Thuật Tư Tưởng

Chương VI LÝ LUẬN CỦA TÌNH CẢM VÀ THỊ DỤC



Như ta đã thấy trước đây, đời sống tình cảm có trước đời sống lý trí. Người ta chịu ảnh hưởng tình cảm trước hết. Ngày nào mình sống dưới quyền của Lý Trí… đó là ngày mà mình tiến lên khỏi cái mực của đời sống theo thiên tính của loài vật.

 

Những kẻ còn sống dưới quyền của thị dục… nếu họ sớm dùng đến lý luận… thường là để thỏa mãn thị dục của họ hơn là để tìm chân lý.

 

Sống theo thị dục đành là một việc mà bất kỳ là ai cũng đều bị ảnh hưởng ít nhiều… nhưng nếu chỉ biết sống theo thị dục mà thôi, thì người ta ắt không bao giờ thấy khổ.

 

Khái niệm “khổ” là do sự tranh chấp giữa Tình và Lý nơi lòng ta mà thôi. Con thú chỉ biết sống thỏa mãn thị dục nó, rồi thôi. Con người trái lại, còn có Lương Tâm biết phân biệt phải quấy… nó giày vò, xéo xắt không để cho ta yên mà an hưởng cái thú vui của xác thịt. Thế là con người phải tìm ngay một phương thế để gạt gẫm lương tâm mình. Họ đem Lý Luận để phụng sự cho Thị Dục, hay nói theo nhà luân lý học, học “hợp lý hóa tình dục”.


 

Cái lối luận của Lý Trí và cái lối luận của Thị Dục khác nhau rất xa. Ta cần phải biết phân biệt cho thật rõ ràng chỗ dị đồng của nó mới mong nhận được trong khi ta suy nghĩ… lúc nào là lúc ta suy nghĩ theo Lý và lúc nào là lúc ta suy nghĩ theo Tình. Tuy cái lối luận theo thị dục là lối luận đầu tiên của loài người, người ta chỉ nghiên cứu và bàn bạc đến nó mới trong vòng mấy mươi năm gần đây thôi.

 

A. Chỗ phân biệt giữa hai lối luận

 

Lý và Tình:

 

W. James trong quyển “La Volonté de Croine” chỉ cái lối luận của người tín ngưỡng[32] như vầy:

 

Việc phải xảy ra như thế này mới được. Tôi muốn cho nó phải xảy ra như vậy. Thế thì nó phải như vầy… như vy…

 

Ta hãy thử lấy một ví dụ:

 

Như thời quân Đồng Minh và quân Trục đang đánh với nhau. Những kẻ không vì quyền lợi, cũng không vì cảm tình muốn phe nào thắng hay phe nào bại, sẽ dùng lý luận như thế này: Có nhiều tin tức các nơi đưa đến, nói rằng Đồng Minh thắng, họ bèn nhân đó mà kết luận Đồng Minh sẽ thắng được. Đó là họ dùng phép qui nạp của khoa học để lý luận. Lối luận này là lối luận của Lý Trí: Kết luận đi theo sau những tài liệu lượm lặt đó đây. Trái lại, những kẻ vì quyền lợi hoặc vì thiện cảm với Đồng Minh, muốn cho phe Đồng Minh thắng sẽ luận cách khác: Trong mớ tin tức, họ tìm cái nào hạp với lòng ao ước của họ thì họ tin liền, không cần đòi hỏi bằng cứ gì cả. Trái lại, những tin tức nào không hạp với ý nguyện của họ là họ gác qua một bên, hoặc không để ý đến, hoặc tìm đủ lý để ngờ vực nó. Chọn lựa xong rồi, họ giữ lại toàn những tin nào có thể kết luận rằng Đồng Minh thắng mà thôi. Đó là lối luận của Tình Cảm: Kết luận đã đặt sẵn, trước khi đi săn tìm bằng cứ.

 

Hai lối luận trên đây cách luận đều giống nhau: Cả hai đều vịn theo những bằng cớ là tin tức các nơi đưa đến để qui nạp sự thắng trận của Đồng Minh. Nhưng sở dĩ nó không giống nhau là vì lối luận của Lý Trí thì vô tư: Người luận không có sẵn trước cái lòng ao ước cho bên nào thắng bên nào bại cả. Họ chỉ bình tâm quan sát và kiếm tài liệu, để tìm một kết luận đúng đắn công bình. Cho nên trong khi họ tìm tài liệu tin tức, họ chưa biết kết luận sẽ như thế nào. Tùy theo tin tức, nếu đòn cân thắng lợi ngả về bên nào, thì họ sẽ kết luận cho bên đó sẽ thắng.

