Thuật Tư Tưởng

Chương II LÝ LUẬN LÀ GÌ?



A. Định nghĩa

 

Nhân một phán đoán này mà tìm ra một phán đoán khác, đó là lý luận.

 

Có kẻ định nghĩa như vầy: Lý luận, là từ chỗ đã biết để kết luận đến chỗ chưa biết. Cách định nghĩa này không đúng với sự thật, vì nếu nhận nó là đúng, thời lý luận là phương pháp để tìm chân lý, hay phát minh sáng tạo sao?

 

Phát minh, là công việc của trí tưởng tượng hơn là của lý trí. Lý luận chỉ dùng để mà chứng giải điều mình đã tìm kiếm ra kia mà thôi. Bởi vậy, ta không thể lầm lẫn cái trách nhiệm của sự phát minh và chứng giải.

 

Lý luận mà được đầy đủ hoàn toàn, là một sự “phán đoán tổng quát” và tổ chức cách nào cho những phán đoán đi sau phải tùng những phán đoán đi trước một cách chặt chẽ khít khao. Những phán đoán trước hệt gọi là nguyên lý; phán đoán sau chót gọi là “kết luận”.

 

Người phải có lúc chết. Ông cả Hai là người, nhân đó ta kết luận: Ông cả Hai phải có lúc chết như mọi người.

 

Quả đất, có nước và không khí, cho nên có các loại động vật ở. Sao Hỏa có nước và không khí. Ta bèn nhân đó kết luận: Sao Hỏa có lẽ cũng có động vật ở.

 

Nhà lý luận, cần phải hiểu biết nhiều để định nguyên lý, và tinh thần hoạt bát để khéo kết luận.

 

B. Phân loại

 

Lý luận, có ba loại:

 

Loại suy

Diễn dịch

Quy nạp

 

Loại suy là lối luận đơn sơ hơn hết, vậy lẽ thì phải bàn đến nó trước hết, nếu mình muốn theo con đường tự nhiên của sự phát triển của trí tuệ. Nhưng vì phương tiện, ta hãy đem hai loại sau là Diễn dịch vào Qui nạp mà bàn trước:

 

1. Diễn dịch

 

Diễn dịch là gì? Là do một sự lý rộng mà suy cập đến các sự lý khác hẹp hơn để tìm một kết luận.

 

Tỷ như khi ta nói: người thời phải có khi lầm lẫn. Bởi vậy, các ông quan tòa cũng phải có khi lầm lẫn.

 

Như ta đã thấy ở chương trên, phán đoán là đem một việc hay một tư tưởng mới sắp đặt vào một khái niệm đã có biết trước. Đoán rằng: “Không khí nặng”, là đem không khí mà sắp vào loại đồ nặng mà ta biết trước. Phép luận theo diễn dịch cách thức nó cũng thế.

 

Diễn dịch là đem một trường hợp riêng mà loại vào một luật chung. Đó là lối sắp cái hẹp vào trong cái rộng hơn.

 

Như trên đây, nói rằng: “Hễ là con người thì phải có khi lầm lẫn”, đó là mình xem nó như một luật chung cho tất cả loài người. Còn nói đến “các quan tòa” đó chỉ là một trường hợp riêng trong cái luật chung ấy thôi.

 
Lối luận này, nếu đem nó ra sắp đặt lại cho ra vẻ của nó, thì phải phân ra làm ba chặng như sau đây:

 
  1. Hễ là con người, thời phải có khi lầm lẫn;
  2. Mà các quan tòa, là con người;
  3. Bởi vậy, các ông ấy cũng phải có khi lầm lẫn.
 

Nhà luận lý học gọi cách dàn xếp này là “tam đoạn luận”. Cái lý của câu số hai và số ba đã nằm sẵn trong câu số một. Câu số một gọi là nguyên lý, câu số ba gọi là kết luận.

 
Phàm câu nguyên lý mà đúng với sự thật, thì câu kết luận cũng đúng với sự thật. Nếu đó mà định sai, thì câu kết cũng trật luôn. Tỷ như, nếu ta định cái nguyên lý sai như vầy:

 
  1. Hễ là con người, thời không bao giờ chết;
  2. Ông Xoài là người;
  3. Bởi vậy, ông Xoài không bao giờ chết.[12]
 

Câu số một đã sai với sự thật rồi, thì câu kết cũng nhân đó mà sai mất.

 

Theo “tam đoạn luận” của phép diễn dịch, người ta không phải đi kiếm cái lý, vì lý đã có sẵn. Người ta chỉ “tháo” cái lý đó ra, bày nó ra cho rõ ràng mà thôi. Ăn thua cái nguyên lý của mình định kia trúng hay không mà thôi, chớ câu kết luận bao giờ cũng phải nằm ở trong nguyên lý đó, không thể thoát ra khỏi nó mà thay đổi bản chất được.

 

Theo phép của “tam đoạn luận”, thì nếu đã nhận đại tiền đề, tất nhiên cũng phải nhận kết luận, nghĩa là không được mâu thuẫn. Đã nhận cái lý này: “Hễ là con người đều phải có khi lầm lẫn”, thì không được phép không nhận câu kết luận, “phải có khi lầm lẫn”. Vì câu kết luận phải nằm trong câu đại tiền đề. Muốn luận cho đúng theo phép “tam đoạn luận” thì phải cho “nhất khí quán hạ” mới được. Cho nên có sai, là tại nguyên lý của nó đã định sai, chớ không phải luận sai. Bởi vậy, muốn tránh sự lạc lầm, phải xem xét lại cho kỹ cái mối đầu của nó (đại tiền đề).


 

Diễn dịch dùng để mà chứng minh, hoặc để mà cắt nghĩa một việc gì.

