Thuật Tư Tưởng

Chương V TÍN NGƯỠNG VÀ TRÍ THỨC



Hiểu biết và tin tưởng là hai điều khác nhau xa; cái nguyên tắc của nó không giống nhau. Thế mà xưa nay người ta hay lầm lẫn hai vấn đề này với nhau lắm.

 

Trước kia, tôi có nói qua vấn đề Tín Ngưỡng. Nay bàn lại cho rõ ràng và dễ hiểu hơn. Trong thuật tư tưởng, vấn đề tín ngưỡng và tri thức thật là hết sức quan hệ, không thể bỏ qua mà không biết cho được.


 

Tín Ngưỡng là bất kì một ý tưởng, một giáo lý nào mà ta chỉ tin suông thôi, không cần quan sát và thí nghiệm lại. Trái lại, một đức tin mà quan sát và thí nghiệm thấy đúng với sự thật, thì không còn gọi là tín ngưỡng nữa, mà phải gọi đó là trí thức nghĩa là hiểu biết.

 

Đối với Tín Ngưỡng, thì Lý không còn ăn thua gì nữa cả. Nó có chen vào chăng là chỉ để mà biện hộ cái điều mình đã tin tưởng kia thôi.

 

Tín Ngưỡng và Tri Thức, là hai lối tác động của tinh thần khác biệt nhau xa.

 

Tín Ngưỡng là một lối trực giác vô tâm do nhiều nguyên nhân ở ngoài ý chí của mình. Còn Tri Thức là sự thu thập hữu tâm theo phương pháp khoa học, nghĩa là đã quan sát và thử nghiệm qua rồi.

 

Nhân loại trước đây sở dĩ chìm đắm trong vòng Tín Ngưỡng là vì khoa học chưa được vạn năng mà lòng khao khát sự hiểu biết của con người thì vô hạn. Những sự thật nhan nhản của khoa học đã tìm ra cũng vẫn còn bao bọc trong một tấm màn huyền bí. Khoa học chỉ giải được “cái cách hoạt động” của sự vật. Cái khoảng mênh mông vô sở tri của tạo vật, mà chính không một triết học nào hiển minh ra được, là thuộc về cái thế giới nhiệm mầu của không tưởng: Nó chứa chan biết bao là hi vọng của người, cho nên không có một cái Lý nào phá nó cho nổi. Bởi vậy, Tín Ngưỡng bất kì là thuộc về loại nào; tín ngưỡng của tôn giáo hay chính trị… đều là những lực lượng lớn lao đáng sợ. Đã tín ngưỡng là vì Hi vọng, mà đã Hi vọng thì đừng có mong mỏi đem Lý Luận phá đi lòng ao ước thiết tha của người ta làm chi cho phí công tổn sức.

 

Sự thật ở đời, không bao giờ làm thỏa được lòng tham muốn của con người, cho nên có số người không hi vọng được ở hiện tại nữa. Người ta hi vọng nơi tương lai… nơi một tương lai mà họ tưởng tượng cho là sẽ được thỏa mãn, sung sướng không còn có một trở ngại nào nữa cả. Nhà duy tâm thời mong mỏi nơi một thế giới bồng lai đầy hoa lệ ngoài cõi đời thực tế này; nhà duy vậtng mỏi một thế giới đại đồng, nơi mà tất cả con người ai ai cũng được vui sướng hả hê… Đó toàn là cảnh trong mộng ước. Họ mong ước nên họ tín ngưỡng, họ xem những kẻ nào hứa hẹn đưa học đến cảnh ao ước của họ đó là những bậc đại ân nhân của họ. Ai cả gan đem lý luận mà phá hoại cái đức tin của họ kia, cái mộng đầy hứa hẹn ngọt ngào, họ sẽ cho kẻ ấy là kẻ thù, là bọn người phản tiến hóa, phản cách mạng v.v… Đây là tâm lý thông thường dễ hiểu.

 

Bởi vậy, nhà thông thái nhất có khi cũng phải mất cả óc phán đoán phê bình của mình, một khi sang qua giới tín ngưỡng. Như Pasteur là một vậy: Bên giới Trí Thức, ông là nhà thông thái nhất. Bước qua giới Tín Ngưỡng, ông đọc kinh xem lễ, tín ngưỡng Chúa Trời ngoan ngoãn như một người đàn bà hay con trẻ.


 

Xưa kia, nguyên nhân của Tín Ngưỡng là nguyên nhân thần linh. Người ta nhận nó một cách sợ sệt, không dám cãi. Ngày nay, tuy chúng ta biết rõ nguyên nhân nó ở nơi ta, ở nơi lòng “sợ đau khổ, ham sung sướng” của ta, nhưng nó cũng vẫn cưỡng ta phải nhận nó như thuở xưa kia. Lý luận đối với nó không hiệu quả gì cả, cũng như đối với sự đói khát vậy. Người ta một khi đã bị sống dưới quyền của sự đói khát dày vò, thì đừng có đem lý luận vào làm chi nữa. Người ta chỉ mong có một điều là đỡ khát đỡ đói đi đã. Bất kì cái gì có thể thỏa mãn điều mong mỏi ấy là đủ. Lý luận khi ấy đều phải vứt vào một xó cả. Cái gì thỏa mãn đặng lòng mong ước kia là đủ. Lý luận có chen vào làm trở ngại cho lòng tin tưởng, là phải vứt nó ngay qua một bên. Cho nên vô ý mà động đến lòng Tín Ngưỡng, dẫu là của người yêu của mình, là một điều vụng dại nhất.


 

Những cuộc cách mạng chân chính trong xã hội là những cuộc cách mạng thay đổi những tín ngưỡng nền móng của một dân tộc, tuy những cuộc cách mạng như thế rất ít có lắm. Vì thường thường, có thay đổi chăng là thay đổi cái vật người tín ngưỡng đó, chớ lòng tín ngưỡng không dễ gì thay đổi được.

 

Lòng tín ngưỡng khó mà chết đặng. Nó là một nhu cầu cũng như những nhu cầu của con người về vấn đề sướng khổ vậy. Lòng người thích yên ổn và rất ghét sự phân vân ngờ vực. Lắm khi tâm trí cũng phải bị trải qua nhiều lúc hoài nghi, nhưng rồi cũng không thể sống trong cảnh ấy lâu được. Người ta cần phải có một tín điều hay luân lý dìu dắt để khỏi phải có sự suy nghĩ, đỡ phân vân lưỡng lự. Bởi vậy, hễ có phá hoại giáo lý này là để thay vào giáo lý khác. Đó là những nhu yếu không thể tiêu diệt được. Lý Trí không còn chỗ nào lọt vào trong cho được nữa. Nó mà có chen vào chăng, là chỉ để dùng làm tôi mọi cho Tình Cảm, cho Dục Vọng, dùng để làm “ông trạng sư” biện hộ cho điều mình đã sở vọng kia cho có vẻ lý luận, nghĩa là cho lòng mình được yên ổn, khỏi phải có sự áy nghi ngờ nữa.

 

Nếu xét kĩ lịch sử tư tưởng của loài người ta thấy một cách đáng thương rằng: Trí Huệ con người thì tiến rất mau, còn Tình cảm thì gần như bất di bất dịch.

 

Đành rằng, lòng tin tưởng của con người về một giáo lý nào bất kì, dù chỉ là một ảo tưởng thôi, ta cũng không nên khinh thường những ảo tưởng ấy. Cũng vì nhờ các lực lượng ma thuật của nó, mà điều hư ảo ấy lại trở nên mãnh liệt hơn sự thực thập bội. Một tín ngưỡng mà được cả dân trong nước thu nhận, có thể làm cho dân nước ấy có được một tinh thần thống nhất và mạnh mẽ vô cùng, có thể xoay cả dục diện xã hội trong nháy mắt. Vấn đề Tín Ngưỡng là vấn đề quan hệ rất lớn đến sự Tồn Vong của một nước, cả một dân tộc.

 

Đừng nói chi những tín ngưỡng lớn lao căn bản của một dân tộc làm gì. Những ý kiến, những dư luận hằng ngày thông dụng trong dân gian, sức mạnh nó cũng lớn lao hết sức. Một khi con người vô tâm để cho nó chi phối, thời đã mất cả tư cách tư tưởng và phán đoán vô tư rồi. Cá nhân bấy giờ chỉ còn là cái hồn của quần đoàn, tư tưởng theo quần đoàn, hành động theo quần đoàn, nghĩa là theo dục vọng của quần đoàn.


 

A. Bàn về những nguyên động lực của hành vi con người

 

1. Sướng và khổ

 

Cơ thể và cuộc sống con người có nhiều thứ nhu cầu, nếu thỏa mãn được, gọi là sướng. Trái lại là khổ. Đói mà không ăn thì thấy đau khổ; ăn được no đủ liền thấy sung sướng ngay. Nếu không có sự sướng khổ ấy thì con người đến quên ăn mà phải chết mất.

 

Trong các thư nhu cầu chỉ có đói khát là thứ đau khổi đáng sợ nhất. Nhà thi sĩ Schiller nói: “Ái tình và Đói khát, nếu không có thì cái guồng máy to tát của nhân loại phải bị ngưng đi ngay”.

 

Cũng có nhiều thứ sướng khổ khác, nhưng lực lượng nó không mạnh bằng hai thứ nói trên đây.


