Tam @ Quốc
Chương 15 : DŨNG KHÍ CỦA NHÀ QUẢN LÝ
Chương 15 : DŨNG KHÍ CỦA NHÀ QUẢN LÝ
1. Phụ nữ xấu như tách trà
Lại nói chuyện Gia Cát Lượng “đàm thê luận ái”, tự cho là “Trong mắt kẻ si tình hiện Tây Thi” là có ý tôn trọng vợ. Thực tế ra sao? Bùi Tùng trong “Tam Quốc chí – Gia Cát Lượng truyện” có chú giải: “Đừng bắt chước Khổng Minh chọn vợ, chỉ lấy được con gái xấu của A Thừa”.
A Thừa, chỉ danh sĩ đất Kinh Châu Hoàng Thừa Ngạn. A Nữu là con gái Hoàng Thừa Ngạn, tuy xấu xí nhưng là tài nữ. A Nữu thích sáng tác, cũng có viết về quản lý học. Đọc những áng văn ưu nhã của A Nữu, nhiều vị trong giới công thương đem lòng hâm mộ không dứt, cứ nghĩ A Nữu là một học giả xinh đẹp. Song gặp mặt cô, tất cả đều “chạy mất dép”, nói: “Nhìn một cái, hối ba ngày”.
Điều làm A Nữu có phần bất ngờ là có một chàng tên Gia Cát Lượng đem lòng yêu cô, cả hai sánh bước vào quãng đời lãng mạn. Người ta thường thấy hai người dắt tay tản bộ trên bãi cỏ mượt ở khu công nghiệp Ngọa Long. Nên biết, Gia Cát Lượng là một chàng đẹp trai có tiếng, “thân cao tám thước, dung mạo tuyệt vời”. Rất nhiều cô gái đẹp thầm yêu Gia Cát Lượng, vì sao chàng lại thân mật với A Nữu như vậy? Những kẻ hiếu sự tìm ra nguyên nhân rất nhanh: Thứ nhất, bố A Nữu chính là thầy Gia Cát Lượng, và A Nữu với Gia Cát Lượng nhanh chóng trở thành tình yêu “con thầy” điển hình; thứ hai, Gia Cát Lượng vừa lấy A Nữu và họ đang trong tuần trăng mật.
Người ta nghi ngờ và lẩm bẩm: Làm sao chàng trai đẹp lại lấy cô gái xấu như vậy, thật là cuộc hôn nhân kỳ quái! Các cô xóm giềng hỏi A Nữu, A Nữu đáp:
– Các chị đừng đoán mò làm gì! Để em nói luôn, không phải Gia Cát Lượng không thấy tóc em nhuộm vàng, mặt có nốt ruồi, cũng không phải thẩm mỹ của chàng có vấn đề, mà chính vì chàng biết vượt qua hình thức để thưởng thức vẻ đẹp nội tâm. Cũng vì điều đó em mới lấy chàng. Em tìm thấy một tình yêu siêu phàm, thoát tục từ Gia Cát Lượng.
Các cô hàng xóm càng ngạc nhiên:
– Cô làm thế nào để bỏ bùa Gia Cát Lượng?
A Nữu cười chúm chím:
– Các chị cứ hỏi chàng đi!
Các cô lại đi hỏi Gia Cát Lượng, Gia Cát Lượng trả lời:
– Thật sự, trong mắt trong tim tôi, A Nữu còn đáng yêu hơn nhiều cô gái đẹp khác.
– Sao có thể thế nhỉ? Các cô hàng xóm quyết tâm muốn hiểu rõ ngọn ngành.
– Các chị muốn đáp án phải không?
Gia Cát Lượng lấy từ trong thư phòng ra cuốn tạp chí “Bạn gái Tam quốc”, nói:
– Câu trả lời ở trong này.
