Tư Duy Như Einstein

7. Phá vỡ nguyên tắc



“Khi các quy luật toán học liên quan đến thực tế thì chưa chắc chúng đã đúng và khi chúng chắc chắn đúng thì chúng lại không liên quan đến thực tế.”

– ALBERT EINSTEIN –

Einstein rất tài trong việc phá vỡ các nguyên tắc. Ông cực kỳ ghét những quy định vô nghĩa. Ông công khai và khôn khéo phá vỡ bất cứ nguyên tắc nào ông không coi trọng. Einstein liên tục gặp rắc rối ở trường, mặc dù ông được xem là một học sinh ưu tú. Cho tới khi trở thành một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới, ông không hề qua một trường đại học nào vì ghét các quy định ở đó. Ông từ bỏ quốc tịch Đức của mình và bị coi là mất quyền công dân. Cuộc tranh đấu bền bỉ của ông với các luật lệ đã gây nhiều khó khăn trong cuộc sống riêng tư nhưng lại có những ảnh hưởng tích cực trong nghiên cứu khoa học.

Einstein đã không gặp rắc rối gì khi phá vỡ các quy luật đang cản trở những đồng nghiệp cùng thời có sáng kiến quan trọng. Sự mơ màng của Einstein về các hiện tượng vật lý khi đang lướt trên những chùm tia sáng đã giúp ông khám phá, rồi phá vỡ quy luật quan trọng nhất mà các nhà vật lý khác chưa khám phá được: đó là Thuyết Tương đối. Einstein nhận ra rằng thời gian không phải là tuyệt đối. Bằng cách phá vỡ quy luật tưởng như không thể vi phạm này, Einstein đã giải quyết được một trong những vấn đề quan trọng nhất của giới khoa học lúc bấy giờ. Phần Phụ lục B sẽ miêu tả vì sao việc phá vỡ một quy luật lại dẫn tới sự khởi đầu trong một loạt những phát minh quan trọng sau đó. Học cách tư duy của Einstein chính là học cách phá vỡ quy luật.

HÃY PHÁ VỠ CÁC NGUYÊN TẮC

“Khả năng Joshua bị mắc kẹt trong lối tư duy cũ cao đến mức, tôi phải làm một việc khó tin là giúp ông ta có được hiểu biết chính xác về những thử nghiệm của chính ông ta.”

– JAMES WATSON –

Mọi vấn đề đều có cách giải quyết, tuy vậy, vẫn có một số việc không thể làm được. Với lối tư duy cho rằng những việc này không thể làm được, chính chúng ta đã khiến các giải pháp trở nên bất khả thi. Những kẻ quan liêu chuyên làm cho những vấn đề đơn giản nhất trở nên khó thực hiện. Khi gặp một vấn đề dường như thách thức mọi giải pháp thì điểm mấu chốt của khó khăn này chính là quy luật. Bạn không thể vừa tuân theo các quy luật vừa giải quyết một vấn đề phức tạp. Bạn cần phá vỡ các quy luật.

Truyền thuyết kể rằng, Alexander Đại đế đã giải một câu đố hóc búa mà trước đó chưa ai giải được. Đó là một câu đố về nối hai sợi dây thừng cực kì phức tạp. Bất cứ ai có đủ trí thông minh và tài năng để giải câu đố này sẽ trở thành người thống trị cả châu Á. Alexander đã giải đố bằng một cách không ai ngờ, đó là cắt sợi dây thừng làm hai chỉ với một nhát kiếm của mình. Và sau này, ông đã chinh phục cả châu Á bằng trí thông minh đó.

Một vài người có thể cho rằng Alexander không phải là “người phá vỡ các quy luật” thật sự vì việc không ai giải được câu đố đó không thật sự là một quy luật. Mọi người chỉ thừa nhận câu đố đó phải được giải quyết mà thôi. Tuy nhiên, có một điều đúng với hầu hết các quy luật là: Các quy luật chỉ không thể phá vỡ được khi người ta coi hiển nhiên là như vậy mà thôi.

Các quy luật thật sự rất hữu ích. Chúng ta nên tôn trọng chúng khi đó là điều hợp đạo lý và khôn ngoan. Nhưng các quy luật không phải là chân lý. Chúng chỉ phản ánh ghi nhận về sự thật mà thôi. Có những lúc cần phải phá vỡ các quy luật, kể cả các quy luật được tôn vinh. Tuy nhiên, chúng ta thường không làm thế vì quá xem trọng chúng. Các quy luật đóng vai trò rất quan trọng đối với sự hiểu biết của chúng ta về thế giới. Song, vô hình chung, chúng ta lại tìm chỗ dựa cho những quan niệm vô cùng sai lầm đang cản trở chúng ta tìm ra giải pháp cho các vấn đề.

Các nhà thiên văn học trước đây đã từng tin vào quy luật: “Mọi vật đều quay quanh trái đất”. Và nó vẫn được công nhận. Chỉ có các hành tinh là không hoàn toàn chịu tuân theo quy luật này mà thôi. Vậy mà các nhà thiên văn học đương thời còn đưa ra các quy luật bổ sung để giải thích sự chuyển động của các hành tinh. Các quy luật phức tạp này dự đoán sự chuyển động của một hành tinh với độ chính xác đáng kinh ngạc. Đó quả là một nỗ lực xuất sắc song hoàn toàn sai lầm. Và cái gọi là thành công một phần của các quy luật đó đã cản trở sự tiến bộ.

Những quy luật có lý và logic cản trở các giải pháp. Một thành phố nhận ra rằng có thể giảm số lượng tai nạn giao thông bằng cách xóa bỏ các lối qua đường dành cho khách bộ hành, tức vi phạm rõ ràng quy luật “lối qua đường dành cho khách bộ hành đồng nghĩa với sự an toàn”. Điều đó khiến cho người đi bộ thận trọng khi qua đường hơn so với việc tạo ra một lối đi an toàn cho họ. Mặc dù vậy, đây vẫn là một quy luật khó có thể phá vỡ được.

Những doanh nghiệp thành đạt đều phải vượt qua một khoảng thời gian khá khó khăn để phá vỡ các quy luật đã giúp họ thành công lúc đầu. Doanh nghiệp được tổ chức theo các quy luật đó và chúng đã giúp ích cho các doanh nghiệp rất nhiều. Tuy nhiên, nếu cứ lặp lại như vậy, có thể sẽ bị các công ty cạnh tranh những đối thủ luôn sẵn sàng thách thức những quy luật cũ, phát hiện ra điểm yếu. Những quy luật đã được thời gian kiểm nghiệm có thể gây trở ngại cho những giải pháp như thế nào? Các quy luật có thể gây lầm đường lạc lối bằng nhiều cách. Dưới đây chỉ là một số ví dụ.

