong thành phố, từ những kiến trúc sư nổi tiếng, những câu hỏi, lời đề nghị được phỏng vấn, lời chúc mừng. Rồi cơn lũ tràn ra từ thang máy, cuốn qua những cánh cửa văn phòng, cơn lũ tin nhắn, điện tín, từ những người Keating biết, những người anh chưa bao giờ nhìn thấy, người thư ký tiếp tân bị rối trí hoàn toàn, không biết nên nhận hay từ chối những người nào, và Keating bắt tay – một dòng chảy vô tận những bàn tay giống như một chiếc bánh xe với những bánh răng ẩm và mềm bập liên tục vào những ngón tay anh. Anh chẳng biết mình đã nói những gì ở cuộc phỏng vấn đầu tiên, lúc đó văn phòng của Francon chật ních người và máy ảnh; Francon đã mở toang cánh cửa tủ đựng rượu của ông ta. Francon tuyên bố với tất cả mọi người rằng tòa nhà Cosmo-Slotnick là do Peter Keating thiết kế một mình; Francon chẳng quan tâm; ông ta đang hết sức hào hứng; hơn nữa, điều đó làm câu chuyện trở nên thú vị.
Và câu chuyện đã trở nên thú vị hơn Francon tưởng. Từ những trang báo, khuôn mặt của Peter Keating nhìn xuống nước Mỹ – khuôn mặt đẹp trai, tráng kiện, mỉm cười thân thiện với đôi mắt thông minh và mái tóc xoăn sậm màu; bức ảnh được đăng kèm những bài báo nói về sự nghèo khổ, cuộc vật lộn chống nghèo, niềm mơ ước và sự lao động không mệt mỏi đã dẫn đến những thành quả; những bài báo cũng nói về đức tin của một người mẹ đã hy sinh mọi thứ cho thành công của con trai; về “nàng Lọ Lem của ngành kiến trúc.”
Hãng Cosmo-Slotnick rất hài lòng; họ không nghĩ rằng những kiến trúc sư đoạt giải cũng có thể là những người trẻ tuổi, đẹp trai và nghèo khó – ừ thì chỉ còn nghèo khó cho đến gần đây. Họ đã phát hiện ra một tài năng trẻ tuổi; Cosmo-Slotnick rất thích những tài năng trẻ tuổi; bản thân ông Slotnick cũng là một tài năng như thế vì ông mới có bốn mươi ba tuổi.
Bản thiết kế “tòa nhà chọc trời đẹp nhất thế giới” của Keating được in trong các báo, với lời bình luận về giải thưởng in phía dưới: “… vì kỹ thuật và sự đơn giản tuyệt vời trong thiết kế… vì tính hiệu quả rõ ràng, không khoan nhượng… vì sự tiết kiệm không gian tài tình… vì sự kết hợp tuyệt vời giữa tính hiện đại và tính truyền thống trong Nghệ thuật… dành cho công ty Francon & Heyer và Peter Keating…”
Keating xuất hiện trong các chương trình thời sự, bắt tay với ông Shupe và ông Slotnick, và dòng phụ đề chương trình cho người xem biết hai người này nghĩ gì về tòa nhà anh thiết kế. Keating xuất hiện trong các chương trình thời sự, bắt tay với cô Dimple Williams, và dòng phụ đề chương trình cho người xem biết anh nghĩ gì về bộ phim hiện tại của cô. Anh xuất hiện trong các buổi chiêu đãi lớn của ngành kiến trúc và của ngành điện ảnh. Anh xuất hiện tại các câu lạc bộ kiến trúc và câu lạc bộ những người hâm mộ. Cosmo-Slotnick ấn hành bức hình Keating và tòa nhà của anh, in trên chất liệu composite và người nào gửi một chiếc phong bì đã dán sẵn tem đề địa chỉ chính mình, kèm theo hai xu; thì công ty sẽ gửi bức hình này cho họ. Suốt một tuần liền, tối nào anh cũng đích thân xuất hiện trên sân khấu của Nhà hát Cosmo, với lần trình diễn đầu tiên chương trình đặc biệt mới nhất của Cosmo-Slotnick; anh cúi chào trước ánh đèn sân khấu, trông thanh mảnh và duyên dáng trong bộ vét đuôi tôm màu đen, và anh dành hai phút để nói về tầm quan trọng của kiến trúc. Anh giữ vị trí giám khảo trong cuộc thi hoa hậu ở thành phố Atlantic trong đó người thắng cuộc sẽ được Cosmo-Slotnick phân thử một vai diễn. Anh được chụp hình cùng với một võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp nổi tiếng – hàng chú thích đề Các nhà vô địch. Một mô hình thu nhỏ tòa nhà của anh được sản xuất và gửi theo các tua diễn, kèm theo ảnh của các phương án thiết kế tốt nhất trong số các phương án cùng dự thi khác, để trưng bày trong phòng giải lao của các rạp chiếu phim thuộc hệ thống rạp Cosmo-Slotnick trên cả nước.
Bà Keating lúc đầu thổn thức, ôm chặt Peter trong tay và nghẹn ngào nói rằng bà không thể tin được điều đó. Bà lắp bắp, trả lời những câu hỏi về “thằng bé Petey”, và bà đứng tạo dáng cho người ta chụp ảnh – một cách bối rối và sốt sắng làm hài lòng mọi người. Rồi bà quen với việc đó. Bà nhún vai bảo Peter, rằng tất nhiên anh đã chiến thắng, chuyện đó chả có gì ngạc nhiên cả, chẳng ai khác có thể thắng được. Rồi bà học được kiểu giọng cụt ngủn, nói tắt đầy kẻ cả khi tiếp chuyện các phóng viên. Bà ra mặt tức giận khi không được chụp chung ảnh cùng Petey. Bà cũng tậu một chiếc áo khoác lông chồn.
Keating để cho mọi sự cuốn mình đi. Anh cần mọi người và cần sự ồn ào xung quanh mình. Anh chẳng thắc mắc và nghi ngờ gì hết khi anh đứng trên bục diễn giả trước một biển người; không khí nặng, đặc quánh, bão hòa với một thứ dung môi duy nhất – sự ngưỡng mộ; không còn chỗ cho bất kỳ thứ gì khác. Anh vĩ đại; vĩ đại giống như số lượng những người đã bảo anh điều đó. Anh đã đúng; đúng vì có đến từng đó người tin rằng anh đúng. Anh nhìn những khuôn mặt, nhìn những đôi mắt; anh thấy anh được sinh ra trong chúng, anh thấy mình được trao cho quà tặng sự sống. Đó là Peter Keating, nó đó, hình ảnh phản chiếu trong những cái đồng tử đang nhìn chằm chằm kia – những cái đồng tử ấy chỉ phản chiếu mỗi mình anh.
