Thuật Tư Tưởng

Chương III THUẬT PHÊ BÌNH



Muốn tập suy nghĩ phê phán lấy một mình, cần phải có một khiếu óc phê bình sâu sắc mới đặng.

 

Phê bình là một nghệ thuật, nếu thuộc về lối phê bình chủ quan. Nhưng nó là một khoa học, nếu thuộc về lối phê bình khách quan. Không phải lối phê bình chủ quan là không cần thiết, là không thâm thúy! Ở đây không thể bàn đến n là vì chỉ có thể bàn đến những gì thuộc về khoa học thôi. Phần này rất quan trọng và nếu giãi bày khúc chiết thời không thể bàn trong vài trang là được, tôi đã dành riêng nó trong một quyển sách sau này[55]. Đây chỉ nói phớt qua những cách luyện tập óc phê bình.

 

A. Phê bình

 
Muốn luyện tập óc phê bình, ta nên nhớ thật kỹ những điều sau này:

 
  1. Trước hết, phải tìm cho có đủ tài liệu về vấn đề mình đang nghiên cứu để phê bình ấy. Ta không thể phê bình những điều gì ta không biết, hoặc biết một cách thô sơ, thiếu sót… Có nhiều kẻ có óc liêm sỉ, họ dụ d không chịu quyết đoán trong một cuộc bàn bạc, là vì họ tự thấy còn thiếu tài liệu để phê bình.
  2. Đọc sách của một người có tên tuổi, đừng nhút nhát, quá sợ uy danh của họ mà không dám phê bình. Miễn là mình thành thật và có đủ tài liệu, bằng cứ, chớ không phải phê bình vu vơ vô sở cứ thời đàu là “bậc thánh nhân” cũng vậy, mình cũng có quyền tỏ hết ý kiến của mình ra. Đừng sự “quyền thế” tinh thần của ai cả. Có khi nói ra ý kiến của mình lại là một phận sự nữa, để giúp cho trí phán đoán kẻ khác thấy thêm được một phương diện sự thật mà vì vô ý người ta bỏ qua.
  3. Đối với những vấn đề quan trọng, ta cần phải tìm cho mình một quan niệm rõ rệt mới đặng. Mỗi ngày dành ít phút suy nghĩ đến những vấn đề lớn lao của thời sự… Nếu tự mình thấy không thể quyết đoán được, thời ít ra cũng phải biết vì lẽ nào mình không thể quyết đoán.

    Lại nữa, phải tìm coi thường thường ta phán đoán sự vật dựa theo nguyên tắc nào? Một quan tòa không biết mình xử đoán theo công lý hay nhân đạo… thử hỏi mỗi khi ông ấy cần phải quyết đoán, ông sẽ bối rối là thế nào? Trong một cuộc bàn bạc hay phê bình nào bất kỳ, ta cần phải biết rõ mình đứng về lập trường nào để phê bình? Đứng về lập trường chính trị hay tâm lý, đạo đức hay nghệ thuật? Có hữu tâm được chỗ đó, thời mới trong hạn định và làm chủ được vấn đề mình đang phê bình.
  4. Phê bình lại những điều mà kinh nghiệm đã chứng rõ sự thất bại của nó. Tìm coi tại sao nó bị thất bại.

    Tỉ như, mình bị thất bại về một việc nào. Tìm lại, coi trước kia mình nghĩ cách nào đến phải bị thất bại như thế, và trong khi ấy, mình phải quyết đoán như thế nào, để khỏi phải bị thất bại? Trong khi phê bình, cần nhất là không cần chú ý trong những chi tiết vụn vặt mà phải để ý quyết vào chỗ trung tâm của vấn đề.
  5. Phê bình tất cả những ý kiến trong sách báo mình đọc hằng ngày. Những bài phê bình của báo chí, đừng bao giờ tin cậy nó, tự mình phr phê bình lại. Tìm coi, người phê bình kia, có đủ tài liệu chưa? Bằng cứ của họ có đúng đắn không? Lý luận của họ có chặt chẽ không? Họ có phải vì công tâm hay vì ganh tị mà phê bình? Người phê bình ấy, đứng về lập trường nào phê bình?

    Mình cũng nên hỏi lại ý kiến cách bạn mà mình biết là có đầu óc phán đoán vững vàng. Dầu những người bạn ấy là người thiên về một chủ nghĩa nào cũng không sao. Hỏi ý kiến họ là để cho mình thấy rõ sự phản ứng của các hạng người thuộc về các lý tưởng khác nhau như thế nào, để rồi, tự mình phê bình lại những phê bình ấy, tìm cho mình một phán đoán đúng công bình hơn.
  6. Phải có óc hoài nghi. Hoài nghi theo Descartes nghĩa là hoài nghi tất cả để phê bình lại, chớ không phải hoài nghi để phản đối và bỏ qua.

    Không nên tin cậy nơi sự phán đoán của bất kỳ ai, dầu kẻ ấy là bậc thực học cũng vậy. “Một tư tưởng mà gọi là thật khi nào nó đã chịu đựng nổi sự thử thách của hoài nghi và rốt lại được toàn thắng[56].

    Hoài ng không có hại gì đến sự thật cả. Vì sự thật thì không bao giờ ai hoài nghi nó được nữa cả. Nó hiển nhiên như thế. Tinh thần khoa học là gì, phải chăng chỉ là óc hoài nghi, hoài nghi đến khi nào sự vật ấy hiển nhiên minh bạch mới chịu thôi. Mà đã hiển nhiên rồi, thời còn gì gọi là hoài nghi nữa.
  7. Đừng bao giờ phê bình hay quyết đoán một điều gì trong khi trong lòng bị xúc cảm. Phải hết sức bình tĩnh mới có thể phán đoán. Bằng thấy không thể nào làm chủ được lòng mình, hãy gác nó qua một bên khi khác sẽ trở lại vấn đề ấy. Vì, như ta đã thấy trước đây, dục vọng làm cho đầu óc của mình mờ ám cả.

    Pasteur, năm 20 tuổi, lúc bấy giờ đang còn là sinh viên trường Sư phạm, thí nghiệm về một loại axit thấy nắm được kết quả, mừng quá đến run cả tay, mờ cả mắt. Ông bèn bỏ đó, đi ra ngoài gọi bạn: “Này anh! Có lẽ tôi đã phát minh được một cái gì đây, song, tôi cảm động quá, không thể ngó vô cái cực quan kêđược nữa”.