 

Trái lại, lối kết luận của Tình Cảm thì hữu ý thiên vị: Người luận trước khi đi tìm tài liệu tin tức, trước cái lòng ao ước cho bên phe mình thắng. Bởi vậy họ không đủ can đảm nhìn nhận những tin tức nào có thể làm hại cái lòng ao ước ấy của họ. Tuy cũng đi tìm tài liệu, nhưng họ chỉ đi tìm những tài liệu nào có thể chứng minh cái lòng ao ước của họ kia là đúng với sự thật mà thôi.

 

Hay nói một cách khác: “Luận theo Lý Trí là luận để tìm sự thật; còn luận theo Tình Cảm là luận để chứng minh cái điều mình ao ước hay tín ngưỡng, không đếm xỉa gì đến sự thật nữa cả.


 

Ông thầy thuốc khi xem bệnh dùng lối luận của Lý Trí để tìm nguyên nhân của chứng bệnh. Nhân những chứng hiện ra, ông tìm coi bệnh ấy có thể sắp vào loại nào và chiếu theo nguyên lý ấy, ông tìm những kết quả của nó sẽ phải đến đây, một cách thản nhiên vô tư. Trái lại, bà mẹ bên giường bệnh của đứa con yêu quý, thuần dùng lối luận của Tình Cảm. Bà tưởng tượng con bà mạnh hay không thể mạnh được, mà không cần nghĩ gì đến thực sự cả. Mỗi một cái chứng gì hiện ra là một triệu chứng bệnh tử hay bệnh nguy… Ai nói con bà sẽ mạnh, bà mừng rỡ và cám ơn; ai bảo con bà sắp nguy, bà buồn bã và oán ghét. Những y sĩ có danh cứu người rất tài, đến khi chữa bệnh cho người thân thì lại lúng túng vụng về, cũng vì lẽ ấy: Bệnh tình cảm làm mờ óc phán đoán.

 

Felicien Chayllaye đại khái bảo: “Người đang bị Dục Vọng chi phối tâm hồn, không bao giờ chịu lý luận gì cả. Nếu họ lý luận là để tìm một kết luận thỏa ý vừa lòng họ thôi; kết luận ấy họ đã có sẵn trước khi họ lý luận[33]. Nếu họ nhận thấy cái luận của họ không vững vàng, họ bèn đổi cách luận đi, chớ không chịu đổi ý định, ví như người luận là anh thích rượu. Anh sẽ luận:

 

Ở đời, phải mạnh mẽ, (đại tiền đề).

Mà rượu, làm cho ta mạnh (tiểu tiền đề).

Vậy, ta phải uống rượu. (kết luận)

 

Có kẻ cắt nghĩa sự lầm lạc của câu tiểu tiền đề, thì anh lại bèn đổi nó đi, và luận lại cách khác:

 

Ở đời, cốt yếu là phải vui vẻ;

Vậy, ta phải uống rượu. (kết luận)

 

Ở đây, kết luận vẫn không thay đổi, vì đó là chỗ ao ước ưa thích của anh. Anh đổi nguyên tắc, nhưng kết luận ấy, anh cố giữ không cho thay đổi.

 

Tôi còn nhớ một thi sĩ kia, muốn biện hộ cho sự thích rượu của mình, làm bài thơ say, vô đầu có câu:

 

Nhãn khám nhơn tận túy

Hà nhẫn độc vi tính

(nghĩa là: Mắt thấy thiên hạ đều say cả. Một mình ta nỡ nào lại tỉnh).


 

Cái kết luận tiên thiên này, có khi không phải là một dục vọng, mà là một thành kiến.

 

Liệt Tử có bài ngụ ngôn: “Có người kia làm mất cái búa, nghi cho đứa con người bên xóm lấy. Bấy giờ anh trông dáng điệu đứa nhỏ rõ ràng là đứa ăn trộm búa, nhìn từ vẻ mặt, từ hành động mỗi mỗi cũng rõ là đứa ăn trộm búa. Được vài hôm, người ấy tìm thấy cái búa bỏ lộn trong khạp cây… Bấy giờ anh ta trông đứa bé từ vẻ mặt, dáng điệu, cử chỉ không còn thấy một tí nào là giống đứa ăn trộm búa nữa”.