Anh cũng kiếm ra được hai tiếng đồng hồ để đến chỗ Catherine, vào một tối. Anh ôm cô trong vòng tay và cô thì thầm những kế hoạch rực rỡ cho tương lai của họ; anh liếc nhìn cô với một sự thỏa mãn; anh chẳng nghe lời cô nói; anh đang nghĩ đến việc mọi thứ sẽ trông thế nào nếu họ được chụp với nhau như thế này và hình đó sẽ xuất hiện trên bao nhiêu tờ báo.
Anh gặp Dominique một lần. Cô đang chuẩn bị rời thành phố đi nghỉ hè. Dominique có vẻ thất vọng. Cô chúc mừng anh, một cách rất thích hợp; nhưng cô nhìn anh theo cách như cô luôn nhìn, như thể chẳng có gì xảy ra cả. Trong tất cả các sách báo xuất bản trong ngành kiến trúc, duy nhất mục của cô không bao giờ đề cập đến cuộc thi Cosmo-Slotnick hay người đoạt giải của nó.
“Em sắp đi Connecticut” cô bảo anh. “Em sẽ ở chỗ của cha dưới đó trong mùa hè. Cha cho em toàn quyền chỗ đó. Không, Peter, anh không thể đến thăm em. Một lần cũng không. Em đi đến đó để không phải gặp ai khác cả.” Anh thất vọng, nhưng điều đó không làm hỏng cảm giác chiến thắng trong những ngày này của anh. Anh không còn sợ Dominique nữa. Anh cảm thấy chắc chắn rằng anh có thể khiến cô thay đổi thái độ, rằng anh sẽ thấy sự thay đổi đó khi cô trở về vào mùa thu.
Nhưng có một thứ đã làm hỏng chiến thắng của anh; không thường xuyên và không quá ầm ỹ. Anh không bao giờ mệt mỏi khi nghe những gì người ta nói về anh; nhưng anh không thích phải nghe quá nhiều về tòa nhà của anh. Và khi anh buộc phải nghe, anh không ngại nghe những câu bình luận về “sự kết hợp hợp nhuần nhuyễn nét hiện đại với nét truyền thống” trong mặt tiền; nhưng khi họ nói về sơ đồ mặt bằng
– và họ nói quá nhiều sơ đồ mặt bằng – khi anh nghe về “kỹ thuật và sự đơn giản tuyệt vời… tính hiệu quả rõ ràng… sự tiết kiệm không gian tài tình…”, khi anh nghe thấy nó và nghĩ về… Anh không nghĩ về nó. Chẳng có lời nào trong não anh. Anh sẽ không cho phép. Chỉ có một cảm giác nặng nề, tối tăm – và một cái tên.
Trong hai tuần sau khi đoạt giải, anh đẩy ý nghĩ này khỏi đầu anh, giống như một thứ không đáng bận tâm, để chôn chặt giống như quá khứ hàn vi và đầy dằn vặt của anh đã được chôn chặt. Cả mùa đông dài anh đã giữ bản phác thảo tòa nhà của anh với những nét bút chì cắt ngang do một bàn tay khác vẽ; vào buổi tối công bố giải thưởng anh đốt hết bản thảo; đó là điều đầu tiên anh làm.
Nhưng ý nghĩ đó vẫn không chịu rời anh. Rồi thình lình anh chợt hiểu rằng nó không phải là một mối đe dọa mơ hồ, mà là một mối nguy hiểm thực tế; và anh không sợ nó nữa. Anh có thể đương đầu với một mối nguy hiểm thực tế, anh có thể loại bỏ nó một cách đơn giản. Anh bật cười nhẹ nhõm, anh gọi điện đến văn phòng của Roark, và hẹn gặp Roark.
Anh tự tin đến chỗ cuộc hẹn. Lần đầu tiên trong đời anh cảm thấy thoát khỏi cảm giác không thoải mái kỳ lạ mà anh chưa bao giờ giải thích được hay thoát được mỗi khi có mặt Roark. Giờ đây anh cảm thấy an toàn. Anh đã hết nợ với Howard Roark.
*
* *
Roark ngồi bên bàn làm việc, chờ đợi. Chiếc điện thoại chỉ reo có một lần, sáng hôm đó, nhưng đấy lại là Peter Keating đề nghị gặp anh. Bây giờ anh đã quên việc Keating sắp đến. Anh đang đợi điện thoại. Anh đã trở nên phụ thuộc vào chiếc điện thoại đó trong mấy tuần nay. Ngân hàng Manhattan có thể gọi bất cứ lúc nào về bản thiết kế của anh.
Tiền thuê văn phòng của anh đã quá hạn từ lâu. Và tiền phòng anh ở cũng thế. Anh chẳng quan tâm đến phòng ở; anh có thể bảo chủ nhà đợi; chủ nhà đã đợi; nếu ông ấy không đợi thì cũng chẳng sao lắm. Nhưng văn phòng lại là chuyện khác. Anh bảo người đại diện bên cho thuê rằng ông ta sẽ phải đợi; anh không xin hoãn trả; anh chỉ nói một cách thẳng thừng, lặng lẽ, rằng anh sẽ hoãn trả, và anh chỉ biết nói như thế. Nhưng sự nhận thức của bản thân anh về việc anh cần sự hảo tâm của người cho thuê, rằng có quá nhiều thứ phụ thuộc vào điều đó đã làm cho nó nghe như là lời cầu xin trong đầu anh. Đó là một sự tra tấn. Được thôi, anh nghĩ, thì tra tấn. Đã sao nào?
Hóa đơn điện thoại đã bị muộn hai tháng. Anh đã nhận được lời cảnh cáo cuối cùng. Điện thoại sẽ bị ngắt trong vài ngày nữa. Anh phải đợi. Rất nhiều thứ có thể xảy ra trong vài ngày.
Câu trả lời của hội đồng quản trị ngân hàng, mà Weidler hứa với anh cách đây đã lâu, đã bị hoãn từ tuần này sang tuần khác. Hội đồng quản trị chẳng thống nhất được quyết định; luôn luôn có những người phản bác mạnh mẽ và những người ủng hộ mạnh mẽ; đã có những buổi họp mặt; Weidler nói với anh rất ít, nhưng anh có thể đoán được nhiều; đã có những ngày im lặng, im lặng trong văn phòng, im lặng trong cả thành phố, im lặng cả trong anh. Anh đợi.
Anh ngồi, gục người trên bàn, mặt kê trên cánh tay, ngón tay anh đặt trên kệ điện thoại. Anh mơ hồ nghĩ rằng mình không nên ngồi như thế; nhưng hôm nay anh cảm thấy rất mệt. Anh nghĩ rằng anh nên bỏ tay khỏi điện thoại; nhưng anh chẳng động đậy tay. Ừ, thì đấy, anh phụ thuộc vào cái điện thoại, anh có thể đập tan nó đi, nhưng anh sẽ vẫn phụ thuộc vào nó; anh và mọi hơi thở trong anh và mọi cái trong người anh. Ngón tay anh đặt trên chiếc kệ mà không động đậy. Điện thoại và thư; anh đã tự dối mình cả về thư nữa; anh đã tự dối khi anh ép mình không được nhảy lên mỗi khi một lá thư hiếm hoi rơi qua khe cửa[63], tự ép mình không chạy ra, nhưng đợi, đứng nhìn chiếc phong bì trắng trên sàn, rồi từ từ đi đến và nhặt nó lên. Khe cửa và điện thoại – chẳng còn gì khác nữa cho anh trên thế giới.
