Tư duy nhanh và chậm

Chương 36. Cuộc đời như một câu chuyện



Vào những buổi đầu nghiên cứu về sự đo lường trải nghiệm, tôi đã xem vở opera của Verdi có tên La Traviata. Vở opera này được biết đến bởi thứ âm nhạc tuyệt mỹ và một câu chuyện cảm động về tình yêu giữa một chàng quý tộc trẻ tuổi và nàng Violetta, một cô gái làng chơi. Cha của chàng trai gặp Violetta và thuyết phục cô từ bỏ người tình của mình, nhằm bảo vệ danh dự của gia đình và vị hôn phu của em gái chàng trai trẻ. Với hành động hy sinh cao cả, Violetta vờ từ bỏ người đàn ông mà nàng yêu say đắm. Nàng nhanh chóng rơi vào trạng thái suy kiệt (ở thế kỷ XIX, từ này được dùng để chỉ bệnh lao phổi). Vào cảnh diễn cuối cùng, Violetta nằm bất động, vây quanh là một vài người bạn. Người tình của nàng đã được báo tin và đang vội vã tới Paris để gặp nàng. Nghe được tin này, tâm trạng của nàng được thay đổi với hy vọng và niềm vui, nhưng nàng không qua nổi tình trạng tàn tạ.

Dù cho bạn đã từng xem vở opera đó bao nhiêu lần đi nữa, bạn bị kìm hãm với trạng thái căng thẳng và lo sợ trong thời khắc: Liệu người tình trẻ sẽ về kịp? Đây là một tình huống hết sức quan trọng đối với chàng trai để đoàn tụ với người tình của chàng trước khi nàng tạ thế. Dĩ nhiên, chàng đã trở về, vài bản đuy-ê tuyệt diệu về tình yêu được cất lên, và sau 10 phút tuyệt diệu của âm nhạc, Violetta qua đời.

Trên đường trở về nhà sau buổi diễn, tôi đã tự hỏi: Tại sao chúng ta để tâm quá nhiều tới 10 phút cuối ấy? Tôi đã nhanh chóng nhận ra rằng tôi đã không để ý một chút nào tới tuổi đời của nàng Violetta. Nếu tôi được cho biết rằng nàng đã qua đời ở tuổi 27, không phải ở tuổi 28 như tôi vẫn tin, thông tin cho biết nàng đã lỡ mất một năm sống đời hạnh phúc sẽ không lay chuyển tôi chút nào, nhưng khả năng để lỡ 10 phút là một vấn đề lớn. Hơn thế, cảm xúc mà tôi cảm nhận về cuộc đoàn viên của cặp tình nhân sẽ không hề thay đổi nếu tôi nhận thức được rằng họ thực sự đã có một tuần bên nhau, nhiều hơn 10 phút. Dù vậy, nếu người tình của nàng tới quá muộn, La Traviata có thể sẽ là một câu chuyện khác biệt hoàn toàn. Một câu chuyện về những biến cố đầy ý nghĩa và những thời khắc đáng nhớ, không phải về sự trôi chảy của thời gian. Sự bỏ qua thời gian là điều bình thường trong một câu chuyện, và cái kết thường định rõ nét đặc sắc của nó. Những đặc trưng cốt lõi như nhau xuất hiện trong các quy tắc của thể văn tường thuật và trong những sự hồi tưởng về nội soi ruột kết, kỳ nghỉ và những bộ phim. Đây là cách mà bản thể đang hồi tưởng diễn ra: Nó viết ra những câu chuyện và lưu giữ chúng cho sự tham chiếu trong tương lai.