 

Có sẵn trước một thành kiến cũng như có sẵn trước một tình cảm, một dục vọng hay một quyền lợi nào thì sự quan sát suy nghĩ của ta sẽ phải bị thiên đi. Chính vì cách luận sai lầm này mà không biết bao nhiêu kẻ bị oan uổng vì một khi đã bị nhà chức trách tình nghi, thì sớm muộn gì cũng bị kết án.[34]

 

Ở pháp đình, câu chuyện sai lầm này thường xảy ra lắm, nhất là trong những cuộc điều tra của quan Bồi Thẩm.

 

Cách dùng ức thuyết để tìm chân lý trong khi quan sát rất có lợi, nhưng cũng rất có hại. Lợi là khi nào ta vô tư: nếu thấy sự thực không đủ bằng cứ để chứng minh ức thuyết của mình thì phải bỏ nó ngay đi để lập một ức thuyết khác. Trái lại, nếu vì thương ghét hoặc vì quyền lợi, vì thành kiến mới đặt ra ức thuyết thì thật là nguy hiểm.

 

B. Đặc tính của lối luận tình cảm

 

1. Chấp mâu thuẫn

 

Giờ ta hãy tìm coi tại sao lối luận theo Tình Cảm không bao giờ chịu để ý đến cái “nguyên tắc đồng nhất” là nguyên tắc căn bản của lối luận Lý Trí. Hay nói một cách khác: Tại sao luận theo Tình Cảm vẫn nhận được có sự mâu thuẫn, điều rất tối kỵ trong khi luận theo Lý Trí.

 

Trước hết, ta cần phải để ý điều này để khỏi phải có sự hiểu lầm: Mâu thuẫn giữa điều ta suy với điều ta cảm là một việc; còn mâu thuẫn giữa hai sự phán đoán cùng một loại là một việc khác.

 

Thử lấy một thí dụ: Ta thường thấy hiếm có kẻ có khiếu suy nghĩ thiết thực lắm, đầu óc khoa học trăm phần trăm, thế mà họ vẫn mê tín như đàn bà con nít. Pasteur, một nhà khoa học hoàn toàn; thế màtín ngưỡng Chúa Trời như bao kẻ tín ngưỡng khác. Đó là cái trạng thái của một tâm trí chia đôi: Suy một đàng, cảm một ngả, – không phải thuộc về vấn đề tôi muốn bàn nơi đây.

 

Ở đây, tôi muốn nói đến sự mâu thuẫn giữa hai phán đoán đồng một loại với nhau: Biết bao kẻ theo đạo Phật hay đạo Cơ Đốc… nghĩa là theo những đạo thuần dạy về lòng nhân đạo, thế mà họ rất tàn nhẫn đối với những kẻ không cùng một tín ngưỡng với họ, cũng có hiếm kẻ theo đạo Thiên Chúa, thế mà vẫn đi xin xăm, coi bói hoặc học bùa, học gồng… toàn những thứ mà đạo của họ rất ngặt.

 

Tại sao lại có được những điều mâu thuẫn như thế? Nếu đứng về phương diện luân lý mà trả lời thời không thể hiểu được, vì luân lý không bao giờ dung được có sự mâu thuẫn. Nhưng, nếu đứng về phương diện tâm lý thời trái lại ta có thể hiểu được một cách dễ dàng, vì lòng ham muốn con người đâu có cần gì sự đồng nhất; những điều gì có thể thỏa mãn được lòng ao ước của mình là ta có thể nhận ngay, dầu nó có trái nghịch với nhau cũng mặc.

 
Ta có thể nhận những điều đã thấy trên đây để phân biệt hai lối luận đặc biệt này:

 
  1. Lối luận của Lý Trí chỉ có một mục đích thôi, là tìm biết các sự thật khách quan.

    Đành rằng, hễ gọi là lý luận là đã hàm có phần chủ quan ở trong rồi, nhưng ở đây, phần chủ quan rất ít, – ít đến không đáng kể là có đặng. Phận sự của Lý là hợp nhất, nghĩa là không có sự mâu thuẫn: Hễ đã nhận một vật này như vầy thời không thể cũng vừa nhận nó là không phải như thế cho đặng. Tức như, việc này nếu đã cho nó là phải, thì không thể cũng cho nó là quấy. Lối luận của Lý Trí, không nhận có sự mâu thuẫn[35].
  2. Lối luận theo Tình Cảm là lối luận chủ quan trăm phần trăm. Ấy là lối luận thích ứng với sự ưa, ghét, với lòng tín ngưỡng của mình. Sống theo Tình Cảm, đâu có cần lo ngại đến sự mâu thuẫn, vì bất kỳ là điều gì thỏa được lòng ưa thích của mình, là có thể nhận ngay, mặc dầu nó có mâu thuẫn với nhau cũng không sao. Hai chủ nghĩa, hai tín ngưỡng hoặc hai ước vọng nghịch với nhau cũng có thể ở chung nơi một người mà không có cái nào nghịch lại cái nào cả.
 