Khi anh nghĩ về điều này, anh ngẩng đầu lên để nhìn vào cửa, vào chân cửa. Chẳng có gì hết. Lúc này đã là chiều muộn, có lẽ đã quá giờ phát thư đợt cuối. Anh nhấc cổ tay lên để xem đồng hồ; anh thấy cổ tay mình chẳng có gì; chiếc đồng hồ đã bị đem cầm. Anh nhìn sang cửa sổ; có một chiếc đồng hồ mà anh có thể nhìn được trên một ngọn tháp xa xa; đã quá bốn rưỡi; hôm nay sẽ chẳng còn đợt phát thư nào nữa.
Anh nhận thấy tay mình đang nhấc điện thoại lên. Ngón tay anh đang bấm số.
“Không, chưa đâu,” giọng Weidler bảo anh qua điện thoại. “Chúng tôi đáng nhẽ đã họp hôm qua, nhưng cuộc họp bị hoãn… Tôi chạy theo họ như con chó ấy… Tôi có thể hứa với anh rằng ngày mai chúng tôi sẽ trả lời một cách dứt khoát. Tôi gần như có thể hứa với anh. Nếu không phải ngày mai thì sẽ phải đợi qua ngày nghỉ cuối tuần, nhưng đến thứ Hai thì tôi hứa chắc chắn… Anh đã kiên nhẫn một cách tuyệt vời với chúng tôi, anh Roark. Chúng tôi đánh giá cao việc này.” Roark bỏ ống nghe. Anh nhắm mắt. Anh nghĩ anh sẽ tự cho phép mình nghỉ ngơi, nghỉ ngơi một cách trống rỗng như thế này trong vài phút, trước khi anh bắt đầu nghĩ về ngày tháng ghi trên tờ cảnh cáo của công ty điện thoại và cách anh có thể xoay sở từ giờ đến thứ Hai.
“Chào Howard.” Peter Keating nói.
Anh mở mắt. Keating đã bước vào và ngồi trước mặt anh, mỉm cười. Keating mặc một chiếc áo khoác nhẹ mùa xuân màu nâu vàng, không cài cúc, những vòng đỉa ngang thắt lưng trông giống như những quai cầm hai bên hông anh, một bông hoa dại cài ở khuyết áo. Keating đứng, hai cân dạng ra, hai nắm tay đặt bên hông, mũ hớt trên đỉnh đầu, trên vầng trán nhợt nhạt những lọn tóc đen xoăn tít và sáng đến nỗi người ta cứ tưởng như sắp thấy những giọt sương mùa xuân lóng lánh trên đó, giống như trên những bông hoa dại.
“Chào Peter,” Roark nói.
Keating thoải mái ngồi xuống, bỏ mũ ra, đặt nó lên giữa bàn, và hai tay vỗ gọn gàng vào hai đầu gối.
“Thế đấy, Howard, nhiều chuyện đang xảy ra, đúng không?”
“Chúc mừng anh”
“Cảm ơn. Có chuyện gì thế Howard? Trông cậu khủng khiếp quá. Mà theo tôi biết thì cậu đâu có phải làm việc quá sức?”
Đây không phải là cách nói chuyện mà Keating đã dự định. Anh đã dự định cuộc phỏng vấn sẽ êm ả và thân mật cơ. Dào, anh quyết định, anh sẽ chuyển sang giọng điệu đó sau. Nhưng trước hết anh phải tỏ ra rằng anh không sợ Roark, rằng anh sẽ không bao giờ sợ nữa.
“Không, tôi không làm việc quá sức.”
“Howard này, sao cậu không bỏ quách nó đi cho rồi?”
Đây tuyệt nhiên không phải là cái anh dự định nói. Miệng anh vẫn còn hơi há ra, vì kinh ngạc.
“Bỏ cái gì cơ?”
“Cái kiểu làm bộ làm tịch ấy. Chà, những lý tưởng – nếu cậu thích gọi thế hơn. Tại sao cậu không hạ cánh xuống mặt đất đi? Tại sao cậu không bắt đầu làm việc giống
như mọi người khác đi? Tại sao cậu không thôi làm một thằng ngốc chết tiệt đi?”
Anh tự thấy mình đang lăn xuống dốc, không phanh. Anh không thể dừng được.
“Có chuyện gì, Peter?”
“Cậu nghĩ cậu sẽ sống kiểu gì đây? Cậu phải sống với mọi người, cậu biết đấy. Chỉ có hai cách. Theo họ hoặc chống họ. Nhưng cậu có vẻ chẳng làm gì trong hai cách đó cả.”
“Không. Chẳng cách nào cả.”
“Và mọi người không muốn cậu. Họ không muốn cậu! Cậu không sợ à?”
“Không.”
“Cậu không có việc cả năm nay. Và cậu sẽ không. Ai sẽ cho cậu việc làm cơ chứ? Cậu có thể còn vài trăm đô nữa – và sau đó thì chấm hết”
“Sai rồi, Peter. Tôi còn mười bốn đô, và năm mươi bảy xu.”
“Thế cơ đấy! Và hãy nhìn tôi đây! Tôi chả quan tâm nếu như nói thế là thô bỉ. Đó không phải là vấn đề chính. Tôi không khoe khoang. Tôi chả quan tâm nếu ai nói thế. Nhưng nhìn tôi xem! Có nhớ tôi và cậu đã khởi đầu như thế nào không? Và hãy nhìn chúng ta bây giờ! Và hãy nghĩ rằng điều đó tùy thuộc vào cậu. Cậu chỉ cần bỏ cái ảo tưởng ngu ngốc rằng cậu giỏi hơn mọi người khác đi – và đi làm. Trong một năm, cậu sẽ có một văn phòng đủ khiến cậu đỏ mặt khi nghĩ đến cái thùng rác này. Cậu sẽ có mọi người chạy theo cậu, cậu sẽ có khách hàng, cậu sẽ có bạn bè, cậu sẽ có một đội quân thợ vẽ để sai phái!… Âm ty hỏa ngục! Howard, điều này chả là gì với tôi cả – nó thì có thể có nghĩa gì với tôi cơ chứ? – nhưng lần này tôi không tìm kiếm cái gì cho mình cả, thậm chí tôi biết cậu sẽ là một đối thủ nguy hiểm của tôi, nhưng tôi phải nói điều này với cậu. Thử nghĩ đi Howard, nghĩ đi! Cậu sẽ giàu có, cậu sẽ nổi tiếng, cậu sẽ được trọng vọng, cậu sẽ được ca ngợi, cậu sẽ được ngưỡng mộ – cậu sẽ là một trong số bọn mình!… Thế nào?… Nói gì đi chứ! Tại sao cậu không nói gì hết?”
