Vụ Bí Ẩn Bắt Cóc Cá Voi

CHƯƠNG 18 – ĐẾN THĂM ALFRED HITCHCOCK



Cảnh sát đã nhanh chóng tóm được Paul Dunter, Hannibal nói. Hắn đang toan trốn sang Mêhicô bằng chiếc xe cà tàng bị chảy dầu. Xe bị hư gần San Diego. Khi bị bắt, hắn đã khai hết.
Ba Thám Tử Trẻ đang ngồi quanh cái bàn vườn đặt ngay giữa phòng khách nhà Alfred Hitchcock. Ba thám tử đến báo cáo với ông về cuộc điều vụ “bắt cóc con cá voi” – đó là tựa mà Bob đã chọn.
Ông Hitchcock ngả ngửa trên ghế đu, chăm chú lắng nghe và thỉnh thoảng đặt vài câu hỏi.
– Dunter đã khai là hắn in số tiền đó à? Ông hỏi.
Bob gật đầu nét mặt hơi buồn. Mặc dù Dunter đã làm tất cả để ngăn không cho ba thám tử lấy được cái hộp kim loại bị mất trong vụ đắm tàu, đã phá thắng xe tải nhẹ của Constance Carmel, bắt cóc Hannibal, toan ám sát Peter, nhưng Bob vẫn cảm thấy thương hại tên cao kều.
– Hắn bị Oscar Slater ép buộc – Bob giải thích. Bằng cách gây áp lực.
– Gây áp lực à? Như thế nào?
Alfred Hitchcock liếc nhìn xuống nhà bếp, nơi Hoang Van Dong đang chuẩn bị bữa ăn trưa. Nhà đạo diễn rút gói kẹo ra khói túi, lén lút mời khách.
– Tôi biết là không nên, ông vừa nói vừa nhai kẹo mềm, nhưng tôi không cưỡng lại nổi: lúc nào tôi cũng cảm thấy đói bụng.
– Chú Dong vẫn dọn cơm nâu cho bác ăn à? Peter hỏi thăm với giọng đầy trắc ẩn.
– Hơn nữa. Tệ hơn thế nữa. Các cậu sẽ thấy. Xin lỗi nhé. Bob ơi, mời cậu kể tiếp đi. Vậy là Oscar Slater có cách để gây áp lực Dunter à? Cách nào vậy?
– Hai người đã từng làm ăn chung ở Châu Âu: Paul Dunter là thợ khắc giỏi. Chính hắn sao vẽ và in tiền. Slater lo khâu phân phối. Hắn tổ chức cả một mạng để bao tiêu giấy bạc giả ở Châu Âu.
– Cho đến lúc bị cảnh sát tóm hả? Alfred Hitchcock hỏi.
– Slater không bị tóm, Hannibal trả lời. Hắn đã bỏ chạy với toàn bộ số tiền. Nhưng cảnh sát Pháp đã rượt theo dấu vết Paul Dunter. Có lệnh bắt hắn. Nếu bị bắt, thì chắc chắn hắn phải ngồi tù nhiều năm. Nên hắn bỏ trốn sang Mêhicô.
– Và hắn đã quyết định không làm ăn bất lương nữa, Bob xen vào. Hắn không chịu làm tiền giả nữa. Hắn muốn mở một xưởng in đàng hoàng ở La Paz. Và hắn đã làm thế. Nhưng rất xui là Oscar Slater đã tình cờ gặp hắn ở La Paz.
– Và Slater biết rằng cảnh sát Pháp đang truy nã Dunter, rằng hắn sẽ bị trục xuất khỏi Mêhicô ngay khi có yêu cầu của Chính phủ Pháp, Alrred Hitchcock nói hết.
Ông ăn thêm một viên kẹo mềm thứ nhì.
– Có lẽ Slater tưởng hắn mạnh hơn. Hắn nghĩ sẽ buộc được Dunter tiếp tục làm tiền giả.
Nhà văn im lặng nhai kẹo một hồi.
– Babal à, nhưng làm sao cậu đoán được rằng giấy bạc đó là giả?
– Đặc biệt là nhờ vết nhăn dưới con mắt của Dunter, Hannibal trả lời. Cháu cứ dò trong đầu tất cả những nghề cần kính lúp. Và cháu nghĩ ra là không chỉ có mình thợ kim hoàn: còn có thợ khắc nữa.
– Suy luận rất hay, Babal à. Alfred Hitchcock mỉm cười khen. Chắc là Dunter đã mừng húm khi nghe tin tàu bị đắm, mọi bằng chứng chống lại hắn đã biến mất theo chiếc tàu. Có phải cậu cũng nghĩ như thế không Babal?
– Gần như vậy, thám tử trưởng trả lời và cố ra vẻ khiêm tốn nhưng không thành công. Cháu tự hỏi không hiểu tại sao Slater muốn lấy cái hộp dữ dội như thế, và tại sao lại có kẻ khác nỗ lực ngăn cản hắn.