 

a) Tỉ như một ông thầy kiện muốn chứng tỏ ra rằng thân chủ của mình vô tội trong vụ sát nhân. Ông vin vào cái nguyên lý này mà luật pháp công nhận là đụng: Giết người vì tự vệ là vô tội. Đặt ra một đại tiền đề như thế mà ai ai cũng phải nhận là phải. Bấy giờ ông chỉ còn tìm những bằng cớ để tỏ rằng thân chủ của ông chỉ vì tự vệ mà giết người chớ không phải là cố sát, để làm tiểu tiền đề. Thế là xong: Ông cứ ung dung mà kết luận: “Thân chủ tôi vô tội” thì không còn ai bắt bẻ được ông nữa.

 

b) Cắt nghĩa một việc gì thì trước tìm một cái luật chung mà ai ai cũng nhận là đúng, rồi chỉ cho thấy việc ấy ở tỏng cái luật đó. Tỷ như, muốn cắt nghĩa tại sao người kia uống thuốc độc chết, ông thầy thuốc tìm ra một cái luật chung, và luận như thế này:

 

Dầu nóng là một chất độc, uống vào thì chết ngay;

Mà người này, uống phải dầu nóng;

Thế nên, người ấy phải chết.


 

Trong đời sống hàng ngày trong khi bàn cãi hay bút chiến, người ta hay dùng những phép diễn dịch làm khí giới để chiến đấu rất đắc lực. Miễn là mình làm sao cho người ta nhận cái “đại tiền đề” (nguyên lý) của mình trước đi, thì người ấy đã ở trong tay mình rồi vậy. Thường những nguyên lý mình đưa ra đó, toàn là những chân lý thông thường, ai ai cũng dễ nhận. Đã là nhận rồi, thì họ không thoát khỏi kết luận mình, vì họ phải nhận luôn nó nữa, không thế thì họ tự mâu thuẫn với họ còn gì!


 

Mạnh Tử dường như rất sành cái lối luận này lắm. Trong chương Lương Huệ Vương sách Mạnh Tử có thuật câu chuyện câu chuyện như sau này:

 

Mạnh Tử hỏi Tề Tuyên Vương: “Giả sử có người bầy tôi của nhà vua đem y phục của vợ con ký thác cho người bạn thân, nhờ trông nom giúp, để sang chơi nước Sở có việc, mà kịp đến khi về mới biết bạn mình để cho vợ con đói rách, thì người ấy nên xử với bạn thế nào?”.

 

Vua nói: “Phải tuyệt giao

 

Mạnh Tử lại hỏi: “Giả sử có người làm quan sĩ sư không hay trông nom được thuộc viên, để cho hình ngục sai lầm, công việc phế khoáng, thì nhà vua nên xử như thế nào với viên quan ấy?”.

 

Vua nói: “Nên cách chức”.

 

Mạnh Tử nói: “Thế thời, làm vua một nước mà không lo sửa sang việc chính trị, giáo dục, để đến nỗi trong nước không được bình trị, thì trách nhiệm tại ai và nên xử trí như thế nào?

 

Vua nghe nói, ngảnh bên tả, bên hữu, nói lãng sang chuyện khác.

 

Tề Tuyên Vương đã vô tình thừa nhận cái đại tiền đề của Mạnh Tử đưa ra rồi, thì không thể nào thoát khỏi kết luận của ông. Bởi vậy, Tề Tuyên Vương phải bị “câm” miệng, không một lời biện bác gì nữa được.


 

Socrate, với cái tài hùng biện của ông, rất ưa dùng lối luận này để bài bác những ngụy luận của kẻ khác và làm cho họ phải “cụt lối”.

 

Thường thường, ông làm như vô tình đưa ra những đại tiền đề mà địch thủ phải nhận với một nụ cười khinh thị, vì nó rất tầm thường, hết sức tầm thường. Nhưng mà phải coi chừng. Đã một khi nhận nó rồi, thì số phận mất còn ở trong tay của ông rồi vậy.

 

Ngày kia Antiphon, bắt bẻ Socrate, gọi ông là người khùng vì ông không chịu nhận tiền dạy học của các đệ tử. Antiphon bảo: “Trí huệ không thể lấy tiền bạc mà trả được. Đành như vậy. Nhưng theo tôi, tôi buộc các đệ tử tôi phải trả tiền công cho tôi. Và nếu họ công bình biết rằng tiền bạc không đủ trả được công tôi, thì họ phải hoài niệm ân tôi hằng buổi nơi lòng mới phải. Ông là người có danh là Công Bình cớ sao ông lại để có sự bất công như thế?” Socrate không trả lòi. Ông chỉ đem một đại đề rất đơn giản và dễ nhận, để nhử Antiphon vào rọ.

 

Ông hỏi: “Nếu có một người đàn bà kia, đem tình âu yếm mình mà bán cho kẻ khác, bắt người phải trả tiền. Người đàn bà ấy, Antiphon gọi là người gì?

 

Antiphon: “Người ấy gọi là người gái đĩ, chớ còn gọi là người gì nữa. Nhưng mà ăn thua gì đến câu hỏi này với vấn đề kia tôi đã hỏi ông?”.

 

Socrate nói: “Có chứ! Có chứ! Này ông Antiphon, tình yêu và trí huệ là những bảo vật vô giá. Tôi nghĩ rằng, cái điều mà cô gái đĩ kia bán được, e không phải là tình yêu thật, mà là cái tình yêu giả. Một tay biện luận mà đem bán lời nói của mình được, tôi cũng e lời nói ấy là lời dối trá, không phải là trí huệ chân thật, kẻ thi thố ra cũng được sung sướng như người thụ hưởng có khi còn gấp bội phần là khác nữa”.

