Việt Nam sử lược - Quyển 1

Phần III: NHÀ TRẦN Thời kỳ thứ hai (1293-1341)



CHƯƠNG IX

NHÀ TRẦN

Thời kỳ thứ hai (1293-1341)
I. TRẦN ANH-TÔNG1.Đức-độ vua Anh-tông
2.Trần Hưng-đạo-vương mất
3.Việc đánh Ai-lao
4.Sự giao-thiệp với Chiêm-thành
II. TRẦN MINH-TÔNG
III. TRẦN HIẾN-TÔNG1.Giặc Ngưu-hống
2.Giặc Ai-lao

 

I. TRẦN ANH-TÔNG (1293-1314)

Niên-hiệu: Hưng-long 興 隆

I. ĐỨC-ĐỘ VUA ANH-TÔNG. Thái-tử Trần Thuyên 陳 烇 lên ngôi, tức là vua Anh-tông 英 宗.

Anh-tông lúc đầu hay uống rượu và đêm thường hay lén ra ngoài đi chơi, có khi bị đồ vô-lại phạm đến.

Một hôm uống rượu say đến nỗi Nhân-tông Thượng-hoàng ở Thiên-trường về kinh, các quan đều ra đón rước cả, mà vua vẫn nằm ngủ. Thượng-hoàng giận lắm, truyền xa-giá lập tức về Thiên-trường và hạ chiếu cho bách quan phải về đấy hội-nghị. Khi Anh-tông tỉnh rượu, biết thượng-hoàng về kinh, sợ-hãi quá, vội-vàng chạy ra ngoài cung gặp một người học-trò tên là Đoàn nhữ Hài 段 汝 諧 mượn thảo bài biểu để dâng lên tạ tội, rồi cùng với Nhữ Hài xuống thuyền đi suốt đêm đến phủ Thiên-trường. Thượng-hoàng xem biểu rồi quở-mắng một lúc, và tha lỗi cho Anh-tông. Về đến kinh-sư, Anh-tông cho Đoàn nhữ Hài làm ngự-sử trung-tán, và từ đấy không uống rượu nữa.

Từ xưa đến nay vua An-nam vẫn có tục lấy chàm vẽ rồng vào đùi, nhưng Anh-tông không muốn theo tục ấy. Một hôm Thượng-hoàng bảo Anh-tông rằng: « Dòng-dõi nhà mình vẫn vẽ mình để nhớ gốc ngày xưa, nay nhà vua phải theo tục ấy mới được ». Anh-tông tuy vâng mệnh nhưng lừa khi Thượng-hoàng bận việc khác, lẩn đi không cho vẽ. Từ đấy vua An-nam mới không vẽ mình nữa.

Tính vua Anh-tông hay vẽ: thường có làm một tập Thủy-vân tùy-bút, nhưng đến lúc sắp mất đem đốt đi không cho để lại. Sử có chép rằng khi Anh-tông đau nặng, hoàng-hậu cho đi gọi thầy tăng về để làm lễ xem sự sinh-tử, Anh-tông gạt đi mà bảo rằng: « Thầy tăng đã chết đâu mà biết được sự chết ». Xem thế thì biết Anh-tông là một ông vua hiếu-thảo và lại thông-minh, cho nên việc triều-chính thời bấy giờ có cương-kỷ lắm.

Trong triều lại có những người tài giỏi hết lòng giúp việc nước. Văn như bọn ông Trương hán Siêu 張 漢 超, võ như ông Phạm ngũ Lão đều là người có tài-trí cả.

Phạm ngũ Lão là người làng Phù-ủng, huyện Mỹ-hào, tỉnh Hải-dương[1], trước theo Trần Hưng-đạo-vương đánh giặc Nguyên, lập được công to. Triều-đình trọng dụng cho làm đại-tướng. Ngũ Lão trị quân có kỷ-luật, đãi tướng-hiệu như người nhà, ở với sĩ-tốt cùng chịu cam-khổ, cho nên vẫn gọi quân của ông ấy là phụ tử chi binh, đánh đâu được đấy, thành một người danh tướng nước Nam ta.

