Vĩnh Biệt Tugumi
CHƯƠNG 6 TỰ THÚ
Hôm đó, trời mưa từ sáng. Mưa mùa hè có mùi của biển.
Buồn chán, tôi ở lì trong phòng đọc sách.
Có lẽ vì buổi đi chơi đêm đó, mấy ngày hôm nay Tugumi ngủ li bì vì đau đầu và sốt. Lúc này, khi mang cơm trưa vào, tôi thấy Tugumi vùi đầu vào chăn, rên rỉ. Đã quen với cảnh đó, tôi chỉ thấy một cảm giác thật thân thương. Tôi nói to: “Tao để cơm ở đây nhé!” rồi đặt khay cơm xuống cạnh gối, ra khỏi phòng.
– Tugumi đang tương tư à?
Tôi vừa hỏi thì Tugumi liền rút tay ra, ném cái bình nhựa đựng nước vào người tôi. Hẳn là lúc đó Tugumi khỏe lắm. Bình đựng nước va mạnh vào cái cột bên rìa cánh cửa kéo bằng giấy, lăn lông lốc trên chiếu. Vì vậy, cho đến khi về phòng, mái tóc của tôi còn bị ướt chút ít, tôi lặng lẽ nằm xõa tóc trên chiếu.
Ngoài cửa sổ, xa xa, biển nổi sóng màu tro nhạt, dữ dội đến đáng sợ. Trời, biển, mọi vật đều ở bên kia của tấm màng lọc đơn điệu, lờ mờ. Những ngày như thế này, trong mùi đất ngột ngạt, có lẽ Pôchi cũng nằm im trong chuồng, nhìn mưa rơi. Từ dưới nhà vọng lên tiếng động và giọng nói của những người khách trọ không thể đi tắm biển cứ đi qua đi lại hỗn loạn. Bao giờ cũng như thế. Vào những ngày mưa, mọi người đều không biết làm gì trong ngôi nhà lớn là cái nhà nghỉ này. Rất nhiều người tụ tập xung quanh cái máy trò chơi cũ kĩ hay chiếc TV lớn đặt ở sảnh.
Giữa lúc tâm trí mệt mỏi, tôi bâng quơ đọc sách. Những hạt mưa hắt vào tấm kính cửa sổ như những ngôi sao băng, cắt ngang màn hình suy nghĩ trong đầu tôi.
Đột nhiên, tôi nghĩ: “Nếu Tugumi cứ ốm yếu thế này rồi chết đi thì…” Đó là suy nghĩ, là nhận thức có trong tôi từ khi tôi còn nhỏ xíu, khi thể trạng của Tugumi ốm yếu hơn bây giờ nhiều. Suy nghĩ đó luôn đột ngột xuất hiện vào bất cứ lúc nào. Vào những ngày mưa như thế này, quá khứ và tương lai tan chảy trong bầu không khí trầm mặc, rồi nổi lên.
Một giọt nước mắt rơi xuống trang sách. Không hiểu từ lúc nào, nước mắt trào ra và rơi xuống.
Quá đỗi kinh ngạc. Bên tai tôi là tiếng mưa tí tách thấm qua mái hiên. Với tâm trạng bàng hoàng: “Chuyện vừa rồi là thế nào nhỉ?”, tôi lau nước mắt. Rồi ngay lập tức, tôi quên bẵng và tiếp tục đọc phần tiếp theo của cuốn sách.
Đến 3h chiều, không còn gì để đọc nữa. Tugumi vẫn đang nằm li bì, còn Yoko đã ra khỏi nhà, chương trình TV thì chán ngắt. Quá buồn chán, tôi quyết định đi hiệu sách. Hình như nghe thấy tiếng kẹt cửa khi tôi ra khỏi phòng, Tugumi lên tiếng từ căn phòng đóng kín.
– Đi đâu đấy?
– Ra hiệu sách. Mày có muốn gì không? – Tôi hỏi.
– Mua cho tao nước táo, loại nước ép tự nhiên 100%. – Tugumi nói, giọng khàn khàn. Chắc hẳn đang sốt cao.
– Ừ, biết rồi.
