Vĩnh Biệt Tugumi
CHƯƠNG CUỐI LÁ THƯ CỦA TUGUMI
Sau khi trở về Tokyo, chẳng hiểu sao tôi lại đâm ra ngẩn ngơ.
Trong trường cũng đầy đứa ngẩn ngơ vì kì nghỉ hè, lí sự cùng với bọn ỏ lớp rằng “Đi học mà cứ như là đi chơi ấy nhỉ!”. Mặc dù vậy, mỗi khi nói chuyện với mọi người về kì nghỉ hè, tôi luôn nghĩ rằng hình như mình đã có một mùa hè hơi khác với mọi người.
Quả là tôi đã sống ở một thế giới khác.
Nguồn năng lượng tỏa ra mãnh liệt từ Tugumi, ánh nắng chói chang của bờ biển ngày hè, những người bạn mới,…, những thứ đó chồng xếp lên nhau, tạo ra một không gian chưa từng thấy bao giờ. Đó là một thế giới sống động như thể quê hương mà người lính thấy trong mơ ngay trước khi chết., mạnh mẽ hơn cả thế giới thực. Trong cái nắng yếu ớt của tháng 9, ngay cả những bóng hình đó vẫn không đọng lại trong tôi, nếu được hỏi, tôi chỉ có thể trả lời: “Ừ, tớ đã về quê và nghỉ tại nhà nghỉ của họ hàng suốt mùa hè”. Đối với tôi mùa hè này là một thực thể cô đọng của tất cả những gì thân thương trong quá khứ….. Mỗi khi suy tư như vậy, bao giờ tôi cũng nghĩ. Có lẽ Tugumi cũng đang cảm thấy như thế.
Một hôm, bố bị gãy chân.
Nghe đâu lúc đó bố đang ở trong kho của công ty, trèo lên một cái thang gỗ và ngã xuống khi đang ôm một tập tài liệu nặng trên một ngăn giá cao. Mẹ và tôi hoảng hốt vội chạy đến bệnh viện thì thấy bố đang nằm trên giường, mỉm cười ngượng ngịu. Nói vậy để biết rằng bố là tuýt người không giỏi chịu đựng những đau khổ về tinh thần, nhưng lại chịu đựng rất giỏi những nỗi đau về thể xác.
Hai mẹ con thở phào nhẹ nhõm, quay về nhà. Vì bố sẽ nằm viện 2,3 ngày nên mẹ lại vào bệnh viện, mang theo quần áo để thay. Còn tôi ở nhà một mình.
Chuông điện thoại vang lên.
Tôi linh cảm đó là một cuộc gọi không tốt lành. Ngay lúc đó hiện lên trong tôi là khuôn mặt của bố. Tôi thong thả nhấc máy.
– A lô!
Nhưng đó là tiếng của Yoko.
– Hai bác có nhà không?
– Ừ, thật ra thì bố mình bị gãy chân đang nằm trong bệnh viện nên chẳng có ai ở nhà cả.
Tôi khẽ cười, Yoko không cười, nói.
– Tình hình của Tugumi cứ lạ lùng thế nào ấy.
Tôi lặng thinh. Tôi nhớ tới khuôn mặt nghiêng nghiêng trắng bệch của Tugumi khăng khăng ngày mai mình sẽ chết khi tôi đến thăm nó. Cảm giác của Tugumi chẳng bao giờ sai.
– Lạ lùng là thế nào?
Cuối cùng, tôi cũng thốt lên.
– Bác sĩ đã nói là đến trưa hôm nay sẽ khỏe thôi nhưng suốt từ hôm qua, nó cứ mê man. Lại sốt cao nữa, dường như bệnh tình xấu đi rất nhanh…
– Thế có được vào thăm không?
– Bây giờ thì không được. Nhưng mình và mẹ ở trong bệnh viện suốt.
Giọng của Yoko chùng xuống. Vàcái cảm giác cô vẫn chưa thể tin được tin đó truyền đến tôi.