Ông Phạm ngũ Lão đã giỏi nghề võ, lại hay nghề văn, thường ngâm bài thơ thuật-hoài sau này:

Hoành sáo giang-sơn cáp kỷ thu[2]
Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân-gian thuyết Vũ-hầu.

Thời bấy giờ vua hiền, tôi trung, phép-tắc nghiêm-trang, thưởng phạt phân-minh, chính-trị không có điều gì hồ-đồ. Việc học-hành mở-mang rộng-rãi, cho nên những người có tài văn-học như bọn ông Mạc đĩnh Chi 莫 挺 之, ông Nguyễn trung Ngạn 阮 忠 彥 đều được thi đỗ, ra làm quan giúp việc Triều-đình. Thật là một thời rất thịnh về đời nhà Trần vậy.

2. TRẦN HƯNG-ĐẠO-VƯƠNG MẤT. Trong đời vua Anh-tông có mấy người danh tướng như là: Thượng-tướng Trần quang Khải 上 相 陳 光 啓, thắng trận Chương-dương ngày trước, mất năm giáp-ngọ (1294), và Hưng-đạo-vương Trần quốc Tuấn 興 道 王 陳 國 峻 mất ngày 20 tháng tám năm canh-tí (1300).

Hưng-đạo-vương là một danh tướng đệ-nhất nước Nam, đánh giặc Nguyên có công to với nước, được phong làm Thái-sưThượng-phụThượng-quốc-côngBình bắc đại nguyên-súy, Hưng-đạo đại-vương 太 師, 尙 父, 上 國 公, 平 北 大 元 帥, 興 道 大 王. Vua lại sai người về Vạn-kiếp làm sinh-từ để thờ ngài ở chỗ dinh cũ của ngài đóng ngày trước.

Hưng-đạo-vương làm quan đến đời vua Anh-tông thì xin về trí-sĩ ở Vạn-kiếp. Khi ngài sắp mất, vua Anh-tông có ngự giá đến thăm, nhận thấy ngài bệnh nặng, mới hỏi rằng: « Thượng-phụ một mai khuất núi, phỏng có quân bắc lại sang thì làm thế nào? »

Hưng-đạo-vương tâu rằng: « Nước ta thủa xưa, Triệu Võ-vương dựng nghiệp, Hán-đế đem binh đến đánh, Võ-vương sai dân đốt sạch đồng-áng, không để lương-thảo cho giặc chiếm được, rồi đem đại quân sang châu Khâm, châu Liêm đánh quận Tràng-sa[3], dùng đoản binh mà đánh được, đó là một thời. Đến đời Đinh, Lê, nhiều người hiền-lương giúp-đỡ, bấy giờ nước Nam đang cường, vua tôi đồng lòng, bụng dân phấn chấn; mà bên Tàu đang lúc suy-nhược, cho nên ta đắp thành Bình-lỗ (thuộc Thái-nguyên) phá được quân nhà Tống, đó là một thời. Đến đời nhà Lý, quân Tống sang xâm, Lý-đế sai Lý thường Kiệt đánh mặt Khâm, Liêm, dồn đến Mai-lĩnh, quân hùng, tướng dũng, đó là có thế đánh được. Kế đến bản-triều, giặc Nguyên kéo đến vây-bọc bốn mặt, may được vua tôi đồng lòng, anh em hòa-mục, cả nước đấu sức lại mà đánh, mới bắt được tướng kia, cũng là lòng trời giúp ta mới được thế.

« Đại để, kẻ kia cậy có tràng trận, mà ta thì cậy có đoản binh; lấy đoản chống nhau với tràng, phép dùng binh thường vẫn phải thế. Còn như khi nào quân giặc kéo đến ầm ầm, như gió, như lửa, thế ấy lại dễ chống. Nếu nó dùng cách dần dà, như tằm ăn lá, thong-thả mà không ham của dân, không cần lấy mau việc, thế ấy mới khó trị; thì ta nên kén dùng tướng giỏi, liệu xem quyền biến, ví như đánh cờ, phải tùy cơ mà ứng biến, dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà, thì mới có thể đánh được. Cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả ».