    Kẻ có một tinh thần huấn luyện theo phương pháp khoa học chặt chẽ như thế mà đến khi đi gần tới kết quả còn cảm xúc dường ấy, mới biết rằng: muốn được một tâm hồn vô tư trong khi xét đoán đâu phải là một điều dễ dàng. Bởi vậy, mỗi khi cần phải quyết đoán, mà trong lòng thấy có cảm xúc, tốt hơn giam nó lại một khi khác để cho qua cơn xúc động rồi sẽ phê bình cũng không muộn: Như thế, lâu ngày thành thói quen, – một thói quen tốt – cho thuật tư tưởng vậy.
 

Tuy nhiên, ở đời không phải luôn luôn ta có được thời giờ để hoãn lại sự quyết đoán của ta: Có nhiều vấn đề cấp bách buộc ta phải giải quyết ngay không được do dự. Bấy giờ, ta mới biết rằng: Thuật Tư tưởng chẳng phải là một vấn đề thuộc về trí dục mà thôi, mà trước hết, là một vấn đề Đức dục. Chỉ có những kẻ có tính Công Bình và nhất là Điềm Tĩnh mới có thể dầu vào ở cảnh biến nào cũng luôn luôn giữ được sự tỉnh minh phi thường của Tâm Trí.

 

Kẻ phán đoán đúng đắn hơn hết, không phải là kẻ thông minh hơn hết, cương quyết hay giàu tình cảm hơn hết, mà chính là kẻ biết phải trái, mực thước hơn hết và bình tĩnh hơn hết. Một tâm trí điều hòa là điều kiện cần thiết nhất để phán đoán được đúng đắn. Ít lắm cũng phải là người hết sức thành thực ham lẽ Công Bình trên hết mọi sự mới đặng. Điềm Tĩnh và Vô Tư là những đức tính đầu tiên và là nền tảng của tất cả những ai muốn có một phán đoán không sai lầm.


 

B. Một phương pháp phê bình

Phê bình sử học

 

Trước đây là nói chung về điều kiện cần phải có để đào tạo một đầu óc phê bình.

 

Ở đây thử bàn qua một phương pháp phê bình mà người ta thường gọi là phương pháp phê bình sử học.

Muốn cho hành vi mình khỏi phải có sự sai lầm hay thất bại, cần phải thấy đặng sự thật trong những điều xảy ra chung quanh ta hằng ngày.

 

Nhưng phải làm thế nào để nhận thấy được sự thật? Có hai cách: Tự mình tai nghe mắt thấy, hoặc nghe hoặc đọc những điều kẻ khác thuật lại.

 

Dẫu với mắt thấy tai nghe, cũng chưa ắt đã nghe thấy được sự thật y như nó đã xảy ra. Vì quyền lợi, vì thành kiến, vì tư dục… sự nghe thấy của ta cũng vì đó mà sai đi, sai theo cái chiều của ý muốn của ta đã ao ước cho nó phải xảy ra như thế nào.

 

Huống chi, sự thấy ấy lại là sự thật do kẻ khác thuật lại hay biên lại, thì quả quyết ta cần phải hết sức hoài nghi trước khi tin nó. Những nguyên nhân xui giục người ta mang đến cho mình những tin tức sai lầm thật rất nhiều chưa thể kể ra đây liền được. Vả, cũng như ta, ai lại là người không đeo theo mình một quyền lợi, một thành kiến hay một tư dục… lẽ cố nhiên là sự thấy sự nghe của họ, ta không thể tin liền mà trái lại, càng phải xem xét và phê bình cho đúng đắn chặt chẽ, theo tôi, không phương pháp nào hay bằng phương pháp phê bình sử học.

 

Phương pháp phê bình sử học, không phải chỉ dùng vào việc sưu tầm tài liệu để viết lịch sử mà thôi, nó giúp cho ta phê bình tất cả những điều ta nghe hay đọc… do báo chí, sách vở hoặc những lời đồn đại của dư luận đem lại cho ta hằng ngày.

 

Óc phê bình, tức là tư cách không chịu “tín liều” điều kia điều nọ, vì chưng có kẻ thuật lại như thế, hoặc vì bởi mình ao ước cho nó như thế… Trước một câu chuyện nào bất kỳ, ta phải tự hỏi một cách rạch ròi:

 

–  Ai thuật lại chuyện đó?

 

–  Người thuật lại chuyện đó có thuật rõ câu chuyện của họ thuật chăng?

 

–  Người đó mình có thể tin cậy được không?

 

–  Người đó có phải là người hay quả quyết những chuyện vu vơ, và họ làm thế là để thích ra mặt sành chuyện hơn người không?

 

–  Người ấy có quyền lợi gì để dối mình hay dối người không?

 

Tóm lại, óc phê bình, tức là “chiếu biết cân nhắc những bằng cứ và chứng cứ, để thẩm định giá trị và hiệu quả của nó một cách hối hả, không thiên kiến”.[57]


 

Tính tự nhiên của con người là hay tin điều kẻ khác thuật lại. Vậy chớ ta không thấy, hằng ngày, bất kỳ là câu chuyện gì của ai thuật lại, ta tin theo một cách dễ dàng không đòi hỏi một bằng cứ gì cả hay sao? Trừ khi nào tin tức ấy quan hệ đến quyền lợi ta nhiều, ta mới chịu để ý phê bình, bằng không, nếu câu chuyện ấy không đến ngớ ngẩn hay phi thường, thì ta nhận nó ngay, lại còn đem thuật lại cho kẻ khác nghe và có khi lại tô điểm thêm cho nó có duyên hơn là đằng khác. Bất kỳ là người nào thành thật với mình đều phải công nhận rằng, mình thường hay lười biếng cẩu thả như thế. Bởi vậy phê bình không phải là tính tự nhiên của con người. Ta cần phải tập luyện nó, lâu ngày mới thành thói quen được.


