Tư Duy Như Einstein
10. Tư duy theo kiểu Einstein trong tổ chức
“Những kẻ ngốc thông minh luôn có khả năng biến mọi việc thành phức tạp và trầm trọng. Cần có bàn tay của thiên tài – và rất nhiều can đảm – để đi theo chiều hướng ngược lại.”
– ALBERT EINSTEIN –
Các tổ chức phải là nơi lý tưởng cho lối tư duy đổi mới và sáng tạo. Các tổ chức có những con người với những kinh nghiệm và xu hướng khác nhau. Họ có năng lượng để biến cả những ý niệm khó trở thành những giải pháp phi thường. Các tổ chức phải là mảnh ruộng tươi tốt cho cây sáng tạo phát triển.
Đáng buồn thay, thế giới thực tế lại không vận hành theo cách đó. Hầu hết các tổ chức bị chính sự trì trệ quan liêu của mình cùm xích. Những thay đổi đơn giản là cực kỳ khó khăn, những đột phá là điều không thể. Như chúng ta đã thảo luận trong chương trước, những người giải quyết vấn đề sáng tạo biết rằng những ý tưởng tốt có thể gây nguy hiểm và tốt nhất là nên đơn thương độc mã theo đuổi chúng ở bên ngoài tổ chức. Điều này không tốt cho các tổ chức hay cho những người tiếp nhận ý tưởng. Các tổ chức cần những khối óc lớn. Những người giải quyết vấn đề cần quyền lực của các tổ chức. Dung hòa những rào cản của tổ chức đối với lối suy nghĩ phi truyền thống là một việc đáng làm.
Chương này dành cho những người có quyền lực, những người sẽ đưa ra những giải pháp phi truyền thống cho các vấn đề. Tuy rằng lối tư duy sáng tạo kiểu Einstein lộn xộn và khó hiểu nhưng nếu bạn không khuyến khích điều đó, những ý tưởng và thành quả sẽ không đến với bạn.
QUẢN LÝ TƯ DUY KIỂU EINSTEIN
“Cần phải coi rằng không gì khó triển khai hơn, khó tin vào thành công hơn hay nguy hiểm hơn việc tạo ra một trật tự mới.”
– NICCOLO MACHIAVELLI –
Nhà quản lý phải tạo ra hai thay đổi nhằm tận dụng tối đa tài nguyên trí tuệ của tổ chức mình. Họ phải học cách đánh giá ý tưởng của nhân viên song song với công việc của họ và nhà quản lý phải bỏ qua sự lãng phí cúng như những sai lầm khi tạo ra những giải pháp mới xuất sắc.
Quản lý sự sáng tạo
“Khi người lãnh đạo tài giỏi hoàn thành công việc của anh ta, mọi người sẽ nói điều đó là lẽ tự nhiên.”
-LÃO TỬ –
Trong Cách mạng công nghiệp, quản lý có chức năng tổ chức và định hướng nhân sự để sinh lời. Thái độ này vẫn còn phổ biến trong nhiều tổ chức – nhà quản lý nghĩ và cấp dưới làm theo. Ông chủ là ông chủ vì ông ta có ý tưởng. Nhiều nhà quản lý vẫn cảm thấy bị đe dọa nếu có ai đó trong tổ chức của anh ta có ý tưởng hay. Ông chủ phải là người tư duy chứ không phải cấp dưới. Và nhà quản lý cảm thấy bị xúc phạm trước khi một cấp dưới đưa ra ý tưởng tồi. Nhưng trong nền kinh tế hậu công nghiệp của chúng ta, những ý tưởng sáng tạo của người làm công là sản phẩm quan trọng nhất của người đó trong tổ chức. Các tổ chức không thể để lãng phí trí tuệ của nhân viên. Họ cần đôi mắt, kinh nghiệm và đặc biệt là ý tưởng của tất cả mọi người để duy trì sức cạnh tranh và đạt được mục tiêu của tổ chức.
Quản lý một môi trường sáng tạo không hề dễ dàng. Khuyến khích một môi trường sáng tạo và giải quyết vấn đề còn khó hơn cả giữ cho dây chuyền lắp ráp vận hành. Nếu cấp dưới không đưa ra được ý tưởng nghĩa là các nhà quản lý của họ đang lãng phí tiềm năng của nhân viên. Nhưng nhiều nhà quản lý thà để lãng phí trí tuệ còn hơn chấp nhận sự thật là cấp dưới của mình có ý tưởng, còn mình thì không. Điều này là hoàn toàn sai lầm.
Những nhà quản lý nên để cho nhân viên thấy họ luôn khuyến khích và ủng hộ việc giải quyết vấn đề. Công việc của nhà quản lý là tổ chức và định hướng tư duy cho nhân viên. Khi ý tưởng được hình thành và phát triển nghĩa là các nhà quản lý đang làm tốt công việc của mình. Người đó phải được thăng tiến chứ không phải bị thay thế bởi một cấp dưới sáng tạo. Các nhà quản lý phải trả lời câu hỏi về những đóng góp sáng tạo của cấp dưới của mình. Họ đã có những ý tưởng gì? Nhà quản lý đã khuyến khích nhân viên giải quyết vấn đề như thế nào? Nếu nhà quản lý không đánh giá được những ý tưởng của tổ chức, anh ta sẽ dễ dàng để lãng phí những ý tưởng này.