Anh thấy mắt Roark không trống rỗng và không khinh bỉ, nhưng tỏ ra chăm chú và băn khoăn. Đối với Roark, điều này tiệm cận một sự đầu hàng, bởi vì anh chưa bỏ đi cái lớp màng sắt trong mắt anh, bởi vì anh cho phép mắt anh được bối rối và tỏ ra tò mò – và gần như bất lực.
“Nghe này, Peter. Tôi tin anh. Tôi biết rằng anh chẳng kiếm được gì khi nói những điều này. Tôi còn biết hơn thế. Tôi biết rằng anh không muốn tôi thành công – thế cũng không sao, tôi chẳng trách gì anh, tôi vẫn luôn biết thế – anh không muốn tôi đạt được những điều anh đang mời mọc tôi. Và tuy vậy anh đang thuyết phục cố gắng đạt được chúng, một cách khá chân thành. Và anh biết rằng nếu tôi nghe lời anh khuyên thì tôi sẽ đạt được chúng. Và đối với tôi, điều này không phải vì anh yêu quý tôi, bởi vì nếu đó là sự yêu quý thì anh đã không tức giận đến thế – và không sợ đến thế… Peter, cái gì làm cho anh phiền lòng đến thế, khi tôi là chính tôi?”
“Tôi không biết…” Keating thì thầm.
Keating hiểu rằng đấy là một lời thú nhận – câu trả lời vừa rồi của anh – và là một sự thú nhận đáng sợ. Anh không biết bản chất của cái anh đã thú nhận và anh cảm thấy chắc chắn rằng Roark cũng không biết nó. Nhưng nó đã bị bóc trần; họ không thể hiểu nó, nhưng họ cảm thấy hình hài của nó. Và nó khiến họ ngồi yên lặng, đối mặt với nhau, trong sự kinh ngạc, trong sự cam chịu.
“Bình tĩnh đi, Peter,” Roark nhẹ nhàng nói, như thể nói với một người bạn “Chúng ta sẽ không bao giờ nói chuyện đó nữa.”
Và đột nhiên Keating nói, giọng anh bám víu một cách nhẹ nhõm vào sự suồng sã trong những âm thanh mới thoát ra:
“Ôi dào, quỷ tha ma bắt, Howard, tôi chỉ nói những chuyện lý luận thông thường ấy mà. Nào bây giờ nếu cậu muốn làm việc như một người bình thường…”
“Anh thôi đi!” Roark cắt ngang.
Keating ngả người ra phía sau, mệt bã. Anh chẳng còn gì để nói. Anh đã quên việc anh đến đây để nói chuyện gì.
“Nào,” Roark nói, “anh muốn nói gì với tôi về cuộc thi nào?”
Keating bật người về trước. Anh tự hỏi cái gì đã làm Roark đoán được điều đó. Và sau đó mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, vì một cảm giác oán giận đã xóa nhòa tất cả những thứ khác.
“À, phải rồi!” Keating nói một cách quả quyết, giọng hơi có chút bực bội. “Phải, tôi đã định nói với cậu về chuyện đó. Cảm ơn cậu đã nhắc tôi. Tất nhiên là cậu đoán được điều đó, vì cậu biết tôi không phải là một đứa vô ơn. Tôi thực sự đến đây là để cảm ơn cậu, Howard ạ. Tôi chưa quên là cậu có một phần trong tòa nhà đó, cậu đã cho tôi vài lời khuyên về nó. Tôi chắc chắn sẽ ghi nhận đóng góp một phần của cậu.”
“Điều đó không cần thiết.”
“Ồ, tôi thì chẳng ngại gì, nhưng tôi chắc chắn cậu không muốn tôi nói gì về nó cả. Và tôi chắc chắn cậu cũng không muốn tự nói gì, vì cậu biết đấy, mọi người rất buồn cười, họ hiểu sai mọi thứ một cách rất ngu xuẩn… Nhưng vì tôi đang nhận được một phần tiền giải thưởng nên tôi nghĩ sẽ công bằng nếu cậu cũng được một ít. Tôi rất vui là tiền này đến đúng lúc cậu cần nó đến thế.”
Anh lấy tập séc, xé ra một tờ mà anh đã viết sẵn và đặt nó lên bàn. Tờ séc viết:
“Trả theo lệnh của Howard Roark – tổng số tiền năm trăm đô la.”
“Cảm ơn Peter,” Roark nói, cầm tấm séc.
Sau đó anh lật nó lại, cầm chiếc bút bi, viết vào mặt sau: “Trả theo lệnh của Peter Keating,” ký và đưa tờ séc cho Keating.
“Và đây là phần tôi hối lộ cho anh, Peter” anh nói. “Cũng cùng mục đích như của anh. Để anh không nói gì với ai hết.”
Peter ngây ra nhìn Roark chằm chằm.
“Bây giờ tôi chỉ có thể đưa anh chừng đó” – Roark nói. “Hiện tại anh không thể nặn thêm cái gì ở tôi, nhưng sau này, khi tôi có tiền, tôi xin anh đừng tống tiền tôi. Tôi nói thẳng với anh rằng có thể tống tiền tôi. Bởi vì tôi không muốn ai biết rằng tôi có tí dính dáng nào đến cái nhà ấy.”
Anh cười to khi anh thấy cái sự nhận biết chầm chậm hiện lên trên mặt Keating.
“Không?” Roark nói – “Anh không muốn tống tiền tôi về việc đó à?… Về đi, Peter. Anh hoàn toàn an toàn. Tôi sẽ không bao giờ nói một lời về nó. Nó là của anh, tòa nhà và mọi xà cột trong đó và mọi ống nước và mọi bức hình chụp mặt anh trên các báo.”
Keating đứng bật dậy. Anh run lên.
“Trời tru đất diệt mày đi!” anh hét lên. “Trời tru đất diệt mày đi! Mày nghĩ mày là ai? Ai bảo với mày là mày có thể cư xử thế này với người khác? Mày giỏi quá nên cái tòa nhà ấy không xứng với mày? Mày muốn tao phải xấu hổ vì nó chứ gì? Mày là đồ rác rưởi, khốn kiếp, kiêu ngạo! Mày là ai? Mày thậm chí không đủ trí khôn để hiểu rằng mày là một thằng thất bại, một thằng bất tài, ăn xin, một thằng thất bại, thất bại, thất bại! Và mày đứng đó phán xét! Mày, mà lại chống lại cả cái nước này! Mày, mà lại chống lại tất cả mọi người! Tại sao tao lại phải nghe mày cơ? Mày không thể làm tao sợ. Mày không thể đụng đến tao. Cả thế giới đứng về phía tao!… Đừng có nhìn tao chằm chằm như thế! Tao đã luôn luôn căm ghét mày! Mày không biết điều đó, đúng không nào? Tao đã luôn luôn căm ghét mày! Tao sẽ luôn luôn căm ghét mày! Một ngày nào đó tao sẽ bẻ gãy mày, tao thề sẽ thế, nếu đó là điều cuối cùng tao làm!”