 

Những sự vật trên đời mà chính tai ta nghe, mắt ta thấy được, thật là ít. Hầu hết những điều ta biết đều do nơi kẻ khác đem lại cho ta: Hoặc nhân nói chuyện mà biết, hoặc do đọc sách, báo mà biết… Những điều kẻ khác mang lại cho ta, sử gia gọi là chứng cứ. Chứng cứ thật rất quan trọng trong đời sống của ta không phải là nhỏ, vì không có nó, ta không thể biết được những điều đã qua. Vị lai thời thể biết được, cần phải căn cứ nơi hiện tại mới có thể độ trước được. Nhưng hiện tại, chỉ nhờ so sánh với những điều đã qua mới hiểu được, vậy quá khứ, tức là nguồn gốc của sự hiểu biết của con người.

 

Tuy nhiên, những chứng cứ ấy có nên tin nó cả không? Và phải làm sao biết nó có thể tin được? Đó là vấn đề mà phương pháp phê bình sử học lo giải quyết cho ta vậy.

 

Phần đông chúng ta ai ai cũng tin rằng: Một người kia, nếu không có lợi riêng gì để gạt gẫm ta, ắt họ không bao giờ nói dối với ta làm chi cả, nghĩa là những điều họ nói đều đúng với sự thật. Nghĩ thế là không đúng. Nếu điều họ nói với ta là thật đúng trăm phần trăm, thời có lẽ đó là một điều may mắn bất ngờ vậy thôi. Sự thật ở đời, ít bao giờ gặp được những điều may mắn như thế. Đó là một việc mà chúng ta nên hết sức để ý luôn luôn mới được. Là vì, như ta đã thường thấy xảy ra hằng ngày, lắm cái chứng cứ không đúng với sự thật đã gây ra biết bao điều tai họa. Một chứng cứ sai đủ làm cho một đời người lương thiện bị hàm oan trong ngục thất. Nếu phải kể những vụ “sai lầm của công lý” thì không biết phải bao nhiêu quyển sách mới nói hết được. Ngay trong đời sống hàng ngày của ta đây, cả danh dự và hạnh phúc ta, có thể do một chứng cứ sai mà tiêu tan như giá rửa. Những lời vu báng tồi tệ nhất có thể do những kẻ thành thực. Họ không phải vì ác tâm hại ta, nhưng vì họ thấy sai hoặc nghe kẻ khác nói sai mà họ tin là lặp lại với kẻ khác. Chúng ta cần phải biết đến sự mỏng manh của chứng cứ, mà không bao giờ nên tin nó liền trước khi đem nó ra phê bình một cách thận trọng gắt gao.

 

Ta nên biết rằng, trí não ta bị luật tư lợi chi phối, chỉ thấy nghe và nhớ được những điều gì có ích lợi cho ta mà thôi, ngoài ra đều để qua một bên cả, nghĩa là không thấy gì khác hơn những điều ta cần thấy. Giữa một sự vật ở ngoài với cái tâm nhận thức của ta ở trong, có một khoảng xa cách nhau hoặc nhiều hoặc ít, không thể nào không có được. Ta thử nghiệm thế này thì rõ: Để trên bàn một mớ đồ thường dùng như: một cây viết mực, một cây viết chì, một chìa khóa, một cái lý, v.v… và trong mớ đồ đó ta để chen vào một cái ghế nhỏ (đồ chơi con trẻ) mà thiếu một chân. Ta bảo một người khác xem xét kỹ các vật ấy. Ta cho họ một thời gian vừa ngó qua đủ các món. Rồi bắt họ tả lại các vật họ thấy, ta sẽ thấy họ tả lộn xộn cả. Cây viết chì có khía, thì có khi họ gọi là tròn. Cái ly tròn họ lại cho là có khía. Nhiều món họ lại kể thiếu, trái lại cũng có cái thiếu họ lại thêm vô. Nếu hỏi cái ghế nhỏ có mấy chân, họ sẽ nói bốn cái, thay vì thật chỉ có ba thôi. Họ không quen quan sát, nhất là họ không biết cách quan sát. Đừng tìm kiếm chi xa, ta thử lấy tờ giấy vẽ lại cái mặt đồng hồ nhỏ của ta, vật mà xem ngắm hàng ngày, có khi trên hai, ba chục lần hoặc hơn nữa cũng không chừng. Ta hãy vẽ lại đi, rồi sẽ lấy đồng hồ của mình mà đọ lại, bấy giờ ta sẽ thấy trí nhớ của ta có nên tin cậy được nữa không?

 

Lại nữa, ta cần phải để ý điều quan hệ này: “Ta chỉ có thể thấy được những điều gì ta biết thôi”. Một anh thợ khóa, bước chân đầu tiên vào nhà ta, đã nhận thấy liền những bản lề cách cánh cửa trong nhà mình là thứ “bản lề móc” hay “bản lề liền” mà ta hằng ngày mở ra mở vào có trên mười năm không để ý đến. Những ông thầy thuốc, quen với cách xem sắc mặt bệnh nhân, hễ thấy ai, là họ đã nhận thấy kẻ ấy đau bệnh gì, mà chính người ấy soi mặt hằng ngày không thấy biết gì cả. Một người có học khoa xem tướng, mới gặp mình lần thứ nhất họ nói tính tình mình một cách rõ ràng đến có nhiều cái mình không ngờ mà để ý.

 

Những điều gì mình không biết thì không thể thấy được. Cũng như nếu không biết cách xem bệnh bằng con mắt, thì làm gì biết được người đứng trước mặt mình họ có những đặc sắc gì trong con người họ. Một khi, người kia gặp một người đưa thư đến nhà, đứng nói chuyện, tôi để ý đến cặp mắt người ấy như lõa tròng, bên thì sậm, bên thì lợt lại có nhiều điểm than, tôi hỏi: “Anh phải đau phổi không? Phổi bên trái, phía trên sợ bị vi trùng làm hại rồi. Anh nên đi thầy thuốc rọi kiếng”. Anh ấy lấy làm lạ bảo: “Tôi đã rọi kiếng, thì thầy thuốc cũng nói như thế. Không rọi kiếng, làm sao ông lại biết rõ được như vy?’”. Tôi nói: “Có gì lạ. Tôi thấy cặp mắt anh khác thường, nên để ý mới thấy”. Anh ấy đi lại tấm kiếng, đứng nhìn một hồi, day lại nói: “Sao tôi không thấy gì cả. Hai con mắt cũng như nhau”. Tôi trả lời: “Anh làm gì thấy được những điều anh không biết. Phải có học cách xem bệnh trong con người, chừng ấy anh mới có thể thấy được như tôi.

