Xin Cạch Đàn Ông

CHƯƠNG 12 – TÔI SẼ LÀ MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ THANH LỊCH



Tôi đã có một quyết định quả cảm. Tôi vay tiền của Ula, tôi hẹn thợ cắt tóc và ngồi vào phương tiện đi lại yêu thích của tôi. Tôi sẽ cực đẹp cho mà xem – tóc highlight và đủ thứ nữa. Tôi mang theo người cuốn Jong để đọc, để không biến thành một con ngốc, nếu Xanh Lơ vẫn còn viết thư. Tại sao những người đàn ông như vậy lại bị ruồng bỏ nhỉ? Họ phải có khuyết tật kín đáo nào đó. Nói chung, lúc này tôi không thể tập trung đọc sách nổi. Ngày mai là ngày tôi gặp Hirek rồi!
Đi được vài ga, một bà già cùng đứa cháu trai lên ngồi cạnh tôi, thằng bé xinh xẻo, ngay lập tức nó nhìn qua cửa kính và hét to rất đỗi ngạc nhiên:
– Bà ơi, sân ga đang chạy kìa!
Tôi đặt cuốn sách xuống và nhìn qua cửa sổ. Thằng bé nói đúng. Sân ga đang chạy đi. Tấm biển có chữ “Opacz”, kèm theo chữ P và mũi tên về bên phải, đang lướt qua. Hai cây bạch dương và hai nguời đàn bà xách túi lưới trên sân ga chạy lùi ra xa.
Thằng bé lấy làm ngạc nhiên, tì môi vào kính.
– Cháu đừng đụng vào kính, bẩn lắm! – Bà kia nói nhẹ nhàng. – Cháu lùi ra đi. Ở đây nhiều vi trùng lắm. Sân ga không chạy đâu, đó là con tàu rời ga đấy. Chỉ là ảo ảnh thôi. Vì cháu biết không, nếu chúng ta đi tàu cháu sẽ có cảm giác…
– Bà ơi! Bà xem kìa, ở đây có người treo bao nhiêu là lá bé tí! – thằng bé thông minh và không hề giả vờ.
Nó thôi không tì môi vào kính nữa.
– Marcin này! – Bà nó giảng giải. – Không có ai người ta đi treo lá cây đâu. Bây giờ đang là mùa xuân. Cây đang trổ lá non, chúng lớn lên, lá cây xòe ra từ những chồi cây, sang thu chúng sẽ rụng…
– Bà ơi, xem kìa! Xem kìa! – Marcin hớn hở. – Ngôi nhà bằng vàng, ngôi nhà bằng vàng.
Đúng vậy, bên ngoài cửa sổ con tàu, trên bãi cỏ xanh có một công trình vàng khè, lần nào đi qua đây tôi cũng lấy làm ngạc nhiên, không biết ai đã nghĩ ra cái màu như vậy cho mặt tiền tường nhà.
– Cháu ơi, không phải bằng vàng đâu, chỉ là màu vàng thôi, – bà nó sửa lại. – Mà có khi chỉ là nâu nhạt thôi, không phải vàng. Không có nhà bằng vàng đâu. Cho dù…
– Bà ơi! Con thú con kìa! Một con thú hoang thực sự! – Đôi mắt thằng bé sáng rỡ, những ngón tay giờ đã lem luốc.
– Marcin ơi, bà đã nói với cháu rồi còn gì, đó là con đa đa. Đó không phải là con thú, đó là con chim, loài chim này sống gần nhà, mặc dầu hoang…
Con thú con chạy phía bên ngoài cửa kính bám đầy bụi của con tàu. Đúng là con chim đa đa.
– Có ai đang thổi mây vậy? Bà ơi, bà xem kìa, mây bay cực nhanh luôn.
Tính tò mò của thằng bé không bao giờ được thỏa mãn. Nó theo dõi mọi thứ trên bầu trời, dưới mặt đất. Nó ngửa mặt nhìn lên trời một lúc.
Bà nó kiên nhẫn và nhẹ nhàng.
– Bà đã nhiều lần nhắc cháu là đừng có sờ tay vào kính. Gió thổi mây bay đấy. Gió xuất hiện khi có sự chênh lệch áp suất của không khí…
– Bà ơi, bà ơi, – thằng bé ngắt lời bà và tôi ngầm công nhận nó có lý, – nhà thờ phát sáng, nhà thờ phát sáng!
– Marcin, – bà nó lên tiếng vẻ quở trách, – đó là Cung Văn hóa đấy chứ, chúng ta sắp đến nơi rồi, cháu không nhận ra hay sao? Nó không phát sáng đâu, đó là nắng phản chiếu từ chóp…
