Việt Nam sử lược - Quyển 1

Phần III: GIẶC NHÀ NGUYÊN ( 1284 — 1288 )



CHƯƠNG VII

GIẶC NHÀ NGUYÊN

( 1284 — 1288 )

I
1.Sài Thung sang sứ An-nam
2.Trần di Ái theo nhà Nguyên
3.Thoát Hoan sang đánh lần thứ nhất
4.Trần Hưng-đạo-vương quân thua về vạn-kiếp
5.Thành Thăng-long thất thủ
6.Toa Đô đánh Nghệ-an
7.Hưng-đạo-vương đem vua về Thanh-hóa
8.Trận Hàm-tử-quan: Trần nhật Duật phá quân Toa Đô
9.Trận Chương-dương-độ: Trần quang Khải khôi-phục Thăng-long
10.Trận Tây-kết: tướng nhà Trần chém Toa Đô
11.Trận Vạn-kiếp: Thoát Hoan trốn chạy về Tàu

1. SÀI THUNG SANG SỨ AN-NAM. Nhà Nguyên nghe tin Trần Thái-tông mới mất và Thánh-tông nhượng vị, liền sai Lễ-bộ thượng-thư là Sài-Thung 柴 樁 sang sứ, đi tự Giang-lăng (Hồ-bắc), qua Ung-châu (Quảng-tây) rồi sang nước Nam, chứ không đi qua tỉnh Vân-nam như các sứ-thần trước.

Sài Thung đến kinh-thành, lên mặt kiêu-ngạo, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương-minh, rồi cho người đưa thư vào trách Nhân-tông rằng: « Sao không xin phép triều-đình nhà Nguyên, mà dám tự lập, vậy phải sang chầu Thiên-triều Hoàng-đế mới xong ». Nhân-tông sai quan đại-thần ra tiếp. Thung không thèm đáp lễ; vua bày yến mời, Thung không thèm đến. Đình-thần An-nam ai cũng lấy làm tức giận nhưng không dám nói ra.

Sau vua phải dọn yến ở điện Tập-hiền, mời mãi Sài Thung mới đến. Đương khi uống rượu, Nhân-tông bảo Sài Thung rằng: « Quả-nhân xưa nay sinh-trưởng ở trong cung không quen phong-thổ, không thể nào đi được ».

Được mấy hôm Sài Thung về nước. Nhân-tông sai sứ mang thư sang Tàu nói không thể sang chầu được. Nguyên-triều thấy vua An-nam không chịu sang chầu, và cứ đưa thư sang nói thoái-thác ra việc nọ việc kia, ý muốn cầm quân sang đánh, nhưng còn chưa quyết.

2. TRẦN DI ÁI THEO NHÀ NGUYÊN. Năm nhâm-ngọ (1282) Nguyên-chủ lại cho sứ sang dụ rằng: « Nếu vua nước Nam không sang chầu được thì phải đưa vàng ngọc sang thay, và phải nộp hiền-sĩ, thầy âm-dương bói-toán, thợ khéo mỗi hạng 2 người ».

Nhân-tông sai người chú họ là Trần di Ái 陳 遺 愛 và Lê Tuân 黎 荀, Lê Mục 黎 目 sang thay cho mình. Nhưng Nguyên-chủ không bằng lòng, quyết ý chiếm giữ quyền cai-trị nước Nam, bèn xuống chỉ lập tòa Tuyên-phủ-ti 宣 撫 司, đặt quan liêu-thuộc để sang giám-trị các châu huyện. Quan nhà Nguyên sang đến nơi, Nhân-tông không nhận, đuổi về Tàu.

Nguyên-chủ thấy vậy giận lắm, bèn lập Trần di Ái làm An-nam quốc-vương, phong cho Lê Mục làm Hàn-lâm học-sĩ, Lê Tuân làm Thượng-thư-lệnh, và sai Sài Thung dẫn 1.000 quân đưa bọn ấy về nước.

Trần di Ái thấy Nguyên-chủ phong cho cũng nhận, đưa về cũng về; chắc trong bụng đồ là chuyến này nhờ sức Mông-cổ, may việc xong, thì được làm vua, nhược bằng không xong, thì đổ cho là Nguyên-chủ bắt-ép; vì thế mới theo Sài Thung về.

Sài Thung đưa bọn Trần di Ái đến gần ải Nam-quan, có tin phi-báo về Kinh-đô. Nhân-tông liền sai tướng dẫn một đội quân lên đón đường đánh lũ nghịch-thần. Sài Thung 

 

bị tên bắn mù mất một mắt, trốn chạy về Tàu, còn lũ Trần di Ái bị bắt, phải tội đồ làm lính.

4. THOÁT HOAN SANG ĐÁNH LẦN THỨ NHẤT. Nguyên-chủ thấy Sài Thung bị thương chạy về tức giận lắm, bèn sai con là Thoát Hoan 脫 歡 làm Trấn-nam-vương 鎭 南 王, cùng với bọn Toa Đô 唆 都, Ô mã Nhi 烏 馬 兒 dẫn 50 vạn quân, giả tiếng mượn đường đi qua nước Nam sang đánh Chiêm-thành.

