Thuật Tư Tưởng
Chương IV LUẬN LÝ VÀ SỰ ĐỜI
A. Luận lý và sự đời
Luận lý đối với sự đời chỉ có một giá trị tiêu cực thôi. Nó chỉ dùng để ngăn ngừa sự sai lầm chớ không thể giúp ta tìm chân lý. Nó như một thứ đá thử vàng, rất cần thiết cho ta để phân biệt sao là phải, sao là không phải… chớ không thể giúp cho ta tư tưởng hay sáng tạo gì cả.
Dầu tư tưởng có được liên lạc chặt chẽ cách mấy, tổ chức chắc chắn thế nào… cũng có thể không ăn thua gì đến chân lý cả. Có nhiều lý thuyết đồ sộ, có hệ thống đàng hoàng lắm, thế mà không đúng với sự thật chút nào. Trái lại, “cái thật cũng có khi vô lý”. – Vô lý là không đồng với cái hiểu biết hiện thời của mình. Cho nên, lắm việc hết sức vô lý nhưng mà là sự thật mười mươi đấy.
Trong cuộc sống hàng ngày, luận lý thường bị sự thật đến làm cho tan vỡ. Là vì luận lý hình thức thì căn cứ trên sự Tịnh, mà cuộc sống hằng ngày, là một sự “trở nên” liên miên không ngớt. Trong khi suy nghĩ, phê phán một điều gì, cần phải để ý đến điều kiện của thời gian, tức là điều kiện “trở nên” của sự vật. Sống, là một cuộc thay đổi. Không thay đổi, không có sống. Cái Phải hôm nay có khi sẽ là cái Quấy của ngày mai. Muốn hiểu được cái “trở nên” của sự vật, phải dùng đến một lối luận lý khác, là Biện Chứng Luận, sẽ dành riêng một nơi khác. Luận theo Biện Chứng rất nguy hiểm cho những ai có óc giản lược, nên cần phải bày giãi cho tận tường không thể bàn sơ lược nơi đây. Tôi đã dành riêng nó trong một quyển khác[62].
Lý Trí chỉ dung để kiểm tra lại cái điều mà Trực Giác đã tìm ra, và chỉ có Trực Giác mới có thể đạt đến chân lý mà thôi. Nhưng đây lại là một vấn đề mà tôi đã bàn rộng trong những quyển sách khác[63], không cần lặp lại nơi đây.
Khi mình muốn giải quyết một vấn đề nào, cần phải xem xét kỹ cái đề của nó có đúng với sự thật không, vì nếu vô tâm cứ lầm lũi cho giải quyết những vấn đề không thể giải quyết được, thì không thể bao giờ giải quyết được. Chỉ có những vấn đề có thể giải quyết được mới giải quyết được mà thôi. Giá trị của luận lý hình thức, ta cần phải biết để nó cho trúng địa vị của nó, và đừng đòi hỏi nó quá cái sở năng của nó.
B. Ý kiến của mọi người
Mỗi người đối với mỗi vấn đề của nhân sinh, đều có ý kiến riêng, không ai giống ai.
Nói thế không phải mặc ai nấy lo, mặc ai nấy biết, không cần biết đến ý kiến kẻ khác làm gì, chỉ giữ theo ý kiến mình mà thôi. Không có người nào dám tự hào mình thấy được tất cả mọi phương diện của một sự vật. Mỗi người mỗi thấy được một phương diện hay vài ba phương diện là cùng. Những phương diện ấy, tuy mỗi người mỗi thấy một cách không được thật đúng đi nữa, cũng vẫn không nên xem thường. Vì không những ý kiến tầm thường, thiên lệch cho mấy cũng có ẩn trong vài phần sự thật. Ta nên dùng tất cả để làm tài liệu để biết cách phản công của mỗi người đối với sự vật hơn kém ý kiến mình như thế nào. Nếu của mình kém hơn, thì nhờ của người mà được bổ túc thêm. Bởi vậy, mình cần phải để ý đến ý kiến của mọi người cho lắm mới được.