Tôi nhìn qua tấm kính bẩn và tôi thấy tòa nhà phát sáng. Không có gì phản chiếu cả đâu, làm gì có chóp. Tôi cũng quả quyết đó là nhà thờ. Sao những người lớn tuổi lại nỡ chặt cánh của những chú bé lãng mạn. Biết đâu Hirek tuyệt vời và nhạy cảm lớn lên từ một chú bé Marcin như thế này. Có thể nghĩ rằng Hirek đã không có một người bà độc địa. Tôi sẽ chẳng nghĩ về chuyện này mà làm gì. Không phải hôm nay, khi tôi đi làm cho mình trở thành một người đàn bà đẹp.
Tôi ở chỗ thợ cắt tóc hai tiếng rưỡi đồng hồ. Tóc highlight, kiểu mới, tỉa tót v.v… thì phải lâu chứ còn gì. Tôi trả một trăm bảy mươi zloty. Khi ra tàu về nhà tôi mua thuốc nhuộm, hạt dẻ đen và báo.
Sân ga lùi ra xa, tôi dùng tờ báo che mặt. Chạy lùi ra xa cùng với sân ga còn có kiốt và hàng chữ to “Bệnh viện ngoại khoa”, có kẻ nào đó đã viết thêm vào hai chữ: “Bi đát”.
Tôi nhìn qua cửa kính bẩn thỉu của con tàu, cho dù bên cạnh tôi không còn Marcin và bà của thằng bé. Nhưng có rất nhiều người đi làm về, họ đọc các tờ báo in màu hoặc ngồi ngủ gật. Cũng may không có ai để ý đến cái đang có trên đầu tôi. Lúc mặt trời lặn, cái chóp Nhà thờ Văn hóa và Khoa học óng ánh bảy sắc cầu vồng. Con tàu lao về phía tây, lướt qua ngôi nhà vàng. Đến ga P–Opacz tôi nhìn về phía mũi tên. Mũi tên chỉ lên mái nhà ga. Trên mái có đặt màn hình tivi. Trên màn hình có kẻ nào đó viết dòng chữ bằng bút dạ: “Mi nhìn gì? Ta là radio.” Mấy con thú hoang vụt bay lên, chúng lao vào những cây bạch dương người ta đã treo những lá nhỏ xíu. Ai đó đã thổi mây đi chỗ khác – bầu trời trong xanh.
Tôi đã có trên đầu mình kiểu tóc mới, highlight, vuốt keo. Nom tôi thật khủng khiếp. Khi nhảy ra khỏi con tàu tôi chỉ ước ao một điều: chỗ thuốc nhuộm tôi mua ở phút chót sẽ bám tóc. Mong sao Beata, vốn có tài cắt tóc cả bằng kéo Đức, có nhà và có thể đến được. Và mong sao không một ai nhìn thấy tôi. Tôi cúi đầu chạy vào nhà. Suýt nữa tôi ngã vào bà láng giềng bán trứng. Bà ta không chào đáp lại tôi. Bà ta không nhận ra tôi.
Khi tôi mở cổng, Ula ngó sang. Cô bạn kêu lên:
– Lạy Chúa, có chuyện gì vậy, mình sang ngay đây!
Tệ hơn là mình tưởng. Tôi lao vào nhà và biến ngay vào phòng tắm. Tôi chúi đầu xuống dưới vòi nước. Không bao giờ – tôi thề, tôi hứa – tôi sẽ không cố biến mình thành người đàn bà thanh lịch nữa! Một lát sau Ula lao vào nhà. Vốn tốt bụng nên cô bạn tôi cố động viên tôi. Cô ta sẽ chải thuốc nhuộm lên những sợi highlight lem nhem ngay bây giờ, thuốc sẽ bám tóc, bằng mọi giá phải kéo Beata đến đây, cô ta có thể cắt cho bằng mái tóc của tôi.
Tôi gọi điện cho Beata. Sau một giờ cô ấy đến. Ngay ngoài cửa đã oang oang:
– Em đã bảo chị là đừng có tự cắt.
Lạy Chúa, tại sao ngài cứ thử thách con nặng nề như vậy! Thuốc nhuộm bám chặt. Xóa sạch dấu vết highlight. Beata sửa sang mái tóc của tôi. Thành công rồi! Nom tôi như trước lúc làm đầu, mỗi tội số lượng tóc giảm đáng kể. Và tiền cũng giảm đáng kể.
Chiếc váy mặc vừa vặn! Hoan hô! Tôi giảm được ba cân rưỡi, thậm chí tôi cũng không nhận ra điều này. Từ dạo bị phản bội, tôi gầy đi. Đó là dấu hiệu mách rằng giai đoạn tiếp theo trong đời tôi đã bắt đầu rồi!