– À, cả dưa tây nữa. Rồi sushi và… – Tugumi nói với theo nhưng tôi không để tâm, cứ đi xuống cầu thang.
Ở thị trấn ven biển, dường như mưa rơi lặng lẽ khác thường. Có lẽ, biển đã hút hết tiếng mưa. Khi lên sống ở Tokyo, tôi đã rất ngạc nhiên khi cảm thấy mưa rơi với những tiếng rào rào đặc biệt.
Khi đi trên con đường dọc bờ biển, bãi cát nhuốm màu đen kịt khiến tôi có cảm giác lạ lùng như thể đó là một nghĩa địa.
Mưa rơi xuống biển tạo thành hàng nghìn, hàng nghìn gợn sóng, vỡ ra thành những con sóng lăn tăn.
Hiệu sách lớn nhất trong thành phố đông nghịt. Không nghi ngờ gì nữa, vào những ngày như thế này, khách du lịch thường hay lui tới hiệu sách. Lướt nhìn phía trong cửa hiệu, đúng như tôi nghĩ, loại tạp chí tôi muốn mua đã hết sạch.
Không có cách nào khác, tôi nhìn sang quầy sách cũ, bất ngờ làm sao, ở giá sách phía trong cùng, Kyoichi đang say sưa đứng đọc sách. “Ô là la,” tôi tiến lại gần, lên tiếng hỏi.
– Hôm nay cậu không dắt chó đi cùng à?
– Không. – Cậu ta cười nói. – Trời mưa nên tớ để nó ở nhà.
– Cậu không sống ở đây, tại sao lại nuôi chó?
– Nhà nghỉ không cho mang vào nhưng họ cho phép tớ buộc nó ở khu vườn đằng sau. Tớ ở đấy cũng lâu rồi, thành ra cũng thân thiết lắm. Lúc rỗi rãi, tớ cũng giúp họ phơi chăn gối. Nhưng mà này, tớ không khai lý lịch đâu nhé! Hỏi gì mà cứ như tình báo thế?
– Ừ nhỉ. – tôi gật đầu.
Cậu ta là con trai của chủ một khách sạn lớn sắp được xây dựng trên núi, điều này khiến những người kinh doanh nhà nghỉ trong thị trấn ít nhiều bận tâm. Nghĩ cho kĩ thì đây cũng là một mùa hè rất buồn đối với cậu.
– Hôm nay, Tugumi đâu rồi? – Kyoichi hỏi
Có lẽ, sau này nghĩ lại nên tôi có cảm giác như thế nhưng khi cậu ta nói cái tên “Tugumi” một cách chính xác như vậy, đột nhiên, trong giây lát, lồng ngực tôi tràn đầy linh cảm rằng có lẽ tình yêu của Tugumi sẽ có tương lai tươi sáng. Nhìn những giọt nước mưa trong suốt chảy từng giọt từ trên tấm ni lông phía trước hiệu sách xuống, tôi nói.
– Tugumi đang nằm li bì đấy. Con bé đó trông vậy thôi nhưng yếu lắm. Nếu có thể, cậu tới thăm nó nhé. Chắc Tugumi sẽ vui lắm.
– Tớ cũng muốn đi nếu như không làm ảnh hưởng tới bệnh tình của Tugumi.
– À, bây giờ thì nó xanh và gầy lắm… Nhưng nó là đứa rất thú vị nhỉ!
Tôi không thể nói trơn tru. Nhưng lúc đó, trong tiếng mưa trong suốt đang dần bao kín thị trấn này, tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng chuyện của Tugumi và anh chàng này sẽ tốt đẹp.