Tỷ như đối với vấn đề giáo dục hiện thời mình cần nêu rõ ý kiến của các bậc thức giả trong nước như thế nào, để so sánh và bổ khuyết ý kiến của mình. Thống soái Foch có tính hay hỏi ý kiến của tên lính ngoài trận, không phải để bắt chước theo, mà chính là để dò xét nhân tâm và cũng là để phòng ngừa những điều thiếu sót của mình. Với một người muốn quan sát tận tượng, thì dẫu ý kiến của kẻ ngu cũng không nên bỏ qua. Pasteur khi nghiên cứu chứng bệnh trừu, đi cùng các học trò ông vào nhà quê. Ông thích nói chuyện với các bác dân quê để xem ý kiến của mỗi người như thế nào đối với chứng bệnh ấy. Các học trò của ông, thấy vậy, cười. Ông nghiêm sắc mặt bảo: “Các anh cần phải để ý nghe họ nói chuyện cho kỹ, rồi sẽ quan sát và thí nghiệm lại. Những kinh nghiệm của họ không nên xem thường. Óc khoa học cấm ta không nên có một thành kiến gì trước khi nghiên cứu một vấn đề nào”.
Trong khi bàn cãi một điều gì, mình không nên bao giờ có thiên kiến rằng ý kiến mình là phải mà của người ta là quấy. Nếu mình vì chân lý mà bàn cãi, thì hãy biết tìm sự thật trong những lý lẽ bên nghịch để bổ khuyết cho ý kiến của mình. Dầu địch thủ của mình có thiên kiến đến bậc nào, công kích mình đến đâu, họ cũng giúp ình thấy được chỗ yếu của mình, vì chỉ có kẻ nghịch mình mới thấy rõ chỗ yếu của mình thôi. Bạn thân của mình vì quá thương mình, khó thấy được chỗ dở của mình. Bởi vậy mới có câu ngạn ngữ: “Kẻ nghịch ta, là Thầy ta”. Bàn cãi với nhau, bao giờ cũng có lợi cho hai đàng. Nếu hai bên đều cố giữ lấy phần giải cho mình, và không chịu hiểu nhau, thì bàn cãi với nhau chỉ là một việc rất vô ích, cần phải tránh xa mới được.
Đừng bao giờ sợ những tư tưởng đối chọi với tư tưởng của mình. Đọc sách, tôi thường ưa đọc những sách phản đối những tư tưởng tôi thích, ngược với chiều tư tưởng thường lệ của tôi. Nhờ vậy, tôi nhận nhiều phương diện bất ngờ của chân lý.
Có bàn cãi mới có thêm ra ánh sáng. Nếu ta cứ cố chấp mãi trong ý kiến của ta mà thôi, tư tưởng ta không bao giờ tiến hóa nữa được. Một tư tưởng mà được đứng vững vàng trong khi các tư tưởng đối phương bao vây công kích nó mà không đánh ngã nó được, đó là một thứ tư tưởng đanh thép, ta có thể tin cậy được sự tồn tại của nó, ta có thể tin tưởng đặng. Người suy nghĩ để tầm chân lý, không bao giờ nên có óc tôn giáo hay óc bè phái. Óc tôn giáo hay óc bè phái là những bộ óc tín ngưỡng, sống theo những tư tưởng khuôn mẫu của một người hay một học thuyết nào rồi. Đó là những tinh thần già cỗi không còn biến hóa gì nữa đặng, chỉ sống loay hoay trong một cái vòng lẩn quẩn.
Tinh thần trí não của ta cần phải lầm cho nó được rộng đường tiếp xúc với các luồng tư tưởng bốn phương, thời mới có thể mau tiến bộ được đến cõi chí thiện. Nhưng, trong khi tiếp xúc và bàn cãi với những tư tưởng không đồng với tư tưởng của mình, đừng bao giờ tìm cách để tỏ mình là bác lãm mà chỉ nên tìm cách để được công bình và đúng đắn trong tư tưởng là cần yếu nhất. Nhà bác học cũng có thể tư tưởng sai lầm, nếu họ để tư tưởng dục sai sử. Cho nên, tư tưởng đúng đắn, là một vấn đề thuộc về nhân cách trước hết.