 

Sướng khổ, bản tính nó là chóng tàn – Một điều gì gọi là sướng mà hiện diện mãi cũng hết sướng, mà một sự khổ liên miên rồi cũng thấy đỡ khổ rất mau, không còn thấy khổ nữa. Vì khổ mà thấy giảm bớt đi, lại thấy sướng sánh với cái khổ hồi trước.

 

Vui sướng mà thật là vui sướng, là khi nào nó bị gián đoạn mãi. Cho nên, chỉ có cái vui sướng nào mà ta chưa đạt được, mới có thể lâu dài được mà thôi. Hễ thỏa mãn được rồi thì hứng thú thấy hay liền đó.

 

Người ta sở dĩ có sướng là nhờ so sánh với cái khổ. Nói đến một sự sung sướng thiên niên, là nói một điều vô nghĩa. Mạnh khỏe mãi, làm sao biết được cái sướng của mạnh khỏe. Chỉ vì có đau, mới biết được cái giá của sức khỏe mà thôi.

 

Schopenhauer nói: “Ta đi giày hẹp đau chân. Cởi ra đi chân không, thấy sung sướng vô cùng. Cho nên đau khổ là điều kiện của sung sướng vậy”.

 

Platon nói: “Các vị thần thánh trên đời không bao giờ khổ cả, cho nên chắc chắn là các ông không bao giờ biết sung sướng là gì…”. Một cái hạnh phúc thần tiên mà các nhà tín ngưỡng mơ ước đó, riết rồi đối với họ sẽ không còn sức gì dẫn dụ cho họ say mê được nữa cả.


 

Vui sướng là một vấn đề tương quan luôn luôn tùy hoàn cảnh… Cái khổ ngày nay có thể là sướng đối với ngày mai. Cái sướng ngày ngay biết đâu rồi sẽ khổ đối với ngày mai. Đối với người ăn đã no óc ách rồi mà bắt đầu ăn thêm cơm nguội, là một sự khổ. Nhưng, cũng với người ấy, bỏ ba, bốn ngày không cho ăn, mà gặp cơm nguội, thì còn sung sướng nào bằng. Cái sướng của người này chưa ắt là cái sướng đối với người kia, nghĩa là cái sướng của người ngu, người trí lấy làm bực mình, mà cái sướng của người trí, kẻ ngu cũng lấy làm bực mình vậy. Anh say rượu trong quán có cái sướng của anh, nó không giống với cái sướng của nhà văn sĩ viết xong một bài văn hay.

 

2. Lòng ham muốn

 

Có sướng khổ mới có sinh lòng ham muốn. Ham muốn sự vui sướng, trốn tránh sự đau khổ.

 

Ham muốn là cái nguyên động lực của ý chí và hành vi chúng ta. Thiếu lòng ham muốn thì vạn vật trong đời không một vật nào chịu hoạt động cả.

 

Ý Chí mà không ỷ lại vào nó thì không thể nào đứng vững nổi. Lòng ham muốn càng mạnh mẽ chừng nào càng giúp cho Ý Chí đặng bền bỉ chừng nấy. Lòng ham muốn mà yếu đi thì Ý Chí cũng vì nó mà giảm theo.

 

Nhưng ta chớ lầm lộn Ý Chí với Ham muốn: Ý Chí là chỉ về sự có thể làm được, còn Ham muốn thì tha hồ, không hạn định. Điều ta muốn, cố nhiên là điều ta ao ước, nhưng những điều ta ao ước có khi lại là những việc mà ta biết không thể muốn mà được.

 

Ý Chí là chỉ về những điều ta quyết định thực hành. Ham muốn là những điều ta có thể chỉ nghĩ suông mà thôi…

 

Như ta đã thấy ở chương trước: hững bản giá trị của chúng ta đã tạo bày đều do lòng ham muốn chủ trương cả. Những bản giá trị ấy đều tùy thời gian, tùy dân tộc mà thay đổi mãi. Lý tưởng của một dân tộc là biểu hiện lòng ham muốn của dân tộc ấy.

 

Một ham muốn nào mà lấn được cả năng trí ta rồi thời nó thay đổi cả quan niệm của ta đối với mọi sự mọi vạt trong đời. Cả ý hướng, cả tín ngưỡng của ta cũng theo đó mà biến đổi cả. Spinosa nói rất chí lý: “Ta định cho một vật này tốt, là phải, không phải vì ta xét đoán nó như thế, mà vì tại lòng ta ao ước nó phải theo như thế”. Chính đây là nguyên nhân vì sao loại “luận theo tình” là loại luận mà phần đông người ta thích dùng nhất khi suy nghĩ.

 

Tự nó, sự vật không có giá trị gì cả. Nó sở dĩ có giá trị là do lòng ham muốn con người mà có, và cũng tùy sức mạnh yếu của lòng ham muốn mà tăng giảm thôi. Như sự đánh giá giá trị của con người về những món đồ mĩ thuật là một bằng cớ hiển nhiên rằng giá trị cao thấp của sự vật do nơi lòng ưa thích ít nhiều của con người mà ra cả. Cũng một món đồ, mà có kẻ dám đổ bạc ngàn ra mua, còn người thì chỉ ngó qua mà không thèm để ý đến.

 

Lòng ham muốn là chúa tể của loài người. Bởi vậy, Thích Ca muốn cứu nhân loại ra khỏi vòng đau khổ, chỉ thấy có một phương pháp duy nhất này thôi là diệt lòng ham muốn. Nhưng mà, cả mấy ngàn năm nay, loài người cũng vẫn đắm chìm trong bể tham dục…[23]

 

3. Hi vọng

 

Hi vọng không phải là ham muốn, tuy nó do lòng ham muốn mà ra. Mình có thểham muốn một điều mà thật ra không bao giờ dám hi vọng đến.

 

Phàm nếu hi vọng đến là khi nào mình thấy điều mình ham muốn đó có thể thực hành được. Ai ai cũng ham muốn làm giàu, nhưng rất ít người có được hi vọng làm giàu. Bởi ham muốn thì không cần phải có điều kiện gì cả; còn hi vọng, trái lại, mình phải có ít nhiều điều kiện mới dám nghĩ đến. Nhà khoa học họ ao ước tìm cho ra cái nguyên lý của vạn vật; nhưng họ không bao giờ có hi vọng sẽ tìm ra được là vì khoa học không đủ điều kiện để tìm ra nguyên lý sự vật.

 

Tuy nhiên, cũng lắm khi lòng ham muốn và hi vọng lại đi đôi với nhau. Như nơi sòng bạc, ta tuy ham muốn nhưng cũng hi vọng ăn được. Là vì ở đây, ta mong ở sự may rủi.

 

Hi vọng là một lối sung sướng trong cảnh chờ đợi, có lẽ sung sướng hơn cái sung sướng của sự thỏa mãn. Bởi vậy các nhà cải cách họ chỉ đem hi vọng này thay vào một hi vọng kia, chớ không bao giờ dá đánh đổ hoặc làm cho hi vọng dân chúng được thỏa mãn… Không khác nào người ta cột bó lúa trước mồm con lừa là để gạt cho nó đi tới mãi. Hi vọng là nguyên động lực lớn nhất của hành vi con người.


 

4. Thói quen

 

Thói quen, làm cho sự sướng khổ điều chỉnh lại. Sướng mà quen rồi cũng bớt sướng, khổ mà quen rồi cũng bớt khổ. Bởi vậy, có nhiều kẻ khổ nhọc suốt đời, nhưng lại sợ đến kì hưu trí, không còn việc giữa mà làm.

 

Thói quen làm cho người ta bớt khổ, hoặc không thấy khổ nữa, và hễ phá mất thói quen đó, người ta lại thấy khổ như trước. Đi làm việc hàng ngày cực nhọc, được nghỉ một vài ngày là thấy sung sướng, nhưng nếu cho họ nghỉ lâu, họ sẽ đâm ra chán nản và nhớ lại cái đời sống vất vả ở công sở.

 

Hễ tin tưởng một điều gì, người ta một khi đã quen với điều ấy rồi thì khó lòng mà sửa đổi lại được một cách dễ dàng. Phàm một việc gì đã quen rồi mà bắt người ta phải hủy phá đi để theo một lệ mới khác là làm động đến đời sống yên ổn của họ. Cố nhiên là không phải dễ gì họ nghe theo. Người ta rất sợ cái gì có thể làm mất sự yên ổn. Họ không muốn sung sướng quá, mà cũng rất sợ sự khổ quá. Bởi vậy, họ chịu cái gì điều chỉnh lại sự sướng khổ của họ, thà sống một đời sống phẳng lì như mặt nước ao tù còn hơn. Đó chính là nguyên nhân của óc thủ cựu.


 

Tóm lại, bất kì dân tộc nào, bất kì là ở vào thời buổi nào, cái tôn chỉ không thay đổi của tất cả hành vi con người là tìm hạnh phúc nghĩa là theo đuổi sự vui sướng và trốn tránh sự đau khổ.

 

Đứng về phương diện ấy thì con người, ai ai cũng đồng một ý cả, nhưng có khác nhau chăng là khác về cái ý nghĩa của hạnh phúc như thế nào, và phương thế dùng để đạt cái hạnh phúc ấy. Kẻ thì cho có nhiều tiền của, danh vọng là hạnh phúc còn kẻ lại cho ít lòng ham muốn là hạnh phúc. Tùy tâm tính, tùy trình độ… mỗi người có quan niệm riêng về hạnh phúc.