Anh Tông chịu lời ấy rất là phải.

Được mấy hôm thì ngài mất, vua cùng các quan ai nấy đều cảm-thương lắm.

Hưng-đạo-vương thực là hết lòng với vua, với nước, tuy rằng uy-quyền lừng-lẫy, mà vẫn giữ chức-phận làm tôi, không dám điều gì kiêu-ngạo. Đang khi quân Nguyên quấy nhiễu, ngài cầm binh-quyền, Thánh-tông, Nhân-tông cho ngài được chuyên quyền phong tước: trừ ra tự tước hầu trở xuống, cho ngài được phong trước rồi mới tâu sau. Thế mà ngài không dám tự tiện phong thưởng cho ai cả; phàm những nhà giàu mà ngài có quyên tiền gạo để cấp cho quân ăn, ngài chỉ phong cho làm giả-lang-tướng mà thôi, nghĩa là tướng cho vay lương. Ngài cẩn-thận như thế và ở với ai cũng thật là công-chính cho nên đến khi ngài mất, tự vua cho chí bách tính ai cũng thương-tiếc. Nhân-dân nhiều nơi lập đền thờ-phụng để ghi-nhớ cái công-đức của ngài.

3. VIỆC ĐÁNH AI-LAO. Từ khi quân nhà Nguyên thua chạy về Tàu rồi, phía bắc được yên, nhưng ở phía tây-nam có quân Ai-lao thường hay sang quấy nhiễu ở mạn Thanh-hóa, Nghệ-an. Trước vua Nhân-tông đã thân chinh đi đánh mấy lần. Quân Lào tuy thua, nhưng hễ quan quân rút về, giặc lại sang cướp phá. Sau Anh-tông sai tướng-quân là Phạm ngũ Lão đi đánh ba bốn phen nữa. Đánh trận nào quân Lào cũng bị giết-hại rất nhiều, cho nên từ đó phía Thanh, Nghệ, mới được yên.

4. SỰ GIAO-THIỆP VỚI CHIÊM-THÀNH. Nước Chiêm-thành đối với An-nam từ ngày nhà Trần lên làm vua, hai nước không có điều gì lôi-thôi. Đến khi Nhân-tông đi đánh Lào trở về, thì bỏ đi tu, trước ở chùa Võ-lâm (làng Võ-lâm, phủ Yên-khánh, tỉnh Ninh-bình), sau về ở An-tử-sơn (huyện Yên-hưng, tỉnh Quảng-yên). Năm tân-sửu (1301) Thượng-hoàng đi sang Chiêm-thành xem phong-cảnh, có ước gả Huyền Trân công-chúa 玄 珍 公 主 cho vua Chiêm là Chế Mân 制 旻. Được ít lâu Chế Mân cho người đưa vàng bạc và các sản-vật sang cống và xin cưới. Triều-thần có nhiều người không thuận. Chế Mân lại xin dâng châu Ô và châu Rí để làm lễ cưới, bấy giờ Anh-tông mới quyết ý thuận gả. Đến tháng sáu năm bính-ngọ (1306) cho công-chúa về Chiêm-thành.

Sang năm sau (1307) vua Anh-tông thu nhận hai châu Ô và châu Rí, đổi tên là Thuận-châu và Hóa-châu, rồi sai quan là Đoàn nhữ Hài vào kinh-lý và đặt quan cai-trị.

Huyền Trân công-chúa lấy Chế Mân chưa được một năm thì Chế Mân mất, mà theo tục Chiêm-thành, hễ khi vua đã chết, thì các hậu phải hỏa thiêu chết theo.

Anh-tông được tin ấy, sai Trần khắc Chung 陳 克 終 giả mượn tiếng vào thăm để tìm kế đưa công-chúa về.