Vượt qua
“Không có cách nào tìm ra thiết kế hay nhất ngoại trừ việc thử càng nhiều thiết kế càng tốt và loại bỏ những thiết kế dở.”
– FREEMAN DYSON –
Phá vỡ các nguyên tắc thường dẫn tới sai lầm và lãng phí. Để phát triển ý tưởng thành những giải pháp hiệu quả cần có thời gian và tiền bạc, hầu hết được dành vào việc xác định phương án nào không hiệu quả. Các tổ chức thường không thông cảm với sự lãng phí. Họ muốn có những giải pháp hoàn hảo. Những nhà điều hành cần phải bỏ qua mối bận tâm về chi phí giải quyết vấn đề. Đó là một khoản đầu tư sẽ được đền bù xứng đáng qua thời gian. Một ý tưởng mới tuyệt vời có thể sẽ bù được chi phí cho tổ chức trong 10 năm tới. Bạn phải chấp nhận những sai lầm như một phần tất yếu của thành công. Những sai lầm là một chi phí tổng thể cần thiết, cũng giống như bạn mà thôi.
Khi các tổ chức muốn thử một điều gì mới, họ thường sẽ mắc phải hàng loạt sai lầm. Họ quá trì trệ, quan liêu tới mức chỉ những thay đổi lớn mới được cấp trên chấp thuận. Nhưng sai lầm không nhất thiết phải tốn kém ghê gớm. Hãy đưa ra những thay đổi và những thử nghiệm nhỏ, chúng sẽ tăng cường sự ra đời của các giải pháp. Như vậy, những lỗi bạn có thể mắc phải cũng nhỏ hơn. Và việc hạn chế phạm vi hậu quả sẽ khiến những sai lầm này dễ chấp nhận hơn.
TĂNG CƯỜNG TƯ DUY THEO CÁCH CỦA EINSTEIN
“Đừng bảo mọi người phải làm thế nào. Hãy bảo họ phải làm cái gì và để họ khiến bạn ngạc nhiên với kết quả họ đạt được.”
-GEORGE PATTON –
Sau khi người quản lý hiểu được nhu cầu tư duy của cấp dưới và cân đối được chi phí cơ hội nhất định, để tăng cường tư duy theo cách của Einstein, các tổ chức cần làm ba việc theo các mức độ sau: Trước hết, phải cho phép phản đối lối tư duy hiện tại, thứ hai, những tư duy mới phải được khuyến khích và thứ ba, những ý tưởng mới lạ cần phải được xem xét một cách thận trọng. Đây không phải là những chương trình nhỏ. Chúng đòi hỏi một tổ chức phải ứng phó với những sự đối lập, vô lý và lẫn lộn, cũng giống như Einstein đã làm khi ông sáng tạo. Nhưng thành quả có được lại là vô giá.
Đặt câu hỏi về tình trạng hiện tại
“Những trí tuệ tầm thường hay bỏ qua bất kỳ điều gì vượt quá tầm hiểu biết của mình.”
– FRANCOIS, DUC DEL LA ROCHEFOUCAULD –
Các tổ chức phải khuyến khích đặt câu hỏi về tình trạng hiện tại. Có một xu hướng nguy hiểm, thường được gọi là suy nghĩ tập thể, theo đó nó bỏ qua những thông tin đối lập với kế hoạch hiện tại. Mọi người, sẽ bằng mọi giá, lắng nghe những điều họ muốn nghe. Những thông tin không phù hợp sẽ bị từ chối.
Suy nghĩ tập thể còn nguy hiểm gấp đôi. Trước hết, ý tưởng phổ biến không phải lúc nào cũng là ý tưởng hay nhất. Đóng cửa suy nghĩ của bạn trước những thông tin khác sẽ không giúp sửa chữa sai lầm này. Những ý tưởng hay hơn thường bị che khuất bởi những nguyên tắc phổ biến.
Thứ hai, ngay cả những ý tưởng hay nhất cũng không phải là hoàn hảo nhất. Chúng có điểm tương đồng với cánh diều, đó là chúng đều cần có sự cản trở để bay cao. Sự đối lập sẽ chỉ rõ những điểm yếu và buộc chúng ta phải sửa chữa. Albert Einstein là một ví dụ tiêu biểu của việc củng cố ý tưởng mới thông qua sự cản trở. Einsten không chủ ý tạo ra những đóng góp lớn lao cho ngành cơ học lượng tử bằng cách phản đối ngành này. Ông đặt ra những thách thức sâu sắc mà chính ông cũng chưa chắc chắn. Và khi các nhà khoa học tìm kiếm câu trả lời cho những thách thức của ông thì toàn bộ lý thuyết đã được củng cố và phát triển.
Một đối lập tích cực sẽ khiến bạn phải xét đoán cẩn thận. Vì những ý tưởng tốt được thử thách sẽ khiến tư duy của bạn phát triển và mở rộng để trả lời những thách thức. Dưới đây là một vài phương pháp để khuyến khích sự đối lập với lối tư duy truyền thống.
