Tam @ Quốc

Chương 05 : CÁC LOẠI CÀ RỐT VÀ CÔNG DỤNG



Chương 05 : CÁC LOẠI CÀ RỐT VÀ CÔNG DỤNG

1. Chuyện nhỏ và củ cà rốt

Lại nói chuyện sau khi Lưu Bị nhận chức giám đốc và dẹp tan lời ong tiếng ve, nhân viên ai thấy Lưu Bị cũng ngượng ngập khiến chàng khoan khoái. Lưu Bị hiểu rằng, nhìn từ góc độ y học, làm nhân viên tự thẹn chỉ như dùng thuốc hạ sốt. Muốn công ty có “cơ thể” khỏe mạnh, tất phải dùng phép trị bệnh. Tóm lại là, muốn nhân viên làm việc tích cực, tất phải khuyến khích.
Ai từng đọc “Tam quốc diễn nghĩa”, đều biết, sở dĩ Lưu Bị thành lãnh đạo một trong ba công ty lớn nhất toàn quốc là nhờ giỏi khích lệ. Về tài quản lý nguồn lực con người, Lưu Bị là người vô địch. Song đó là chuyện những năm sau này, còn giờ đây, chàng thanh niên Lưu Bị của chúng ta đang giam mình trong phòng giám đốc, bắt đầu trăn trở cách thức khuyến khích nhân viên.
Cốc, cốc, cốc… Mi Trúc gõ cửa, bước vào, hỏi:
– Giám đốc Lưu, lương thưởng tháng này anh ký chưa?
Lưu Bị mời Mi Trúc ngồi bàn bạc:
– Tôi định thưởng cho Trần Đăng 500 quan, anh thấy có được không?
Mi Trúc hỏi:
– Lý do gì vậy?
Lưu Bị nói:
– Lý do thì có, song không tiện nói ra.

Mi Trúc lại hỏi:
– Có phải vì anh thấy Trần Đăng giúp đỡ mình nhiều nên muốn cảm tạ? Lưu Bị khẽ gật đầu. Mi Trúc nói:
– Nếu vậy thì tôi cho rằng lòng biết ơn của anh xuất phát từ tư lợi, không phải là sự cảm tạ của công ty.
Lưu Bị hơi bực mình, hỏi:
– Chẳng lẽ tôi không có cả quyền khen thưởng? Tục ngữ nói “Quân không tiền, lính không qua; quân không thưởng, lính không lại”. Đường đường là giám đốc, nếu không thưởng được cho người ta thì còn ai làm việc?
Mi Trúc nói:
– Làm giám đốc thì thưởng nhân viên là chuyện đương nhiên, nhưng tuyệt đối không được tuỳ tiện. Để tôi kể câu chuyện thỏ và cà rốt, từ đó anh có thể rút ra đôi điều.
1) Vua thỏ lúng túng
Sườn núi phía nam có một bầy thỏ. Dưới sự quản lý của vua thỏ mắt xanh, bầy thỏ có một cuộc sống đầy đủ, vui vẻ. Nhưng thời gian gần đây số lương thực bầy thỏ kiếm về ngày một ít. Vì sao nhỉ? Vua thỏ nhận ra là một số thỏ trở nên lười biếng.
2) Khuyến khích là tất yếu
Vua thỏ nhận ra, số thỏ lười biếng ảnh hưởng xấu tới những con khác. Số thỏ chăm cho rằng làm nhiều làm ít cũng như nhau, vậy nỗ lực để làm gì? Từng con, từng con cũng lười theo. Thế là vua thỏ quyết tâm thay đổi, tuyên bố thỏ nào biểu hiện tích cực sẽ được thưởng cà rốt. 3) Tuỳ tiện khen thưởng, bất mãn nổi lên
Việc một chú thỏ xám được vua ban thưởng củ cà rốt đầu tiên làm dậy sóng trong bầy thỏ. Vua thỏ không ngờ tác động của việc khen thưởng lại mạnh như vậy, nhưng là tác động xấu. Mấy lão thỏ tìm vua kể lể tội lỗi của chú thỏ xám, chất vấn vì sao vua ban thưởng?
Vua thỏ nói:
– Ta nhận thấy thỏ xám làm việc không tồi. Nếu các anh cũng có biểu hiện tích cực như thỏ xám thì tự nhiên sẽ được khen thưởng.
4) Bầy thỏ học cách đóng kịch
Thế là bầy thỏ phát hiện ra bí quyết để được khen thưởng. Cả bọn cho rằng: chỉ cần giỏi “thể hiện” trước vua thỏ là được nhận cà rốt thưởng. Một số bác thỏ chân chất không giỏi “trình diễn” sinh buồn rầu. Dần đà, phong cách làm việc đóng kịch nổi lên trong bầy. Nhiều thỏ chỉ