Cũng như người ta có thể vừa ao ước đến cõi đời hạnh phúc thiêng liêng trên tiên cảnh vừa ao ước hưởng mọi sự khoái lạc vật chất trên đời này. Hai mục đích ấy theo Lý mà suy thì thật là trái nghịch với nhau hết sức; nhưng nếu đứng về phương diện dục vọng mà xem thì nó không nghịch nhau chút nào nữa cả. Luận theo Tình Cảm là lối luận để tìm sự thỏa mãn, sự đắc thắng trong những điều mình ao ước, không thèm đếm xỉa gì đến những con đường mình đi kia có mâu thuẫn với nhau hay không. Mâu thuẫn là tiếng riêng của Lý Trí tạo ra; Tình Cảm không bao giờ biết có nó, lựa là biết đến nó. Luận theo Tình Cảm là lối luận mà kết luận đã định sẵn trước rồi. Kết luận ấy có thể là một tín ngưỡng, một ao ước hay một dục vọng. Theo lối luận mà kết luận cũng đã định trước (kết luận ấy có thể là một nguyên tắc về vật lý hay một định lý về toán học mà người đó cho là đã giải quyết xong rồi): Luận lý chỉ dùng để kiểm tra lại cái kết luận ấy thôi… Nhưng ở đây, sự khác biệt giữa hai trường hợp này thật rõ ràng hết sức: Luận theo Lý trí trên đây là luận theo khoa học. Cái kết luận đã định trước kia đã chịu nhiều thử thách của kinh nghiệm và lý luận chặt chẽ rồi: nó có thể là một chân lý không còn hồ nghi gì nữa cả. Trái lại, kết luận đã định trước của lối luận theo Tình Cảm chỉ là một sự ao ước, một ảo vọng cũng không chừng, nghĩa là chưa được kinh nghiệm, lý luận chứng nhận và bảo đảm.


 

2. Óc thiên tư

 

Luận theo Tình Cảm, là lối luận thường dùng của nhà chính trị hay những kẻ nhiệt thành với chủ nghĩa hay phe phái mình đang theo. Lối luận này thường là lối luận vô tâm, người luận lắm khi không phải vì dối trá mà luận: Họ thành thực lắm, nhưng họ không được vô tư.

 

a) André Gide thuật lại câu chuyện du lịch của mình ở một nước nọ có đoạn này rất tiêu biểu cái lối luận đã nói trên; lược thuật dưới đây: “Bên đó, dân chúng bị nhồi sọ thế nào, đến bất kỳ là một đứa trẻ cũng vậy, họ vẫn tin rằng ngoài cái nước của họ, trên thế gian không có một nước thứ hai nào mà cao hơn được, hạnh phúc hơn được. Một đứa trẻ đi chơi với tôi, gặp bất kỳ là một lâu đài hay kiến trúc nào, nó đều giới thiệu với tôi bằng một giọng tự đắc rất khó chịu: Ông thấy không? Ở đây không có điều gì mà thế giới có thể so sánh được. Kìa cái vách thành! Ai lại dám tin rằng nó chỉ làm xong trong mười ngày không?” Lòng nhiệt hứng của đứa trẻ tôi nhận thấy không phải dối trá chút nào cả, bởi thế tôi không nỡ chỉ cho nó thấy rằng cái vách thành ấy vì làm quá sơ sài cho mau rồi, mà chưa gì đã có lằn nứt nẻ. Ôi! Nó chỉ chịu để ý mà xem, hoặc chỉ có thể thấy được những cái gì a dua được cái lòng tự đắc của nó mà thôi.[36]

 

Kẻ nào một khi đã bị một ý định chiếm mất tâm hồn, thì họ chỉ nhận lấy, không cần phê bình gì cả, bất kì là điều gì thuận theo cái chiều của dục vọng họ, và họ nhất định không nhận những điều gì trái lại ý muốn của họ.