Vậy, muốn tư tưởng mà ít sai lầm, đừng bao giờ chịu làm “độc giả của một tờ báo” mà thôi. Hãy đọc nhiều tờ báo khác nhau, nhất là những tờ báo nghịch nhau, để nghe được nhiều tiếng chuông. Có được như thế thời mới có thể mong thấy đặng ít nhiều phương diện của sự thật.
Nhưng, nói thế không phải bảo mình tìm ngoài mình những “ý kiến sẵn” của kẻ khác để nghe theo. Xem ý kiến kẻ khác, là để tìm một ý kiến riêng cho mình. Ý kiến ấy có thể không hay gì hơn người, nhưng đối với ta nó có cái giá trị to tát lắm, là nhờ nó mình phát hiện được cả cái tinh hoa của cả cái người của mình.
C. Tinh thần điều hòa
Trong những ý kiến đa dạng của con người, phải quấy lộn xộn thật khó mà nhận thấy ý kiến nào là gần đúng với sự thật hơn hết. Như ta đã thấy, sở dĩ tư tưởng sai ngoa một phần rất lớn do nơi tánh khí của con người. Chỉ có kẻ nào có một tánh khí quân bình, tâm tính hiền hòa, có kinh nghiệm, có học vấn và biết đem cả tâm hồn mình phụng sự chân lý, thì ý kiến của người đó mới có thể xem là cận với sự thật được.
Thật vậy, luân lý thì chặt chẽ và tr không thích ứng kịp với sự tht ở đời. Chỉ có những kẻ kiêm cả Trí Thức, Tình Cảm và Ý Chí một cách điều hòa mới mon thích ứng kịp với sự vật và hành động được trúng tiết thôi.
Theo Tâm Lý học, tinh thần con người là sự hội họp của ba quan năng này:
a) Trí Huệ
b) Tình Cảm
c) Ý Chí
Nếu thiếu một trong ba quan năng này, hoặc ba quan năng này không được quân bình, thì người ấy làm cách nào có được một phán đoán đúng đắn mà không thiên?
a) Ròng tình cảm
Tinh thần ta sở dĩ không thích ứng kịp với sự vật, nguyên nhân chỉ vì không đủ tư cách hoặc không biết cách để hiểu mình, hiểu biết những yếu tố của Bản Ngã mình có được đầy đủ điều hòa không?
Xem cái hình sau đây dễ thấy hơn. Cái vòng tròn là chỉ về cái Bản Ngã của anh Ổi, trong đó có ba phần: Tình Cảm, Trí Huệ và Ý Chí. Phần Tình Cảm chiếm hết hai phần ba, một phần ba còn lại thuộc về Trí Huệ và Ý Chí.
Nếu người mà có một tinh thần như thế này thử hỏi họ phải làm cách nào để có được một phán đoán đúng đắn? Người này, nếu có đọc sách, thì chỉ tìm tiểu thuyết, tìm những thứ gì có thể thỏa thích được dục vọng của họ mới chịu xem. Nếu họ thiên về Tôn Giáo, thì chắc chắn họ lựa những tôn giáo thần bí hứa hẹn với họ sự yên vui khoái lạc bây giờ và sau khi chết. Hạng người này sợ khen chê của dư luận lắm. Bị chê, họ ăn ngủ không được, đau đớn vô cùng. Được khen, họ sung sướng “nở mũi” đi, họ rất cảm tình vói những ai cùng một phe đảng với họ, vì chỉ có những người cùng phe phái với họ mới không bao giờ công kích chê bai họ. Họ thích tụ hợp với những người cùng đồng một phe phái họ, để khen tặng lẫn nhau, đua bợ lẫn nhau và luôn tiện để chỉ trích châm biếm kẻ đối phương cho hả lòng oán tức. Họ là một tín đồ hay một chiến sĩ rất nhiệt thành của một lý tưởng nào. Tín ngưỡng của họ rất mạnh. Họ dám hi sinh cả đời sống họ để phụng sự lý tưởng họ. Tín ngưỡng họ rất mạnh, mạnh đến đỗi họ dám thủ tiêu bằng bất kỳ thủ đoạn nào những ai cả gan phản dối hoặc chỉ trích họ. Họ là những người không thể bao giờ chịu phục thiện, chịu ngã lẽ trước một lý luận đanh thép của bất kỳ ai. Dùng lý luận để cho họ thấy sai lầm của họ là một việc vô ích. Trí Huệ của họ nếu được dùng đến, là để tìm những lý lẽ thuận với lòng ao ước của họ, để biện hộ cho những hành vi mâu thuẫn của họ. Lý Trí của họ, nếu họ có dùng đến làphụng sự cho Tình Cảm của họ. Lối luận của họ, là lối luận của Tình Cảm mà ta đã thấy trước đây. Đối với họ: Lý luận là những phương pháp để dụ hoặc kẻ khác và tự mình biện hộ cho những hành động của mình.[64]
b) Ròng Trí Huệ
Đây là sơ đồ của người ròng Trí Huệ: phần Trí Huệ lấn cả hai phần kia là Tình Cảm và Ý Chí.
