Sigurdur Óli đang phân vân không biết nên đặt câu hỏi như thế nào. Anh đang giữ một bản danh sách tên mười người phụ nữ từng sống ở Húsavík trước và sau năm 1960 rồi sau đó lại chuyển về Reykjavík. Hai người trong số đó đã chết. Hai người không có con. Sáu người còn lại đều làm mẹ trong giai đoạn vụ cưỡng hiếp có khả năng xảy ra. Sigurdur Óli đang trên đường đến gặp người thứ nhất. Bà ta sống ở Barmahlíd, đã li dị và có ba đứa con đã trưởng thành.
Nhưng làm thế nào để anh có thể đặt câu hỏi với những người phụ nữ trung niên này? “Xin lỗi, thưa bà, tôi là cảnh sát và tôi được đề cử đến đây để hỏi xem liệu bà có bị cưỡng hiếp ở Húsavík khi bà sống ở đó không” ư? Anh nói thử điều đó với Elínborg, cô đã có danh sách tên mười người phụ nữ ấy, nhưng cô không hiểu được vấn đề.
Sigurdur Óli coi đó là một việc làm vô ích mà Erlendur đã đề ra. Thậm chí nếu Ellidi đã nói sự thật và cả thời gian lẫn địa điểm đều trùng khớp và cuối cùng họ cùng tìm ra người phụ nữ sau một quá trình điều tra lâu dài, điều gì sẽ đảm bảo là bà ta sẽ nói tiếp về vụ hiếp dâm? Bà ta đã giữ kín chuyện đó suốt cuộc đời mình. Vậy thì sao bà ta phải nói ra chuyện đó lúc này? Tất cả những gì mà bà ta cần nói, khi Sigurdur Óli hay bất cứ thám tử nào mang theo bản danh sách như thế và đến gõ cửa nhà họ, là “không”, và anh sẽ chẳng biết nói gì hơn là “xin lỗi đã làm phiền bà”. Thậm chí nếu họ có tìm ra người phụ nữ, chẳng có gì đảm bảo rằng việc bà ta có một đứa con là kết quả của vụ cưỡng hiếp cả.
“Đó là một câu hỏi cần trả lời, anh nên sử dụng chiến thuật tâm lý” Erlendur đã nói khi Sigurdur Óli cố gắng làm cho ông nhận ra được vấn đề. “Cố gắng vào nhà họ, ngồi xuống, uống cà phê, trò chuyện và cố gắng nói chuyện tầm phào một lúc”.
“Tâm lý!” Sigurdur Óli khịt mũi khi anh bước ra khỏi xe ở Barmahlíd và nghĩ về cô nàng sống cùng mình, Bergthóra. Anh thậm chí còn không biết cách sử dụng tâm lý như thế nào với cô ta nữa. Họ gặp nhau trong những dịp bất thường cách đây vài năm, khi mà Bergthóra là nhân chứng trong một vụ khó và sau một thời gian lãng mạn, họ quyết định dọn về sống cùng nhau. Dường như họ khá hợp nhau, có những sở thích chung và cả hai đều thích làm cho căn nhà mình đang sống trở nên đẹp đẽ với những bộ đồ nội thất và đồ nghệ thuật độc, những kẻ “yuppie” 1 đích thực. Họ luôn luôn hôn nhau mỗi khi đi làm về. Tặng nhau những món quà nhỏ, thậm chí còn mở cả một chai rượu. Thỉnh thoảng họ lên giường luôn sau khi đi làm về, nhưng gần đây chuyện đó ít xảy ra hơn.
Đó là sau khi cô tặng anh một đôi ủng cao su Fennish rất bình thường nhân dịp sinh nhật. Anh đã cố gắng cười toe toét miệng nhưng vẻ hoài nghi không tin nổi hiện lên trên mặt anh quá lâu và cô biết đã có vấn đề gì đó. Cuối cùng, khi anh mỉm cười, đó là một sai lầm.
“Bởi vì anh chẳng có đôi nào cả” cô nói.
“Anh chưa có một đôi ủng cao su nào kể từ khi anh… mười tuổi” anh trả lời.
“Anh không hài lòng ư?”
“Anh nghĩ rằng chúng thật tuyệt” Sigurdur Óli đáp, biết rằng mình không trả lời vào câu hỏi. Cô cũng biết điều đó. “Không, nói một cách nghiêm túc,” anh bổ sung thêm và có thể cảm nhận được mình đang tự chôn mình vào một nấm mồ lạnh lẽo, “nó thật tuyệt vời”.