quan tâm làm sao cho vua thỏ vừa lòng nên thậm chí không ngại gian dối. Truyền thống lao động chăm chỉ thật thà của bầy thỏ bị huỷ hoại nghiêm trọng.
4) Có quy củ, việc mới chạy
Để loại bỏ thói làm ăn gian dối, nhờ sự giúp đỡ của nhóm thỏ già, vua thỏ ban bố quy định khen thưởng. Theo đó, thực phẩm bọn thỏ đem về đều phải qua nghiệm thu, sau đó căn cứ vào số lượng mà khen thưởng. Một thời gian, bầy thỏ làm việc hiệu quả hẳn lên, kho chứa đầy thực phẩm dự trữ. 6) Chú ý cải cách chế độ khen thưởng

Chỉ cần vua thỏ không để ý, năng suất lao động của bầy thỏ sau một thời gian đạt tới cực đỉnh lại xuống dốc thê thảm. Vua thỏ thấy kỳ quái bèn điều tra kỹ lưỡng, nguyên do nguồn thức ăn ở gần đã bị bầy thỏ khai thác hết nhưng không có ai chủ động đi tìm nguồn thức ăn mới. Một chú thỏ trắng tai dài chỉ trích vua thỏ chỉ biết đến số lượng, dung dưỡng thói ăn xổi ở thì, làm hại đến sự phát triển lâu dài của đàn thỏ.

7) Sau khi quy củ bị phá hỏng
Vua thỏ thấy thỏ tai dài có lý nên lao tâm khổ tứ suy nghĩ. Một hôm, có chú thỏ xám không hoàn thành nhiệm vụ, bạn chú là Đô Đô liền bớt phần mình giúp thỏ xám.
Vua thỏ nghe chuyện, khen ngợi không ngớt tinh thần giúp bạn của Đô Đô. Hai hôm sau, tình cờ gặp Đô Đô ở cửa kho, vua thỏ cao hứng thưởng gấp đôi cho Đô Đô. Lệ mới mở ra, phong trào “đóng kịch” lại nổi lên, bầy thỏ lại học cách làm vừa lòng vua thỏ. Những chú thỏ không biết cách làm hài lòng thì tìm đến vua thỏ kêu khóc làm vua thỏ đứng ngồi không yên.
Có con nói:
– Sao tôi làm việc chăm chỉ mà phần thưởng lại thua Đô Đô?
Có con nói:
– Lần đó tôi làm việc rất tích cực, hoá ra thu nhập lại ít hơn trước, thật không công bằng!
8) Cà rốt cũng mất tác dụng khen thưởng
Một thời gian sau, tình hình càng gay cấn, nếu không thưởng hậu thì không ai còn muốn làm việc. Thế nhưng không ai làm việc thì lấy đâu cái ăn? Vua thỏ không chịu nổi, phải ban bố thỏ nào tình nguyện cống hiến cho cả bầy sẽ được thưởng một giỏ cà rốt đầy. Bố cáo vừa ban đã có thỏ xin làm tình nguyện. Vua thỏ nghĩ, thưởng hậu tất sẽ có thỏ giỏi. Nào ngờ số thỏ này vẫn không hoàn thành nhiệm vụ. Vua thỏ giận dữ tới trách móc chúng. Bọn thỏ đều trả lời như nhau:
– Vua thỏ, xin đừng trách chúng tôi. Một khi trong tay đã có cà rốt, ai còn muốn đi làm nữa?