“Peter,” Roark nói, “tại sao để lộ nhiều thế?”
Hơi thở của Peter biến thành một tiếng rên bị nghẹt lại. Anh ngồi thụp xuống một
chiếc ghế, hai tay nắm lấy hai cạnh ghế.
Sau một lúc, anh ngẩng đầu lên, hỏi một cách vụng về:
“Ôi Chúa ơi, Howard, tôi vừa nói cái gì ấy nhỉ?”
“Anh ổn chưa? Anh có đi được không?”
“Howard, tôi xin lỗi. Tôi xin lỗi, nếu cậu muốn.” Giọng anh thô ráp và ngớ ngẩn, trong đó chẳng thấy sự hối lỗi nào. “Tôi mất bình tĩnh. Tôi đoán là tôi không kiềm chế được. Tôi không hề có ý như thế đâu. Không hiểu sao tôi lại nói thế. Thực sự là tôi không hiểu.”
“Sửa lại cổ áo anh đi kìa. Nó bị tuột cúc rồi đấy.”
“Tôi đoán tôi tức giận về việc cậu đã làm với cái séc ấy. Nhưng tôi nghĩ cậu cũng cảm thấy bị xúc phạm. Tôi xin lỗi. Đôi khi tôi ngu ngốc như vậy. Tôi không có ý định xúc phạm cậu. Chúng ta chỉ cần tiêu hủy cái tờ séc khốn kiếp ấy thôi.”
Anh nhặt tờ séc, châm một que diêm, cẩn thận xem tờ giấy cháy hết cho đến khi anh vứt mẩu đuôi cuối cùng xuống.
“Howard, chúng ta sẽ bỏ qua chuyện này chứ?”
“Anh không nghĩ rằng bây giờ anh nên đi đi à?”
Keating nặng nề đứng dậy, hai tay mò mẫm xung quanh bằng những cử chỉ bất tự giác, và anh lầm bầm:
“Được rồi… được rồi, tạm biệt, Howard. Tôi… tôi sẽ gặp lại cậu sớm… Chỉ vì gần đây có nhiều thứ xảy ra với tôi quá… Chắc tôi cần nghỉ ngơi… Tạm biệt Howard…”
Khi anh bước ra khỏi văn phòng đó và đóng cửa lại sau lưng, Keating cảm thấy một cảm giác nhẹ nhõm lạnh giá. Anh cảm thấy nặng nề và rất mệt mỏi, nhưng chắc chắn về bản thân. Anh đã biết rõ một điều: anh căm hận Roark. Bây giờ không cần phải nghi ngờ, băn khoăn và vật vã khổ sở nữa. Thật là đơn giản. Anh căm hận Roark. Lý do ư? Chẳng cần phải băn khoăn về lý do. Chỉ cần căm hận thôi, căm hận một cách mù quáng, căm hận một cách kiên nhẫn, căm hận mà không tức giận, chỉ căm hận, và không để cái gì xen vào, và không bao giờ được để mình quên.
*
* *
Chuông điện thoại reo vào chiều muộn ngày thứ Hai.
“Anh Roark đấy à?” – Weidler nói. “Anh có thể đến đây ngay được không? Tôi không muốn nói gì qua điện thoại cả, nhưng anh hãy đến đây ngay.” Giọng Weidler nghe rõ ràng vui vẻ, đầy hứa hẹn.
Roark nhìn qua cửa sổ vào chiếc đồng hồ trên ngọn tháp xa xa. Anh ngồi cười cái đồng hồ đó, như cười một kẻ thù cũ thân thiện; anh sẽ không cần nó nữa, anh sẽ lại có đồng hồ đeo tay của anh. Anh ngửa cổ ra sau thách thức cái mặt đồng hồ màu xám nhạt đang treo cao trên bầu trời thành phố.
Anh đứng lên và với lấy áo khoác. Anh vươn tay ra sau, mặc áo vào; anh cảm thấy dễ chịu khi các cơ bắp được hoạt động.
Trên đường phố, anh vẫy một chiếc tắc xi vốn đắt quá sức anh có thể trả.
Chủ tịch hội đồng quản trị đang đợi anh trong văn phòng của ông ta, cùng Weidler và với phó chủ tịch của Công ty Ngân hàng Manhattan. Trong phòng có một chiếc bàn họp dài, và bản thiết kế của Roark được trải ra trên đó. Khi anh bước vào, Weidler đứng lên và tiến về phía anh, bàn tay vươn ra. Trong không khí của căn phòng, cái bắt tay như khúc dạo đầu cho những lời nói của Weidler, và Roark không chắc chắn về thời điểm anh nghe thấy những lời nói ấy phát ra, bởi vì anh nghĩ anh đã nghe thấy chúng ngay khoảnh khắc anh bước vào phòng.
“Anh Roark, việc thiết kế đã thuộc về anh,” Weidler nói.
Roark cúi người. Anh biết tốt nhất là anh không nên mạo hiểm với giọng nói của mình trong vài phút tới.
Ông chủ tịch cười thân thiện, mời anh ngồi. Roark ngồi bên cạnh chiếc bàn trên đó có các bản vẽ thiết kế của anh. Tay anh đặt trên bàn. Dưới ngón tay anh, mặt bàn gỗ màu gụ bóng loáng cho anh cảm giác ấm áp và sống động; cứ như thể anh đang ấn tay mình vào phần móng tòa nhà của anh; tòa nhà vĩ đại nhất của anh, năm mươi tầng sẽ vươn lên trong khu trung tâm Manhattan[64].
“Tôi phải nói với anh,” ông chủ tịch cất lời, “rằng chúng tôi đã tranh cãi kịch liệt về thiết kế tòa nhà của anh. Tạ ơn Chúa là bây giờ thì cũng xong rồi. Một số thành viên của chúng tôi đơn giản là không thể nuốt nổi những đổi mới có tính đột phá của anh. Anh biết là một số người họ bảo thủ một cách ngu xuẩn thế nào rồi đấy. Nhưng chúng tôi đã tìm ra cách làm họ hài lòng, và chúng tôi đã được họ chấp thuận. Anh Weidler đây đã thực sự thuyết phục chúng tôi thay cho anh.”