“Anh không thích chúng” cô ủ ê.
“Chắc chắn là có mà” anh nói, vẫn còn tràn trề thất vọng vì không thể không nghĩ đến cái đồng hồ đeo tay trị giá 30.000 króna mà anh tặng cô hôm sinh nhật. Anh đã mua nó sau một tuần săn lùng trong toàn thị trấn và bàn bạc rất nhiều với những nhà sản xuất đồng hồ về thương hiệu, kỹ thuật mạ vàng, máy móc, dây đeo, độ chống thấm nước, những đồng hồ Thụy Sĩ và đồng hồ đánh chuông. Anh đã áp dụng tất cả những kỹ năng thám tử của mình để tìm ra chiếc đồng hồ xứng đáng, cuối cùng anh cũng tìm ra và cô đã thực sự ngây ngất, niềm vui và hạnh phúc của cô là hoàn toàn thật.
Sau đó anh ngồi trước mặt cô với nụ cười đóng băng trên mặt và cố tỏ ra vui mừng quá mức, nhưng đơn giản là anh không thể làm được chuyện đó suốt cả cuộc đời mình.
“Tâm lý ư?” Sigurdur Óli khịt mũi lần nữa. Anh nhấn chuông khi đến cửa nhà người phụ nữ đầu tiên ở Barmahlíd và hỏi một cách tâm lý nhất có thể, nhưng đã thất bại thảm hại. Trước khi nhận ra điều đó, anh đã bối rối hỏi người phụ nữ xem liệu bà ta có từng bị cưỡng hiếp hay không.
“Ông đang nói cái quái gì thế?” Người phụ nữ nói, mặt đằng đằng sát khí, các ngón tay xiết chặt đầy hung dữ. “Ông là ai? Ông là cái kẻ khốn nạn nào vậy?”
“Không, xin lỗi bà”, Sigurdur Óli nói và quay ra cầu thang trong nửa giây.
Elínborg may mắn hơn, bởi vì cô tập trung tâm trí cho công việc nhiều hơn và không ngại việc nói chuyện phiếm để lấy lòng người khác. Chuyên môn của cô là nấu ăn, cô là một đầu bếp cừ khôi và có năng lực thực sự, và không gặp khó khăn nào trong việc bắt chuyện. Nếu có cơ hội, cô sẽ hỏi về mùi thơm tuyệt diệu đang tỏa ra từ bếp là cái gì và thậm chí những người chỉ sống nhờ bỏng ngô cả tuần trước cũng mời cô vào nhà.
Cô đang ngồi trong phòng khách của một căn hộ dưới tầng hầm ở Breidholt và nhấp một ngụm cà phê do một người phụ nữ đến từ Húsavík mời, bà ta mất chồng đã lâu và giờ là mẹ của hai đứa con đã trưởng thành. Tên bà ta là Siguriaug – người cuối cùng trong danh sách của Elínborg. Việc đặt ra những câu hỏi nhạy cảm khá dễ dàng với cô, và cô còn nhờ những người cô phỏng vấn liên lạc với mình nếu họ nghe thấy bất kỳ điều gì từ những câu chuyện phiếm ở Húsavík.
“… và đó là lý do tại sao chúng tôi đang tìm một người phụ nữ tầm tuổi bà đến từ Húsavík, người mà có thể biết Holberg vào thời gian đó và thậm chí còn có một vài rắc rối với ông ta”.
“Tôi không nhớ có ai tên là Holberg ở Húsavík cả” người phụ nữ nói. “Cô đang nói đến loại rắc rối nào cơ?”
“Holberg chỉ ở Húsavík trong một thời gian ngắn” Elínborg nói. “Do đó bà không cần phải nhớ bất cứ điều gì về ông ta cả. Ông ta chưa bao giờ sống ở đó. Và đó là một sự tấn công về thể chất, ông ta đã tấn công một người phụ nữ trong thị trấn cách đây vài thập kỷ và chúng tôi đang cố gắng tìm ra bà ta”.
“Chắc hẳn là các cô phải có thông tin đó trong hồ sơ chứ?”
“Vụ tấn công đó chưa bao giờ được trình báo cả”.
“Loại tấn công nào cơ?”
“Cưỡng hiếp”.
Người phụ nữ đưa tay lên che miệng theo bản năng và mắt mở to hết cỡ. “Lạy Chúa tôi!” Bà ta thốt lên. “Tôi không biết gì về chuyện đó cả. Cưỡng hiếp! Lạy Chúa! Tôi chưa bao giờ từng nghe những chuyện đại loại như thế”.