 

Thay đổi quan niệm về hạnh phúc của một cá nhân hay một dân tộc, là thay đổi tất cả quan niệm về sự đời và luôn cả mạng vận của cá nhân hay dân tộc ấy.

 
Nhu cầu của con người đại để có 3 loại, tuần tự hiện ra trong đời người như thế này:

 
  1. Nhu cầu sinh lí (như ăn, uống, thở, hít…)
  2. Nhu cầu cảm giác (tình cảm, dục vọng)
  3. Nhu cầu tinh thần (suy nghĩ, lí luận…v.v.)
 

Trong ba loại nhu cầu này, nhu cầu tinh thần hiện ra trong lịch sử loài người rất muộn.

 

Theo lịch trình tiến hóa của loài người. Tình dục hiện ra trước Lý Trí. Ngày nào tinh thần giải thoát ra được khỏi cái vòng mờ ám của dục vọng Lý Trí mới hiện lộ ra được mà thôi. Bởi vậy, luận theo Lý Trí là lối luận của người chững chạc, của kẻ sáng suốt, còn luận theo Tình Cảm là lối luận mà phần đông thích dùng hơn hết, vì nó thỏa mãn được lòng dục vọng của mình. Óc suy luận con người vì đó thường hay thiên lệch, chỉ biết tìm thỏa mãn, tìm yên ổn nên rất khó lòng thấy được Chân Lý.

 

B. Cái ta tình cảm và cái ta lý trí[24]

 

Sự phân biệt giữa Tình Cảm và Lý Trí hiện ra trong lịch sử loài người thật là muộn màng. Tổ tiên ta khi xưa, cảm giác nhiều, hành động lẹ, nhưng lý luận rất ít.

 

Đến khi trình độ tiến hóa con người lên cao lên rồi, chừng ấy ta mới bắt đầu triết luận. Bấy giờ sự phân giữa Tình Cảm và Lý Trí mới thấy được rõ rệt.

 

Không biết phân biệt hai lối luận ấy là một trong nhiều nguyên nhân sai lầm thường xảy ra khi ta xét đoán.

 

Nhiều nhà triết học cũng bị lầm lẫn hai lối luận này, như Kant là một vậy. Ông này tin rằng mình tạo nên được một nền luân lý căn cứ trên Lý Trí. Thế mà thật ra, trong các nguyên tắc của nền luân lý ấy, ta không thấy cái nào thuộc về Lý Trí cả.


 

Những hiện tượng về Tình Cảm luôn luôn hiện ra trước những hiện tượng về Lý Trí. Con thú có thể có nhiều cảm tình không thua gì con người, nhưng chắc chắn là trí huệ của nó thấp hơn ta rất nhiều. Và chính nơi sự phát triển về Trí huệ mà con người sở dĩ khác biệt được với con thú.

 

Cái “Ta Tình Cảm” và cái “Ta Lý Trí” tuy ảnh hưởng lẫn nhau nhưng mỗi bên vẫn có đời sống độc lập. Cái “Ta Tình Cảm” hoạt động không cầm đếm xỉa gì đến ta cả, lắm khi nghịch lại với ta là đằng khác. Nhân đấy, mà đời sống của ta, là một đời sống đầy rẫy mâu thuẫn. Mình có thể kiềm chế dục vọng mình lại được, nhưng làm cho nó tiêu diệt đi, thật là một việc làm không thể đặng.

 

Những kẻ nào tin rằng với Trí Huệ có thể thay đổi được Tình Cảm, là lầm. Theodule Ribot bảo: “Đem cái Ta Lý Trí để phê bình hành vi của cái Tình Cảm” là một việc làm không thể được.[25]

 

Đời sống về Tình Cảm và đời sống về Lý Trí khác nhau xa, không thể lấy cái này mà hóa cái kia được. Thế nhưng người ta không kể gì đến chỗ phân biệt ấy, cứ một mực tin rằng, hễ điêu luyện Trí Huệ thì Tình Cảm người ta nhờ đó mà cao theo. Thật là một thành kiến rất tai hại của giáo dục ngày nay. Theo giáo dục ngày nay, người ta tin rằng: người ta sẽ có được những tư cách siêu đẳng, nghĩa là, người có cái học cao bao giờ hạnh kiểm cũng cao. Vì vậy, ở nhà trường, người ta nặng về Trí Dục hơn Đức Dục.

 

Cái “Ta Tình Cảm” và cái “Ta Lý Trí” rất khác nhau, cho nên ta cũng không nên lấy làm lạ vì sao có một người vừa thông minh tuyệt chúng vừa là một người có tư cách rất đê hèn.

 

Trong lịch sử Đông Tây, ta thiếu gì gương ấy. Đặc biệt nhất là Bacon, nhà đại triết học và luận lý học trứ danh nước Anh ở thế kỷ thứ 16. Đời bấy giờ chưa chắc đã có người thông minh bằng ông, nhưng cũng chưa ắt đã có người có một phẩm cách đê hèn bằng ông. Vì muốn được lòng Hoàng Hậu Elisabeth để xin một chỗ làm, ông đã đem lòng phản bội ân nhân mình là bá tước Essex, làm cho ông này phải bị chết chém. Ông lại nhờ quận công Buckingham tiến dẫn Jacques ler làm quan đến tể tướng, thế rồi phản bội ân nhân của mình nữa. Làm quan đến trật phẩm mà xu nịnh hèn hạ và gian xảo vô cùng. Đến sau khi bị bắt nhốt vào ngục, ông lại đi viết thư thú tội để cầu khẩn các quan tòa thương tình mà tha thứ cho. Nhưng rồi cũng không ai chịu tha thứ cho ông cả: Ông bị cách chức và chung thân cấm cố.

 

Ngô Khởi đời Đông Chu, sát thê cầu tướng, cũng là bậc thông minh tuyệt thế, nhưng phẩm cách hèn hạ không bằng kẻ thất phu.

 

Thông minh và học rộng là một lợi thế rất nguy hiểm cho những tâm địa tiểu nhận.

 

Bởi vậy, kẻ tài cao học rộng nếu không phải là một bậc đại hiền sẽ là một người đại ác. Thật vậy, người hạnh cao mà thêm được một cái học uyên thâm là một đại quân tử. Trái lại, người phẩm hạnh hèn hạ, gian tham thì dầu có được bao nhiêu cấp bằng cũng vẫn là người hèn hạ gian ác, nhưng lại là một kẻ đại gian đại ác, vì cái học của họ chỉ giúp cho họ thêm trụy lạc, thêm đê hèn mà thôi.

 

Không hiểu được sự phân biệt trên đây, thì sự xét đoán của ta sẽ bị rất nhiều sự sai lầm nguy hiểm. Có nhiều cô gái ngây thơ, thường lấy cái tài học và thông minh làm bảo đảm cho tư cách vị hôn phu của mình mà phải lầm tay bọn tiểu nhân vô liêm sỉ, tự làm hư hỏng cả một đời người. Nhiều b cha mẹ, cũng vì lầm hễ cho con ăn học thành tài, có nhiều bằng cấp là đủ, không thèm lo nghĩ gì đến đức dục mà nhà trường bỏ qua nên về sau phải bị nhiều nỗi thất vọng rất đau đớn. Chính đây là cái lầm của giáo dục ngày nay, họ chỉ có biết dạy cho con em trở nên người học nhiều, nhớ nhiều mà thôi.

 

C. Những yếu tố tạo ra tín ngưỡng

 

Tín Ngưỡng, thuộc về giới hạn của cái “Ta Tình Cảm”, – là một trong những nguyên nhân làm cho ta suy nghĩ, phán đoán sai lầm.[26]

 

Biết được những yếu tố tạo ra nó, chính là để ngừa cho mình khỏi vô tâm bị nó chi phối trong tư tưởng.


 

Về những yếu tố của nó, ta có thể chia ra làm 2 loại: Yếu tố bên trong và Yếu tố bên ngoài.

 

a. Yếu tố bên trong

 

Biết được những yếu tố tạo thành một dư luận, một tín ngưỡng, là có thể biết được cái bí quyết làm cho người ta nghe theo mình, nhận những điều mình muốn truyền bá, dẫn dụ. Mà cũng là một bí quyết để tránh cho mình khỏi phải bị vương vào cái bẫy của những kẻ muốn nhồi sọ mình.

 

Một tờ báo Anh tên là Commentator viết về vấn đề “Chính Trị Tâm Lý” có câu: “Có lẽ một ngày tới đây, sẽ có một cuốn sách về thuật khuyến dụ người ra đời. Khoa Tâm Lý Học sẽ đi rất sâu vào tâm khảm con người, bấy giờ sẽ biến thành một khoa học hoàn toàn. Rồi người ta sẽ biết được với một nghị luận nào phải dùng để ảnh hưởng, huyền hoặc, sai sử được tâm lý kẻ khác một cách chắc chắn như hiện giờ người ta định trước được một nguyệt thực hay nhật thực vậy. Khoa tâm lý mà phát triển đến bậc ấy, sẽ tìm ra được những qui luật để biến cải lòng người theo một ý kiến nào của mình muốn như chơi. Trí não con người bấy giờ sẽ giống như một cái máy đánh chữ, chỉ nhận đến nút nào là hiện liền cái chữ của mình muốn”.