– Mình hiểu rồi. Mình sẽ cố gắng đi chuyến tàu sớm nhất vào sáng mai. Dù tình hình có thế nào thì chúng mình cũng sẽ thay nhau chăm nom Tugumi. – Tôi nói. Giọng nói của tôi cũng chùng xuống, trái ngược với lời cầu khấn đang vang lên trong lòng.
– Kyoichi thế nào?
– Đã liên lạc rồi. Cậu ấy nói sẽ đến ngay.
– Yoko này. – Tôi nói – Nếu có chuyện gì xảy ra, dù là nửa đêm cũng hãy gọi ngay cho mình nhé.
– Ừ, mình biết rồi.
Điện thoại ngắt. Khi tôi thông báo với mẹ lúc mẹ từ bệnh viện về, bà quyết định sẽ để bố một mình và cùng tôi tới bệnh viện nơi Tugumi nằm vào sáng mai. Rồi hai mẹ con đi chuẩn bị hành lí cho ngày hôm sau.
Tôi đưa máy điện thoại vào trong phòng, đặt bên gối rồi nằm ngủ. Nếu như chuông điện thoại reo…Giấc ngủ thì nông, chỉ có đêm là sâu. Trong giấc ngủ chập chờn, trong giấc mơ không liền mạch, tôi tiếp tục cảm thấy sự hiện diện của chiếc điện thoại. Đó là thứ cảm xúc lạnh lẽo, khó chịu như cục sắt bị gỉ sét, tồn tại trong chính buổi tối đó.
Yoko và Tugumi xuất hiện suốt trong giấc mơ. Trong khuôn hình hỗn độn đầy những mảnh vụn đó, mỗi khi nhìn thấy Tugumi, tôi lại cảm giác có một thứ gì đó thần thánh và một chút ngọt ngào. Tugumi mang vẻ mặt cáu kỉnh mọi khi, đang nói chuyện vẻ hỗn hào bên bờ biển hay tại nhà Yamamoto, còn tôi ở bên cạnh Tugumi với tâm trạng bất an. Vẫn như mọi khi tôi ở bên cạnh Tugumi.
Nắng sớm chiếu thẳng vào mí mắt đang khép. Tôi thức dậy. Chuông điện thoại đã không reo. Tugumi thế nào rồi nhỉ, vừa nghĩ, tôi vừa mở rèm cửa.
Một buổi sáng tuyệt đẹp.
Mùa thu đã thực sự tới. Bầu trời đâu đâu cũng tràn đầy những âm thanh trong trẻo với màu xanh ngọc bích trải dài bất tận, cây lá rung xào xạc chậm rãi trong làn gió thu xa xa. Mọi thứ lặng lẽ tràn ngập hương thu, tạo nên một thế giới trong suốt không tiếng động. Tôi có cảm giác dường như đã lâu lắm rồi mới cảm nhận được buổi sáng rực rỡ chói chang đến thế, đầu óc trống rỗng, tôi ngắm nhìn quang cảnh trong chốc lát. Cảnh vật đẹp đẽ đến đau lòng.
Không biết mọi chuyện sẽ ra sao nhưng dù thế nào hai mẹ con cũng sẽ đi tới đó, chúng tôi đang ăn sáng thì có điện thoại gọi đến.
Đó là dì Masako.
– Sao rồi ạ? – tôi hỏi
Dì cười nói dường như rạng rỡ hơn một chút.
– Nó à?
– Không sao chứ ạ? – tôi hỏi
– À, nó đã phục hồi như chẳng có gì rồi, có vẻ nhà dì đã trầm trọng hóa sự việc. – dì đáp.
Một tâm trạng như thể sức mạnh của toàn cơ thể tôi vừa thoát ra ngoài.
