Việt Nam sử lược - Quyển 1

Phần III: NHÀ LÝ (tt) ( 1010 — 1225 )



CHƯƠNG V

NHÀ LÝ (tiếp theo)

李 氏

( 1010 — 1225 )

V. LÝ THẦN-TÔNG  
VI. LÝ ANH-TÔNG1.Đỗ anh Vũ
2.Tô hiến Thành
3.Giặc Thân Lợi
4.Việc chính-trị
VII. LÝ CAO-TÔNG1.Tô hiến Thành làm phụ-chính
2.Sự nội-loạn
VIII. LÝ HUỆ-TÔNG1.Trần thí
2.Quyền thế về họ Trần
IX. LÝ CHIÊU-HOÀNG  

 

V. LÝ THẦN-TÔNG (1128-1188)

Niên-hiệu: Thiên-thuận 天 順 (1128-1132)
Thiên-chương bảo-tự 天 彰 寶 嗣 (1133-1137)

Nhân-tông không có con, lập con của hoàng-đệ là Sùng-hiền-hầu 崇 賢 侯 lên làm Thái-tử, nay lên nối ngôi, tức là vua Thần-Tông 神 宗 [1].

Bấy giờ có các quan đại-thần là bọn ông Trương bá Ngọc 張 伯 玉, Lưu khánh Đàm 劉 慶 覃, Dương anh Nhị 楊 英 珥 giúp Thần-tông trị nước. Ngài vừa lên ngôi thì đại xá cho các tù-phạm, và trả lại những ruộng đất tịch-thu của quan dân ngày trước. Quân lính thì cho đổi phiên, cứ lần lượt 6 tháng một, được về làm ruộng. Như thế việc binh không làm ngăn-trở việc canh-nông.

Giặc-giã thời bấy giờ cũng ít. Một hai khi có người Chân-lạp và người Chiêm-thành sang quấy-nhiễu ở mạn Nghệ-an, nhưng đó là những đám cướp-phá vặt-vãnh không mấy nỗi mà quan quân đánh đuổi đi được.

Thần-tông làm vua được 10 năm thì mất, thọ 23 tuổi.

 

VI. LÝ ANH-TÔNG (1138-1175)

Niên-hiệu: Thiệu-Minh 紹 明 (1138-1139) — Đại-định 大 定 (1140-1162) — Chính-long bảo-ứng 政 龍 寶 應 (1163-1173) — Thiên-cảm chí-bảo 天 感 至 寶 (1174-1175)

1. ĐỖ ANH-VŨ. Thần-tông mất, triều-đình tôn Thái-tử là Thiên Tộ 天 祚 lên làm vua, tức là vua Anh-tông 英 宗.

Anh-tông bấy giờ mới có 3 tuổi, Thái-hậu là Lê-thị 黎 氏 cầm quyền nhiếp chính. Lê Thái-hậu lại tư thông với Đỗ anh Vũ 杜 英 武, cho nên phàm việt gì bất cứ lớn nhỏ đều ở tay Đỗ anh Vũ quyết đoán cả. Đỗ anh Vũ được thể ra vào chỗ cung cấm, kiêu-ngạo và khinh-dể đình-thần. Các quan như bọn Vũ Đái 武 帶, Nguyễn Dương 阮 楊, Nguyễn Quốc 阮 國 và Dương tự Minh 楊 嗣 明 thấy Đỗ anh Vũ lộng quyền quá độ, đều lo mưu trừ đi, nhưng sự không thành lại bị giết-hại cả.

May nhờ thời bấy giờ có nhiều tôi giỏi như Tô hiến Thành 蘇 憲 城, Hoàng nghĩa Hiền 黄 義 賢, Lý công Tín 李 公 信 làm quan tại triều cho nên Đỗ anh Vũ không dám có ý khác.