Từ khi chuyển lên sống và đi học ở Tokyo vào mùa xuân năm nay, tôi đã thấy rất nhiều đôi (miêu tả gì mà lạ lùng cứ như mình là…). Tôi có thể cảm nhận rõ ràng đứa nhà quê ấy, lí do hai người phải lòng nhau. Bề ngoài, thái độ sống, sở thích về trang phục giống nhau, ngay cả các cặp nhìn qua thì thấy không hòa hợp nhưng nếu ở bên nhau lâu lâu thì sẽ xuất hiện những nét tương đồng. Tuy nhiên, hôm đó, đột nhiên tôi cảm nhận rõ ở Tugumi và Kyoichi một cái gì đó mạnh mẽ khác thường. Đúng rồi, lúc nãy khi Kyoichi gọi tên Tugumi, trong tôi vụt xuất hiện hình ảnh của cậu ta và Tugumi nhập vào nhau, rực sáng. Tôi hiểu rằng, sự quan tâm cao độ mà hai người dành cho nhau đã giao cảm với nhau xuyên qua buổi chiều mưa mệt mỏi này. Tôi rất tự tin vào cảm giác của mình. Có lẽ điều mà tôi cảm nhận được từ hai người này là thứ được gọi là số phận, hay là điềm báo của một tình yêu mạnh mẽ.
Nhìn bảy sắc màu lóng lánh trên lớp nhựa đường đẫm nước đang bốc hơi của con đường xám xịt, tôi vừa đi vừa thực lòng nghĩ như vậy.
– Chờ chút nào, đi thăm người bệnh thì phải mua thứ gì đó chứ? Cô ấy thích gì nhỉ?
Kyoichi đột nhiên thốt ra những lời mà tôi không hề nghĩ tới.
– À, nó nói muốn uống nước táo, ăn dưa tây và sushi.
– Những thứ đó ăn lẫn với nhau hình như không tốt đâu. – Kyoichi nói, nghiêng nghiêng đầu tỏ vẻ nghi hoặc. Cái đó có phải là “gieo gió gặp bão” không nhỉ, tôi nghĩ vậy và cười khúc khích không dứt.
– Tugumi ơi, có khách này!
Vừa hưng phấn tưởng tượng ra ánh mắt kinh ngạc của Tugumi và trò trêu trọc lừa gạt đó, tôi khẽ khàng mở cửa.
Nhưng Tugumi không có ở đó.
Trong căn phòng sáng ánh đèn, chỉ có chiếc chăn đắp dựng lên như khi Tugumi đi ra ngoài. Tôi sững sờ. Dù Tugumi bao giờ cũng là đứa hay làm những chuyện khác thường nhưng nó đang sốt đến gần 39 độ cơ mà.
– Không có… – tôi lẩm bẩm.
– Cậu nói đang ốm lắm cơ mà.
Kyoichi nói bằng một thứ tiếng Nhật không bình thường, lông mày cau lại.
– Chắc chắn là vậy mà. – tôi bối rối
– Cậu đợi chút nhé. Tớ thử xem ở dưới nhà.
Tôi chạy ra chỗ cửa ra vào, khom người, tìm xăng đan của Tugumi trong tủ giày. Tìm thấy đôi xăng đan đi biển có đính bông hoa màu trắng mà Tugumi thường đi xếp ngay ngắn lẫn trong những đôi xăng đan của khách trọ, tôi thở phào. Đúng lúc đó, dì Masako từ hành lang đi tới, hỏi: “Sao thế cháu?”
– Tugumi không có ở trong phòng.
– Gì cơ? – dì mở to mắt nói. – Nhưng con bé đang sốt dữ lắm mà. Lúc nãy bác sĩ vừa đến thăm bệnh và tiêm mà… Chẳng lẽ nó đã hạ sốt, khỏe rồi sao?
– Chắc là thế.
– Nhưng dì ở quầy tiếp tân suốt, sau Maria có ai ra ngoài đâu. Chắc chỉ ở trong nhà nghỉ thôi. Dù sao, mình cứ thử đi tìm cái đã.
Dì nói vẻ bất an.
– Chuyện gì nhỉ? – Tôi thở dài
Tôi nhờ Kyoichi đi tìm một vòng xung quanh nhà, còn tôi và dì Masako đi khắp bên trong nhà nghỉ để tìm Tugumi. Chúng tôi nhòm vào mọi nơi, từ căn nhà phụ đến máy bán hàng tự động, thậm chí mở cả phòng Yoko để tìm. Nhưng vẫn không thấy. Không thấy bóng dáng Tugumi. Cứ đi đi lại lại hàng bao nhiêu lần trong ngôi nhà bé xíu này, trong cái hành lang tối tăm với dãy cửa giống hệt nhau đứng sắp hàng, lẫn trong tiếng mưa rơi, tôi có cảm giác lạ lùng như đang lạc vào một mê lộ buồn thảm. Tôi và dì Masako cứ đi vòng quanh dưới ánh đèn nê-ông, lòng thắt lại, bất an. Từ xưa, những lúc như thế này, chúng tôi thường cảm thấy bất an hơn là lo lắng hay tức giận. Vì chúng tôi nhớ ra rằng sinh mệnh rực sáng, lúc nào cũng thể hiện rõ như thế của một Tugumi xấc xược thực ra lại luôn ở một chỗ rất đáng buồn.