 

Lòng ái quốc quá mạnh, thường lôi kéo con người vào những cử chỉ “trẻ con” như trên đây. Họ không còn thấy sự thật là gì nữa. rong khi yêu mê hay oán ghét một điều gì hay một người nào, đừng bao giờ tin cậy nơi sự phán đoán hay lý luận của mình cả. Sự thương, ghét làm cho mình bao giờ cũng có sẵn trong lòng một thiên kiến: Hễ yêu thì chỉ thấy toàn là những điều đáng yêu, còn ghét thì cũng chỉ thấy toàn là những điều đáng ghét, không phải là ta không thấy cái xấu của người yêu, nhưng ta không muốn thấy, hoặc thấy mà bỏ qua tha thứ, và tìm đủ lý lẽ để biện hộ, để bênh vực. Trái lại, nếu ta ghét họ, thì cũng những điều mà xưa kia ta gọi là phải, lại trở thành những điều quấy cả.

 

Câu chuyện Di Tử Hà của Hàn Phi Tử dưới đây là một tỉ dụ: “Trước kia, vua nước Vệ rất yêu Di Tử Hà. Cái phép nước Vệ, ai đi trộm xe của vua thì phải tội chặt chân. Mẹ Di Tử Hà đau nặng. Đêm khuya, có người đến gọi, Di Tử Hà vội vàng lấy xe vua ra đi. Vua nghe thấy khen rằng: Có hiếu thật! Vì hết lòng với mẹ mà quên cả tội chặt chân”.

 

Lại một hôm Di Tử Hà theo vua đi chơi ở ngoài vườn, đang ăn quả đào thấy ngọt, còn một nửa đưa cho vua ăn. Vua nói: “Yêu ta thật! Của đang ngon miệng mà biết để nhường ta”.

 

Về sau, vua không có lòng yêu Di Tử Hà nữa. Một hôm phạm lỗi, vua giận, bắt tội: “Di Tử Hà trước dám tùy tiện lấy xe của ta đi. Lại một bận dám cho ta ăn quả đào thừa. Thực mang tội với ta đã lâu ngày”. Nói xong, bắt đem ra trị tội. Ôi, Di Tử Hà ăn ở với vua trước sau cũng một niềm, thế mà trước vua khen, sau vua bắt tội, là chỉ tại khi yêu khi ghét khác nhau mà thôi.[37]

 

Những lý lẽ của vua viện ra để khen hay bắt tội Di Tử Hà toàn là những lý lẽ để biện hộ cái bụng của nhà vua đã có sẵn trước kia mà thôi vậy.

 

Một nhà triết học kia có nói: “Người, không ai là không có một ông thầy kiện (trạng sư) nơi mình”. Có như vậy! Quấy, phải gì cũng mặc. Hễ muốn làm thì bao giờ hành vi của mình cũng có lý cả.[38]

 

Lối luận này thường rất đắc dụng trong tôn giáo và luân lý. Thật vậy, nếu ta xét kỹ sẽ thấy rõ trong cách luận của các nhà “tín ngưỡng” tôn giáo hay luân lý, phần mà họ gọi là chứng giải cũng chỉ là một lối biện hộ khéo mà thôi, biện hộ cho cái đức tin của họ.

 

Người ta mà có lòng tín ngưỡng đến một điều gì, cố nhiên là bởi cái điều ấy có quan hệ đến quyền lợi của họ. Quyền lợi ấy càng quan hệ đến sinh mạng của họ chừng nào thì đức tin của họ lại càng thêm mù quáng chừng nấy. Theodule Ribot nói: “Đ, tức là sự biểu lộ của một phần tính tự vệ của con người.” Bởi vậy, người ta một khi tín ngưỡng một điều gì rồi, thì không cách gì làm cho lòng tín ngưỡng ấy lay chuyển nữa đặng. Bất kỳ cái gì có thể đến làm cho xao xuyến đức tin ấy của họ, là họ loại ngay. Nhưng dầu cho đức tin ấy có kiên cố đến bậc nào, lắm khi cũng có sự nghi ngờ lởn vởn đến, làm cho nó khó bề đứng vững được nữa. Nó bèn cầu cứu đến lý luận để gìn giữ lại quân bình: đó là nguyên nhân phát sinh ra lối luận này mà nhà lý luận thường gọi là “Biện Minh Luận”.

 

Kẻ đã tín ngưỡng nơi một người, hay một chính thể nào rồi, chắc chắn là không bao giờ lại chịu nhìn nhận sự bất lực của chính thể ấy nếu chính thể ấy thất bại. Trái lại, họ tìm đủ lý lẽ để bênh vực. Quyền lợi, lòng tự ái buộc họ không thể tin được những điều gì có hại đến lòng tín ngưỡng của họ. Xưa kia, đế quốc La Mã bị bọn Ma di lật đổ; các sử gia ngoại đạo thì đổ thừa là tại dân La Mã bỏ bê sự thờ phụng thần thánh xưa, còn các sử gia theo đạo thánh trái lại, cho đó là hình phạt của Chúa Trời đối với những kẻ lạc đạo.

