Thủy Triều Đen

CHƯƠNG 10



Vài ngày sau – thứ sáu, thứ bảy, Karen đã không còn nhớ gì nữa – một viên thanh tra cảnh sát lại tới.
Ông không phải là cảnh sát thành phố hay là người của Sở cảnh sát New York và FBI đã vài lần tìm cách lần ra những hoạt động của Charlie trong ngày hôm đó. Đây là viên cảnh sát địa phương. Anh ta gọi trước khi tới và hỏi xem liệu có thể nói chuyện với Karen đôi chút về một vấn đề không liên quan tới vụ đánh bom. Karen đồng ý. Bất cứ điều gì có thể giúp cô không nghĩ tới những chuyện đó nữa giờ đều là điều mong đợi của cô.
Cô đang trong nhà bếp, cắm mấy bông hoa, đuợc gửi tới từ một trong những cửa hàng Charlie đã trang trải hết nợ nần, thì viên cảnh sát tới.
Karen biết trông cô giờ hơi nhếch nhác. Giờ cô không chăm chút cho vẻ bề ngoài mấy nữa. Bố cô, ông Sid, người luôn lo lắng bảo vệ cho cô, vừa mới tới từ Alanta, đưa viên cảnh sát vào.
“Tôi là trung úy Hauck.” – Viên cảnh sát nói. Với vai trò một viên cảnh sát, anh ăn mặc rất hợp mắt với chiếc áo khoác thể thao vải tuýt, chiếc quần ống rộng, và một chiếc cà vạt trang nhã. – “Tôi đã gặp cô trong buổi gặp mặt ở thành phố vào buổi tối hôm thứ hai. Tôi chỉ xin cô vài phút thôi. Tôi rất lấy làm tiếc với những mất mát của gia đình cô.”
“Cảm ơn anh.” – Karen gật đầu, đưa tay hất mớ tóc ra sau khi cả hai cùng ngồi xuống trong phòng khách có nhiều cửa sổ, cố gắng thay đổi tâm trạng bằng một nụ cười biết ơn.
“Con gái tôi không được khỏe lắm.” – Bố cô cắt ngang. – “Vì vậy, bất cứ đó là việc gì thì cũng xin anh…”
“Bố, con ổn mà.” – Karen mỉm cười. Cô đưa mắt nhìn bố trìu mến, sau đó quay ra và bắt gặp ánh mắt viên trung úy. – “Không sao đâu. Để con nói chuyện với anh ấy.”
“Thôi được, thôi được…” – Bố Karen nói. – “Bố sẽ đợi ở ngoài kia. Nếu cần thì…” – Ông đi vào phòng xem ti-vi và đóng cửa lại.
“Bố tôi chẳng biết phải làm sao.” – Karen thở dài. – “Không ai biết phải làm gì. Giờ đây mọi việc đều thật sự khó khăn với tất cả mọi người.”
“Rất cám ơn cô đã đồng ý gặp tôi.” – Hauck nói. – “Sẽ không lâu đâu.” – Hauck ngồi xuống, đối diện Karen và lấy từ trong túi ra một vật. – “Tôi không biết liệu cô có biết rằng vào ngày thứ hai hôm đó, cũng xảy ra một sự việc khác hay không. Đó là một vụ tai nạn giao thông mà thủ phạm đã bỏ trốn, xảy ra ở đường Post Road. Một thanh niên đã thiệt mạng.”
“Không, tôi không rõ.” – Karen ngạc nhiên nói.
“Tên nạn nhân là Raymond. Abel John Raymond.” – Viên trung uý đưa Karen tấm hình một thanh niên thân hình cân đối đang mỉm cười với mái tóc tết thành lọn màu đỏ, đứng bên chiếc ván lướt sóng trên bãi biển. – ‘”Cậu ấy còn được gọi là AJ, làm việc tại một cửa hàng tân trang ô tô trong thành phố. Trong khi băng qua đường West Street, cậu đã bị một chiếc xe thể thao chạy với tốc độ cao cán phải trong khi quẹo. Kẻ gây tai nạn đó thậm chí đã không thèm dừng lại. Hắn kéo nạn nhân đi khoảng năm mươi foot trước khi bỏ chạy luôn.”
