Thế Giới Như Tôi Thấy

Các khóa đào tạo ở Davos



Mùa thu năm 1927, Giáo sư Gottfried Salomon đưa ra kế hoạch tổ chức hàng năm một hội nghị quốc tế dành cho các học giả và học viên tại Davos (Thụy Sĩ), nhằm đóng góp thiết thực cho sự hòa hợp giữa các dân tộc. Hội nghị đầu tiên diễn ra từ 18.3. đến 14.4.1928, quy tụ 49 diễn giả từ bốn nước và 250 thính giả.

Hội nghị thứ hai và thứ ba vào các năm 1929 và 1930 diễn ra dưới sự chủ trì của Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ. Nhưng sau đó, dưới áp lực của các xu hướng dân tộc cực đoan, các hội nghị tiếp theo đã không được tổ chức. Bài phát biểu của Einstein dưới đây được tác giả đọc tại Lễ khai mạc Hội nghị, ngày 18.3.1928 tại Davos.

Senators boni viri, senatus autem bestia. Một người bạn của tôi vốn là một giáo sư ở Thụy Sĩ đã viết những lời nóng nảy như vậy gửi tới một khoa của trường đại học (khoa này đã chọc giận ông ta). Nói chung, tập thể thường kém hơn cá nhân về ý thức tránh nhiệm cũng như lương tri. Thực tế đó đã gây cho nhân loại biết bao khổ đau: chiến tranh và đàn áp dưới mọi hình thức đã khiến Trái Đất chìm ngập trong đau đớn, khóc than và oán hận!

Song, chỉ nhờ vào sự tác động tập thể không mang tính cá nhân của rất nhiều người, một cái gì đó thực sự chân quý mới có thể được tạo dựng. Vì thế, niềm vui lớn nhất với kẻ yêu mến con người là được thấy một công cuộc tập thể được thành hình và gây dựng với bao hy sinh lớn lao với mục đích duy nhất là góp phần thúc đẩy đời sống và văn hóa.

Tôi đã được hưởng niềm vui trong lành đó khi nghe kể về các khóa đào tạo đại học ở Davos. Đó là một công trình cứu trợ được tổ chức thông minh với những hạn định sáng suốt dựa trên một nhu cầu cấp thiết, dù không phải ai cũng dễ nhận ra điều đó. Lâu nay, có những người trẻ tuổi tìm đến thung lũng này vì hy vọng vào khả năng chữa bệnh của mặt trời vùng núi, và sức khỏe của họ được phục hồi. Nhưng sau thời gian dài thoát ly khỏi lao động trui rèn ý chí thường nhật và mải mê bận tâm về thể trạng, thì sự dẻo dai về tinh thần và ý thức về việc cuộc đấu tranh vì cuộc sống cũng có giá trị không thua kém sức khỏe thể chất cũng dễ mất đi. Anh ta trở nên giống như cái cây trong nhà kính, sau thời hồi phục sức khỏe thể chất, khó có thể tìm về cuộc sống bình thường. Điều này đặc biệt đúng với các sinh viên trẻ. Việc gián đoạn trong hoạt động rèn luyện trí tuệ ở những năm then chốt dễ để lại một lỗ hổng mà sau này khó có thể lấp đầy được nữa.

Công việc trí tuệ, khi được thực hành điều độ, sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung, thậm chí còn gián tiếp có tác dụng tốt, tương tự như công việc cơ bắp điều độ vậy. Theo nhận thức ấy, các khóa đào tạo được thành lập ở Davos không chỉ chú trọng đến đào tạo nghiệp vụ, mà còn có mục đích kích thích hoạt động tinh thần. Vâng, nó có nhiệm vụ cung ứng lao động, đào tạo và cả vệ sinh nữa trong lĩnh vực tinh thần.

Và chúng ta đừng quên rằng, công cuộc này đã đóng góp xuất sắc vào việc khuyến khích quan hệ giữa các dân tộc khác nhau có lợi trong việc tăng cường ý thức cộng đồng của châu Âu. Tác dụng của định chế mới theo hướng ấy ắt sẽ còn thuận lợi hơn nữa khi ngay từ đầu, nó đã tỏ ra loại trừ mọi ý đồ chính trị. Người ta đóng góp được nhiều nhất cho sự hòa hợp quốc tế khi họ cùng làm việc vì một công trình chung.

Từ tất cả những điểm trên, tôi vui mừng thấy rằng năng lực cũng như trí tuệ của Tổ chức các khóa đào tạo tại Davos đã làm được nhiều việc, đã vượt qua được những khó khăn ban đầu. Mong rằng nó sẽ phát triển, mang lại sự phong phú tâm hồn cho thật nhiều con người đáng quý và giải thoát cho không ít người ra khỏi cảnh phải sống trong viện điều dưỡng!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.