Quan trấn-thủ Lạng-sơn do-thám được tin ấy, sai người về Kinh-đô phi báo. Nhân-tông ngự thuyền ra sông Bình-than 平 灘[1] chỗ sông Đuống nối với sông Thái-bình, để hội các vương-hầu bách quan lại bàn kế chống giữ.

Các quan, người thì nói nên để cho quân Nguyên mượn đường, người thì bảo nên đưa đồ sang cống để xin hoãn binh. Duy có Trần quốc Tuấn 陳 國 峻 và Trần khánh Dư 陳 慶 餘 quyết xin đem quân đi phòng-giữ các nơi hiểm-yếu, không cho quân Mông-cổ sang nước Nam. Nhân-tông ưng nghe lời ấy. Đến tháng mười năm quí-mùi (1283) phong cho Hưng-đạo-vương là Trần quốc Tuấn làm Tiết-chế thống-lĩnh mọi quân đi chống giữ với quân nhà Nguyên.

Qua tháng tám năm giáp-thân (1284) ông Trần quốc Tuấn truyền hịch cho các vương-hầu hội hết quân-sĩ tại bến Đông-bộ-đầu 東 步 頭 để điểm-duyệt. Quân thủy và quân bộ cả thảy 20 vạn.

Ông Trần quốc Tuấn truyền cho các tướng-sĩ rằng: « Bản-chức phụng-mệnh thống đốc quân-sĩ ra phá giặc. Các vương-hầu và các tướng-sĩ, ai nấy phải cần giữ phép-tắc, đi đâu không được nhiễu dân và phải đồng lòng hết sức đánh giặc, chớ thấy thua mà ngã lòng, chớ thấy được mà tự kiêu, việc quân có luật, phép nước không thân, các ngươi phải giữ ». Xong rồi sai Trần bình Trọng 陳 平 仲 đem quân đi đóng đồn ở trên sông Bình-than, Trần khánh Dư 陳 慶 餘 đem quân ra giữ mặt Vân-đồn (thuộc Vân-hải ở Quảng-yên), còn các tướng thì chia ra đóng các nơi hiểm-yếu. Trần quốc Tuấn tự dẫn đại quân đóng ở Vạn-kiếp 萬 刼 (tức là làng Kiếp-bạc thuộc Hải-dương) để tiếp-ứng cho các nơi.

Được ít lâu, Nhân-tông nghe tin về báo rằng quân nhà Nguyên hội tại Hồ-quảng sắp sửa kéo sang mặt Lạng-sơn. Vua có ý lo quân ta không địch nổi, bèn sai sứ mang đồ lễ sang Tàu, xin vua nhà Nguyên hoãn binh, để thương-nghị lại.

Vua nhà Nguyên không nghe, sai Thoát Hoan cứ việc tiến binh sang.

Nhân-tông thấy vậy, lập tức cho triệu cả các bô-lão dân-gian, hội tại điện Diên-hồng 延 洪 殿 để bàn xem nên hòa hay nên đánh. Các bô-lão đều đồng thanh xin đánh. Vua thấy dân-gian một lòng như vậy, cũng quyết ý kháng-cự.

Quân Nguyên chia ra làm hai đạo: một đạo do tướng Mông-cổ là Toa Đô 唆 都 đem 10 vạn quân từ Quảng-châu đi hải-đạo sang đánh Chiêm-thành; còn Thoát Hoan 脫 歡 thì kéo đại binh đến ải-quan, sai người đưa thư sang nói cho mượn đường đi đánh Chiêm-thành.

Nhân-tông tiếp được thư của Thoát Hoan, trả lời lại rằng: « Tự bản-quốc sang Chiêm-thành, thủy lục không có đường nào tiện ». Sứ-giả về nói với Thoát Hoan, Thoát Hoan nổi giận, thúc quân kéo sang mạn Lạng-sơn, rồi sang quan Bả-tổng tên là A Lý 阿 里 đến dụ rằng: « Bản-súy chỉ nhờ đường Nam-quốc sang đánh Chiêm-thành, chứ không có bụng gì đâu mà ngại. Nên mở cửa ải cho quân bản-súy đi, và đi đến đâu, nhờ giúp ít nhiều lương-thảo, rồi khi nào phá xong Chiêm-thành thì sẽ có trọng tạ về sau. Nhược bằng kháng-cự thiên binh, thì bản-súy sẽ không dong tình, phá tan bờ-cõi, bấy giờ dù hối lại cũng không kịp ».

Hưng-đạo-vương Trần quốc Tuấn 興 道 王 陳 國 峻 nổi giận, đuổi A Lý về, rồi phân binh giữ ải Khả-li và Lộc-châu (thuộc Lạng-sơn) còn mình thì tự dẫn đại quân đóng giữ núi Kì-cấp. Những chiến thuyền thì đóng ở Bái-tân[2] giữ mặt thủy.

4. TRẦN HƯNG-ĐẠO-VƯƠNG QUÂN THUA VỀ VẠN-KIẾP. Thoát Hoan thấy Hưng-đạo-vương giữ cả các nơi, liền tiến binh lên đánh núi Kì-cấp, ải Khả-li và ải Lộc-châu. Quân hai bên đánh nhau ở núi Kì-cấp hai ba trận không phân thắng bại. Nhưng sau vì Khả-li và Lộc-châu thất thủ, quân An-nam phải rút về ải Chi-lăng 支 棱[3]. Thoát Hoan dẫn đại binh đến đánh Chi-lăng, Hưng-đạo-vương kém thế, thua chạy ra bến Bái-tân, xuống thuyền cùng với bọn gia-tướng, là Dã Tượng 野 象 và Yết Kiêu 歇 驕 về Vạn-kiếp. Các tướng thu nhặt tàn quân dần dần cũng kéo về đấy cả.