 

Do trên đây mà xét, ta thấy có hai điều nên để ý:

 

a) Điều thứ nhất: Trước một sự vật, chỗ nghe thấy của ta không bao giờ đầy đủ được. Có nhiều điều ta không thể thấy được, mặc dầu ta cố để hai mắt mà nhìn, hai tai mà nghe.

 

b) Điều thứ hai: Sự ngụy tạo của trí nhớ. Thường thường ta hay thêm vào những điều gì ta không nhớ, để bù vào sự nhớ của ta cho được đầy đủ. Trí não ta sợ “hư không” lắm. Hễ có chỗ trống, thì nó tìm cách bù vào bằng trí tưởng tượng. Đây là một tỉ dụ thường xảy ra hằng ngày. Lắm khi ta đứng trên lầu cao, nhận thấy đàng xa trong đám đông cái dạng của một người quen. Cái lối nhận thấy đó, tự nó thật là phi lý quá. Thật sự, thì trước hết, ta thấy một cái bóng đen dao động thôi. Trí tưởng tượng ta tiếp vào, thấy giống cách hoạt động của người mà ta đã quen. Ta đoán là chính người đó. Bấy giờ ta tìm thêm những yếu tố khác để chứng minh cái ức thuyết của ta là đúng. Ta cũng vẫn dùng Trí Tưởng Tượng để độ chừng quần áo và gương mặt người đó, thành ra, toàn là những điều do Trí Tưởng Tượng ta bù vào cho sự thiếu sót của cái thấy của ta.

 

Thật vậy, cái gì ta không thấy được rõ ràng, thì lại dùng Trí Tưởng Tượng mà bù vào. Đó là cái thói quen, rất nguy hiểm làm cho chứng cứ thường bị sai ngoa. Chính là cách nhận lầm cái bóng đen làm kẻ trộm, sợi dây buộc làm con rắn. Thấy trong bóng tối sợi dây buộc, và bởi không thấy rõ, ta liền đem trí tưởng tượng thay vào, cho đó là con rắn. Nghĩa là ngụy tạo một vật không có, thay vào một điều mà ta không thấy rõ.

 

Chứng cứ sai” không phải luôn luôn do sự thiếu trí nhớ. Thường lại do nơi sự nhận thức sai lầm. Chính ngay vào lúc ta nhận thức, sự vật đã bắt đầu có sự thay hình đổi dạng rồi. Ở đây, ta lại đi vào cái giới bao la của “tình cảm”. Ta thấy sự vật, thường ít khi nào y như nó có thật, mà thường thường là theo cái chiêu của ý muốn ta ao ước nó phải xảy ra như thế nào. Dục vọng, yêu ghét, óc phe phái, tư lợi… làm cho ta giải thích sai lầm tất cả những điều ta nghe thấy. Không cần phải nói ra, cái kết quả tai hại của những chuyện hiểu lầm rất đáng tiếc thường xảy ra giữa người và người, hoặc giữa dân tộc này với dân tộc khác rất nhiều, không ai không th

 

Tai hại hơn hết, là những kẻ đem lại những chứng cứ sai ngoa ấy, lại là những kẻ hết sức thành thật. Họ không có chút lòng dối trá gì cả, vì chính họ tin thật cái điều họ thuật lại cho mình kia là đúng cả trăm phần trăm. Họ tin như thế, nên họ mới quả quyết như thế. Đó mới thật là nguy hiểm.

 

Bởi vậy, đối với những điều kẻ khác tố cáo, thuật lại, hay biên ra, ta phải hết sức thận trọng dè dặt cho lắm mới đặng. Bất cứ là chứng cứ nào, hãy phê bình nó rồi sẽ tin sau. Phải coi chừng sự dối trá của người, nhất là những nguyên nhân sai lầm về tâm lý mà người thường vô tâm sa vào như ta đã thấy ở trên.

 

Ta nên để ý điều này: Những kẻ có chủ tâm gạt gẫm mình thì ít, mà những kẻ vô tâm gạt mình thì rất nhiều. Vì vậy những chứng cứ thành thực (sincères) rất dễ tin hơn những chứng cứ xác thực (véridiques).


 

Giờ hãy bàn qua phương pháp phê bình sử học: Ở đây chỉ nói sơ lược để ta có thể biết qua đại thể của nó thôi, để ứng dụng vào những việc lặt vặt hàng ngày chớ không phải dành riêng cho nhà viết sử hay nghiên cứu sử mà thôi.


 

a. Phê bình ngoại bộ

 

1. Trước hết nhà làm sử hay viết sử phải để ý đến sự tìm tài liệu cho đầy đủ. Tài liệu mà thiếu sót thì không thể nào có cơ sở để phê bình được. Tìm tài liệu là để tìm ra sự thực.

 

Sự thực là gì? – Là những sự có thực xảy ra. Đó là lấy theo nghĩa hẹp và cụ thể của nó. Còn lấy theo nghĩa rộng và trừu tượng của nó thì “sự thực” cũng dùng để chỉ một ý tưởng, một trạng thái của tâm lý hay một ý kiến.

 

Nếu lấy theo cái nghĩa hẹp của nó, thì ta phải để ý kỹ điều này: Với tài liệu, chưa ắt ta đã nắm ngay được sự thực. Như ta đã thấy, tài liệu là những hình ảnh sai lầm của sự thực. Những chứng cứ của kẻ khác đem lại cho ta đâu phải là thực sự trăm phần trăm. Trái lại, nó là những phán đoán hay phỏng đoán của kẻ khác trong đó đã pha cách ít nhiều dục vọng ưa ghét rồi. Thật vậy, những điều kẻ khác đem lại cho ta toàn là những điều mà họ muốn cho ta thấy như họ. Nếu họ ưa, thì họ sẽ thêm thắt hoặc sới bớt câu chuyện, sắp đặt cách nào cho câu chuyện ấy trở nên dễ ưa. Trái lại, nếu họ ghét thì họ cũng hoặc thêm hoặc bớt, sắp đặt cho câu chuyện ấy trở nên dễ ghét. Cũng cùng một việc đánh lộn, mà những người chứng kiến, người thì kể chuyện lại như vầy, kẻ thì kể chuyện lại như kia, không bao giờ giống nhau, lại còn trái ngược nhau l khác.