 

Antiphon giận đỏ mặt, nói: “Socrate, ông lại mắng tôi sao? Tôi đi đây, là vì tôi phải giữ mình cao thượng hơn ông, không thì tôi mắng ông lại mới đã giận của tôi cho”.


 

Lối dùng tam đoạn luận như thế, thật là khôn khéo. Kẻ nào vô ý bơ thờ, hay sa vào cái bẫy của kẻ nghịch, không phương gì ra khỏi.

 

Người ta nhân cái luận này, mà tạo ra một thể luận khác thay vì đem ra một, họ đưa hai đại tiền đề đối địch để nhử địch vào chỗ không thể trốn tránh được nữa. Nhà luận lý học gọi là Song Quan Luận.


 

Protagoras, nhà suy luận đại danh ở Abdere có dạy một anh học trò về khoa khẩu biện với một số bạc nhất định là bao nhiêu đó, nhưng hẹn rằng phân nửa số bạc trả trước, còn phân nửa kia thì sẽ trả sau khi anh học trò thắng được vụ kiện đầu tiên.

 

Anh đệ tử sau khi học thành tài, không gặp cơ hội nào để bào chữa cả, nên không chịu trả tiền cho thầy. Protagoras, tức mình đưa anh ta ra cửa công, và đòi phân nửa số tiền còn thiếu ấy. Ông viện lẽ như vầy: “Hoặc tòa xử tôi thắng hoặc tòa xử tôi thất trong vụ kiện này. Nhưng thế nào, tên học trò của tôi cũng phải trả số bạc nó còn thiếu. Nếu nó được kiện, thì theo lời giao ước, nó thắng vụ kiện đầu tiên, nó cũng phải trả cho tôi. Còn nếu nó thất, thì chiếu theo luật, tôi được kiện, nó cũng phải trả cho tôi”.

 

Anh đệ tử, cũng không vừa gì, cãi lại: “Nếu quan tòa xử tôi đặng, thì theo luật tòa, tôi không trả cho thầy đồng nào. Trái lại nếu tòa xử tôi thất, thì theo điều giao ước của chúng ta, tôi cũng không phải trả cho thầy đồng nào nữa”.

 

Dường như các quan tòa không biết phải xử lý cách nào nên đình lại cái án ấy một trăm năm sau sẽ xử.[13]

 

Câu chuyện trên đây là cái mẫu của lối Song Quan Luận.


 

Có một tên lính kia, gác đồn, để binh giặc vào cướp thành mà không cho binh lính trong thành hay, bị khép vào tội xử tử.

 

Quan toàn luận án như thế này:

 

Hoặc anh có mặt tại cửa thành;

Hoặc anh không có mặt tại cửa thành.

Nếu anh có mặt tại cửa thành, sao quân giặc vào thành mà không cho hay? Đó là làm phản. Anh phải bị xử tử.

Nhược bằng trong lúc đó anh không có mặt tại cửa thành, đó là anh bỏ phận sự tối trọng người ta đã giao phó cho anh. Anh cũng phải bị xử tử.

 

Hai cái đại tiền đề đưa ra đây, đều là để kết án anh lính. Anh không thể thoát tội xử tử.


 

Lắm khi lối luận này, người ta không đem ra để bắt kẻ nghịch, mà lại đưa ra để tự bắt mình.

 

Một nhà hiền triết khuyên ta: “Khi nghe tiếng đồn xấu kẻ khác, ta nên tự hỏi như vầy: Ta không nên nghe những lời đồn đãi xấu xa của kẻ khác. Vì hai lẽ: Hoặc người bị nói xấu đây là ưng, hoặc người ấy bị oan. Nếu ưng, thì với sự phê bình của mình đây là thêm cho họ một sự đau đớn nữa, đó là ta thiếu lòng nhân. Nếu người ấy bị oan, thì lời phê bình của ta đây là lời phê bình bất công và phạm vào tội gièm pha. Bởi vậy, nghe lời nói xấu kẻ khác mà nghe theo và phê bình, thế nào ta cũng phạm một điều: Bất nhân hoặc bất công. Bất nhược ta đừng phê bình tới là xong”.


 

Đại tiền đề của phép luận song quan, có hai đối đích để chận địch thủ không cho thát ra, cũng như nhà có cử trước cửa sau; hễ chận hai cử ấy, thì địch thủ phải chịu bó tay. Nhưng, cái nguy của song quan luận, là vì chỉ lo chận lại hai đầu, mà quên chỗ kẻ giữa. Cho nên lối luận này ít khi khả cứ được.


 

Phép diễn dịch theo “tam đoạn luận” có nhiều hình thức khác nhau, nhưng tựu chung cùng trở về một mối là “tam đoạn luận”. Đại khái như:

 

1. Nhị đoạn luận, là một lối tam đoạn luận mà thiếu một trong hai cái tiền đề.

 

Tỉ như: “Trời đất chí công, cho nên thưởng kẻ lành, hành kẻ dữ”. Ở đây, đại tiền đề thiếu. Nếu muốn luận đầy đủ, thì phải lập như vầy:

 

a) Công bình, là thưởng kẻ lành phạt kẻ dữ.

b) Mà Trời đất chí công.

c) Cho nên, Trời đất thưởng kẻ lành, hành kẻ dữ.

 

Hoặc nói: Hễ là lễ phép thì dễ thương;

 

Bởi vậy, ông Ổi rất dễ thương;

 

Ở đây, “tiểu tiền đề” thiếu. Nếu phải lập lại cho đầy đủ thì phải như vầy:

 

a) Hễ là lễ phép thì dễ thương;

b) Mà ông Ổi rất lễ phép;

c) Cho nên ông Ổi rất dễ thương.