– Từ khoảng chiều qua, bệnh tình của Tugumi đột nhiên trở nặng, chuyện đó lâu lắm mới xảy ra nên cả nhà đều hốt hoảng. Bác sĩ cũng dốc hết sức vì cho rằng không thể như vậy được. Mặc dù vậy, mọi người vẫn kinh ngạc vì một đứa trẻ có sức sống dai dẳng thế. Dì đã có lúc nghĩ rồi nó sẽ ra sao đây nhưng sáng nay, bệnh tình của nó dịu xuống cứ như là đùa vậy, bây giờ thì nằm ngủ ngon lành…sức khỏe của Tugumi ấy mà, cho đến giờ đã có bao nhiêu là chuyện xảy ra nhưng như thế này thì là lần đầu tiên đấy. Chắc hẳn từ nay về sau sẽ còn xảy ra nhiều chuyện không thể lường trước được…
Nhưng như thể ngộ ra điều gì đó. Dì Masako nói rất rõ ràng.
– Dì xin lỗi nhé. Chẳng có gì mà cứ ầm ĩ cả lên. Nếu như có chuyện gì thì dì sẽ gọi điện nhờ cháu giúp nên hôm nay Maria không cần phải đến đây đâu. Cháu hãy thong thả nghỉ ngơi nhé, dì xin lỗi vì đã làm cháu lo lắng.
– Dù sao mọi chuyện cũng đã tốt rồi. – tôi nói.
Khi thở phào nhẹ nhõm, dòng máu trong tôi như hồi sinh, nóng chảy rần rật trong tim. Đưa điện thoại cho mẹ, trở lại phòng, tôi vùi mình vào giường, khép mắt lại trong ánh nắng sớm, vừa nghe tiếng mẹ vui vẻ vọng lại từ xa vừa chìm dần vào giấc ngủ. Lần này, giấc ngủ sâu mau chóng đến.
một giấc ngủ sâu êm ái.
Giữa trưa vài ngày sau, Tugumi gọi điện tới.
– Vâng. – vừa khi tôi nhấc máy lên thì giọng Tugumi đã ập đến, tôi đột nhiên nhận thấy giọng nói đó không phải là giọng nói quen thuộc, thân thương có âm vực cao, thanh mà tôi đã nghĩ rằng mình không được phép đánh mất.. Đầu bên kia ầm ĩ tiếng tên người qua micro, tiếng trẻ con khóc…
– Gì thế? Đang ở bệnh viện à? Có làm sao không? Đã khỏe chưa? – tôi hỏi.
– Đã khỏe rồi, đang ở bệnh viện đây. Vẫn chưa hề đến đoạn này. Có chuyện này không nhỉ.
Tugumi bắt đầu nói những câu không rõ ý.
– Chắc hẳn cái bà y tá ngốc nghếch ấy đã nghe nhầm địa chỉ rồi. Đúng là chả ra sao cả.
– Tugumi đang nói gì đấy?
Tôi nói, thầm nghĩ hay là đầu óc Tugumi có vẫn đề do bị sốt. Tugumi không trả lời, lặng thinh. Sự im lặng kéo dài nên tôi tưởng tượng hình dáng Tugumi. Một hình dáng tích hợp Tugumi ở mọi hoàn cảnh mà tôi đã thấy từ trước đến giờ.
Mái tóc bóng mượt đó, ánh mắt như có lửa, cổ tay mảnh khảnh. Dáng cổ chân khi đi chân trần, hàm răng trắng mỗi khi cười vui. Rồi bộ dạng cau có với vẻ mặt khó gần…Biển phía trước tầm nhìn. Sáng lấp lánh, bờ cát với từng đợt sóng xô tới…
– Này, tao đã chắc mình sắp chết đấy. – Tugumi đột nhiên nói rành rọt.
– Mày nói cái gì thế? Cứ đi ầm ầm trong hành lang bệnh viện mà lại nói sắp chết à? – tôi cười đáp.
– Ngốc ạ. Tao thực sự là đã sắp chết đấy. Ý thức đột nhiên rời xa, rồi tao nhìn thấy một luồng ánh sáng lớn, tao muốn đến đấy…Khi tới gần, người mẹ đã mất nói: “Không được tới đây”
– Toàn nói nhảm. Mẹ nào đã mất hả?
Tôi vui mừng vì đã lâu mới thấy một Tugumi khỏe mạnh.
-….Ừ thì là nói nhảm, nhưng dù vậy, bệnh tình của tao đã rất hiểm nghèo. Mỗi ngày tao lại thấy mình một yếu đi và thực sự nghĩ rằng lần này chắc không xong rồi. – Tugumi nói.