 

Trong luân lý, lối luận này cũng thường được đem ra dùng hằng ngày. Những lý thuyết của các nhà luân lý phần nhiều thật là khéo léo… nhưng tực trung chỉ để biện hộ một khuynh hướng hay một sự ưa thích riêng đã định trước thôi. Nếu để ý cho kĩ, ta sẽ thấy trong những sự bàn cãi về vấn đề luân lý người ta chỉ thay đổi tiền đề thôi, chớ kết luận thì luôn luôn vẫn không thay đổi, như ta đã thấy trong cách luận của anh nghiện rượu trước đây.

 

Trong giới tôn giáo, lối luận này lại được đắc dụng hơn hết. Những kẻ tín ngưỡng chân thành tin một cách mù quáng rằng: Hễ tu thì được phước, nghĩa là được ân trên che chở. Bởi vậy, hễ họ được sự gì may mắn họ liền cho đó là sự ban thưởng của “Thượng Đế”; – trái lại, nếu họ bị tai họa dập dồn… họ liền bảo đó là sự thử thách của đấng thiêng liêng. Họ có thèm đếm xỉa gì đến sự mâu thuẫn đâu! Họ cho rằng “Ý Trời” thật khó lòng mà suy trắc nổi, nhưng rồi họ cũng vẫn tìm đủ cách để cắt nghĩa, giảng giải hay biện hộ như thế này, thế nọ, miễn lòng tín ngưỡng đến “Thượng Đế” của họ đừng lay chuyển thì thôi.

 

Một bà kia có đứa con gần tới kỳ bắt quân dịch. Bà tụng kinh niệm Phật hằng ngày và khấn nguyện bố thí lúa gạo cho kẻ nghèo nếu con bà khỏi bị điền lính. Đến ngày điền, con bà được tha. Bà mừng, bảo với mọi người: “Vô lý mà con tôi bị bắt lính, vì tôi tu hành chân thành lắm, nhất là tôi đã nguyện thí lúa cho dân nghèo”. Đến lượt thằng con kế của bà cũng sắp bắt đi lính. Bà nói trước với mọi người: “Kì này, chắc cũng không sao. Tôi nguyện thí áo quần nữa, và trọn tháng này, tôi tụng niệm dữ lắm”. Rủi, con bà bị bắt lính. Bà nói:Coi vậy, đứa nào cũng có “cái số của nó, ai mà cưỡng đặng. Nhưng, mình tu hành, có lẽ rồi đây nó ra trận sẽ có người trên che chở…” Dầu sao, lòng tín ngưỡng của bà không bao giờ chịu nhượng bộ.


 

Ở đây là bàn về lối luận của Tình Cảm, cho nên tôi chỉ nói sơ qua những “ca” của những học giả tưởng lầm mình theo phương pháp khách quan, trong khi mình bị thiên về một tín ngưỡng, một thiên kiến do tính chất giáo dục tạo nên. Trong khi họ lập thuyết, thì lý luận họ chặt chẽ như lý luận của Lý Trí: Họ cũng quan sát, diễn dịch, qui nạp phải phép lắm, nhưng sự thật, là họ chỉ làm công việc một anh trạng sư, biện hộ cho một sở thích, một ước vọng âm thầm trong tâm khảm.

 

Chính đó là lối luận của phần đông các tay luận lý chính trị cho một chủ nghĩa hay phe phái nào. Họ lợi dụng tất cả lý thuyết (hoặc ức thuyết) của các thứ khoa học để phụng sự cho một chủ kiến mà họ ôm ấp sắn nơi lòng từ trước[39].


 

b) Ta cũng cần nên biết qua lối luận tương tự với lối luận này mà nhà luận lý thường gọi là “phủ ủy luận”. Ấy là lối luận ca kẻ tìm cho mình một an ủi cho sự đau khổ.

 

Ở đời, ai lại là người không ham sướng, ghét khổ. Ghét đau khổ, nên tìm đủ lý lẽ để tránh nó. Bởi vậy, trừ ra những bậc tu nhân khắc kỷ, những bậc trí giả thông đạt, phần đông con người đều thiên về lối luận này.