Các cô hàng xóm tra mục lục tạp chí, thấy có bài tản văn của Gia Cát Lượng, đầu đề là “Phụ nữ xấu như tách trà”. Giở vào trong, bài tản văn điển nhã và tình tứ của Gia Cát Lượng viết rằng:
Phụ nữ xấu như tách trà
Phụ nữ xấu như tách trà. Ngồi trong sân vắng vẻ, tách trà như tâm tình của cô gái. Xuân qua thu lại, thế sự như mây. Người đời hay nói: rượu, thuốc lá, trà là ba báu vật của đàn ông. Tài nữ như thuốc lá, mỹ nữ như rượu nồng, còn phụ nữ xấu chỉ lặng lẽ như trà tỏa hương. So với hương trà man mác, vô luận khói thuốc đắng cay hay men rượu nồng nàn, đều thành dung tục. Song người đời lại say mê sự kích thích của rượu và thuốc lá, ít ai thư thái để tận hưởng vị thanh khiết của trà.
Đúng vậy, phụ nữ xấu không lồ lộ vẻ đẹp trời ban, song tâm hồn họ thanh tao như hương trà.
Xa lánh thế gian huyên náo mới có thể giữ được sự thuần khiết của tâm hồn, mới có thể hiểu nhã thú của đời người. Phụ nữ xấu, bất kể đi làm hay ở nhà, việc gì họ làm cũng chỉn chu. Phụ nữ xấu lương thiện, biết hy sinh, không cầu báo đáp, không tranh giành, hệt như hương trà u mặc thời ẩn thời hiện.
Song, trong khi người đời tán dương tài nữ, xum xoe mỹ nữ thì họ lại đối xử với phụ nữ xấu thật bất công. Phụ nữ xấu chan chứa thương yêu mà không một ai nhớ họ, nhưng họ cũng không để ý mà chỉ rút vào im lặng. Trong khi những người đẹp làm bao chuyện ầm ĩ, phụ nữ xấu vẫn thản nhiên giữ gìn mỹ đức. Có một điều an ủi, nhiều người đẹp khi trút lớp phấn son ra, họ xấu hổ không còn đứng trước phụ nữ xấu.
Phụ nữ xấu yêu ai, người đó sẽ là người tình trong mộng. Họ khiêm nhường, khiêm nhường như tách trà. Một làn gió nhẹ thổi qua, mặt tách trà gợn sóng, chờ đợi người tới thường thức. Mà người thưởng trà sẽ có được một đời hạnh phúc.
Các cô hàng xóm xem xong, xuýt xoa:
– Gia Cát Lượng ôi là Gia Cát Lượng, cậu đúng là biết nịnh vợ. Bọn tôi thật hồ đồ, không biết cô ta lấy cậu là có phúc hay cậu lấy cô ta là có phúc đây?
Gia Cát Lượng và A Nữu lặng lẽ nhìn nhau, cùng mỉm cười.
2. Tình yêu trên hết
Hai vợ chồng chìm đắm trong tình yêu, không hề nghĩ sẽ có ngày chia loan rẽ thúy.
Sau bữa cơm chiều, hai vợ chồng lên núi ngắm cảnh, Gia Cát Lượng bỗng nhiên ngập ngừng nói với A Nữu:
– Mình này, tôi có việc cần bàn! A Nữu cười hỏi:
– Việc gì vậy? Mình nói đi? Gia Cát Lượng nói:
– Ông chủ Lưu Bị của công ty Hoàng Tộc mời tôi xuống núi làm cố vấn.
A Nữu hoảng hốt, hỏi:
– Vậy mình có phải xa nhà không?
– Phải! – Gia Cát Lượng nói: – Nam nhi chí tại bốn phương, sao lại quyến luyến sân vườn?
A Nữu trách:
– Chí mình tại bốn phương, còn tôi biết làm gì?
Gia Cát Lượng nói:
– Thực tình, tôi không rời mình được. Nhưng nếu là tình son sắt thì đâu cứ phải sớm sớm chiều chiều bên nhau.
A Nữu nói:
– Mình đừng nói kiểu đó với tôi. Gia Cát Lượng nói:
– Mình có thể không nghe tôi, nhưng không thể không nghe lời Khổng Tử!
A Nữu hỏi:
– Khổng Tử nói thế nào?
Gia Cát Lượng làm bộ nghiêm túc đáp:
– Khổng Tử nói có rất nhiều kiểu tình yêu. Kiểu thông thường là hai người sống chung, kề vai áp má, gọi là “Yêu rồi thực hành, còn nói gì được nữa?”.
A Nữu nói:
– Khổng Tử nói thế, mình càng không nên đi.