– Vì thế, tao đã viết thư cho mày.
– Thư á, cho tao á? – ngạc nhiên, tôi nói như thể đang hét lên.
– Ừ, đúng vậy đấy. Kể ra thì xấu hổ thật. Tao vẫn sống sờ sờ đây…Dù thế nhưng bà y tá tao nhờ lại nói là gửi đi mất rồi, định lấy lại thì cũng không thể được nữa. Dù tao có bảo nếu bức thư đó đến thì đừng bóc mà hãy vứt đi thì đứa xấu tính như mày chắc chắn sẽ đọc thôi. Mà cũng chẳng sao, cứ đọc đi. – Tugumi nói.
– Thế đọc hay không nào?
Tugumi viết thư cho tôi… Chuyện này khiến tôi hồi hộp lạ thường.
– Không sao đâu, cứ đọc đi. – Tugumi cười nói.
– Lần này quả thực tao cảm thấy dường như có lúc mình đã chết đi rồi. Vì vậy, bức thư đó có lẽ cũng đúng. Có lẽ từ nay về sau tao sẽ dần dần đổi khác.
Tôi không hiểu Tugumi muốn nói gì. Nhưng cảm thấy dường như có một sự thay đổi nào đó trong tâm hồn Tugumi nên tôi lặng yên trong giây lát. Đúng lúc đó, Tugumi nói: ” Ôi, Kyoichi đến rồi này, tao chuyển máy nhé!”
– Tugumi – tôi gọi với theo nhưng dường như Tugumi đã đi mất rồi.
– Hãy vào phòng bệnh đi. – Kyoichi hét lên rồi đi tới: “Alo?” mà chẳng hiểu đầu đuôi gì cả.
Đúng là Tugumi cứ tự ý làm mọi việc. Chắc hẳn bây giờ Tugumi đang đi vung vẩy trong hành lang, về phòng bệnh rồi. Cái cơ thể bé nhỏ đó ưỡn ngực dương dương như thể là một ông vua vậy.
Tôi cười khổ sở, nói: “Alo?”
– Maria đấy à? – Kyoichi cười.
– Nghe nói bệnh tình của Tugumi nguy kịch lắm phải không? – Tôi hỏi.
– Ừ, bây giờ trông có vẻ cũng khỏe lên nhiều rồi. Có lúc còn cấm vào thăm nữa nhưng lúc đó thì nguy kịch nữa. Tớ cũng hoảng ghê. – Kyoichi nói.
– Cho mình gửi lời hỏi thăm nhé…. Này, nếu Tugumi chuyển vào núi ở thì hai người tự nhiên chia tay nhau à, Kyoichi có nghĩ vậy không? – Tôi buột miệng hỏi.
– Ừm, sau này sẽ thế nào, nếu không thử xa nhau thì không biết được, nhưng chắc là sẽ khó gặp một cô gái mãnh liệt như thế. Cô gái đó được lắm chứ, một kiệt tác tuyệt vời đấy. Mùa hè này có lẽ sẽ là mùa hè không thể quên được. Dù có chia tay nhau thì những chuyện đã xảy ra cũng sẽ khắc sâu mãi mãi trong tim tôi. Thực sự là như vậy đấy. – Kyoichi bình thản nói. – Lần tới, thay cho nhà Yamamoto, khách sạn nhà mình sẽ luôn ở đấy. Mọi người đến lúc nào cũng được mà.
– Vậy thì, chúng mình sẽ tiếp tục gắn kết với nhau ở một nơi nào đó như trong mùa hè này nhỉ.
Kyoichi cười.
– Ồ, Yoko đã bước qua cửa ra vào rồi kìa. Tay cầm hoa bách hợp, đang xin lỗi một bệnh nhân vì va phải người đó ở góc hành lang… Đến rồi, đến rồi. Vậy tớ chuyển máy nhé!