 

Lời dự đoán ấy có thể nhận là có được[27]. Cái khoa học tương lai ấy, ngày nay những nhà chính trị cùng những bọn người dẫn đạo trứ danh đã có biết được một bài bí quyết. Nhưng, lập thành một khoa học hoàn thoàn thì thật không phải chúng ta ngày nay đây là làm được. Phải là một nhân loại cao đẳng hơn chúng ta bội phần mới nghĩ nổi. Là vì, chỉ có những kẻ mà mình biết được họ là người tham lam, tự đắc là mình có thể chỗ yếu của họ mà khuyến dụ, sai sử họ. Trái lại, những người tâm tính hiền hòa, ít dục vọng thì thật khó mà dìu dắt, khuyến dụ họ theo ta cho đặng. Bởi vậy, những yếu tố kể dưới đây, không phải luôn luôn dùng với bất kì ai cũng dẫn dụ được: Có cái đối với người này thì dùng có kết quả mà đối với người khác không ăn thua gì cả.


 
1. Tính khí
 

Địa vị của tính trong cuộc gây tạo dư luận và tín ngưỡng thật là quan hệ to tát vô cùng. Nhà triết học khôn ngoan nhất, cũng không thoát được khỏi ảnh hưởng của nó. Những nhà triết học Á Đông bao giờ cũng có những quan niệm an chịu với tính khí dân tộc Á Đông, không giống với những nhà triết học Âu Tây.

 

Nói về tính khí cá nhân cũng vậy, tùy tính khí, triết học của mỗi người tạo ra mỗi khác. Tính người lạc quan thì triết học của họ nhuộm màu lạc quan. Tính người bi quan thì triết học của họ nhuộm màu bi quan. Những kẻ thích yên tĩnh thì tạo hoặc ưa những lý thuyết nào có thể đem lại cho họ sự yên tĩnh. Những kẻ thích náo nhiệt thì học tạo ra hoặc ưa những lý thuyết hoạt động. Bởi vậy, Phật Giáo hay Lão Giáo bao giờ cũng được những người có tính khí trầm tĩnh ưa thích – Những kẻ cố lấy lý luận của Khổng Mạnh mà biếm nhẽ, chê bai Phật Giáo hay Lão Giáo, cố làm cho người ta bỏ nó để theo mình, là những người mê muội nhất. Chẳng những lý luận của họ là những lý luận sai phép và sai lầm, họ lại còn sa vào cái vụng về của tâm lý nữa. Mỗi người đều tìm lấy một lý thuyết hạp với tính khí của mình để sống theo mình. Bởi vậy, muốn khuyến dụ người ta theo một học thuyết nào, phải biết tính khí họ như thế nào, và đem cái gì hạp với họ mà nói, thì mới mong được họ nghe theo mình thôi.

 

W. James quả quyết rất có lý rằng: “Lịch sử triết học, phần nhiều là lịch sử của sự tranh đấu giữa các tính khí con người. Cho đến trong những giới văn chương, nghệ thuật, chính trị cũng thế”.

 
2. Lý tưởng
 

Lý tưởng của một quốc gia là chỗ tổng hợp tất cả những nguyện vọng, những nhu cầu và những ham muốn chung của quốc gia ấy.

 

Chính lý tưởng ấy tạo ra những dư luận, những luồng tín ngưỡng để làm phương châm cho tất cả hành động của dân trong nước.

 

Đối với cá nhân cũng thế. Những kẻ sở dĩ hay phân vân lưỡng lự trong những ý kiến hay tín ngưỡng của mình mà không biết phương hướng nào đi cả, chỉ theo những kích thích nhất thời rất trái nghịch nhau mãi… là tại họ không có lý tưởng nào ở trong đời c hoặc có chăng, chỉ là một lý tưởng rất mơ màng yếu ớt mặc dầu có khi họ là một người thông minh và học giỏi. Người sống không lý tưởng không khác con thuyền không lái, mặc tình cho sóng dập gió dồi, bấp bênh đến đâu hay đến đó.

 

Cái sức mạnh của bọn cuồng tín là nhờ họ chỉ biết phụng sự một cách nhiệt thành cái lý tưởng của họ thôi. Họ tín ngưỡng như một tín đồ rất nhiệt thành một tôn giáo nào. Và chính chỗ đó làm cho họ trở nên nguy hiểm nhất: Họ chỉ biết có cái lý tưởng của họ thôi. Bất kì làm việc gì họ cứ xem xét theo quan điểm của họ, ngoài lý tưởng của họ, họ không thể dung túng một cái gì khác được nữa.

 

Những tín ngưỡng về tôn giáo, luân lý hay chính trị nếu hun đúc lại thành một lý tưởng mà cả thần dân trong một nước (hay trong một dân tộc) đều công nhận, chừng ấy nó mới có thế lực rõ rệt. Lý tưởng ấy nếu thích ứng được với những nhu cầu và những khả năng của thời buổi nó sẽ làm cho một quốc gia được cường phú vinh quang. Trái lại, nếu có đi ngược với con đường tự nhiên sự vật, nó sẽ làm khuynh đảo quốc gia hay dân tộc ấy.

 
3. Nhu cầu
 

Con người sở dĩ hoạt động là do hai nguyên nhân đầu tiên này: Ưa sung sướng, sợ đau khổ.

 

Nhu cầu vật chất của con người nếu được thỏa mãn là sướng, không thỏa được là khổ.

 

Văn minh càng tiến bộ lại càng tạo thêm nhiều thứ nhu cầu mới mẻ. Tạo thêm nhu cầu mới, rồi tìm cách thỏa mãn được nó, người ta gọi nó là văn minh tiến bộ.

 

Tạo thêm những nhu cầu mới cho quần chúng, đó là cách tạo ra thêm mối dư luận mới. Những nhà cầm quyền đại tài khéo dây tạo phong trào bằng cách tạo thêm nhu cầu có ích và cần thiết cho dân chúng.

 

Sự tiến bộ rất mau lẹ về kĩ nghệ tạo ra cho con người nhiều lối nhu cầu mới như xe hơi, xe lửa và điện thoại v.v… Mấy thứ ấy rồi lại thành những thứ cần thiết không thể bỏ qua được nữa. Nhưng nguy thay, những nhu cầu ấy tăng trưởng rất mau lẹ, mau lẹ quá cái sức chế tạo, cho nên không có đủ mà cung cấp cho đồng đều kịp. Thế mới có sự bất mãn ở những kẻ không được hưởng. Và cũng vì đó mới sinh ra nhiều chủ thiết như ngày nay. Dầu cho con người ngày nay chỉ loay hoay mãi chung quanh những vấn đề giành giật thị trường thỏa mãn những nhu cầu của kĩ nghệ tạo bày ra.

 
4. Tư Lợi và Thị Dục
 

Tư lợi và Thị dục là hai mối tạo ra dư luận mãnh liệt nhất: Tư lợi và thị dục có cái thế lc thay đổi những điều ta tin thành ra chân lý. Nó vẫn mạnh hơn Lý, mặc dầu ở vào những vấn đề thuộc về địa phận của Lý. Ta tin một việc gì là bởi nó có ăn chịu với tư lợi hay thị dục của ta, hơn là bởi nó đúng lý.

 

Những sự thay đổi ý kiến, thường là do những cuộc thay đổi quyền lợi mà ra. Tỉ như những nhà lãnh đạo mà giàu được rồi thường lại dễ trở nên những nhà thủ cựu. Còn những người bất mãn, không được hưởng những sung sướng như trưởng giả, thì lại dễ trở nên những nhà chính khách.

 

Dục vọng là yếu tố gây tạo dư luận một cách không thể lượng nổi sức mạnh của nó. Từ xưa tới nay trong lịch sử loài người, chính nó xúi giục các dân tộc xô xát lẫn nhau không ngớt vậy.

 

Dục vọng có thể là cái nguyên động lực của tất cả hành vi nhưng nó làm cho ý kiến của ta sai lệch đi, không thấy được cái chân tướng của sự vật. Thường ta chỉ mong cho sự vật xảy ra như ý muốn nó phải xảy ra như thế nào, hơn là chịu xem xét nó theo y như nó đã xảy ra. Sở dĩ những quyển sách về lịch sử có những sai lầm là tại phần nhiều nhà làm sử bị phải dục vọng sai sử. Thật khó mà tìm ra được một nhà làm sử không dục vọng nghĩa là không thiên vị một cách tuyệt đối.

 

b. Yếu tố bên ngoài

 
1. Ám thị
 

Phần nhiều ý kiến và tín ngưỡng của ta về chính trị, tôn giáo và xã hội là do “ám thị” mà gây nên.

 

Ám thị là làm cho người ta phải nghe theo. Còn lý luận, thì chỉ có thể làm cho người ta tin mình, nhưng không ép ai phải theo mình, Ám thị là làm mê hoặc người ta, còn lý luận và dẫn chứng, trái lại, là làm cho người ta sáng ra mà chịu ngã lẽ thôi.

 

Có nhiều cách ám thị: Sách, báo, diễn thuyết, quảng cáo v.v… Mà dùng lời nói hiệu quả nhất.

 

Nói ra, là đã ám thị rồi; nhưng quả quyết là ám thị thêm nữa. Nhắc đi nhắc lại mãi lời đã quả quyết kia là đem sự ám thị đến chỗ tột cùng thế lực của nó. Thuật quảng cáo là thuật ám thị bằng quả quyết và nhắc đi nhắc lại mãi cho người ta tin mình.