“Thật kinh khủng.” – Karen nói, chăm chú nhìn lại khuôn mặt trong ảnh, cảm giác như có mũi dao đầy đau đớn xuyên qua người. Dầu có điều gì đã xảy ra với cô thì ở đây vẫn chỉ là một thành phố nhỏ. Điều đó có thể xảy ra với bất cứ ai. Hay với bất cứ con trai của người nào. Cùng vào cái ngày cô mất Charlie.
Karen ngẩng lên nhìn viên trung úy. – “Nhưng chuyện này thì có liên quan gì đến tôi?”
‘‘Cô đã gặp người trong ảnh bao giờ chưa?”
Karen lại ngắm nhìn tấm hình. Một khuôn mặt ưa nhìn, đầy sức sống. Những lọn tóc đỏ chắc sẽ là ấn tượng khó quên với những ai đã từng gặp. – “Không. Tôi không nghĩ là mình quen cậu ấy.”
“Cô cũng chưa bao giờ nghe thấy ai nhắc tới cái tên Abel Raymond hay có thể là AJ Raymond sao?”
Karen nhìn tấm hình một lần nữa, lắc đầu. – “Tôi không nghĩ là vậy, thưa trung úy. Nhưng vì sao chứ?”
Viên thanh tra cảnh sát tỏ vẻ thất vọng. Anh lại đưa tay vào túi, lần này là một mẩu giấy vàng, loại giấy nhắc việc đã nhàu nát đựng trong túi ni-lon. – “Chúng tôi tìm thấy cái này trong bộ quần áo lao động của nạn nhân tại hiện trường.”
Karen nhìn tờ giấy, người cô như căng ra, hai mắt trợn tròn kinh ngạc.
“Đây là tên chồng cô phải không? Charles Friedman. Và cả số di động của ông nhà nữa?”
Karen bối rối ngẩng lên nhìn, gật đầu. – “Đúng vậy.”
“Có chắc cô chưa bao giờ nghe thấy chồng mình nhắc đến tên của nạn nhân? Raymond? Cậu ấy chuyên sơn và vẽ hình trên ô-tô tại một cửa hàng tân trang ô tô trong thành phố.”
“Sơn ô tô?” – Karen lắc đầu, mắt ánh lên nụ cười. – “Trừ khi Charlie đã sẵn sàng cho một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên nào đó mà anh ấy không cho tôi biết.”
Hauck mỉm cười đáp lại, nhưng Karen có thể nhìn rõ sự thất vọng của viên trung úy.
‘‘Tôi cũng muốn giúp được điều gì đó, thưa trung úy. Có phải anh cho rằng đây là một vụ tai nạn có chủ ý?”
“Chỉ là xem xét sự việc kỹ lưỡng hơn thôi mà.” – Hauck lấy lại tấm hình và mẩu giấy có tên Charlie. Quả thật là một viên cảnh sát hấp dẫn, Karen nghĩ, hấp dẫn theo kiểu xù xì và thô nhám với đôi mắt xanh nghiêm nghị. Nhưng trong đó lấp lánh ánh nhìn đầy quan tâm, chu đáo. Chắc hẳn đã rất khó khăn Hauck mới có thể đưa ra quyết định tới đây ngày hôm nay. Rõ ràng anh muốn đem lại công bằng cho nạn nhân.
Karen nhún vai. – “Có đôi chút trùng hợp phải không trung úy? Tên của chồng tôi trên mảnh giấy đó ấy mà. Nó ở trong túi áo của nạn nhân. Và cũng trong cùng một ngày hôm đó… và anh phải đến đây thế này?”
“Một ngày tồi tệ.” – Hauck gật đầu, chật vật mỉm cười. – “Vâng. Tôi sẽ không làm phiền cô nữa.” – Cả hai cùng đứng dậy. – “Nếu cô nhớ ra điều gì thì hãy báo cho tôi. Đây là danh thiếp của tôi.”