Nhân-tông nghe Hưng-đạo-vương thua chạy về Vạn-kiếp, liền ngự một chiếc thuyền nhỏ xuống Hải-đông (tức là Hải-dương) rồi cho vời Hưng-đạo-vương đến bàn việc, nhân thấy quân mình thua, trong bụng lo sợ, mới bảo Hưng-đạo-vương rằng: « Thế giặc to như vậy, mà chống với nó thì dân-sự tàn-hại, hay là trẫm hãy chịu hàng đi để cứu muôn dân »

Hưng-đạo-vương tâu rằng: « Bệ-hạ nói câu ấy thì thật là lời nhân-đức, nhưng mà Tôn-miếu Xã-tắc thì sao? Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng! ». Vua nghe lời nói trung-liệt như vậy, trong bụng mới yên.

Hưng-đạo-vương chiêu-tập quân các đạo, hội tại Vạn-kiếp được hơn 20 vạn quân, thế lại nổi to. Bấy giờ Hưng-đạo vương có soạn ra một quyển Binh-thư yếu-lược 兵 書 要 略 rồi truyền hịch khuyên-răn các tướng-sĩ. Tờ hịch ấy làm bằng Hán-văn, nay dịch ra quốc âm như sau này:

« Ta thường nghe chuyện: Kỷ Tín 紀 信 liều thân chịu chết thay cho vua Cao-đế; Do Vu 由 于 lấy mình đỡ ngọn giáo cho vua Chiêu-vượng; Dư Nhượng 豫 讓 nuốt than để báo thù cho chủ; Thân Khoái 申 蒯 chặt tay để cứu nạn cho nước; Kính Đức 敬 德 là một chức quan còn nhỏ, mà liều thân cứu vua Thái-tông được thoát vòng vây; Kiểu Khanh 杲 卿 là một bề tôi ở xa, mà kể tội mắng thằng Lộc Sơn 祿 山 là quân nghịch-tặc. Các bậc trung-thần nghĩa-sĩ ngày xưa, bỏ mình vì nước, đời nào không có? Giả-sử mấy người ấy cũng cứ bo bo theo lối thường tình, chết già ở xó nhà thì sao cho lưu danh sử-sách đến nghìn muôn đời như thế được?

« Nay các ngươi vốn dòng vũ-tướng, không hiểu văn-nghĩa, nghe những chuyện cổ-tích ấy, nửa tin nửa ngờ, ta không nói làm gì nữa; ta hãy đem chuyện đời Tống, Nguyên mới rồi mà nói: Vương công Kiên 王 公 堅 là người thế nào? Tỳ-tướng của Vương công Kiên là Nguyễn văn Lập 阮 文 立 lại là người thế nào, mà giữ một thành Điếu-ngư[4] nhỏ mọn, chống với quân Mông-kha[5] kể hàng trăm vạn, khiến cho dân sự nhà Tống, đến nay còn đội ơn sâu. Đường ngột Ngại là người như thế nào? Tỳ-tướng của Đường ngột Ngại là Xích tu Tư lại là người thế nào, mà xông vào chỗ lam-chướng xa xôi, đánh được quân Nam-chiếu trong vài ba tuần, khiến cho quân-trướng đời Nguyên đến nay còn lưu tiếng tốt. Huống chi ta cùng các ngươi sinh ở đời nhiễu-nhương, gặp phải buổi gian-nan này, trông thấy những ngụy-sứ đi lại rầm-rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ-mắng triều-đình, đem thân dê chó mà bắt-nạt tổ-phụ, lại cậy thế Hốt tất Liệt 忽 必 烈 mà đòi ngọc-lụa, ỷ thế Vân-nam-vương[6] để vét bạc vàng; của kho có hạn, lòng tham không cùng, khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, giữ sao cho khỏi tai-vạ về sau!

« Ta đây, ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm-tức rằng chưa được sả thịt lột da của quân giặc, dẫu thân này phơi ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa, thì cũng đành lòng. Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh-quyền, cũng đã lâu ngày, không có áo thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho ăn, quan còn nhỏ thì ta thăng thưởng, lương có ít thì ta tăng cấp, đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa, lúc hoạn-nạn thì cùng nhau sống chết, lúc nhàn-hạ thì cùng nhau vui cười, những cách cư-xử so với Vương công Kiên, Đường ngột Ngại ngày xưa cũng chẳng kém gì.

« Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc-sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc, mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy sứ, mà không biết căm; hoặc lấy việc chọi gà làm vui-đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu-khiển, hoặc vui thú về vườn ruộng, hoặc quyến-luyến về vợ con, hoặc nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước, hoặc ham về săn-bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát. Nếu có giặc đến, thì cựa gà trống sao cho đâm thủng được áo-giáp; mẹo cờ-bạc sao cho dùng nổi được quân-mưu; dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều, thân ấy nghìn vàng khôn chuộc; vả lại vợ bìu con díu, nước này trăm sự nghĩ sao; tiền-của đâu mà mua cho được đầu giặc; chó săn ấy thì địch sao nổi quân thù; chén rượu ngon không làm được cho giặc say chết, tiếng hát hay không làm được cho giặc điếc tai; khi bấy giờ chẳng những là thái-ấp của ta không còn, mà bổng-lộc của các ngươi cũng hết; chẳng những là gia-quyến của ta bị đuổi, mà vợ con của các ngươi cũng nguy; chẳng những là ta chịu nhục bây giờ, mà trăm năm về sau, tiếng xấu hãy còn mãi mãi; mà gia-thanh của các ngươi cũng chẳng khỏi mang tiếng nhục, đến lúc bấy giờ các ngươi dẫu muốn vui-vẻ, phỏng có được hay không?

« Nay ta bảo thật các ngươi: nên cẩn-thận như nơi củi lửa, nên giữ-gìn như kẻ húp canh, dạy-bảo quân-sĩ, luyện-tập cung tên, khiến cho người nào cũng có sức khỏe như Bàng Mông và Hậu Nghệ, thì mới có thể dẹp tan được quân giặc, mà lập nên được công-danh. Chẳng những là thái-ấp ta được vững bền, mà các ngươi cũng đều được hưởng bổng-lộc; chẳng những là gia-quyến của ta được yên-ổn, mà các ngươi cũng đều được vui với vợ con, chẳng những là tiên-nhân ta được vẻ-vang, mà các ngươi cũng được phụng-thờ tổ-phụ, trăm năm vinh-hiển; chẳng những là một mình ta được sung-sướng, mà các ngươi cũng được lưu-truyền sử sách, nghìn đời thơm-tho; đến bấy giờ các ngươi dầu không vui-vẻ, cũng tự khắc được vui-vẻ.

« Nay ta soạn hết các binh-pháp của các nhà danh-gia hợp lại làm một quyển gọi là « Binh-thư yếu-lược ». Nếu các ngươi biết chuyên-tập sách này, theo lời dạy-bảo, thì mới phải đạo thần-tử; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời dạy-bảo, thì tức là kẻ nghịch-thù.

« Bởi cớ sao? Bởi giặc Nguyên cùng ta, là kẻ thù không đội trời chung, thế mà các ngươi cứ điềm-nhiên không nghĩ đến việc báo thù, lại không biết dạy quân-sĩ, khác nào như quay ngọn giáo mà đi theo kẻ thù, giơ tay không mà chịu thua quân giặc, khiến cho sau trận Bình-lỗ[7] mà ta phải chịu tiếng xấu muôn đời, thì còn mặt-mũi nào đứng trong trời đất nữa. Vậy nên ta phải làm ra bài hịch này để cho các ngươi biết bụng ta. »

5. THÀNH THĂNG-LONG THẤT THỦ. Các tướng-sĩ được lời khuyên-răn ấy, ai nấy hết lòng luyện-tập, quyết chí đánh giặc, cho nên người nào cũng lấy mực thích vào cánh tay hai chữ « Sát Đát 殺 韃 » nghĩa là giết quân Mông-cổ. Khi Thoát Hoan lấy xong các ải ở Lạng-sơn rồi, thừa thắng kéo xuống đánh Vạn-kiếp, quân An-nam non thế, địch không nổi, thua chạy, bao nhiêu chuyến thuyền mất cả. Quân Mông-cổ bắt được quân An-nam thấy người nào cũng có hai chữ « Sát Đát » ở cánh tay, giận lắm, đem giết sạch cả, rồi kéo tràn sang mặt Kinh-bắc. Thoát Hoan thả quân cho cướp phá vùng Võ-ninh, Gia-lâm, Đông-ngạn rồi kéo về đóng tại bến Đông-bộ-đầu, Hưng-đạo-vương lập trại mé ngạn để phòng giữ.

Thoát Hoan thấy phía nam ngạn sông Hồng-hà[8] có trại quân An-nam đóng giữ, mới sai quân lấy súng đại-bác bắn sang, phá tan cả các trại, quân-sĩ khiếp-sợ bỏ chạy hết sạch. Quân Mông-cổ bấy giờ làm cầu phao qua sông, kéo đến tận chân thành Thăng-long hạ trại.

Hưng-đạo-vương rước xa-giá Thượng-hoàng và vua ra ngoài Thăng-long, để các tướng ở lại giữ thành. Đến khi Thoát Hoan vây đánh, hạ được thành, biết rằng Hưng-đạo-vương đã rước xa-giá xuống mặt nam rồi, liền sai tướng dẫn quân đi đuổi đánh.

6. TOA ĐÔ ĐÁNH NGHỆ-AN. Toa Đô là tướng đạo thứ hai quân Nguyên, đi đường bể sang đánh Chiêm-thành, nhưng mà quân nước Chiêm giữ được các đường hiểm-yếu, đánh mãi không được. Nguyên chúa hạ chiếu sai Toa Đô theo đường bộ kéo ra mặt Nghệ-an, hợp với quân Thoát Hoan để đánh An-nam.