 

Từ sự ám thị của anh bán hàng tìm cách khuyến dụ mình mua đồ, cho tới sự ám thị của nhà thôi miên bắt mình cảm tuân theo mạng lệnh họ như cái máy… đều hàm có một ý nghĩa thôi: làm cho kẻ khác mất óc phán đoán đi, để dễ bề sai khiến. Ảnh hưởng của họ thật là to tát.


 

Những kẻ dễ bị ám thị nhất là những kẻ đang bị dục vọng ngự trị nơi lòng. Thương, ghét làm cho tấm lòng bị thu hẹp lại, thật rất dễ bị ám thị, và dễ cho người ta thay đổi ý kiến mình lắm. Dầu mình là một người thông minh tài trí bậc nào, nếu bị dục vọng lôi cuốn, cũng khó lòng mà thoát khỏi sự ám thị. Đối với người mình yêu quý, thì họ nói gì làm gì, mình cũng thấy là phải cả. Dầu điều gì họ nói hay làm kia có sai với lẽ đương nhiên bậc nào, mình cũng tìm đủ mọi cách bênh vực, tha thứ. Trái lại, nếu mình ghét, thì dầu họ có phải bậc nào, mình cũng tìm cách chê bai biếm nhẽ[28].

 

Trước khi muốn ám thị ai, cần phải gây thiện cảm với người ấy. Nếu h ghét mình, thì không còn phương thế nào mong nói cho họ nghe theo mình nữa đặng.

 
2. Mối cảm lúc ban sơ
 

Trước một sự vật nào, nếu để chờ suy nghĩ phán đoán cho kĩ lưỡng, thì chậm và nhọc lắm. Người ta thường chỉ căn cứ theo cái mối cảm lúc ban đầu thôi, để phê phán. Thoáng qua, họ có những cảm tưởng gì, họ bèn lấy đó làm nền tảng cho sự phán đoán sau này.

 

Đừng tưởng chỉ có đàn bà, con nít cùng những người bán khai là tin nơi mối cảm lúc ban đầu của họ mà thôi đâu. Những kẻ thật văn minh, trí thức, họ cũng hay ức đoán như thế. Chỉ vì họ lười biếng suy nghĩ mà ra.

 

Bởi vậy, những kẻ muốn ám thị, thường hay tìm cách gây cho người ta mối thiện cảm lúc ban đầu. Tuy mối cảm ấy có khi bị phá hoại vì những mối cảm nghịch lại nó, như khi mới thấy mặt thì đã ghét, mà về sau cử chỉ khôn khéo mình có thể làm cho họ mất cái ác cảm lúc ban đầu, nhưng nhiều khi cái mối cảm lúc ban đầu mãnh liệt quá, rất khó lòng mà phôi pha tiên tan liền cho được.

 

Gây mối thiện cảm lúc ban đầu là cả một nghệ thuật của bất kì ai muốn ám thị người ta, muốn gây dư luận tốt cho mình.

 

Bất kỳ trong giới nào: Thương mãi, văn chương, nghệ thuật, chính trị… nếu vô tâm gây ác cảm với công chúng lúc ban đầu là nguy hiểm. Có nhiều kẻ ganh ghét, thường trong báo chí hay dùng thủ đoạn “gây ác cảm” để hại những nhân vật họ không ưa. Họ tìm cách nói xấu quyển sách hoặc công việc làm của một người nào, trước khi quyển sách hay công việc làm của người ấy được công chúng xem tới. Nhằm để cho công chúng có ác cảm trước đối với người ấy. Lúc trước, tôi có cho ra một quyển sách về triết học. Sách còn đang in, thế mà có nhà văn nọ đem đề sách ra mà mạt sát, nguyền rủa, chế nhạo… để gây một luồng dư luận không tốt cho tôi. Bấy giờ công chúng vẫn tin tưởng rằng tôi là một người quái gở, lú lẫn như lời “giới thiệu” của nhà văn ấy. Đến khi sách tôi ra đời một ít lâu, có rất nhiều độc giả gởi thư về tỏ vẻ hối hận vì đã lầm tin theo nhà văn kia mà khinh rẻ tôi trong một thời gian rất lâu mặc dầu họ đã có nghe tôi trả lời một đôi bài đính chính trên mặt báo.

 

Những mối cảm lúc ban đầu cần phải xem nó là những mối cảm không đáng tin cậy, luôn luôn cần phải kiểm tra lại. Tin càn tin theo nó mà không chịu xem xét cho cẩn thận lại, như ta thường làm, là tự dấn mình trong sự lầm lạc suốt đời. Nó chỉ bằng cứ nơi sự thương ghét nhất thời của ta mà thôi, chớ không theo một lẽ phải nào cả. Thế mà những quan niệm của ta về sự phải, quấy, thật, giả… lại toàn căn cứ trên những nền tảng mong manh ấy. Mỗi khi nghe ai khen ai, hoặc chê ai, phải coi chừng: Họ khen là vì họ thương, họ chê là vì họ ghét. Phải kiểm tra lại, đừng để mình bị lôi cuốn theo sự thương ghét không căn cứ ấy.

 
3. Ưa giải nghĩa
 

Ưa giải nghĩa là một sự cần đối với con người bất kì ở vào thời buổi nào.

 

Vì thích giải nghĩa, con người mới có tạo ra lý thuyết để giải những nguyên nhân mà khoa học chưa thể trả lời được. Người ta tin nó, là vì nó thỏa mãn được cái lòng tham giải thích của họ. Người ta tưởng như không thể sống trong sự phân vân, nghi ngờ được. Phải nói cho ra lý, cắt nghĩa cho có lẽ, để yên trong lòng mà sống, mặc dầu những lý lẽ ấy sai những lý lẽ rất thô thiển vụng về.

 

Cho nên, bị sét đánh, người ta thà cắt nghĩa “bướng” rằng đó là bị lôi công đánh bằng lưỡi tầm sét hơn là chịu dốt mà làm thinh. Rủi bị tai nạn, người ta cũng tìm cách cắt nghĩa là tại mình ở không có đức, hay là Trời, Phật thử lòng mình… Đứng trước một việc gì xảy ra, người ta hay lao nhao tự hỏi: Tại sao thế? Rồi thì tha hồ, mỗi người mỗi tìm cách giải cái lý của việc ấy. Họ không chịu chỉ nhận suông sự ấy đâu. Họ cần muốn biết tại sao có việc ấy. Óc tò mò, ham lý luận ấy làm cho con người khao khát sự giải nghĩa, đến nỗi dẫu biết là những câu trả lời hết sức ngây ngô thô thiển của họ cũng thâu nhận một cách hết sức dễ dàng. Sự dễ dãi ấy là nguyên nhân sanh ra vô số tín ngưỡng. Tin thần thánh, tin thiên đàng, địa ngục, tính luân hồi, quả báo… toàn là vì tấm lòng khao khát sự giải lý các vật sự vật trong đời mà khoa học còn phải chịu qui hàng chưa giải nổi.

 
Thay vì thú nhận sự dốt nát của mình về những vấn đề mình chưa có thể giải nổi, lắm khi chính khoa học cũng rất dễ dãi với những lối giải lý miễn cưỡng như thế

4. Tiếng nói và hình ảnh
 

Tiếng nói có một sức cám dỗ rất mạnh. Sức mạnh của nó do sức khêu gợi tình cảm của nó. Khéo dùng nó thời khuyến dụ, lôi kéo qun chúng như chơi. Những tiếng nói nào khó định nghĩa nhất là những tiếng dùng có hiệu quả nhiều hơn hết. Tỷ như những “dân quyền”, “lao động”, “tư bản”, “bình đằng”, “tự do”, “tiến hóa” v.v… là những tiếng có cái nghĩa rất mơ màng cần phải giải ít ra cả vài ba trăm trang giấy cũng chưa hết ý. Thế mà, cái ma lực của nó chính ở chỗ đó. Trong cái tên vắn tắt của nó, dường như nó đã có chứa sẵn sự giải quyết tất cả các vấn đề của con người. Những cái khẩu hiệu to tát ấy, quần chúng xem nó như một vị tôn thần, huyền bí và có đủ năng lực giải thoát họ ra khỏi cảnh khổ hiện tại. Nếu là những chữ người ta hiểu rõ ràng nghĩa lý thời đâu còn cái sức huyền bí của nó nữa. Người ta mong mỏi nó là vì người ta không rõ quyền lực nó tới đâu.

 

Lý luận không làm gì chống nổi với nó. Người ta nói cái tên nó ra, như người ta gọi tên Phật A Di Đà vậy. Trước quần chúng, người ta gọi nó lên một cách thành kính tĩnh tâm; quần chúng nghe nói đến tên nó, là tỏ ngay cái vẻ bái ngưỡng tôn sùng. Bởi nó là những tiếng khêu gợi được nơi lòng của công chúng những hình ảnh đầy mộng đẹp, đầy hứa hẹn ngọt ngào như hình ảnh một đấng Cứu Thế vậy.

 

Tiếng nói rất thay đổi tùy dân tộc, tùy thời đại. Có nhiều tiếng trước kia đối với quần chúng có nhiều khêu gợi rất mãnh liệt mà nay chỉ còn là một tiếng trống rỗng không ảnh hưởng gì nữa. Một người Nhật nghe nói đến tên quốc gia có một mối khêu gợi khác một người Ý hay người Hoa Kỳ. Bởi vậy, dùng chữ, phải coi chừng đến cái nghĩa của nó đối với dân tộc, đối với lúc mình đang dùng nó như thế nào.