“Không, dường như đó là một bí mật được giữ kín hoàn toàn” Elínborg nói. Cô khéo léo né tránh những câu hỏi tò mò của người phụ nữ và nói về những yêu cầu sơ bộ và những lời đồn. “Tôi đang băn khoăn,” cô nói, “liệu bà có biết ai có thể biết chuyện này không?” Người phụ nữ cho cô tên của hai người phụ nữ bạn mình đến từ Húsavík và nói rằng chưa bao giờ họ để lỡ chuyện gì. Elínborg viết tên họ lại, ngồi một lúc nữa để tránh bất lịch sự, sau đó ra về.
Erlendur bị một vết cắt ở trán, sau đó ông đã dán băng keo lên. Một trong hai tên đồ tể đến nhà ông tối qua đã ra tay sau khi Erlendur đập cửa vào đầu gối hắn khiến hắn rú lên dưới sàn. Tên còn lại nhìn trân trối cho đến khi hắn hiểu ra sự tình và điều tiếp theo mà hắn nhận biết được là Erlendur đứng đối diện với hắn trên cầu thang và đẩy hắn, không một chút nao núng, xuống cầu thang.
Hắn cố gắng túm lấy thành cầu thang để không rơi xuống dưới. Hắn không muốn xử lý Erlendur, người lúc này đang đứng trên cầu thang với cái trán sưng phồng, bầm tím. Hắn nhìn sang gã đi cùng mình và thấy gã đang nằm trên sàn gào rú vì đau, sau đó lại nhìn Erlendur và quyết định tránh xa ông. Hắn mới tầm hai mươi tuổi.
Erlendur gọi xe cứu thương và trong khi chờ đợi, ông hỏi xem bọn chúng muốn gì từ Eva Lind. Gã đàn ông lúc đầu hơi do dự, nhưng khi Erlendur đề nghị kiểm tra cái đầu gối của hắn, hắn bỗng trở nên nói nhiều. Chúng là những người đi thu nợ. Eva Lind nợ tiền và ma túy của cả hai và cả một số người khác nữa mà Erlendur chưa từng nghe thấy tên.
Erlendur không giải thích về miếng cao dán với bất kỳ ai khi ông đi làm ngày hôm sau, và không ai dám hỏi ông về chuyện đó. Cánh cửa gần như đã đo ván ông khi nó đập vào chân tên đòi nợ rồi sau đó trở lại đập vào đầu ông. Trán ông vẫn còn đau, ông vẫn lo lắng về Eva Lind và trằn trọc suốt đêm hôm đó, hy vọng con gái mình sẽ quay trở về trước khi tình hình trở nên không kiểm soát nổi. Ông nán lại ở văn phòng đủ lâu để tìm ra dữ kiện Grétar có một người em gái và mẹ gã vẫn còn sống, bà ta đang ở viện dưỡng lão Grund. Như đã nói với Marion Briem, ông không chú trọng đặc biệt tìm Grétar, cũng giống như cô gái mất tích ở Gardabaer, nhưng ông nghĩ là việc biết thêm thông tin về gã cũng không có hại gì. Grétar đã ở bữa tiệc trong buổi tối mà Kolbrún bị cưỡng hiếp. Có thể hắn có nhớ chút gì về chuyện xảy ra hôm đó, một chi tiết rải rác mà hắn có thể buột miệng. Erlendur không trông mong vào việc tìm ra manh mối mới về việc mất tích của gã, Grétar có thể đã yên nghỉ, ông không quan tâm, nhưng ông chú ý đến những người mất tích trong một thời gian dài. Đằng sau mỗi người lại là một câu chuyện rùng rợn, nhưng trong tâm trí ông, việc người ta biến mất mà không để lại dấu vết nào hoặc không ai biết tại sao có chút gì đó thật hấp dẫn.
Mẹ của Grétar đã chín mươi tuổi và bị mù. Erlendur nói chuyện nhanh chóng với giám đốc của viện – hình như bà ta khó có thể rời mắt khỏi cái trán của ông. Bà ta nói rằng Theodóra là một trong số những người già nhất và ở đây lâu nhất, một thành viên gương mẫu của cộng đồng trong tất cả mọi mặt, được tất cả nhân viên và những người khác yêu mến thán phục.