 

Bởi vậy, ta phải phân biệt cẩn thận cái nào là “sự thực”, cái nào là “phán đoán” hay “phỏng đoán” và cố nhiên là phải dùng những cái trước làm tài liệu. Những cái sau, nếu muốn dùng, phải lo “tẩy sạch” cái “màu chủ quan” của nó đi – để tìm lại cái thực diện của nó, nghĩa là phải phê bình nó một cách không thiên lệch mới được.[58]


 

2. Tìm được tài liệu rồi, hãy phê bình về lai lịch của nó. Phê bình về lai lịch của nó, thì hỏi coi:

 

a) Nó ở đâu mà đến?

b) Nó xảy ra hồi nào?

c) Và ai thuật nó lại?

 

Phê bình về lai lịch của sử liệu là cốt để kiểm tra lại sự chính xác của nó, bởi có rất nhiều tài liệu hoàn toàn giả, do bọn con buôn vô liêm sỉ “giả mạo” bán cho những người hiếu cổ.

 

Cũng có nhiều câu chuyện người trước ta, họ tạo ra, rồi truyền tụng lại một cách quả quyết như chuyện có thật, như những câu chuyện Cống Quỳnh, Thị Điểm, v.v Ta phải coi chừng những “ngụy tạo” ấy.

 

3. Ta lại cũng phải biết “phục hồi” lại nguyên văn hay nguyên thể của món tài liệu của mình đang nghiên cứu nữa. Có nhiều tài liệu truy ra, thấy thật là món tài liệu chính xác rồi, nhưng mà trong đó có nhiều chỗ hoặc nhiều chữ, nhiều câu hay nhiều đoạn văn bị kẻ khác thêm vào (sách xưa thường bị sự thêm thắt ấy, vì người chép sách hay thêm ý riêng mình vào), hoặc vì kẻ sau cho là nói không hết ý nên họ tự tiện viết tiếp theo, thành ra “tam sao thất bổn” – Lại nữa, cũng có khi quyển sách bị ấn công sắp lộn làm cho sai cả nguyên văn. Vậy mình phải để ý tìm cách để hồi phục lại nguyên văn mới được.

 

b. Phê bình nội bộ

 

Biết được lai lịch và phục hồi lại được nguyên thể hay nguyên văn của sử liệu rồi – đó mới chỉ là công việc phê bình ở ngoại bộ thôi. Muốn cho cuộc phê bình được đầy đủ, phải đi vào nội bộ của nó mới được.


 
Phê bình một “sự thực” nào bất kỳ, theo cái nghĩa “rộng” và “hẹp” của nó, cần phải phân ra làm hai giai đoạn:

 
  1. Giải thích nó;
  2. Tìm sự thành thật và đích xác của nó.

 
 
1. Giải thích tài liệu
 

Trước hết, phải tìm hiểu coi tác giả muốn nói gì?

 

Đây là lối phê bình, để tìm lại cái chính nghĩa của một bản văn, từ cái toàn thể cho đến từng chi tiết của nó. Thường thường, nếu văn chương của tác giả rõ ràng, tư tưởng trong sáng, thì có gì là khó khăn. Nhưng sự thực thì không phải gặp được như thế mãi đâu. Phải coi chừng: Nhiều khi tác giả (thuộc về thế hệ trước) dùng một thứ tiếng như ta, nhưng trái lại để chỉ về một nghĩa khác hơn ta đang hiểu và đang dùng bây giờ. Đọc cổ văn thường gặp những cái khó khăn này. Bởi có nhiều nhà nghiên cứu họ gán cho cổ nhân nhiều tư tưởng tân thời mà tự cổ nhân không bao giờ nghĩ đến.

 

Có khi tác giả lại viết tới một lối văn tự riêng của họ, nhất là những nhà triết học tư tưởng. Vậy ta phải biết cho thật rõ cái định nghĩa riêng của văn tự họ. Tỉ như đọc sách của Montaigne mà thiếu bản tự vị về những danh từ dùng riêng của ông và ở thế hệ ông, thì không tài nào hiểu nổi ông. Còn đọc sách Á Đông, như đọc Lão Tử, Trang Tử mà cứ hiểu theo cái nghĩa văn tự thời bây giờ, thì hiểu sai nhiều.

 

Chẳng những văn tự khác mà cả đến văn pháp cũng khác nữa. Tìm lại được cái nguyên nghĩa của bài văn xưa, đâu dễ gì!

 

Có khi tác giả lại dùng một lối văn “hài hước”, “ẩn dụ” hay “bóng dáng”. Nếu vô tình, ta lại tưởng đó là lời nói thật, thì lại càng bị sai lầm biết mấy.

 

Seingobos và Langlois nói: “Cái khuynh hướng tự nhiên, dầu là những nhà viết sử làm việc theo phương pháp cũng vậy, khi đọc một bản văn nào là cốt tìm ngay tài liệu để tham khảo chớ không chịu tìm hiểu coi ý tác giả muốn nói gì trong đó. Cái lối làm việc đó có thể được đối với những tài liệu thuộc về thế kỷ 19, do những kẻ cùng một lối tư tưởng, cùng một lối ngôn ngữ như ta… Trái lại, nếu gặp phải những lối văn chương tư tưởng không đồng với ta nữa, hoặc cái nghĩa của bài văn không được rõ ràng và không thể dị nghị được nữa thì thật là nguy hiểm. Kẻ nào đọc văn mà không lo tìm hiểu tác giả, cố nhiên là đọc nó theo cảm tưởng của mình; trong (bài văn dùng làm tài liệu) kia, họ chỉ để ý đến những câu hoặc những chữ nào thích ứng với những quan niệm riêng của họ hoặc hợp với ý kiến của họ đã có sẵn trước đối với sự vật, họ tách làm thành một bản văn riêng theo trí tưởng tượng của họ và đem bản văn ấy thay vào bản chính văn của tác giả”.[

 

Vậy, nhà làm sử phải tự lập một qui luật này: Phải tìm hiểu bài văn theo cái chân nghĩa của nó, trước hết, rồi sau sẽ tự hỏi: nó có thể dùng được chỗ nào để làm tài liệu cho lịch sử?