Nghe xong câu chuyện, Lưu Bị ngạc nhiên nói:
– Không ngờ sau chuyện cà rốt lại nhiều lý lẽ sâu xa vậy! Trước đây tôi không bao giờ nghĩ cà rốt lại có thể làm mất tác dụng khen thưởng!
Mi Trúc nói:
– Với một người cực đói khát, cho anh ta bát cơm đầu tiên là cứu mạng; bát thứ hai là đủ; bát thứ ba là thuốc độc. Sau khi anh ta ăn bát thứ ba thì ý nghĩa của cơm hoàn toàn thay đổi, anh ta làm sao hiểu được “một hạt thóc chín hạt mồ hôi” đây? Cũng như vậy, cà rốt của vua thỏ không những không có tác dụng khích lệ, trái lại còn làm bầy thỏ xa hoa, lười biếng. Bởi vậy, làm một giám đốc, trước tiên anh phải hiểu ý nghĩa của cà rốt; nếu không, anh không khuyến khích được nhân viên mà chỉ chuốc thêm phiền; thứ anh cho người ta không phải là niềm vui, mà là thuốc độc.
Lưu Bị thở dài:
– Nếu hôm nay anh không cảnh tỉnh tôi, ngày sau tôi cũng như vua thỏ!
Mi Trúc nói:
– Đúng vậy…Nói ngay như việc Trần Đăng, việc anh đưa ông ta làm trợ lý giám đốc đã gây ra bao lời đàm tếu. Nay lại thưởng cho ông ta, mọi người sẽ nghĩ chỉ cần giỏi “diễn” là sẽ thăng quan tiến chức, họ liền đóng kịch trước mặt anh ngay. Với Trần Đăng, ông ta cũng chịu hai mặt thiệt hại: một mặt bị người ta chửi là đồ nịnh bợ, sự giao tiếp của ông ta cũng gặp khó khăn; mặt khác, Trần Đăng cũng có thể cậy thế sinh kiêu, đạo đức tốt đẹp của ông ta cũng sứt mẻ. Anh thử nói xem, việc thưởng cho Trần Đăng một khoản liệu có là toa thuốc độc bảng A không?
– Vậy thì khoản thưởng của Trần Đăng từ đây thành mây khói, anh cũng không phải nói đến ai nữa – Lưu Bị trầm ngâm: – Còn nữa, anh vừa có ý chỉ việc đưa Trần Đăng lên làm trợ lý giám đốc cũng là một loại cà rốt phải không?
Mi Trúc đáp:
– Không sai, cà rốt có rất nhiều loại, không cứ là tiền.

2. Có bao nhiêu nhu cầu, có bấy nhiêu cà rốt

– Trong quản lý nguồn lực con người, cà rốt có ý nghĩa gì? Chính là cách thức kích thích nhân viên nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ – Mi Trúc diễn giải: – Theo nghĩa đó, bất kỳ cách gì có tác dụng kích thích đều có thể gọi là cà rốt. Rồi Mi Trúc vừa nghĩ vừa nói:
– Cần có bản phân tích các tầng nhu cầu của nhân viên…

