Venise Và Những Cuộc Tình Gondola

PHẦN VIII: TÂY BAN NHA



HAI LẦN ĐẾN BARCELONE
Năm 2000, nhân đang ở Marseille (Pháp) thăm cô bạn thân, tôi mua open-tour của sinh viên đi Barcelone (Tây Ban Nha) chơi. Vì là tour dành cho giới trẻ nên giá rất phải chăng, dù phải ngồi trên xe suốt đêm và ngủ gà ngủ gật đến mười giờ sáng mới đến. Anh chàng hướng dẫn cũng trẻ măng, tự xưng mình kiêm luôn chức giám đốc công ty du lịch và chiếc xe bus là tài sản để khởi nghiệp. Barcelone là tour duy nhất của công ty và cuối tuần nào anh cũng đến đây. Thế nhưng, sức hút của thành phố sôi động là không bao giờ cạn.
Nghe anh nói, mọi người thấy phấn chấn sau mười mấy tiếng đồng hồ ngồi xe “tăng kể” (tê cẳng”. Tuy nhiên anh cảnh báo: “Tuần nào tôi cũng dặn đi dặn lại phải cẩn thận bị móc túi ở Barcelone. Vậy mà tuần nào cũng có nạn nhân!”. Anh khuyên đừng dùng ví, dùng bóp mà nhét tiền vào túi quần thật sâu, chia nhỏ tiền ra nhiều túi theo nguyên tắc “đừng bỏ trứng vào cùng một rổ”. Tôi lật đật nghe theo, passport thì đeo khư khư trước ngực, bỏ sâu vào hai ba lớp áo.
“Cái sân vuông” Reial
Xe dừng tại đại lộ La Ramblas trứ danh, chúng tôi đeo ba lô rồng rắn đi theo hướng dẫn. “Khi các bạn đi theo đoàn và đeo ba lô như thế này, đã có rất nhiều cặp mắt đạo chích phục kích rồi đó! Nhớ nguyên tắc của tôi: không dùng ví, không đeo ba lô!”. Chúng tôi quẹo vào quảng trường Reial yên tĩnh và khách sạn Roma Reil hiện ra khiêm tốn mà duyên dáng. Ở Barcelone có rất nhiều những quảng trường be bé thế này, đó là những cái sân vuông được bao bọc bốn phía là những dãy nhà có mái vòm vùng Địa Trung Hải, những cửa sổ gỗ xám cổ kính, ban công xinh xinh.
Khách sạn tôi trọ là một căn nhà nằm trong “cái sân vuông” đó. Xung quanh là các shop bán hàng lưu niệm, quán ăn, tiệm cà phê. Chính giữa sân là một bồn nước có bức tượng chú bé đứng, nước phun lên nhè nhẹ yên bình. Đặc biệt, những cây cọ xanh miền duyên hải mọc lộn xộn chen chân cùng những chiếc cột điện cong cong trông thật… Tây Ban Nha. Dù chưa một lần đặt chân đến đây, thốt nhiên tôi thấy thân thương quá đỗi. Phải rồi, chính không khí bình lặng của những nhóm người ngồi chơi cờ, đọc báo và nhâm nhi cà-phê đã làm tôi liên tưởng đến Sài Gòn của những năm tám mươi. Tôi ở chúng phòng với hai cô sinh viên người Mexico và cô giáo của họ người Pháp, dạy tiếng anh tên Jacqueline. Chúng tôi vui vẻ trò chuyện rồi rủ nhau cùng đi dạo Barcelone chung.
Phố xá thân thiện
Đại lộ La Ramblas là ưu tiên số một của chúng tôi, vì thật ra chỉ cần bước chân ra khỏi “cái sân vuông” Reial là đã đến con đường nhộn nhịp này. Dân Tây Ban Nha đẹp quá! Nam nữ gì cũng mặn mà, chân mày rậm đen, lông mi cong vút, mắt sậm màu, môi đỏ rực, mặt ửng hồng, da bánh mật. Nhìn họ như một bức tranh chân dung được tô vẽ cẩn thận, không mấy “trớt quớt” như dân phương Bắc. Họ không quá cao, trông cũng “xứng” với tôi nên tôi thấy an ủi phần nào cho chiều cao cần phải bổ sung thêm can-xi của mình.
Trên con đường La Ramblas, nam thanh nữ tú đứng bán hàng lưu niệm, diễn trò tạp kỹ (xiếc, khiêu vũ theo điệu Flamenco, giả làm tượng, hát, đàn… ) hoặc dạo chơi xôm tụ. Đi ngang một nhóm người đang diễn trò, tôi còn bị anh hề chạy đến ôm, giật mình vì bất ngờ, mặt tôi trông “quái” lắm hay sao mà đám đông cười nắc nẻ. Dù “quê”, tôi cũng mau “huề” vì những ánh mắt thân thiện xung quanh. Đâu phải họ giễu cợt, đó là một hình thức làm quen và lôi kéo khán giả gần gũi hơn với nghệ sĩ đường phố. Theo dòng người đưa đẩy, tôi lọt vào một con hẻm vắng lặng có ngôi giáo đường trầm mặc đứng lẻ loi. Một người đàn ông tóc hoa râm đang trải lòng trên những phím guitar réo rắt. Tôi nhớ ba tôi quá. Ông cũng hay ôm đàn những lúc rảnh rỗi và rất mê đàn guitarists.
“Rậm rực” về đêm
Càng về chiều Barcelone càng sôi động, chúng tôi đi thăm vài bảo tàng và đến quảng trường nhạc nước. Thành phố đẹp lạ với lối kiến trúc… không giống ai. Mọi thứ đều “cong cong – quẹo quẹo”, hình dáng uốn lượn điệu đà, màu sắc sặc sỡ. Đó là bàn tay của kiến trúc sư tài hoa AntonyGaudi, ông thích dùng gốm màu, ghép các mảnh vỡ lại theo kiểu “mosaique”, rất sống động và công phu.