 

Cũng như câu luận: “Đã là người, thì phải có khi lầm lẫn, bởi vậy, các quan tòa cũng phải có khi lầm lẫn”. Ở đây câu tiểu tiền đề “Mà các quan tòa là người” không cần nhắc tới, vì ai ai cũng có thể hiểu ngầm được một cách rất dễ dàng.

 

Bởi vậy, lối luận này rất thông dụng trong khi luận hằng ngày, vì người ta kết luận mau lẹ, không phải “cù cưa” cho lâu lắc.

 

2. Phụ chứng tam đoạn luận: Là lối tam đoạn luận mà mỗi tiền đề đều có chứng cứ của nó cả.

 

Bài Cicéron biện hộ cho Milon sau đây là một kiểu mẫu về lối “phụ chứng tam đoạn luận.[14]

 

Đại tiền đề: Người ta có quyền giết chết kẻ nào lừa mình vào cạm bẫy mà không phải tội.

(Bằng cứ: Theo luật của thiên nhiên, theo luật của con người; và tỷ dụ phụ vào để làm chứng cho câu đại tiền đề này.)[15]

 

Tiểu tiền đề: Mà Cloudius lừa Milon vào cạm bẫy để giết đi.

(Bằng cứ: Cicéron đem hết những chứng cứ chỉ bằng Clodius lừa Milon vào cạm bẫy để giết đi).

 

Kết luận: Bởi vậy, Milon có quyền giết Clodius, mà không phải tội gì cả.

 

Lối luận này, các trạng sư dùng để biện hộ cho thân chủ mình. Đại tiền đề của họ thường là một đạo luật có thể đưa bị cáo ra khỏi vòng pháp luật. Tiểu tiền đề, là những bằng cứ tỏ ra người bị cáo là người có thể hưởng được những đạo luật ấy.

 

3. Liên châu luận: Là một lối luận có rất nhiều mệnh đề tiếp tục nhau mãi.

 

Cái cuối của mệnh đề thứ nhất, là cái đầu của mệnh đề thứ hai; cái cuối của mệnh đề thứ hai, là cái đầu của mệnh đề thứ ba, và luôn luôn như thế mãi… Cái sau rốt, trở nối lại với đoạn đầu… như các hột châu trong một xâu chuỗi vậy, nên gọi là “liên châu luận”.

 

Plutarque nói, con chồn trước khi đi ngang qua giá hay lóng tai nghe coi phía dưới có nước chảy không. Nếu không nghe tiếng nước thì nó đi qua, bằng có tiếng nước thì nó không đi. Dường như nó suy nghĩ như vầy:

 

Dưới miếng giá này, nghe có tiếng;

Cái gì có tiếng, thì động;

Cái gì động, thì chưa lạnh đặc;

Cái gì chưa lạnh đặc;

Cái gì lỏng thì bở và sẽ bể tan ra,

Vậy, miếng giá này không thể chịu được sức nặng vì nó bở và sẽ bể tan ra.

 

Đó là phép luận liên châu.

 

4. Tiền trí tam đoạn luận: Là lối luận có hai hoặc có nhiều mệnh đề, mà câu kết của mệnh đề này, là câu tiền đề của câu kế… tiếp tục nhau mãi.

 

Tỉ như câu này trong Đại học:

 

Vật cách nhi hậu tri chí;

Tri chí nhi hậu ý thành;

Ý thành nhi hậu tâm chánh;

Tâm chánh nhi hậu thân tu;

Thân tu nhi hậu gia tề;

Gia tề nhi hậu quốc trị;

Quốc trị nhi hậu thiên hạ bình
”.

(Cái lý của vật thấu rồi thì sự hiểu biết mới đến nơi;

Sự hiểu biết đến nơi rồi thì ý mới thành;

Ý thành rồi, thì tâm mới chánh;

Tâm chánh rồi, thân mới tu;

Thân tu rồi, thì nhà mới tề;

Nhà tề rồi, thì nước mới trị;

Nước trị rồi, thì thiên hạ mới thái bình).

 

2. Qui nạp

 

Phép luận này bằng cứ nơi sự thật ở nhiều nơi nhiều lúc mà gom góp lại, lập thành một cái luật chung. Người quan sát thấy hễ đốt lửa lên, thì có khói. Một lần, hai lần, ba lần, năm lần, mười lần… mà lần nào như lần nấy, người ta liền qui nạp thành cái luật chung là: Hễ có khói tất có lửa.

 

Dùng phép qui nạp là nhận rằng vạn vật trong đời đều bị sống dưới quyền chỉ huy của một số ít nhiều định luật bất di bất dịch. Nguyên tắc của qui nạp là: “Những nguyên nhân giống nhau đều sanh ra luôn luôn những kết quả giống nhau”. Nó là biến thể của cái luận “Nhân Quả”. Hễ nhân nào sanh quả nấy. Như thấy có khói, là biết có lửa. Lửa là nhân, khói là quả, đi đôi nhau luôn như bóng với hình.

 

Lối luận này trước khi thành một lối luận khoa học là một lối luận đơn giản, lối luận bằng loại suy rất đơn sơ tự nhiên. Con trẻ, suốt ngày, luận bằng lối qui nạp. Bất kì là cái gì nó gặp một vài lần là nó qui nạp thành luật chung: ông nội nào cũng có râu (như ông nội nó); con mèo nào cũng đen (như con mèo của nó)… v.v… Chơi than lửa bị phỏng tay nhiều lần, sau hễ thấy than lửa là sợ phỏng tay. Cũng như ta, hễ thấy có mây đen, là nghĩ đến mưa. Lối luận này không phải là lối qui nạp, theo khoa học, mà là cái thai của nó.