 

Bất kỳ tai nạn gì xảy đến, như thất bại, bệnh hoạn, sinh lý hay tử biệt… ta cảm thấy dường như sinh lực của ta đã bị cướp bớt, cái người của ta bị thương tổn ít nhiều. Cái “tính tự vệ” của ta bị chạm đến lẽ cố nhiên là phải có sự phản ứng. Phủ ủy luận chỉ là một cố gắng của “tính tự vệ” để hồi phục lại, bằng những cách thức không tự nhiên, cái sinh lực đã bị cướp mất[40]. Không cần phải biết những lý lẽ ấy là do ta tìm ra hay của kẻ khác mà ta thừa nhận, ta chỉ biết có một điều này thôi: Hễ cái gì an ủi ta được là ta nhận. Hiện tại thì quả là không thể nhận được, vì hiện tại đầy đau khổ, đầy thiếu thốn. Vậy, ta hãy ngó về quá khứ, nhớ lại những lúc đầy vui sướng, những cảnh thần tiên đã trải qua… để quên phứt cái hiện tại đầy thất vọng có hơn không? Hoặc, với trí tưởng tượng, nghĩ đến một tương lai đầy hạnh phúc để đền bù cái thống khổ ngày nay có phải diệu kế hơn là khư khư nghĩ mãi đến cái khổ của mình đang lăn lóc hay không? Vì vậy, những lý thuyết “quả báo luân hồi” cũng như “bồng lên cảnh” là những lý thuyết người ta thích nhất.


 

c) Giờ ta cũng nên biết qua một lối luận “bán tình bán lý” hay nói cho đúng hơn, một lối luận chiết trung cận với lý nhiều hơn các thứ luận khác nói trên.

 

Các phép luận về Tình Cảm ở trên đây là lối luận vô tâm, còn lối luận chiết trung này thì hữu tâm, có cân nhắc, có suy nghĩ. Ta nên nhớ kỹ điều này. Nói trắng ra, nó chính là một lối biện thuyết hoàn toàn. Biện thuyết là lối luận dùng để bênh vực một tư tưởng, một lý thuyết hay một tín ngưỡng nào. Ở đây, cái kết luận cố nhiên cũng đã định trước rồi. Đưa chứng cứ ra, đối với lối luận này, chỉ là một việc phụ thuộc thôi. Nó chỉ có một tôn chỉ là: khuyến dụ, lôi kéo… Nó là một thứ khí giới để chiến đấu, để dụ hoặc, để phấn khởi, lôi cuốn kẻ khác.

 

Người ta thường gặp nó trong các cuộc bàn cãi về chính trị, tôn giáo, luân lý, xã hội, mĩ thuật. Nhà dẫn đạo khuyến dụ quần chúng, nhà thuyết pháp dụ dỗ tín đồ mình trung thành với tôn giáo, nhà trạng sư cãi hộ thân chủ, những diễn giả bàn về những vấn đề luân lý, văn chương, mỹ thuật hay khoa học mà ở trong đó có hàm ý quảng cáo… đều dùng đến lối luận này.

 

Người ta thường gặp nó trong các loại tiểu thuyết hay bản kịch có luận đề, trong những cuộc bút chiến trên mặt báo giữa những nhà chiến sĩ của các phái đảng nghịch nhau v.v…

 

Trong cách luận này người ta nhận thấy cái “thể” của nó quả là lối luận chặt chẽ của lý trí nhưng cái “hồn” của nó chính ở nơi chỗ khéo khêu gợi, kích thích dục vọng để cho ta dễ bề lôi cuốn kẻ khác về cùng một phe với mình.

 

Thế thì, lối luận này là lối luận của hùng biện, không phải lối hùng biện văn hoa mà trống rỗng của phần đông các nghệ sĩ đâu, mà là lối hùng biện chân chính, đúng đắn của các nhà tư tưởng.

 

Hùng biện là gì? Phải chăng là cái thuật đem kẻ khác vào “Cái trạng thái cảm động liên miên” (Ce’st un état de’montion continue”. (Cicéron Orator).) không? Các nhà hùng biện họ dùng đủ phương thế để cảm kích kẻ khác, bất luận là bằng phương thế gì!

 

Thuật hùng biện không dùng lý lẽ để dẫn dụ mà chỉ dùng toàn cảm tình thôi. Ta thử lật bất kỳ quyển Tu Từ Học nào ta sẽ thấy đại thể đều nhắc nhở ta như vầy: “Đối với nhà hùng biện, con người là một con vật, chỉ nhờ có dục vọng và trí tưởng tượng mới chịu hoạt động thôi…”, “Hùng biện chỉ có một mục đích là thành tựu, và nếu ta muốn được việc, nghĩa là được kẻ khác nghe theo ta, phải biết đánh cho trúng ng vào thị dục họ…”. “Hùng biện, không phải chủ ý nó là để soi sáng mà là để dẫn dụ, lôi cuốn kẻ khác vào một cái chiều nào, vậy phải làm cho lòng họ chao động, trí tưởng tượng họ lung lay, ý chí họ khuất phục…”.