Mọi thứ đều thay đổi

“Sự thật là những ảo tưởng mà người ta quên mất rằng chúng là ảo tưởng.”

– FRIEDRICH NIETZCHE –

Chúng ta cho rằng các giải pháp hiện tại của mình đã là đỉnh cao thành tựu của loài người, xét cho cùng, cũng chưa ai làm được tốt hơn thế. Tuy vậy, tất cả những nỗ lực trong các lĩnh vực từ thể thao đến động vật học đều sẽ được nâng cao hơn. Và sẽ không chỉ có những thay đổi nhỏ mà là những tiến bộ lớn, những tiến bộ vượt bậc.

Vào năm 1904, tức một năm trước khi Einstein công bố ba công trình nghiên cứu xuất sắc làm thay đổi cả thế giới, thật khó có thể tưởng tượng được sự thay đổi thế giới to lớn đến nhường nào. Đã có nền dân chủ dù cho hầu hết người dân vẫn bị tước quyền công dân. Thể thao bị hạn chế. Tàu thủy, điện thoại và ngay cả máy bay cũng đã được phát minh. Không thể tưởng tượng được mọi thứ lại có thể thay đổi nhiều đến vậy.

Theo minh họa ở hình 7.1, ta thấy được các quy luật đã thay đổi từ năm 1904. Có thể chúng sẽ lại đột ngột thay đổi. Tuy nhiên, tình hình trước mắt quá ổn định đến mức chúng ta khó có thể tưởng tượng được những thay đổi tiếp theo.

Quy luật bộ phận

“Những người tìm ra những điều đã biết sẽ được trang bị đặc biệt để giải quyết những vấn đề chưa biết.”

– ERIC HOFFER –

Rất nhiều quy luật chỉ đúng một phần. Mặt trời luôn mọc vào buổi sáng là một hiện tượng như vậy. Tại hai cực, mặt trời không phải lúc nào cũng mọc hoặc lặn. Một phi hành gia bay trong quỹ đạo sẽ nhìn thấy mặt trời mọc nhiều lần trong “ngày”. Nếu anh ta rời khỏi quỹ đạo sẽ thấy mặt trời lúc nào cũng như đang lên cao.

Đặc tính chung của quy luật thường đặt con người vào những tình thế khó xử. Vào những năm 1950, phó Tổng thống Mỹ Nixon tiến hành chuyến thăm thiện chí đến châu Mỹ Latin. Vào thời điểm đó, Mỹ vẫn chưa được biết đến ở khu vực này. Do vậy, Nixon muốn tạo ấn tượng tốt đẹp. Ông xuất hiện trên chiếc phi cơ, mỉm cười, giơ cao cánh tay trên đầu, ngón trỏ chạm vào ngón cái – một cử chỉ thân thiện mang nghĩa “OK” – tốt đẹp – tại Mỹ. Dân chúng lại hiểu theo nghĩa địa phương là “screw you” – giao cấu và họ đã phản ứng hết sức dữ dội. Cần phải nhớ rằng những gì là đúng ở nơi này không phải luôn là chân lý ở những nơi khác.

Truyền thống núp danh chân lý

Nhiều truyền thống tồn tại suốt một thời gian dài khiến ta coi nó như một sự thật hiển nhiên nhưng chân lý lại khác nhau theo từng vùng văn hóa. Những gì gây cười ở khu vực này lại mang tính tang tóc ở khu vực khác trên thế giới. Ví dụ, nếu bạn đưa ra hai ý kiến loại trừ nhau, liệu cả hai ý kiến đó có đúng không? Nếu bạn chỉ bó hẹp mình tại một nơi nào đó, tất nhiên, bạn có thể trả lời chúng không đúng. Tuy nhiên, rất nhiều nền văn hóa trên thế giới chấp nhận sự mâu thuẫn mà không hoài nghi. Không có gì đảm bảo những thành kiến văn hóa của chúng ta hoàn toàn đúng.

Tư duy theo đám đông

“Đối với sự thật, sự lên án là kẻ thù nguy hiểm hơn cả sự dối trá.”

– FRIEDRICH NIETZSCHE –

Những ý tưởng táo bạo thường có tính thuyết phục, ngay cả khi có những bằng chứng

chống lại chúng. Ví dụ, trong giờ tập luyện, các diễn viên phải cố gắng thuyết phục ai đó thay đổi quan điểm của họ về một sự kiện. Bản thân người đó đã rất tự tin về thông tin mình có trước khi tiếp xúc với diễn viên. Tuy nhiên, sau những giờ thuyết phục sôi nổi, người tham dự đã chọn câu trả lời sai đến 37%. Chúng ta dễ dàng tin vào giả thiết sai nếu tất cả những người khác cũng tin như vậy. Mặc dù kinh nghiệm lịch sử đã chỉ ra mâu thuẫn nhưng chúng ta không tin rằng cả thế giới đều sai dù điều đó có lặp lại nhiều lần.

Tình huống

“Tôi không có món quà bí ẩn, tôi chỉ là người say mê hiểu biết.”

– ALBERT EINSTEIN –

Chân lý thường biến đổi theo tình huống của sự vật, một cách khái quát thì nó vẫn luôn đúng ở một mức độ nào đó. Ví dụ, bạn rất khó mang vác những vật nặng hơn mình, tuy nhiên, nó không đúng trong trường hợp của một chú kiến.

Vật lý học của Newton chỉ đúng với những vật có kích thước lớn và khối lượng nặng. Tuy nhiên, khi mức độ kích cỡ hay vận tốc của vật thay đổi đột ngột, quy tắc vật lý của Newton sẽ bị phá vỡ. Các quy tắc vật lý của Einstein có tác dụng trong phạm vi rộng hơn, nhưng nó cũng sẽ bị phá vỡ trong những trường hợp có mức độ khó hơn. Chúng ta vẫn có nhiều quy luật nữa bị phá vỡ.

Động lực học của con người cũng có những trùng hợp phụ thuộc vào kích cỡ tương tự. Cái gì hoạt động được trong một nhóm nhỏ không phải lúc nào cũng phát huy tác dụng trong một tổ chức lớn. Các giải pháp và các vấn đề không hoàn toàn phù hợp với nhau. Nhưng điều này không ngăn cản chúng ta ngừng cố gắng và các tổ chức lớn sẽ thường xuyên tiếp tục áp dụng các giải pháp cũ, điều chỉ áp dụng cho các nhóm nhỏ cho đến khi tình huống trở nên vô lý.

Các nguyên tắc tự thay đổi

“Không có gì dễ hơn tự đánh lừa chính mình. Con người luôn tin rằng những gì họ mong muốn sẽ trở thành sự thật.”