 

Tiếng nói cũng có cái sống của nó, như tư tưởng của ta vậy. Hễ chế độ đổi, tín ngưỡng đổi, thì rồi cái nghĩa của tiếng nói cũng đổi theo. Quần chúng trước kia tôn sùng tiếng nào, nay trái lại, đối với tiếng ấy, họ khinh bỉ đáo để cũng không chừng. Tỉ như hồi xã hội phong kiến, sống một cách đài các trưởng giả là sang trọng, vinh diệu. Nhưng nay theo phong trào bình dân, họ ghét cách sống đài các trưởng giả ấy, vì họ cho đó có cái nghĩa vô nhân đạo, bóc lột, hèn hạ v.v… mặc dầu, sự thật, mỗi bình dân đều có một ông trưởng giả trong lòng. Nếu vô tình ta nói đến từ “trưởng giả” là động đến điều họ thù ghét: cái tiếng ấy sẽ gợi cho họ cái đời sống xa hoa của những kẻ bóc lột họ. Bởi vậy, nhà chính trị khôn khéo, phận sự của họ là biết theo thời gian mà thay đổi cái tiếng gọi ấy, nghĩa là phải tránh xa cái tiếng gọi mà quần chúng đang thù ghét. Toequeville nói: “Công việc của chính phủ chấp chính và Đệ Nhất Đế Quốc chỉ một công việc đem chữ mới mà thay vào những chữ của chế độ cũ đã dùng, như thâu thuế thì gọi khác lại là thuế đất”, “bổ trợ thuế thì gọi khác lại là gián tiếp thuế”, “diêm thuế thì thay vì gọi gabelle hay gọi khác lại là impôts du sel v.v… Chỉ có tên gọi là thay đổi thôi, bản chất vẫn giữ y nguyên.

 

Với những khẩu hiệu kêu to mà trống, nghĩa như Tự Do, Bình Đẳng, bọn dẫn đạo thôi miên được quần chúng vào lôi kéo họ lật đổ cả một nền chính trị nước Pháp hồi đời quân chủ. Cái bí thuật của nhà cầm quyền, cũng như của các ông trạng sư ở nơi cái thuật khéo dùng những chữ khêu gợi. Thật là một cái thuật khó khăn vì cũng thời một chữ mà đối với nhiều hạng người lại có nhiều nghĩa khác nhau. Hơn nữa, những chữ dùng cùng trong một thời đại mà dân tộc này dùng không giống dân tộc kia, tuy hai dân tộc cùng sống trong một văn minh. Như chữ “dân chủ” là khẩu hiệu người ta thường dùng nhất đời bây giờ. Thế mà dân “anglosaxon” và dân “Latin”, đối với những chữ ấy họ có những ý tưởng, những khêu gợi khác nhau xa. Đối với dân “Latin” thì chữ “dân chủ” có ý nghĩa là ý chí và sáng kiến của cá nhân phải nhượng bộ trước ý kiến của chính thể. Chính phủ có quyền chỉ huy, tập trung, giữ độc quyền và chế tạo. Trái lại, đối với quần dân “anglo-saxon” nhất là dân Hoa Kỳ, thì cũng thời một chữ “dân chủ” ấy, lại có cái nghĩa khác. Dân chủ ở đây chỉ sự nhượng bộ của chính phủ trước ý chí của cá nhân. Ngoài Cảnh Sát, Binh bị và Ngoại giao, người ta không để cho chính phủ chỉ huy cái gì cả, cho đến giáo dục cũng vậy. Cũng thời một chữ dùng mà cái nghĩa nó đối hay dân tộc thật khác xa như trời vực.

 

Tiếng nói, sức khêu gợi như thế, nhưng còn phải thua xa sức khêu gợi của tranh ảnh. Những thương gia kỹ nghệ cùng những nhà xuất bản thường dùng lối quảng cáo bằng tranh ảnh để dễ nhồi sọ khách hàng và bạn đọc. Với những hình vẽ rất đẹp, cám dỗ người ta dẫn dụ rất dễ dàng theo ý muốn. Nhất là nhà buôn, họ rất sành thuật này. Một hình vẽ hay khêu gợi hơn một bài diễn văn dài… là bởi tranh ảnh khêu gợi tình cảm hơn lý trí. Về phần này, tôi đã nói rõ rệt nhiều ở một nơi khác[29] nay không phải lập lại làm chi nữa.

 
5. Ảo vọng
 

Từ khi mới sinh đến khi chết, chúng ta phần nhiều sống bao bọc trong ảo vọng. Nhờ nó mà ta sống, và ta chỉ biết đeo đuổi mãi theo nó thôi. Ảo vọng của tnh yêu, của danh vọng, của sự nghiệp… là những thứ hạnh phúc mà ai ai cũng mãi ao ước, mãi thèm thuồng. Vì nó ta mới chịu hoạt động, làm việc, và ham

 

Về lý trí thì ảo vọng rất ít còn về tình cảm thì ảo vọng có hằng giờ. Ảo vọng về tình cảm làm cho ta tin nơi sự bất di bất dịch của tình cảm, mà thật sự nó phải thay đổi mãi với sự biến dịch của cái người của ta.

 

“Trải qua những cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

 

Nguyễn Du với lương tri biết rằng: Hễ có sinh thì có diệt, cồn hóa vực, vực nên cồn là một lẽ dĩ nhiên phải vậy. Thế mà với tình cảm của ông, ông không muốn có sự thay đổi ấy, bởi vậy mới có câu: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Đau đớn là bởi vật đổi sao dời không được trường cửu như lòng mình ước nguyện.

 

Nhà thi sĩ thường mong ước sống được trong một cảnh ái tình trường cửu: Đó là ảo vọng của tình cảm. Nó làm cho người ta ham sống, sống trong hi vọng. Nietzsche nói: “Ảo vọng giúp con người được sống hạnh phúc hơn chân lý”. Điều đó có thể chưa đúng nhưng cho ta thấy vai trò của ảo vọng trong cuộc sống.

 

Trước kia là những ảo vọng của tôn giáo, ngày nay là những ảo vọng của triết học và xã hội…

 

Có thể nói, với dân chúng, họ cần phải có những ảo vọng mới sống được. Cho nên, yếu tố lớn lao nhất của cuộc tiến hóa các dân tộc không phải hoàn toàn là chân lý mà có cả ảo vọng.

 

Thiên Đàng, Tiên Cảnh, Quả báo, Luân hồi phải chăng là những ảo vọng, thế mà không có nó khó mà khuyến khích thiên hạ làm lành tránh dữ.

 

Tóm lại, với quần chúng, sống cần phải có ảo vọng. Thiếu nó thời các hoạt động ngưng đi. Vậy, phá tất cả ảo vọng của con người, nhà dẫn đạo khôn khéo phải biết đem một ảo vọng mới thế vào, thì dân chúng mới chịu.

 

Ảo vọng, phải chăng là yếu tố quan hệ nhất để tạo dư luận và tín ngưỡng.

 

Tuy nhiên, quần chúng trước sau rồi cũng có ngày bị thất vọng, vì sự thật thế nào rồi cũng sẽ đến làm cho họ tỉnh ngộ lại. Kinh nghiệm là bài học duy nhất để cho dân chúng biết tôn thờ sự thật và giúp họ phá những ảo vọng nguy hiểm ấy đi. Ta cứ giở ngay lịch sử ra thì rõ. Những kẻ bị nhiều thất vọng là những kẻ sành đời hơn người. Những nước bại vong thường là những nước tỉnh ngộ sớm hơn hết.

 
6. Quả quyết và sự lặp đi lặp lại
 

Muốn cho người tin mình, phải biết quả quyết. Quả quyết một lần không đủ, phải biết lặp đi lặp lại mãi điều mình quả quyết ấy mi đặng. Đó là tất cả cái thuật “nhồi sọ”.

 

“Ông Tăng Sâm ở đất Phí. Ở đấy, có kẻ trùng danh với ông giết chết người. Một người hớt hải chạy đến bảo mẹ Tăng Sâm rằng: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ nói: “Chẳng khi nào con ta lại giết người”. Rồi bà cứ điềm nhiên ngồi dệt cửi.

 

Một lúc, lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên ngồi dệt cửi.

 

Một lúc nữa, lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.”

 

Những nhà dẫn đạo dùng lối này để tạo dư luận và tín ngưỡng.

 

Câu nói quả quyết càng được vắn tắt, khêu gợi và rắn rỏi chừng nào thì ảnh hưởng lại càng mạnh mẽ chừng nấy. Đối với quần chúng, những bài luận dài dòng không hiệu quả gì cả.

 

Những kinh thánh xưa đều dùng lối quả quyết “suông” thôi. Người ta gọi đó là “lời nói của thánh thần” nghĩa là nói một cách quả quyết không cần lý luận, không cần bằng cứ. Nhà chính trị và nhà buôn bán thường dùng lối văn “suông” như thế lắm.

 

Một quả quyết mà lại nhái đi nhái lại mãi, sẽ tạo thành một ý kiến ăn sâu vào đầu óc quần chúng, lâu ngày người ta sẽ tin rằng nó là một chân lý có đủ bằng cứ, không cần nghi ngờ gì nữa cả.