Từ khi Chế Mân mất rồi, Chế Chí 制 至 lên làm vua Chiêm-thành. Nhưng Chế Chí hay phản-trắc, không giữ những điều giao-ước trước, cho nên năm tân-hợi (1311) Anh-tông cùng với Huệ-võ-vương Trần quốc Chân 惠 武 王 陳 國 瑱, Nhân-huệ-vương Trần khánh Dư phân binh làm ba đạo sang đánh Chiêm-thành, bắt được Chế Chí đem về An-nam và phong cho người em là Chế-đà-a Bà làm vua Chiêm-thành.

Chế Chí về An-nam được phong là Hiệu-thuận-vương, nhưng chẳng được bao lâu thì mất ở huyện Gia-lâm. Vua sai đưa hỏa táng. Từ đó về sau nước Chiêm và nước Nam thành ra có điều thù-oán mãi.

Năm mậu-thân (1308) Nhân-tông Thượng-hoàng mất ở chùa Yên-tử-sơn. Năm giáp-dần (1314) Anh-tông nhường ngôi cho thái tử Mạnh 奣, rồi về làm Thái-thượng-hoàng ở phủ Thiên-trường đến năm canh-thân (1320) thì mất.

Anh-tông trị-vì được 21 năm, nhường ngôi được 6 năm, thọ 54 tuổi.

 

II. TRẦN MINH-TÔNG (1314-1329)

Niên-hiệu: Đại-khánh 大 慶 (1314-1323)
Khai-thái 開 泰 (1324-1329)

Năm giáp-dần (1314) Thái-tử Mạnh lên ngôi làm vua, tức là vua Minh-tông 明 宗.

Thời bấy giờ làm quan tại triều có Đoàn nhữ Hài 段 汝 諧, Phạm ngũ Lão 范 五 老, Trương hán Siêu 張 漢 超, Mạc đĩnh Chi 莫 挺 之, Nguyễn trung Ngạn 阮 忠 彥, Chu văn An 朱 文 安 v.v… đều là những người có tài-cán trí-lự cả.

Trong nước được yên-trị; giao-hiếu với nước Tàu thì tuy rằng có lôi-thôi về đường phân địa-giới, nhưng đại khái vẫn được hòa-hảo. Duy chỉ có nước Chiêm-thành tự khi Chế Chí chết rồi, thì người Chiêm cứ hay sang quấy-nhiễu ở phía nam, cho nên phải dùng đến can-qua. Năm mậu-ngọ (1318), Minh-tông sai Huệ-võ-vương Trần quốc Chân và tướng-quân Phạm ngũ Lão đem binh đi đánh, vua Chiêm là Chế Năng phải bỏ thành mà chạy.

Còn những việc chính-trị trong nước, thì năm ất-mão (1315) lập lệ cấm người trong họ không được đi thưa kiện nhau; năm bính-thìn (1316) duyệt định văn võ quan cấp; năm quí-hợi (1323) mở khoa thi Thái-học-sinh; năm ấy lại cấm quân-sĩ không được vẽ mình như trước. Nước ta bỏ thói vẽ mình từ đấy.

Minh-tông vốn là ông vua có lòng nhân hậu, hay thương-yêu nhân dân, nhưng chỉ vì nghe nịnh-thần cho nên giết oan Huệ-võ-vương Trần quốc Chân, là người làm quan có công với nước.

Trần quốc Chân là thân-sinh ra Hoàng-hậu và lại có công đi đánh Chiêm-thành thắng trận mấy lần. Nhưng vì Hoàng-hậu chưa có hoàng-tử, triều-thần phân ra làm hai đảng, một đảng thì có Văn-hiến-hầu và Trần khắc Chung, xin lập hoàng-tử Vượng là con bà thứ, làm thái-tử. Một đảng thì có Trần quốc Chân xin chờ cho Hoàng-hậu có con trai rồi sẽ lập Thái-tử.

Sau Văn-hiến-hầu cho tên Trần Nhạc là đầy-tớ của Trần quốc Chân một trăm lạng vàng xúi nó vu-cáo cho Quốc Chân làm mưu phản. Minh-tông bắt Quốc Chân đem giam ở chùa Tư-phúc.