– DEMOSTHENES –

Có rất nhiều nguyên tắc tự nó thay đổi. Những thành công đáng kể của các nguyên tắc buộc chúng phải thay đổi. Một ví dụ tiêu biểu cho điều này là giá dầu. Vào những năm 1970, các nhà phân tích dự báo rằng giá dầu sẽ tiếp tục ngày càng tăng. Dự báo này được đưa ra dựa trên thực tế không thể chối cãi. Nhu cầu về dầu sẽ tiếp tục tăng, nó luôn như vậy. Không có nguồn dầu mới nào được tìm ra, chính vì vậy, sự khan hiếm sẽ đẩy giá dầu ngày càng cao hơn. Nếu các nhà địa chất học và những người điều khiển thị trường không đẩy giá dầu tới mức cao ngất ngưởng thì OPEC cũng sẽ làm việc đó. Giá dầu leo thang chính là một nguyên tắc.

Sự thật này đã làm thay đổi cả thế giới. Khách hàng đã giảm dần mức tiêu thụ năng lượng. Họ tự cảm thấy không còn lựa chọn nào khác. Nhà sản xuất thì không ngừng tăng dự trữ dầu. Không có chi phí nào là thừa. Cùng với việc điều cung cầu, giá dầu đã giảm. Các thành viên OPEC không giảm sản lượng dầu và họ cũng không có khả năng gây ảnh hưởng tới giá dầu. Giá dầu đã giảm. Rất nhiều giếng dầu đã bị đóng cửa. Sau đó, giá dầu lại tăng trở lại. Không thể nói trước được hiện tại bạn đang ở vị trí nào trong chu trình đó khi bạn đọc những dòng này.

PHÁT HIỆN RA NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦA BẠN

“Hiện thực chỉ là một ảo tưởng, mặc dù nó là cái tồn tại dai dẳng.”

-ALBERT EINSTEIN

Để giải quyết các vấn đề phức tạp nhất, yêu cầu bạn phải thay đổi những suy nghĩ cản trở việc giải quyết vấn đề đó chính là nguyên tắc của bạn. Thậm chí, ngay cả những nguyên tắc được cho là có lợi cũng có thể ngăn cản bạn giải quyết vấn đề.

Hình 7.2: Một thử thách

Hãy cố gắng vẽ hình 7.2 trên một mảnh giấy bằng một nét. Bạn có thể làm được điều đó không? Khi lần đầu tiên được yêu cầu làm điều đó, hầu hết mọi người đều khẳng định điều này là không thể. Nhưng việc làm cho vấn đề này trở thành một thử thách chính là nguyên tắc. Chúng ta thường sử dụng một mặt của tờ giấy một cách riêng biệt. Nhưng để vẽ được hình này mà không nhấc bút lên thì bạn cần phải sử dụng cả hai mặt của tờ giấy. Một cách đơn giản, bạn hãy vẽ dấu chấm ở trung tâm của hình trước, sau đó, gập một góc của tờ giấy lại sát với dấu chấm. Tiếp theo, không cần nhấc bút lên, bạn hãy vẽ dọc theo góc đã được gấp lại, quay một góc 90 độ và bắt đầu vẽ hình tròn. Khi bạn vẽ, ngòi bút sẽ quay trở lại trang trước và bạn sẽ hoàn thành được hình vẽ đó mà không phải nhấc bút lên khỏi mặt giấy một lần nào. Nếu trong đời, bạn chưa bao giờ vẽ lên giấy thì đây sẽ là một vấn đề hết sức đơn giản vì thói quen lâu năm sẽ khiến việc này trở nên khó khăn hơn.

Bước đầu tiên của việc phá vỡ các nguyên tắc là xác định được các nguyên tắc đó. Chúng ta sẽ bắt đầu với những hạn chế mà bạn đã nhận ra trong quá trình xác định vấn đề. Những hạn chế bạn nhận thức được thông thường lại chính là các nguyên tắc ngăn cản bạn đưa ra phương pháp giải quyết vấn đề. Kiểm tra lại danh sách những hạn chế của bạn. Nếu bạn liệt kê tiền là một hạn chế thì bạn phải tạo ra một nguyên tắc, cụ thể là cần phải có một số tiền nhất định để giải quyết vấn đề đó. Hãy rút ra nguyên tắc từ mỗi hạn chế bạn đã liệt kê và lập một danh sách nguyên tắc giải quyết các vấn đề. Liệt kê tất cả các nguyên tắc của bạn, đặc biệt là những nguyên tắc bạn nghĩ mình không thể phá bỏ. Nguyên tắc không thể phá bỏ này là nhân tố nòng cốt của vấn đề không thể giải quyết.

Bạn sẽ vẫn phải đặt ra nhiều nguyên tắc hơn nữa cho vấn đề của mình. Trong khi phá vỡ lối suy nghĩ thông thường, bạn đã tạo ra nhiều ý tưởng mới. Một số ý tưởng rất tuyệt vời, một số thì tồi tệ. Các ý tưởng được đánh giá thông qua các nguyên tắc. Việc đưa ra các nguyên tắc không liên quan đến việc thiết lập hay loại bỏ các ý tưởng. Kiểm tra các ý tưởng của bạn. Bắt đầu với ý tưởng tốt nhất. Điều gì là lý do đằng sau đánh giá của bạn? Những lý do thường nhiều hơn nguyên tắc. Hãy liệt kê các nguyên tắc của bạn. Sẽ có một số ý tưởng bạn cho rằng không thể thực hiện được. Xác định lý do tại sao bạn lại thất bại khi thực hiện chúng. Đây cũng là nguyên tắc. Sau đó, ghi lại những nguyên tắc đó. Ví dụ, bạn có thể loại bỏ các ý tưởng mạo hiểm. Bạn có một nguyên tắc rõ ràng là chỉ có giải pháp của các dự án ít mạo hiểm là có thể chấp nhận được. Hoặc nếu bạn nghĩ các giải pháp có thể thực hiện được khi có sự tham gia của một đội lớn thì nguyên tắc bạn đặt ra là vấn đề quá lớn không thích hợp cho một người thực hiện.

Quá trình thực hiện theo kinh nghiệm sẽ là một lựa chọn tuyệt vời cho việc phá vỡ các nguyên tắc.

Đừng lo lắng nếu như các nguyên tắc của bạn quá rõ ràng. Nhiều nguyên tắc rõ ràng đến nỗi bạn không đưa chúng vào trong danh sách của mình. Những nguyên tắc rõ ràng cần phá bỏ. Không một ai xem xét việc vi phạm những nguyên tắc này trong khi các giải pháp rõ ràng tiếp tục thất bại.

Hãy lập một danh sách dài các nguyên tắc của mình. Phá vỡ một nguyên tắc bạn chọn trong số đó. Đó có phải là nguyên tắc mà nếu bạn phá vỡ thì sẽ giải quyết được vấn đề của bạn? Đây là nguyên tắc then chốt. Đừng bận tâm đến việc chúng không thể bị phá vỡ. Đó có thể là nguyên tắc luôn song hành cùng bạn.

