Viên Ngọc Của Hoàng Đế

CHƯƠNG 15: LẠI NÓI VỀ QUÂN BÀI BỊ MẤT CẮP



Địch công đứng vọt lên:
– Ai tấn công ông ta? – Ông hỏi viên đô đầu.
– Tên đó đã chạy trốn, biến mất, thưa đại nhân. Ông Biện hiện đang nằm ở chỗ bị tấn công.
– Chuyện xảy ra thế nào?
– Ông Biện đang đi về phía cầu, thì một côn đồ xông vào ông ta, đấm làm ông ta ngã xuống. May thay, ông Dương nghe thấy tiếng kêu cứu, vội từ cửa hàng chạy đến. Tên côn đồ bỏ chạy, chưa kịp cướp được cái gì. Ông Dương đuổi theo nó, nhưng nó đã biến vào đám đông, chạy vào các ngõ hẻm. Ông ta quay lại và thấy ông Biện không bị ngất, sau đó nói với người gác miếu đứng coi ông Biện, để ông ta đến báo cho tôi.
Viên đô đầu ngừng một lát để thở, rồi tiếp:
– Ông Biện không muốn ai động vào người, ông ta muốn lang y khám xét đế xem nội tạng có thương tổn không.
– Chúng ta tới ngay nơi đó! – Địch công ra lệnh – Gọi cả thanh tra pháp y, cho người mang theo cáng – Lão Hồng đi cùng ta!
Bầu trời càng sầm tối bởi mây đen. Cái nóng như thiêu đốt. Địch công và tuỳ tùng đến gần miếu Khổng Tử, đám đông tụ tập nơi xảy ra sự việc. Lính phải dẹp đường mới tới gần được.
Ông Dương đang luồn một chiếc áo gấp tư vào dưới đầu ông Biện vẫn đang nằm ở mặt đường. Mũ nạn nhân bị văng đi, các sợi tóc dài đẫm mồ hôi rủ trên mặt. Tai trái bị sưng to và nhiều vết xước ở má phải. Chiếc áo đầy bụi bị xé toạc từ vai đến thắt lưng. Ông ta lẩm bầm nói với thanh tra pháp y ngồi bên.
– Hãy xem xét ngực tôi. Mặt đau lắm, nhưng chắc là xương trán không bị tổn thương.
Thanh tra pháp y nhẹ nhàng xem các vết thương, Địch công hỏi ông Biện:
– Sự thật đã xảy ra việc gì?
– Tôi đến khám cho một phụ nữ trở dạ ở phố bên kia cầu. Không có ai đi gần tôi… (ông ta nhăn mặt vì tay của thanh tra pháp y ấn mạnh vào các chỗ đau)… tên khốn kiếp đã tấn công từ phía sau.
Ông bực bội nói to, sau lại dịu giọng nói tiếp:
– Nghe thấy tiếng chân đáng nghi ở phía sau, tôi định quay lại thì một quả đấm mạnh hất tôi vào tường. Tôi ngã xuống, sa sấm mày mặt và chỉ mơ hồ nhìn thấy một kẻ to lớn trước mặt. Tôi bèn kêu cứu. Tên đó đá tiếp để tôi không kêu nữa, rồi xé áo tôi. Bất chợt tên đó ngẩng lên, rồi bỏ chạy về phía cầu, ông Dương chạy đuổi theo.
Ông Dương bổ sung:
– Đó là một tên cao lớn, thưa đại nhân, mặc áo ngoài và quần màu xám sẫm. Tóc buộc một dải vải sẫm.
– Ông có nhận ra mặt nó không? – Địch công hỏi.
– Tôi chỉ thoáng nhìn thấy nó thôi. Khuôn mặt tròn, râu ngắn, và có ria. Có đúng như thế không, ông Biện?
Ông này gật đầu.
Địch công hỏi tiếp:
– Ông có luôn mang theo số tiền lớn không? – Ông Biện lắc đầu – Cả các giấy tờ quan trọng nữa?
– Một vài đơn thuốc và một, hai biên lai thu tiền.