Xác định rõ ràng và truyền đạt vấn đề chủ chốt của tổ chức
Bước đầu tiên để đưa ra giải pháp luôn là xác định vấn đề rõ ràng. Điều này đặc biệt quan trọng trong một tổ chức. Thường thì ít có sự đồng thuận trong việc xác định những vấn đề chủ chốt. Tất cả mọi người đều cho rằng họ biết các vấn đề đó nhưng quan điểm của mỗi người là khác nhau. Các tổ chức cũng không mấy quan tâm đến việc xác định và truyền đạt những giải pháp cần có cho vấn đề của họ.
Để cổ vũ cho lối tư duy theo kiểu Einstein, hãy truyền đạt những vấn đề chủ chốt trong tổ chức của bạn. Duy trì việc xác định này ở một cấp cao để tạo ra phạm vi rộng cho những giải pháp sáng tạo và xác định vấn đề rõ ràng cho mọi người. Bạn không bao giờ biết được một ý tưởng hay sẽ xuất phát từ đâu. Nếu vấn đề của bạn là làm thế nào để tăng doanh thu lên 15% mỗi năm thì khẩu hiệu “Tăng doanh thu 15% mỗi năm” nên được dán ở tất cả các văn phòng. Bất kỳ ai được hỏi về vấn đề chủ chốt của tổ chức sẽ đều trả lời: “Tăng 15% doanh thu.” Các mục tiêu cấp phòng ban cần được kết nối với mục tiêu chủ chốt này. Một nhóm dịch vụ khách hàng có thể xác định mục tiêu của nhóm là “giảm thời gian giữ máy cuộc gọi dịch vụ tới hai phút để hỗ trợ tăng doanh thu lên 15%.”
Việc xác định vấn đề của tổ chức cần tới chính sách “củ cà rốt và cây gậy” riêng của tổ chức đó – đó là thành quả khi vấn đề được giải quyết thành công và là mặt trái nếu vấn đề không được giải quyết. Các rủi ro và thành quả sẽ không được các thành viên trong tổ chức hào hứng thừa nhận trừ phi họ đứng ra với tư cách cá nhân.
Lập một kế hoạch khác
Hãy lập một kế hoạch khác để cổ vũ lối tư duy mới trong tổ chức của bạn. Kế hoạch này nên dựa trên một hệ thống giả định khác với những cái đang được sử dụng trong tư duy hiện tại của bạn. Nếu bạn tin giá sẽ hạ, hãy giả định ngược lại. Nếu bạn cho rằng cạnh tranh mới ở mức bình thường, hãy phát triển kế hoạch của bạn theo hướng cạnh tranh gay gắt. Việc tạo ra những lựa chọn có thể giải thích cho những giả định khác này. Nếu bạn đã thu hẹp xuống chỉ còn một lựa chọn, hãy động não để mở ra những lựa chọn khác. Suy nghĩ với những thông tin bạn đã thu thập được trong hiện tại.
Vào cuối thế kỷ XIX, tất cả mọi người đều háo hức với điện. Đèn điện và mô tơ đã tiến triển rất tốt trên con đường cách mạng hóa xã hội − ngoại trừ một vấn đề. Khó có thể truyền điện qua một khoảng cách quá xa. Những người đề xuất ra điện như Thomas Edison đã chấp nhận đặt một trạm biến áp ở mỗi khu vực dân cư để giải quyết vấn đề này. Nếu không nhờ có George Westinghouse, rất có thể ngày nay, gần nhà bạn đang có một trạm biến áp.
Westinghouse có một kế hoạch khác hay chính xác hơn là một kế hoạch biến đổi. Ông đề xuất sử dụng dòng điện xoay chiều thay vì dòng điện một chiều truyền thống. Có thể tăng điện áp của dòng điện xoay chiều để chuyển điện đi xa hơn một cách hiệu quả, sau đó, giảm điện áp xuống để sử dụng an toàn trong nhà. Ban đầu, kế hoạch của ông không được đón nhận. Có rất nhiều vấn đề lớn về kỹ thuật đối với điện xoay chiều. Nghĩ tới điện xoay chiều là người ta liên tưởng tới điện giật vì có sử dụng điện áp cao. Nhắc tới điện xoay chiều là người ta có cảm giác chết chóc.
Nhưng qua thời gian, Westinghouse đã giải quyết được vấn đề cho phương án kém hứa hẹn hơn của ông. Những vấn đề về dòng điện một chiều thương mại vẫn tồn tại.
Chính dòng điện xoay chiều của Westinghouse đã điện khí hóa toàn thế giới. Ngày nay, chúng ta đều được hưởng lợi từ một kế hoạch khác của Westinghouse.
Đừng kiềm chế phương án khác vì ban đầu, phương án đó có vẻ sẽ thật khó khăn. Hãy xem xét cẩn thận phương cách để vượt qua mỗi trở ngại. Có thể chưa ai thật sự cố gắng tìm ra vấn đề chủ chốt liên quan tới giải pháp.