Một nguyên tắc then chốt là “những kẻ tham lam, ích kỷ sẽ không góp sức trong nỗ lực chấm dứt đói nghèo.” Nếu bạn có thể phá vỡ nguyên tắc này thì bạn cũng có thể chấm dứt đói nghèo. Những kẻ tham lam, ích kỷ có thừa điều kiện để thực hiện điều này. Nếu bạn không thể phá vỡ một nguyên tắc nào để giải quyết vấn đề của mình thì hãy tìm cách xác định các nguyên tắc cơ bản hơn. Hãy thực hiện bài tập phá vỡ lối suy nghĩ thông thường để mở rộng tầm hiểu biết của bạn. Hãy tìm kiếm các nguyên tắc then chốt. Các nguyên tắc này sẽ luôn sẵn sàng khi bạn có vấn đề xảy ra. Khi bạn đã xác định được nguyên tắc then chốt, chính là lúc bạn thực hiện bước quan trọng nhất trong tư duy theo cách của Einstein: phá vỡ nguyên tắc.

PHƯƠNG PHÁP PHÁ VỠ NGUYÊN TẮC

“Khi đối mặt với chân lý, hầu hết con người đều đón nhận và lướt qua chúng như thể không có gì xảy ra.”

– WINSTON CHURCHILL –

Phá vỡ các nguyên tắc chưa bao giờ là điều dễ dàng. Việc phá vỡ các nguyên tắc đang ngăn cản bạn giải quyết vấn đề đòi hỏi tính sáng tạo và sự thông minh. Bạn cũng phải phớt lờ những cảm giác thông thường và nên hài hước một chút. Tôi thích áp dụng một trong bốn phương pháp phá vỡ nguyên tắc. Chúng rất đơn giản và thích hợp với bất kỳ nguyên tắc nào. Tôi sẽ chỉ cho bạn cách áp dụng các phương pháp này để giải quyết một số nguyên tắc quan trọng như Luật Vạn vật hấp dẫn. Tôi không gợi ý bạn nhảy từ một tòa nhà cao tầng xuống. Cũng có một số nguyên tắc bắt buộc chúng ta phải nghiêm túc tuân theo. Tuy nhiên, một số thiên tài đã làm việc không ngừng và đã thành công trong việc phá vỡ những nguyên tắc này.

Vi phạm nguyên tắc

Việc vi phạm các nguyên tắc rất đơn giản- bạn phá vỡ nguyên tắc và dám nhận hậu quả. Đó là một chiến lược cần thiết khi không có cách nào khác. Việc vi phạm đòi hỏi sự liều lĩnh. Nó đòi hỏi thái độ “tôi không quan tâm tới sự thật, không có gì có thể cản trở con đường của tôi.”

Trong cuộc nội chiến với quân Pompei để giành quyền thống trị tại Rome, Julius Caesar đã lâm vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” và buộc phải lựa chọn biện pháp bạo lực. Quân đội Pompei − đối thủ của Caesar, đang đóng tại Rome và tiến hành tập hợp lực lượng, huy động các nguồn hỗ trợ. Trong khi đó, Caesar và đội quân của ông lại đang ở miền đất Gaul xa xôi, bị thua kém về cán cân lực lượng. Rõ ràng, giải pháp duy nhất phải là: đánh đuổi Pompei khỏi thành Rome. Tuy nhiên, Caesar chỉ có thể sử dụng quân đội để tiến hành cuộc chiến. Hơn nữa, sử dụng quân sự để tiến vào Italia là hành vi bạo loạn và điều đó có thể tạo điều kiện cho Pompei huy động tất cả sức mạnh của thành Rome chống lại Caesar. Caesar sẽ buộc phải chiến đấu với một đối thủ mạnh hơn, khả năng phòng thủ tốt hơn. Đây được xem là sự phá vỡ nghiêm trọng các nguyên tắc thực tiễn của một cuộc chiến tranh.

Dường như vấn đề này không thể có giải pháp. Tuy nhiên, Caesar đã đúng đắn khi nhận thấy: lựa chọn duy nhất của ông lúc đó là phải chiếm lấy thành Rome. Tấn công một đối thủ có sức phòng thủ lớn hơn mình, hay làm cho kẻ thù của mình mạnh hơn là những điều cần tránh trong chiến tranh. Caesar đã tiến quân qua Rubican rồi từ đó vào Italia. Bất chấp cái chết hay số mệnh, ông vẫn tiến lên bằng chiến lược của mình. Di chuyển mau lẹ, Caesar đã đập tan lực lượng kháng cự trước khi kẻ thù kịp củng cố đội hình. Ông cũng nhanh chóng lợi dụng thành công này để tìm kiếm sự ủng hộ. Kết quả là Caesar đã nhanh chóng chiếm được thành Rome − cách duy nhất để giành thắng lợi. Caesar sẽ không thể ghi dấu ấn trong lịch sử nếu không đủ dũng cảm dám phá vỡ các nguyên tắc.

Trọng lực thường không được quan tâm. Khi nhảy ra khỏi hàng rào hay nhảy xuống bể nước, chúng ta biết đó có thể là nơi nguy hiểm nhưng chúng ta đang chớp lấy cơ hội của mình. Thậm chí, đôi khi người ta vẫn sống sót sau khi bị rơi khỏi máy bay hay rơi xuống từ những tòa nhà cao tầng. Điều này không xảy ra thường xuyên nhưng nó là bằng chứng cho thấy, đôi khi, trong trường hợp khẩn cấp cũng nên thay đổi linh hoạt các nguyên tắc.

Không nguyên tắc nào không bị vi phạm. Chỉ có một nguyên tắc đúng đắn là: nếu một cái cây không sản sinh được hạt giống hay mầm chồi thì nó sẽ chết. Tuy nhiên, có một giống cam đã thành công trong việc phá vỡ nguyên tắc này. Nhiều năm trước, người ta đã tìm thấy trên nhánh của một cây cam mọc ra những trái cam không hạt. Những người trồng cam đã tiến hành quảng cáo để tuyên truyền giống cam đột biến vô sinh này. Hơn cả việc không bị tuyệt chủng, giống cam không hạt này đã được trồng phổ biến. Như vậy, mọi nguyên tắc đều có thể bị phá vỡ.

Làm thế nào để bạn mạnh dạn phá vỡ các nguyên tắc của chính mình? Đừng lo lắng nếu bị xem là tinh ranh hay xảo quyệt. Đó chỉ đơn giản là không tuân theo nguyên tắc mà thôi.

Nguyên tắc: Những thay đổi nhỏ sẽ không cứu vãn được những người chết đói khốn cùng.