Dù chơi đu,
Dù chỉ tắm biển nửa ngày,
Dù chỉ say sưa xem phim đến tận khuya và thiếu ngủ,
Dù chỉ không mặc áo khoác vào những ngày mát trời thôi,
Tugumi cũng ngã bệnh. Yếu đi. Trông Tugumi tồn tại một cách xác thực như thế là do sức mạnh tiềm tàng luôn vùng vẫy chống lại cái thể xác ốm yếu…. Thực sự thì, vào những ngày mưa như thế này, đầu óc mụ mị và những kí ức ngày xưa thực sự trỗi dậy từ bên trong cơ thể. Màu sắc không khí trước đó rất giống với sự đa cảm, như phản chiếu trên ô cửa kính tối âm u, sức nặng của cánh cửa kéo bằng giấy đóng kín phản chiếu trong đôi mắt thơ dại. Những lời mẹ nói: “Tính mạng Tugumi đang nguy kịch, con hãy yên lặng ” rồi Yoko mắt đầy nước với bím tóc dài tết ba. Khi tôi còn nhỏ, chuyện như thế thường xuyên xảy ra.
– Vẫn không thấy… – Chúng tôi dừng lại trước phòng Tugumi, thở dài.
– Đằng này cũng không có ạ. – Kyoichi vừa nói vừa bước lên cầu thang đi tới. Hình như cậu ta đã đi ra ngoài mà không che ô nên tóc ướt nhèm.
– Để cho cháu ướt hết thế này… cô xin lỗi nhé.
Không biết cậu ta là ai nhưng dì Masako vẫn nói lời xin lỗi. Trật tự từ hỗn loạn.
– Có lẽ Tugumi đi đâu xa xa. – Tôi nói, rồi ngẫu nhiên đi tới phía có sân phơi quần áo định ngó ra ngoài, tôi nhìn ra bục phơi qua cái cửa sổ lớn có khung bằng gỗ thông ra bên ngoài.
Thế rồi, tôi phát hiện ra.
– Đây rồi…
Tôi hổn hển báo với dì rồi lạch cạch mở cửa sổ. Chẳng hiểu sao, Tugumi đang chui vào giữa sàn của bục phơi quần áo và nóc nhà tầng hai. Ngẩng đầu nhìn tôi qua khe hở giữa các tấm ván, vẫn cúi người lom khom, Tugumi nói:
– Lộ rồi!
– Cái gì lộ? Mày đang làm gì đấy?
Rất ngạc nhiên, tôi hỏi. Tôi chẳng hiểu tại sao.
– Trời ơi! Sao lại đi chân trần ở chỗ lạnh như thế này. Con mau vào đây đi. Lại sốt bây giờ!
Dì nói, giọng đã bình tâm trở lại. Rồi dì kéo tuột Tugumi đang ướt lướt thướt ra khỏi bục phơi quần áo.
– Mẹ sẽ mang khăn tắm đến, con vào chăn nằm đi. Hiểu chưa?
Sau khi dì chạy xuống cầu thang, tôi nói.
– Tại sao Tugumi lại ở cái chỗ quái quỷ đó?
Quả thật lúc chơi trốn tìm, Tugumi đã rất hớn hở trốn vào chỗ đó. Nhưng bây giờ không phải lúc để chơi trốn tìm. Chẳng cần nói ai cũng hiểu.
– Tại mày đấy. – Tugumi chếnh choáng do sốt, mỉm cười trách móc nói.