Đến tối, tôi cùng cô giáo Jacqueline xếp hàng ở một nhà hàng nằm sát khách sạn, chung trong ” cái sân vuông”. Theo lời cô, người đã đến Barcelone nhiều lần, nhà hàng này giá hợp lý mà ngon vô cùng. Thế thì xếp hàng hơi lâu một tí cũng được. Đúng như lời Jacqueline, tôi gọi món cơm Paella đặc trưng Tây Ban Nha và hoàn toàn hài lòng. Tôi đã ăn món này ở Pháp nhưng không ngon bằng. Cơm trộn với gia vị gì đó có màu vàng như nghệ (gần giống ngũ vị hương), các loại hải sản như sò, tôm, mực rải lên tươi ngon.
Ăn tối xong, hai cô sinh viên Mexico liền đi discotheque, ngoài phố “rậm rực” lắm, thiên hạ náo nức lạ kỳ, từ choai choai cho đến sồn sồn, ai cũng có vẻ đam mê và sẵn sàng cho một đêm cuối tuần “xả láng”. Tôi theo chân các cô gái Mexico ra bến cảng, vào một câu lạc bộ nhỏ nhảy nhót chút đỉnh rồi chuồn sớm vì sức người có hạn. Thật đúng là muốn làm dân chơi cũng không phải dễ. Nếu có sức khỏe hơn, tôi sẽ thức trọn đêm cùng Barcelone, không phải trong những discotheque hay quán bar náo nhiệt, chỉ cần đi tản bộ dọc bến cảng hoặc bờ biển. chờ mặt trời lên cùng những cánh hải âu trong ban mai tươi đẹp.
Một chuyện đau lòng
Ngày hôm sau, tôi tranh thủ đi vào nơi nữa của Barcelone như giáo đường Barcelone như giáo đường La Sagrado Familia, khi hoa viên và một nhà nguyện vô danh. Ở nhà nguyện này, “một chuyện đau lòng” đã xảy ra cho cô giáo Jacqueline, người bạn mới quen của tôi. Sau khi cầu nguyện với biết bao ước vọng, chúng tôi nhí nhảnh đứng chụp hình trong sân sau. Jacqueline đặt chiếc túi giấy của mình xuống một góc cột rồi chạy đến chụp hình chung với tôi. Trong tích tắc đó, một bóng đen lướt qua, chiếc ví căng phồng trong túi giấy của Jacqueline biến mất. Chúng tôi ngỡ ngàng, ngơ ngác, nghi ngờ. Lẽ nào chiếc ví đã về tay đạo chích Barcelone? Sự thật lúc nào cũng là sự thật, dù ta có muốn chối từ. Jacqueline đau khổ, thất thần, tê tái. Lúc đó, tôi cũng buồn giận giùm cho cô, cũng đi ra đồn cảnh sát trình báo lung tung. Tôi không ngờ rằng chỉ một tuần sau, chính tôi cũng gặp phải “chuyện đau lòng”. Tôi ước mình cũng bị đạo chích Barcelone thó ví, như thế cũng còn ít khổ tâm hơn khi phát hiện mình bị mất cắp hơn hai ngàn đô bởi một một người bà con khá thân thiết vì quá cả tin. Cảm giác bàng hoàng, tức giận, ngơ ngẩn khó tả nên lời. Sau sự cố đó, tôi rút ra kết luận thương đau: những nơi an toàn nhất là những nơi nguy hiểm nhất. Và với tôi, Barcelone vô cùng an toàn.
Trở lại Barcelone
Năm 2005, tôi trở lại Barcelone một tuần nhân hội nghị chuẩn bị tung sản phẩm mới của Tập đoàn Sanofi Aventis. Cùng hai cô đồng nghiệp Hàn Quốc, tranh thủ chút thời giờ rảnh hiếm hoi chúng tôi bắt taxi đến La Sagrado Familia thăm viếng. Lần trước ngôi giáo đường này đang sửa, tôi hy vọng lần này đã hoàn tất. Thế nhưng sau năm năm, tôi ngạc nhiên khi thấy tiến độ thi công không nhích lên tí nào. Và càng kinh ngạc hơn, tôi được biết ngôi giáo đường nổi tiếng này đã được khởi công từ 1884, qua hơn một thế kỷ, công trình vẫn chưa hoàn tất! Chính tính chất “chỉ đẹp khi còn dang dở” của La Sargado Familia đã làm nơi đây trở thành điểm du lịch “hot” nhất Barcelone. Ngôi giáo đường sẽ tiếp tục ở trong tình trạng chẳng bao giờ hoàn tất, mãi mãi và mãi mãi. Xem ra “ăn tếtCongo” còn chờ được chứ “ăn tân gia La Sargado Familia” sẽ là chuyện không tưởng.
Lần thứ hai quay lại Barcelone, thành phố vẫn trẻ trung mà tôi chẳng còn là cô bé vô tư nữa rồi. Tôi không có dịp quay lại thăm “cái sân vuông” Reial nhưng thấy nhớ cô giáo Jacqueline quá. Khách sạn Rome Reil ngày nào với tôi sao ấm cúng và những người bạn cùng phòng thật thân thương. Giờ ở một mình trong căn phòng sang trọng của khách sạn năm sao Rey Juan Carlos I, tôi không có cảm giác mình đang ở Tây Ban Nha chút nào. Tôi tự nhủ, sẽ có lần thứ ba, Barcelone sẽ lại đón tôi về, với những hàng cọ miền Duyên Hải, với vũ điệu Flamenco sôi động, với không khí hội hè, những ánh mắt nhung đen…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.