Ba người đàn ông kia còn nói thêm nhiều chuyện nữa. Roark hầu như không nghe thấy gì hết. Anh đang mải nghĩ về cái ngoạm đầu tiên của máy xúc xuống mặt đất, để mở màn cho việc khởi công. Rồi sau đó anh nghe tiếng ông chủ tịch nói: “… và nó sẽ là của anh, chỉ với một điều kiện nhỏ.” Anh nghe thấy câu đó và nhìn vào ông chủ tịch.
“Chỉ là một sự thỏa hiệp nhỏ, và khi anh đồng ý thì chúng ta có thể ký hợp đồng. Nó chỉ là một vấn đề nhỏ liên quan đến vẻ ngoài của tòa nhà. Tôi hiểu rằng những người theo trường phái hiện đại như anh không chú trọng đến mặt tiền, các anh quan tâm nhiều tới thiết kế mặt bằng, và như thế là đúng, và chúng tôi cũng không hề nghĩ tới chuyện thay đổi thiết kế mặt bằng của anh, chính sự lô-gíc về mặt bằng là cái đã thuyết phục chúng tôi về tòa nhà. Bởi vậy tôi chắc chắn anh sẽ không phiền lòng.”
“Các ông muốn gì?”
“Chỉ có một thay đổi nhỏ trong phần mặt tiền. Tôi sẽ chỉ cho anh. Con trai ông Parker của chúng tôi đang học kiến trúc và chúng tôi đã nhờ cậu ấy vẽ phác, chỉ một bản phác thảo sơ sơ thôi để minh họa cho ý tưởng của chúng tôi và để trình bày cho các thành viên của hội đồng, bởi vì họ không thể tưởng tưởng được sự thỏa hiệp mà chúng tôi đưa ra. Nó thế này!”
Ông ta rút ra một bản phác thảo từ dưới đống bản vẽ trên bàn và đưa cho Roark.
Trên bản phác thảo là hình vẽ tòa nhà của Roark, được vẽ rất khéo. Đó là tòa nhà của anh, nhưng có một cổng vòm kiểu Doric được đơn giản hóa, một mái đua trên đỉnh, và phần trang trí của anh được thay thế bằng kiểu cách điệu hóa Hy Lạp.
Roark đứng dậy. Anh phải đứng. Anh tập trung vào nỗ lực để đứng. Nó giúp cho tất cả những thứ khác dễ dàng hơn. Anh tựa vào một cánh tay thẳng, bàn tay nắm chặt cạnh bàn, các đường gân nổi rõ dưới làn da cổ tay.
“Anh hiểu ý chúng tôi chưa?” ông chủ tịch hỏi nhẹ nhàng. “Những người bảo thủ phía chúng tôi đơn giản là không chịu chấp nhận một tòa nhà cứng nhắc kỳ lạ như của anh. Và họ kêu là công chúng cũng sẽ không chấp nhận nó. Bởi vậy chúng tôi đưa ra giải pháp dung hòa. Theo cách này, tất nhiên đây không phải là kiến trúc truyền thống, nhưng nó vẫn cho công chúng ấn tượng về một cái họ đã quen thuộc. Nó bổ sung thêm một vẻ đường bệ vững vàng và ổn định – và đó là cái mà chúng ta cần ở một ngân hàng, đúng không? Có vẻ như có một bộ luật bất thành văn quy định rằng một ngân hàng cần phải có một mái vòm kiểu Cổ điển – và một ngân hàng thì không thể là chỗ để thể hiện sự nổi loạn và phá cách. Nó sẽ giảm cảm giác tin cậy vô hình đi, anh biết đấy. Mọi người không tin tưởng vào cái mới. Nhưng đây là phương án mà tất cả đều hài lòng. Về mặt cá nhân tôi mà nói thì tôi cũng không hoàn toàn hài lòng về nó, nhưng tôi thực sự không thấy nó làm hỏng cái gì cả. Và đây là cái mà hội đồng quản trị đã duyệt. Tất nhiên, chúng tôi không có ý nói rằng chúng tôi muốn anh phải tuân theo bản phác thảo này. Nhưng nó cũng giúp anh có một hình dung chung và anh sẽ tự làm theo cách của anh, tự điều chỉnh mặt tiền theo phương án Cổ điển.”
Sau đó Roark trả lời. Những người đàn ông không thể đoán được giọng nói của anh thể hiện điều gì; họ không biết chắc nó biểu hiện một sự bình tĩnh tuyệt vời hay một sự xúc động lớn. Họ kết luận đó là sự bình tĩnh, bởi giọng nói đều đều, không nhấn mạnh ở đâu, không màu sắc, mỗi âm tiết như được ngắt đều bởi một cái máy; chỉ có điều, không khí trong phòng thì không phải là không khí thích hợp với một giọng nói bình tĩnh.
Họ kết luận rằng chẳng có gì khác thường trong phong thái của người đàn ông đang nói, ngoại trừ một điều là tay phải của anh ta không hề rời cái cạnh bàn, và khi anh phải di chuyển các bản vẽ, anh làm điều đó bằng tay trái, giống như người đã bị liệt một cánh tay.
Anh nói một lúc lâu. Anh giải thích tại sao cấu trúc này không thể có một mặt tiền theo kiểu Cổ điển. Anh giải thích tại sao một tòa nhà chân thực, giống như một con người chân thực, phải là một khối thống nhất với một đức tin thống nhất; anh giải thích cái gì tạo nên nguồn sống – cái ý tưởng xuyên suốt bất kỳ một thực thể hoặc một sinh vật nào và tại sao – nếu một phần nhỏ nhất phản bội lại ý tưởng đó – thì sinh vật đó sẽ chết; anh giải thích tại sao những cái tốt đẹp, những cái cao quý lại chỉ là những cái giữ được sự toàn vẹn của chúng.
Vị chủ tịch ngắt lời anh:
“Anh Roark ạ, tôi đồng ý với anh. Chẳng thể nói gì thêm về những điều anh nói. Nhưng không may, trong thực tế cuộc sống chúng ta không thể lúc nào cũng kiên định một cách hoàn hảo được. Sẽ luôn luôn có yếu tố tình cảm con người mà ta không thể tính toán được. Chúng ta không thể dùng lô-gic lạnh lùng để xử lý nó. Cuộc thảo luận này thực tế là thừa. Tôi có thể đồng ý với anh, nhưng tôi không thể giúp anh. Vấn đề đã khép lại. Đây là quyết định của hội đồng – sau khi đã xem xét lâu hơn bình thường rất nhiều, như anh đã biết.”
“Ông có thể cho phép tôi đứng trước hội đồng và nói chuyện với họ không?”
“Xin lỗi anh Roark, nhưng hội đồng sẽ không bàn lại vấn đề này nữa. Quyết định này là cuối cùng. Tôi chỉ có thể đề nghị anh nói rõ xem anh có đồng ý chấp nhận công việc theo các điều khoản của chúng tôi hay không thôi. Tôi phải thừa nhận là hội đồng đã xem xét khả năng anh sẽ từ chối. Trong trường hợp đó, tên của một kiến trúc sư khác, một người tên là Gordon L. Prescott, đã được hội đồng xem xét làm kiến trúc sư thay thế. Nhưng tôi đã nói trước hội đồng rằng tôi cảm thấy chắc chắn anh sẽ chấp nhận.”