2. TÔ HIẾN THÀNH. Ông Tô hiến Thành giúp vua Anh-tông đi đánh-dẹp, lập được nhiều công to, như là bắt được giặc Thân Lợi 申 利, phá được giặc Ngưu Hống 牛 吼 và dẹp yên giặc Lào, được phong làm chức Thái-úy 太 尉 coi giữ việc binh. Ông luyện-tập quân-lính, kén-chọn những người tài giỏi để làm tướng hiệu. Bởi vậy binh-thế nhà Lý lúc bấy giờ lại phấn-chấn lên. Ông giỏi việc võ mà lại chăm việc văn. Ông xin vua khai-hóa sự học-hành, và làm đền thờ đức Khổng-tử ở cửa nam thành Thăng-long, để tỏ lòng mộ Nho-học.

3. GIẶC THÂN LỢI. Vua Anh-tông vừa mới lên làm vua được 2 năm, thì ở mạn Thái-nguyên có giặc Thân Lợi 申 利 làm loạn. Thân Lợi xưng là con riêng vua Nhân-tông, trước đã xuất gia đi tu, rồi chiêu-tập những đồ vong mạng hơn 1.000 người, chiếm giữ mạn Thái-nguyên, xưng vương phong tước, đem quân đi đánh phá các nơi. Quan quân đánh mãi không được.

Năm tân-dậu (1141) Thân Lợi về vây phủ Phú-lương, Đỗ anh Vũ đem quân lên đánh, Thân Lợi chạy lên Lạng-châu, tức là Lạng-sơn bị ông Tô hiến Thành đuổi bắt được, đem về kinh làm tội.

4. VIỆC CHÍNH-TRỊ. Năm giáp-thân (1164) vua nhà Tống đổi Giao-chỉ quận làm An-nam quốc 安 南 國, và phong cho Anh-tông làm An-nam quốc-vương.

Nguyên khi trước Tàu gọi ta là Giao-chỉ-quận, rồi sau đổi là Giao-châu, đến đời nhà Đường đặt An-nam đô-hộ-phủ. Nhà Đinh lên đặt là Đại-cồ-việt, vua Lý Thánh-tông đổi là Đại-việt. Nhưng Tàu vẫn phong cho vua ta là Giao-chỉ quận-vương, đến bấy giờ mới đổi là An-nam quốc-vương. Nước ta thành tên là nước An-nam khởi đầu từ đấy.

Năm tân-mão và năm nhâm-thìn (1171-1172) Anh-tông đi chơi xem sơn-xuyên hiểm-trở, đường-sá xa gần và sự sinh-hoạt của dân-gian, rồi sai quan làm quyển địa-đồ nước An-nam[2].

Năm ất-mùi (1175), Anh-tông phong cho Tô hiến Thành làm Thái-phó Bình-chương-quân-quốc trọng-sự 太 傅 平 章 軍 國 重 事 và gia phong vương tước. Anh-tông đau, ủy thác Thái-tử là Long Cán 龍 翰 cho Tô hiến Thành. Anh-tông mất, trị vì được 37 năm, thọ 40 tuổi.

 

VII. LÝ CAO-TÔNG (1176-1210)

Niên-hiệu: Trinh-phù 貞 苻 (1176-1185) — Thiên-tư gia-thụy 天 資 嘉 瑞 (1186-1201) — Thiên-gia bảo-hữu 天 嘉 寶 祐 (1202-1204) — Trị-bình-long-ứng 治 平 龍 應 (1205-1210).

1. TÔ HIẾN THÀNH LÀM PHỤ-CHÁNH. Khi vua Anh-tông mất, Thái-tử Long Cán chưa đầy 3 tuổi, bà Chiêu-linh Thái-hậu muốn lập người con trưởng là con mình tên là Long Xưởng[3] lên làm vua, đem vàng bạc đút lót cho vợ Tô hiến Thành, nhưng ông nhất thiết không chịu, bèn cứ theo di-chiếu mà lập Long Cán, tức là vua Cao-tông 高 宗.

