Thuật Tư Tưởng

Lời nói đầu



Tư tưởng ở một con người là vấn đề rất quan trọng mà cũng rất phức tạp.

 

Do vậy không phải ai cũng hiểu và làm chủ tư tưởng của mình.

 

– Tư tưởng là gì?

– Làm thế nào để giúp tư tưởng đúng?

 

Đây là những vấn đề cốt lõi mà nội dung cuốn THUẬT TƯ TƯỞNG sẽ làm rõ hơn, giúp người đọc lĩnh hội được nhiều vấn đề bổ ích.

 

Được sự đồng ý của người đại diện tác giả, chúng tôi in cuốn sách trên có sửa chữa đôi chỗ để bạn đọc dễ tiếp thu.

 

Tư tưởng là một vấn đề lớn vừa có tính khoa học vừa có tính nghệ thuật, do vậy đây cũng chỉ là tài liệu để bạn đọc tham khảo là chính và cũng khó tránh khỏi những khiếm khuyết, rất mong bạn đọc lượng thứ và đóng góp trao đổi thêm.

 

Nhà Xuất Bản Thanh Niên

Tựa (trích)

Pascal nói: “Con người là một cọng sậy yếu đuối hơn hết trong mọi tạo vật. nhưng là một cọng sậy có tư tưởng. Có cần gì tất cả hoàn vũ hợp sức lại để tiêu diệt nó: Một hơi khí, một giọt nước cũng đủ giết chết nó rồi. Nhưng, nếu hoàn vũ nghiền nát nó đi, con người vẫn cao trọng hơn kẻ giết nó, bởi nó biết nó chết, còn thế lực của hoàn vũ đàn áp nó, hoàn vũ không biết gì hết… Tất cả phẩm giá của ta là nơi tư tưởng… Và nhất là tư tưởng cho đúng”.

 

Thật quả như thế. Con người sở dĩ khác vạn vật là nhờ nơi tư tưởng. Đừng nói chi đến chỗ phân biệt giữa người và vật làm gì, ngay giữa người và người, kẻ văn minh bản khai, kẻ trí thức người chậm hiểu cũng do nơi tư tưởng mà phân cao thấp.

 

Tập tư tưởng cho đúng, là điều cần thiết hơn nữa, là một phận sự khẩn cấp của tất cả những người hữu tâm đến danh dự làm người của mình, đến trách nhiệm của mình trong gia đình, trong quê hương, trong nhân loại. Làm cha mẹ mà tư tưởng sai, là hại cho cả một gia đình. Làm thầy mà tư tưởng sai, là hại cho chả nhóm học sinh. Làm chủ một nước mà tư tưởng sai, là hại cho cả một nước ấy.

 

Kẻ thiếu quan năng của tư tưởng là kẻ sống dưới quyền chỉ huy của dục vọng, của thói quen… sống như một con vật. Cho nên, đối với mình, tư tưởng là phương pháp duy nhất để tự giải thoát vậy.

 

Người ta thường bảo: Chân lý phải có một giá trị cụ thể và thực dụng. Đành thế, nhưng sự thực dụng của nó cũng không nên làm mục đích duy nhất đến thu hút tất cả tâm tư tình cảm của ta vào đó. Thường những thứ chân lý không có tính cách thực dụng lại càng thực dụng gấp đôi: khi người ta tìm nó với một tấm lòng thản nhiên vô tư lợi thì chân lý lại hiện ra một cách rõ ràng đúng đắn hơn. Con người thường bị tình cảm quyến rũ, lôi cuốn nên hay lẫn lộn sự thật với sự thật theo ý ta muốn. Sự ao ước thấy “chân lý của mình” được thực tiễn hóa, thường hay khiến cho nó bị thiên lệch đi. Một nhà tư tưởng có nói: “cần thiết là thấy được sự vật y như nó đã xảy ra, chớ không nên thấy nó theo như ý ta muốn cho nó phải xảy ra như thế nào”. Tình cảm mà để chen vào óc phán đoán, thì nhất định nó làm cho sự phán đoán của ta phải sai đi. Tình, nó có những lý lẽ riêng của nó mà lý không thể nào hiểu được. Bởi vậy, chân lý mà muốn cho nó được chân gần lý[1], cần phải được nhiều người chứng nhận để cho nó pha bớt cái “mùi” chủ quan đi. Tuy nhiên, đây cũng không phải là một nguyên tắc tuyệt đối, vì nếu phần đông suy nghĩ phán đoán theo dục vọng thì dẫu là của cả thiên hạ đều tán dương phụ họa vẫn là sai lầm. Trái lại, một chân lý mà cả thiên hạ đều khinh khi, chế nhạo vẫn là chân lý. Dầu sao, sự dò hỏi ý kiến kẻ khác, nhất là những ý kiến của những kẻ đối lập của ta, giúp cho ta rất nhiều trong khi tìm chân lý. Tư tưởng mà đi có một chiều, thật là nguy hiểm…

 

Học tư tưởng hầu như bây giờ không biết phải tìm kiếm nơi đâu. Tìm nơi sách vở báo chí chăng? Hiện thời tôi chưa thấy có sách nào nói đến một cách rõ ràng chu đáo. Phần nhiều là những sách giải trí hoặc những sách giúp ta về tài liệu để rộng thấy xa nghe, biết được nhiều chuyện xưa tích cũ, hoặc nghiên cứu tư tưởng của ông hiền này, ông thánh nọ… Tuyệt nhiên, chưa thấy có quyển nào bàn đến cái nền tảng tinh thần ấy cho vỡ vạc. Gốc có vững, sau này tha hồ muốn học gì thì học, như gấm thêu hoa, học lực của mình mới có thể tiến bộ một cách khả quan và chắc chắn được. Thiếu nó là một thiếu sót rất lớn vậy.

 

Sách này viết ra là để bồi bổ vào chỗ khuyết ấy. Chủ ý của tác giả là giúp cho thanh niên hiếu học một cơ sở cho tinh thần để cho các bạn còn đi xa hơn nữa. Tác giả không hề bao giờ có cao vọng là đã “nói được tiếng cuối cùng” của thuật tư tưởng. là một nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật, thì không thể truyền. Những điều có thể truyền được chỉ là một vài phương pháp đơn giản, nó chỉ là cái “cặn bã của cổ nhân” mà thôi, không phải tư tưởng để tìm Chân lý, cái Chân lý tuyệt đối của nhà triết học.

 

Đọc xong quyển này, các bạn sẽ thấy rằng, tư tưởng mà đúng đắn đâu phải chỉ là một vấn đề Trí dục mà thôi đâu; thật ra, là cả một vấn đề Thế dục và Đức dục nữa. Kẻ đau yếu, tật bệnh ít khi có được một phán đoán vững vàng; người mà tính tình bôn chôn, vụt chạc và đầy dục vọng làm gì suy nghĩ cho công minh.

 

Thế dục, Trí dục và Đức dục là ba cái chân vạc của người. “Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn, đó là chân hạnh phúc của con người”. Được bấy nhiêu thôi, thì được gì nữa cũng là thừa. Mà thiếu một trong hai điều ấy, thì có được cái gì nữa cũng vẫn còn thiếu mãi.

 

Thu Giang NGUYỄN DUY CẦN


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.