– Mày hoan hỉ ra mặt khi đưa Kyoichi về nhà hòng làm tao ngạc nhiên nhưng tao đã thấy hết qua cửa sổ nên muốn đập tan âm mưu của mày.
– Mẹ cậu hiền nhỉ! – Kyoichi nói. Anh chàng tinh ý đã xin phép ra về nhưng cả dì, Tugumi và tôi đều một mực níu giữ nên cuối cùng lại ở lại cùng uống trà với chúng tôi.
– Mẹ cậu chẳng quát mắng cậu gì cả!
– Yêu con gái còn sâu hơn biển cả đấy.
Tugumi nói. Đồ nói dối, tôi thầm nghĩ. Sự bình thản ở dì đơn giản đã thành thói quen mỗi khi Tugumi gây ra rắc rối. Rồi cậu sẽ sớm hiểu thôi, tôi nghĩ vậy và lẳng lặng uống trà. Vả lại, ánh mắt Kyoichi nhìn Tugumi tràn đầy sự đồng cảm như thể nhìn một con mèo con vừa thoát chết nên tôi cũng chẳng buồn rót nước mời cậu ta…
Tugumi có vẻ đau đớn đến mức ngay cả tôi dù nói vậy nhưng vẫn hơi lo lắng tình hình sức khỏe của nó. Quầng thâm xuất hiện dưới mắt, hơi thở gấp gáp, môi tái nhợt. Những sợi tóc mỏng, ướt dính bết vào trán, còn mắt và gò má sáng lấp lánh.
– Thôi, cậu nghỉ ngơi nhé. Lúc khác tớ lại đến. Đừng nghịch dại, hãy ngủ ngon và mau khỏi nhé!
Kyoichi đứng lên.
– Đợi đã! – Tugumi nói rồi nắm lấy cánh tay tôi, bàn tay nóng rẫy.
– Maria, ngăn cậu ấy lại! – Tugumi hét lên, giọng khàn đặc.
– Tugumi nói thế, cậu đợi nhé! – Tôi ngẩng lên nhìn Kyoichi.
– Gì thế? – Cậu ta quay lại chỗ đầu giường.
– Kể chuyện gì đi! – Tugumi khẩn khoản. – Từ nhỏ mình không thể ngủ được nếu không được nghe một câu chuyện mới.
Lại nói dối, tôi tự nhủ. Thế nhưng, cái cụm từ “câu chuyện mới” nghe thật tuyệt. Thật dễ thương và phảng phất hương thơm.
– Ừ, câu chuyện à. Vậy thì, để cậu có thể ngủ ngon, tớ sẽ kể câu chuyện về chiếc khăn tắm. – Kyoichi nói.
– Khăn tắm? – Tôi hỏi còn Tugumi trố mắt ngạc nhiên.
– Khi còn nhỏ, tớ bị bệnh tim. Do đó, tớ đã chờ cho đến khi đủ thể lực để có thể phẫu thuật. Tất nhiên, sức khở bây giờ là sau khi đã phẫu thuật. Hiện tại, tớ rất mạnh khỏe và ít khi nhớ lại chuyện ngày ấy. Thế nhưng những khi gặp chuyện khó khăn, khổ cực, tớ lại nhớ đến chiếc khăn tắm… Ngày xưa, tớ là một đứa trẻ suốt ngày nằm liệt giường. Mặc dù không thể khẳng định sau khi phẫu thuật sẽ khỏe mạnh nhưng tớ đã rất mong chờ cuộc phẫu thuật đó. Chờ đợi một điều gì đó không có kết quả, dù tốt hay xấu cũng đều làm ta sầu muộn, bất an. Khổ sở lắm!
Dường như tiếng mưa rơi biến mất. Chúng tôi chăm chú lắng nghe câu chuyện đầy ngạc nhiên của cậu ta. Kyoichi kể bình thản nhưng rõ ràng, giọng của cậu vang lên trong căn phòng tĩnh lặng.