Gia Cát Lượng vội nói tiếp:
– Nhưng Khổng Tử nói còn một kiểu tình yêu khác nữa, đó là hai người sống xa nhau, thỉnh thoảng mới gặp mặt, tình yêu vẫn nồng thắm, đó là “Có người yêu từ phương xa tới, chẳng vui sao?”.
A Nữu nguýt Gia Cát Lượng một cái:
– Còn kiểu nào nữa? Gia Cát Lượng nói:
– Vẫn còn đấy, đó là “Ta cầu mong cho người ta yêu hạnh phúc, bất kể chàng có biết hay không, ta cũng không oán trách, không hối hận”, đó là “Người không biết, không gặp mặt, chẳng vẫn là người tình sao? ”
A Nữu bật cười:
– Mình nhại chương thứ nhất “Luận ngữ” khéo lắm!
Gia Cát Lượng làm bộ mừng rỡ:
– Nói vậy là mình đồng ý phải không?
A Nữu nhìn ra xa xăm, sau một hồi do dự thì khẽ nói:
– Để tôi nghĩ thêm nhé!
3. Dùng thuật lái xe quản lý ông chủ
Sớm hôm sau, A Nữu làm bữa sáng, gọi Gia Cát Lượng dậy. Vừa nhìn chồng ăn, cô vừa lau nước mắt, nói:
– Tôi đã suy nghĩ cả đêm qua, mình đã muốn đi, tôi cũng không cản. Mình cũng phải theo đuổi mục đích của mình, nhưng chỉ xin mình hãy nhớ tám chữ: “Quản tốt ông chủ, mở rộng cơ nghiệp”.
Gia Cát Lượng sửng sốt:
– Quản tốt ông chủ? Mình có nhầm không?
A Nữu nói:
– Tôi không nhầm đâu. Mình chẳng muốn làm nên sự nghiệp hay sao? Mình không quản ông chủ, để ông chủ lầm lẫn, ai sẽ còn phụ trách sự nghiệp của mình nữa?
Gia Cát Lượng vẫn cảm thấy mơ hồ, nói:
– Đúng vậy, ai cũng phải chịu trách nhiệm về tương lai sự nghiệp của mình. Song, một nhân viên đi quản lý ông chủ nghe ra không hợp lý lắm?
– Xem ra mình không muốn hiểu vấn đề. – A Nữu đẩy bát trứng đánh bông về phía Gia Cát Lượng, nói tiếp: – Trước tiên chúng ta phải hiểu nguồn gốc vấn đề, bắt đầu tư khoa học quản lý của Taylor.
Mình nói đi, cống hiến của Taylor đối với khoa học quản lý là gì?
Gia Cát Lượng nói:
– Điều này ai cũng biết. Ông ta đề ra khoa học quản lý và tiêu chuẩn hóa công việc. Bất kể từ cách thức thao tác, công cụ lao động, thời gian lao động, môi trường sản xuất cho tới nguồn lực con người, tất cả đều có thể thống kê, phân tích bằng khoa học, từ đó sắp xếp công việc hợp lý để nâng cao năng suất lao động.
A Nữu cười tinh quái:
– Như vậy, nhân viên vì mục tiêu công ty mà quản lý như ông chủ thì sai ở chỗ nào?
Gia Cát Lượng lắc đầu, nói:
– Tôi cũng không biết sai ở chỗ nào, nhưng tôi cảm thấy nhân viên quản lý ông chủ là không thích hợp.
A Nữu nói:
– Mình thấy tôi quản lý mình có hợp không?
Gia Cát Lượng nhìn vợ, nói:
– Mình định nói câu mà các bà vợ hay nói: “lái xe dẫn lối ông chủ” phải không? Không một ông chồng nào muốn bị chê cười vì bị vợ quản chặt. Song gia đình có hạnh phúc hay không, rốt cuộc
cũng chỉ “mình biết mình hay”. Có vợ ngoài tạo thể diện cho chồng, trong giữ gìn êm ấm, thì có ông chồng nào không muốn bị quản lý? Chồng vui sướng trong lòng, vợ lại nắm thực quyền quản lý, hai bên vui vẻ cả.
A Nữu gật đầu, nói:
– Kỳ thực, quan hệ giữa nhân viên và ông chủ cũng giống quan hệ vợ chồng!