– Tầng nhu cầu của nhân viên? Là lý luận tháp nhu cầu của nhà tâm lý học nổi tiếng Maslow. Ông ta cho rằng con người có năm tầng nhu cầu. Đầu tiên là nhu cầu sinh lý, đó là như cầu cơ bản để sinh tồn, như ăn, uống, v. v…Tiếp nữa là nhu cầu an toàn, bao gồm như cầu được bảo vệ cả về tinh thần lẫn vật chất, ví như không lo bị trộm cướp đe doạ, bảo hiểm trước các bất trắc, bảo hiểm cho công việc và sau khi về hưu, v. v… Thứ ba là nhu cầu giao tiếp xã hội, ai cũng là một thành viên trong xã hội, có nhu cầu giao tiếp và thuộc về nhóm để trao đổi tình cảm, sở thích, giúp đỡ và khen lẫn nhau. Thứ tư là nhu cầu được tôn trọng, kể cả nhu cầu được người khác tôn trọng và cảm giác tự tôn. Thứ năm là nhu cầu thực hiện khát vọng, là thông qua nỗ lực của bản thân mà biến mong muốn của mình thành hiện thực, từ đó tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và công việc. Theo luận tháp nhu cầu của Maslow, chỉ có thoả mãn nhu cầu của một người mới kích thích được người đó. Nếu vậy, nó cũng không khác chuyện một bát, hai bát và ba bát cơm của anh bao nhiêu.

Mi Trúc nói:
– Hình thức kết cấu tầng bậc nhu cầu nhân viên và tháp nhu cầu của Maslow là như nhau. Kết cấu đó dựa trên ba điều cơ bản: thứ nhất, người ta cần sinh tồn, nhu cầu thiết yếu đó ảnh hưởng tới hành vi, chỉ có chưa thoả mãn nhu cầu mới ảnh hưởng tới hành vi, khi thoả mãn nhu cầu rồi thì tác dụng kích thích không còn thích hợp nữa; thứ hai: nhu cầu của con người xếp theo mức độ trọng yếu mà hình thành kết cấu tầng thứ; thứ ba: người ta được thỏa mãn nhu cầu thấp nhất rồi mới theo đuổi nhu cầu cao hơn một bậc, cứ thế cao dần lên, nó biến thành động lực nội tại không ngừng.
Lưu Bị rót cho Mi Trúc một cốc nước, vừa thoả mãn nhu cầu uống nước, vừa thỏa mãn nhu cầu được tôn trọng của Mi Trúc, rồi vừa bưng vừa hỏi:
– Anh nói đi, tầng bậc nhu cầu của nhân viên công ty là gì?
Mi Trúc xin Lưu Bị một tờ giấy và chiếc bút, vẽ ra một hình tháp tám tầng, đề “Biểu đồ tầng bậc nhu cầu của nhân viên”. Thoáng nhìn biểu đồ, Lưu Bị đã kinh ngạc:
– Mi Trúc, có phải vì kinh nghiệm của anh không? Tầng nhu cầu thấp nhất của nhân viên là được phát lương đúng kỳ?
Mi Trúc nói:
– Trong rất nhiều công ty, và cũng rất nhiều lần, tầng nhu cầu thấp nhất đó cũng không đáp ứng. Anh xem báo chí xem, có bao nhiêu vụ các công ty xí nghiệp còn nợ lương công nhân? Dưới sự quản lý của anh, nếu tháng nào công ty cũng trả lương đúng kỳ hạn là nhân viên sẽ