Trần khắc Chung xin vua trừ Quốc Chân đi, lấy lẽ rằng bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó. Minh-tông nghe lời ấy, cấm không cho Quốc Chân ăn uống gì cả, đến nỗi khát nước quá, Hoàng-hậu phải lấy áo nhúng xuống nước rồi mặc vào vắt ra cho uống. Uống xong thì chết. Sau có người vợ lẽ tên Trần Nhạc ghen nhau với vợ cả, đi tố cáo ra sự Trần Nhạc lấy vàng và sự vu cáo cho Trần Quốc Chân. Bấy giờ mới rõ cái tình oan của một người trung-thần.

Minh-tông làm vua đến năm ất-tị (1329), thì nhường ngôi cho Thái-tử Vượng 旺, rồi về làm Thái-thượng hoàng.

 

III. TRẦN HIẾN-TÔNG (1329-1341)

Niên-hiệu: Khai-hữu 開 祐

Thái-tử Vượng 旺 mới có 10 tuổi, lên làm vua, tức là vua Hiến-tông 憲 宗.

Hiến-tông chỉ làm vua lấy vì mà thôi, quyền chính ở cả tay Minh-tông Thượng-hoàng, cho nên tuy ngài có làm vua được non 13 năm, nhưng không được tự chủ việc gì.

1. GIẶC NGƯU-HỐNG. Minh-tông Thượng-hoàng vừa nhường ngôi xong, thì ở mạn Đà-giang có Mường Ngưu-hống 牛 吼 làm loạn. Thượng-hoàng phải thân chinh đi đánh. Người Ngưu-hống ở trại Chiêm-chiêu đưa thư đến giả xin hàng. Nhưng khi đạo quân ở Thanh-hóa đi đến nơi, thì bị người ở trại ấy đổ ra đánh, phải thua chạy. Thượng-hoàng đem đại binh tiến lên, thanh-thế lừng-lẫy, quân Ngưu-hống bỏ chạy cả vào rừng. Quân giặc tuy thua nhưng không trừ hết được, mãi đến năm đinh-sửu (1377) tướng nhà Trần là Hưng-hiếu-vương 興 孝 王 chém được thủ-đảng Ngưu-hống ở trại Trịnh-kỳ, thì giặc ấy mới yên.

2. GIẶC AI-LAO. Trong khi giặc Ngưu-hống còn đang quấy-nhiễu, giặc Ai-lao lại sang đánh phá. Năm giáp-tuất (1384) Minh-tông Thượng-hoàng lại phải thân chinh đi đánh. Sai ông Nguyễn trung Ngạn 阮 忠 彥 vào Thanh-hóa sung chức Phát-vận-sứ 發 運 使 để vận lương đi trước, Thượng-hoàng đem đại quân vào sau. Khi đại quân vào đến Kiềm-châu 黔 州 (thuộc huyện Tương-dương, Nghệ-an), quân Ai-lao nghe tiếng đều bỏ chạy cả.

Thượng-hoàng bèn sai ông Nguyễn trung Ngạn làm bài bia khắc trên núi để ghi công. Bài bia ấy chữ to bằng bàn tay, khắc vào đá sâu một tấc, đến nay vẫn còn.

Văn bài bia ấy dịch ra chữ nôm như sau này:

« Chương-nghiêu Văn-triết Thái-thượng-hoàng là vua thứ sáu đời nhà Trần, nước Hoàng-Việt, chịu mệnh trời nhất thống cõi trung hạ, trong đất ngoài bể đâu cũng thần phục. Nước Ai-lao nhỏ-mọn kia dám ngạnh vương-hóa; cuối mùa thu năm ất-hợi vua thân đem sáu quân đi tuần cõi tây, Thế-tử nước Chiêm-thành, nước Chân-lạp, nước Tiêm-la và tù-trưởng các đạo mán là Quì, Cầm, Xa, Lạc, tù-trưởng rợ Bồ-man mới phụ và các bộ Mán Thanh-xa đều mang phương vật tranh nhau đến đón rước. Chỉ có tên nghịch Bổng cứ giữ mê-tối, sợ phải tội chưa lại chầu ngay. Cuối mùa đông vua đóng quân ở cánh đồng Cự, thuộc châu Mật, sai các tướng và quân rợ-mọi vào tận nước, nghịch Bổng theo gió chạy trốn. Vua mới xuống chiếu đem quân về. Lúc bấy giờ là ngày tháng chạp nhuận năm ất-hợi, niên-hiệu Khai-hữu thứ 7, khắc vào đá ».