Gia Cát Lượng ngẫm nghĩ mãi rồi nói:
– Cũng từng có người so sánh như mình. Có người còn đem quan hệ vua – tôi, chủ – tớ, vợ cả – vợ bé so sánh với quan hệ cấp trên – cấp dưới. Một cậu nhân viên mới đi làm, vì không biết ông chủ đánh giá mình thế nào nên cứ thăm dò ý tứ của thư ký ông chủ. Đồng nghiệp bèn viết một bài thơ trêu chàng ta:
Cô dâu mới xuống bếp
Nấu tô canh đầu tiên
Chẳng hay mẹ chồng thích?
Nhờ chồng nếm trước tiên.
A Nữu nói:
– Đã có ví dụ như vậy, nhân viên và ông chủ nên thành lập quan hệ thế nào cho hợp lý đây?
Gia Cát Lượng ngập ngừng:
– Ví dụ là ví dụ, tôi vẫn thấy không thỏa đáng.
A Nữu cười:
– Tôi hiểu vấn đề nằm ở đâu rồi. Trong một thời gian dài, người ta nhấn mạnh vị trí chủ đạo và sự quản lý đơn phương của ông chủ, cho rằng nhân viên chỉ có thể chịu sự quản lý một cách thụ động. Trong công ty, nếu nhân viên làm sai, người ta sẽ yêu cầu công ty xử lý. Thế nhưng, nếu ông chủ làm sai, nhân viên sẽ phản ứng rất tiêu cực, hoặc im lặng, hoặc bỏ đi. Nó giống thái độ của một số chị em “lấy gà theo gà, lấy chó theo chó “; chồng họ lầm lẫn, thậm chí gây họa thì họ hoặc cam chịu, hoặc ly dị.
Gia Cát Lượng cười khổ sở:
– Hình tượng hay lắm, nhưng mình bảo họ phải làm thế nào?
A Nữu nói:
– Họ phải ý thức rằng, nghĩ tiêu cực đó là sự vô trách nhiệm rất lớn, họ đã không có trách nhiệm với bản thân, lại cũng không có trách nhiệm với ông chủ, họ giống như những bà vợ không cách gì làm chủ được vận mệnh và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Một nhân viên muốn công ty ổn định và phát triển phải học cách quản lý ông chủ, cũng như người vợ đảm đang phải học cách quản lý chồng.
Gia Cát Lượng ngẫm nghĩ mãi, vẫn thấy không thỏa đáng:
– So sánh của mình vẫn không thích hợp. Ông chủ có quyền sở hữu tài sản công ty, không như vợ chồng cùng sở hữu gia sản, nhân viên không thể cùng hưởng tài sản công ty như ông chủ.
A Nữu nói:
– Ông chủ sở hữu tài sản công ty cũng giống như đàn ông đi công chứng tài sản gia đình trước hôn nhân. Cũng giống vợ chồng cùng hưởng tài sản gia đình, ông chủ và nhân viên cũng cùng hưởng tài sản công ty.
Gia Cát Lượng phản đối:
– Vợ ly hôn có thể đòi tòa án chia gia sản, nhân viên bỏ việc làm sao đòi chi tài sản công ty được.
A Nữu nói:
– Hiện giờ phổ biến cái gọi là “hợp đồng hôn nhân”, công ty và nhân viên ký hợp đồng lao động cũng vậy. Ngoài ra còn có cổ phần ưu đãi, lợi nhuận cùng chia cho nhân viên. Người vợ lúc ly hôn có thể căn cứ theo hợp đồng để đòi chia tài sản, nhân viên cũng có thể theo các điều khoản hợp đồng lao động mà đòi lợi ích tương ứng. Ngoài ra, luật pháp quy định công ty phải đóng bảo hiểm cho nhân viên, nó cũng như trong gia đình, người làm ra tiền phải nuôi những thành viên khác.
4. Vì sao cần quản lý ông chủ?
Gia Cát Lượng muốn tranh luận tiếp. A Nữu đã rơm rớm nước mắt:
– Mình còn không uống trứng đánh bông đi! Uống đi, rồi tôi cho mình xem một bản luận văn. Mình vẫn không hiểu vì sao phải quản lý ông chủ, đúng không? Bản luận văn này tôi soạn mất cả đêm. Mình tự xem đi!