Người mà có một tinh thần như thế này, chỉ sống ròng với tư tưởng của họ. Ngồi ăn, họ không nghĩ đến việc ăn, chỉ lo bàn những sách vở, những lý thuyết ca xa bể óc… Họ quên cả ăn, cả ngủ, cả sự khoái lạc vật chất. Họ không bao giờ đọc hết được một quyển sách nhảm, nhất là tiểu thuyết cầu vui, những sách văn chương phù phiếm. Người này thông thái lắm, nhưng không thích hợp với đời. “Người trí, thì quá chỗ trung” (Trung Dung). Lắm khi, thiếu cả óc thực tế, họ không bênh vực nổi quyền lợi vật chất của họ.
Trong khi những phát minh sáng tạo của họ, người khác lợi dụng mà làm giàu to, họ vẫn sống trong cảnh nghèo khó. Xem ngay đời sống các bậc thông thái, ta sẽ thấy đời thực tế kém sút, nhưng đời tinh thần tư tưởng của họ thì quá sức cao xa. Đó cũng là mất quả quân bình. Vì quá thấy rõ sự thật, nên khi hành động họ quá thận trọng mà ra rụt rè…
c) Ròng Ý Chí
Hạng người này phần Ý Chí lấn cả hai phần kia: Khẩu hiệu của họ là “Hành động!”… “Tiến tới!” Đối với họ, những hạng người tư tưởng, những kẻ đa cảm đa tình là những hạng người đáng thương hại nhất. Theo họ, những người đó là những con bệnh của thần kinh, những người thiếu sự sống. Họ nghĩ được điều gì thì hối hả thực hành ngay, không so đo cân nhắc lợi hại gì cho lâu cả. Chừng nào có “đụng đầu” sẽ hay. Ấy là hạng người vụt chạc, nông nổi… dễ bị sai khiến. Trong khi các bạn tác của họ còn đang lo nghĩ tìm kiếm tài liệu hoặc so đo cân nhắc lợi hại… thì họ cùng một vài bạn đồng chí đã bắt tay vào việc rồi. Cũng có khi, công việc ấy lại thành, nhưng cũng là việc “cầu may” chớ không phải vì đã trù nghĩ kỹ càng. Việc làm họ rất nghịch với tư cách khoa học, và thường đưa đến cho họ lắm tai họ bất ngờ.
Trên đây, là phác họa về ba hạng người mà quan năng thiên lệch, các bạn thấy rõ cái của nó đối với thuật tư tưởng như thế nào?
Người ta sống vào buổi này, sự phân công trong xã hội càng ngày càng thiết yếu, khó mà tránh được sự thiên lệch trong những quan năng của con người được. Xã hội cần có những đầu óc để nghiền ngẫm cho đến nơi đến chốn những huyền bí của tạo vật cùng những kẻ có rất nhiều nghị lực hoạt động để thi hành triệt để công việc đã trù nghĩ kia. Nhưng một người thiếu sự điều hòa như thế, thường dễ bị sai lầm. Chúng ta, cần phải tìm lấy một sự quân bình trong các quan năng để thích ứng với sự đời một cách khít khao vừa vặn mà không phải tiêu ma cá tính của ta.