Erlendur được dẫn đến phòng của Theodóra và được giới thiệu với bà. Bà ta ngồi trên một chiếc xe lăn, mặc một cái áo dài, bên trên phủ một chiếc chăn len, mái tóc dài màu xám của bà được tết lại và buông xuông lưng ghế. Người bà hơi cúi về đằng trước, bàn tay xương xẩu và khuôn mặt hiền từ nhân hậu. Ở đây có rất ít đồ đạc cá nhân. Một tấm hình của Tổng thống John F. Kennedy treo trên đầu giường. Erlendur ngồi vào một chiếc ghế trước mặt bà, nhìn sâu vào đôi mắt mà giờ đây không còn thấy gì nữa, và nói rằng ông muốn hỏi chuyện về Grétar. Thính giác của bà vẫn còn khá tốt, đầu óc bà vẫn còn minh mẫn. Bà không biểu lộ tí ngạc nhiên nào mà đi thẳng vào vấn đề. Erlendur có thể nhận ra là bà đến từ Skagafjordur. Bà nói với một chất giọng đặc sệt miền Bắc.
“Thằng Grétar nhà tôi không phải là một người tốt” bà nói. “Nói thật với ông, nó là một kẻ độc ác xấu xa. Tôi không hiểu nó lấy cái tính ấy ở đâu. Một thằng xấu xa rẻ tiền. Nó giao du với những kẻ xấu, những gã lang thang và rất nhiều kẻ đê tiện khác. Các ông đã tìm thấy nó chưa?”
“Chưa” Erlendur trả lời. “Một trong số những người bạn của anh ta bị sát hại gần đây. Holberg. Có thể bà đã nghe qua tin đó”.
“Tôi không biết, ông nói anh ta bị giết sao?”
Erlendur rất ngạc nhiên và lần đầu tiên sau một thời gian dài, ông thấy mình có lý do để mỉm cười.
“Tại nhà. Họ đã từng làm việc cùng nhau trước đây, Holberg và con trai bà ấy, tại Cơ quan quản lý Bến cảng và Hải đăng”.
“Lần cuối cùng tôi gặp Grétar – khi đó mắt tôi còn sáng – là khi nó về nhà để gặp tôi vào cái mùa hè có diễn ra lễ hội quốc gia. Nó đã ăn cắp tiền trong ví của tôi cùng với một ít bạc. Tôi không biết chuyện đó cho đến khi nó rời đi và món tiền biến mất. Sau đó Grétar mất tích. Giống như nó cũng bị đánh cắp vậy. Ông có biết ai đánh cắp nó không?”
“Không” Erlendur trả lời. “Bà có biết anh ta đi đâu trước khi mất tích không? Anh ta giao du với ai?”
“Tôi không biết” người phụ nữ đáp. “Tôi không bao giờ biết Grétar sẽ đi đâu. Tôi cũng đã nói với các ông hồi đó như thế”.
“Bà có biết là anh ta cũng chụp ảnh không?”
“Có. Nó chụp ảnh. Nó luôn luôn chụp ảnh. Tôi không biết tại sao. Có lần nó bảo với tôi rằng ảnh là những tấm gương phản chiếu thời gian, nhưng tôi không hiểu nó đang nói về chuyện gì”.
“Đó không phải là một vẻ trí thức ở Grétar sao?”
“Tôi chưa bao giờ nghe nó nói như vậy”.
“Địa chỉ cuối cùng của anh ta là ở Bergstadastraeti – anh ta thuê một căn phòng ở đó. Bà có biết chuyện gì xảy ra với đồ đạc của anh ta không, máy ảnh, phim, bà có biết không?”
“Có thể Klara biết đấy” Theodóra trả lời. “Con gái tôi. Con bé dọn phòng thằng Grétar và ném đi tất cả những đồ rác rưởi, tôi nghĩ vậy”.
Erlendur dứng dậy và khuôn mặt bà hướng theo bước ông đi. Ông cảm ơn bà vì sự giúp đỡ, nói rằng những lời nói của bà rất có giá trị và ông muốn khen bà vì trông bà vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn, nhưng lại thôi. Ông nhìn lên bức ảnh của Kennedy trên tường chỗ đầu giường bà và không kìm được câu hỏi.
“Tại sao bà lại treo ảnh Kennedy trên đầu giường?” Ông hỏi và nhìn vào đôi mắt trống rỗng của bà.
“Ồ,” Theodóra thở dài, “tôi rất ngưỡng mộ ông ấy khi ông ấy còn sống”.
Chú thích
1.Yuppie là từ chỉ một lớp người trẻ tuổi, sống vào khoảng thập niên 1980 ở Mỹ. Họ chủ yếu sống ở thành thị, có nghề nghiệp ổn định và thích tiêu tiền cho bất cứ thứ gì mình thích.