Thế Giới Như Tôi Thấy

Lới giới thiệu



Cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay là tập hợp những bài viết, bài nói chuyện, thư từ và tiểu luận khoa học của một trong những con người vĩ đại nhất của thế kỷ hai mươi: Albert Einstein.

Ông là một trong những thiên tài hiếm hoi, người không chỉ vô cùng xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu của mình mà còn có ảnh hưởng sâu rộng tới các lĩnh vực khác: tư tưởng, tôn giáo và chính trị.

Cuốn sách này được Einstein công bố lần đầu năm 1931 ở Đức. Năm 1955, sách được tái bản ở Mỹ, có bổ sung thêm nhiều bài viết mới. Từ đó đến nay, nó đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và trở thành một trong những cuốn sách “kinh điển” để người đọc qua đó có thể tìm hiểu về con người và cội nguồn tư tưởng của nhà khoa học.

Ấn bản mà chúng tôi chọn dịch là thuộc tủ sách Ullstein Taschenbuch của nhà Carl Seelig (Đức), 2005. Cuốn sách gồm có năm phần. Bốn phần đầu gồm các bài được sắp xếp theo bố cục gần giống với ấn bản năm 1955 ở Mỹ, song thứ tự các bài có đôi chỗ thay đổi và cũng có một số bài được bổ sung mới. Riêng phần năm, “Các tiểu luận khoa học”, là phần được bổ sung mới hoàn toàn. Trong lần ra mắt bản tiếng Việt lần này, tiếc rằng chúng tôi chưa kịp hoàn tất phần năm mà chỉ có thế giới thiệu bốn phần đầu mà thôi. Chúng tôi sẽ bổ sung phần thiếu này vào lần xuất bản sau.

Tất cả những bài viết trong sách này đều là nguyên bản của Einstein: tiểu luận, thư từ, phát biểu, bài trả lời phỏng vấn… ở nhiều dịp khác nhau, trong đó có những bài được viết rất công phu, dày dặn, nhưng cũng có những phát biểu rất ngắn hoặc đôi khi chỉ là những lời bông đùa ngẫu hứng. Nhưng dù là ngắn hay dài, công phu hay ngẫu hứng, tất cả các bài đó đều thống nhất với nhau ở một văn phong không thể nhầm lẫn, văn phong của một cây bút bậc thầy: sâu sắc nhưng luôn sáng sủa và kiệm lời, quyết liệt nhưng không bao giờ đánh mất vẻ duyên dáng và hài hước.

Vì các bài được tác giả thực hiện ở những khoảng thời gian khác nhau nên rất khó sắp xếp chúng vào chung một chủ đề. Cách lựa chọn của nhà Carl Seelig trong ấn bản mà chúng tôi chọn dịch cũng chỉ là tương đối. Tuy vậy, khi đã đọc tất cả các bài ở các phần khác nhau, chúng tôi tin rằng độc giả hoàn toàn có khả năng nhận ra được các quan điểm chính yếu của Einstein trong các lĩnh vực mà ông quan tâm, từ khoa học, tôn giáo cho tới giáo dục và chính trị. Và, dù các quan điểm đó đã được xác nhận là đúng đắn hay vẫn còn gây nghi vấn, dù chúng vẫn còn giữ nguyên tính thời sự hay đã trở nên lỗi thời, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng, chúng đã được viết ra bởi một con người đã dành cả đời mình để cống hiến cho chân lý trong khoa học, cho cái thiện và cái đẹp trong cuộc sống.

Để tỏ lòng trân trọng với một nhân vật lịch sử lỗi lạc như Albert Einstein, chúng tôi đã chuyển tải nguyên văn các quan điểm riêng của ông. Về một số vấn đề cụ thể như: các thể chế dân chủ, nghĩa vụ quân sự, tòa án trọng tài quốc tế… mong độc giả hãy đọc với tinh thần phê phán khách quan và khoa học.

Ở Việt Nam đã có nhiều cuốn sách viết về Einstein, nhưng một cuốn sách do chính tay nhà khoa học viết ra thì vẫn còn thiếu. Nhân kỷ niệm 100 năm Thuyết tương đối và 50 năm ngày mất của Albert Einstein, chúng tôi xin giới thiệu bản dịch này như một sự bù đắp vào chỗ thiếu hụt ấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.