D. Tư tưởng theo mình
Phải có đủ can đảm suy nghĩ theo mình, đừng mô phỏng theo ai cả.
Gương các bậc vĩ nhân trong tư tưởng giới không nên để nó làm cho nản lòng rủn chí mình. Nếu biết để dục vọng một bên, giữ cho lòng thật công bình, không hối hả thời tư tưởng có khác gì các bậc nói trên.
Tư tưởng theo kẻ khác sẽ không phải là tư tưởng. Đành rằng ta phải lo tránh các sự sai lầm, nhưng đừng sợ sai lầm. Có nhiều kẻ quá thận trọng, thành ra rụt rè suốt đời không dám quả quyết một việc gì cả. Nhiều bạn trẻ khi nghe tôi bàn đến những nguyên nhân sai lầm, viết thư cho tôi để tỏ sự hoang mang lo nghĩ: “Tôi thấy không đủ sức có được một ý kiến gì ở đời cả. Tránh cho được sự sai lầm thật vạn năng. Giờ phải làm sao đây?”.
Những kẻ viết câu này, thật không phải là kẻ tầm thường. Họ chỉ có một điều lầm này: Là quá ngờ mình. Nhưng, những người đó, chính là những kẻ sau này tư tưởng có thể chính đính hơn hết. Kẻ mà trước khi phê phán hay quyết đoán một điều gì đã lo ngại đến sự sai lầm, đã nhận chân được sự khó khăn của con đường tâm lý, thời sự phán đoán của người đó không thể xem thường được. Trái lại, những kẻ tự thị, cẩu thả, cái gì cũng hấp tấp vội vàng không nhận thấy sự khó khăn của tư tưởng, thời sự phán đoán của họ làm sao không sai lạc được.
Người có tư tưởng tinh tế giống như kẻ có một tấm lòng đạo đức tinh anh. Thật vậy, kẻ ít lỗi lầm, thường là kẻ hay nghiêm khắc đối với mình. Người phán đoán đúng đắn, thường là kẻ ít dám quả quyết vội vàng.
Tuy nhiên, đối với những vấn đề quan trọng mà ta gặp hàng ngày ở đời, phận sự buộc ta phải biết suy nghĩ phán đoán lấy một mình, không nên mô phỏng theo ai cả, nếu mình không muốn làm một con vật tha hồ để ai sai sử như thế nào cũng
Thận trọng trong sự phán đoán là cần thiết, mà rụt rè đến không dám quyết đoán, thời là một điều thái quá không nên có. Tư tưởng là để quyết đoán; không ai chỉ tư tưởng để tư tưởng mà thôi. Không dám quyết đoán để tránh sai lầm thời có khác nào không dám ăn dám thở nhằm tránh ăn nhằm vi trùng, thời nhằm hơi độc. Làm thế là tự giết tinh thần của mình. Có dại mới có khôn, có bại mới có thắng, không nên quá lo ngại đến rụt rè không dám quyết đoán gì cả trong khi ta cần phải quyết đoán.
Khoa học, kĩ nghệ tiến bộ lạ lùng, nhưng trái lại, tinh thần ta không tiến được bao nhiêu cả, lại thối bộ là khác nữa. Như xe hơi, xe điện, xe lửa, máy bay, đi thế cho ta thét rồi ta hết biết đi bộ nữa. Máy móc làm thế cho ta tất cả, riết rồi ta hết biết làm việc nữa. Những nghiệp đoàn, báo chí, tôn giáo… tư tưởng thế cho ta rồi, riết ta cũng hết biết tư tưởng nữa. Nghiệp đoàn thì tư tưởng thế cho thầy thợ, báo chí thì tư tưởng thế cho độc giả của nó. Những điều ta cảm hay suy nghĩ đều do bên ngoài đúc sẵn sàng cho ta tất cả: Ta chỉ còn là một cái máy truyền thanh mà thôi.
Nói thế không phải muốn bảo ta đừng để ý đến ảnh hưởng bên ngoài – mà chính là khuyên ta đừng để ảnh hưởng bên ngoài sai tư tưởng mình như một cái máy – ảnh hưởng bên ngoài chỉ để giúp ta tư tưởng, không phải để làm cho ta mất tư tưởng.