Làm thế nào để bạn có thể biến việc phá vỡ các nguyên tắc thành một giải pháp. Hãy ghi lại các ý tưởng. Nó sẽ không phải là một giải pháp hoàn hảo. Thậm chí, có thể không phải là một ý tưởng tốt, nhưng đó là sự khởi đầu.

Phá vỡ nguyên tắc: Làm giàu từ chính những thay đổi nhỏ.

Phá vỡ nguyên tắc

Phương pháp thứ hai là lẩn tránh các quy định bằng cách né tránh để không bị phạt do vi phạm nó. Lẩn tránh quy định là một dạng phá vỡ quy định một cách kín đáo. Bạn xem xét các nguyên tắc bằng cách thay đổi kết quả. Bạn vẫn phá vỡ nguyên tắc nhưng không làm tổn hại tới nó.

Những người nghiện Adrenaline đã trải nghiệm những kết cục đau đớn của định luật về trọng lực khi nhảy dù ra khỏi máy bay. Họ vẫn rơi xuống đất nhưng lại đáp xuống cách đó một vài nghìn feet, rất may là tốc độ rơi đủ chậm để tránh không bị thương.

Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã cố gắng trốn tránh các quy định khi tòa án tối cao làm phá sản nhiều phần trong kế hoạch New Deal của ông. Ông không thể trực tiếp phản đối quyết định của quan tòa. Tòa án tối cao là một trong những cơ quan luật pháp không thể xoay chuyển được của Mỹ. Do vậy, ông ta cố gắng lôi kéo tòa án bằng cách tăng số thành viên tư pháp cho tới khi có đủ tay trong của mình. Điều này giúp ông nắm đa số quyền hạn trong tay. Mặc dù kế hoạch này đã thất bại, nó vẫn được xem là một giải pháp có tính sáng tạo đối với một vấn đề không thể.

Hãy tìm cách né tránh các nguyên tắc phù hợp. Bạn phải tỏ ra khéo léo. Hãy vượt qua những trở ngại. Tuân thủ luật pháp và khai thác những lỗi nhỏ để khắc phục. Bạn có thể xin lời khuyên từ bạn bè. Nhưng hãy làm những gì bạn buộc phải thực hiện để phá vỡ các nguyên tắc.

Nguyên tắc: Tiền chỉ có hạn, nên không thể nuôi sống những người nghèo đói nếu không có viện trợ.

Ghi lại ý tưởng của bạn nhằm né tránh nguyên tắc và coi đây như một hướng giải quyết. Bạn nên nhớ rằng, không có ý tưởng tồi mà chỉ có những ý tưởng chưa có cách giải quyết.

Phá vỡ nguyên tắc: Tìm một nguồn tiền khác ngoài tiền viện trợ.

Đưa ra một nguyên tắc đối lập

Để phá vỡ một nguyên tắc, cách hiệu quả và phản trực giác là tạo ra một nguyên tắc đối lập và tuân theo nó. Điều này không vô lý như ta tưởng. “Chính phủ phải trả tiền cho bạn” là nguyên tắc đối lập của “Bạn phải đóng thuế”. Để tuân theo nguyên tắc mới này, bạn hãy tìm cách khiến Chính phủ trả tiền cho bạn. Rất nhiều người đã sử dụng thành công chiến lược này để tránh phải đóng thuế. Ở một số nước, số lượng những người không đóng thuế chiếm khoảng 1/3 lực lượng lao động giàu tiềm năng.

Nhà vật lý học Richard Feynman đã giành được giải Nobel khi ông và những cộng sự đặt ra câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu chỉ có những điều trái ngược mới đúng?” Hóa ra nguyên tắc trái với lệ thường giúp họ hiểu rõ hơn về vũ trụ.

Trước kia, các doanh nhân luôn tôn sùng tuyệt đối quan niệm: kinh tế vĩ mô là bí quyết thành công trong cạnh tranh. Các nhà máy, máy bay, tổ chức phải ngày càng lớn hơn để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Sau đó, một số thương gia phát hiện ra điều ngược lại cũng đúng. Các nhà máy, máy bay, tổ chức nhỏ nhạy bén trong việc tận dụng các cơ hội cũng rất phát triển.

Thậm chí, việc sử dụng nguyên tắc đối lập cũng đúng đối với Định luật Vạn vật hấp dẫn. Những người chơi khinh khí cầu đã lợi dụng sức hút của trọng lực để giúp họ bay lên. Trọng lực ép không khí xung quanh xuống và đẩy chiếc khinh khí cầu có khối lượng nhẹ hơn bay lên.

Trong nhiều trường hợp, thiên nhiên cũng đã chứng minh tính đúng đắn của chiến lược “nguyên tắc đối lập”. Loài chim chìa vôi đã sử dụng chiến lược “nguyên tắc đối lập” để nuôi lũ chim non. Theo nguyên tắc thông thường, để nuôi lũ chim non, chim bố mẹ phải cung cấp thức ăn cho chúng. Chim chìa vôi đã biến nguyên tắc này thành “nuôi chim non bằng cách bỏ rơi chúng”. Chim chìa vôi đặt đặt trứng của chúng vào tổ một loài chim khác. Chim chìa vôi con đẩy những người anh em khác loài ra khỏi tổ để được chim bố mẹ khác loài rất chăm chỉ và không ý thức được việc chúng đang làm, nuôi nấng.

Khi đến giờ bọn trẻ đi ngủ, tôi cũng sử dụng một nguyên tắc đối lập để chúng nghe lời. Mỗi tối, tôi phải mất hơn một tiếng để bắt chúng lên giường. Tôi quyết định thực hiện nguyên tắc đối lập: bọn trẻ có thể chuẩn bị trong bao lâu cũng được. Sau đó, chọn giải pháp thực hiện nguyên tắc đối lập, tôi bảo bọn trẻ chuẩn bị giường chiếu trước một tiếng hoặc sớm hơn nữa. Chúng có thể tiếp tục chơi khi đã chuẩn bị xong, nhưng không thể sớm hơn. Bọn trẻ chuẩn bị càng nhanh thì chúng càng có nhiều thời gian hơn để chơi. Bây giờ, chúng mất chưa đầy một phút để hoàn thành mọi thứ.

Hãy tạo ra một nguyên tắc hoàn toàn trái ngược với nguyên tắc bạn đang muốn phá vỡ và tuân theo nguyên tắc đó.

Nguyên tắc: Sự ích kỷ/ Không có chuyện tự nguyện san sẻ sự giàu có.

Và tất nhiên, bạn phải ghi lại những ý tưởng bạn coi như định hướng ban đầu cho các giải pháp.

Nguyên tắc đối lập: Người tham lam nhất cũng sẽ nuôi người nghèo đói.