Gia Cát Lượng uống sạch cốc trứng đánh bông, đón lấy bản luận văn của A Nữu. Đầu đề bản luận văn là “Vì sao cần quản lý ông chủ”. Bản luận viết:
Nhiều người đã hiểu ra rằng, công ty thực ra là tổ chức công cộng có sự sở hữu của nhân viên mà không chỉ là tài sản riêng của ông chủ hay các cổ đông. Tuy nhiên, dường như không nhiều nhân viên ý thức được quản lý ông chủ cần thiết như thế nào, đáng buồn hơn, rất ít người tin rằng mình làm được điều đó. Vì thế, họ cảm thấy khổ sở, bất lực. Cũng vì thế, trước sự chuyên quyền của ông chủ (hoặc cấp trên), việc cải cách cách thức tuân lệnh mù quáng của nhân viên (hoặc cấp dưới) là tất yếu.
“Quản lý ông chủ”, thoạt nghe có vẻ hỗn hào, song ý tứ của nó là nhấn mạnh sự dũng cảm, sức chịu đựng, tác phong, tinh thần trách nhiệm, hành vi tích cực của nhân viên hay cấp dưới. Điều đó mang lại cho nhân viên hay cấp dưới một ý nghĩa, một vai trò mới, không phân biệt sự quan trọng hay không quan trọng giữa ông chủ và nhân viên, giữa cấp trên và cấp dưới. Logic của vấn đề là: nếu không có nhân viên đầy năng lực, lãnh đạo không thể phát huy tốt quyền lực của mình.
Một điều hay bị mọi người xem nhẹ: Nếu chung quanh ông chủ hay nhà quản lý toàn là những người không thể chia sẻ quyền lực, họ sẽ chịu một sức ép rất lớn (nếu không rơi vào hoàn cảnh của họ, người ngoài khó hình dung được). Vì thế, họ tự trang bị một tình cảm được gọi tên trong triết học là: “cái tôi kiên cường”. Tuy nhiên, nếu thiếu bản tính lương thiện và cấp dưới tốt, “cái tôi kiên cường” sẽ thành “cái tôi cố chấp”, tạo ra độc tài chuyên chế, gây tổn hại nghiêm trọng đến tính tương hỗ tập thể.
Nhìn từ góc độ nhân viên, do kinh tế thị trường ngày càng phát triển, các công ty không ngừng thay đổi, sự đảm bảo cho việc làm suốt đời không còn, ngay cơ chế lương hưu cũng biến động, ông chủ không còn như bậc cha mẹ chăm sóc nhân viên nữa. Nhân viên bắt buộc phải tự lo bản thân, đồng thời tương trợ lẫn nhau. Chồng và vợ cùng chia sẻ và phấn đấu vì hạnh phúc; nhân viên và ông chủ, cấp trên và cấp dưới cũng cần tổ chức thành một chính thể phấn đấu vì mục tiêu chung. Do xã hội yêu cầu về nghề nghiệp ngày một cao, nhân viên cũng cần thay đổi, từ những người nhu nhược, phục tùng, không cách gì thể hiện mình, trở thành những người biết thiết lập mối quan hệ tương tác trên – dưới, tự phụ trách và hỗ trợ, hợp tác.
Với một người chồng, có vợ đảm là hạnh phúc. Cũng như vậy, nhân viên giỏi giang cần giỏi quản lý ông chủ, không chỉ vì lợi ích nhân viên mà còn có lợi ích cho cả ông chủ. Bởi vì, rốt cuộc chúng ta đều sống trong một “nhà”.
A Nữu nói:
– Mình xem hết chưa? Ý tứ của tôi rất rõ ràng, nếu mình không thể quản lý ông chủ một cách hiệu quả thì đừng xuống núi. Nhân viên thất bại cũng đáng thương như người vợ thất bại.
Gia Cát Lượng cười khổ sở, nói:
– Lời mình làm tôi sáng mắt, sáng lòng, song thực hiện có dễ đâu!
A Nữu nói:
– Về thực hiện, nên nhìn cả hai góc độ, một mặt là nên làm những gì, mặt kia là không nên làm những gì.
* Nên làm những gì?