 

Nhân đó, ta có thể tóm lại trong một câu này, cái quy luật trọng yếu nhất của phép làm sử: “Một câu văn, nghĩa nó thay đổi chẳng những tùy theo thời đại và tùy theo đoạn văn nó đứng mà tùy theo đại ý của toàn bài mà nó chỉ là một phần trong đó; ta chớ nên bao giờ tách ra một câu ngoài cái văn mạch của nó, nghĩa là ngoài cái bài mà nó chỉ là một câu hay một đoạn trích ra; và nếu ta giải thích nó, phải luôn luôn thể theo những câu văn liên lạc chung quanh nó”.

 

Trong một bài văn, luôn luôn tư tưởng này với tư tưởng kia liên quan mật thiết với nhau, nếu chỉ “tách” ra có một đoạn, thì tư tưởng bị “tách” ra ngoài cái bài văn ấy có khi không có nghĩa gì cả, hoặc có những nghĩa trái nghịch với tư tưởng chung của cả toàn bài cũng không chừng. Thường những nhà bút chiến hay chặt khúc và trích một đoạn văn trong một bài, một câu văn trong một đoạn, hoặc một chữ trong một câu, để thay đổi cái chính nghĩa của nó đi và cố bắt bên dịch phải nói những điều mà kẻ ấy không bao giờ có nói… Cái thủ đoạn thô bỉ và vô liêm sỉ ấy rất được phần đông công chúng vô học thức hoan nghênh và tín nhiệm lắm, nhưng rốt cuộc, nó chỉ là một khiếp nhược mà thôi. Nhưng, nhà phê bình cũng có thể vô tình sa vào cái lầm ấy, nếu họ không chịu để ý đến văn mạch.

 

Trong một bản nguyên văn còn không nên trích sai trích thiếu, huống chi trích lại những đoạn văn mà kẻ khác đã trích thì nhất định không nên. Phải đọc ngay nơi nguyên văn, nghĩa là nơi những sách do tay đầu tiên viết ra. Không nên bao giờ căn cứ nơi những sách do tay thứ hai nghiên cứu viết lại. Những câu văn của họ trích ra, ta không nên căn cứ vào đó dùng làm tài liệu: Biết đâu họ không trích thiếu hay trích sai? Vậy, nếu muốn dùng nó, ta hãy xem lại ngay bản chánh văn để kiểm tra lại mới được. Đọc sách nghiên cứu không nên trọn tin nơi những câu chứng dẫn của họ, trái lại, phải luôn luôn dò lại chính văn. Bởi vậy, những nhà khảo cứu khi chứng dẫn cần phải chua xuất xứ mới đúng phép.


 

Nếu ta chỉ muốn biết tư tưởng của tác giả mà thôi, thì công việc tìm hiểu bản ý của họ như thế là đủ rồi. Nhưng điều khi chủ ý lại muốn tìm coi cái việc họ nói đó có thật không? Cho nên, chỉ giải thích nó không mà thôi chưa đủ, cần phải phê bình thêm một bước nữa để tìm sự thành thực của tác giả và sự đích xác của tài liệu.


 
2. Tìm sự thành thực của t”>

Tác giả có thành thực không? Muốn trả lời câu hỏi này, ta hãy xét qua những nguyên nhân tâm lý sau đây khiến cho tác giả nói sai với sự thật:

 

a) Tác giả có phải vì lợi tư mà nói dối không? Trong khi họ viết ra đó, quyền lợi họ buộc họ phải nói như thế, vì nếu nói khác đi sẽ có hại cho họ. Hoặc vì địa vị, họ cần phải giữ gìn mà phải nói sai sự thực đi… Hoặc vì lý tưởng, vì tự kiêu mà họ buộc lòng bỏ qua hay thêm bớt sự thực đi để đừng chạm đến tín ngưỡng và danh dự riêng của họ?

 

b) Tác giả có phải vì hoàn cảnh buộc lòng phải nói không đúng với sự thật để mưu sự an thân không? (những nhà văn nước ta ở vào các triều đại xưa, đâu có dám nói “toạc” sự thật, trái lại họ phải quanh co úp mở… Những nhà văn ở các nước độc tài cũng thế.)

 

c) Tác giả có những ưa ghét riêng, đối với một người nào hay một nhóm người nào?

 

d) Tác giả có phải vì muốn “mị dân”, nghĩa là chiều theo thị dục của quần chúng, hoặc vì muốn tránh sự đụng chạm hay xung đột với lòng tín ngưỡng của quần chúng mà nói sai sự thật không?

 

e) Tác giả có phải vì thiên về chủ nghĩa nào, thiên về phe phái chính trị hay tôn giáo nào, thiên về xứ sở hay quê hương mình, thiên về giai cấp xã hội của mình đang đứng… mà nói sai sự thật không?

 

f) Hoặc tác giả vì lợi dụng của một hội đoàn nào mà tác giả là một phần tử quan trọng. Vì quyền lợi chung của hội, tác giả buộc phải làm thinh hoặc không được nói ngay sự thật nào có hại cho hội đoàn?

 

g) Tác giả có phải vì tính hiếu danh mà xướng xuất ra những điều không đúng với sự thật không?

 

h) Tác giả có phải vì chuộng mĩ thuật văn chương hơn sự thật, muốn cho câu chuyện được ly kì đẹp đẽ, lý thú… mà thành ra nói không đúng với sự thực không?

 

Phần đông con người có tính hay thuật lại một câu chuyện không phải y như nó đã xảy ra mà là theo cái ý tưởng tượng, muốn nó phải xảy ra như thế nào mới thú vị cho, và họ lại chịu tin như thế hơn. Vì theo họ, có xảy ra như thế ấy, mới có nghĩa lý và thi vị hơn – Phần nhiều, những “tiếng nói lịch sử” đều toàn do trí tưởng tượng của nhà viết sử mà ra. Họ “tiểu thuyết hóa” hay “thi vị hóa” cả mọi sự việc của họ nghe thấy…


 
3. Tìm sự đích xác của chứng cứ
 

a) Phê bình tài liệu: Chỉ tìm sự thành thực của tác giả mà thôi, không đủ. Vì người thành thực chưa đủ bảo đảm rằng điều họ nói là đúng với sự thật: Họ vẫn cũng bị sai lầm như mọi người.