 

Đem một tiếng nào, một ý tưởng nào, một khẩu hiệu nào mà lặp đi lặp lại mãi thì rốt cuộc nó sẽ biến thành một tín ngưỡng. Từ người buôn bán các món hàng vặt ở giữa chợ, đến ông giáo chủ một tôn giáo, đều dùng cái lợi khí này để thiết lập thân chủ và tín đồ mình. Napoléon là người rành cái thuật này lắm. Dầu là một bậc thức giả cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng của sự nhái đi nhái lại một ý tưởng. Hễ vô tâm thì nó lôi kéo mình như chơi. Bởi vậy, thuật quảng cáo ngày nay là thuật gì, nếu không phải là thuật nhồi sọ bằng sự lặp đi lặp lại một món hàng? Hằng ngày đọc báo thấy nói: “Không thuốc xổ nào bằng thuốc xổ hiệu X…”, riết rồi, ta cũng tin là nó hay như lời quảng cáo ấy. Hoặc đọc báo thấy nói mãi rằng “Ông A là một người gian tham xảo quyệt, còn ông B… là một người ngay thẳng quân tử”; riết rồi ta cũng tin bằng lời, trừ ra khi nào ta đọc nơi tờ báo khác thấy người ta đính chính lại sẽ hay.

 
7. Uy danh
 

Những luận lý học, bàn về những yếu tố tạo thành một phán đoán, dường như bỏ qua yếu tố quan trọng này: Uy danh.

 

Một ý kiến mà được một nhà học giả có uy danh bênh vực truyền bá, thời bao giờ cũng được phần đông nghe theo.

 

Về những vấn đề thuộc về nghề nghiệp của ta, hay thuộc về chỗ sở trường của ta thì ta có thể tin cậy nơi sự phán đoán của ta thôi. Ngoài ra, ta không cần cố công mà suy nghĩ hay lý luận làm gì cho nhọc. Thà nhắm mắt tin theo nhóm người chuyên môn và có uy danh họ thay ta phê phán là đủ. Quyền thế của ông thầy đời nào đến giờ cũng vẫn xem như một điều thiêng liêng không thể xâm phạm.

 

Một người chưa có uy danh gì cả, mà nói ra một điều đúng với chân lý bao nhiêu, người ta ít chịu để ý đến. Trái lại, lắm khi một anh đần nhất lại được thiên hạ nghe theo. Là vì, không dè mình là đần, họ dám quả quyết một cách độc đoán. Nhờ sự quả quyết và lại khéo lặp đi lặp lại mãi thành ra họ có uy thế. Một anh bán thuốc dán ở ngoài chợ quả quyết một cách chắc chắn rằng thuốc mình là công hiệu hơn hết, thế rồi cũng có đủ uy thế để ảo hoặc tư tưởng của đám đông quây quần chung quanh họ.

 

Uy danh là một sức mạnh thuộc về tinh thần, cao hơn sức mạnh về vật chất gấp bội. Nhiều xã hội sở dĩ thành lập cũng vì nhờ nó, hơn là nhờ nơi sức mạnh. Napoléon, khi vượt cù lao Elbe về nước, chỉ nhờ nơi uy danh mà không mấy ngày thâu đoạt lại cả nước Pháp về tay mình. Trước cái hào quang sáng rực của tên tuổi ông, súng thần công của nhà vua đều câm miệng cả, các đạo binh của nhà vua đều tiêu tan cả. Người ta lúc bấy giờ xem ông như một vị thần thánh.

 

Thường trong giới văn chương, những nhà văn chưa có uy danh gì cả đua nhau tìm những nhà văn đã có uy danh đỡ đầu, giới thiệu hoặc làm bài tựa là họ muốn công chúng vì uy thế của nhà văn có tiếng để ý đến những điều họ bày tỏ. Người đọc sách cần phải để ý coi chừng, đừng để cho cái “uy danh” của người đề tựa thôi miên óc phán đoán của mình đi. Đọc sách những nhà văn có tiếng cũng phải để ý đến uy danh họ, và đừng để cho họ lôi cuốn ảo hoặc mình.

 

Nô lệ lấy uy thế của cổ nhân, thật là một tai nạn cho sự giải phóng tinh thần con người. Cái tinh thần “Tử Viết” ấy, ngày nay vẫn còn mạnh lắm. Không phải nói như thế là bảo phải ruồng bỏ cổ nhân hoặc những nhà đại văn hào có tiếng lớn hơn trong thế giới ta cần phải giữ gìn óc phán đoán của ta được tự do, đừng vì uy thế họ mà làm mờ óc phê bình của mình đi. Và chỉ có thế thôi.


 

Uy danh của một người hay của một phe phái nào, đều do nơi sự thành bại mà tăng

 

Người được đắc thắng trong một công việc gì thời uy danh của người ấy nhờ đó mà thêm lừng lẫy. Trái lại, nếu người ấy thất bại, uy danh liền đó tiêu ma. Người anh hùng mà được quần chúng hoan nghênh hôm nay, sẽ bị quần chúng xem thường ngày mai nếu họ bị thất bại.

 

Uy danh, nếu muốn giữ gìn nó mãi thì điều kiện đầu tiên là phải luôn đắc thắng, luôn luôn thành công.

 

Ferdinand de Lesseps, người đào kinh Suez, lúc đang thời, người ta xem như thần như thánh. Khi ông đi ngang Southampton, chuông nhà thờ đổ mừng, thiên hạ chen chân không lọt ở những con đường ông đi qua. Nhưng đến khi ông muốn đào luôn kinh Panama, ông thất bại. Uy danh liền đó đổ nát trong nháy mắt. Sau khi người ta đem ông tôn ngang hàng với các nhân danh trong lịch sử, người ta lại mạt sát ông, dày đạp danh dự ông, cho ông là một tên bợm hèn hạ không đáng kể. Đám tang của ông, không một ai thèm ngó đến, đối với quần chúng, chỉ là đám tang của một anh dân quê thường nào đó mà thôi. Đời ông, là bài học cho ta thấy, nhờ đâu mà được và vì đâu mà mất cả thanh danh.


 

Uy thế chẳng những ảnh hưởng quần chúng cùng những đầu óc non nớt mà thôi, nó còn ảnh hưởng được cả những đầu óc khoa học.

 

Câu chuyện phát minh luồng sóng N là một trong nhiều câu chuyện trong làng khoa học, do ảnh hưởng tai hại của uy danh gây nên.

 

Trên vài mươi năm nay, Blondlot, giao sư khoa vật lý học trứ danh và là tín viên của khoa học viện có công bố những thí nghiệm của ông về làn sóng N mà ông quả quyết là đã tìm ra được. Ông là người có uy danh lớn trong làng khoa học. Có nhiều nhà thông thái đem những thí nghiệm ông ra xem xét lại và quả quyết là thật là đúng như lời ông tuyên bố. Người ta lại còn bàn tán nhiều tính chất lạ lùng của những làn sóng điển ấy nữa.

 

Vì sự phát minh lớn lao ấy Viện khoa học định cho một phần thưởng, mới phái nhiều hội viên đến tận nhà xem xét. Trong đám hội viên lại có nhà vật lý học trứ danh Mascart nữa. Các hội viên đều hết sức vừa lòng. Thế là nhà phát minh Blondlot được lãnh giải thưởng 50.000 quan.

 

Trong lúc ấy, các nhà thông thái ngoại quốc không bị ảo hoặc vì cái uy danh to tát của Blondlot, cặm cụi thí nghiệm đi, thí nghiệm lại mãi nhưng không có kết quả gì. Họ mới đi tìm nhà phát minh tin cậy cắt nghĩa và thí nghiệm lại. Bấy giờ họ mới khám phá ra được rằng luồng sóng điển N chỉ là một ảo giác do miếng tam lăng kính mà ra. Báo Revue Scientifique bèn cậy các nhà thông thái trong thế giới mở cuộc điều tra. Té ra, làn sáng điển N thật là một ảo giác.

 

Các nhà vật lý học Pháp trước kia đã tán tụng sự phát minh này (và có nhiều ông lại tuyên bố chính mình có làn sóng điển ấy nữa) bấy giờ tỉnh ngộ, đem thí nghiệm lại, thì không thấy gì cả.

 

Té ra, suốt hai năm trường, các nhà vật lý học chuyên môn họ bị uy danh ám thị, làm cho họ tin tưởng một việc do tưởng tượng gây ra như một chân lý.


 
8. Báo, Sách, và Quảng cáo
 

Muốn tạo dư luận gây Tin Tưởng, người ta cũng thường dùng đến Sách và Báo.

 

Nhưng sách thì ít ảnh hưởng hơn báo, vì quần chúng ít đọc sách hơn đọc báo, có khi không thèm đọc tới là khác. Tuy vậy, cũng có nhiều quyển sách thế lực to lớn không thua gì báo chí, như sách J.J.Rousseau gây được phong trào cách mạng Pháp quốc, quyển “Túp lều của chú Tom” xui nên trận giặc Nam Bắc phân tranh bên Mỹ.

 

Hiện thời ảnh hưởng của báo chí ăn đứt sách vở. Thiên hạ ngày nay, phần đông ý kiến của họ là ý kiến của báo chí cùng một phe phái với họ.

 

Ảnh hưởng của báo chí đối với thời cuộc thật lớn lao vô cùng. Ngày nay địa vị của báo chí là một địa vị cao nhất. Người ta tin rằng, nếu một chủ ngân hàng nào đủ sức mua được tất cả các tờ báo trong hoàn cầu, thì người ấy là chúa tể của thế giới, ta hồ muốn làm gì tùy ý.