Không chỉ bởi vở opera mà chúng ta nghĩ về cuộc đời như là một câu chuyện và mong ước nó kết thúc đẹp. Khi chúng ta nghe về cái chết của một người phụ nữ, người đã bị ghẻ lạnh bởi con gái của mình trong nhiều năm, chúng ta muốn được biết liệu họ có được hòa hợp khi cái chết cận kề. Chúng ta không chỉ quan tâm tới những cảm giác của người con gái – chính là hình thức kể về cuộc đời của người mẹ khiến chúng ta mong muốn cuộc sống của người mẹ được cải thiện. Việc quan tâm tới mọi người thường mang hình thái quan tâm đối với đặc trưng của những câu chuyện của họ, không vì cảm giác của họ. Thực vậy, chúng ta có thể cảm động sâu sắc ngay cả bởi những biến cố mà đã thay đổi các câu chuyện về những người đã chết. Chúng tôi cảm thấy thương cảm cho người đàn ông đã chết vì tin vào tình yêu của người vợ anh dành cho mình, khi chúng tôi nghe kể rằng cô ta đã có người tình trong nhiều năm và sống với chồng chỉ vì tiền của anh ta. Chúng tôi thương cho người chồng mặc dù anh ta đã sống một cuộc đời hạnh phúc. Chúng tôi cảm thấy sự hổ thẹn của một nhà khoa học, người đã đạt tới một khám phá quan trọng mà đã được chứng minh là sai sau khi cô chết đi, mặc dù cô đã không trải nghiệm sự hổ thẹn ấy. Quan trọng hơn cả, tất nhiên, tất cả chúng ta quan tâm sâu sắc tới cách diễn đạt câu chuyện về cuộc sống của chính chúng ta và rất muốn nó là một câu chuyện hay, với một người hùng lịch thiệp.

Nhà tâm lý học Ed Diener và các sinh viên của mình đã tự hỏi: Liệu sự bỏ qua thời gian diễn ra và quy tắc đỉnh – đáy có thể chi phối những sự ước lượng về toàn bộ đời sống. Họ đã sử dụng một miêu tả ngắn về cuộc đời một nhân vật tưởng tượng được gọi là Jen, một người phụ nữ chưa từng kết hôn không con cái, người này đã chết bất đắc kỳ tử và không hề đau đớn trong một vụ tai nạn xe máy. Trong một sự kể lại về câu chuyện của Jen, cô đã vô cùng hạnh phúc suốt cuộc đời mình (kéo dài hoặc 30 hoặc 60 năm), hài lòng với công việc của mình, hưởng các kỳ nghỉ, dành thời gian bên những người bạn và cho những sở thích. Một cách kể khác đã thêm 5 năm vào sự sống của Jen, mỗi người tham gia đã trả lời hai câu hỏi: “Nói về cuộc đời của cô nói chung, bạn mong muốn cuộc sống của Jen như thế nào?” và “Tổng lượng hạnh phúc hoặc bất hạnh bạn có thể đoán Jen đã trải nghiệm trong cuộc đời của mình là bao nhiêu?”

Các kết quả đã đưa ra căn cứ xác đáng về cả sự bỏ qua thời gian lẫn một hiệu ứng đỉnh – đáy. Trong một thí nghiệm giữa các chủ thể (những người tham dự đã thấy được những dạng thức khác nhau), việc nhân đôi lượng thời gian trong cuộc đời của Jen không có tác động gì lên cuộc sống đáng mong muốn của cô hoặc lên những sự đánh giá về tổng lượng hạnh phúc mà Jen đã trải nghiệm. Rõ ràng là, cuộc đời của cô đã được miêu tả bởi một phần nguyên mẫu của thời gian, không giống như một chuỗi các mảnh thời gian. Như một hệ quả, “tổng lượng hạnh phúc” của cô là sự hạnh phúc của một khoảng thời gian điển hình trong thời gian sống của cô, không phải là tổng số (hoặc toàn bộ) niềm hạnh phúc qua suốt quãng đời của cô.

Như đã dự tính từ chính ý niệm này, Diener và các học trò của mình cũng đã thấy được một hiệu ứng càng ít càng tốt, một dấu hiệu mạnh mẽ mà một số trung bình (số nguyên) được thay thế cho một hàm tổng. Việc thêm 5 năm “hơi hạnh phúc” vào một cuộc đời rất hạnh phúc đã dẫn đến một sự sụt giảm đáng kể trong những đánh giá về tổng lượng hạnh phúc của cuộc đời đó. Trước viện chứng của tôi, họ cũng đã thu thập dữ liệu về hiệu quả của năm năm thêm vào trong một thí nghiệm trong một chủ thể giới hạnh: Từng người tham gia thực thi cả hai sự phán quyết lần lượt. Mặc dù sự trải nghiệm dài của tôi với những sai lầm phán đoán, tôi đã không tin rằng những người biết điều có thể nói rằng việc thêm năm năm hơi hạnh phúc vào một cuộc đời có thể khiến nó tồi tệ hơn một cách đáng kể. Tôi đã sai. Khả năng trực giác mà năm năm thêm vào gây thất vọng đã khiến cho toàn bộ quãng đời tồi tệ hơn sự lấn át.