Hài hước
Các tổ chức có thể là những môi trường rất khốc liệt. Hài hước là một nguồn lực tuyệt vời để phá vỡ nếp tư duy cũ kỹ. Đó là một trong những phương pháp tổng hợp ý tưởng chủ đạo chúng ta được học trong việc phá vỡ khuôn mẫu. Phương pháp này hiệu quả ngang với việc làm chệch hướng thái độ khinh thường đối với những ý tưởng mới.
Hài hước có thể khiến cho những ý tưởng không tưởng trở thành chấp nhận được. Vào năm 1969, chuyến bay số 7 của hãng hàng không Eastern Airlines đã bị không tặc tấn công khi đang trên đường tới Cuba, nhưng những hành khách dường như không quan tâm khi phi công đưa ra thông báo. Họ nghĩ đó là một trò đùa vì nhận ra Allen Funt của chương trình truyền hình Candid Camera trong đám hành khách. Tất cả mọi người đều phá lên cười suốt chặng đường tới Havana, ngoại trừ Funt, hành khách duy nhất biết rằng đây không phải là một trò đùa.
Tự do ngôn luận
Tự do ngôn luận có vai trò quan trọng ngang với những sáng kiến và tiến bộ trong một tổ chức. Khi mọi người e ngại nói lên suy nghĩ của họ, những ý tưởng hay sẽ tàn lụi và những hành động xấu sẽ không được kiểm soát. Để khuyến khích lối tư duy theo cách của Einstein trong tổ chức, bạn cần đảm bảo sẽ không ai bị trừng phạt vì nói lên suy nghĩ của mình.
Các tổ chức cũng cần có một hệ thống liên lạc hiệu quả. Thời gian là vàng bạc. Không tổ chức nào có thể cung cấp vô hạn các cơ hội cho những ý tưởng không được kết nối. Sự kết hợp hài hòa giữa tự do ngôn luận và liên lạc hiệu quả sẽ hạn chế thời gian liên lạc nhưng không bao giờ hạn chế nội dung liên lạc. Hãy đặt ra những hạn chế như một phút hay nửa trang. Những ý tưởng phù hợp với những hạn chế này phải được lắng nghe và không bị kiểm duyệt. Đừng gạt bỏ những ý tưởng này. Hãy làm cho tự do ngôn luận là một yếu tố chủ chốt trong văn hóa công ty bạn.
Ghi nhớ giá trị của “khái niệm Chris”
Lối tư duy mới cần phải được khuyến khích không chỉ vì nó có khả năng thành công mà còn vì ngay cả khi thất bại, những ý tưởng mới vẫn hữu dụng. “Khái niệm Chris” cung cấp nguyên liệu thô cho những ý tưởng hữu dụng. Pemberton thất bại khi dùng Pick-Me-Up làm thuốc nhưng khi trộn với nước cacbonat, nó đã trở thành Coca Cola và trị giá hàng tỷ đô-la. Lối tư duy mới đảm bảo một nguồn cung ổn định về các giải pháp hay và vật liệu thô của chúng – chính là những ý tưởng tồi. Đừng bao giờ bỏ quên giá trị của “khái niệm Chris”. Thử đặt bức ảnh của Columbus trong phòng hội nghị của bạn. Hãy kể lại câu chuyện thật về Columbus cho những đồng nghiệp của bạn và nhắc họ nhớ rằng ngay cả những ý tưởng tồi cũng có thể trở thành những giải pháp tuyệt vời.
Tán thành những ý tưởng kỳ quặc
Hãy chỉ định một người tán thành những ý tưởng kỳ quặc để khuyến khích mọi người đặt câu hỏi nhiều hơn nữa trong những cuộc thảo luận. Nhiệm vụ của người tán thành những ý tưởng kỳ quặc là thách thức những suy nghĩ hiện tại. Người này được ủy thác phải phá vỡ các nguyên tắc khi một nhóm giải quyết vấn đề. Họ sẽ thách thức những thủ tục, quy định ngáng đường và thắc mắc tại sao không thể lờ chúng đi. Người này sẽ đặt câu hỏi cho những giả định của một quyết định. Anh ta sẽ tìm kiếm và cố gắng phá vỡ các nguyên tắc đang che phủ quá trình giải quyết vấn đề.
Nếu có một lựa chọn khác được ưa thích hơn, người tán thành ý tưởng kỳ quặc cần yêu cầu mọi người đổi bên. Ủng hộ giải pháp yêu cầu một người lớn tiếng nhất phải chân thành phản đối chính giải pháp này. Điều này có thể không khiến họ thay đổi ý kiến nhưng sẽ giúp mở mang suy nghĩ của họ. Trong lúc bảo vệ cho phương án khác, những người này buộc phải lần đầu tiên xem xét nó.
Hãy thay đổi người tán thành ý tưởng kỳ quặc định kỳ. Đây là một công việc hay và ai cũng có thể học được nhiều điều từ công việc này. Nếu có những vấn đề lớn hơn, sẽ rất hữu ích khi chỉ định một người làm việc lâu năm đảm nhiệm công việc này. Nếu không thì rất có thể người đề xuất ý tưởng sẽ sử dụng ảnh huởng của mình để thu hẹp tác dụng của người tán thành ý tưởng kỳ quặc. Tất cả mọi người cần luân phiên nhau đảm nhiệm công việc này. Có điều, phải nhắc nhở những người tán thành ý tưởng kỳ quặc rằng họ cần khuyến khích lối tư duy mới chứ không phải làm thui chột những ý tưởng chưa được phát triển.