Thoát Hoan được tin ấy, liền sai tướng Ô mã Nhi dẫn quân đi đường bể vào tiếp-ứng cho Toa Đô để đánh tự mặt trong đánh ra, còn ở mặt ngoài thì chiến thuyền của nhà Nguyên chia ra giữ các bến đóng ở sông Hồng-hà[8] từ Thăng-long xuống đến khúc sông Đại-hoàng (thuộc huyện Nam-xang, Hà-nam).

7. HƯNG-ĐẠO-VƯƠNG ĐEM VUA VỀ THANH-HÓA. Bấy giờ Hưng-đạo-vương dẫn các tướng hộ-vệ xa-giá xuống Thiên-trường, nghe Toa Đô tự vùng trong kéo ra, Hưng-đạo-vương tâu vua xin sai Thượng-tướng Trần quang Khải 上 相 陳 光 啓 đưa binh vào đóng mặt Nghệ-an, giữ chặn đường hẻm, không cho Toa Đô ra, và sai Trần bình Trọng 陳 平 仲 ở lại giữ Thiên-trường cự nhau với quân Thoát Hoan, rồi rước xa-giá ra Hải-dương.

Trần quang Khải vào đến Nghệ-an, chia quân phòng giữ, nhưng mà quân nhà Nguyên thế mạnh, đi đến đâu đánh tan đến đấy, lại có Ô mã Nhi ở mặt bể đánh vào. Quang Khải đương không nổi, phải lui quân ra mặt ngoài. Còn quan trấn-thủ Nghệ-an là Trần Kiện 陳 鍵 đem cả nhà ra hàng với Toa Đô. Toa Đô cho đưa bọn Trần Kiện về Yên-kinh.

Hưng-đạo-vương nghe tin, sai tướng đem quân đi lẻn đường tắt đuổi theo. Khi quân Nguyên đưa Trần Kiện đến địa-phận Lạng-sơn, qua trại Ma-lục (?), thì có người thổ-hào ở đấy tên là Nguyễn thế Lộc 阮 世 祿 và Nguyễn Lĩnh 阮 領 đem dân binh ra đánh. Lại có quan quân đuổi đến nơi, quân Nguyên bỏ chạy. Trần Kiện bị tên bắn chết, nhưng có người nhà là Lê Tắc 黎 崱 cướp được thây chạy thoát, đưa đến gò Ôn-khâu (Lạng-sơn) mai-táng xong rồi trốn sang Tàu. Lê Tắc là dòng-dõi Nguyễn Phu làm Thứ-sử Giao-châu về đời Đông-Tấn (317-419) ngày trước. Tự lúc trốn sang Tàu rồi, Lê Tắc có làm bộ sử « An-nam chí-lược ». Bộ sử ấy hiện bây giờ còn có ở bên Tàu và bên Nhật-bản.

ở Thiên-trường, Trần bình Trọng thấy quân nhà Nguyên đã đến bãi Đà-mạc (ở khúc sông Thiên-mạc, huyện Đông-an, Hưng-yên) liền đem binh ra đánh, nhưng chẳng may bị vây, phải bắt. Quân Nguyên đưa Bình Trọng về nộp cho Thoát Hoan. Thoát Hoan biết Bình Trọng là tướng khỏe-mạnh, muốn khuyên-dỗ về hàng, thết-đãi cho ăn-uống, nhưng Bình Trọng không ăn, dỗ-dành hỏi dò việc nước, Bình Trọng cũng không nói. Sau Thoát Hoan hỏi rằng: « Có muốn là vương đất Bắc không? » Bình Trọng quát lên rằng: Ta thà rằng làm quỉ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi-thôi! » Thoát Hoan thấy dỗ không được, sai quân đem chém.

Thánh-tông thượng-hoàng cùng Nhân-tông và Hưng-đạo-vương nghe tin Trần bình Trọng tử-tiết, ai nấy động lòng thương-xót.

Hưng-đạo-vương thấy thế nguy-cấp lắm, bèn rước xa-giá ra Quảng-yên. Thuyền đi về đường sông Tam-chỉ (thuộc châu Tiên-yên), sai một tướng dẫn chiếc thuyền rồng ra cửa bể Ngọc-sơn (thuộc châu Vạn-ninh, tỉnh Quảng-yên) làm cho nghi tình quân giặc. Tướng nhà Nguyên là Lý Hằng 李 恒 và Khoan Triệt 寬 徹 sai người do-thám biết thuyền ra Ngọc-sơn là giả, mới dẫn quân đuổi theo đến sông Tam-chỉ, Hưng-đạo-vương rước xa-giá lên bộ đi đến làng Thủy-chú rồi lại xuống thuyền ra sông Nam-triều (tức Bạch-đằng-giang, thuộc Hải-dương) rồi vào tỉnh Thanh-hóa.

Bấy giờ quân Nguyên to thế lắm, đóng khắp các nơi, từ vùng Bắc-ninh, Thăng-long, Thiên-trường, chỗ nào cũng có quân đóng. Ở vùng Nghệ-an lại có Toa Đô, Đường ngột Ngải, Ô mã Nhi đánh ra. Nhân-tông kinh-hãi, Thượng-hoàng đêm ngày lo sợ. Nhà nước ngất-ngưởng nguy như trứng chồng. Bọn hoàng-tộc là Trần ích Tắc 陳 益 稷 Trần tú Viên 陳 秀 嵈 đều ra hàng Thoát Hoan cả. Chỉ có Hưng-đạo-vương phụng xa-giá đi, trèo non vượt bể, trải gió dầm mưa, thế lực tuy cùng, nhưng vẫn bền vững một lòng, tìm kế đánh giặc, lo liệu việc nước không rối sợ lúc nào. Thật là một người có tài đại-tướng, có thể cứu dân giúp nước, tiếng để muôn đời.