Vừa trả lời Yoko đang cầm điện thoại: ” Alo, ai đấy ạ?” tôi vừa thầm nhủ cứ như là đang diễu hành vậy. Mọi người cứ lần lượt đến. Tôi ngồi trên ghế, vừa nhìn bầu trời phía ngoài khung cửa sổ vừa nói chuyện qua điện thoại với Yoko. Ánh nắng chiều đổ xuống, chiếu vào căn phòng thành một hình vuông, tôi có cảm giác trong bản thân đang tràn ngập một quyết tâm lặng lẽ không rõ lí do, cũng không có hình dạng rõ rệt. Từ bây giờ và ở đây, tôi sẽ bắt đầu sống.
“Gửi Maria,
Mọi chuyện xảy ra giống như tớ đã nói nhỉ!
Hoặc giả khi bức thư này tới có lẽ cũng là lúc cậu đang đến đây để dự đám tang của tớ. Lá thư này là từ ‘hòm thư ma’ thực sự.
Đám tang vào mùa thu thì buồn lắm, tớ không thích chút nào cả.
Dạo này, tớ hay viết thư cho cậu. Viết rồi sẽ đi rồi lại bắt đầu viết. Tại sao lại là cậu cơ chứ? Tuy nhiên, không hiểu sao, tớ cứ nghĩ rằng những người bên cạnh tớ, chỉ có cậu mới có thể hiểu chính xác những lời tớ nói và thấu hiểu tớ.
Lúc này đây, khi dường như tớ đang chờ đợi cái chết đến, cái ý nghĩ sẽ để lại một lá thư cho cậu đã trở thành tâm nguyện duy nhất của tớ. Cứ nghĩ tới cảnh những người khác khóc lóc vô vọng, rồi giải thích rằng con người tớ là như thế này này thì tớ thấy sởn cả gai ốc. Kyoichi kể ra cũng có một vài điểm tốt nhưng tình trường là chiến trường nên cho đến phút cuối cùng cũng không được cho đối phương biết được điểm yếu của mình.
Không hiểu sao, cậu dù ngu ngốc như thế nhưng lại có thể suy đoán được tất cả mọi thứ một cách rõ ràng. Thật kì lạ.
Rồi còn một chuyện nữa là ngay khi vào viện tớ đã đọc một cuốn tiểu thuyết có tên là “Vùng chết”. Chỉ định để giết thời gian thôi nhưng nào ngờ cuốn sách rất thú vị, tớ đã đọc liền một mạch nên cơ thể dần yếu đi, cứ đau âm ỉ suốt. Nhưng đó là một cuốn sách mà ở đó tình trạng suy yếu dần đi của người thanh niên – nhân vật chính – rất gần gũi với những người đau yếu. Truyện kẻ về nhân vật chính với cơ thể rệu rã sau một tai nạn giao thông, anh ta đã chết dần đi sau khi chịu hết bất hạnh này đến bất hạnh khác ập xuống và cuối cùng là bức di thư anh gửi cho bố và người yêu. Lá thư từ vùng chết. Khi đọc nó, người như tớ mà cũng khóc một chút đấy. Rồi tớ muốn viết và nhận một bức thư như thế nên đã viết cho cậu lá thư này.
Hôm trước, trong khi đào cái hố để trừng phạt, tớ đã nghĩ tới rất nhiều chuyện. Để giết thời gian trong lúc lao động chân tay ấy mà. Hôm đó, khi nghe những lời khóc than của bà chị Yoko ngốc nghếch, cái người có lẽ sẽ ở vậy để chăm sóc tớ nếu cú như thế này mãi, tớ đã nhanh chóng tỉnh ngộ. Tớ cảm giác mình đã nhìn thấy rõ hình bóng của bản thân. Cho đến tận bây giờ, cái cơ thể yếu ớt này được mọi người xung quanh vất vả nuôi nấng nhưng cũngc hỉ là một con bé xanh xao, hay rít lên giận dữ và ích kỉ. Và có lẽ sau này cả đời cũng sẽ như vậy.
Đương nhiên, tớ chẳng ăn năn một chút nào cả, cho đến tận bây giờ tớ vẫn biết rõ điều đó.