Ý kiến bên ngoài
Hãy chú ý lấy ý kiến từ bên ngoài. Nên nhớ rằng người ngoài cuộc ít bị sức ép hơn khi nói ra suy nghĩ của họ. Họ cảm thấy tự tin vì biết rằng sẽ không bị tổn thương trong tương lai nếu nói ra suy nghĩ của mình, đặc biệt khi đó là công việc của họ. Bạn phải thể hiện rõ rằng bạn đang tìm kiếm những suy nghĩ mới mẻ chứ không phải những kết luận công nhận của người trong cuộc.
Tìm kiếm ý kiến bên ngoài, càng xa lĩnh vực của bạn càng tốt. Nếu bạn muốn chế tạo một chiếc máy bay vào năm 1900, có thể bạn đã thuê một người đi khinh khí cầu chuyên nghiệp. Những người đi khinh khí cầu là chuyên gia về bay lượn. Nhưng cuối cùng, lựa chọn tốt nhất lại là hai người thợ cơ khí chuyên chế tạo xe đạp, những người không hề dính dáng tới chuyện bay lượn.
Hãy chú ý hơn tới những ý kiến tình cờ bên ngoài. Hãy chăm chú lắng nghe những người bạn, người quen hoặc đối thủ của bạn xem họ đang nói gì về vấn đề của bạn. Cả thế giới có thể sai nhưng dù sao cũng nên lắng nghe xem họ nói gì. Họ không biết những điều bạn biết nhưng họ cũng không bị ảnh hưởng bởi thành kiến độc nhất của bạn và sẽ không bị những kiến thức cũng như chuyên môn của bạn níu kéo lại. Đừng từ chối bất kỳ thông tin đầu vào nào chỉ vì nguồn gốc của nó.
Thuê mướn người bên ngoài có thể giúp thể chế hoá lối tư duy sáng tạo. Hãy thuê những người có kỹ năng khác với lợi thế cạnh tranh cốt lõi của tổ chức. Một công ty toàn những nhà công nghệ có thể sử dụng lối tư duy tập trung vào kế toán, trong khi đó, những ý tưởng về sản phẩm tiêu dùng cũng chẳng gây hại gì cho một công ty dầu mỏ. Người ngoài cuộc nhạy cảm hơn với những nguyên tắc ngốc nghếch làm ngáng trở sự phát triển của tổ chức. Chúng ta cần lắng nghe và hiểu họ, ngay cả khi những gì họ nói dường như vô nghĩa. Giá trị của người ngoài cuộc là ở chỗ họ, có những điều chưa biết các chuyên gia công nghiệp không thể cung cấp.
Cổ vũ lối tư duy mới
“Thật sai lầm nếu nghĩ rằng có thể tăng niềm thích thú được ngắm nhìn và tìm tòi bằng các biện pháp ép buộc và ý thức trách nhiệm.”
– ALBERT EINSTEIN –
Thế giới bên ngoài rất khốc liệt. Hầu hết các ý tưởng đều gia nhập vào thế giới một cách yếu ớt, kém phát triển và luôn trong tình trạng sẵn sàng bị thải hồi ngay lập tức. Những ý tưởng cũng giống như những đứa trẻ. Chúng cần phải lớn lên trước khi chúng có thể sống sót. Bạn phải hỗ trợ những ý tưởng non nớt trong tổ chức của mình cho đến khi chúng đủ lớn mạnh để bạn đánh giá được phẩm chất của chúng. Nếu không, những suy nghĩ mới mẻ, hay ho nhất của tổ chức hoặc là sẽ chết yểu, hoặc là hoàn toàn biến mất. Dưới đây là một vài phương pháp để ngăn chặn tình trạng ý tưởng chết yểu trong tổ chức của bạn.
Lắng nghe
Phần thưởng cho những nhà sáng tạo chính là khi bạn lắng nghe họ. Hãy luôn sẵn sàng dành một phút cho những ý tưởng mới. Không gì khuyến khích lối tư duy mới hơn việc biết rằng ý tưởng mới sẽ được lắng nghe và xem xét. Nếu bạn không lắng nghe những ý tưởng điên rồ, mọi người sẽ không bao giờ đem tới cho bạn những đột phá xuất sắc của họ. Vì vậy, hãy biết lắng nghe!