8. TRẬN HÀM-TỬ QUAN: Trần nhật Duật phá quân Toa Đô. Đạo quân của Toa Đô ở Chiêm-thành kéo ra đánh lấy đất Nghệ-an. Trần quang Khải đem quân lùi ra mặt ngoài giữ các đường hiểm-yếu. Toa Đô đánh mãi không được, mà lương-thảo thì một ngày một cạn, bèn cùng với Ô mã Nhi dẫn quân xuống thuyền vượt bể ra ngoài Bắc để hợp binh với Thoát Hoan.

Trần quang Khải được tin ấy, cho người về Thanh-hóa phi báo. Nhân-tông hội quần-thần lại hỏi kế, Hưng-đạo-vương tâu rằng: « Toa Đô tự Chiêm-thành trở ra, qua vùng Ô-lý (Thuận-hóa), Hoan (Nghệ-an), Ái (Thanh-hóa), đường sá gập-ghềnh, quân-sĩ vất-vả, nay lại vượt bể ra Bắc, thì sức-lực cũng đã mỏi-mệt. Vậy nay nên sai một tướng đem quân ra đón đường mà đánh thì chắc phá được ».

Nhân-tông nghe lời, sai Chiêu-văn-vương Trần nhật Duật 昭 文 王 陳 日 燏 làm tướng và Trần quốc Toản 陳 國 瓚[9] làm phó-tướng cùng với tướng-quân là Nguyễn Khoái 阮 蒯 đem 5 vạn quân ra đón đường đánh Toa Đô ở mặt Hải-dương. Tháng tư năm ất-dậu (1285) Trần nhật Duật ra đến bến Hàm-tử 鹹 子 (thuộc huyện Đông-an, Hưng-yên) thì gặp chiến-thuyền của Toa Đô, Nhật Duật liền phân binh ra đánh. Quân Nhật Duật bấy giờ có bọn Triệu Trung 趙 忠 là tướng nhà Tống sang xin tùng chinh, mặc áo đeo cung như quân nhà Tống. Đến khi giáp trận, quân Nguyên trông thấy bọn Triệu Trung, tưởng là nhà Tống đã khôi-phục được nước Tàu, rồi cho quân sang cứu An-nam, đứa nào cũng sợ-hãi bỏ chạy. Quân ta đuổi đánh, quân giặc thua to chết hại rất nhiều. Toa Đô phải lùi ra ở cửa Thiên-trường.

Trần nhật Duật thắng trận, cho Quốc Toản đưa tin về Thanh-hóa. Hưng-đạo-vương được tin mừng ấy, vào tâu với vua rằng: « Quân ta mới thắng, khí-lực đang hăng, mà quân Nguyên mới thua, tất cũng chột dạ. Vậy nên nhân dịp này tiến quân đánh Thoát Hoan để khôi phục Kinh-thành ».

Vua nghe lời truyền sắp sửa tiến binh. Sực có Thượng tướng Trần quang Khải ở trong Nghệ-an ra, xin đi đánh Thoát Hoan. Vua liền sai Quang Khải thu-xếp quân-sĩ để ra đánh Thăng long và truyền hịch sai Trần nhật Duật đóng quân giữ chặn đường không cho bọn Toa Đô kéo lên hợp với Thoát Hoan.

9. TRẬN CHƯƠNG-DƯƠNG-ĐỘ: Trần quang Khải khôi phục Thăng-long. Khi bấy giờ đại binh của Thoát Hoan đóng tại Thăng-long, còn chiến-thuyền thì đóng ở bến Chương-dương 章 楊 渡, địa phận huyện Thượng-phúc.

Trần quang Khải 陳 光 啓 với Trần quốc Toản 陳 國 瓚 và Phạm ngũ Lão 范 五 老 đem quân tự Thanh-hóa đi thuyền vòng đường bể ra đến bến Chương-dương, sấn vào đánh chiến-thuyền của quân Nguyên. Quan quân đánh hăng quá, quân Nguyên địch không nổi phải bỏ chạy. Quan quân lên bộ đuổi đánh về đến chân thành Thăng-long hạ trại. Thoát Hoan đem đại quân ra cự địch, bị phục binh của Trần quang Khải đánh úp lại, quân Nguyên phải bỏ thành Thăng-long chạy qua sông Hồng-hà[10] sang giữ mặt Kinh-bắc (Bắc-ninh).

Trần quang Khải đem quân vào thành mở tiệc khao quân. Đến khi uống rượu vui-vẻ, Quang Khải ngâm bài thơ rằng:

Đoạt sáo Chương-dương-độ[11]
Cầm Hồ Hàm-tử quan
Thái-bình nghi nỗ lực
Vạn cổ thử giang-san

Dịch nôm:

Chương-dương cướp giáo-giặc
Hàm-tử bắt quân thù

Thái-bình nên gắng sức
Non nước ấy nghìn thu

Trần quang Khải sai người về Thanh-hóa dâng biểu báo tin thắng trận. Vua Nhân-tông thấy quân-thế đã mạnh, trong hai tháng đánh được hai trận, quân-sĩ ai nấy đều nức lòng đánh giặc, bèn rước Thượng-hoàng và cất binh-mã ra đóng ở Tràng-an (Ninh-bình).