Nhưng mà, trong giới hạn thể xác dường như đã mất hết ý thức, những ý nghĩ vẩn vơ như thế khiến tớ dễ chịu một cách kì lạ, và không ngăn được cảm giác mình sắp chết trong vài ngày tới. Dù thế nào thì đào được một cái hố như thế cũng là việc hết sức vất vả kể cả với người khỏe mạnh. Một việc khó nhọc và xứng tầm là một công việc cuối cùng.
Hơn nữa, vì đào ở vườn nhà người khác nên tuyệt nhiên không được để lộ. Chỉ có thể làm trong đêm thôi. Tớ vừa chuyển ra vừa đào từng chút đất một.
Khi gần đào xong thì cái hố cũng khá sâu, từ trong lòng hố ngẩng đầu lên là thấy những vì sao. Đất thì cứng, tay tớ xước xát nhiều, ngày nào cũng phải trông chừng bình minh mùa hè lại đến.
Từ dưới lòng hố.
Bầu trời dần hửng sáng, tớ mệt rã rời, nhìn những ngôi sao lặn đi qua tầm nhìn hẹp và suy nghĩ rất nhiều chuyện. Để mẹ không phát hiện ra qua bộ quần áo dơ bẩn, ngày nào tớ cũng mặc quần áo bơi, choàng chiếc áo jacket lấm lem ra bên ngoài và làm việc. Thế rồi, tớ nhận ra rằng cho đến bây giờ, tớ hầu như không có chút có ý ức nào về việc mặc đồ bơi và tắm biển.
Trong giờ học, bao giờ học cũng chỉ đứng nhìn, nghĩ đi nghĩ lại thì đến cả bơi trườn tớ cũng không biết. Tớ nhớ lại rằng mình luôn hụt hơi khi đi trên con đương dốc lúc đến trường cũng như chưa từng dự buổi tập trung buổi sáng dài lê thê. Những lúc đó, không phải vì bàn chân nhỏ bé này mà vì còn mải ngắm nhìn bầu trời xanh nên tớ không nhận thức được điều gì cả.
Hơi thở khó nhọc, cơ thể nặng nề như bị cái chăn đè lên.
Tớ hầu như không thể ăn cơm. Những gì mà tớ có thể ăn nổi, lại chỉ là món dưa muối mà mẹ mang tới! Maria chắc buồn cười lắm nhỉ?
Cho đến giờ, mình đã trải nghiệm những gì rồi nhỉ, cho dù đâu đó trong tim đã từng tràn đầy sinh lực nhưng bây giờ, trong kho chẳng còn gì. Thực sự đang thở ra những âm thanh yếu ớt.
Tớ còn ghét đêm tối nữa.
Khi đèn tắt, phòng bệnh này chìm vào một bóng tối khổng lồ, chẳng biết làm gì cả. Đến mức có thể phát khóc lên được. Khóc thì mệt nên đành phải chịu đựng bóng tối. Tớ viết lá thư này với một cái đèn nhỏ xíu. Cảm giác mụ mị, lúc tỉnh lúc mê. Nếu tồi tệ hơn một chút là sẽ đi ngay. Tớ sẽ trở thành một cái xác chết vô vị còn những kẻ ngu ngốc thì òa lên khóc.
Hàng sáng, bà y tá xấu xí đến mở rèm cửa.
Phải thức dậy thì thật khó chịu, miệng khô khốc, đầu đau và nặng trình trịch, người như một cái xác ướp khô rang vì nóng. Hôm nào không may thì ngay lập tức phải truyền dịch, thật kinh khủng.
Nhưng cứ mở rèm cửa thì nắng với gió biển lại tràn vào. Khi vẫn còn đang mắt nhắm mắt mở, trong mí mắt chói sáng, tớ chập chờn mơ thấy cảnh con chó đang đi dạo.
Cuộc sống của tớ đã thật hoài phí. Nếu nói đến việc tốt thì chỉ nghĩ được đến chừng đó thôi.
Dù sao đi nữa, có thể chết tại thị trấn này cũng đã là một niềm vui rồi.
Cậu bảo trọng nhé!
Tugumi.Y”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.