“Tất nhiên rồi.” – Karen nhận danh thiếp, trên đó ghi dòng chữ:
Ty Hauck
ĐỘI TRƯỞNG THANH TRA TỘI PHẠM BẠO LỰC.
CẢNH SÁT GREEWICH.
”Tôi rất tiếc về việc của ông nhà.” – Viên cảnh sát nhắc lại. Đôi mắt Hauck hướng về phía tấm hình Karen để trên giá. Đó là hình chụp cô và Charlie trong trang phục trang trọng tại lễ cưới em họ Meredith của cô. Karen vẫn rất thích mỗi khi hai người cùng ngắm nhìn tấm hình đó.
Cô mỉm cười buồn bã. – “Mười tám năm chung sống. Vậy mà tôi cũng chẳng kịp hôn từ biệt anh ấy.”
Trong một thoáng, cả hai cùng đứng lại trước tấm hình. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Karen ước gì mình đã không nói câu đó; còn Hauck, anh đổi chân, dường như đang suy nghĩ điều gì đó và có đôi chút gắng gượng, không tự nhiên. Sau cùng anh lên tiếng, – “Ngày 11 tháng 9, khi đó tôi đang làm việc ở phòng Thông tin, Sở cảnh sát thành phố New York. Việc của tôi là tìm kiếm người mất tích. Cô biết đấy, những người được cho là ở trong tòa tháp đôi, và đã biến mất. Đó là công việc đầy khó khăn. Tôi đã gặp rất nhiều gia đình..” Hauck liếm môi – ”Trong cùng một hoàn cảnh như thế này. Tôi cho rằng tất cả những gì tôi muốn nói là tôi cũng hiểu được đôi chút những gì cô đang phải trải qua…..”
Có cái gì đó nhói lên ở đuôi mắt Karen. Cô ngẩng lên nhìn, cố nở một nụ cười nhưng chẳng biết nói thêm điều gì nữa.
“Hãy cho tôi biết nếu tôi có thể giúp cô được điều gì.” — Hauck bước ra cửa. “Một vài đồng nghiệp của tôi vẫn đang tiếp tục công việc điều tra ở dưới ga tàu điện ngầm đó.”
“Cám ơn trung úy.” – Cô đưa viên cảnh sát qua nhà bếp tới cửa sau để tránh đám đông phía cửa trước. – “Thật khủng khiếp, tôi mong anh may mắn trong việc truy tìm hung thủ. Tôi ước gì có thể giúp được anh nhiều hơn.”
“Cô cũng có điều bận tâm riêng của mình mà.” – Hauck nói và đưa tay mở cửa.
Karen nhìn viên cảnh sát. Hy vọng bỗng dâng lên trong giọng nói: “Vậy, khi anh làm công việc tìm kiếm đó, đã có ai trở lại chưa?”
“Hai người.” – Hauck nhún vai. – “Một ở bệnh viện thánh Vincent, bị chấn thương do mảnh vỡ của tòa nhà đổ vào người. Người còn lại thì không đến được nơi làm việc vào ngày hôm đó. Anh ta đã chứng kiến tất cả sự việc xảy ra và lại không thể về nhà trong vài ngày liền.
“Cũng chắng phải là điều ngớ ngẩn tuyệt vời nhất.” – Karen mỉm cười, nhìn viên cảnh sát như thể cô hiểu điều anh có thể nghĩ tới. — “Sẽ là thật tốt, anh biết đấy, nếu có điều gì đó…”
“Chúc cô cùng gia đình điều tốt đẹp nhất, thưa cô Friedman.” – Hauck mở cửa. – “Rất tiếc về những mất mát của gia đình.”
Bước ra ngoài, Hauck đứng một lúc lâu trên đường ra.