Hãy để người sáng tạo biết trước rằng họ sẽ có một phút để trình bày ý tưởng của mình để họ có sự chuẩn bị. Đừng vội đưa ra lời phán xét ngay trong lần đầu lắng nghe ý tưởng. Trong một phút liên hệ với ý tưởng của mình, người sáng tạo sẽ nghĩ ra ít nhất một cải tiến cho ý tưởng đó. Hãy yêu cầu người sáng tạo suy nghĩ về nó và cho bạn một phút tóm tắt. Bạn có thể gạt bỏ phần lớn những ý tưởng này và điều này không nằm ngoài dự tính. Nhưng chỉ cần một ý tưởng xuất sắc là đã có thể thay đổi sâu sắc tổ chức của bạn. Bên cạnh những ý tưởng mới, nhân viên và đồng nghiệp của bạn có được những quan sát và ý kiến quan trọng mà bạn cần rút ra. Hãy sắp xếp thời gian để nói chuyện với từng người trong số họ, mỗi lần một người. Hãy đảm bảo bạn sắp xếp đủ thời gian để rút ra được ý kiến chân thành của họ. Chuẩn bị sẵn vài câu hỏi để giúp cho cuộc hội thoại trơn tru và cho người khách của bạn biết trước chủ đề để người đó có thể chuẩn bị chu đáo. Khi gặp nguời đó, bạn chỉ cần lắng nghe. Hãy cam kết từ trước là bạn sẽ không chỉ đặt ra các câu hỏi. Đừng đưa ra những lời tuyên bố. Đừng bác bỏ. Bạn sẽ dễ dàng biện hộ cho những hành động trong quá khứ của mình hoặc ủng hộ cho ý kiến của chính mình. Đừng làm vậy! Hãy lắng nghe và bạn sẽ nghe thấy những điều bạn cần biết.
Lắng nghe là một cách để tăng cường tư duy theo lối mới. Nhưng nếu điều đó đơn giản và rõ ràng đến thế, tại sao bạn không làm việc đó nhiều hơn? Lần gần đây nhất bạn lắng nghe một cấp dưới nói với bạn cách cải thiện công việc kinh doanh là khi nào?
Phân quyền quản lý ý tưởng
Einstein đã phát triển một số ý tưởng hay nhất của ông khi làm việc ở văn phòng cấp bằng sáng chế. Chẳng ai quan tâm tới những ý tưởng về vật lý của ông dù chúng có kỳ quặc hay đột phá thế nào, miễn là ông vẫn làm công việc thường nhật của mình. Không nên tách sự phát triển của những ý tưởng mới khỏi hoạt động của nhóm chức năng có liên quan. Tổ chức kiểu logic như vậy chỉ giết chết các ý tuởng mới. Những ý tưởng mới không thể sống sót khi có quá ít ý tưởng thống trị. Tư tưởng lớn xuất hiện khi những ý tưởng mới không chết yểu chỉ vì nó không phù hợp với kế hoạch của mọi người. Các trường đại học thường là cơ sở tạo nguồn rất tốt cho các giải pháp. Ở trường đại học, việc giải quyết vấn đề có mức độ phân quyền rất cao. Mọi người nghiên cứu những giải pháp đối lập và không ai than phiền về sự lãng phí.
Để tăng cường những ý tưởng hay trong tổ chức, bạn cần phân tán quyền đỡ đầu cho những ý tưởng mới. Hãy để mọi người xem xét các giải pháp không liên quan gì tới công việc của họ. Sẽ rất tốt nếu ai đó trong ngành sản xuất suy nghĩ về một ý tưởng marketing. Người đó có thể sẽ tạo ra một khái niệm marketing mang tính đột phá, thậm chí còn hơn nhiều người trong ngành marketing.
Phân quyền làm tăng một ý tưởng mới tăng khả năng sống sót cho đến khi nó đủ lớn để sử dụng được. Ngay cả những nhà thông thái, trong hầu hết các trường hợp, cũng gạt bỏ những ý tưởng mang tính cách mạng. Khi bạn để cho những nhân viên và nhà quản lý trong tổ chức nắm bắt và đấu tranh cho lối tư duy mới mẻ không thuộc chuyên môn của họ, khả năng sống sót của những ý tưởng xuất sắc sẽ tăng lên.
Trong một tổ chức có chế độ phân quyền thật sự đối với các ý tưởng, bất kỳ lúc nào mọi người cũng đều được tự do theo đuổi những ý tưởng hay, ngay cả vài phút mỗi tuần. Họ sẽ phát triển các ý tưởng nằm ngoài lĩnh vực của nhóm họ. Họ chắc chắn sẽ lãng phí một chút thời giờ để phát minh lại cái bánh xe hoặc phát triển những ý tưởng không xuất sắc. Nhưng giá trị họ tự phát triển và những giải pháp tuyệt vời sẽ bù đắp được bội phần.
Đấu tranh cho ý tưởng mới
Hãy chỉ định một người trong nhóm bạn đấu tranh cho những ý tưởng mới. Yêu cầu người đấu tranh cho ý tưởng mới phải tranh luận để bảo vệ cho ý tưởng họ vừa đề xuất. Điều này sẽ che chắn cho việc đấu tranh, làm cho nó không trở nên kỳ quặc và dẫn tới tình trạng mất tín nhiệm khi ý tưởng mới bị thất bại. Bạn vẫn sẽ loại bỏ hầu hết những ý tưởng mới nhưng chúng vẫn được lắng nghe một cách công bằng. Tất cả mọi ý tưởng mới không cần phải tồn tại nhưng tất cả đều cần phải có cơ hội được lắng nghe.