Viên thanh tra pháp y đứng dậy nói:
– Ông Biện, không có gì đáng lo ngại cả. Chỉ sây sướt thôi, không có xương nào bị gãy cả. Khuỷu tay và đầu gối phải bị sưng thôi. Tôi mong được khám ông tỉ mỉ hơn khi đưa ông về nha phủ.
Địch công ra lệnh cho viên đô đầu:
– Cử bốn người sang bên kia cầu, tìm bắt tên có hình dáng như các ngươi đã nghe biết. Chi tiết bố sung: tên đó thuận tay trái.
Sau đó, ông hỏi người gác miếu, giọng gay gắt:
– Còn ngươi, chắc là không trông thấy, không nghe thấy gì cả, phải không? Ngươi làm việc gì ở đây? Chắc là người ta không nhắc ngươi phải để mắt tới mọi chuyện xảy ra?
– Thưa đại nhân, lúc đó tôi đang ngủ gà ngủ gật trong lều – Giọng ấp úng – Ông Dương đã gõ cửa đánh thức tôi.
– Tôi cũng định ngủ trưa – Ông Dương giải thích – Nhưng người giúp việc vừa sắp xếp xong bộ sưu tầm đá quý, nên tôi cần xem xét lại trước khi cho vào tủ khoá, thì tôi nghe thấy tiếng kêu cứu. Tôi vội chạy ra phố và nhìn thấy tên côn đồ đang xé áo ông Biện. Nó bỏ chạy khi nhìn thấy tôi, tôi bèn đuổi theo. Tất nhiên là tôi chạy chậm hơn nó. Tôi đã già rồi, thưa đại nhân!
– Cũng có thể là ông đã cứu mạng ông ta. Ông hãy theo tôi về nha phủ đế khai vào biên bản – Rồi quay nói với bọn lính. – Các ngươi hãy để cáng xuống đất, nhưng đừng sờ vào người nạn nhân!
Viên thanh tra và ông Dương nhẹ nhàng, thận trọng chuyển ông Biện lên cáng. Hai người lính khênh cáng đi.
Địch công nói nhỏ với lão Hồng:
– Thời gian xảy ra sự việc đã được tính toán: lúc phố xá vắng vẻ vì giờ nghỉ trưa; và phía bên kia cầu chẳng khác gì một hang thỏ, rất dễ lẩn trốn.
Cả đoàn trở về nha phủ. Đi được một lát, Địch công nói với viên đô đầu:
– Ngươi chạy mau đến bến thuyền và đưa ông Khuông về nha phủ. Nếu ông ta không có ở trên thuyền thì ngươi chờ ở đó cho đến khi ông ta quay lại. Làm ngay đi!
Rồi nói với lão Hồng:
– Lão đến ngay nhà ông Khấu, và xem ông ta đúng là đang ngủ trưa hay không!
Trở về thư phòng, Địch công ngồi vào bàn, rót chè, uống cạn một hơi. Rồi, tỳ khuỷu tay lên bàn, trán nhăn lại chìm đắm suy nghĩ. Ông cố gắng sắp xếp các biến cố vừa qua đang lẫn lộn trong đầu. Sự việc vừa xảy ra làm ông bối rối. Nó không phù hợp với những nhận định của ông. Chiếc áo đẫm mồ hôi, dính chặt vào vai, ông cũng không hề biết tới.
Một lúc lâu sau, ông đứng dậy, lẩm bẩm:
– Đúng! Cứ như thế, đó là cách giải quyết. Rồi mọi việc sẽ sáng tỏ… tất cả, duy nhất là động cơ gây án chưa sáng tỏ! – Ông băn khoăn: “Không biết ta chọn cách xử trí ra sao đây?”
Lập luận của ông có vẻ xác đáng, nhưng đâu có chứng cứ đế ra lệnh bắt người? Hay là theo giả thuyết thứ hai mà ta đặt ra sau khi phân tích các sự việc một cách hợp lý? Hoặc là phải nghĩ ra một chiến thuật để đánh giá hai giả thuyết đó? Đúng như vậy… Việc làm đó nhất thiết phải tiến hành trong cùng một lúc. Và Địch công vuốt chòm râu dài, tiếp tục suy nghĩ.