Tô hiến Thành giúp vua Cao-tông trị nước, đến năm kỷ-hợi(1179) thì mất. Sử chép rằng khi ông đau có quan Tham-tri chính-sự là Vũ tán Đường 武 贊 唐, ngày đêm hầu-hạ. Đến khi bà Đỗ Thái-hậu[4] ra thăm hỏi ngày sau ai thay được ông, ông tâu rằng: có quan Gián-nghị đại-phu Trần trung Tá 陳 忠 佐. Thái-hậu ngạc-nhiên nói rằng sao không cử Vũ tán Đường? Ông đáp: « Nếu bệ-hạ hỏi người hầu-hạ, thì xin cử ngươi Tán Đường, hỏi người giúp nước thì tôi xin cử ngươi Trung Tá ».

Tô hiến Thành không những là một người có tài thao-lược, dẹp giặc yên dân mà thôi, cách thờ vua thật là trung-thành cho nên người đời sau thường ví ông với Gia cát Lượng đời Tam-quốc bên Tàu.

Tô hiến Thành mất rồi, Triều-đình không theo lời ông ấy dặn, cử Đỗ yên Di 杜 安 頣 làm phụ-chính và Lý kính Tu 李 敬 修 làm đế-sư. Đình-thần bấy giờ có người đứng-đắn, cho nên bà Chiêu-linh Thái-hậu không dám mưu sự phế-lập.

Đến khi Cao-tông lớn lên cầm quyền trị nước, thì cứ hay đi săn bắn chơi bời, làm cung xây điện, bắt trăm họ phải phục-dịch khổ-sở. Ngoài biên thì quân mường thổ ở bên Tàu sang quấy nhiễu ở phía bắc, người Chiêm-thành sang đánh ở phía nam; trong nước thì trộm cướp nổi lên như ong dấy. Vua tôi không ai lo nghĩ gì đến việc chính-trị, chỉ làm những việc nhũng-lạm, mua quan bán chức, hà-hiếp nhân-dân, lấy tiền để làm những việc xa-xỉ.

2. SỰ NỘI-LOẠN. Năm bính-thìn (1208) ở Nghệ-an có Phạm Du 范 兪, chiêu nạp những đồ vong mệnh, cho đi cướp các thôn dân, có bụng làm phản. Cao-tông sai quan Phụng-ngự là Phạm bỉnh Di 范 秉 异 đi đánh Phạm Du. Bỉnh Di đem quân vào đến nơi đánh đuổi Phạm Du đi và tịch-biên cả của-cải, đốt phá cả nhà cửa.

Phạm Du cho người về kinh, lấy vàng bạc đút lót với các quan trong triều, để vu cho Bỉnh Di ra làm việc hung-bạo, giết hại những kẻ không có tội, và Phạm Du lại xin về triều để kêu oan.

Cao-tông nghe lời, cho vời Phạm Du vào chầu và triệu Phạm bỉnh Di về.

Bỉnh Di về kinh vào chầu, Cao-tông truyền bắt giam, lại toan đem làm tội. Bấy giờ có bộ tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc 郭 卜 đem quân phá cửa thành vào cứu Bỉnh Di.

Cao-tông thấy biến, bèn đem giết Phạm bỉnh Di đi, rồi cùng với Thái-tử chạy lên mạn sông Qui-hóa (sông Thao-giang ở phía bắc huyện Tham-nông, Phú-thọ). Thái-tử Sam 旵 thì chạy về Hải-ấp, làng Lưu-gia (bây giờ là làng Lưu-xá, huyện Hưng-nhân).

Bọn Quách Bốc đưa xác Bỉnh Di ra mai táng xong rồi, lại vào điện tôn Hoàng-tử Thẩm 忱 lên làm vua.

Khi Thái-tử Sam chạy về Hải-ấp vào ở nhà Trần Lý 陳 李. Nguyên Trần Lý là người làng Tức-mạc (huyện Mỹ-lộc, phủ Xuân-trường, tỉnh Nam-định) làm nghề đánh cá, nhà giàu, có nhiều người theo phục, sau nhân buổi loạn cũng đem chúng đi cướp phá. Đến khi Thái-tử Sam chạy về đấy, thấy con gái Trần Lý có nhan sắc, lấy làm vợ, rồi phong cho Trần Lý tước Minh-tự và phong cho người cậu Trần-thị là Tô trung Từ 蘇 忠 詞, người ở làng Lưu-gia làm Điện-tiền Chỉ-huy-sứ.

