Ngày hôm sau, sau bình minh, Địch công và lão Hồng đi qua cổng Nam, ra ngoài thành. Cơn mưa bão hôm qua đã làm giảm bầu không khí nóng bức. Và cả hai cưỡi ngựa ngắm nhìn vẻ đẹp của thôn quê.
Đêm qua, Địch công khó ngủ, vì phải thức khuya làm sớ tấu lên trên mọi chi tiết về vụ án, và các sự việc diễn ra ở thư viện nhà ông Khấu cứ ám ảnh hoài trong giấc ngủ. Bởi vậy, Địch công dậy rất sớm, cùng lão Hồng dạo chơi lúc tinh mơ. Họ hướng về phía Rừng Cây thuốc, để nghiên cứu cách thức làm cho khu rừng đó phong quang. Ông có ý định gửi kèm theo sớ tấu, báo cáo lý do phải làm phong quang khu rừng để phòng chống bọn côn đồ lấy đó làm nơi ẩn náu. Họ đi theo lối tắt như tên Dương đã khai, qua khu ruộng đã nhìn thấy những cây cao to của khu Rừng Cây thuốc.
Họ dễ dàng tìm thấy ba cây gạo trắng, nơi rẽ vào con đường nhỏ dẫn đến phía sau khu nhà bỏ hoang của ông Đồng, nhưng những cây bị đổ vì cơn bão tối qua đã cản trở họ. Rất nhiều cây có gai và rất nhiều dây leo đã không cho họ tiến lên được. Thế là cả hai phải đi vòng qua chỗ đó, để tìm lối đi tiếp. Sau nhiều cố gắng vất vả, họ mới tới được phía sau khu nhà đố nát, bỏ hoang. Họ men theo bức tường vây khu nhà và đến được chỗ cổng ra vào. Địch công xuống ngựa, nói với lão Hồng:
– Chúng ta hãy đi qua khu vườn để xem có thể đi từ đó đến khu Rừng Cây thuốc được không? Cách đây bốn năm bà Khấu đã từ khu rừng chạy trốn, và đã xuất hiện ở khu vườn, đó là cơ may cuối cùng của chúng ta.
Họ qua một hành lang và đến được khu vườn. Đến gần bức tường thấp, họ quan sát khu rừng rậm rạp xanh tươi. Các cành lá bất động vì không có gió.
Nhiều con chim kêu ríu rít ở trên mái ngôi nhà nhỏ, không bay về phía khu rừng, yên ắng hoàn toàn như sự chờ đợi một điều gì kỳ lạ.
Cả hai im lặng rất lâu, rồi Địch công lắc đầu:
– Ta nghĩ là không nên làm phiền Bạch thần thì hơn. Hãy để bà ta yên bình trong khu rừng thiêng liêng của bà. Có những điều mà chúng ta không nên đụng chạm tới. Thôi chúng ta quay về nha phủ!
Khi sắp quay đi để ra về, Địch công nhìn thấy một con chim non rơi xuống thảm cỏ, đang vùng vẫy đôi cánh trần trụi chưa có lông một cách vô vọng. Địch công cúi xuống, nhặt nó lên đặt vào bàn tay, lẩm bẩm:
– Con chim non này bị rơi từ trên tổ xuống, nhưng hình như nó không bị thương.
Ông ngước mắt tìm chiếc tổ của nó, rồi reo lên:
– Lão Hồng, hãy nhìn xem, chiếc tổ chim nằm dưới mái nhô của ngôi nhà nhỏ. Mẹ nó đang bay quanh đó. Ta sẽ đặt nó vào tổ.
Địch công trèo lên bức tường cao, sau khi đặt con chim non vào tổ của nó, ông không nhảy xuống ngay. Ông cố nhón chân lên, để quan sát chiếc tổ chim, không hề chú ý đến con chim mẹ đang bay quanh đầu ông.
Trong tổ còn có ba con chim non nữa. Bên cạnh chúng, Địch công thấy một vật gì hình trứng chim. Ông đoán vật đó có một màu trắng trong suốt. Địch công nhẹ nhàng nhặt vật đó, giữ cẩn thận khi trèo xuống. Xuống đất, ông chùi sạch vật đó và để vào lòng bàn tay, im lặng ngắm nhìn màu trắng tinh khiết của nó.
Và sau cùng, Địch công cất tiếng:
– Đây là Viên ngọc của Hoàng đế!
Lão Hồng nín thở, cúi xuống ngắm nhìn vật quý giá được tìm thấy. Rồi giọng nhỏ nhẹ, lão Hồng hỏi:
– Thưa Đại nhân, có thể là viên ngọc giả?
Địch công lắc đầu:
– Không, ông bạn lâu năm của ta, không ai có tài làm giả được, bắt chước được đúng nét tuyệt diệu của hình dáng và vẻ sáng ngời thiên phú của viên ngọc này. Đúng là viên ngọc mà Triều đình đã bao năm tìm kiếm. Tên Đồng đã nói đúng, nó có lắm tài vặt, nó nói là nó giấu viên ngọc ở một nơi mà không ai có thể tìm ra được. Khi tên Hạ lục soát các xà kèo ở đây, chắc nó cũng nhìn thấy tổ chim đó, nhưng lúc đó các trứng chưa nở đã che lấp viên ngọc. Và nếu chúng ta không có được sự may mắn thì đâu ta có thế tìm ra nó. Phải nói đúng là chúng ta gặp vận may.
Lăn hòn ngọc trong bàn tay, Địch công thở dài nói:
– Sau khi viên ngọc biến mất, sau khi vì nó mà bao điều đau đớn đã xảy ra và làm đổ máu nhiều người vô tội, viên ngọc này sẽ lại về với chủ nhân chính thức của nó: Hoàng đế Thiên tử.