Nửa giờ sau, viên thanh tra pháp y vào báo cáo:
– Tình trạng ông Biện là khả quan, thưa đại nhân! Tôi đã xoa thuốc do tôi pha chế vào ngực ông ta, và đã băng tay phải… Ông ta sẽ dùng gậy chống để có thế đi được. Giờ đây, ông ta muốn xin về nhà nằm nghỉ.
– Cho ông ta tha hồ nằm nghỉ, nhưng là ở trong nha phủ – Địch công sẵng giọng và nhìn vẻ ngơ ngác của viên thanh tra, ông nói thêm:
– Vì ta còn cần hỏi ông ta nhiều điều.
Ông này cúi chào, rồi lui ra. Lão Hồng sau đó xuất hiện. Địch công bảo ông ta ngồi ghế đối diện và hỏi ngay:
– Ông Khấu có ở nhà chứ?
– Không, thưa đại nhân. Ông ta than phiền với người quản gia là nóng quá, không ngủ trưa được, nên ra chùa thắp hương: nơi đó để quan tài bà Diên Hương trong lúc chờ ngày giờ tốt mới đem đi chôn cất. Ông ấy quay về lúc tôi định ra đi. Tôi nói là ông ta nên ở nhà vì đại quan có ý định mời ông đến nha phủ – Nhìn vẻ mặt suy tư của Địch công, lão Hồng ngần ngừ một chút rồi hỏi – Việc tấn công ông Biện có ý nghĩa gì vậy, thưa đại nhân?
– Có thể đơn giản là muốn ăn cướp của ông ta, tuy vậy ta vẫn không loại trừ khả năng phạm tội của ông ta. Ngược lại thì là ai đó muốn trừ khử ông ta, vì ông ta có thể nắm được điều gì, giúp chúng ta tìm ra kẻ sát nhân thực sự. Trong trường hợp này, chúng ta hãy quay về kẻ tình nghi thứ hai: ông Khấu. Lấy cớ đến thắp hương ở chùa cho vợ, có thế ông ta đã sai một tên côn đồ đi bịt đầu mối. À, ông Biện muốn về nhà, nhưng ta giữ lại… vì e rằng tên côn đồ sẽ lại ra tay. Lão đã làm tốt khi bảo ông Khấu phải có mặt ở nhà, như vậy chúng ta yên tâm lo liệu với ông Khuông Mần.
– À, thế ra ông ta là người tình nghi thứ ba? – Lão Hồng hỏi – Vì lý do gì đại nhân nghi vấn ông ta? Đúng là hình dáng ông ta na ná tên côn đồ ông Dương tả lại, nhưng đại nhân đã liệt ông ta vào diện nghi vấn ngay cả trước khi xảy ra vụ tấn công ông Biện?
Mỉm cười, Địch công giảng giải:
– Vụ biến mất một con bài; ta đã rõ lý do, nên ông ta bị liệt ngay vào danh sách kẻ tình nghi.
– Việc con bài biến mất?
– Đúng vậy: con bài trắng, hai đầu không ghi số. Chiều qua, kẻ nào đó đã ăn cắp nó khi ở trên thuyền. Chỉ có một trong ba người đã ăn cắp: ông Khấu, ông Biện và ông Khuông. Ông Khấu và ông Biện lên thuyền để thông báo cuộc đua thuyền sắp bắt đầu; ông Khuông lên thuyền lúc ta và các phu nhân ra mạn thuyền ngắm quang cảnh ngày hội đua thuyền.
– Nhưng vì sao tên giết người lại lấy quân bài ấy?