Hannibal véo môi.
– Rồi cháu nhận thức ra rằng người làm tiền giả chịu nhiều rủi ro nhất. Bởi vì làm giả, cũng hơi giống như sơn vẽ. Thợ khắc bậc giỏi bắt buộc phải có phong cách riêng của mình. Và phong cách riêng cũng y như chữ ký.
Hannibal nhận thêm một viên kẹo mà Alfred Hitchcock mời.
– Ngay khi tờ giấy bạc đó xuất hiện tại các ngân hàng, Hannibal nói tiếp, là chuyên gia Kho bạc sẽ nhận ra ngay phong cách của Paul Dunter. Họ sẽ truy lùng hắn, cũng như cảnh sát Pháp. Và thế nào cũng có ngày họ bắt được hắn tại La Paz.
Có tiếng dao chặt từ nhà bếp. Alfred Hitchtock vội giấu gói kẹo trong túi.
– Vậy cậu nghĩ ra rằng chính Paul Dunter không muốn hộp được tìm lại?
– Suốt một thời gian rất lâu – lần này Hannibal tỏ vẻ khiêm tốn một cách tự nhiên hơn – cháu đã bị đánh lạc hướng bởi giả thiết ba kẻ tình nghi: Slater, Dunter và thân chủ đề nghị số tiền một trăm đô la để thả Fluke về đại dương.
Hannibal liếc nhìn Bob.
– Chỉ khi Bob lột được mặt nạ của tên khổng lồ, cháu mới hiểu ra rằng kẻ tình nghi số 2 và kẻ tình nghi số 3 chỉ là một.
– Vậy cậu nghĩ rằng khi gọi điện thoại để đề nghị các cậu số tiền thưởng, thì hắn đã cố tình giả giọng kéo dài của Slater để cho các cậu tưởng rằng chính Slater đang gọi điện thoại hả?
– Không, cháu không nghĩ thế, thưa bác. Hannibal lắc đầu trả lời. Hắn chỉ muốn giấu giọng thật. Giống như diễn viên.
Hannibal rất rành về lĩnh vực này. Lúc còn nhỏ, chính cậu đã từng làm diễn viên, nhưng cậu không thích nhắc lại chuyện cũ đó. Thời đó, biệt danh của Hannibal là Bé Mập Thù Lù.
– … Giống như khi các diễn viên được yêu cầu giả giọng người khác, Hannibal nói tiếp, thì dễ nhất đối với họ là bắt chước giọng của một người khác. Paul Dunter sống lâu ở Châu Âu và có cách nói hơi đặc biệt. Tốt nhất cho hắn là chọn một kiểu nói cũng thật đặc biệt. Và hắn chọn cái giọng miền Nam của Oscar Slater.
Alfred Hitchcock đưa tay lên túi áo có gói kẹo, nhưng nghĩ lại.
– Làm sao Paul Dunter biết được các cậu là ai? Ở San Pedro, khi giả danh thuyền trưởng Carmel, hắn đã biết các cậu là Ba Thám Tử Trẻ, đúng không?
– Dunter có mặt trên tàu lúc tụi cháu cứu con cá voi, Hannibal giải thích. Lúc đó, hắn vẫn còn giả vờ hợp tác làm ăn với Slater và được Slater cho biết kế hoạch: bắt cóc con cá voi giao cho Constance dạy nó tìm xác tàu. Khi đó chính Dunter đã quyết định tự hắn đến Thần tiên Biển cả vào ngày hôm sau. Hắn chỉ muốn tìm cách ngăn cản Slater đạt được mục đích. Hắn nhìn thấy tụi cháu và nhận ra nhờ đã thấy trên bãi biển. Hắn thấy tụi cháu vào văn phòng chị Constance. Sau khi tụi cháu đi, rồi chị Constance đi, hắn tìm thấy danh thiếp của tụi cháu trên bàn. Khi đó hắn đã gọi điện thoại để đề nghị tiền thưởng nếu tụi cháu thả Fluke về biển. Không muốn Slater sử dụng Fluke để tìm lại xác tàu.
Alfred Hitchcock suy nghĩ một hồi. Rồi ông gật đầu.
– Nhưng tại sao Dunter lại đến văn phòng của thuyền trưởng Carmel ở San Pedro? – Ông hỏi – Tôi hiểu rằng làm chìa khoá giả không khó gì đối với một người tài giỏi như hắn. Nhưng tại sao phải lục soát nhà? Hắn tìm cái gì?
– Cháu nghĩ hắn muốn xem thiết bị lặn của chị Constance, Hannibal nói. Có thể hắn có ý nghĩ phá hoại bình oxy để không lặn được nữa. Về sau chị Constance lại quyết định dùng thiết bị lặn của Thần tiên Biển cả, thì Dunter buộc phải lên tàu của Slater để xả khí một bình oxy và làm kẹt áp kế.