 

Không có một chính phủ nào mà không biết đến cái thế lực ám thị của báo chí. Bởi vậy mỗi nhà chính trị đều có cái mộng cầm trong tay một cơ quan ngôn luận.


 

Muốn biết ảnh hưởng của báo chí đối với độc giả như thế nào hãy xem ngay kết quả của những quảng cáo đăng trên báo thì rõ. Bất kỳ là một quảng cáo nào mà hứa hẹn nhiều điều cũng có một đám người tin theo cả. Trước đây một ít lâu người ta bắt được một tên bợm, trong quảng cáo hứa cho mượn tiền không cần bảo đảm. Sự thật, ai lại không hiểu, nếu giữ được lời hứa ấy, hì dầu gia sản đến đâu cũng phải tiêu tan trong nháy mắt. Thế mà người ta vẫn tin được. Anh bợm này chỉ nhận chút ít tiền về việc điều tra mà anh buộc mỗi người muốn vay phải chịu thôi. Chỉ có thế mà trong vòng có mấy tháng, anh thu được trên 50.000 quan và anh cũng chưa hề cho ai vay được một quan nào cả. Một điều đáng để ý nhất, trong vụ lường gạt này, rất có nhiều nhà tai mắt và có học bị sa vào cạm bẫy.

 

Người ta thấy trong số những người bị gạt, có cả những ông quan tòa, các ông thầyện, các viên võ tướng. Không còn bằng cứ nào hơn những bằng cứ này để chứng nhận rằng: Sức ám thị của báo chí rất mãnh liệt vô cùng. Ở xứ ta, các nhà thuốc cao đơn hoàn tán, và các thầy đại bịp họ làm giàu cũng nhờ nơi quảng cáo trong các báo.

 

Thậm chí văn chương, sứ mạng của nó là giải phóng tinh thần con người, thế mà cũng lại chạy theo phong trào thương mãi, làm quảng cáo lung tung để nhồi sọ độc giả. Stefan Zweig nói: “Phận sự các nhà văn có lương tâm là phải chống lại một cách hẳn hoi với phong trào quảng cáo trong văn chương. Văn chương mà quảng cáo là một điều sỉ nhục văn hóa”. Georges Duhamel cũng cực lực phản đối: “Văn chương và quảng cáo là một cái mâu thuẫn to tát của thời đại bây giờ. Văn chương là giải phóng, còn quảng cáo là nhồi sọ. Đôi vợ chồng ấy mà đi đôi với nhau mãi, sẽ là mối lo rất lớn của Văn hóa ngày nay vậy”.

 

Thuật quảng cáo ngày nay đã đến một giai đoạn tối cao rồi. Bên Mỹ, tờ báo bán chạy nhất, người ta đã tính cho nó trong một năm, thâu vô về tiền quảng cáo không mà thôi, có tới trên 15 triệu dollars. Tất cả các tờ báo bên Mỹ, tiền quảng cáo thâu vô trên 500 triệu dollars trong một năm. Arren, tác giả một quyển sách về thuật quảng cáo, cho biết rằng một nhà bán viết máy thường kia, phải tốn về quảng cáo trong một năm có trên 500.000 quan. Còn một nhà bán “savon” phải bỏ ra trong 40 năm số bạc là 60 triệu về tiền quảng cáo.

 

Bấy nhiêu sự hao tổn ấy cố để hấp dẫn người mua, nhồi sọ họ. Ta đủ thấy sức ám thị của quảng cáo là bậc nào, không thế thì ai lại dại gì đổ bạc triệu ra vì nó. Những mánh khóe trong nghệ thuật quảng cáo, mỗi người của chúng ta cần phải biết qua, – chẳng phải để nhồi sọ người khác mà là để tránh cho mình đừng bị nhồi sọ. Trong quyển “Cái Dũng của Thánh Nhân” tôi đã chỉ ra cách phòng ngừa cái nạn quảng cáo để gìn giữ tự do cho tinh thần, nên đây không cần bàn đến.


 

Tóm lại, biết phân biệt được thế nào là tín ngưỡng, thế nào là trí thức, thời tư tưởng mới được sáng suốt rõ ràng. Nhất là muốn suy n ghĩa chính đáng, phán đoán vô tư, cần phải lánh xa Dư Luận và Tín Ngưỡng. Biết được cách tạo dư luận và tín ngưỡng là biết được cách thoát khỏi ảnh hưởng tai hại của nó: “Dùng đến uy danh để ám thị, là cố làm cho ta không thấy được chân tướng của mọi sự vật và làm cho tê liệt óc phê phán của ta đi”.[30]

 

Muốn giữ được sự độc lập của tinh thần, phải biết sống một mình, suy nghĩ một mình, đem những dư luận đương thời mà phê bình gắt gao; đừng để cho phong trào lôi cuốn một cách vô tâm; đứng ngoài các luồng tư tưởng hay tình cảm mà mình xem là bạo động hay chưa đủ lý, và chỉ biết hành động theo sở kiến của mình mà không quan tâm gì đến ý kiến, dư luận của kẻ khác.

 

Nói tắt là phải biết giải thoát ra khỏi những ảnh hưởng của xung quanh.

 

Ta có thể quả quyết một cách tuyệt đối rằng: Dùng lý luận không ảnh hưởng gì được quần chúng cả. Với quần chúng chỉ dùng đến Tình Cảm mới ảnh hưởng được họ mà thôi. Con người khi ở một mình nghĩ khác, mà khi ở trong quần đoàn thì lại nghĩ khác.

 

Gustave Le Bon nói: “Cá nhân mà ở trong quần đoàn thì chẳng qua là một hột cát trong các hột cát, bị lôi cuốn như chơi trong một cơn gió lốc”. Ông lại nói: “Một nhà thông thái mà đứng chung với quần đoàn, cũng không khác nào một anh dốt. Cả hai đều mất cả khiếu quan sát và phê bình”.[31]

 

Đứng về phương diện luận lý, thì lý luận của quần chúng là một lối lý luận thô sơ đơn giản nhất.

 

Lý luận của quần chúng là lối luận bằng liên tưởng, liên tưởng một cách rất đơn giản. Đấy là lối luận bằng loại suy thật thà của anh dân Esquimau khi thấy nước đá hễ để vô miệng thì tan ra nước cũng tưởng cho tất cả những vật trong trẻo như tấm kiến, cũng sẽ tan ra nước nếu ngậm trong miệng. Ấy là lối luận của anh thợ, bị chủ lường công nên kết luận rằng tất cả các ông chủ đều lường của thợ. Họ tin thật như vậy, vì nhật trình phải tả thường luận với họ như thế.

 

Lúc phong trào cách mạng đang lan rộng trong xứ này, tôi nhớ rất nhiều tờ báo thuật lại một việc chủ hành hạ thợ, rồi kết luận: “Đó, bọn tư bản tàn nhẫn vô nhân đạo, bóc lột v.v…” Toàn là chiều theo những lối luận của quần chúng mà dụ dỗ họ thù ghét giai cấp phú hào.

 

Dùng lối liên tưởng cẩu thả, nhân chỗ tương tợ giữa sự vật để kết luận là một loại như nhau; nhân một vài việc vụn vặt, qui nạp liều lĩnh thành những luật chung để kết luận, kết án… đó là những yếu điểm của lối luận của quần chúng.

 

Với quần chúng không cần phải lý luận gì cả, miễn là biết khêu gợi dục vọng họ là dẫn dụ họ được ngay. Cho nên, những ý kiến họ nhận là những ý kiến quả quyết suông, bắt buộc họ phải nghe chớ không phải những lý luận chặt chẽ cốt giúp cho họ suy nghĩ đúng đắn đâu. Họ không cần những lý luận cầu kỳ, rắn rỏi; một câu thôi, nếu câu ấy khéo du bợ, vừa ý đẹp lòng, thỏa mãn khát vọng họ, là đủ cho họ hoan nghênh ngay.

 

Muốn cho suy nghĩ c đúng đắn, cần phải suy nghĩ lấy một mình trong yên lặng, để khỏi phải bị ảnh hưởng kích thích bên ngoài của xã hội, của quần chúng.


 

Nhà đại văn hào Guglirlmo Ferrero, trong quyển Discours aux Sourds khuyên ta: “Chúng ta có biết chúng ta muốn cái gì không? Đó là vấn đề quan trọng nhất. Mỗi người và mỗi thời đại cần phải tự vấn mãi bằng câu hỏi này, không khác nào ngày đêm ta cần giữ mãi một ngọn đèn trong bóng tối. Không thế thì trong ý muốn của ta thảy đều là mơ hồ hỗn độn cả”.

 

Thật vậy, chúng ta sống bị Tình Cảm sai sử nhiều hơn Lý trí. Mà Tình Cảm thì không kể gì đến mâu thuẫn cả, miễn là thỏa mãn được lòng ao ước của mình thôi, như ta sẽ thấy trong chương sau đây.

 

Bởi thế, vừa muốn cái lợi cái hại, cái phải, cái quấy, cái nên, cái hư… nghĩa là những cái mâu thuẫn với nhau. Vừa muốn giải phóng tinh thần nhân loại bằng văn chương, vừa muốn nhồi sọ công chúng bằng quảng cáo.

 

Dư luận và Tín ngưỡng như ta đã thấy ở trên đều thuộc về giới Tình Cảm. Nếu ta vô tâm buông trôi tinh thần mình theo nó, là bị sóng lôi cuốn trong mâu thuẫn mà không hay vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.