o O o

Chuyện không hay: Tosia in từ máy tính lá thư tôi gửi cho ông bố của cô bé trượt tốt nghiệp trung học phổ thông; nó đóng đinh treo bài thơ trên cửa.
– Con không phải là sở hữu của mẹ, – con bé hét toáng lên, – những người khác thì mẹ khuyên bảo tận tình, thế mà mẹ lại bị lệ thuộc vào con! Mẹ hãy để cho con yên, cả căn phòng của con, và cảnh bề bộn của con nữa!
Tôi có một đứa con gái thông minh và khó tính.
Nửa giờ nữa là tôi phải đi. Bây giờ Tosia trang điểm cho tôi. Nom tôi rất khá. Tuyệt diệu. Phi thường. Có điều phải nhớ – đừng có chọc tay vào mắt, chọc tay vào mắt, cấm!
Lúc chạy ra ga tôi băng qua chỗ bà bán trứng. Bà ta không nhận ra tôi! Thế lại hóa hay!

o O o

Jola, hồi trước do sơ ý, được gọi là con mẹ Răng Vàng, quả là người đàn bà tuyệt vời nhất trần đời! Cầu cho cô ta không bao giờ bị bệnh đậu mùa, giang mai, sâu răng và thừa cân. Nếu không vì cô ả thì chẳng bao giờ có chuyện tôi được hẹn hò với người đàn ông tuyệt vời nhất trần đời! Tôi không biết một người đàn bà cảm thấy thế nào khi được người đàn ông của mình chẳng những nhường áo khoác và mời đi ăn một bữa tối tuyệt vời, mà còn đợi trên sân ga với bó hoa trong tay!
Tôi đâu có biết là tôi có thể được tặng một bó hoa như thế này. Có lẽ tôi chẳng bao giờ biết nếu không nhờ Jola! Cầu cho họ thuận chèo mát mái. Sao tôi lại ngu ngốc mà đi trách móc cô ta!
Sao lại có chuyện người ta không bao giờ hay biết khi mọi chuyện tồi tệ trở nên tốt đẹp. Ula đã nói với tôi như vậy từ lâu cơ mà!
Anh đứng đợi, tay cầm bó hoa hồng. Năm loại hoa hồng và tám màu. Trong đời chưa bao giờ tôi nhìn thấy một bó hoa như thế này! Anh ôm tôi bên những thứ mê hồn đó, giữa đám đông hành khách, bên dưới tấm bảng đề: “Chú ý, điện cao thế”. Các bạn cứ tin đi – tôi cảm nhận điều này! Thế giới đang xoay tròn quanh tôi, tôi thề như vậy.
Rồi sau đó là bữa ăn tối. Khi uống sâm banh anh nắm tay tôi và kể về mình. Khi vợ bảo muốn sống với người khác, anh liền ra đi. Anh để lại cho cô ta tất cả mọi thứ – nghĩa là nhà cửa và ô tô, vì đàn bà làm lại mọi thứ từ đầu bao giờ cũng khó khăn hơn. Cho tới nay hai người chỉ còn là bạn của nhau. Họ không có con, cho nên anh không tranh giành, chỉ tôn trọng quyết định của cô ta. Vì khi yêu thật sự, người ta muốn người kia được đẹp lòng! Anh là một người hoàn toàn khác tất thảy mọi đàn ông trên thế giới này!
Rồi tiếp nữa – tôi biết điều này nghe thật khó tin, bản thân tôi cũng không tin cơ mà – anh nói, suốt đời anh đã chờ, đã đợi để gặp được một người đàn bà như tôi và anh sẽ tiếp tục đợi chờ, tôi không cần quyết định ngay, nhưng hãy cho anh cơ hội, khi số phận đã đưa cơ hội đến cho hai người. Cũng may là anh đã không nhìn thấy tôi khi tôi ra khỏi hiệu cắt tóc. Lúc đó nom tôi chẳng ra làm sao cả.
Sau đó chúng tôi hôn nhau ngoài phố. Tiếp nữa lái xe của anh đưa tôi về nhà. Mười hai giờ đêm, điện thoại hỏi: tôi đã về đến nhà chưa, tôi có nghĩ về anh không v.v… Anh đi London hai tuần. Sẽ gửi email cho tôi. Và anh đã gọi điện.
Tôi yêu rồi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.