Hoàn cảnh đặc biệt

Cách thông thường để phá vỡ nguyên tắc là tạo ra một hoàn cảnh đặc biệt. Chúng ta tạo ra điều kiện cần thiết để phá vỡ nguyên tắc. Những điều kiện đặc biệt thường được nhiều người sử dụng để tránh phải đóng thuế. Sẽ là hoàn toàn hợp pháp để được miễn thuế nếu như lấy danh nghĩa kinh doanh phi lợi nhuận hoặc kinh doanh ở Puerto Rico .

Chiến lược “hoàn cảnh đặc biệt” không giới hạn đối với những vấn đề có tính pháp lý. Các nhà du hành vũ trụ dường như không tuân theo định luật vạn vật hấp dẫn khi đang ở trên quỹ đạo. Trọng lực vẫn tồn tại và gây ra sức hút nhưng các nhà du hành vũ trụ đã tính toán quỹ đạo để trọng lực không thể tác động tới họ.

Einstein đã tìm ra lời giải cho lý thuyết về trọng lực rất lâu trước khi tìm ra Định luật Vạn vật hấp dẫn. Einstein có thể đưa ra lời giải đầu tiên bằng cách đặt ra cho mình những trường hợp đơn giản trong tính toán. Với những nhận thức mới này, Einstein sau đó đã giải quyết được vấn đề mang tính tổng quát hơn.

Hãy tạo ra các hoàn cảnh đặc biệt giúp bạn phá vỡ nguyên tắc. Đừng để bạn vướng vào những chi tiết rối rắm, chúng chỉ làm cho vấn đề của bạn càng trở nên khó giải quyết hơn. Nếu vấn đề của bạn là chấm dứt tắc nghẽn giao thông quanh một trung tâm đô thị lớn, bạn hãy đơn giản hóa vấn đề bằng cách đừng để ý tới những chiếc ô tô cá nhân. Trước hết, bạn phải giải quyết vấn đề tắc nghẽn đối với những phương tiện vận chuyển hành khách lớn. Nếu bạn có thể giải quyết vấn đề này hiệu quả thì những vấn đề lớn hơn cũng có thể giải quyết được.

Nguyên tắc: Hạn chế tệ quan liêu/ Ranh giới ngăn chặn sự thay đổi.

Ghi lại ý tưởng về “hoàn cảnh đặc biệt” của bạn coi như định hướng ban đầu cho các giải pháp.

Trường hợp đặc biệt: Làm cho những ranh giới biến mất ở những khu vực chính.

TẬP PHÁ VỠ NGUYÊN TẮC

“Thật bực bội vì chẳng có nguyên tắc nào cả − muốn khám phá ra điều gì ta phải làm thực nghiệm.”

– THOMAS EDISON –

Trước khi bạn trở thành một người giỏi phá vỡ nguyên tắc, việc né tránh các nguyên tắc bất di bất dịch sẽ rất khó khăn. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu, thậm chí là ngu ngốc và kì dị. Chúng ta cảm thấy mình như là kẻ lừa dối khi phá vỡ nguyên tắc. Bạn sẽ muốn bỏ qua việc phá vỡ nguyên tắc để tập trung vào những cách giải quyết vấn đề dễ chịu hơn. Đừng làm như vậy! Nếu bạn không thể giải quyết vấn đề trong một thời gian dài, có lẽ là bạn cần phá vỡ những suy nghĩ thông thường. Bạn phải phá vỡ những nguyên tắc đó. Nếu chưa làm được, bạn cần phải luyện tập thêm.

Khởi động

Chọn một nguyên tắc trong danh sách liệt kê ở Hình 7.4 và nghĩ cách phá vỡ nó. Lấy số cuối cùng của số nhà hay số phố làm số thứ tự của nguyên tắc cần phá vỡ. Hầu hết các nguyên tắc này đều là những niềm tin vững chắc hoặc nguyên tắc tự nhiên. Hãy lựa chọn một nguyên tắc và thử phá vỡ nó.

Giả sử số nhà của bạn kết thúc bằng số 9. Bạn làm thế nào để “uốn một cây tre đã già?” Công ty máy tính IBM đã rất thành công trong việc này. Những chiếc máy tính cấu hình cao, chi phí lớn của IBM đã gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ những loại máy tính giá rẻ. IBM cùng sản phẩm siêu máy tính của họ từng có nguy cơ biến mất giống như loài khủng long. Tuy nhiên, IBM đã tìm ra một hướng đi mới. Họ đã bổ sung chức năng cho chiếc siêu vi tính này trong việc cung cấp các dịch vụ máy tính cho các khách hàng. Hiện tại, hầu hết lợi nhuận của công ty IBM đều từ các dịch vụ này, bao gồm cả việc quản lý các trạm máy chủ đã thay thế cho những chiếc siêu vi tính. Thay vì thất bại, IBM lại trở thành một đối thủ đáng gờm của tất cả các hãng máy tính khác.

Bạn có thành công trong việc phá vỡ các nguyên tắc? Bạn có vui vẻ bỏ qua những nguyên tắc ngớ ngẩn và làm những gì bạn muốn? Nếu bạn thấy khó khăn, bạn cần phải tạo cho mình một thái độ thích đáng trong việc phá vỡ nguyên tắc.

Tạo thái độ thích hợp: Giải pháp James Bond

Bạn cần có thái độ thích hợp để phá vỡ nguyên tắc. Hãy nghĩ tới những người có thể thực hiện những nhiệm vụ bất khả thi như James Bond. Bạn hình dung rằng con người tài giỏi này đang ở một thành phố hay đất nước lạ lẫm, không tiền bạc, không bạn bè. Đưa ra cho anh ta vấn đề của bạn. Nếu muốn làm cho vấn đề khó giải quyết hơn, hãy đưa cho anh ta vấn đề bạn gặp phải với ông chủ hoặc mấy đứa con của bạn. Liệu anh ta có thể thành công? Tất nhiên là anh ta sẽ thành công. Anh ta luôn giải quyết được và cũng rất hăng hái giải quyết vấn đề.

Hãy hình dung James Bond hay bất kỳ một người tài giỏi nào khác bạn nghĩ tới sẽ giải quyết vấn đề như thế nào và tâm trạng của họ ra sao? Chú ý tới những hành động anh ta sẽ thực hiện để giải quyết vấn đề. Anh ta đi đâu? Anh ta nói chuyện với ai? Dịp may nào sẽ tới với anh ta? Anh ta hăng hái như thế nào?

Hãy để trí tưởng tượng của bạn được tự do bay nhảy và chỉ cắt ngang dòng suy nghĩ với vài điều ghi chép. Tiếp tục bài tập này cho đến khi bạn chỉ ra cho con người tài giỏi trong suy nghĩ của bạn thấy được cách giải quyết vấn đề. Trong khi thực hiện bài tập này, anh ta có thể sẽ phá vỡ những nguyên tắc ngăn cản bạn tìm ra giải pháp. Tại sao bạn không thể làm điều tương tự?