 

Qui nạp là lối luận rất thiết yếu của các khoa học về thực nghiệm. Người thường hễ thấy một việc xảy ra nhiều lần đều có một kết quả như nhau, liền qui nạp thành một cái luật chung. Tỉ như thấy có cầu vồng là có mưa. Nhiều lần như vậy, họ bèn lập thành một thuyết chung là: cầu vồng hiện ra là có mưa. Đó là lối qui nạp thông thường.

 

Qui nạp theo khoa học thì có hơi khác. Là vì ở đây người ta không qui nạp “bướng” như trên, nghĩa là thay vì xem qui nạp ấy là một qui luật, nhà khoa học chỉ coi nó như một ức thuyết nghĩa là một cái thuyết tạm để quan sát và thí nghiệm lại. Chừng nào ức thuyết ấy có được nhiều lần thí nghiệm, có nhiều chứng cứ đàng hoàng không sai chạy, bấy giờ mới được xem là qui luật. Bằng không, thì ức thuyết ấy phải bỏ đi.

 

Địa vị của ức thuyết trong khoa học thực nghiệm thật là to tát.

 

Không có một cuộc thí nghiệm nào về khoa học mà không có một ức thuyết để làm chân đứng, để làm hướng đạo. Theo khoa học thời qui nạp và ức thuyết có cái nghĩa tương tự nhau, nhưng sự thật thời qui nạp tức là ức thuyết mà đã được thí nghiệm rồi, còn ức thuyết là qui nạp mà chưa thí nghiệm, hoặc thí nghiệm chưa được đầy đủ.

 
Một ức thuyết mà muốn được gọi là khoa học, phải có đủ những điều kiện sau này:

 
  1. Nó phải căn cứ vào sự thật
  2. Nó không bị phản đối vị một sự thật nào cả, nghĩa là trong khi thí nghiệm, không bị phải một thí nghiệm nào phản đối nó cả.
  3. Nó phải là một nguyên lý dồi dào phong phú, nghĩa là gợi ra được nhiều cuộc tìm kiếm mới mẻ, gây ra được nhiều cuộc thí nghiệm.
  4. Nó phải đơn giản. Chính vì lý thuyết của Ptoleme rất phiền phức nên Copernic mới nghĩ ra một ức thuyết khác đơn giản hơn. Đơn giản là điều kiện cốt yếu của một ức thuyết hay.

 

Ức thuyết, mà người thường hay xem là một lý thuyết, cần phải thí nghiệm lại mới được xem là một lý thuyết, đối với nhà khoa học. Nhà thông thái nhất, là người tìm ra được nhiều ức thuyết kiểm chứng được. Thiên tài biểu lộ, chính nơi đó. Edison, là người rất giàu ức thuyết. Cho nên ông là người phát minh sáng tạo rất nhiều món thần tình.

 

Tuy nhiên, nhà thông thái cần phải biết phân biệt ức thuyết và quy nạp, như trên kia đã có nói. Nghĩa là, họ phải biết hoài nghi những ức thuyết của mình. Họ phải đợi một thời gian để thí nghiệm tìm chứng cứ, cho thật xác đáng mới chịu qui nạp thành qui luật. Các nhà trinh thám cũng thường dùng phép qui nạp để tìm thủ phạm.[16]

 
Tóm lại, phương pháp của nhà khoa học bao giờ cũng phải trải qua ba giai đoạn này:

 
  1. Quan sát cho thật tinh tế
  2. Nhân những điều mình quan sát ấy, tìm cách qui nạp, nghĩa là tưởng tượng một nguyên nhân chung cho tất cả các sự kiện rời rạc kia, làm thành một ức thuyết. Ức thuyết ấy phải cắt nghĩa được tất cả những hiện tượng mình đã quan sát kia, mà không phải bị một sự thật nào phản bội phản đối được, chừng ấy mới được xem là đúng đắn thôi. Bằng không, phải bỏ đi, và tìm một ức thuyết khác đủ lý hơn và ăn khớp với sự thật hơn.
  3. Nhà khoa học, bấy giờ, tìm cách kiểm tra, thí nghiệm ức thuyết ấy lại.
 

Qui nạp theo nhà khoa học, là tư tưởng mà biết hoãn lại sự phán đoán của mình, không kết luận “bướng”, không hấp tấp, vội vàng. Hoài nghi của nhà khoa học, là hoài nghi để mà chiêm nghiệm, không phải lối hoài nghi của người theo chủ nghĩa hoài nghi triệt để đâu. Muốn tập tư tưởng cho đúng đắn ít bị lầm lạc, cần phải theo phương pháp làm việc và suy nghiệm của nhà khoa học về thực nghiệm, vì phương pháp ấy tự buộc phải giữ luôn luôn sự liêm khiết đối với mình. Người ta thường hay có bụng thiên vị, cho nên chỉ nhớ những điều gì thuận với lòng mình ao ước thôi. Nhà khoa học, dầu sao cũng trước hết là người như mọi người, lẽ cố nhiên cũng có những sự thiên kiến đối với lý thuyết của mình. Bởi vậy, những bằng chứng, những lý lẽ nghịch với lý thuyết mình, họ thường hay bỏ qua không để ý đến. Darwin cũng vì lẽ ấy, tập tính hay biên ra liền, và biên một cách thành thật những ý kiến, những bằng cứ nghịch với lý thuyết của ông, vì theo ông, những ý kiến ấy dễ quên lắm. Đó ông gọi là đức “liêm khiết khoa học”.

 

Tôi thường thường thích cái học của Lão Trang. Nhưng đọc sách, lại rất ưa đọc những sách bài bác Lão Trang. Những lý lẽ người ta đã viện ra để kích bác cái học ấy, tôi hay biên ra để cho dễ nhớ. Là vì tôi muốn đi sâu vào học thuyết ấy mà khỏi phải bị một thiên kiến gì cả. Khi mình đã có ưa thích một điều gì, mình phải biết lo ngừa có sự thiên lệch về điều ấy. Bất kì là học cái chi, tôi nhớ đến phương pháp này luôn, đến nó đã thành một thói quen rồi vậy.