– Vì hắn nhạy bén hơn ta, – Địch công nói, cười khàn. – Hắn thấy quân cờ trắng giống như thẻ bài ra vào cổng thành: thế là hắn nảy ra ý đồ, còn ta thì lại chậm hiểu. Hắn biết là tên Hạ sẽ khó khăn khi quay về thành mà không có thẻ bài, hắn sẽ dùng quân cờ ấy làm thẻ bài cho tên Hạ. Sau cái chết của Đồng, và chuyện xảy ra với bà Diên Hương, thì nhà chức trách sẽ biết rõ ai là người vào thành sau nửa đêm. Nếu không có thẻ bài, thì tên Hạ sẽ bị nhận diện ngay qua chiếc sẹo trên má. Tên sát nhân biết được điều đó đã lấy quân bài cho vào tay áo, sau đó hắn ghi một con số nào đó vào quân bài. Chiếc thẻ bài giả mà lính cống Nam mang nộp, chính là quân bài trắng bị đánh cắp. Lão hiểu chứ?
– Tên giết người dù có tinh khôn đến đâu, đã bị đại nhân vạch mặt.
– Hắn đã mắc một lỗi lầm nhỏ. Hắn không đoán là ta rất chú trọng đến trò chơi xếp quân bài, thiếu một quân cũng làm ta suy nghĩ. Thôi, hãy dẹp các chuyện vớ vẩn lại, ta phải bắt tay vào việc ngay, giờ còn rất nhiều việc mà lại có ít thời gian. Điều tốt nhất là chúng ta nghiên cứu chu đáo về quá khứ của các kẻ tình nghi, và phân tích các việc làm và hành động mới xảy ra của chúng. Tiếc thay, hung thủ lại có thế tiếp tục giết người, vậy cần phải có ngay các biện pháp. Nhưng trước khi quyết định tiến hành các biện pháp sẽ đề ra, ta muốn biết ông Khuông đang ở đâu Hãy đi tìm viên đô đầu xem đã về chưa!
Trong khi lão Hồng đi ra hỏi các lính gác, Địch công mở cửa số và cúi ra ngoài nhìn trời: một làn gió nhẹ, hây hay thối làm ông khoan khoái. Ông nhìn hòn non bộ ở ngoài vườn, vẻ suy nghĩ. Con rùa bò xung quanh tảng đá ở bế cá vàng: cố nó vươn dài, rõ ràng là đang nhằm tới mục tiêu đã định.
Ông quay lại khi lão Hồng đi vào.
– Thưa đại nhân, viên đô đầu chưa về ạ!
– Miễn là gã Khuông ấy không trốn đi.
Trán ông bớt nhăn, nói thêm:
– Thật ra, ông ta rất láu cá. – Địch công quạt phe phẩy – Trong lúc chờ đợi ông ta, ta nói đế lão rõ các việc của ông ta nếu đúng ông ta là thủ phạm. Lão sẽ hiểu chính xác vai trò của ba kẻ tình nghi chủ yếu.
Thay chiếc khăn mặt ướt ở cổ, Địch công nói tiếp:
– Ta tin chắc là Khuông Mần sống nghiêm túc ở kinh đô. Chỉ trong những chuyến đi các nơi ông ta mới lộ ra các chuyện đồi bại, nhưng rất khôn khéo che đậy các hành vi bỉ ổi. Ớ nhà trọ, ông ta đòi được cung cấp các cô gái khoẻ mạnh mà giá lại rẻ, đế tỏ ra là một khách làng chơi hình thường. Ớ Phố Dương này, ông ta tìm kiếm các đồ cổ nên quen biết Đồng và Hạ, nên nhờ tên Đồng, sau đó là tên Hạ cung cấp cho ông ta những cô gái đế thoả mãn trò chơi mà ông ta ao ước. Cái thú chơi đồ cổ đưa ông ta đến chỗ quen biết ông Khấu, và có mua của ông Khấu vài đồ cổ, theo như ông Dương nói. Ông Khuông đã gặp bà Diên Hương khi đến chơi nhà ông Khấu. Bà ta thường sắp xếp các bộ sưu tầm đồ cổ. Ông ta liền đế ý đến Diên Hương như trường hợp ông Biện mà tôi nêu trong giả thuyết kết tội ông Biện: khao khát làm nhục, hành hạ một phụ nữ đẹp. Thế là ông Khuông giao cho tên Hạ tìm cách để đưa bà Diên Hương vào bẫy.