Anh em họ Trần mộ quân về kinh dẹp loạn, rồi lên Qui-hóa rước Cao-tông về cung. Cao-tông cho quân về làng Lưu-gia đón Thái-tử, còn Trần-thị thì về ở nhà Trần Lý.

Cao-tông về kinh được một năm thì phải bệnh, đến tháng 10 năm canh-ngọ (1210) thì mất, trị-vì được 35 năm, thọ 38 tuổi.

 

VIII. LÝ HUỆ-TÔNG (1211-1225)

Niên-hiệu: Kiến gia 建 嘉 (1211-1224)

1. TRẦN-THỊ. Thái-tử Sam 旵 lên ngôi, tức là vua Huệ-tông 惠 宗, rồi sai quan đi rước Trần-thị về phong làm Nguyên-phi.

Bấy giờ Trần Lý đã bị quân cướp giết, chúng theo về người con thứ là Trần tự Khánh 陳 嗣 慶. Huệ-tông bèn phong cho Tự Khánh làm Chương-tín-hầu và cho người cậu Trần-thị là Tô trung Từ làm Thái-úy Thuận-lưu-bá.

Năm quí-dậu (1213) Thái-hậu làm khổ Trần-thị ở trong cung, anh Trần-thị là Tự Khánh đem quân đến chốn kinh sư, nói rằng xin rước vua đi. Huệ-tông không biết tình-ý gì, nghi Tự Khánh có ý phản-nghịch bèn giáng Trần-thị xuống làm Ngự-nữ. Tự Khánh nghe tin ấy, thân đến quân môn xin lỗi và rước vua đi. Huệ-tông càng nghi lắm, bèn cùng với Thái-hậu đi lên Lạng-châu (Lạng-sơn).

Tự Khánh lại phát binh xin rước vua như trước, Huệ-tông sợ lại rước Thái-hậu về huyện Bình-hợp (?).

Khi bấy giờ bà Thái-hậu cho Tự Khánh là phản-trắc, thường chỉ mặt Trần-thị mà xỉ mắng và xui Huệ-tông bỏ đi. Huệ-tông không nghe. Thái hậu định bỏ thuốc độc cho Trần-thị, nhưng Huệ-tông biết ý, đến bữa ăn thì ăn một nửa, còn một nửa cho Trần-thị ăn và ngày đêm không cho đi đâu. Sau vì Thái-hậu làm ngặt quá, Huệ-tông và Trần-thị đêm lẻn ra đi đến nhà tướng-quân Lê Mịch 黎 覓 ở huyện Yên-duyên rồi lại đến Cửu-liên (?), cho đòi Tự Khánh đến chầu.

2. QUYỀN VỀ HỌ TRẦN. Trần tự Khánh đem quân đến hộ giá. Huệ-tông phong Trần-thị làm Hoàng-hậu, Tự Khánh làm Phụ-chính và người anh Tự Khánh là Trần Thừa 陳 承 làm Nội-thị Phán-thủ. Trần tự Khánh cùng với Thượng-tướng-quân là Phan Lân 潘 鄰 sửa-sang quân-ngũ, làm đồ chiến-khí, luyện-tập việc võ. Từ đấy quân-thế lại nổi dần dần lên.

Huệ-tông phải bệnh, thỉnh-thoaảng có cơn điên, rồi cứ uống rượu say ngủ cả ngày, có việc chính-trị đều ở tay Tự Khánh quyết đoán cả.

Đến tháng chạp năm quí-mùi (1228) Tự Khánh mất, Huệ-tông cho Trần Thừa làm Phụ-quốc Thái-úy, sang năm sau lại cho người em họ Hoàng-hậu là Trần thủ Độ 陳 守 度 làm Điện-tiền chỉ-huy-sứ. Từ đó việc gì ở trong triều cũng quyền ở Thủ Độ cả.