 

Cái đức đầu tiên, mà phương pháp khoa học thực nghiệm đem lại cho con người, là đức khiêm tốn. Nó giúp ta bỏ bớt cái lòng tự đắc kiêu căng đi. Qui nạp mà cho đúng phép, nghĩa là hoàn toàn theo khoa học thực nghiệm, giúp cho tư tưởng mình được sáng suốt và đúng đắn, dẫu không phải là chân lý cũng không xa chân lý mấy. Qui nạp theo thói thường hay biến thành ngụy luận, sẽ bàn ở một nơi khác trong quyển này.

 

3. Loại suy

 

Loại suy, là lối luận đơn sơ hơn hết.

 

Nhân hai vật, vừa giống nhau mà cũng vừa khác nhau; nhưng phần giống nhiều hơn, ta kết luận cho cái này giống với cái kia.

 

Đó là phép loại suy.

 

Tỷ như: Trái đất, là một hành tinh có người ở; ta bèn nghĩ ngay đến hành tinh Sao Hỏa có lẽ cũng có người ta ở.

 

Kim loại đốt nóng giãn ra; ta bèn kết luận: chất đồng mà đốt nóng cũng giãn ra.

 

a) Bản chất:

 

Loại suy, bản chất nó như thế nào? Ta hãy so sánh nó với phép diễn dịch và qui nạp sẽ thấy dễ dàng hơn.

 

Diễn dịch và loại suy, mới thấy sơ qua thì tương tự với nhau, nhưng nếu đem cái kết luận của hai phương pháp ấy mà quan sát lại kỹ, ta sẽ thấy nó khác nhau xa.

 

Ví như, cùng một câu kết luận: “Chất đồng, hễ đốt nóng thì giãn ra”, mà dùng phép diễn dịch để tìm ra, thì phải dùng đến một tiền đề rộng rãi và gồm nắm cái kết luận ấy ở trong. Phải lập luận như vầy:

 

Phàm kim khí hễ đốt nóng, thì giãn ra;

Mà chất đồng là kim khí;

Bởi vậy, chất đồng hễ đốt nóng cũng giãn ra.

 

Trái lại, nếu dùng phép loại suy thì chỉ dùng đến một tiền đề thường, nghĩa là không rộng hơn và không gồm nắm cái kết luận ở trong. Chỉ luận sơ sài như vầy:

 

Chất sắt, đốt nóng thì giãn ra;

Chất đồng, đốt nóng cũng sẽ giãn ra.

 

Câu kết và câu tiền đề vẫn như nhau, nghĩa là tiền đề không rộng hơn, không hàm chứa kết luận ở trong.

 

Qui nạp và Loại suy cũng không giống nhau. Thử đem hai lối luận này mà so sánh như trên, ta sẽ thấy chỗ khởi điểm của hai lối luận này tuy đồng nhau, mà tới chỗ kết lại không giống nhau.

 

Tỉ như, cũng một chỗ khởi điểm là “Chất sắt đốt nóng giãn ra” mà dùng phép qui nạp thì phải kết luận như vầy:

 

Chất sắt, đốt nóng giãn ra;

Bởi vậy, bất kỳ là những cái gì thuộc về loại sắt, đốt nóng cũng giãn ra.

 

Trái lại, nếu dùng phép loại suy thì phải kết luận như vầy:

 

Chất sắt đốt nóng giãn ra;

Bởi vậy, chất đồng đốt nóng cũng sẽ giãn ra.

 

Qui nạp thì nhân chỗ đồng nhất mà kết qua chỗ đồng nhất, nghĩa là từ chất sắt kết qua chất sắt nhưng rộng hơn; còn loại suy, thì nhân chỗ tương tợ mà kết qua chỗ tương tợ, nghĩa là từ chất sắt kết qua chất đồng, hai chất tuy cùng loại là kim khí nhưng khác nhau.

 

Thế thì, loại suy rất khác xa diễn dịch và qui nạp. Vậy, thì nó là gì?


 

Dường như lối luận của loại suy là lối luận vượt bậc, luận từ chất sắt vượt qua chất đồng mà không cần một trung gian nào cả. Nhưng thật sự thời không phải vậy. Trong lối luận loại suy có hai giai đoạn:

 

–  Giai đoạn thứ nhất: Nhân thấy chất sắt nóng, giãn ra, ta bèn nghĩ ngược lại một đại tiền đề rộng hơn: phàm là kim khí, hễ nóng thì gãn ra.

 

–  Giai đoạn thứ hai: Bắt đầu đại tiền đề ấy, ta cứ luận theo phép diễn dịch: phàm là kim khí hễ nóng thì giãn ra; mà chất đồng là kim khí; cho nên, chất đồng hễ nóng cũng giãn ra.

 

Nếu xét cho kỹ, ta thấy giai đoạn thứ hai này là một lối luận theo phép diễn dịchthường rất dễ hiểu. Chỉ có giai đoạn thứ nhất, là có hơi khó giải thích một chút. Thật vậy, mới xem qua, dường như nó là một lối qui nạp:

 

Chất sắt, nóng thì giãn ra;

Bởi vậy, loại kim khí nào nóng cũng giãn ra.

 

Nhưng như thế thì lý luận không mấy được chính xác, vì nếu thật theo phép qui nạp, phải luận như vầy mới đúng:

 

Sắt, nóng thì giãn ra;

Bởi vậy, bất kỳ là ở đâu và bao giờ, sắt hễ nóng thì giãn ra.