Khi người đấu tranh là một trong những thành viên có ảnh hưởng nhất trong nhóm, chẳng hạn như ông chủ, sẽ là điều kiện thuận lợi nhất cho ý tưởng mới. Những ý tưởng mới cần có người bảo hộ mạnh mẽ. Có lẽ cuộc cách mạng của Martin Luther sẽ không bao giờ diễn ra nếu không có sự ủng hộ mạnh mẽ của những người đứng đầu các địa phương, dù rằng động cơ của họ nhằm vào mục đích kinh tế hơn là tôn giáo. Một người có quyền lực cần bảo vệ những kẻ sáng tạo khỏi cảnh mất đầu.
Một tư tưởng cởi mở cũng rất cần thiết. Người đấu tranh cho ý tưởng phải thường xuyên phải tự nhủ rằng có rất nhiều ý tưởng tuyệt vời trong lịch sử đã bị gạt bỏ vì không thực tế, ngu ngốc hay kỳ quặc. Người đấu tranh cho ý tưởng cũng có thể là người tán thành những ý tưởng kỳ quặc, mặc dù những người đấu tranh cho ý tưởng cần nhiều can đảm hơn để thành công.
Thiết lập những rào cản bảo hộ
Hãy khuyến khích ý tưởng mới bằng cách tách chúng ra khỏi những hoạt động truyền thống của tổ chức. Einstein đã rất khó khăn mới có thể thích nghi với truờng đại học cho tới khi ông trở thành một nhà khoa học lừng danh và được phép làm những gì ông muốn. Ông đã tạo ra những sáng kiến vĩ đại nhất khi được tách khỏi những ý kiến và sự phê bình của các đồng nghiệp. Bạn có thể cung cấp cho những nhà sáng tạo của mình những lợi ích tương tự.
Thông qua những buổi thảo luận không chính thức hoặc những kỳ nghỉ, hãy cho cha đẻ của những ý tưởng non nớt một cơ hội để phát triển chúng trước khi bị áp lực thời gian và lối suy nghĩ truyền thống nghiền nát. Nếu một ý tưởng tỏ ra có triển vọng, hãy đem nó trở lại nơi làm việc kèm theo sự bảo hộ về vật chất. Hãy định ra thời gian và không gian cho những người tham gia để họ phát triển ý niệm này thành hiện thực.
Đôi khi, chỉ cần lờ đi những dự án “đặc biệt” đã là đủ để bảo vệ lối tư duy kiểu mới trong tổ chức của bạn. Nếu một nhà sáng chế dành riêng vài phút ở đâu đó để nghiên cứu ý tưởng, hãy để họ làm vậy. Nhưng hãy đảm bảo rằng kiểu tư duy mới sẽ được bảo vệ chỉ đến khi nó có thể tự đứng vững.
Xung đột trong giải pháp
Cách tư duy như Einstein sẽ không bao giờ phát triển được nếu những ý tưởng mới thường xuyên bị suy nghĩ xung đột xung quanh đè bẹp. Ngay cả những sáng kiến hay nhất cũng không thể chống lại những nguyên tắc thâm căn cố đế. Lần đầu tiên các khái niệm xung đột với nhau, cuối cùng sáng kiến sẽ bị vứt xó. Những ý tưởng mới phải có cơ hội phát triển. Khi một ý tưởng mới xung đột với lối suy nghĩ cũ, hãy thử một trong những phương pháp dưới đây để giải pháp non nớt có cơ hội tranh đấu.
Nền tảng chung: Chỉ tìm kiếm nền tảng chung, không phải sự khác biệt. Cả hai bên đã quá quen thuộc với những luận điểm. Yêu cầu họ cùng hợp tác để lập nên một danh sách những điểm hai bên cùng đồng tình với nhau. Tránh có thêm xung đột. Chỉ liệt kê chi tiết nào cả hai bên cùng đồng tình.
Thêm người chơi: Suy nghĩ theo lối mới thường xuyên bị chối bỏ vì chúng không được tổ chức ủng hộ nhiều. Hãy thêm vào những người có nhu cầu và quan tâm sao cho các giải pháp cũ và mới có thể cùng tồn tại. Lối làm việc ba bên thường có tác dụng khi không thể dàn xếp đôi bên. Để xác định đối tác tiềm năng mới, hãy lập một danh sách những vấn đề mỗi bên đem ra bàn bạc nhưng bên kia không quan tâm. Lập danh sách thứ hai bao gồm những yếu tố cần nhưng chưa có. Hai danh sách này sẽ mô tả được đối tác lý tưởng thứ ba của bạn.
Thu hẹp phạm vi: Nếu cuộc xung đột giữa những ý tưởng cũ và mới dường như quá lớn và không thể giải quyết được, hãy thử chỉ giải quyết một phần xung đột. Liệt kê tất cả những vấn đề gặp phải và chọn từ một tới ba điểm có thể tách riêng để giải quyết một cách độc lập. Việc giải quyết xung đột sẽ giúp xây dựng xung lực và lòng tin để đi tới một giải pháp hoàn thiện hơn.