– Những lúc đau ốm, tớ luôn nằm và cố gắng không suy nghĩ gì hết. Khi nhắm mắt lại, tớ luôn nghĩ đến những chuyện không cần thiết, vả lại, tớ sợ bóng đêm nên cứ mở mắt suốt. Và chờ đợi sự đau đớn qua đi. Chắc hẳn đó là tâm trạng khi gặp gấu phải giả vờ chết. Tình trạng đó thực sự rất khó chịu. Vỏ gối của tớ rất đặc biệt, nó được làm từ một chiếc khăn tắm loại tốt của nước ngoài mà bà ngoại cho mẹ khi mẹ đi lấy chồng. Mẹ luôn dùng nó cẩn thận, khi mép của chiếc khăn bị sờn rách, mẹ khâu nó thành chiếc vỏ gối cho tớ. Đó là một chiếc khăn có họa tiết đẹp, trên nền xanh đậm in hàng dãy những lá cờ của nước ngoài với nhiều màu sắc khác nhau. Tớ nằm, chăm chăm nhìn những mảng màu nổi bật rõ ràng. Bao giờ tớ cũng làm như thế… Lúc đó tớ không nghĩ gì cả, nhưng sau này, những lúc đau đớn trước và sau cuộc phẫu thuật, hay những khi vấp phải mọi chuyện khó chịu, trong đầu tớ lại hiện lên những họa tiết của chiếc khăn tắm. Dù đã từ lâu không còn trên thế gian này nhưng nó hiện lên rõ mồn một đến nỗi không thể không nghĩ rằng nó đang ở ngay trước mặt mình, đến mức dường như có thể nắm ngay lấy nó. Thật lạ lùng, cái cảm giác đó rất thực. Tớ nghĩ rằng phải chăng nó là một thứ tín ngưỡng. Cũng thú vị đấy chứ? Hết rồi! Thế có được không?
– Mình hiểu… – Tôi nói. Sự điềm tĩnh của cậu ta, cách cư xử từng trải, chững chạc, đúng mực và ánh mắt đó đã có từ sau khi trải qua thời niên thiếu như thế. Dù cách biểu hiện ra ngoài hoàn toàn trái ngược nhau nhưng cậu ta cũng giống Tugumi ở chỗ cả hai đã bước đi trên một con đường đơn độc. Dù nói rằng đó là sự sắp đặt của tự nhiên nhưng việc trái tim Tugumi trú ngụ trong cái thể xác suy kiệt lại là chuyện thật đáng buồn. Ở nơi Tugumi, có một linh hồn sâu thẳm hơn bất kì ai và mạnh mẽ như thể bốc cháy đến tận vũ trụ, thế nhưng, thể xác lại đang hạn chế nó đến cực độ. Có lẽ cái năng lượng vô ích đó đã cảm nhận được điều ẩn chứa trong ánh mắt của Kyoichi qua một thoáng nhìn.
– Có phải khi nhìn cờ, cậu đã tưởng tượng đến những đất nước xa xôi? Và cả nơi nào sẽ đi nếu cậu chết? – Tugumi nhìn Kyoichi, nói những điều đáng kinh ngạc.
– Ừ, bao giờ tớ cũng nghĩ thế. – Kyoichi nói.
– Và giờ đây cậu đã trở thành người có thể đi tới bất kì đâu. Thích thật đấy! – Tugumi nói.
– Ừ, cậu cũng có thể mà… Mà không, có thể đi đến bất cứ đâu chưa hẳn đã là điều hay. Chỗ này cũng tốt đấy chứ. Có thể đi bộ với đôi xăng đan đi biển và bộ quần áo bơi, có cả núi cả biển. Tâm hồn cậu khỏe mạnh và cậu lại nghị lực nên dù có ở đây suốt, cậu cũng có thể nhìn thấy nhiều thứ hơn cả kẻ đi vòng quanh thế giới. Tớ nghĩ thế đấy! – Kyoichi yên lặng nói.
– Thích thật! – Tugumi cười. Mắt lấp lánh, gò má nóng đỏ, nhoẻn cười khoe hàm răng trắng. Màu đỏ của đôi gò má căng bóng dường như phản chiếu nhàn nhạt trên chiếc chăn màu trắng. Hôm nay tôi trở nên rất đa cảm. Tôi bất giác cúi xuống, chớp chớp mắt. Lúc đó, Tugumi đã nhìn thẳng vào Kyoichi và nói.
Em yêu anh.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.