 

Theo phép qui nạp, ta không có quyền kết luận từ chất này qua chất kia, nghĩa là từ chất sắt qua chất đồng mà chỉ được phép kết từ bây giờ đến sau này và mãi mãi từ một thời gian ngắn đến một thời gian dài hơn. Ta phải luận như vầy: Giờ đây, miếng sắt này, đốt nóng thì giãn ra.

 

Vậy, bất kì là ở vào buổi nào, nếu đem chất sắt mà đốt, thì nó cũng sẽ giãn ra như bây giờ. Đây mới là luận theo phép qui nạp. Còn luận như trên: bắt từ chất sắt mà kết luận đến tất cả kim khí, đâu còn gọi được là qui nạp nữa, mà là một lối vừa qui nạp vừa loại suy mà trộn lộn lại thôi.

 

Cho nên, giai đoạn thứ nhất này cũng chưa giải quyết. Ta quả quyết nó không phải cùng một loại với qui nạp. Vậy, nó là loại gì?

 

Nó thật ra cùng một loại với diễn dịch, nhưng diễn dịch nghịch hành nghĩa là diễn dịch nhân kết luận mà trở ngược về đại tiền đề. Như ta đã thấy ở trên: nhân thấy miếng sắt nóng giãn ra, ta bèn nghĩ đến một đại tiền đề rộng hơn: phàm là kim khí, hễ nóng thì giãn ra.

 

Đến khi tìm được đại tiền đề của nó rồi, bấy giờ ta cứ theo con đường diễn dịch thuận hành mà đi như thường:

 

Phàm là kim khí, hễ đốt nóng thì giãn ra;

Mà chất đồng là kim khí;

Vậy, chất đồng đốt nóng cũng giãn ra.

 

Tóm lại, luận theo loại suy có hai giai đoạn: diễn dịch nghịch hành, và tiếp theo đó diễn dịch thuận hành nghĩa là theo con đường tự nhiên của phép diễn dịch. Hay, nói một cách khác, luận theo phép loại suy không có vượt bậc, nghĩa là, nhảy từ “ca” thứ nhất qua “ca” thứ hai, vừa chất sắt, nhảy qua chất đồng, mà là luận theo một lối diễn dịch ngược lên để tìm đại tiền đề, rồi diễn dịch luận xuống để kết luận.

 

b) Giá trị:

 

Muốn định giá trị của phép luận này, nghĩa là muốn biết nó đáng tin nhiều ít như thế nào, thì phải căn cứ vào đâu?

 

Cố nhiên là phải căn cứ nơi chỗ sai biệt cảu hai “ca” mà ta muốn dung hiệp đó. Nếu chỗ sai biệt nhiều hơn chỗ giống nhau thì kết luận của ta đáng hoài nghi. Nhược bằng, chỗ giống nhau lấn hơn chỗ sai biệt thì kết luận của ta đáng tin hơn là ngờ vực. Nhưng tin một cách quả quyết tuyệt đối thì không nên, vì lối luận này bao giờ cũng đáng ngờ, bởi hai vật đều giống nhau đếu đâu, bao giờ cũng có chỗ khác nhau. Trong vạn vật không bao giờ có hai vật giống nhau như một đặng.

 

Tỉ như: Ta nhân con người có trí huệ, có tình cảm mà kết luận rằng con thú cũng có trí huệ và tình cảm. Lẽ cố nhiên là cái kết luận này đáng ngờ lắm. Tại sao? Vì giữa con người và con thú, biết bao nhiêu là điều khác nhau.

 

Tuy nhiên, không phải chỉ đếm cho được nhiều sự sai biệt là đủ, ta còn phải biết cân nhắc nó nữa. Một chỗ sai biệt thôi, lắm khi cũng đủ làm cho ta ngờ vực và không dùng đến loại suy được. Ví dụ như loại suy trên trái đất mà ta quả quyết rằng trên mặt trăng cũng có người ở như ở đây, ta đâu có cần phải thấy được nhiều chỗ sai biệt để phá hoại câu kết luận. Chỉ cần biết rằng trên đó không có không khí như ở đây, là đủ cho câu kết kia tự hủy. Cho nên, một điểm sai biệt thôi, nếu nó thật quan trọng cũng đủ thủ tiêu kết luận của ta liền. Cái phẩm thường trọng hơn cái lượng.

 

Lại còn một nguyên nhân nữa làm cho lối luận này đáng ngờ, là chỗ mù mờ ta chưa khám phá được hết sự sai biệt giữa hai vật mà ta muốn dung hợp kia. Như giữa thần trí con người và thần trí con vật còn có nhiều chỗ sai biệt vô tình mà ta chưa khám phá được hết, làm cho sự so sánh của ta rất khó lòng mà quyết đoán được. Luận bằng loại suy thật là một lối luận mong manh hết sức.

 

c) Công dụng:

 

Trong các lối luận, chỉ có loại suy là thường dùng hơn hết. Trong ngôn ngữ hàng ngày, trong đời sống của ta hằng buổi đây, dường như luôn luôn ta chỉ có lý luận bằng loại suy thôi: ta thấy người kia có cặp mắt hay giọng nói giống em ta, ta liền tưởng cho họ cũng có một tánh tình như em ta vậy. Ta thường tưởng cho ai cũng có một tánh tình như ta: Nếu ta là người chân chất thật thà, ta tưởng cho ai cũng chân chất thật thà. Nếu ta là người ưa dối trá xảo ngụy, thì lại tưởng cho ai cũng dối trá xảo ngụy như mình. Luôn luôn ta lý luận như thế, thật là lầm lạc dễ dàng quá. Ở đời, bao giờ có hai cục đá giống nhau, hoặc hai cọng là giống nhau. Ở nơi con người, thì sự sai biệt lại còn rõ rệt hơn nữa.