cảm tạ anh tự đáy lòng. Lưu Bị chần chừ giây lát rồi hỏi:
– Lẽ nào việc thăm nom hiếu hỉ hoa hòe hoa sói cũng cảm động được nhân viên?
Mi Trúc nói:
– Lòng người chẳng cũ. Kiểu thăm nom đó, xưa gọi là yêu dân như con! Người ta xem trọng không phải chén chè cốc nước, mà là tấm lòng của lãnh đạo công ty với cấp dưới!
– Anh nói mùi mẫn lắm! Mà này… – Lưu Bị hỏi: -… Có thể thay đổi kiểu nhu cầu đó không? Mi Trúc mỉm cười:
– Anh biết chuyện người ôm cây đợi thỏ không?
Lưu Bị đáp:
– Tôi biết từ hồi cấp một. Chuyện là một người nông dân nhặt được con thỏ đâm trúng gốc cây mà chết, từ đó anh ta không chịu làm ăn gì, ngày nào cũng chỉ mơ nhặt được thỏ đâm vào cây. Mi Trúc nói:
– Với ai cũng vậy, thứ nhận được vượt quá nhu cầu đều là thuốc độc. Anh đã thay đổi tầng bậc nhu cầu của Trần Đăng, lẽ nào còn muốn biến tất cả mọi người thành như Trần Đăng?
Lưu Bị thắc mắc:
– Trần Đăng thì làm sao?
Mi Trúc nói rành rọt:
– Anh thăng chức cho Trần Đăng không phải vì ông ta phù hợp với chức vụ đó hay không, mà vì ông ta giúp anh. Thế là anh biến ông ta thành một kẻ cơ hội chủ nghĩa. Giờ đây, ông ta vẫn còn hy vọng nhờ tính toán và chờ đợi để kiếm được con thỏ thứ hai. Nhưng một nhân viên cơ trí giảo hoạt sẽ không thể là một nhân viên trung thành.
Lưu Bị như học sinh cấp một mắc lỗi, xị mặt xuống:
– Mi Trúc ôi, vậy anh nói tôi phải làm thế nào mới phải đây?
Mi Trúc nói:
– Anh chỉ cần dần dần đáp ứng từng tầng bậc nhu cầu của mỗi nhân viên là được. Không chỉ có anh dần dần đáp ứng, mà nhu cầu của mỗi nhân viên cũng cần dần dần tăng lên. Nhu cầu tiền, nhà ở, xe hơi, chức vụ của nhân viên… chính là đất dụng võ cho tài quản lý. Làm người quản lỳ công ty, bất kể là anh, hay tôi, đều có một nhiệm vụ rất lớn, đó là thuyết phục nhân viên từ bỏ một số mục tiêu cá nhân trước mắt để tập trung tinh lực cho sự phát triển lâu dài của công ty.

3. Một số loại cà rốt không tốn tiền

– Còn một điểm không kém phần quan trọng, đó là không tốn tiền tuỳ tiện! Mi Trúc trung thành vô hạn ân cần nhắc nhở vị giám đốc trẻ:
– Nhân viên háo tiền không phải là nhân viên tốt, nhưng nhà quản lý háo tiền thì thật đáng khen. Không nhường một tấc mới thành núi cao, chẳng từ một giọt mới nên biển lớn – giữ chức giám đốc, anh phải hiểu rằng tiền cần thiết đối với sự phát đạt của công ty thế nào! Lưu Bị thành thật mong Mi Trúc chỉ bảo:

– Vừa rồi anh nói nhân viên có tám tầng bậc nhu cầu, nay anh lại nói có mấy loại cà rốt không mất tiền?
Mi Trúc khẽ gật đầu, nói:
– Giám đốc Lưu đã không ngượng hỏi cấp dưới, tôi sẽ trình bày mười loại cà rốt không tốn tiền, vấn đề này tôi đã ngẫm nhiều năm.

Loại cà rốt thứ nhất: Tiên nữ rắc hoa
“Tiên nữ rắc hoa” là chuyện cổ tích lưu truyền khắp dân gian Trung Quốc. Đối với người quản lý xí nghiệp, đó là một loại cà rốt không tốn tiền nhưng cực hiệu quả. Lý do thật đơn giản: Làm nhà quản lý, anh có thể vung vãi bốn phía, chỗ này một câu biểu dương, chỗ kia một câu khen ngợi, làm nhân viên nở nang mặt mũi. Khi được khen ngợi, nhân viên sẽ phấn chấn, tăng khả năng chịu đựng sức ép công việc, năng suất của họ sẽ tăng lên gấp bội.
Loại cà rốt thứ hai: Tỏ lòng quan tâm
Lãnh đạo quan tâm tới đời sống nhân viên sẽ tạo nên mối quan hệ đặc biệt giữa hai bên. Mối quan hệ đó không những khiến nhân viên làm việc không vì tiền mà còn khiến họ làm việc đặc biệt tốt.
Có thể thấy cuộc đối thoại dưới đây trong rất nhiều tiểu thuyết lịch sử của Trung Quốc: Trong gian phòng bí mật, vị lãnh đạo hỏi cấp dưới vẻ rất nghiêm trọng:
– X. , ta đối đãi anh thế nào?
X. lập tức bày tỏ:
– Đại nhân đối với thuộc hạ ơn năng như núi!
Lãnh đạo tiếp tục hỏi:
– Có một việc, không biết anh có hoàn thành được không?
X không biết việc gì nhưng vẫn biểu lộ lòng trung son sắt:
– Đại nhân đã sai bảo, X. chết cũng không dám từ.
Đúng là đội ơn vua, lính mất mạng.