Hình mẫu của những phán quyết đã có vẻ như quá vô lý, đến mức Diener và các sinh viên của mình ban đầu đã nghĩ rằng nó đã miêu tả sự điên rồ của những người trẻ tuổi, những người đã tham gia vào những thí nghiệm của họ. Tuy nhiên, mô hình này đã không thay đổi khi các phụ huynh và những người bạn bè lớn tuổi hơn của các sinh viên đã trả lời những câu hỏi tương tự. Trong sự đánh giá trực giác về toàn bộ đời sống cũng như là những đoạn tóm tắt, các đỉnh và đáy là quan trọng nhưng độ dài thời gian thì không.

Nỗi khó nhọc của việc lao động và những lợi ích của các kỳ nghỉ luôn được đặt ra như là những phản đối trước ý niệm về sự bỏ qua thời gian: Tất cả chúng ta cùng chung cảm nhận trực giác rằng đối với những người lao động việc làm trong suốt 24 giờ là tồi tệ hơn nhiều so với 6 giờ và rằng 6 ngày ở tại một khu nghỉ mát tử tế là tốt hơn so với 3 ngày. Thời gian diễn ra có vẻ quan trọng trong những tình huống này, nhưng đó chỉ bởi vì đặc trưng của cái kết thay đổi cùng với chiều dài của tình huống. Người mẹ trở nên kiệt quệ và cần tới sự giúp đỡ sau 24 giờ hơn sau 6 giờ, và những người đi nghỉ khỏe khoắn và thư thái sau 6 ngày nghỉ hơn là sau ba ngày. Điều gì là thực sự quan trọng khi chúng ta đánh giá trực tính những tình huống như vậy là tình thế ngày càng xấu đi hoặc sự khá lên của sự trải nghiệm đang diễn ra, và người ta cảm nhận như thế nào tại thời điểm kết thúc.

NHỮNG KỲ NGHỈ QUêN LãNG

Xem xét sự chọn lựa một kỳ nghỉ. Bạn có thích tận hưởng một tuần nghỉ ngơi tại một bãi biển tương tự như năm ngoái bạn đã từng tới? Hoặc bạn có ước muốn làm phong phú thêm những ký ức lưu giữ của mình? Các lĩnh vực khác nhau đã được phát triển nhằm phục vụ cho những chọn lựa thay thế này: Các khu nghỉ mát cung cấp sự nghỉ dưỡng phục hồi, hãng du lịch có ý định giúp mọi người dựng lên những câu chuyện và tập hợp những ký ức. Hình ảnh tham gia một cách cuồng nhiệt của nhiều khách du lịch cho thấy rằng việc lưu trữ các ký ức thường là một mục tiêu quan trọng, thứ định hình cho cả những kế hoạch nghỉ ngơi lẫn sự trải nghiệm nó. Nhiếp ảnh gia không coi cảnh này như là một khoảnh khắc để được nếm trải mà như một ký ức trong tương lai được phác họa nên. Những bức hình có thể hữu ích cho bản thể đang hồi tưởng, dẫu cho chúng ta hiếm khi nhìn chúng quá lâu hoặc thường xuyên như chúng ta dự tính, hoặc chẳng khi nào – nhưng hình ảnh tham gia là không nhất thiết là cách tốt nhất đối với bản thể đang trải nghiệm của khách du lịch nhằm tận hưởng một cảnh đẹp.

Trong nhiều trường hợp chúng ta đánh giá những kỳ nghỉ hấp dẫn khách du lịch qua câu chuyện và những ký ức mà chúng ta mong muốn lưu giữ. Chữ không thể quên thường được dùng để miêu tả kỳ nghỉ nổi bật, bộc lộ rõ mục tiêu của sự trải nghiệm. Trong các tình huống khác – tình yêu ùa đến trong đầu – tuyên bố khoảnh khắc hiện tại sẽ không bao giờ bị lãng quên, mặc dù không luôn luôn chính xác, thay đổi đặc trưng của khoảnh khắc đó. Một trải nghiệm không thể quên một cách tự giác đạt được một tác động và một ý nghĩa mà nó không thể khác đi được.