Bắt đầu lại: Có nhiều trường hợp, cuộc xung đột quá phức tạp, quá nhạy cảm hoặc vấn đề quá linh hoạt nên những thành viên hiện tại không thể tìm ra câu trả lời. Thử bắt đầu lại với chỉ một vấn đề ban đầu và trình bày một cách dễ hiểu nhất. Sẽ không dễ dàng xoá bỏ cả mớ mâu thuẫn nhưng nếu bạn giảm được vấn đề của mình xuống chỉ còn là một câu dễ nghe dễ hiểu, bạn cũng sẽ có một cơ hội.
Xử lý khéo léo ý tưởng mới lạ
“Kinh nghiệm cho thấy một người sẽ không nghe thấy những gì mà anh ta không thể tiếp cận.”
-FRIEDRICH NIETZSCHE
Trong bất kỳ tổ chức nào, lối suy nghĩ sáng tạo sẽ xuất hiện tỉ lệ với cách tiếp nhận ý tưởng tồi. Nếu một ý tưởng tồi bị từ chối, sẽ có một vài ý tưởng mới. Nếu một ý tưởng tồi được xem xét một cách công bằng, mọi người sẽ sáng tạo. Nếu một ý tưởng tồi được đánh giá là một nỗ lực có giá trị, tổ chức của bạn sẽ tràn ngập những suy nghĩ mới. Có một vài ý niệm là vô giá. Các tổ chức phải xử lý cẩn thận những ý tưởng lạ để đảm bảo duy trì được dòng ý tưởng sáng tạo thông suốt.
Einstein có thể không phải là một người dễ quản lý. Trong lĩnh vực khoa học, ông sẽ làm hoặc đợi đến khi có thể làm những gì ông muốn. Các tổ chức chỉ có thể cho phép vài người làm việc này. Vì vậy, điều quan trọng là tạo ra một môi trường hỗ trợ các thiên tài mà không gây ra sự xáo trộn trong tổ chức. Dưới đây là những ý tưởng giúp để những nhà sáng tạo vui vẻ trong khi vẫn giữ được trật tự trong tổ chức.
Ghi nhận và tặng thưởng cho những ý tưởng tồi
Công nhận dũng khí của những người tán thành những giải pháp viển vông, không có tác dụng hoặc bạn sẽ không theo đuổi. Những ý tưởng phi truyền thống không phải lúc nào cũng tốt nhưng nếu chúng tốt, thì lợi ích có được sẽ là vô cùng. Hãy thử những ý tưởng kỳ quặc và khuyến khích ngay cả những ý tưởng tồi vì nhờ đó, bạn sẽ không để lỡ những ý tưởng hay. Bạn có thể trao tặng một ý tưởng kỳ lạ một phần thưởng tượng trưng. Hãy cho người đó biết anh ta đã có một cơ hội lớn để tranh đấu cho một ý tưởng viển vông và rằng, dù bạn quyết định không theo đuổi nó, bạn vẫn muốn được thấy nhiều ý tưởng tiến xa hơn trong tương lai. Chiến lược này tạo cho những người suy nghĩ sáng tạo niềm tin để họ khao khát và lại ham muốn phá vỡ các nguyên tắc.
Bảo tồn những ý tưởng đã bị chối bỏ
Bạn không thể theo đuổi mọi lựa chọn, đặc biệt nếu bạn giỏi trong việc đưa ra nhiều ý tưởng thô. Nhưng ngay cả khi không thể theo đuổi một ý tưởng, bạn vẫn nên bảo tồn nó hết sức có thể. “Khái niệm Chris” là vô giá. Khi bạn không thể theo đuổi một ý tưởng, hãy giao cho người bảo vệ ý tưởng tiếp tục tìm kiếm cơ hội để có thể thử nghiệm ý tưởng lần nữa. Họ sẽ rất vui và có hứng thú sáng tạo tiếp. Nếu bạn cần xoá bỏ một ý tưởng, hãy viết nó lên một tấm thiệp cỡ nhỏ. Hãy giữ lại tấm thiệp, khuyến khích nhà sáng tạo của bạn bằng cách đảm bảo ý tưởng của anh ta sẽ không hoàn toàn bị lãng phí. Bạn có thể giữ lại những tấm thiệp với những ý tưởng bị xóa bỏ trong phòng họp của bạn để cung cấp nguyên liệu thô cho những ý tưởng trong tương lai.
KÍCH HOẠT LỐI TƯ DUY THEO KIỂU EINSTEIN
“Không có gì, kể cả quân đội trên toàn thế giới, có thể ngăn được một ý tưởng khi thời đại của nó đã tới.”
– VICTOR HUGO –
Dù là phá vỡ các nguyên tắc hay chỉ muốn khuyến khích những ý tưởng hay, bạn phải chấp nhận rằng những thành kiến luôn tồn tại đối lập với những suy nghĩ mới trong các tổ chức. Bạn phải ngăn chặn tình trạng ý tưởng bị chết yểu và làm hài lòng những nhà sáng tạo ngay cả khi ý tưởng của họ không được theo đuổi trọn vẹn. Bạn cần giải pháp chứ không cần những người giơ đầu chịu báng. Hãy để những bộ óc sáng tạo này làm việc cho bạn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.