 

Thuật hùng biện, tóm lại là thuật điều khiển nhồi nắn tâm lý của thính giả, nghĩa là điều khiển tính tình, khuynh hướng, sở thích hay lòng háo ố… chớ không cần phải điều khiển đến trí não họ.

 

Nếu bàn qua phần ngôn ngữ dùng để biểu diễn tư tưởng và tình cảm thì ta thấy cái đặc tính của hùng biện là áp dụng lối văn tượng trưng, nghĩa là lối văn của trí tưởng tượng và của lòng cảm kích. Lối văn này thích dùng những phương pháp tu từ để khêu gợi hơn là chứng giải, những phép tỉ luận, phép ẩn dụ, phép hoán dụ, phép hô khởi v.v… Những phương thức này sở dĩ ảnh hưởng được người ta, không phải nhờ nơi những bằng cứ xác thực, mà chính nhờ nơi sự dẫn dụ khéo léo. Tôn chỉ của biện thuyết là chiến đấu. Mà cốt yếu của chiến đấu là phải “thắng”, cho nên người ta không cứ là cái gì, dầu phải dùng đến những thủ đoạn dối trá, giảo hoạt đến bậc nào, họ cũng không từ, miễn là họ giữ được phần thắng thì thôi. Xem ngay trong những cuộc cãi vặt hằng ngày nhất là trong các cuộc bút chiến trên báo, từ một vấn đề cỏn con đến những vấn đề to tát cũng vậy: Người ta không còn biết đến liêm sỉ là gì nữa, lựa là nói đến sự tìm tòi chân lý. Là vì nguyên nhân của biện thuyết là nơi sự “phì đại của bản ngã”, nó tìm đủ phương thế để thống ngự kẻ khác.

 

Vì vậy lối luận của nhà hùng biện, ta cần phải để ý lắm, kẻo phải sa vào cái bẫy của họ mà vô tình để cho họ tha hồ lợi dụng sai sử như người bị đưa vào giấc ngủ thôi miên.

 

Jules Payot bảo: “Tu Từ Học là thuật nói khéo; – nói khéo là nói thế nào cho người ta tin theo mình… Hùng biện, mục đích của nó là ru ngủ óc phê bình. Dùng sự hùng biện để dẫn dụ một người nào, là tỏ ra mình khinh khi người ấy đến bậc”… “Các anh đừng bao giờ làm một nhà hùng biện, hay một tay viết báo. Các anh hãy xem, họ đã làm ích lợi gì cho nước nhà? Họ là kẻ thích dùng sự hào nhoáng để lòe người. Họ dùng lời văn bóng bẩy, khêu gợi, những tiếng gọi khoe trương, để xúi giục các anh… Chủ ý của họ, là làm cảm động các anh, làm cho các anh mất cả quan năng tư tưởng của mình”.[41]

 

Hiền giả xưa thường khuyên ta coi chừng những kẻ “khéo lời già miệng”: “Chân lý phải có một lối nói đơn giản mà không cần khéo léo[42], “lời nói đáng tin, không đẹp; lời đẹp không đáng tin[43] v.v… thật không phải là không có lý do vậy.

 

Kết luận:

 

Như ta đã thấy, phán đoán mà không sai lầm đâu phải là dễ. Là vì nơi ta bao giờ cái “ta tình cảm” cũng đứng trên cái “ta lý trí”. Lòng dục mà còn nhiều, thì tâm trí tối tăm, dầu cho là một nhà thông thái bậc nhất cũng không hơn gì một kẻ dốt nát.

 

Người ta thường tưởng: Hễ là một bậc thông thái thì không thể suy nghĩ lầm lẫn được nữa. Tin tưởng như thế là lầm. Một kẻ thường mà ít dục vọng, lương tri của họ còn sáng tỏ hơn một bậc thiên tài mà bên trong đầy ham muốn. Câu ngạn ngữ: “Chuyện người sáng, chuyện mình quáng”, thật có đúng như vậy.

 

Không nghiền ngẫm cho kỹ tác dụng rất khác biệt của cái “ta tình cảm” và cái “ta lý trí”, thì rất dẽ bị sai lầm trong khi ta suy nghĩ hay phán đoán, dầu cho ta là người học rộng thấy xa bậc nào…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.