NGUYÊN TẮC PHÙ HỢP ĐỂ PHÁ VỠ NGUYÊN TẮC

Nếu bạn đang ở trong tâm trạng nổi loạn, muốn phá vỡ nguyên tắc để giải quyết vấn đề nhưng không thể tìm ra một nguyên tắc nào để phá vỡ, hãy thử một trong các cách sau đây. Những nguyên tắc này thường gây cản trở trong việc tìm ra các giải pháp hay. Hãy sử dụng một trong bốn kỹ thuật sau đây để tìm cách phá vỡ các nguyên tắc.

Bất khả thi

“Điều không thể chỉ có nghĩa là bạn vẫn chưa tìm ra câu trả lời.”

– KHUYẾT DANH –

Không ai cố gắng giải quyết những nhiệm vụ bất khả thi vì điều đó là không thể. Thậm chí, có những trở ngại quá lớn để nghĩ tới một cách giải quyết. Nguyên tắc “đừng cố gắng làm những điều không thể” là một điều thú vị để phá vỡ vì ngay cả những nhiệm vụ bất khả thi cũng đã được hoàn thành.

Đức quốc xã chiếm đóng Ba Lan là một điều thật sự khủng khiếp. 20% dân số Ba Lan chết vì lao động khổ sai, vì đói hoặc vì chiến tranh. Không thể phản kháng. Ngay cả chống đối yếu ớt cũng dẫn tới những cuộc trả thù mang tính hủy diệt.

Nhưng Lazowski và Matulewicz vẫn quyết định tìm cách chống lại bằng những phương pháp rất thông minh. Họ biết người Đức rất sợ sự lan truyền của bệnh sốt phát ban, vì vậy, họ đã tiêm virus bệnh sốt vào cơ thể các bệnh nhân, sau đó gửi mẫu máu cho chính quyền Đức. Khi được kiểm tra, những mẫu máu này cho kết quả dương tính đối với bệnh sốt phát ban. Chính quyền Đức cho tiến hành nhiều cuộc xét nghiệm hơn và đa số đều cho kết quả dương tính. Chính quyền chiếm đóng đã cho cách ly những khu vực này, mọi người không phải bị đày đi lao động khổ sai và những tên lính Đức không được lại gần họ. Lazowski và Matulewicz đã giúp cho những người hàng xóm của mình tránh được đại họa Chiến tranh thế giới thứ hai. Hãy chọn nguyên tắc “bất khả thi” là nguyên tắc đầu tiên cần phá vỡ. Hãy tạo ra một nguyên tắc đối lập giúp bạn giải quyết vấn đề.

Quy định

“Những gì không công bằng thì không phải là luật.”

– WILLIAM LOYD GARRISON –

Những quy định luôn được ban hành nhằm mục đích tốt. Tuy nhiên, chúng không thể bao quát hết các sự việc xảy ra trong tương lai, vì vậy, những quy định này vô hình chung lại trở thành vật cản khi chúng ta giải quyết vấn đề. Einstein đã phải đối mặt với những quy định tưởng như không thể vượt qua. Ông muốn từ bỏ tư cách công dân Đức của mình nhưng khái niệm một người không có quốc tịch lại không tồn tại. Đơn giản là điều đó không được phép. Dù sao, ông cũng trở thành người không quốc tịch. Ông muốn nhập học ở một trường đại học khoa học tự nhiên có uy tín mặc dù ông đã bỏ dở việc học ở cấp tương đương với trường trung học phổ thông bây giờ. Muốn theo học chương trình cao hơn, nhất thiết phải tốt nghiệp cấp học này. Cuối cùng, Einstein cũng tìm được cách vào học đại học. Những nguyên tắc sẽ khiến giải pháp khó thực hiện hơn nhưng những nguyên tắc này vẫn có thể bị phá vỡ. Nếu có nguyên tắc nào cản trở bạn giải quyết vấn đề, hãy bỏ qua nó.

Không đủ

“Đồng tiền có cái giá của nó.”

– RALPH WALDO EMERSON –

Có nhiều vấn đề dường như không thể giải quyết được vì không đủ nguồn lực. Hầu như không bao giờ đủ tiền để làm tốt một việc gì ngoại trừ những kế hoạch, theo lý thuyết, luôn có nhiều nguồn lực hơn nhu cầu cần thiết. Không bao giờ có đủ người, không bao giờ có đủ thời gian. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có được những thứ quan trọng, vẫn xây dựng các thành phố, tìm ra các phương thuốc chữa bệnh và xây dựng nền giáo dục tốt cho trẻ em. Thật đáng buồn nếu những ý tưởng lớn không thể thực hiện được chỉ vì một vài thiếu thốn.

Việc thiếu các nguồn lực cần thiết thật sự là một vấn đề. Không đơn thuần chỉ là thiếu mà còn là trong suy nghĩ, chúng ta coi việc không đủ nguồn lực như một lý do để không tìm cách giải quyết. Ngay khi bạn nghĩ rằng sẽ không đủ nguồn lực, bạn sẽ không cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề. Để có thể giải quyết một vấn đề nan giải khi không đủ nguồn lực, bạn phải tìm cách phá vỡ các nguyên tắc quan trọng, những nguyên tắc mà nếu thiếu chúng bạn không thể thành công.

Một cách để đối phó với việc thiếu nguồn lực là tưởng tượng bạn có những nguồn lực vô tận (sử dụng phương pháp “nguyên tắc đối lập”). Quyết định xem bạn sẽ giải quyết vấn đề như thế nào nếu tiền bạc (hay con người hoặc kiến thức) không đủ. Liệt kê những người bạn sẽ gọi, những điều bạn sẽ hỏi, những việc bạn sẽ làm. Mỗi khi phát hiện một trở ngại, hãy kiểm tra lại hoặc chia sẻ với người khác, sau đó, chuyển sang giải quyết trở ngại tiếp theo.

Giả sử bạn được ông chủ giao cho tiến hành lập kế hoạch và thực hiện một chiến dịch quảng cáo nhưng lại chỉ cấp tiền cho lần quảng cáo đầu tiên mà không có tiền cho việc triển khai chiến dịch. Nếu không đủ kinh phí, bạn nên để người khác cùng tham gia vào chiến dịch. Bạn sẽ phỏng vấn một vài công ty quảng cáo, bao gồm cả những công ty mới thành lập còn nhiều khó khăn nhưng lại muốn chen chân vào thị trường quảng cáo. Nếu bạn có thể hợp tác với một công ty chấp nhận làm việc không công, bạn đã có một sự khởi đầu rất tốt. Nếu không, bạn hãy quay lại chỗ ông chủ với lời đề nghị hấp dẫn nhất và xin thêm kinh phí hoặc kêu gọi thêm nhiều công ty tham gia vào chiến dịch mà không đòi chi phí. Tiếp tục kêu gọi cho đến khi vạch ra được chiến dịch quảng cáo. Sau đó, bạn chỉ thực hiện những phần quảng cáo được cấp tiền và xin thêm kinh phí khi phần này đã thành công.