Anh đã hy vọng cái tên và số điện thoại lấy được từ túi áo AJ Raymond hứa hẹn nhiều hơn. Đó cũng gần như là tất cả những gì anh có. Việc kiểm tra danh mục các cuộc gọi tới nơi nạn nhân làm việc đã không mang lại kết quả gì. Cuộc gọi tới nạn nhân, mà theo mô tả của người chủ cửa hàng, là của ai đó tên Marty, được gọi tới từ một số điện thoại ẩn số, từ điện thoại di động, và giờ thì hoàn toàn không thể truy tìm được tung tích.
Cà người chồng cũ của bạn gái nạn nhân cũng vậy, gã này hóa ra đã từng phạm tội, có lẽ là tội đánh vợ, nhưng chứng cớ ngoại phạm của hắn đã được kiểm chứng. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, hắn đang có mặt tại trường học của con, và dù sao thì hắn cũng đang chạy một chiếc Toyota Corolla màu xanh nước biển, chứ không phải xe thể thao. Hauck đã kiểm tra manh mối này nhiều lần. Giờ thì tất cả những gì anh có là hai lời khai trái ngược nhau của hai nhân chứng và thông báo về chiếc xe thể thao màu trẳng.
Thế cũng có nghĩa là gần như chẳng có gì.
Vụ này cứ như lửa đốt trong lòng Hauck. Ngọn lửa chẳng khác nào những lọn tóc đỏ của AJ Raymond vậy. Có kẻ nhởn nhơ sau khi gây án mạng, còn anh thì lại không thể chứng minh được điều đó.
Karen Friedman là một người phụ nữ hấp dẫn và dễ chịu. Anh ước gì mình có thể giúp đỡ cô chút nào đó. Quả thật khi nhìn nỗi đau và sự vô định trong mắt cô anh cũng thấy đau, nhất là khi anh biết rõ điều cô đang phải trải qua, điều gì cô sẽ phải đối mặt. Có điều gì đó đè nặng trái tim anh, anh biết nỗi đau đó không dữ dội như nỗi đau của những nạn nhân ngày 11 tháng 9 như anh đã nói, nhưng nỗi đau đó như sâu hơn, và lại không hề xa lạ.
Norah. Nếu còn, con bé mới lên tám, phải vậy không?
Ý nghĩ về con bé như một mũi dao găm vào tim anh, như nó vẫn thường vậy. Con bé trong chiếc áo ngắn tay và quần có dây đeo màu xanh lơ, đang chơi cùng chị gái trên vỉa hè. Đồ chơi là chiếc tàu kéo Annie.
Anh vẫn còn nhớ giọng con bé âm vang ngọt ngào. Merily, Merily, Merily, Merily…
Anh vẫn thấy ẩn hiện bím tóc đỏ của con bé.
Một chiếc xe xịch đỗ bên đường, kéo anh trở lại thực tại. Hauck ngẩng nhìn lên, thấy một đôi nam nữ ăn mặc ưa nhìn, ôm bó hoa bước vào cửa trước nhà Karen.
Một vật đập vào mắt Hauck.
Một cánh cửa ga-ra vẫn mở từ lúc anh đến. Người giúp việc đang kéo lê túi rác. Trong ga-ra là một chiếc Mustang màu đồng, Hauck đoán là đời ’65’ hay ’66’ gì đó thuộc loại có thể tháo mui trần. Một miếng đề-can hình trái tim màu đỏ dán trên chắn sốc phía sau, và một vệt trắng chạy dọc bên thân xe.
Biển kiểm soát là CHRLYS BABY. Hauck bước tới, quỳ xuống, đưa tay lần dọc theo đường viền vàng mịn mượt, tinh tế.
Khốn kiếp…
Đó chính là tác phẩm của AJ Raymond! Trong thoáng chốc, điều đó suýt khiến Hauck bật cười to. Anh cũng chẳng chắc lắm rằng điều này khiến anh cảm thấy thế nào, là thất vọng hay thoải mái khi trút được gánh nặng, đầu mối truy tìm cuối cùng của anh thế là cũng không còn nữa.
Vẫn đi cắt ngang đường về nơi đỗ xe, anh nghĩ ít nhất thì anh cũng biết được vì sao nạn nhân lại có số điện thoại của Charles Friedman.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.