10. TRẬN TÂY-KẾT: Tướng nhà Trần chém được Toa Đô. Toa Đô đóng quân ở Thiên-trường xa cách Thoát Hoan hơn 200 dặm, cho nên chưa biết Thoát Hoan đã thua chạy về Bắc-giang rồi, bèn tiến binh vào đóng ở sông Thiên-mạc[12] định để hợp sức với Thoát Hoan làm thế ỷ-giốc. Được mấy hôm Toa Đô biết đạo tiền quân của mình đã bại trận, mà các bến thì chỗ nào cũng có quân nhà Trần án ngữ, mới lui về đóng ở Tây-kết 西 結[13] rồi cho người đi dò xem quân Thoát Hoan đóng ở đâu.

Quân An-nam từ khi đánh được trận Hàm-tử và trận Chương-dương rồi, quân-thế phấn-chấn lắm. Hưng-đạo-vương mừng rỡ, vào tâu với Nhân-tông xin một mặt sai Chiêu-văn-vương Trần nhật Duật, hợp với Thượng-tướng Trần quang Khải dẫn quân chặn các đường, không cho Thoát Hoan, Toa Đô đi lại thông tin với nhau, và một mặt xin tự tiến binh ra đánh Toa Đô, rồi đánh Thoát Hoan.

Nhân-tông nghe lời ấy, cho Hưng-đạo-vương tùy ý mà sai khiến. Khi quân ra đến Tây-kết, Hưng-đạo-vương chia quân ra đánh trại quân Nguyên, và đặt phục binh để bắt Toa Đô.

Quân ta đánh hăng quá, quân Nguyên không địch nổi, Toa Đô và Ô mã Nhi đem binh lên bộ chạy ra mặt bể, nhưng khi chạy đến mé sau một dãy núi, thì bị quân An-nam vây đánh, Toa Đô trúng tên chết, còn Ô mã Nhi thì tìm đường chạy vào Thanh-hóa, nhưng bị quân ta đánh đuổi ngặt quá, phải một mình lẻn xuống chiếc thuyền con chạy ra bể, trốn về Tàu được.

Khi các tướng thắng trận, đưa đầu Toa Đô về nộp, Nhân-tông thấy người dũng-kiện mà lại hết lòng với chúa, mới than rằng: « Làm bầy tôi nên như người này! » rồi cởi áo ngự-hào đắp vào đầu Toa Đô, sai quan dùng lễ mai-táng cho tử-tế.

Trận Tây-kết đánh vào tháng năm, năm ất-dậu (1285) quan quân bắt được quân Nguyên hơn 3 vạn người, và chiến-thuyền khí-giới không biết bao nhiêu mà kể.

Hưng-đạo-vương được trận toàn thắng, mở tiệc khao thưởng ba quân, rồi lên đánh mặt bắc, để tiểu-trừ Thoát Hoan.

11. TRẬN VẠN-KIẾP: Thoát Hoan trốn chạy về Tàu. Bấy giờ Thoát Hoan đóng quân ở Bắc-giang, nghe tin Toa Đô tử trận, Ô mã Nhi đã trốn về Tàu, quân-binh tướng-sĩ ai nấy đều ngã lòng cả. Vả lại trời đang mùa hè nóng-nực khó chịu, sơn-lam chướng-khí bốc lên, quân-sĩ bị dịch-tễ chết hại cũng nhiều. Bởi thế có bụng muốn rút quân về Tàu.

Hưng-đạo-vương cũng biết cơ Thoát Hoan tất phải chạy, liền sai Nguyễn Khoái 阮 蒯, Phạm ngũ Lão 范 五 老 dẫn 3 vạn quân đi lên đường núi, phục sẵn hai bên rừng sậy ở bên sông Vạn-kiếp, để chờ lúc quân Nguyên chạy đến thì đổ ra đánh; sai hai con là Hưng-võ-vương Nghiễn và Hưng-hiếu-vương Úy dẫn 3 vạn quân đi đường Hải-dương ra mặt Quảng-yên, giữ chặn đường về châu Tư-minh; Hưng-đạo-vương tự dẫn đại quân lên Bắc-giang đánh quân Nguyên. Quân Nguyên thua chạy, Thoát Hoan dẫn đại binh chạy đến bến Vạn-kiếp, gặp bọn Nguyễn Khoái ra đánh, quân Nguyên mười phần tổn-hại mất năm. Tướng nhà Nguyên là Lý Hằng 李 恒 bị tên bắn chết. Còn Thoát Hoan 脫 歡, Phàn Tiếp 樊 楫, A bát Xích 阿 八 赤, Lý Quán 李 罐 cố sức đánh lấy đường mà chạy. Sau thấy quân An-nam đuổi kíp quá, Thoát Hoan phải chui vào cái ống đồng để lên xe bắt quân kéo chạy. Về gần đến châu Tư-ninh lại gặp bọn Hưng-võ-vương Nghiễn và Hưng-hiếu-vương Úy đánh đuổi một trận nữa. Lý Quán trúng tên bắn chết. Thoát Hoan, A bát Xích và Phàn Tiếp chạy thoát về Tàu được.