– Rồi. Khi các cậu đã hiểu ra rằng… Bob, cậu gọi hắn như thế nào nhi?
– Tên “khổng lồ không có mặt”. Bob trả lời. Tất nhiên, hắn không khổng lồ. Chỉ là một tên cọc leo có độn nhiều mút.
– Một khi các cậu đã hiểu ra rằng “tên khổng lồ không mặt” và Paul Dunter chỉ là một, thì bộ ghép hình bắt đầu thành…
Dong vừa mới xuất hiện, mang một tô gỗ to, đặt xuống bàn trước mặt Alfred Hitchcock và Ba Thám Tử Trẻ.
– Bữa ăn trưa, Dong nói. Thức ăn rất tốt. Hoàn toàn tự nhiên. Không có hoá chất.
Peter nhìn vào trong tô. Tưởng như món xà lách trộn. Có chút cải xà lách, vài khoanh dưa leo. Nhưng phần lớn là những miếng màu hồng hồng không xác định nguồn gốc.
– Cái gì vậy? Peter hỏi. Mấy thứ hồng hồng là gì vậy?
– Cá! Dong trả lời. Cá sống.
– Sống hả? Peter vừa hỏi lại vừa cố che giấu nỗi hoảng sợ đang tràn ngập mình. Ý chú nói là… chưa nấu hả?
– Nấu rất có hại, Dong giải thích. Không tốt. Phá hủy hết vitamin tự nhiên.
– Thế còn cơm nâu thì sao! Chú cũng nấu vậy! Peter phản đối. Ông thầy trên truyền hình…
– Thầy truyền hình không giỏi.
Dong thất vọng lắc đầu.
– Chương trình dở, thầy dở, bị bỏ rồi. Bây giờ có thầy mới. Giỏi lắm. Nhất là đối với người làm bếp. Thầy nói không cần nấu. Mời các cậu ăn đi.
– Nhưng tụi cháu không có dĩa! Bob bắt bẻ. Không có dĩa, không có nĩa, không có gì hết.
– Ăn bốc. Thọc tay vào trong tô. Thầy mới nói đưa tay lên miệng tốt hơn. Dụng cụ bằng sắt không phải là của thiên nhiên. Sành sứ cũng không tự nhiên. Ăn trong tô gỗ. Tốt hơn.
– Đặc biệt là tốt hơn đối với máy rửa chén, ông Hitchcock nhận xét. Thầy mới có nói là máy rửa chén không được rửa chén không?
Khi Dong rút lui. Alfred Hitchcock thở dài.
– Nào, ông nói. Ta cứ dùng tay vậy. Dưa leo có vẻ cũng được đấy chứ. Và tráng miệng thì có kẹo rồi.
Trong khi Ba Thám Tử Trẻ thọc tay vào tô và bắt đầu ăn, Alfred Hitchcock hỏi thăm sức khoẻ của Constance Carmel và hỏi cô gái định làm thế nào để thanh toán viện phí.
– Bác thuyền trưởng khoẻ, Bob trả lời. Tính mạng bác không còn bị nguy hiểm nữa. Về chuyện tiền giả, bác ấy không hề hay biết gì. Bác ấy chỉ buôn lậu thôi.
– Vấn đề viện phí cũng đâu vào đó, Hannibal nói. Kho Bạc sẽ trao tiền thưởng cho Constance vì đã lấy lại số tiền giả kia, giúp bắt được Slater và Paul Dunter.
– Và Slater vẫn còn thiếu tiền bác Carmel, Bob nói thêm. Dù sao, hắn cũng đã bán được máy tính, đã nhận được tiền.
Bob ngưng nói và nhìn Peter.
– Cậu ăn dữ thế! Bob la lên. Cậu ăn cá sống nhiều quá!
– Thì mình đang đói mà! Peter tự bào chữa. Ăn cá sống cũng không tệ lắm. Thậm chí khi ăn rồi, thì khá ngon nữa kìa.
Peter nuốt thêm một miếng cá sống.
– Mà chắc là rất bổ óc, Peter nói. Thấy Fluke không? Nó chỉ ăn cá sống thôi, vậy mà rất thông minh.
Alfred Hitchcock phải thừa nhận lý lẽ này có cơ sở. Nhưng ông vẫn tiếp tục ăn cải xà lách và dưa leo.
– Còn Fluke thì thế nào? Ông hỏi.
– Tốt, Hannibal trả lời. Lúc đầu, nó buồn lắm. Suốt ngày cứ ở ngoài vịnh. Chị Constance lo không biết nó có quen được khi trở lại với biển cả không.
– Bây giờ nó đã quen chưa?
– Thật ra cuối cùng chị Constance cũng hiểu ra rằng Fluke nhớ chị. Thế là chị đã dẫn Fluke về Thần tiên Biển cả, và Fluke có vẻ rất vui vẻ ở đó. Còn tụi cháu được vé mời. Tụi cháu có thể ghé thăm Fluke bất cứ lúc nào.
 
HẾT

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.