Địch công cung kính lấy khăn bọc viên ngọc vô giá và cho vào tay áo, nói tiếp:
– Ta sẽ trao kết quả cuộc tìm kiếm vật báu cho ông Khấu, kèm theo một tờ sớ do chính ta ký. Sớ này trình bày: vì phải điều tra một vụ án nên chưa cho phép ta trình tấu lên trên sớm hơn tin tức về Viên ngọc của Hoàng đế. Ông Khấu không có gì lo ngại tới kinh đô giao nộp lại cho Triều đình viên ngọc. Ta hy vọng là sự ân thưởng của Hoàng đế đối với ông ta, và việc bà vợ cả Kim Liên đã khỏi bệnh loạn trí, sẽ giúp ông ta chịu đựng được việc bà Diên Hương gặp tai nạn.
Ta thật đã không công bằng đối với Diên Hương. Không bao giờ bà ta là nhân tình của Đồng Mai và không bao giờ có ý định trốn đi với Đồng. Bà đi tới ngôi nhà nhỏ để rồi bị giết, chỉ vì muốn ông Khấu có viên ngọc vô giá mà thôi. Ông Khấu đối với bà ta là người đã làm thay đổi cuộc đời của bà ta: từ một nô tỳ bị hành hạ, chà đạp, trở thành vợ hai của ông Khấu, và chính ông Khấu là bố chiếc thai trong bụng bà ta. Diên Hương chỉ coi Đồng Mai đúng là con của người chủ cũ, môi giới mua bán đồ cổ. Diên Hương không biết những việc xấu xa mà Đồng làm cùng tên Dương. Đó là điều sai lầm nghiêm trọng của ta đối với Diên Hương, và ta chả còn cách nào đế sửa chữa sai lầm đó. Chỉ còn cách là ta khấn trước hương hồn bà ta, xin được tha thứ.
Địch công yên lặng một lúc lâu, mắt chăm chú nhìn về các lớp cây xám xịt của Rừng Cây thuốc, sau đó quay mặt đi, ra hiệu cho lão Hồng bước theo. Hai người lên ngựa trở về nha phủ, qua lối cầu Đá. Ớ chợ các người bán hàng đã dựng xong lều, tuy nhiên đường phố vẫn còn vắng vẻ.
Một làn sương mỏng như quấn lấy dòng nước yên ả của con sông đào, vương vất lại trên hàng cây dọc sông. Dưới các tán cây đó là ngôi miếu nhỏ dành cho Thần Sông. Một bõ già dùng chổi tre quét dọn lá khô rơi trên các bậc bước lên miếu. Lão không chú ý đến Địch công vừa xuống ngựa. Rõ ràng là lão ta không nhận ra quan Án sát.
Làn khói hương thơm toả ra từ bát hương đặt trước bàn thờ. Qua làn khói mỏng, Địch công thoáng nhìn thấy nụ cười trên môi bức tượng. Ông cho hai tay vào ống tay áo rộng, mắt ngước nhìn Nữ thần, nhớ lại mọi chuyện xảy ra trong hai ngày qua. Thật có biết bao sự trùng hợp, ngẫu nhiên! Nhưng không hiểu là dùng những từ đó có đúng không? – Địch công khẽ lắc đầu – Chúng ta còn chưa biết được bao nhiêu về đồng loại và nguyên nhân các hành động của họ, thì làm sao chúng ta lại dám dùng liều những từ đó!
Rồi nhẹ nhàng nói:
– Tuy bà chỉ là một thần tượng do bàn tay con người tạo nên, nhưng lại tượng trưng cho những điều mà chúng tôi chưa biết, những điều mà chúng tôi chưa đủ khả năng vươn tới được. Vì vậy tôi xin kính cẩn cúi lạy bà.
Khi quay lại, Địch công nhìn thấy người bõ già đã quét dọn xong đang bước đến gần. Cho tay vào ống tay áo đế tìm mấy đồng tiền, Địch công chỉ thấy một thoi bạc. Ông lấy ra, nhìn thoi bạc một lúc, chìm đắm trong những ý nghĩ buồn thảm. Đó là thoi bạc mà bà Diên Hương trả công ông bảo vệ bà ta trên đường tới khu nhà hoang. Địch công đưa cho lão bõ già và nói:
– Cứ vào ngày mùng năm tháng năm, lão dùng số tiền này đế mua hương hoa thắp một nén cho bà Diên Hương, vợ hai ông Khấu, đế hương hồn bà được thanh thản.
Người bõ già nhận thoi bạc, kính cẩn cúi chào. Lão đến một bàn nhỏ, mở quyến sổ to đặt trên bàn. Sau khi chấm mực chiếc bút lông cũ kỹ, lão cúi xuống quyến sổ giấy vàng ố và ghi cấn thận tên bà Diên Hương cùng ngày thắp hương.
Địch công xuống hết các bậc đá, cầm lấy cương ngựa do lão Hồng đưa, và khi sắp lên yên, lại thấy người bõ già xuất hiện ở cửa ngôi miếu, chiếc bút lông vẫn còn kẹp trong các ngón tay gầy guộc. Lão lắp bắp hỏi:
– Xin ông cho biết tên người đã góp công đức. Và nghề nghiệp ông ta nữa?
Địch công quay đầu lại, nói gọn:
– Cứ ghi đơn giản: tên là Địch ở Phố Dương.
Và sau một tiếng thở dài buồn bã, ông nói thêm:
– Một nho sinh!