Ed Diener và nhóm của mình đã đưa ra căn cứ rằng chính bản thể đang hồi tưởng chọn lựa những kỳ nghỉ. Họ yêu cầu các sinh viên duy trì những cuốn nhật ký hàng ngày và ghi lại một sự đánh giá hàng ngày đối với những trải nghiệm của họ trong suốt kỳ nghỉ xuân. Những sinh viên này cũng đưa ra một bản xếp hạng tổng thể về kỳ nghỉ khi kết thúc. Sau cùng, họ đã trình bày sơ qua việc liệu họ có lặp lại hoặc không lặp lại kỳ nghỉ mà họ đã có hay không. Các số liệu thống kê đã xác minh rằng những dự định cho các kỳ nghỉ tương lai hoàn toàn được xác định bởi sự đánh giá sau cùng – ngay cả khi số điểm này đã không miêu tả chính xác chất lượng của sự trải nghiệm mà đã được miêu tả trong nhật ký. Giống như trong thí nghiệm can đảm, đúng hay sai, con người chọn lựa bằng ký ức khi họ quyết định liệu có lặp lại một sự trải nghiệm hay không.

Một thử nghiệm tư tưởng về kỳ nghỉ tiếp theo của bạn sẽ cho phép bạn thấy rõ thái độ của bạn với bản thể đang trải nghiệm.

Vào cuối kỳ nghỉ, tất cả những bức ảnh và video sẽ bị hủy.

Hơn thế nữa, bạn sẽ uống một liều thuốc lú để xóa sạch tất cả những ký ức của bạn về kỳ nghỉ.

Sự hình dung này sẽ tác động tới những kế hoạch cho kỳ nghỉ của bạn như thế nào? Bạn sẵn sàng chi bao nhiêu cho kỳ nghỉ, có liên quan tới một kỳ nghỉ đáng nhớ thông thường?

Trong khi tôi vẫn chưa chính thức nghiên cứu những phản ứng trong kịch bản này, ấn tượng của tôi từ việc tranh luận với mọi người đó là sự loại bỏ những ký ức làm giảm đáng kể giá trị của sự trải nghiệm. Trong một số trường hợp, mọi người đối xử với bản thân như thể họ đối xử với những người mắc chứng đãng trí khác, tối đa hóa niềm vui thú qua việc trở lại một địa điểm nơi họ đã từng vui vẻ trong quá khứ. Tuy nhiên, một số người nói rằng họ sẽ không băn khoăn tới việc đi đâu cả, biểu lộ ra rằng họ chỉ lưu tâm tới bản thể hồi tưởng của mình và ít quan tâm tới bản thể trải nghiệm quên lãng hơn là một người lạ mặt bị đãng trí. Nhiều người chỉ ra rằng họ sẽ không để cho hoặc bản thân mình hoặc một người đãng trí khác leo núi hay băng rừng – bởi những sự trải nghiệm này hầu hết đều khó nhọc trong thực tế và giá trị lợi ích từ sự dự tính là cả sự cực nhọc lẫn niềm vui chạm đích đều sẽ không thể quên.

Đối với một thử nghiệm tư duy khác, tưởng tượng rằng bạn đối mặt với một ca phẫu thuật đầy đau đớn và trong suốt quá trình đó bạn vẫn tỉnh. Bạn được cho biết rằng bạn sẽ hét lên đau đớn và khẩn cầu bác sĩ phẫu thuật dừng lại. Tuy nhiên, bạn được hứa hẹn về một liều thuốc gây mất trí và sẽ xóa sạch bất cứ ký ức nào của tình huống đó. Bạn nghĩ sao về một viễn cảnh như vậy? Ở đây thêm một lần nữa, tôi có một nhận xét không chính thức đó là hầu hết mọi người không mấy quan tâm tới những khó nhọc của bản thể đang trải nghiệm của họ. Những người khác cùng chung cảm giác với tôi, đó là tôi cảm thấy tiếc cho bản thể đau đớn của mình nhưng không nhiều hơn so với việc tôi có thể cảm nhận với nỗi đau của người khác. Tôi là bản thể đang hồi tưởng của tôi và bản thể đang trải nghiệm, thứ tạo ra cuộc sống của tôi, lại giống như một kẻ xa lạ với tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.