Nỗ lực tìm kiếm giải pháp mặc dù không đủ nguồn lực sẽ tạo động lực tinh thần cho bạn. Bạn sẽ quen dần với suy nghĩ tìm và giải quyết các khó khăn. Những trở ngại sẽ biến mất nếu bạn biết cách đập tan chúng ngay khi mới nảy sinh.

Chỉ riêng việc bắt đầu một kế hoạch cũng đủ thôi thúc bạn tìm ngay một giải pháp thực hiện nó. Đã có lần tôi đi du lịch tới Viên cùng một cặp vợ chồng khi họ đang ở năm thứ hai trong hành trình ba năm du lịch vòng quanh thế giới. Họ bắt đầu đi du lịch chỉ với khoản tiền đủ để mua vé máy bay từ New Zealand đi San Francisco.

Nhưng chỉ cần như vậy là đủ. Họ đã bắt đầu như vậy. Đôi vợ chồng thường biểu diễn trên đường phố hoặc lao động chân tay để trả tiền xe, tiền ăn uống, tiền đi du lịch, tiền vui chơi, tiền mua nhạc cụ. Họ luôn tìm ra cách để xoay sở. Họ còn có một đứa con nhỏ, đứa bé cũng giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn từ các buổi biểu diễn. Họ đã có một chuyến du lịch tuyệt vời mà nhiều người giàu có cũng không dám nghĩ tới.

Quan điểm tiền bạc không phải là vấn đề giúp bạn tìm ra giải pháp thực tế hơn. Sau khi phác ra một giải pháp không chú trọng nhiều tới tiền bạc, bạn phải tính toán xem mỗi việc sẽ tiêu tốn bao nhiêu. Sau đó, hãy đặt ra câu hỏi:

• Tôi có đủ tiền để làm việc đó không?

• Ai có đủ tiền làm việc đó?

• Điều gì thúc đẩy họ thanh toán chi phí?

• Việc đó sẽ tốn bao nhiêu?

• Tôi có thể trả bao nhiêu phần trăm chi phí?

• Có việc nào vừa với túi tiền của tôi mà có thể thay thế việc đó không?

Bạn sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề hơn nếu như vạch ra kế hoạch. Kế hoạch trước, nguồn lực sau, giống như ý tưởng phải có trước hành động.

Không có khoảng cách ngắn nhất

“Nếu tôi có 8 tiếng để đốn một cái cây thì tôi sẽ dành 6 tiếng để mài rìu.”

– ABRAHAM LINCONLN –

Vấn đề thường được xem là không thể giải quyết vì người ta thường coi con đường giải quyết vấn đề trực tiếp và dễ thấy là không thực tế. Chúng ta phải công nhận rằng nếu không thể giải quyết vấn đề bằng con đường trực tiếp thì con đường gián tiếp cũng sẽ không có kết quả. Điều này thật tồi tệ!

Khoảng cách ngắn nhất giữa hai điểm có phải là một đường thẳng? Hãy xem xét trường hợp của hãng Federal Express. Hãng này nhận thấy con đường nhanh nhất để chuyển bưu kiện từ nơi này sang nơi khác là chuyển tất cả tới một nơi để phân loại rồi sau đó chuyển tới địa chỉ nơi nhận. Một bưu kiện được chuyển tới thành phố lân cận phải mất hàng nghìn dặm nhưng nếu vận chuyển theo đường vòng thì có thể cắt giảm rất nhiều thủ tục. Ở đây, giải pháp đưa ra tập trung nhiều vào các điểm phân phát hơn là khoảng cách giữa chúng.

Lập danh sách tất cả những cách giải quyết vấn đề gián tiếp. Để giúp bạn bắt tay vào giải quyết vấn đề, hãy làm cho cách giải quyết gián tiếp của bạn càng quanh co và kỳ quặc càng tốt.

Đã qua thử nghiệm

“Không việc gì hoàn hảo ngay từ đầu.”

– CICERO –

Hầu hết các ý tưởng hay đều được thử nghiệm một vài lần trước khi ai đó tìm được cách thực hiện. Những sai lầm và vấp váp ban đầu sẽ là tiền đề cho thành công. Tuy nhiên chúng ta đã không để ý tới điều này. Thay vào đó, chúng ta lại giữ khư khư quan niệm rằng điều gì đã thất bại một lần thì không thể thành công.

Nếu như tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc “nó đã được thử trước đó”, chúng ta sẽ không có máy bay, nền dân chủ và những thay đổi. Thử lại một ý tưởng được thực hiện trước đó là một ví dụ điển hình cho chiến lược “phá vỡ nguyên tắc” hoặc “lẩn tránh nguyên tắc”. Việc thử lại lần thứ hai có thể giúp bạn thành công vì hoàn cảnh đã thay đổi hoặc vì bạn đã tránh được việc lặp lại những hành động sai lầm trước đó.

Bạn bè của George Kinney có lẽ đã nghĩ anh ta lẩm cẩm khi vét sạch tiền để mua lại đồ của ông chủ cũ đã thất bại trước đó. Ông chủ cũ của Kinney bị phá sản vì những đôi giày đó thì Kinney cũng sẽ không tránh khỏi điều đó. Tuy nhiên, Kinney rút kinh nghiệm từ sai lầm của ông chủ và phát triển việc kinh doanh phát đạt với thương hiệu Kinney’s Shoes.

Một ý tưởng đã từng thất bại trước đó thì đã sao? Mọi thứ sẽ khác sẽ có những con người mới. Bạn có thể rút ra nhiều điều từ những sai lầm trước. Sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn trong lần này.

PHÁ VỠ NGUYÊN TẮC

“Nghệ thuật hoặc là sự bắt chước, hoặc là cuộc cách mạng.”

– PAUL GAUGUN –

Bạn cần phá vỡ nguyên tắc để có thể giải quyết những vấn đề nan giải. Hãy mạnh dạn và sáng tạo, đừng đi theo lối mòn. Tìm ra các cách để có thể phá vỡ nguyên tắc. Điều này đòi hỏi phải có thái độ kiên quyết và sự sáng tạo. Bạn phải ghi lại những ý tưởng về cách giải quyết vấn đề trong quá trình phá vỡ nguyên tắc đó. Bước tiếp theo trong “tư duy theo cách của Einstein” là phát triển ý tưởng này thành giải pháp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.