 

Vậy, tìm sự thành thực của tác giả rồi, cần phải tìm coi điều của người nói có đúng với sự thật không? Tác giả có thể là người thành thực lắm, nhưng bị ở vào một trường hợp không thuận tiện cho sự quan sát nên sự nghe thấy sai đi.

 

Bất kỳ là ai đều không bao giờ chịu tin những lời nói của người điên. Cái đó là hiển nhiên rồi, là vì những điều họ nói đều do ảo giác của họ mà ra nên không thể bằng cứ vào đó được. Nhưng nếu không nên tin nơi ảo giác của người điên thì mình cũng phải coi chừng những cái mà triết học thường gọi là “bán ảo giác” tức là những thành kiến và ảo tưởng. Chúng ta thường xem sự vật ở đời theo như lòng sở nguyện của ta muốn cho nó phải xảy ra như thế nào, hoặc theo như ta quen thấy nó đã xảy ra. Nếu trái lại, nó xảy ra không theo ý muốn của ta, thì ta lại cưỡng ép nó phải chiều theo ta, nghĩa là ta giải thích nó theo thành kiến của ta. Hoặc nếu nó xảy ra không giống với những điều ta quen thấy, thì ta cũng cố cưỡng giải thích nó theo những điều ta đã quen thấy, chớ không chịu thoát khỏi cái tâm lý eo hẹp của ta, để độ hiểu hành vi của kẻ khác. Bởi vậy, những câu chuyện của những nhà du lịch kể lại thường không bao giờ đúng với sự thật, hoặc vì họ gặp phải tâm lý các dân tộc không giống với tâm lý họ, nên họ không thể hiểu được.


 

Tác giả sai lầm vì thấy sai, nghe sai, hoặc nhớ sai… vì quan sát không đúng, nhận thấy sự vật theo thành kiến của mình, và tưởng rằng mình nhớ trong khi mình chỉ có tưởng tượng mà thôi – Tùy theo việc, nếu người thuật lại một câu chuyện mà mình biết chắc rằng người ấy rất sành chuyện đó, lẽ cố nhiên mình có thể tin người đó. Tỉ như, nếu là một ông thầy thuốc mà thuật lại về việc bệnh hoạn, tự nhiên mình tin họ hơn một kẻ “tay ngang” nói về câu chuyện ấy. Vì chỉ có người chuyên về một môn nào mới có thể rành được những chi tiết trong món chuyên môn của họ, chớ kẻ không biết gì cả trong đó, dầu có mở trao tráo cả đôi mắt cũng không làm gì thấy trong đó có những gì cho đúng đắn được. Bởi vậy, sở dĩ tác giả thành thực mà lời thuật không đúng với sự thật, là tại câu chuyện của họ thuật ở ngoài của họ. Các ông thầy thuốc xem bệnh có bao giờ chịu tin theo những lời khai bệnh của bệnh nhân hay của người nhà của người bệnh. Là họ biết những người ấy có hiểu gì được về bệnh chứng mà thấy rõ được nó như thế nào.


 

b) Những tài liệu mà tác giả đem lại cho ta, nếu không phải là những món tài liệu “sốt dẻo” chép lại liền sau khi quan sát hay mục kích, mà là dùng Trí Nhớ chép lại sau một thời gian lâu, tất nhiên ta phải đề phòng. Ta dư biết rằng: Trí nhớ của ta không thể tin cậy được, vì nó biến đổi rất dễ dàng và mau chóng. Bởi vậy, những thiên bút ký trong đó tác giả thuật lại những việc làm lúc nhỏ… không thể tin trọn được.[60]


 

c) Tác giả vì phận sự của nghề nghiệp buộc phải biên chép những điều không quan hệ gì đến mình cả. Hoặc như trả lời cho một bản điều tra của nhà chức trách: hoặc làm phóng viên cho nhà báo, tác giả chỉ biên lại những lời nói của kẻ khác, mà tác giả nghe “lóm” đó đây chớ không phải tự mình quan sát. Hoặc tác giả không phân biệt những giải thích của mình với những thực sự. Nếu là một anh thuộc viên thuật lại cho ta nghe câu chuyện trong một hội nghị cơ mật, thì anh ấy làm gì thuật lại đúng với sự thật. Chẳng qua anh ấy nghe lóm một vài mẩu của câu chuyện rồi thì, mấy chỗ thiếu sót, anh dùng trí tưởng tượng mà bổ khuyết vào cho câu chuyện có đầu đuôi. Đó là anh nhận lầm sự giải thích của anh làm thực sự, thành ra trong câu chuyện của anh, ta không biết chỗ nào là thực sự, chỗ nào là câu chuyện tưởng tượng.

 

Ta nên để ý điều này: Thường những việc xảy ra trước mắt dễ nhận thấy hơn là những việc xảy ra trong tâm giới. Cho nên, mỗi khi có người quả quyết một việc thuộc về tâm lý hay tư tưởng của kẻ khác, ta phải biết cho đó là một “phỏng đoán” chứ không phải là một “thực sự”. Và, ở vào trường hợp này, ta phải tự hỏi: Người ấy có đủ những điều kiện cần thiết để phỏng đoán như thế không? Người ấy có biết cách dùng những điều kiện cần thiết đó để quyết đoán đúng đắn không?


 

d) Có người thuật lại cho ta nghe một việc mà không tự người ấy tai nghe mắt thấy: Họ do một nơi khác kể lại. Tài liệu của người ấy đem đến cho ta đây là một món “tài liệu của một kẻ thứ hai” hoặc của một kẻ thứ ba hay thứ tư thuật lại cũng không chừng. Vậy, từ “tài liệu do tay đầu tiên” thuật lại cho ta hôm nay đã trải qua biết bao nhiêu lần nghe đi nói lại thì sự sai lạc lại càng to tát biết chừng nào. Những câu chuyện khởi đầu bằng câu: “Xưa kia có tích rằng…” hoặc “Có kẻ nói rằng…” đều không được. Biết đâu không phải chuyện toàn bịa đặt. Những câu chuyện do “thiên hạ đồn”, nhưng không biết đích xác là của ai, đều là những câu chuyện không nên tin vội một cách dễ dàng.

