Thế Giới Như Tôi Thấy
Nước Mỹ và hội nghị giải trừ quân bị năm 1932
Người Mỹ ngày nay đang trăn trở với bao nỗi lo lắng. Những nỗi lo ấy gắn liền với tình trạng kinh tế của nước này. Những nhà lãnh đạo có ý thức trách nhiệm tập trung chủ yếu vào việc loại bỏ nạn thất nghiệp nặng nề ở nước mình. Tình cảm gắn bó với số phận của thế giới còn lại, đặc biệt với đất mẹ châu Âu càng ít sôi động hơn so với những thời điểm bình thường.
Nhưng nền kinh tế tự do sẽ không tự động vượt qua được những khó khăn này. Cần phải có những kế sách điều tiết từ giác độ tổng thể, để tạo ra được một sự phân công lao động và một sự phân phối lành mạnh đối với các sản phẩm tiêu dùng giữa con người với nhau, vì nếu không có điều ấy, nhân dân của một nước giàu có nhất cũng sẽ bị ngạt thở. Việc cải thiện các biện pháp kỹ thuật làm suy giảm chính lao động cần thiết sản xuất hàng hóa cho tất cả mọi người, vì thế thông qua cuộc chơi tự do của các thế lực, không còn xuất hiện tình trạng, trong đó tất cả các lực lượng lao động đều được sử dụng. Một quy chế tổ chức có ý thức sẽ là cần thiết nhằm làm cho các tiến bộ về mặt kỹ thuật trở nên có hiệu quả có lợi cho tất cả mọi người.
Thiếu quy định về mặt kế hoạch, nền kinh tế không thể được đưa vào quy củ. Cũng như vậy, một quy định về mặt kế hoạch như vậy càng cần thiết hơn nhiều đối với các vấn đề chính trị quốc tế. Hiện nay chỉ còn có một số ít người còn quan niệm rằng, các hành động bạo lực dưới dạng chiến tranh là một phương tiện có lợi thế và xứng đáng với nhân loại để giải quyết các vấn đề quốc tế. Nhưng họ lại chưa kiên quyết đại diện và thực hiện một cách tích cực các kế sách này, các kế sách có khả năng tránh được các cuộc chiến tranh, tránh được những hành động dã man và vô nhân tính, những tàn dư của các thời đại man rợ. Cần phải có quan điểm thống nhất để thấy rõ và phải có dũng khí nào đó để phục vụ mục tiêu quan trọng này một cách hiệu quả và với quyết tâm cao.
Ai thực sự mong muốn dẹp bỏ chiến tranh, người đó phải quyết tâm đấu tranh sao cho quốc gia của mình khước từ một phần chủ quyền của mình có lợi cho các thiết chế quốc tế. Người đó phải sẵn sàng, trong trường hợp xung đột, buộc quốc gia mình phải tuân thủ phán quyết của Trọng tài Quốc tế. Người đó phải kiên quyết đấu tranh để tất cả các quốc gia thực hiện giải trừ quân bị, kể cả trong trường hợp xấu như được dự tính trong Hiệp ước Versailles. Không thể trông đợi tiến bộ xã hội, nếu không loại bỏ nền giáo dục toàn dân về quốc phòng và về chủ nghĩa yêu nước hiếu chiến.
Đối với các quốc gia văn minh có nhiều ảnh hưởng, không có sự kiện nào trong những năm qua lại đáng hổ thẹn hơn là thất bại của các hội nghị giải trừ quân bị trước đây; bởi vì thất bại này không chỉ là do những âm mưu thâm độc của các vị nguyên thủ quốc gia vô lương tâm và hiếu thắng, mà còn là do sự thờ ơ và sự thiếu nghị lực của con người ở tất cả các nước. Nếu điều này không khác đi, thì chúng ta sẽ tàn phá những gì thực sự quý giá mà tổ tiên chúng ta đã tạo ra được.
Tôi cho rằng, nhân dân Mỹ cũng không ý thức được đầy đủ trách nhiệm đè nặng lên vai họ trong mối quan hệ này. Ở Mỹ, người ta nghĩ như sau: “Châu Âu có thể bị suy vong, nếu nó bị hủy hoại bởi sự thiếu hòa đồng và tính thâm hiểm của dân chúng ở đây. Mầm sống của tổng thống Wilson đã đâm chồi lên một cách thảm hại trên miếng đất cằn cỗi của châu Âu. Chúng ta thì mạnh mẽ và chắc chắn, và chúng ta sẽ không vội vàng can thiệp vào những công việc khó chịu của người khác.”
Kẻ nào nghĩ như thế, kẻ đó vừa không cao thượng lại vừa không biết nhìn xa trông rộng. Nước Mỹ không phải là vô can trong nỗi khốn khó của châu Âu. Bằng việc rút lại một cách tàn nhẫn các khoản tiền cho vay, nước Mỹ đã thúc đẩy sự suy thoái về mặt kinh tế và đồng thời cả sự suy đồi về mặt đạo đức của châu Âu. Nước Mỹ đã góp phần vào việc ban căng hóa châu Âu và như vậy là đồng phạm trong sự suy đồi của đạo đức chính trị và trong việc làm gia tăng lòng hận thù được nuôi dưỡng bởi sự tuyệt vọng. Lòng hận thù ấy đã không dừng lại trước cửa ngõ nước Mỹ. Các quý vị hãy thử nhìn trước, nhìn sau mà xem!
Không cần phải nhiều lời: Hội nghị Giải trừ quân bị có nghĩa là một cơ hội cuối cùng không chỉ đối với chúng ta, mà còn đối với các quý vị, nhằm đảm bảo những gì tốt đẹp nhất mà nhân loại văn minh đã tạo ra. Những ánh mắt và hy vọng đang trông đợi ở các quý vị với tư cách là những người cường tráng và tương đối khỏe mạnh.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.