Họ hẹn gặp nhau ở cầu Đá. Tên Hạ cho biết là đã thuê ba tên côn đồ để bắt cóc cô Lý, rồi còn cho biết một tin hết sức quan trọng: sẽ giao bà Diên Hương cho Khuông ngay tối đó nếu ông ta muốn. Vì hắn biết là Đồng và Diên Hương sẽ gặp nhau ở ngôi nhà phụ của khu nhà bỏ hoang, để thoả thuận việc mua bán viên ngọc; hắn còn nói là hắn sẽ đến đó thay cho Đồng. Ông Khuông rất sung sướng đồng ý, vì ngoài việc thoả mãn thói ác dâm, lại còn vớ được thêm mười thoi vàng. Ông ta không tin là có chuyện viên ngọc, nhưng không nói ra. Việc chính là thủ tiêu được Đồng Mai. Tên Hạ còn cho biết: trước cuộc thi thuyền, các nhà tổ chức thết rượu cho các tay chèo tham gia cuộc đua ở tiệm rượu gần cầu Đá, và Đồng là người đánh chiêng ở thuyền ông Biện. Ông Khuông cho đó là dịp tốt đế tiến hành mọi việc, và viết thư hẹn gặp ông Biện ở thuyền của mình. Ông Biện trả lời chỉ có thế đến đó vào cuối buổi chiều. Ông Khuông cho thế lại càng thuận lợi hơn, nên đế ông Biện dẫn đến tiệm rượu rồi cho thuốc độc vào rượu rót cho Đồng. Thế là tên Hạ có điều kiện đến khu nhà hoang đế nhốt bà Diên Hương lại; thực hiện xong thì báo cho ông ta.
Mặt khác, ông ta bảo tên Hạ hoãn lại việc bắt cóc cô Lý, hành hạ một cô gái bậc thấp không đem lại thích thú bằng!
Địch công ngừng nói, lắng nghe tiếng sấm ngày càng tới gần.
Lão Hồng hỏi:
– Tại sao chiều qua ông Khuông lại đến thuyền của đại nhân?
– Ta cũng tự hỏi như vậy. Có thể là đế chứng minh rằng ông ta có mặt trong cuộc đua thuyền, để việc ông ta trở lại cầu Đá muộn không bị nghi ngờ. Hơn nữa các thuỷ thủ thuyền ông ta lại say mềm và ông Tôn lại ốm, nên họ không thế xác nhận đúng được ông ta đã làm gì tối qua. Dù thế nào đi nữa, chính ông đã ăn cắp quân bài, giao cho tên Hạ và quay lại Cầu Đá. Sau đó tên Hạ báo tin là công việc thất bại, nên hắn đã giết bà Diên Hương, và chỉ lấy được vàng, vì sự xuất hiện của ta ngăn cản hắn lục tìm viên ngọc.
Ông Khuông thất vọng vì không được hành hạ Diên Hương, nhưng các thoi vàng đã an ủi ông ta. Sự việc tiếp theo cũng giống như các diễn biến mà ta giả định đối với ông Biện, cũng như đối với ông Khấu. Người của chúng ta nhìn thấy tên Hạ trong áo quần thợ mộc đến khu nhà hoang buổi sớm hôm sau. Sự có mặt của hắn ở đó được hợp pháp hoá vì hắn có hẹn với ông Biện. Ông Khuông đã giết tên Hạ trong lúc hắn lục lọi tìm viên ngọc, và sau đó thắt cổ mụ Mông, theo như giả thuyết thứ nhất và thứ hai, ta đã nêu lên. Đó tất cả mọi việc diễn ra như thế đấy, lão Hồng ạ… nếu đúng ông Khuông là thủ phạm.
Địch công lau mồ hôi mặt. Lão Hồng cũng vậy. Thư phòng ngột ngạt, nóng bức.
Sau một lúc im lặng, lão Hồng nhận xét:
– Ông Khuông đã nôn mửa khi nhìn thấy xác tên Hạ: một phản ứng rất khó tạo dựng; điểm này có lợi cho ông ta.
Địch công nhún vai:
– Trong lúc chúng ta quan sát xác chết, ông ta khéo léo quay người và thò ngón tay vào họng.