Ông ta đợi. Roark không nói gì.
“Anh hiểu tình thế chứ, anh Roark?”
“Vâng,” Roark nói. Mắt anh cụp xuống. Anh đang nhìn các bản vẽ.
“Thế nào?”
Roark không trả lời.
“Có hay không, anh Roark?”
Đầu Roark ngửa ra sau. Anh nhắm mắt lại.
“Không,” Roark nói.
Sau một lúc, ông chủ tịch hỏi:
“Anh có nhận ra điều anh đang làm không?”
“Rất rõ ràng,” Roark nói.
“Lạy Chúa!” Weidler đột nhiên gào lên. “Anh có nhận ra rằng đây là một hợp đồng lớn đến thế nào không? Anh là một thanh niên trẻ, anh sẽ chẳng còn có một cơ hội nào khác nữa như thế này đâu. Và… được rồi, quỷ tha ma bắt, tôi sẽ phải nói thôi! Anh cần nó! Tôi biết anh cần nó đến mức nào!”
Roark thu lại các bản vẽ từ trên bàn, cuộn chúng lại và kẹp dưới cánh tay.
“Hoàn toàn điên rồ!” Weidler rên lên. “Tôi muốn anh. Chúng tôi muốn tòa nhà của anh. Anh cần hợp đồng này. Anh có cần phải cuồng tín và quên-mình vì nó đến mức thế không?”
“Cái gì?” Roark hỏi một cách hoài nghi.
“Cuồng tín và quên-mình.”
Roark mỉm cười. Anh nhìn xuống các bản vẽ của mình. Khuỷu tay anh hơi động đậy, anh ép chúng vào người anh. Anh nói:
“Đây là hành động vì-mình[65] nhất mà anh từng thấy ở một người.”
Anh quay trở lại văn phòng của mình. Anh thu thập các công cụ vẽ của mình và một vài thứ anh có tại đó. Tất cả được gói trong một gói và anh kẹp nó dưới cánh tay. Anh khóa cửa và đưa chìa khóa cho người đại diện bên cho thuê. Anh bảo người đó rằng anh sẽ đóng cửa văn phòng. Anh đi về nhà và bỏ gói đồ ở đó. Rồi anh đến nhà của Mike Donnigan.
“Không?” Mike hỏi, sau khi liếc nhìn anh.
“Không,” Roark nói.
“Chuyện gì xảy ra?”
“Tôi sẽ kể cho anh vào dịp khác.”
“Lũ khốn nạn!”
“Đừng bận tâm, Mike.”
“Thế văn phòng?”
“Tôi đã đóng cửa văn phòng.”
“Mãi mãi?”
“Trong thời gian hiện tại.”
“Trời tru đất diệt bọn nó đi, Tóc Đỏ! Trời tru đất diệt bọn nó!”
“Thôi đi. Tôi cần một công việc, Mike. Anh có thể giúp tôi được không?”
“Tôi á?”
“Tôi chẳng biết ai trong mấy ngành đó ở đây. Người mà muốn thuê tôi ấy. Anh thì biết họ.”
“Mấy ngành nào cơ? Cậu đang nói về cái gì đấy?”
“Trong mấy ngành xây dựng ấy. Công việc xây dựng. Giống như tôi đã làm trước đây.”
“Cậu muốn nói là – công việc của một công nhân bình thường á?”
“Tôi muốn nói là công việc của một công nhân bình thường.”
“Cậu điên rồi, đồ gàn dở!”
“Thôi nào, Mike. Anh tìm giúp tôi một việc được không?”
“Nhưng, quỷ tha ma bắt, tại sao chứ? Cậu có thể tìm một việc tốt ở văn phòng của một kiến trúc sư. Cậu biết là cậu có thể.”
“Tôi sẽ không. Không bao giờ nữa.”
“Tại sao?”
“Tôi không muốn động vào nó. Tôi không muốn nhìn thấy nó. Tôi không muốn
giúp bọn họ làm cái họ đang làm.”
“Cậu có thể kiếm một việc tốt, sạch sẽ trong một ngành khác.”
“Như thế thì tôi sẽ phải nghĩ. Mà tôi thì không muốn nghĩ. Không phải theo cách của họ. Kiểu gì cũng phải theo cách của họ – ở bất kỳ nơi nào tôi đến. Tôi muốn một công việc ở chỗ nào mà tôi không phải nghĩ.”
“Kiến trúc sư không ai đi làm việc của công nhân cả.”
“Kiến trúc sư này thì chỉ có thể làm những việc đó.”
“Cậu có thể học được một cái gì đó, nhanh thôi.”
“Tôi chẳng muốn học cái gì cả.”
“Ý cậu là muốn tôi kiếm cho cậu một chân trong một nhóm xây dựng, ở đây, trong thành phố?”
“Đó là ý tôi.”
“Không, đồ chết tiệt! Tôi không thể! Tôi sẽ không làm! Tôi sẽ không làm điều đó!”
“Tại sao?”
“Tóc Đỏ này, cậu định biến mình thành trò hề cho cả lũ khốn kiếp đó trong thành phố này xem đấy hả? Để cả lũ khốn nạn đó biết chúng đã dìm cậu xuống mức này đấy hả? Để cho cả lũ chúng nó hả hê?”
Roark cười phá lên.
“Tôi quan tâm quái gì đến chuyện đó, Mike. Tại sao anh lại phải để ý cơ chứ?”
“À, tôi sẽ không để cậu làm thế. Tôi sẽ không cho cái lũ khốn kiếp đó được
hưởng điều ấy.”
“Mike,” Roark nhẹ nhàng nói, “chẳng có gì khác cho tôi làm cả.”
“Quỷ tha ma bắt, có, có đấy. Tôi đã bảo cậu rồi mà. Bây giờ cậu phải nghe lý lẽ một chút. Tôi có đủ tiền cho cậu cho đến khi…”
“Tôi sẽ nói cho anh điều mà tôi đã nói với Austen Heller nhé: nếu anh mà còn định đưa tiền cho tôi một lần nữa, thì tôi và anh sẽ chấm hết.”
“Nhưng tại sao?”
“Đừng tranh cãi nữa, Mike.”
“Nhưng…”
“Tôi xin anh làm cho tôi một điều lớn hơn là đưa tiền. Tôi muốn công việc đó. Anh không cần cảm thấy tiếc cho tôi. Tôi không hề tiếc.”
“Nhưng… nhưng điều gì sẽ xảy ra cho cậu hả Tóc Đỏ?”
“Ở đâu?”
“Ý tôi nói là… tương lai của cậu ấy?”
“Tôi sẽ tiết kiệm đủ tiền và tôi sẽ quay lại. Hoặc là có thể ai đó sẽ tìm đến tôi trước lúc đó.”