Bởi vậy, kẻ nào chỉ làm độc giả của một tờ báo thôi, thì dầu có thành thật đến đâu cũng không biết tư tưởng là gì cả. Những người theo đạo Cơ Đốc không dám hoặc không chịu đọc sách vở của đạo Phật, những kẻ theo duy tâm không chịu đọc sách của phái duy vật, nhưng kẻ theo duy vật không chịu đọc sách của phái duy tâm… đều là những kẻ không biết tư tưởng là gì cả. Đừng nói: đọc thì đọc, chớ không để ai nhồi sọ! Nghe một tiếng chuông và nghe mãi một tiếng chuông ấy thôi, thì làm gì biết được sự thật ở đâu, làm gì thoát khỏi sự mê hoặc vì thiên kiến. Tích xưa: ông Tăng Sâm ở đất Phi. Ở đấy, có kẻ trùng tên với ông giết chết người. Một người hơ hãi chạy đến bảo mẹ ông Tăng Sâm rằng: “con bà giết người”. Bà mẹ nói: “Chẳng khi nào con ta lại giết người”. Rồi bà cứ điềm nhiên ngồi dệt cửi. Một lúc lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người” Bà mẹ không nói gì, vẫn cứ điềm nhiên ngồi dệt cửi. Một lúc nữa, lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn[65]. Một bà mẹ hiểu con và tin cậy nơi cái lòng đạo đức nhân hậu của con như bà mẹ Tăng Sâm đây, vì nghe mãi câu “Tăng Sâm giết người” cũng còn phải tin là có thật mà chạy trốn. Tất cả cái thuật thôi miên đều ở trong cái thuật lặp đi lặp lại mãi một ý tưởng: người nghe cứ mãi một câu nói, rồi cũng đồng hóa với ý tưởng ấy không thể cãi được. Há không phải đáng sợ sao? Đọc mãi một tờ báo hay một thứ sách nào, ta sẽ bị nó “thôi miên” không sai. Trái lại, nếu đọc nhiều tờ báo khuynh hướng khác nhau hay nghịch nhau, giúp cho mình tư tưởng rất hay, phán đoán rất đúng. Nhờ đó, mình so sánh cân nhắc, rất dễ thấy sự thật. Một ông quan tòa trước khi quyết đoán một cái án nào, đều để tai nghe cả hai bên tiên cáo và bị cáo luôn cả trạng sư hai đàng. Để chi, để tránh sự sai lầm vì thiên kiến trong khi phán đoán. Trước khi nhận một ý kiến nào cần phải giống nó với nhiều ý kiến khác cùng loại.
Ta cũng đừng để phát minh của cơ giới như ra-đi-ô, hát bóng, truyền hình… làm hại đời sống tinh thần ta; trái lại, phải khéo lợi dụng nó để giúp cho ta tài liệu để hành động cho có kết quả chắc chắn hơn. Máy móc, đừng để nó làm chủ tinh thần mình, phải biết dùng nó để giúp cho tinh thần mình[66]. Để cho tinh thần mình bị hát bóng, ra-đi-ô, báo chí, cơ giới hóa đi, thời là một tai họa trớ trêu và đau khổ nhất của loài người hiện thời vậy.
- Bàn cãi với kẻ khác, hoặc với mình; và
- Hành động để thí nghiệm.
Bàn cãi, là để cho thêm ánh sáng để thấy rõ những khuyết điểm của mình nghĩa là để tìm chân lý. Chớ lầm lộn với sự tranh luận để giành phần phải cho mình, bàn cãi theo lối nhà chiến sĩ tranh đấy cho lý thuyết của mình. Bàn cãi là để thấy rõ đủ mọi phương diện của một việc, và để tìm một phương hướng, một nguyên tắc để hành động.
Hành động, là để coi nguyên tắc đã trù nghĩ kia có đúng với sự thật không? Hành động là một thứ “đá thử vàng” để ta phân biệt sự hư thực của tư tưởng. Hòa hợp hai cử chỉ ấy là sống đấy, vì sống là tư tưởng và hành động một cách điều hòa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.