Xem văn-từ thì hình như việc Minh-tông thượng-hoàng đi đánh Ai-lao thật là hống-hách lắm, nhưng cứ sự thực thì quân ta bấy giờ chưa ra khỏi cõi, mà giặc Ai-lao vẫn chưa trừ được. Còn như việc thế-tử nước Chân-lạp và nước Tiêm-la v.v… sang chầu, thì thiết-tưởng đấy là một lối làm văn của nhà làm bia nói cho trân-trọng đó mà thôi, chứ chưa chắc đã hợp với sự thực.

Năm sau quân Ai-lao lại sang cướp ở ấp Nam-nhung 南 戎 (thuộc huyện Tương-dương, tỉnh Nghệ-an). Minh-tông thượng-hoàng lại ngự giá đi đánh lần nữa. Ngài sai quan Kinh-lược-đại-sứ tỉnh Nghệ-an là Đoàn nhữ Hài 段 汝 諧 làm Đô-đốc chư quân. Đoàn nhữ Hài khinh quân Lào hèn-yếu, chắc đánh là tất được. Đến khi đem quân đến ấp Nam-nhung qua sông Tiết-la 屑 邏 chẳng may phải hôm có sương mù, bị phục binh của Lào đổ ra đánh, quan quân thua chạy cả xuống sông, chết đuối nhiều lắm. Đoàn nhữ Hài cũng chết đuối.

Xét ra nước Ai-lao đã sang quấy-nhiễu đất An-nam từ đời vua Nhân-tông và vua Anh-tông. Quan quân đã phải đi đánh nhiều lần, nhưng lần nào đánh xong thì cũng chỉ yên được độ vài ba năm, rồi giặc lại sang phá. Mà quan quân có đi đánh thì cũng đánh cho nó đừng sang ăn-cướp ở đất mình nữa mà thôi, chứ không có lúc nào định chiếm-giữ đất Lào cả. Có lẽ là tại đất Lào nhiều rừng lắm núi, phải sơn lam thủy chướng, đường-sá xa-xôi, vận-tải khó nhọc, cho nên quân ta không ở được lâu. Còn người Lào thì họ thuộc đường-sá, quen phong-thổ, tiến thoái tùy tiện; thắng trận thì họ tiến lên đánh, bại trận thì họ rút quân đi, mình không biết đâu mà đuổi. Bởi thế cho nên quân ta vẫn đánh được giặc mà giặc vẫn còn, thành ra cứ phải đi đánh mãi.

Hiến-tông làm vua đến năm tân-tị (1341) thì mất, trị-vì được 13 năm, thọ 23 tuổi.    



 

Chú thích cuối trang

  1. ▲ Bây giờ thuộc tỉnh Hưng-yên.
  2. ▲ Bài này có người dịch ra nôm như sau:

    Ngọn giáo non sông trải mấy thâu,

    Ba quân hùng-hổ khí thôn ngưu.

    Công-danh nếu để còn vương nợ,

    Luống thẹn tai nghe truyện Vũ-hầu.

  3. ▲ Chỗ này Hưng-đạo-vương nói lầm: Triệu Võ-vương đóng đô ở Phiên-ngung tức là ở gần thành Quảng-châu bây giờ, mà châu Khâm, châu Liêm thì ở giáp-giới nước ta. Lẽ nào đi đánh Trường-sa ở tỉnh Hồ-nam mà lại quay trở lại châu Khâm, châu Liêm. Chắc hẳn người mình ngày trước không thuộc địa-đồ và có lẽ rằng Hưng-đạo-vương lúc nói chuyện đó cũng tưởng là kinh-đô của Triệu Võ-vương ở đâu bên nước ta bây giờ, cho nên mới nói như thế chăng?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.