Loại cà rốt thứ ba: Vờ quan tâm
Nếu anh không có chút hứng quan tâm tới đời tư của nhân viên (gia đình, hôn nhân, sức khỏe, thậm chí cả thái độ của họ) thì chiêu này rất hiệu quả. Điều thần diệu của chiêu này là một mặt làm nhân viên sung sướng tột cùng, một mặt anh đỡ phải nghe những câu chuyện chán ngắt.
Một ví dụ của chiêu này: anh đi xe cách nhân viên chừng 10m thì gọi rõ to, kiểu như: “Gia đình khoẻ cả chứ?” Nhân viên ai cũng sẽ thấy anh quan tâm tới cấp dưới, còn anh thì không phải nghe lải nhải.
Hoặc anh cũng có thể diễn trò này vào dịp tết hằng năm.
Nếu anh quan niệm người đời lạnh nhạt với mình cũng chẳng sao, nếu anh thấy sự giúp đỡ nhau chân thành cũng không cần thiết thì có thể chơi trò này. Có lúc, có nơi, nó sẽ có tác dụng tốt trong thời gian ngắn.
Loại cà rốt thứ tư: Tặng vật kỷ niệm
Dù thiệp sinh nhật chỉ là một tấm bìa cứng, thế nhưng có chữ ký của anh trên đó sẽ làm nhân viên sung sướng. Cùng một lẽ như vậy, chiếc nơ mua ở chợ chỉ mười mấy đồng (mua số lượng lớn càng rẻ), nhưng nó lại tượng trưng cho sự vinh dự nên có ý nghĩa không tầm thường.
Giả như có nhân viên đem về cho công ty một hợp đồng bạc triệu, anh có thể mở hội lớn, giong trống mở cờ tặng nơ anh ta.
Đó là một mũi tên bắn ba đích: Thứ nhất, chiếc nơ đó xem như một báu vật vô giá; thứ hai, người nhận nơ cảm động rơi nước mắt, khiến anh ta cố công cố sức để nhận thêm một nơ nữa; thứ ba, khiến đồng nghiệp người nhận nơ ghen tức mà có ý thức “rừng nơ (cà rốt) trước mặt, roi da (hay cây gậy) phía sau”.
Loại cà rốt thứ năm: Khiến công việc có sức ép
Công việc quá đơn điệu sẽ khiến nhân viên chán nản; công việc quá khó sẽ khiến nhân viên sợ hãi. Sự thực, vấn đề không phải là công việc khó hay dễ, mà là có sức ép hay không.
Ví như, anh có thể giao một công việc nói là rất khó khăn (dù ai cũng biết là rất dễ), khi nhân viên hoàn thành, anh khen ngợi anh ta như người hùng. Hay khi giao một hạng mục cho anh X. , anh có thể xem đó như thử thách, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng là chỉ có X. làm được việc đó. Như vậy, dù X. có gặp khó khăn trùng trùng vẫn sẽ nỗ lực như một vận động viên Olympic.