Huệ-tông có bệnh mãi không khỏi, mà Thái-tử thì chưa có, Trần-thị chỉ sinh được hai người con-gái, người chị là Thuận-thiên công-chúa 順 天 公 主 thì đã gả cho Trần Liễu 陳 柳 là con trưởng của Trần Thừa; còn người em là Chiêu thánh công-chúa 昭 聖 公 主 tên là Phật-kim 佛 金 thì mới lên 7 tuổi, Huệ-tông yêu-mến lắm, cho nên mới lập làm Thái-tử. Tháng 10 năm giáp-thân (1224) Huệ-tông truyền ngôi cho Chiêu-thánh công-chúa, rồi vào ở chùa Chân-giáo.

Huệ-tông trị-vì được 14 năm.

 

IX. LÝ CHIÊU-HOÀNG (1225)

Niên-hiệu: Thiên-chương-hữu-đạo 天 彰 有 道 (1224-1225)

Chiêu-thánh công-chúa lên ngôi, tức là vua Chiêu-hoàng 昭 皇. Bấy giờ quyền-chính ở cả Trần thủ Độ. Thủ Độ lại tư thông với Trần Thái hậu, đêm ngày tìm mưu lấy cơ-nghiệp nhà Lý, bèn đòi con các quan vào trong cung để hầu Chiêu-hoàng, và lại cho cháu là Trần Cảnh 陳 煚 vào làm chức Chính-thủ 正 首. Đến tháng chạp thì Chiêu-hoàng lấy Trần Cảnh và truyền ngôi cho chồng.

Nhà Lý đến đấy là hết, cả thảy làm vua được 216 năm, truyền ngôi được 9 đời.

Nhà Lý có công làm cho nước Nam ta nên được một nước cường-thịnh: ngoài thì đánh nước Tàu, bình nước Chiêm, trong thì chỉnh-đốn việc võ-bị, sửa-sang pháp-luật, xây vững cái nền tự-chủ. Vì vua Cao-tông hoang chơi, làm mất lòng người, cho nên giặc-giã nổi lên, loạn thần nhiễu sự. Vua Huệ-tông lại nhu-nhược bỏ việc chính-trị, đem giang-sơn phó-thác cho người con gái còn đang thơ-dại, khiến cho kẻ gian-hùng được nhân dịp mà lấy giang-sơn nhà Lý và lập ra cơ-nghiệp nhà Trần vậy.

LÝ-TRIỀU THẾ-PHỔ 李 朝 世 譜

1. Thái-tổ Lý công Uẩn

太 祖 李 公 蘊

2. Thái-tông Phật Mã, Dực-thánh vương

太 宗 佛 瑪 翊 聖 王

Khai-quốc-vương Bồ

開 國 王 菩

Đông-chinh-vương Lực

東 征 王 力

Võ-đức-vương Hoảng

武 德 王 晃

3. Thánh-tông Nhật Tôn

聖 宗 日 尊

Nhật-Trung

日 中

4. Nhân-tông Càn Đức

仁 宗 乾 德

Sùng-hiền-hầu

崇 賢 侯

5. Thần-tông Dương-Hoán

神 宗 楊 煥

Thiên Lộc

天 禄

6. Anh-tông Thiên-Tộ

英 宗 天 祚

Long Xưởng

龍 昶

7. Cao-tông Long Cán

高 宗 龍 翰

8. Huệ-tông Sam

惠 宗 旵

9. Chiêu Hoàng: (Chiêu Thánh công-chúa Phật Kim)

昭 皇 (昭 聖 公 主 佛 金)

 



 

Chú thích cuối trang

  1. ▲ Tục truyền rằng Thần-tông là con cầu tự được, mà Ngài chính là ông Từ đạo Hạnh hóa xác sinh ra. Ở Bắc-Việt ai đi đến Chùa Thầy (thuộc Sơn-tây) cũng nghe nói sự tích ông Từ đạo Hạnh và ông Nguyễn minh Không. Chuyện hoang-đường, không thể tin là sự thật được.
  2. ▲ Quyển địa-đồ ấy bây giờ không thấy còn di-tích ở đâu cả.
  3. ▲ Long Xưởng trước đã lập làm Thái-tử, sau vì có tội phải giáng xuống làm thứ dân.
  4. ▲ Đỗ Thái-hậu là mẹ đẻ ra Cao-tông.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.