Thế là Đại-quân của Thoát Hoan lúc đầu mới sang lừng-lẫy bao nhiêu, bây giờ tan nát mất cả. Trong sáu tháng trời, từ tháng chạp năm giáp thân (1284) đến tháng sáu năm ất dậu (1285), quân An-nam đuổi 50 vạn quân Mông-cổ ra ngoài bờ-cõi, chỉnh-đốn giang-sơn lại như cũ. Ấy cũng nhờ có tay Hưng-đạo-vương có tài đại-tướng, cầm quân vững-chãi, gan bền tựa sắt, và lại khéo dùng lời khuyên-dỗ, khiến cho bụng người cảm-động, sinh lòng trung-nghĩa, cho nên tướng-sĩ ai nấy đều hết lòng giúp nước.

Vả nước An-nam thời bấy giờ vua tôi hòa-hợp, lòng người như một, nhân-tài lũ-lượt kéo ra; mà quân Nguyên sang An-nam thì đường xa muôn dặm, núi sông cách trở, hùng mạnh được lúc đầu mà thôi, sau thành ra bệnh-tật yếu-đau. Như thế mà lại gặp phải tay Hưng-đạo-vương Trần quốc Tuấn dụng binh biết đợi thời, biết thừa thế tiến thoái, cho nên sự quân nhà Nguyên thua tan-nát là sự tất-nhiên vậy.    



 

Chú thích cuối trang

  1. ▲ Làng Bình-than, tổng Vạn-ti, huyện Gia-bình, tỉnh Bắc-ninh.
  2. ▲ Ở thượng-lưu sông Lục-nam, có lẽ là bến Chữ.
  3. ▲ Cửa Chi-lăng, tục gọi là bầu Chi-lăng ở tổng Chi-lăng, gần ga Tuần-muội, thuộc về địa-hạt châu Ôn, tỉnh Lạng-sơn. Chỗ ấy là một nơi hiểm-địa nước Nam ta. Trần Hưng-đạo-vương sau lại phá quân Nguyên ở chỗ ấy, và đến đầu đời Lê, vua Thái-tổ giết tướng nhà Minh là Liễu Thăng cũng ở chỗ ấy.
  4. ▲ Điếu-ngư là tên núi, thuộc phủ Trùng-khánh tỉnh Tứ xuyên.
  5. ▲ Mông-kha (Mungke) là vua Mông-cổ, anh Hốt tất Liệt.
  6. ▲ Khi quân Mông-cổ lấy được đất Vân nam rồi, Hốt tất Liệt phong cho con là Hốt kha Kích là Vân-nam-vương.
  7. ▲ Bình-lỗ là tên thành, nhưng sử cũ không chép rõ ở đâu và ai xây lên. Sách « Khâm-định Việt-sử » chép rằng theo bộ « Địa-dư-chí » của ông Nguyễn Trãi, thì đời nhà Lý có đào con sông Bình-lỗ để đi lên Thái-nguyên cho tiện. Vậy thành Bình-lỗ có lẽ ở vào hạt Thái-nguyên. Xem lời dặn của Trần Hưng-đạo-vương thì thành Bình-lỗ này xây vào đời Đinh hay đời Tiền-Lê, rồi Lý thường Kiệt đời Lý đã đánh quân Tống ở đó.
  8. ▲ a ă Sử chép là Phú-lương giang. Xem lời chú-thích ở trang 104.
  9. ▲ Sử chép rằng khi vua Nhân-tông hội các vương hầu ở Bình-than để bàn việc chống với giặc, Trần quốc Toản bấy giờ mới có 15, 16 tuổi cũng theo ra hội. Vì còn nhỏ tuổi cho nên không được dự bàn, Quốc Toản căm-tức vô cùng, trong tay cầm quả cam bóp vỡ nát ra lúc nào không biết.
    Khi tan hội, ai nấy về lo sửa-soạn binh-thuyền. Quốc Toản về nhà cùng tụ-họp những người thân-thuộc, sắm đồ khí giới, may lá cờ đề sáu chữ: « Phá cường địch, báo hoàng ân 破 彊 敵 報 皇 恩 » rồi đem quân đi đánh giặc. Đánh chỗ nào quân giặc cũng phải lùi.
  10. ▲ Sử chép là Phú-lương. Xem lời chú-thích ở trang 104.
  11. ▲ Chữ nho là:

    奪 槊 章 陽 渡

    擒 胡 鹹 子 關

    太 平 宜 努 力

    萬 古 此 江 山

    Hai câu cuối có sách chép là:

    太 平 宜 致 力

    萬 古 舊 江 山

  12. ▲ Thiên-mạc là một khúc sông Hồng-hà ở vào địa-hạt huyện Đông-an, tỉnh Hưng-yên.
  13. ▲ Hiện nay thuộc phủ Khoái-châu (Hưng-yên) có làng Đông-kết ở vào trong cách xa bờ sông Hồng-hà. Hoặc ở phía tây gần bờ sông, ngày xưa có làng Tây-kết mà nay đã lở mất đi chăng?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.