Loại cà rốt thứ sáu: Ban phát giấy khen
Giấy khen dường như không cần thiết, tuy nhiên công dụng “cà rốt” của nó không tầm thường. Một tờ giấy khen không những làm nhân viên thấy vinh dự, nó còn cho thấy: lao động vất vả của nhân viên đó không hoàn toàn vì tiền. Anh ta sẽ là tấm gương cho những nhân viên khác.
Loại cà rốt thứ bảy: Ăn trưa cùng nhân viên
Được ăn trưa hay tán gẫu cùng anh chắc chắn làm nhân viên vinh dự, họ sẽ có cảm giác hạnh phúc, thấy mình có năng lực, được coi trọng và tán thưởng, lâng lâng như đi trên mây, v. v… Anh có thể thấy ngượng vì bị tâng bốc, song thực tế, nhân viên cần cảm giác vinh dự đó.
Loại cà rốt thứ tám: Cho nhân viên cơ hội tự đề ra mục tiêu
Nếu nhân viên được tự đặt ra mục tiêu, họ sẽ nỗ lực gấp mười lần để hoàn thành kế hoạch. Song để nhân viên tự đặt mục tiêu chung cũng rất nguy hiểm. Trò chơi này rất cần nghệ thuật lãnh đạo của nhà quản lý, chỉ sơ suất là hỏng việc. Bởi một số nhân viên giống như trẻ em trong nhà trẻ, họ đề ra mục tiêu đầy tham vọng nhưng không cách gì thực hiện được.
Trong khi mục tiêu thật nhất của anh khi cho nhân viên tự đặt mục tiêu là: làm cho nhân viên thực hiện mục tiêu của chính mình.
Loại cà rốt thứ chín: Khích lệ tinh thần hy sinh của nhân viên
Không nên khuyến khích nhân viên về đúng giờ (ít nhất là rời khỏi vị trí muộn mười phút), càng không được để nhân viên giả bệnh nghỉ ngơi. Ngược lại, cần khuyến khích nhân viên làm quá giờ hay ốm đau mà vẫn đi làm. Nếu giỏi khuyến khích tinh thần hy sinh của nhân viên, anh không tốn tiền mà vẫn được nhiều giá trị thặng dư. Kỹ xảo của trò này là: anh không nên kêu gọi “làm thêm giờ miễn phí” mà nên tán dương “lòng say nghề ” Loại cà rốt thứ mười: Tạo môi trường cạnh tranh cho nhân viên
Nếu tạo môi trường cạnh tranh cho nhân viên, họ sẽ đua nhau yêu nghề, “cà rốt” của anh sẽ tạo một hiệu ứng đô- mi- nô. Mỗi nhân viên đều là một quân bài đó đô- mi- nô, anh cần sắp họ đúng vị trí. Sau đó, mỗi nhân viên sẽ là một tấm gương, mà tác dụng của mỗi tấm gương sẽ rất lớn.
Lưu Bị vừa nghe vừa ghi lại, trầm trồ không ngớt:
– Mi Trúc, mười loại cà rốt không tốn tiền của anh đúng là mười đòn thần công khiến người ta hoa mặt chóng mày.

4. Dùng trò chơi cà rốt để kích thích tinh thần công ty

Lưu Bị hấp thu “dinh dưỡng cà rốt” rất nhanh, đồng thời gạn đục khơi trong, lập ra trò chơi cà rốt siêu cấp, không tốn kém mà khiến công việc trở nên thú vị, tinh thần nhân viên nâng cao. Trò chơi được tiến hành như sau: Bước thứ nhất: Theo từng thứ bậc mà đưa ra các loại cà rốt. Bước thứ hai: Khi một nhân viên làm việc tốt, được đồng nghiệp và cấp trên nêu tên, anh ta sẽ được một số điểm danh dự.