 

Bao nhiêu cách thức ở trên để giúp cho sử hiểu được tâm lý người xưa, dầu mình không nhận những tình cảm, những tín ngưỡng của họ. “Cái cốt yếu của óc phê bình là biết ra khỏi cái người của mình để hiểu và cảm theo kẻ khác”.


 
4. So sánh tài liệu này với tài liệu khác
 

Như ta đã thấy, những nguyên nhân sai lầm rất nhiều, bởi vậy, nếu một việc xảy ra mà chỉ có một người chứng kiến thôi, thì chứng cứ của người ấy không đáng kể. Muốn biết sự thật, cần phải có những chứng cứ của nhiều người để so sánh mới có thể tin được. Nhưng mà, những chứng cứ ấy cần phải khác nhau. Nếu người này chỉ chép lại chuyện người kia nói, thì không gọi đó là hai chứng cứ. Phải kể là có một thôi. Dầu câu chuyện này có được trăm ngàn người thuật lại, cũng một thế. Tỉ như: có mười nhà in cho in một bản văn nào. Đến sau có nhà in thứ 11 lại cho in một bản khác không giống với mười bản trên. Ta có thể nghĩ như vầy: Mười nhà in trước, nhà này chép lại bản của nhà kia, nên tuy có mười bản mà kể như có một thôi. Chưa rõ bản nào là đúng với chính văn, vì bản nào cũng có thể sai lầm cả, trừ ra bản của tự tay tác giả chép, hay là bản do nhà in đầu tiên cho ta là có thể tin đúng với nguyên tắc thôi. Nhưng, hai bản ấy, nhờ có chỗ sai biệt với nhau, ta mới có thể dùng làm tài liệu so sánh.

 

Bởi vậy, theo luật chung thì nếu hai chứng cứ mà giống hệt với nhau, ta mới có thể cho rằng chứng cứ này chép theo chứng cứ kia, vì dầu là hai người cùng đứng trước một việc, khi thuật lại, đại thể tuy giống nhau, chớ chi tiết bao giờ cũng có một đôi chỗ không giống nhau. Thử tưởng tượng trước mặt tòa mà hai người chứng thuật lại câu chuyện hệt nhau, từ đầu đuôi câu chuyện tới câu cán cũng rập như khuôn, thì ta phải nghĩ cho họ như ăn ý với nhau mà trả một bài thuộc lòng vậy thôi.

 

Nhân đó, ta có thể kết luận một cách dường như mâu thuẫn này: Những tài liệu so sánh với nhau được nhận là đúng nếu nó giống tương tự nhau, hơn là nó giống nhau như khuôn.

 

Ta còn phải coi chừng: Nhiều khi tác giả thuật lại một câu chuyện của kẻ khác nhưng trong khi thuật lại, họ thay đổi đi, đem hai sự quan sát khác nhau ráp lại, thành một chứng cứ có vẻ đặc biệt, nhưng khéo léo để ý ta sẽ thấy dễ dàng là một chứng cứ chép thoe một bản mà thôi.


 

Tuy nhiên, lắm khi ta cũng được nhiều chứng cứ “đồng thanh” về một việc. Đó là một điều rất may mắn lạ thường. Nhưng, ở trường hợp nào ta cũng cần phải coi chừng. Vì con người mà chùm nhum cho thật đông thường hay bị “ảo giác chung[61]mà đồng thấy sai sự thật. Ảo giác ấy có thể do một ám thị của một người thấy sai đầu tiên rồi thì, càng đông người sự truyền nhiễm tư tưởng và cảm giác càng mạnh, người ta bị sai sử theo một ám thị sai lầm mà không dè.

 

Trái lại, nếu nhiều người không cùng một phái, không cùng một lý tưởng… lại đồng thanh chứng nhận một việc, thì việc đó đáng tin hơn hết, vì vô lý mà thiên hạ cả một thế hệ đều ăn ý với nhau để lừa gạt mình.


 

Muốn biết một việc là có thật không, người ta hay lấy những sự hiểu biết hiện thời để đối chiếu. Nếu là một việc quả quyết là thật nhưng lại trái với những điều khoa học hiện thời đã công nhận thì không thể tin “liều” là có được. Tỉ như, có người quả quyết với ta rằng họ có thấy một người sinh ở thế kỷ thứ 14 mà đến nay vẫn còn sống, thì chắc chắn là ta không thể tin được, vì nó không đúng với những sự ta thường thấy hằng ngày. Cũng như chuyện xưa hay thuật lại những việc ma quỷ hoặc thần thánh hiện hình để phá rối hoặc bảo hộ người dân… Những câu chuyện ấy, không nên tin, vì nó rất trái với những luật tự nhiên thông thường của khoa học mà ta thấy hàng ngày.

 

Tuy nhiên, nói thế cũng phải coi chừng điều này: Ở đời lắm chuyện có thật, nhưng rất vô lý. Trái lại, lắm chuyện rất hợp lý lại không có thật. Khoa học chưa phải đã đạt đến mục đích cuối cùng của nó, nó còn đang tìm kiếm, bươi móc những bí mật của tạo hóa. Cho nên, biết đâu theo quan niệm hiện thời của khoa học, chuyện ấy là vô lý, nhưng vài ba thế kỷ sau, khoa học tiến bộ cao hơn, lại cho đó là hợp lý. Cách vài trăm năm trước, nói đến luồng điện giết người ở ngoài ngàn dặm, người ta sẽ cho là vô lý. Nhưng đến nay, chuyện ấy đâu còn vô lý nữa.

 

Lại nữa, nhà làm sử cũng như nhà phê bình, thường cho những điều gì hạp với lý thuyết mình, hạp với điều mình ưa thích, là có thể có được mà thôi; trái lại đều là không thể có. Nghĩ thế là sai.

 

Tóm lại, phương pháp phê bình sử học đã nói trên đây không phải chỉ để dùng cho việc nghiên cứu sử mà thôi. Quan bồi thẩm muốn tìm thủ phạm cũng dùng phương pháp phê bình sử học. Thường những sai lầm của công lý, là do sự thiếu óc phê bình mà ra. Trong đời sống hằng ngày, bất kỳ là một cái tin gì mà kẻ khác đem cho ta, ta cần phải đem nó ra mà phê bình một cách gắt gao mới được, nhất là những câu chuyện thiên hạ đồn đãi, hoặc những tin tức lợm lặt của báo chí đưa đến cho ta…

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.