 

Về lịch sử, người ta cũng hay dùng phương pháp loại suy lắm, vì ở đây, nếu không dùng loại suy thì không thể nào làm gì mà rõ biết được thời xưa sao cả. Ở đây, người ta không thể dùng phương pháp thí nghiệm được, nên phải buộc lòng dùng phép loại suy. Nhân nay và xét xưa, thật là mơ hồ không dám trọn tin như ta tin ở các ngành khoa học khác. Bởi vậy, người ta do dự không chịu đem lịch sử mà gọi là khoa học. Những quan niệm về siêu hình, nhất là cái học về huyền bí thời lại phải dùng toàn phương pháp loại suy.[17] Ở đây cũng như ở lịch sử, người ta nhân đời sống kiếp này mà nghĩ đến đời sống kiếp sau, tóm lại nhân cái chỗ thấy được để độ chỗ không thấy được, vì thế mà những cái học này không đủ cho người ta tin cậy.


 

Dùng đến loại suy, thường là để tiên liệu hoặc lý giải một điều gì.

 

Nhân thấy “gió heo may mà chuồn chuồn bay” thì định là sẽ có bão tố. Là vì ta nhớ một khi kia đã có xảy ra một vụ như vậy. Lối dự liệu như thế thì không mấy được chắc chắn, bởi còn nhiều điều kiện khác mà ta bỏ qua hay thiếu sót. Nhưng mà lối dữ liệu này người ta lại ưa dùng nhất trong khi tên đoán những sự sẽ xảy ra trong lịch sử.

 

Theo khoa học thực nghiệm, loại suy chỉ dùng để tạo ức thuyết mà thôi, vì nó không phải là một lối luận chặt chẽ khít khao như quy nạp. Nó là một sự ước định, và chỉ là một sự ước định mà thôi.

 

Nhà khoa học, cũng dùng nó để dự đoán. Vì đã có nhiều lần chứng kiến, hễ cho thuốc xổ là sẽ đi sông. Cho nên, khi ông thầy thuốc cho bệnh nhân uống thuốc xổ, ông tin rằng, người ấy sẽ đi sông như các bệnh nhân khác mà ông đã mục kích. Cho nên người bệnh uống một món thuốc nào, là ông chỉ nhờ người ấy báo tin cho ông biết nó sẽ như lòng ông đã tiên liệu. Nhà thí nghiệm, mỗi khi đem hai chất mà phối hợp với nhau trong nồi, là đã dự đoán nó sẽ chuyển như thế nào, vì dưới mắt ông đã thấy nhiều lần sự hoán chuyển như thế. Cho nên loại suy là để dự đoán.

 

Loại suy cũng dùng để cắt nghĩa. Đem một lý giải về một việc đã qua mà đã biết rõ, để cắt nghĩa một “ca” mới giống như “ca” trước. Nhiều chứng bệnh cấp tính người ta đã tìm thấy nguyên nhân nơi cái độc của vi trùng. Nay thấy một chứng bệnh cấp tính mới khác người ta cũng vịn theo cái thuyết vi trùng mà cắt nghĩa. Cũng như người ta thể theo điển học mà cắt nghĩa những hiện tượng của thiên thời như: Gió, mưa, sấm, chớp.


 

Tuy nhiên, ta nên để ý kĩ điều này: Tiên liệu theo khoa học không giống với cách tiên liệu của thường tình, tiên liệu như nhà tiên tri. Lối tiên đoán này không có cắt nghĩa gì được cả. Nhà tiên tri chỉ thấy trước và công bố vậy thôi, chớ không cần phải cắt nghĩa vì sao sự tình ấy phải xảy ra. Nhà khoa học thì khác: Vừa tiên đoán mà cũng vừa cắt nghĩa. Nhà thiên văn tiên đoán sẽ có nhật thực, không phải tiên đoán theo lối nhà tiên tri. Trái lại họ cắt nghĩa vì sao nhật thực phải có ở tại chỗ ấy, ngày ấy và giờ ấy. Cho nên muốn loại suy mà khỏi phải bị sai lầm nhiều, nên bắt chước theo phép loại suy của nhà khoa học.


 

Phép loại suy cũng có khi gọi là tỉ luận. Tỉ luận, tuy cũng gọi là “annalogie” này khác với “annalogie” nghĩa loại suy.

 

Tỉ như câu:

 

Trời không lường trưa, sớm, n, mưa.

Người đâu biết hôm, mai, họa, phước.

 

Đó là lấy việc trời đất, mà “” với việc người.

 

Lại như câu:

 

Vừng trăng khi khuyết khi tròn;

Người đời lúc thịnh e còn lúc suy
”.

 

Đây là nói, đời người lúc thịnh lúc suy, giống như cái cách vừng trăng khi tròn khi khuyết. Ấy là chỉ cái “cách” giống, chứ không phải cái “thế” giống.

 

Nhà viết văn thường hay dùng lối này là muốn giúp để suy nghĩ, chớ không phải muốn chứng giải một điều gì. Khi đọc sách, phải coi chừng lối tỉ luận, bởi có nhiều nhà văn hay lợi dụng phép này để chứng giải những lý thuyết lờ mờ của mình.

 

Có kẻ lại dùng phép tỉ luận đem vật có hình để ví với sự vô hình. Như nói:

 

“Cá không ăn muối cá ươn,

Con không nghe cha mẹ, trăm đường con hư”.

 

Cái đó chưa ắt, vì còn tùy… Còn phải coi cách cá ươn có trăm phần trăm giống cái cách con hư hay không; còn phải coi hiệu quả của lời cha mẹ đối với con, có được hiệu quả như muối đối với cá hay không.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.