Bước thứ ba: Khi cộng đủ số điểm danh dự, nhân viên có thể yêu cầu đổi hoặc là tiền, hoặc đồ vật, như đồ dùng gia đình hay một chuyến du lịch. Nhân viên đó cũng có thể tiếp tục tích lũy để đổi lấy phần thưởng to hơn. Lưu Bị nói:
– Trò chơi này nghe qua rất cũ, tích luỹ điểm thưởng để lấy đồ khuyến mãi thì đâu đâu cũng thấy. Song, cùng một tư duy mà vận dụng vào thực tế khác nhau sẽ cho hiệu quả khác nhau. Tôi tin rằng nhân viên nhất định thích trò chơi này. Họ thường thích món lợi bất ngờ. Khi nhận phần thưởng, họ sẽ có cảm giác chiến thắng.

– Dùng trò đó trong quản lý, có thể nói Lưu Bị là người đầu tiên – Mi Trúc xuýt xoa khen ngợi rồi bổ sung: – Điều hay nhất của trò chơi này là nhân viên có thể tuỳ theo loại cà rốt mình cần mà tích luỹ điểm số, sức hấp dẫn của cà rốt vì thế mà tương ứng với hiệu quả công việc. Nhân viên tất sẽ thấy nỗ lực của mình được khẳng định và khen ngợi. Khi nhận thưởng, họ sẽ cảm thấy đặc biệt vinh dự và sung sướng.
Quả nhiên chính sách mới vừa đề ra đã hấp dẫn sự chú ý của nhân viên. Không khí công ty sôi động như ngày lễ, nhân viên phấn khởi đua nhau giành điểm số.
Chẳng bao lâu, 99% số nhân viên đã giành được điểm vinh dự, 12% trong đó đổi điểm lấy sản phẩm, ví như Quan Vũ dùng điểm để trang hoàng lại toàn bộ phòng làm việc; Trương Phi đổi điểm lấy một chuyến du lịch do công ty tài trợ.
Lợi nhuận của công ty cũng không ngừng tăng, Lưu Bị trích từ đó ra một phần nhỏ để làm “cà rốt phí”. Trận đầu đã thắng, Lưu Bị thật sự có cảm giác của một giám đốc, lòng tự tin lại tăng thêm gấp bội.
Có người trách Lưu Bị: “anh đúng là làm ơn làm phúc thì ít mà giả nhân giả nghĩa thì nhiều. Suốt ngày chỉ chơi trò cây gậy và củ cà rốt, không sợ sau này xuống địa ngục sao? ”
Lưu Bị mặt mày thơ thới đáp: “Đúng là làm ơn làm phúc thì ít, nhưng giả nhân giả nghĩa thì chưa chắc. Mà này, anh nói tôi chơi trò cây gậy và củ cà rốt, anh thì có khác gì! ”
Người kia chất vấn: “Lấy gì mà bảo tôi chơi trò cây gậy và củ cà rốt? ” Lưu Bị nhắc nhở: “Anh chẳng vừa nói tới “địa ngục” sao? Cái gọi là “thiên đường” chính là một loại cà rốt; cái

gọi là “địa ngục” chính là một loại gậy! ”

LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ

“Thái Công binh pháp” viết: “Cốt yếu dùng binh là tôn lễ và thưởng hậu. Tôn lễ thì người có trí sẽ tới, thưởng hậu thì người có nghĩa sẽ tận lòng… Vì thế, người có lễ quy thuận, người được nhận thưởng tranh nhau hy sinh. Còn thưởng thì lính còn hy sinh.” Lễ và thưởng chính là hai loại cà rốt khác nhau.

Làm người lãnh đạo công ty hay một bộ phận, bạn phải dùng chí tiến thủ của nhân viên để thực hiện mục tiêu kinh doanh. Nếu không khích lệ, tinh thần nhân viên sẽ sa sút, mục tiêu của bạn cũng tan tành. Vì thế, trong một nền văn hoá công ty coi con người là nền tảng thì cà rốt hiện hữu ở khắp mọi nơi.
Chính sách cà rốt “xưa đã có, nay càng thịnh”, bạn cũng cần một số loại cà rốt, kể cả cà rốt không tốn tiền, để xây dựng văn hoá công ty.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.