Có tiếng gõ cửa, viên đô đầu xuất hiện, nụ cười tươi trên môi.
– Thưa đại nhân, tôi chờ ông ta rất lâu và giờ đã đưa ông ta về đây. Người thuyền trưởng cho biết là hai vị khách đi mua đồ ăn trưa. Chỉ có ông Tôn trở về, cho biết là ông Khuông đi về phía sông đào bàn công việc. Tôi liền đến đó và thấy ông ta ở trong một hiệu thuốc nhỏ. Ông ta sẵn sàng theo tôi, đang chờ ở vọng gác đợi đại nhân cho vào.
– Rất tốt. Còn ông Biện ở đâu?
– Ớ buồng các thư lại, ông ta uống trà với ông thanh tra pháp y. Thư lại đã ghi lại lời khai của ông ta. Tôi cũng đã có lời khai của ông Dương, ông này đã trở về cửa hàng.
Địch công đọc hai tờ khai xong, đưa cho lão Hồng, nói với viên đô đầu:
– Các ngươi đã bắt được tên hành hung ông Biện chưa?
Mặt viên đô đầu ỉu xìu.
– Chưa ạ, thưa đại nhân. Chúng tôi đã hỏi dân ở phố đó và lục lọi mọi nơi nghi tên đó trốn tránh, nhưng đều vô ích.
Viên đô đầu lo lắng nhìn Địch công, chờ đợi sự chê trách nặng nề. Địch công không quở trách lời nào. Xoa râu một lúc, ông nói:
– Báo cho ông Khuông là ta muốn cả ông Khấu và ông Biện cùng dự cuộc gặp này. Đây không phải là một cuộc gặp gỡ theo nghi thức của nha phủ, nên ta quyết định tiến hành tại nhà ông Khấu. Sẽ hay hơn là tiến hành ở nha phủ. Hãy đế ông Khuông và ông Biện đi chung kiệu có màn che đến nhà ông Khấu. Nói với ông Khấu là cuộc họp nhỏ này sẽ diễn ra ở thư viện của ông ta, đó là một gian phòng yên tĩnh, ở phía sau toà nhà, nơi mà ông ấy đã tiếp ta chiều qua. Ta sẽ đến đó sau khi giải quyết xong mấy việc làm dở. Tất cả đã hiểu lệnh của ta rồi chứ?
Khi viên đô đầu cúi chào lui ra, Địch công nói thêm:
– Sau khi ngươi đưa ông Khuông và ông Biện đến nhà ông Khấu, thì quay lại đây, nhận lệnh mới.
Lão Hồng hỏi:
– Chắc đại nhân hy vọng thủ phạm sẽ thú tội trong cuộc chuyện trò ấy?
– Cứ cho là ta mong muốn như vậy. Giờ thì là việc của lão: ta muốn ngươi kiếm cho ta một cánh tay bằng gỗ.
– Một cánh tay bằng gỗ, thưa đại nhân?
– Đúng vậy. Hãy đến nhà ông Dương và nhờ ông ta giúp cho. Chắc chắn là ông ta có những tượng Phật bằng gỗ. Thường thì thân các tượng được làm bằng một khúc gỗ, và tay thì bằng khúc gỗ khác, sau đó mới gắn vào thân tượng. Ta cần bàn tay trái, cỡ như tay thật hoặc to hơn một chút. Ta muốn nó được sơn trắng và ở ngón tay trỏ có đeo một nhẫn đồng, mặt nhẫn có gắn một viên hồng ngọc, nhưng là ngọc giả, rẻ tiền. Nói với ông ta là cần có cái đó trong cuộc chuyện trò sắp tới với ông Biện và ông Khuông ở thư viện nhà ông Khấu.
Một ánh chớp làm giấy che cửa sổ sáng lên, tiếp sau ngay là tiếng sấm rền vang.
– Trời sẽ mưa to – Địch công nhận xét – Hãy lấy kiệu mà đi. Lúc về, ta sẽ giải thích kế hoạch nhỏ này của ta. Thôi đi ngay đi, gấp lắm rồi!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.