A Nữu nói:
– Một nhân viên chân chính nên làm những gì? Tôi cho rằng đầu tiên là hiểu rõ quyền của mình, sau đó là sử dụng thật tốt quyền đó như thế nào. Do tính chất dây chuyền trong một công ty, quyền thực tế của một nhân viên thường lớn hơn họ hình dung rất nhiều. Song, có thể vì mơ hồ, có thể vì sợ hãi, nhiều nhân viên đã vứt bỏ quyền của mình.
Gia Cát Lượng nói:
– Điều đó tôi hiểu, trách nhiệm liên quan đến quyền lợi, càng có nhiều quyền, càng phải gánh vác nhiều trách nhiệm.
A Nữu mỉm cười:
– Ý của mình có thể phát biểu như thế này: Nếu một người hiểu rõ trách nhiệm bản thân thì cũng phải nắm chắc quyền của bản thân. Đối với nhân viên, phấn đấu vì “hiệu quả vượt bậc” chính là tự gánh vác trách nhiệm. Tôi nói có đúng không?
Gia Cát Lượng khẽ gật đầu.
– Vì sao lại gọi là “hiệu quả vượt bậc”? – A Nữu giải thích: – Là thông qua sự hợp tác lành mạnh giữa nhân viên và ông chủ, nhân viên sẽ trưởng thành và công ty được phát triển. Nhân viên cần hiểu, khiến ông chủ làm việc hiệu quả để thực hiện mục tiêu chung là một trong những trọng trách của bản thân. Đó chính là quản lý ông chủ.
Gia Cát Lượng cười:
– Chẳng hóa ông chủ với nhân viên lộn tùng phèo?
A Nữu nói:
– Không phải vậy, ông chủ có giá trị của ông chủ. Nhân viên cần hiểu giá trị của ông chủ, trân trọng cống hiến của ông chủ cho công ty. Nhân viên cũng cần hiểu những gì tổn hại đến tinh thần sáng tạo, hài hước và sự quyết tâm của ông chủ. Nhân viên cần tự hỏi bản thân: “Ta nên làm gì? Ta làm gì để giúp ông chủ khỏi tác động tiêu cực và tạo ra môi trường thuận lợi cho ông chủ?”. Một khi loại bỏ tác động tiêu cực, ông chủ sẽ dành nhiều sức lực để cùng nhân viên đi tới thành công.
Gia Cát Lượng lại gật đầu. A Nữu nói tiếp:
– Thêm nữa, nhân viên cần đối mặt với tác động của quyền lực đối với ông chủ. Một câu danh ngôn nói: “Quyền lực khiến người ta hủ bại, quyền lực tuyệt đối tạo ra hủ bại tuyệt đối”. Nhân viên cần học cách đương đầu với “quyền lực đen”, đó chính là trách nhiệm với bản thân và tương lai công ty.
* Không nên làm gì?
A Nữu nói:
– Một nhân viên “chuẩn” phải tuân thủ nghiêm ngặt “luật chơi” của công ty. Tôi cho rằng có ba điều nhân viên cần tuân thủ chặt chẽ: Thứ nhất, tuyệt đối trung thành với công ty, cho đến khi rời bỏ…
Gia Cát Lượng nói:
– Đó là đạo đức chức nghiệp, đương nhiên phải tuân thủ.
A Nữu nói:
– Thứ hai, tuyệt đối không được làm ông chủ bất ngờ…
Gia Cát Lượng hỏi:
– Khiến người ta vui bất ngờ có được không?
A Nữu nói:
– Tất nhiên không được. Bởi tiền đề để quản lý ông chủ thành công là có được sự tín nhiệm của ông chủ. Bất kỳ hành động gì gây mất tín nhiệm đều nguy hiểm.
Gia Cát Lượng không chịu, hỏi lại:
– Sao trong quan hệ vợ chồng, bất ngờ lại chấp nhận được?
A Nữu nói:
– Trên thực tế, trong một gia đình đa thê, không một bà vợ nào dám gây bất ngờ cho chồng. Trong công ty, ông chủ cũng như một ông chồng có nhiều thê thiếp.
Gia Cát Lượng cười ranh mãnh:
– Hóa ra công ty là đại gia đình phong kiến.
A Nữu nói:
– Thứ ba, tuyệt đối không được coi thường ông chủ.