Mike nhìn Roark. Anh nhìn thấy cái gì đó trong mắt Roark và anh biết Roark không muốn ở chỗ đó.
“Thôi được rồi, Tóc Đỏ ạ,” Mike nhẹ nhàng nói.
Mike nghĩ trong một lúc lâu. Anh nói: “Nghe này, Tóc Đỏ, tôi sẽ không kiếm cho cậu việc làm trong thành phố. Tôi không thể làm thế được. Chỉ nghĩ đến nó thôi là tôi phát ốm rồi. Nhưng tôi sẽ kiếm cho cậu việc gì đó trong ngành này.”
“Cũng được. Bất kỳ cái gì. Với tôi thế nào cũng được.”
“Tôi đã làm việc cho tất cả những nhà thầu cưng của cái lão khốn Francon đó lâu đến nỗi tôi biết tất cả những ai từng làm việc cho hắn ta. Hắn ta có một mỏ đá granit ở Connecticut. Một trong những đốc công ở đó là bạn thân của tôi. Anh chàng này hiện đang trong thành phố. Cậu đã bao giờ làm việc ở một mỏ đá chưa?”
“Một lần. Lâu rồi.”
“Cậu nghĩ cậu sẽ thích chứ?”
“Tất nhiên.”
“Tôi sẽ đi gặp anh ta. Chúng ta sẽ không nói cho anh ấy biết cậu là ai, chỉ nói cậu là một người bạn của tôi, thế thôi.”
“Cảm ơn anh, Mike.”
Mike với tay lấy áo khoác, và sau đó hai tay anh thõng xuống, và anh nhìn sàn
nhà.
“Tóc Đỏ này…”
“Sẽ ổn thôi mà, Mike.”
Roark đi bộ về nhà. Trời tối và đường phố vắng tanh. Một cơn gió mạnh thổi qua. Anh có thể cảm thấy luồng không khí lạnh, vi vút đang thốc vào hai má anh. Đó là bằng chứng duy nhất của cái dòng chảy đang xé toạc không khí. Chẳng có gì khác chuyển động trong cái hành lang bằng đá xung quanh anh. Chẳng có một bóng cây để lay động, chẳng có một tấm rèm, một mái hiên nào; chỉ có những khối đá, thủy tinh, nhựa đường trần trụi và những góc ngoặt sắc cạnh. Thật lạ lùng khi cảm thấy chuyển động mạnh mẽ của cơn gió trên mặt anh. Nhưng trong một thùng rác ở góc đường, một mảnh giấy báo nhàu nát đang kêu lào xào, đập liên hồi vào tấm lưới thép. Nó khiến cho cơn gió trở nên có thật.
*
* *
Buổi tối hai ngày sau đó, Roark đi Connecticut.
Từ trên tàu hỏa, anh ngoái nhìn lại một lần hình dáng của thành phố trên nền trời, trong lúc nó lướt qua mắt anh và giữ được trong vài khoảnh khắc, qua cửa sổ tàu. Ánh sáng nhập nhoạng lúc hoàng hôn đã làm mờ đường nét chi tiết của những tòa nhà. Chúng vươn cao thành những cây cột mỏng mang màu xanh sứ mềm mại, một màu xanh không phải của những vật thể tồn tại thực, mà của trời đêm và của khoảng cách. Chúng vươn cao thành những đường phác trần trụi, giống như những chiếc khuôn rỗng đang chờ được đổ đầy. Khoảng cách đã làm thành phố như được san phẳng ra. Những tòa nhà chọc trời đứng riêng rẽ trở nên cao vút, hoàn toàn quá cỡ so với những gì ở trên mặt đất. Chúng thuộc về thế giới của riêng chúng, và chúng giương trên nền trời lời tuyên bố về cái mà con người đã nghĩ ra và biến thành hiện thực. Chúng là những cái khuôn rỗng. Nhưng con người đã đi xa đến thế thì con người cũng có thể đi xa hơn. Thành phố trên đường viền chân trời ấy đặt ra một thách thức – và một lời hứa.
Những vệt ánh sáng nhỏ lóe lên trên đỉnh một ngọn tháp nổi tiếng, trong khung cửa sổ của Nhà hàng Star Roof. Sau đó tàu quẹo một đường vòng và thành phố biến mất.
Tối hôm đó, trong phòng tiệc lớn của Nhà hàng Star Roof, một bữa tiệc tối đã được tổ chức để ăn mừng việc Peter Keating đã trở thành một đồng sự của công ty mà từ đây sẽ được biết đến dưới tên gọi hãng Francon & Keating.
Tại một chiếc bàn dài trông có vẻ như được phủ không phải bằng một tấm khăn trải bàn mà bằng một tấm ánh sáng, Guy Francon ngồi. Tối nay, không hiểu sao ông ta không phiền lòng về những vệt tóc bạc xuất hiện bên hai thái dương nữa; chúng lấp lánh một cách đẹp đẽ trên nền đen của mái tóc và cho ông một vẻ sạch sẽ và thanh lịch, giống như màu trắng tuyền của chiếc áo sơ mi của ông trên nền đen của bộ quần áo tiệc tối. Ngồi tại vị trí danh dự là Peter Keating. Anh dựa người về phía sau, hai vai thẳng, hai tay ôm lấy phần thân của một chiếc ly. Những lọn tóc xoăn đen của anh lấp lánh trên vầng trán trắng. Trong giây phút yên lặng đó, các vị khách không cảm thấy ganh tỵ, không oán giận, không thù oán. Có một không khí long trọng của tình bằng hữu ở trong phòng, với sự chiện diện của một chàng trai tuấn tú, có vẻ mặt long trọng như thể đây là lễ thông công đầu tiên của anh ta. Ralston Holcombe đã đứng lên phát biểu. Ông ta đứng, ly rượu trong tay. Ông đã chuẩn bị bài phát biểu, nhưng kinh ngạc thấy mình đang nói một cái gì đó khác hẳn, bằng một giọng hoàn toàn chân thành. Ông nói:
“Chúng ta là những người bảo vệ cho một chức năng quan trọng của con người. Có lẽ là chức năng lớn nhất trong số những nỗ lực của con người. Chúng ta đã đạt được nhiều và chúng ta đã phạm lỗi nhiều. Nhưng chúng ta sẵn sàng, với tất cả sự khiêm nhường, nhường đường cho những người kế tục chúng ta. Chúng ta chỉ là con người và chúng ta chỉ là những người đi tìm kiếm. Nhưng chúng ta tìm kiếm chân lý với những gì tốt đẹp nhất trong trái tim mình. Chúng ta tìm kiếm với những gì tốt đẹp nhất được ban cho loài người. Đây là một công cuộc tìm kiếm vĩ đại. Hãy nâng cốc vì tương lai của ngành kiến trúc Hoa Kỳ!”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.