Gia Cát Lượng nói:
– Ai bị coi thường cũng phát cáu, đương nhiên ông chủ cũng thế rồi.
A Nữu nói:
– Ông chủ không cùng nhóm với nhân viên. Để đảm bảo quyền uy quản lý, ông chủ quyết không tha cho nhân viên nào xúc phạm mình, vì thế có câu “gần vua như gần hổ”. Với lẽ đó, không nên vì thấy ông chủ thiếu tư chất mà xem thường. Cách ứng xử thông minh là: tâng bốc ông chủ (hoặc người khác) miễn sao chẳng có hại gì.
5. Làm cấp dưới dũng cảm
Gia Cát Lượng xoa đầu, nói:
– Theo lời mình, quản lý ông chủ như đi trên dây, không chỉ cần kỹ thuật, mà phải bạo gan hơn người. Gặp ông chủ biết nghĩ thì không sao; chẳng may gặp ông chủ đồng bóng hay tư cách hủ bại thì quản lý thế nào? Làm sao ngăn chặn quyền lực đen? Toàn lời suông!
A Nữu cười:
– Mình nói rất đúng, vấn đề nhân viên quản lý ông chủ chỉ có hai lựa chọn: hoặc là trốn tránh vấn đề, hoặc là đương đầu với vấn đề.
Gia Cát Lượng vẫn không chịu:
– Song, mình biết không, trong rất nhiều trường hợp, dũng khí chỉ chuốc hiểm nguy!
A Nữu nói:
– Mình lại nói đúng, dũng khí kéo theo nguy hiểm, và nếu không có nguy hiểm thì dũng khí cũng không cần. Song mình cần hiểu: Im lặng là giải pháp an toàn, song nó sẽ tổn hại cả nhân viên và ông chủ. Trên thực tế, dũng khí là trọng lực để cân bằng cán cân quyền lực.
Gia Cát Lượng hỏi lại:
– Lẽ nào mình không sợ chọc giận ông chủ, làm hỏng hết việc?
A Nữu không nhịn nổi, cười to rồi nói:
– Thì ra đây là vấn đề chính khiến mình lo lắng nhất. Kỳ thực, vấn đề mình muốn lý giải là làm cấp dưới dũng cảm như thế nào, đúng không?
Gia Cát Lượng gật đầu.
A Nữu đột nhiên thương thân thở dài, rồi nói:
– Về bí mật của dũng cảm, cha tôi, mà cũng là nhạc phụ của mình, đã nghiên cứu rất kỹ. Tôi sinh ra đã xấu xí, nếu không có lòng dũng cảm cha trao thì không biết sống sao. Thế nhưng, từ khi lấy mình, ông chủ tôi, mình có vừa lòng về tôi không?
Gia Cát Lượng nhìn vợ, nói thận trọng:
– Mình đâu phải là nhân viên, mình là ngọn đèn chỉ đường.
A Nữu nói:
– Một người phụ nữ xấu xí như tôi chỉ mong làm tròn chức phận gia đình, sao dám làm ngọn đèn chỉ đường, huống hồ chỉ đường cho người như mình? Trước khi xuất hành, mình nên từ biệt ông cụ, nhân đó thỉnh giáo một đôi điều.
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
Trong công việc, nhân viên nào cũng biết sự sai lầm của cấp trên sẽ dẫn tới tiêu cực, song họ chỉ giương mắt nhìn sự nghiệp chung đổ vỡ. Họ cảm thấy bất lực, chỉ ra sai lầm của lãnh đạo thường kéo theo nguy hiểm, và rất ít người có dũng khí đó.
Thế nhưng, làm ông chủ là phải chịu tầng tầng sức ép, từ đáy lòng họ khát vọng có cấp dưới đầy năng lực giúp đỡ. Nếu không, ông chủ sẽ trở nên nhu nhược, hay trở thành kẻ chuyên chế, ra quyết sách ngày càng thiếu chính xác. Trong lịch sử Trung Quốc, đến anh minh như vua Đường Thái Tôn còn cần đại hiền thần Ngụy Trưng huống hồ là những vị quản lý công ty đời nay.
Quản lý ông chủ, kỳ thực là giúp ông chủ bằng tất cả quyền hạn trong ta, đó là sự tương trợ tích cực rất cần thiết cho hợp tác tập thể.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.